(CLO) Trong nhiều năm qua, khi nhắc đến chùa Khai Nguyên nhiều người vẫn bị nhầm lẫn rằng chùa có tên gọi khác là chùa Tản Viên, lý do vì 2 ngôi chùa này cùng 1 vị thầy Trụ Trì và các hoạt động hoằng Pháp ở 2 ngôi chùa đều tương tự nhau.
(CLO) Trong nhiều năm qua, khi nhắc đến chùa Khai Nguyên nhiều người vẫn bị nhầm lẫn rằng chùa có tên gọi khác là chùa Tản Viên, lý do vì 2 ngôi chùa này cùng 1 vị thầy Trụ Trì và các hoạt động hoằng Pháp ở 2 ngôi chùa đều tương tự nhau.
Tại Hà Nội, có rất nhiều ngôi chùa lớn, nổi tiếng và linh thiêng. Đặc biệt, có 2 ngôi chùa nằm cách nhau khoảng 35km có nhiều nét tương đồng giống nhau và cùng 1 thầy Trụ Trì, khiến nhiều người vẫn bị nhầm lẫn tên gọi. Đó là chùa Khai Nguyên (xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội) và chùa Chùa Tản Viên (xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội).
Hình ảnh chùa Khai Nguyên bên trái, còn chùa Tản Viên bên phải.
Thông tin từ đại diện chùa cho biết, nhiều năm qua người dân khi nhắc đến chùa Khai Nguyên thường nhầm lẫn chùa này còn có tên gọi khác là chùa Tản Viên. Cũng bởi, cả 2 ngôi chùa đều chung 1 vị thầy Trụ Trì là Thượng Toạ Thích Đạo Thịnh và các hoạt động hoằng Pháp ở 2 ngôi chùa được Thượng Tọa cho tổ chức có nhiều nét tương tự nhau như thuyết pháp, tổ chức pháp hội, khoá chuyên tu dành cho Phật Tử.
Thêm vào đó cả 2 ngôi chùa đều có pho Đại Tượng được đặt tại vị trí cao của chùa, cùng mang những vẻ đẹp của lối kiến trúc cổ kim kết hợp nên làm cho 2 ngôi chùa có nhiều điểm tương đồng có lẽ đây chính là những nguyên nhân gây ra sự nhầm lẫn thú vị này.
Được biết, chùa Khai Nguyên xưa kia có tên là ''Cổ Liêu Tự'' thường được gọi là Chùa Cheo thuộc địa phận Thôn Tây Ninh - Xã Sơn Đông - Thị Xã Sơn Tây - TP Hà Nội, gần sát với khu di tích lịch sử Đền Măng Sơn. Ngôi Chùa có niên đại lịch sử từ nửa đầu thế kỷ XVI.
Trải qua thời gian mưa nắng, ngôi Chùa đã được nhân dân, Phật tử trùng tu, tôn tạo lại nhiều lần, hiện những di vật có niên đại lịch sử lâu nhất của chùa là hai bia đá: một được tạc vào niên hiệu Cảnh Hưng thứ mười chín (1759); một được tạc vào niên hiệu Gia Long thứ mười bốn (1816) và chuông đồng được đúc vào niên hiệu Tự Đức thứ hai mươi hai (1870).
Đến nay, ngôi chùa này đã được sửa sang tôn tạo khang trang, với điểm nhấn là pho Đại Tượng Phật cao 72m với tên gọi là tượng Phật A Di Đà vì hoà bình thế giới.
Về chùa Tản Viên xưa kia có tên hiệu đầy đủ là “Tản Viên Sơn Quốc Tự“. Đây là một ngôi chùa cổ có từ ngàn xưa. Chùa Tản Viên Sơn tọa lạc trên một vị thế rất đẹp trên dãy núi Ba Vì - Hà Nội.
Chùa Tản Viên cũng có một pho Đại Tượng Phật cao khoảng 35m, đặt ngay trong khuôn viên của chùa, với tên gọi là Đại Thông Trí Thắng Như Lai.
Được biết, đây là ngôi chùa cổ có niên đại lịch sử từ thời nhà Lý (nửa đầu thế kỷ 11). Ngôi chùa có nhiều nét cổ kính vẫn còn lưu lại.
Hình dáng và hoa văn trên mái ngói của chùa Tản Viên và chùa Khai Nguyên đều có nét giống nhau.
Bên trong không gian điện của chùa, các bức hoành phi, câu đối..., cũng tương đồng nhau.
Đặc biệt, cả 2 ngôi chùa là Tản Viên và Khai Nguyên đều có các pho tượng được làm từ ngọc bích quý giá.
Mặc dù cả 2 chùa đều có nhiều đường nét, trạm trổ tương đồng nhau. Nhưng mỗi ngôi chùa lại mang những nét đẹp rất riêng.
Nếu như chùa Khai Nguyên mang vẻ đẹp trang nghiêm giữa vùng quê yên bình thì Chùa Tản Viên lại giống như đóa sen nằm uy nghiêm giữa đại ngàn.
Một số hình ảnh tại chùa Tản Viên.
Hà Nội
1113 lượt xem
Ngày cập nhật
: 18/02/2024
Quang Hùng