Đình Vĩnh Ninh

Đình Vĩnh Ninh

Đình Vĩnh Ninh thuộc thôn Vĩnh Ninh, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang (trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 thuộc xã Dĩnh Kế, tổng Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhỡn, tỉnh Bắc Giang). Di tích đình Vĩnh Ninh nằm về phía Đông Bắc thành phố Bắc Giang và đầu đường quốc lộ 31 nên đường đi rất thuận lợi cho khách tham quan, đình Vĩnh Ninh cùng với các công trình tín ngưỡng văn hoá khác của xã Dĩnh Kế (nghè Cả và chùa Kế) tạo thành một quần thể di tích liên hoàn rất có giá trị. Nơi dựng đình là chốn "địa linh" của địa phương, truyền rằng làng Vĩnh Ninh xưa nằm trên thế đất hình con quy (Rùa) và đình làng được dựng trên đầu con quỷ, mặt ngoảnh nhìn hướng Tây. Đó là nơi đất đẹp và linh thiêng. Tương truyền ngày xưa bất cứ ai qua đình cũng phải ngả nón, quan lại đi qua đều phải "hạ mã", nếu không sẽ bị Thánh trừng phạt, người nào làm việc gì trái đạo lý sẽ bị thánh gieo tai hoạ bất ngờ… Đình Vĩnh Ninh xưa có quy mô kiến trúc to lớn, đồ sộ, là công trình kiến trúc cổ, được khởi dựng triều vua Lê cách ngày nay khoảng hơn 300 năm, được tu bổ mở rộng vào triều vua Lê niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3 (1731) theo cấu trúc truyền thống, gồm 3 công trình chính: Tiền tế, trung đình và hậu cung. Từ xa, người ta có thể dễ dàng nhận ra công trình kiến trúc quy mô này bởi các công trình của đình nằm trên khu đất cao, bốn mặt có tường bao ngăn cách với bên ngoài. Từng toà kế tiếp nhau tầng tầng, tạo cảm giác nơi thờ tự thật sự thâm nghiêm, sống vẫn gần gũi thân thuộc bởi các hình khối, đường nét nhẹ nhàng thanh thoát. Tòa tiền tế: Liền với mái và cùng bờ chảy với toà trung đình và toà tiền tế, công trình này gồm ba gian hai trái, khung gỗ lim, với đao cong mái uốn mềm mại, thanh thoát, chạm khắc, đắp vẽ tài nghệ, tinh xảo, phía trước có cửa bức bàn. Tiền tế là nơi hội họp và sắm sửa đồ tế lễ của nhân dân địa phương. Toà trung đình: Cách hậu cung khoảng 1,50m, công trình này gồm năm gian hai dĩ, khung gỗ lim, mái lợp ngói, hai bên hai hồi đình không có đao. Toà này, là nơi tế lễ của nhân dân nên đồ thờ tự được bài trí đơn giản, gọn gàng gồm có tắc tải, sập thờ, đặt bộ "thất sự", đồng thời là nơi đặt lễ vật của nhân dân mỗi dịp sự lệ tuần tiết. Gian giữa toà trung đình (còn gọi là gian lòng giếng, có nơi gọi là gian lòng đám) thấp hơn hai gian bên. Đó là nơi tế lễ-hai bên là chỗ ăn ngồi của toàn dân theo tôn ty trật tự truyền thống của làng: “Triều đình trọng tước, hương đảng trọng xỉ”(Ở triều đình quí trọng chức tước, ở nhà quê trọng người rụng răng cao tuổi). Tòa trung đình cũng là nơi đặt chiêng và trống; trên mái các gian treo hoành phi, các cột treo câu đối sơn son thếp vàng rực rỡ. Tòa hậu cung: Gồm một gian hai chái, khung gỗ lim mái lợp ngói, có 4 đao thanh thoát, đỉnh nóc đắp đôi Rồng chầu mặt nguyệt. Tòa hậu cung là trung tâm thờ tự đức Thánh Cao Sơn-Quý Minh. Trong hậu cung, khám thờ được bài trí trang trọng ở gian giữa, trong khám đặt ngai và bài vị Đức Thánh. Hai bên khám là hai ngựa thờ (nhị mã thiên thần), trước là nhang án thờ, trên đặt bộ thất sự bằng đồng, hai bên là bộ siêu đao, bát biểu, trên cùng là bức hoành phi Thượng đẳng tối linh, hai bên cột treo câu đối. Trong hậu cung còn đặt kiệu bát cống (bộ đồ rước bài vị và nồi hương thờ đức Thánh mỗi khi cả xã cùng mở hội ở đình hàng xã và nghè Cả). Tất cả các đồ thờ tự ở đình đều được tạo tác bằng chất liệu gỗ, được chạm khắc, trang trí tinh xảo đến từng chi tiết nhỏ, được sơn son thếp vàng rực rỡ thể hiện sự tài khéo của các nghệ nhân dân gian xưa. Tất cả là những sản phẩm nghệ thuật cổ đặc sắc mà ít nơi còn giữ được cho đến nay. Tòa hậu cung, có cửa bức bàn, ngăn cách với bên ngoài là nơi tối linh không ai được vào, trừ cụ thủ phiên. Ngoài các công trình chính, đình Vĩnh Ninh còn các tòa giải vũ ở hai bên sân đình, cửa toà tiền tế. Mỗi toà 3 gian gỗ lim, mái lợp ngói, tường xây gạch. Toà bên đông có sàn gỗ để đặt cỗ và lễ vật, toà bên tây không có sàn, thường được sử dụng làm nơi thịt lợn, làm cỗ việc làng. Đình Vĩnh Ninh là công trình tín ngưỡng văn hoá tiêu biểu duy nhất của dân thôn, là nơi thờ hai vị Thánh Cao Sơn-Quý Minh (hai thuộc tướng thời Hùng Duệ Vương). Truyền tích về hai Đức Thánh vẫn được nhân dân địa phương lưu truyền lại qua nhiều thế hệ, truyện kể rằng: Cao Sơn và Quý Minh là hai anh em sinh đôi từ thời Hùng Vương thứ 18, trong một gia đình thi lễ, học hành thông mẫn, võ nghệ kỳ tài khó ai sánh nổi. Khi hai ông 2 tuổi thì cha mẹ đều mất cả. Thời đó, vua Hùng Duệ Vương hạ chiếu lệnh cho các châu, huyện, đạo để tuyển chọn những người có tài năng đức độ ra làm quan lãnh binh đánh dẹp giặc ngoại xâm. Hai ông thấy vậy bèn cùng xin về triều ứng tuyển. Vua thấy hai ông có tài văn võ hơn người, liền tuyển và lệnh cho hai ông giữ chức chỉ huy sứ. Tuy được đội ơn mưa móc của vua, nhưng hai ông không quên cha mẹ-việc tang gia thờ cúng đều rất chu đáo tâm thành. Lại nói: vua Hùng sinh được 4 người con (hai con trai và hai con gái). Nhưng sau đó hai người con trai đều yểu mệnh mất sớm, còn hai người con gái khi đến tuổi trưởng thành Hùng Duệ Vương gả một người cho Chử Đồng Tử, một người gả cho vị tướng họ Nguyễn tên Tùng và truyền ngôi cho. Cùng khi đó ở đất Ai Lao lại có người họ Thục tên Phán, vốn là dòng dõi nhà Hùng, sau khi phân nhánh được sang trị vì đất này và đổi họ, nghe tin Hùng Duệ Vương truyền ngôi cho con rể, Thục Phán đã sinh lòng ghen tức, bèn đem quân sang xâm lược. Hùng Duệ Vương lấy làm lo lắng, liền cho vời Sơn Thánh vào chầu, Cao Sơn-Quý Minh đến lĩnh mệnh và được phong làm tả-hữu tướng quân, tiên phong lên đường dẹp giặc Thục ở miền Đông Bắc. Hai ông Cao Sơn và Quý Minh vâng mệnh lên đường, trống dong cờ mở rợp trời. Khi tới miền Đông Bắc, lộ Bắc Giang thì trời đã sẩm tối, nên hai ông đã hạ trại đóng quân tại đây. Thấy vùng đất này có nhiều lợi thế cho việc quân cơ, hai ông truyền lệnh cho quân dân thiết lập lũy đồn để đánh giặc. NGUỒN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ VĂN HÓA - THỂ THAO - DU LỊCH TỈNH BẮC GIANG

Bắc Giang 92 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Bắc Giang

Đình Phúc Long

Bắc Giang 1305

Di tích cấp quốc gia

Đình Đền Châu Lỗ

Bắc Giang 1215

Di tích cấp quốc gia

Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đình Đông

Bắc Giang 1214

Di tích cấp quốc gia

Đình Vân Cốc Xã Vân Trung

Bắc Giang 1209

Di tích cấp quốc gia

Di tích Lưu niệm Bác Hồ về thăm Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa

Bắc Giang 1198

Di tích cấp quốc gia

Đình Hoàng Mai - xã Hoàng Ninh

Bắc Giang 1154

Di tích cấp quốc gia

Chùa Vĩnh Nghiêm

Bắc Giang 1143

Di tích quốc gia đặc biệt

Chùa Bổ Đà

Bắc Giang 1141

Di tích quốc gia đặc biệt

Núi Đồn - xã Vân Trung

Bắc Giang 1122

Di tích cấp quốc gia

Đình Thổ Hà

Bắc Giang 1052

Di tích cấp quốc gia

Điểm di tích nổi bật