Di tích lịch sử

Bắc Ninh

Nhà thờ 18 Tiến sĩ họ Nguyễn

Nhà thờ 18 tiến sĩ họ Nguyễn, thôn Kim Đôi, phường Kim Chân, thành phố Bắc Ninh được khởi dựng khoảng cuối thế kỷ XV. Nơi đây là nhà ở của cụ Nguyễn Lung khi cụ về đây sinh cơ lập nghiệp. Năm 1990, xây dựng nhà Tiền tế, năm 2015 xây dựng thủy đình. Hiện toàn bộ khuôn viên của di tích đã được xây dựng tường bao bảo vệ, khu vực ao và thủy đình của nhà thờ được cải tạo lại khang trang, sạch sẽ. Nhà thờ chính quay hướng Tây, công trình có kiến trúc kiểu chữ Nhị gồm Tiền tế và Hậu đường. Tiền tế có quy mô 3 gian, với không gian mở và không có cửa, kiến trúc kiểu bình đầu cột trụ cánh phong, hai mái tay ngai. Bờ nóc đắp nổi biển tự dạng bảng văn, bờ dải kiểu tay ngai, mái lợp ngói mũi hài. Bộ khung chịu lực gồm 4 hàng cột dọc, 4 hàng cột ngang, gồm 4 bộ vì chính, kết cấu vì nóc kiểu chồng rường giá chiêng, vì nách kiểu kẻ ngồi, cột hiên đỡ kẻ hiên, trên các con chồng, câu đầu, xà nách, kẻ hiên đắp vẽ hoa lá cách điệu. Hậu đường có quy mô 5 gian, cửa mở 3 gian chính giữa kiểu thượng song hạ bản, gian dĩ trổ cửa chữ Thọ tròn. Bộ khung chịu lực gồm 6 hàng cột dọc, 5 hàng cột ngang, gồm 6 bộ vì chính, kết cấu vì nóc kiểu giá chiêng chồng rường, vì nách kiểu kẻ ngồi, cột hiên đỡ kẻ hiên, trên các con chồng, câu đầu, đầu kẻ đắp vẽ hoa lá cách điệu. Nhà thờ họ Nguyễn là nơi thờ phụng các bậc tiên tổ (nội, ngoại), các danh nhân khoa bảng của dòng họ và những người thầy có công truyền dạy kiến thức, chữ nghĩa, học lễ, học văn…cho con cháu trong họ, góp phần gây dựng truyền thống khoa bảng hiển vinh của gia tộc. Nhà thờ 18 tiến sĩ họ Nguyễn được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia, ngày 21/01/1989. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh 1057 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Cụm di tích: Đền Vân Mẫu - Nghè Chu Mẫu - Nhà Cố Trạch

Đã từ lâu trong dân gian xứ Kinh Bắc, dọc đôi bờ sông Cầu có khoảng 372 làng thờ Thánh Tam Giang, tương truyền là những danh tướng của Triệu Quang Phục có công đánh giặc Lương vào khoảng thế kỷ VI. Đặc biệt, tại xã Vân Dương còn cụm di tích phản ánh về quê hương của các Thánh như: Nghè Chu Mẫu là nơi thờ tứ vị Thánh Tam Giang, Nhà Cố Trạch là nhà của Thánh Mẫu và ngôi đền thờ cùng lăng mộ Thánh Mẫu mà dân gian vẫn thường gọi là “Đền Vân Mẫu”. 1. Đền Vân Mẫu tương truyền được xây dựng ngay sau khi bà Phùng Thị Nhan (tức thân mẫu của các Thánh Tam Giang) qua đời. Ngôi đền tọa lạc trên khu “cát địa” tại phía Tây Bắc làng Vân Mẫu, chính đền là “hàm rồng”, hai bên có giếng ngọc chính là đôi mắt rồng. Theo nhân dân địa phương, xưa ngôi đền có quy mô khá lớn: Phía trước là 5 gian Tiền tế, sau đến mộ Thánh Mẫu, hai bên là dải vũ, phía sau cùng là 3 gian Hậu cung. Sang thời Nguyễn, ngôi đền được tu bổ tôn tạo lại. Năm 1952, công trình đã bị phá hủy hoàn toàn bởi giặc Pháp, duy chỉ có phần mộ là còn nguyên vẹn. Năm 1975, nhân dân địa phương đã quyên góp tiền của để tu dựng lại ngôi đền nhỏ trên nền xưa đất cũ để thờ Thánh Mẫu. Tòa đền chính nằm trên nền đất khá cao so với mặt bằng tổng thể của di tích, kết cấu kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm: 3 gian, 2 chái 4 mái đao cong, bộ khung gỗ lim chắc chắn, gồm 4 hàng cột ngang, 6 hàng cột dọc, được liên kết bởi chồng rường giá chiêng, trang trí chạm khắc tinh xảo. Năm 2012, nhân dân địa phương xây mới toà Tiền tế phía trước mộ đức Thánh Mẫu, quy hoạch xây tường bao xung quanh mộ bằng đá kiểu lục giác. Toà Tiền tế có kiến trúc chồng diêm 2 tầng 8 mái đao cong, liên kết với nhau bởi 4 cột gỗ lim to khỏe được chạm nổi với đề tài tứ linh, tứ quý và hoa lá cách điệu. Hiện nay, đền thờ Thánh Mẫu còn lưu giữ được bản thần tích Thánh Tam Giang, 13 đạo sắc phong với các niên đại: Duy Tân 3, Cảnh Thịnh 4, Tự Đức 3, Gia Long 9, Thiệu Trị 4, Khải Định 6, Khải Định 7, Minh Mệnh 2, Đồng Khánh 2... 2. Nhà Cố Trạch. Nằm cách đền Thánh Mẫu chưa đầy 300m về phía Tây Nam là nhà Cố Trạch, tương truyền là nhà ở của Thánh Mẫu. Căn cứ tư liệu lịch sử, Nhà Cố Trạch xây dựng từ lâu đời, trước chỉ là một lều cỏ, hàng ngày bà đi làm, tối về đây trú chân. Sau khi bà mất, để tưởng nhớ công ơn đã sinh ra đức thánh Tam Giang, nhân dân địa phương đã lấy ngôi nhà bà ở khi xưa làm nơi thờ tự. Trải qua thời gian, Nhà Cố Trạch được nhân dân địa phương tôn tạo mở rộng ngày càng khang trang với kết cấu kiến trúc kiểu chữ nhị gồm: Hậu cung và Tiền bái. Hậu cung là một căn nhà gạch 3 gian, lợp ngói móc, phía trước trổ 3 cửa hình vòm, bên trong là các bệ thờ xây gạch, xây thoáng gồm 7 hàng chồng lên nhau. Cấu trúc khung nhà đơn giản, theo kiểu con chồng kẻ chuyền trốn cột ở lòng nhà. Tiền bái được trùng tu năm 1994, bộ khung gỗ tứ thiết được liên kết bởi 4 hàng cột ngang, 6 hàng cột dọc, kiến trúc thượng chồng giường, hạ kẻ ngồi. Năm 2002, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng Nhà khách 5 gian trong khuôn viên nhà Cố Trạch. Năm 2016, xây dựng thêm 1 toà nhà 3 gian để thờ bà Đạm Nương (người con gái út của Thánh Mẫu). 3. Nghè Chu Mẫu cách đền Thánh Mẫu khoảng 500m, nằm ở phía Đông Bắc của làng, mặt quay về hướng Đông, vốn được khởi dựng từ lâu đời. Đến thời Nguyễn, nghè được trùng tu khá quy mô, tọa lạc trên diện tích đất 803m2, bao gồm: Đại Đình, Hậu cung, cổng Nghi môn. Toà chính có kiến trúc kiểu chữ Nhị gồm Đại đình 3 gian 2 chái, vì nóc giá chiêng, vì nách cốn mê có chạm rồng cuộn mây, trên bờ nóc trang trí hình “lưỡng long chầu nguyệt”, con kìm, con sô. Hậu cung 3 gian, bộ khung gỗ táu to khoẻ được chạm khắc hoa lá cách điệu. Nghè Chu Mẫu hiện còn bảo lưu được 4 pho tượng Thánh Tam Giang bằng chất liệu đá xanh, chính vì vậy dân gian còn gọi Nghè tứ vị. Cả bốn pho tượng đều tạc trong tư thế ngồi trên ngai, đầu đội mũ quan, mặc áo thêu rồng, phượng. Điều quý giá là làng xã nơi đây còn gìn giữ được nhiều tài liệu, cổ vật quý phản ánh rõ nét, sâu sắc về quê hương Thánh Tam Giang như: tượng thờ, thần phả, sắc phong, bia đá cùng nhiều đồ thờ tự khác. Như vậy, cụm di tích thờ Thánh Tam Giang nói chung, cụm di tích xã Vân Dương nói riêng là một hiện tượng tín ngưỡng dân gian lớn với bề dày lịch sử hơn ngàn năm và không gian văn hóa rộng lớn trên 372 làng thờ phụng tưởng niệm, phản ánh sâu sắc về hình mẫu anh hùng dân tộc, những người có nhiều công lao lớn với dân, với nước. Với những giá trị to lớn đó, năm 1989, cụm di tích đền thờ Thánh Mẫu, nhà Cố Trạch và nghè Chu Mẫu thuộc xã Vân Dương đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh 1116 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Cụm di tích đình đền chùa Điều Sơn

Đền Điều Sơn, khu phố 1, phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh vốn được xây dựng từ lâu đời. Theo văn bia còn để lại, ngôi đền được trùng tu vào thời Nguyễn (1874 ). Trải qua thời gian cùng biến cố thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên, đền đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2018 cùng với kinh phí của Nhà nước và nhân dân địa phương đóng góp, đền được trùng tu khang trang như hiện nay. Hiện nay, đền Điều Sơn có kiến trúc kiểu chữ Nhị. Toà Tiền tế 5 gian, 2 chái. Bộ khung gỗ, vì nóc kiểu "giá chiêng" chạm khắc hoa lá cách điệu, vì nách kiểu ván mê chạm “tứ quý”, cửa mở ở 3 gian giữa với hệ thống cửa thượng song hạ bản. Toà Hậu cung 3 gian 2 chái, vì nóc theo kiểu “giá chiêng”, vì nách kẻ ngồi. Đền Điều Sơn thờ thành hoàng là mẫu đức Thánh Gióng và phối thời bà Khôn Ninh công chúa (là vợ của tướng Trần Lựu); phối thờ đức Trần Lựu - một danh tướng của Lê Lợi; phối thờ đức Cao Sơn Quý Minh - người có công giúp vua Hùng Vương thứ 18 đánh thắng giặc Thục. Các hiện vật tiêu biểu gồm: tượng thờ, hương án, hoành phi, câu đối, kiệu rước, bộ bát bửu, hạc, ngựa, bia đá, cây hương đá. Đền Điều Sơn trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo song vẫn giữ được dáng vẻ truyền thống. Nơi đây là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương, là nơi thờ phụng những người có công lao to lớn với dân với nước. Hiện đền còn bảo lưu được một số tài liệu hiện vật tôn vinh người được thờ tại đền. Đền Điều Sơn cùng lễ hội truyền thống và các hoạt động tâm linh tín ngưỡng đã góp phần bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng tình đoàn kết cộng đồng dân cư. Đền Điều Sơn là di tích lịch sử cấp Quốc gia, ngày 02/03/1990. Phía Nam giáp Đền Điều Sơn là Chùa Điều Sơn, tọa lạc trên diện tích đất gần 1.000 m2. Cổng chùa quay theo hướng Đông nhìn ra đường Hoàng Quốc Việt, Tam Bảo chùa quay hướng Nam nhìn ra Đền Điều Sơn. Toàn bộ khuôn viên chùa được xây tường bao bảo vệ, các công trình kiến trúc khang trang. Tòa Tam bảo hiện có kiến trúc kiểu chữ Đinh với thiết kết cột trụ lồng đèn mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp bức cuốn thư ghi lại tên của chùa. Tòa Tam bảo gồm Tiền đường 5 gian, Thượng điện 3 gian. Chùa Điều Sơn là di tích có vị trí cảnh quan, kiến trúc cùng khuôn viên đẹp. Hệ thống tượng Phật cùng các đồ thờ tự trong chùa mang đậm những nét đặc trưng của phật giáo Việt Nam. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh 1138 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình chùa Đọ Xá

Chùa Đọ Xá tọa lạc ở vị trí trung tâm của khu phố Đọ Xá, phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh. Chùa Đọ Xá được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII. Chùa thờ Phật Tổ và các vị La Hán. Chùa Đọ Xá được xếp hạng là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1992. Chùa có vị trí cảnh quan, kiến trúc đẹp, được thiết kế, trang trí theo lối truyền thống, chạm khắc trang trí tinh xảo, nghệ thuật. Hệ thống tượng Phật cùng các đồ thờ tự trong chùa mang phong cách đặc trưng của mỗi thời kỳ và tài năng của các nghệ nhân chế tác. Tòa Tam bảo chùa Đọ Xá hiện có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm Tiền đường 5 gian, Thượng điện 4 gian. Hệ thống cửa được mở ở cả 5 gian hướng Tây Nam theo kiểu cửa bức bàn. Từ sân tới nền tòa Tam bảo là 7 bậc cửa làm bằng đá xanh. Phần mái chùa lợp ngói mũi, trên đỉnh nóc đắp nổi tên chữ của chùa “Quang Minh tự” bằng chữ Hán. Chùa được xây theo kiểu bình đầu bít đốc tay ngai. Hai bên hồi phía trước cửa Tam bảo là hai cột đồng trụ, trên cột đắp các câu đối bằng chữ Hán. Bên cạnh công trình chính là tòa Tam bảo, trong khuôn viên của chùa còn có các công trình Tam quan, nhà Tổ, nhà mẫu và nhà ở của sư đều được xây dựng theo dáng vẻ truyền thống, hài hòa với kiến trúc của công trình chính với vẻ đẹp khang trang, tố hảo. Hiện trong chùa còn bảo lưu được một số hiện vật tiêu biểu như: Bia “Linh bi đỗ tự bi ký”, niên đại Vĩnh Thịnh 2 (1706); Bia “Hậu Phật bi ký”, niên đại Tự Đức 29 (1875); Bia “Hậu Phật bi ký”, niên đại Tự Đức 29 (1875); Bia Hậu Phật bi ký, niên đại Tự Đức 29 (1876); 1 chuông đồng đúc năm 1898; các pho tượng Phật thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Hội chùa Đọ Xá diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch. Ngôi chùa từ lâu đời là trung tâm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng trong đời sống tinh thần của biết bao thế hệ người dân quê hương nơi đây, góp phần giáo dục và phát huy tình đoàn kết cộng đồng làng xã, giúp con người hướng thiện trừ ác. Chùa Đọ Xá và Đình Đọ Xá nằm liền kề nhau tạo thành một quần thể kiến trúc với không gian mở không có tường bao mà để thông thoáng với xung quanh. Theo văn bia, Đình Đọ Xá được khởi dựng từ lâu đời, đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 18), đình được trùng tu với quy mô rất lớn chạm khắc “tứ linh tứ quý) lộng lẫy. Nhưng trải lâu năm đình đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo. Hiện đình Đọ Xá là công trình kiến trúc mới được trùng tu, nhưng vẫn còn bảo lưu được những mảng chạm khắc thời Lê Trung Hưng với “Rồng mây” tinh xảo nghệ thuật. Đình Đọ Xá còn bảo lưu được những tài liệu cổ vật quý giá là hệ thống thần tích thần sắc, bia đá đã cho biết khá rõ về lịch sử ngôi đình, cũng như người được thờ. Bản “Thần tích Thần sắc” của đình Đọ Xá được kê khai năm 1938, được sao chụp lại của Viện Thông tin Khoa học Xã hội cho biết: Đình Đọ Xá thờ Thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát) có công đánh giặc Lương ở thế kỷ 6 và còn ghi chép lại nội dung một số đạo sắc phong của Thánh Tam Giang được thờ ở đình làng. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh 1128 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền thờ Nguyễn Phúc Xuyên

Từ đường dòng họ Nguyễn - cũng chính là đền thờ Danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên ở xóm 7 (nay là khu 7 phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên nổi tiếng với cách trị bệnh cứu người dị thường và chủ thuyết Gia đạo - một giáo lý mà tầm ảnh hưởng còn đến hôm nay trong đời sống tinh thần của con cháu dòng tộc. Đền thờ danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên có tên gọi Bồ Tát Linh Từ, dựng trên khu đất rộng giữa làng Đông Pheo xã Đại Vũ, Tổng Đỗ Xá, huyện Sóc Giang, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc ngày trước. Đền quay hướng Đông Nam, trước mặt là dải đồng chiêm trũng mang tên Đồng Nhân; có sông Ngũ Huyện uốn khúc bao quanh, xa hơn là núi Ba Huyện, Mộc Hoàn, Bát quả Bồ Sơn. Sau lưng là núi Vũ Sơn bên dòng Như Nguyệt. Đây vốn là sinh từ và sinh phần của Thiên sư đại Bồ tát - đạo hiệu của danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên. Theo những tư liệu lịch sử, đền thờ Nguyễn Phúc Xuyên được xây dựng vào thế kỷ thứ XVIII. Gia phả dòng họ cho biết, ban đầu đền là ngôi nhà của cụ Nguyễn Phúc Xuyên, sau khi cụ mất, ngôi nhà trở thành đền thờ. Năm 1768, cháu 4 đời ngành Quý chi là Nguyễn Phúc Giám cho sửa chữa lại. Qua thời gian, di tích này đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần, ngày càng khang trang tố hảo với quy mô gồm: Cổng tam môn uy nghi, đẹp đẽ; toà chính gồm 5 gian tiền tế, 3 gian hậu cung; hai bên bố trí tả vu, hữu vu, nhà mẫu, phía sau là lăng mộ của ngài. Có hồ nước trước mặt, mùa về rực sắc sen, súng. Nét độc đáo của di tích chính là ở lối kiến trúc: Trước là đền, sau là lăng mộ. Lối kiến trúc này bắt đầu có từ thời Lê. Đó là hình thức chịu ảnh hưởng của thứ đạo “tiêu dao” quên lãng cảnh trần ai. Toà thờ chính có kiến trúc hình chữ Đinh gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, bộ khung gỗ lim, kết cấu vì nóc theo kiểu giá chiêng, vì hai gian bên theo kiểu chồng giường. Trên các cấu kiện kiến trúc đều được chạm khắc rồng mây, hoa lá nghệ thuật và được bài trí hệ thống đại tự, hoành phi, các bản khắc chữ Hán dầy nhiều tầng lớp. Nguyễn Phúc Xuyên - tự là Tế An, đạo hiệu là Thiên sư đại Bồ tát, còn có đạo hiệu là Hàn Thiết, sinh năm Quý Sửu, niên hiệu Hoằng Định thứ 13 đời vua Lê Kính Tông và Chúa Trịnh Tùng (1613), trong một gia đình dòng dõi Nho học, hâm mộ đạo Thiền và làm thuốc tại làng Đông Pheo, xã Đại Vũ, tổng Đỗ Xá, huyện Sóc Giang, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc (nay là phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh). Tổ năm đời của ông là Cử nhân Nguyễn Tiến Tư, hiệu là Thuần Chính, cha của ông là Nguyễn Phúc Khánh. Theo thế phả và truyền kể của dòng họ, tiền tổ của họ Nguyễn Phúc ở Đông Pheo là danh nhân văn hoá - quốc sư triều Lý Nguyễn Minh Không - một tên tuổi lớn trong làng Thiền Việt Nam, với khá nhiều huyền tích xung quanh hành trạng được dân gian thêu dệt về việc chữa bệnh cho vua Thần Tông và quyên đồng đúc chuông, tạo nên 1 trong An Nam tứ đại khí. Thánh tổ Nguyễn Phúc Xuyên lúc mới sinh diện mạo khôi ngô, lớn lên tư phong đĩnh đạc, khí chất thông minh, là người điềm tĩnh, trong sạch, đoan chính, không làm việc gì khác ngoài việc học hành. Qua đó, tri thức dần mở rộng, vượt xa hẳn người thường. Nhưng ông không lấy đó làm đường tiến thân, mà chuyên chăm theo đạo Phật, sớm chiều đèn nhang thành kính. Cùng với đó, việc để tâm nghiên cứu về triết học Lão Tử đã cho ông sự thông tuệ những huyền vi của tạo hoá, và biết nhiều phương pháp thần bí trong hành thuật chữa bệnh cứu người sau này. Ông được triều đình Lê - Trịnh phong là Hộ quốc Thiền sư Thánh tổ Bồ Tát, được người đời tôn là Hoạt Phật (tức Phật sống). Không những giỏi cả Phật học, Nho học và triết học Lão Tử; mà ông còn hợp nhất tư tưởng 3 đạo Phật - Lão - Nho mà đề xướng đạo mới - gọi là Đạo nhà, hay Gia đạo. Đây là một sáng tạo của Nguyễn Phúc Xuyên nhằm thông qua sự vận dụng tinh thần tu nhân, hành thiện, mà nhập thế giúp đời trong hoàn cảnh lịch sử thời Lê - Trịnh đầy rối ren, loạn lạc. Nguồn: Hội Văn Học Nghệ Thuật Tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh 1163 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Văn Miếu Bắc Ninh

Văn Miếu Bắc Ninh là 1 trong 6 văn miếu ở Việt Nam, có giá trị lịch sử, văn hóa, phản ánh truyến thống khoa bảng của vùng quê Kinh Bắc qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước thuộc các triều đại phong kiến. Văn Miếu Bắc Ninh là niềm tự hào về truyền thống khoa bảng của quê hương và là một điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh. Văn Miếu Bắc Ninh được xây dựng trên núi Phúc Sơn, thuộc khu 10 phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh. Văn miếu được xây dựng trước thời Nguyễn (muộn nhất vào thời Lê), để thờ phụng và tế lễ “Đức Khổng Tử” - người được tôn vinh là “Thánh sư” hay “Vạn thế sư biểu” và Tứ phối - các chư hiền của đạo Nho là Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Tư, Mạnh Tử (các vị được phối thờ với Khổng Tử). Tổng thể công trình Văn Miếu Bắc Ninh hiện nay gồm: Cổng Nghi môn, toà Tiền tế 5 gian 2 dĩ, 2 bên hồi Hậu đường là 2 toà Bi đình 5 gian 2 dĩ, 2 bên hồi Tiền tế là 2 toà Tả vu - Hữu vu, tại sân chính giữa cổng Nghi môn và toà Tiền tế dựng bia bình phong. Hàng năm, vào ngày rằm tháng Giêng, tại Văn Miếu tổ chức lễ dâng hương có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo tỉnh để tưởng niệm các bậc tiền nhân, cầu mong quốc thái dân an, tỉnh Bắc Ninh ổn định phát triển, sự nghiệp giáo dục ngày càng tiến bộ. Nơi đây cũng thường đón tiếp các Đoàn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế của tỉnh Bắc Ninh đến dâng hương, báo công sau mỗi kỳ thi. Cổng di tích được xây dựng Tam môn, cột trụ lồng đèn, hai trụ giữa đình đắp phượng tạo thành trái giành, hai trụ bên đặt nghê chầu. Xung quanh lồng đèn, các ô chính đắp nổi kênh bong Tứ linh Tứ quý. Tấm bia đá (bia bình phong) dựng giữa sân Văn miếu “Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn miếu bi ký” (Bia ghi việc trùng tu Văn miếu Bắc Ninh); có kích thước lớn gần 10m2, được coi là bảo vật của Văn miếu. Trên tấm bia ca ngợi vai trò, ý nghĩa của Văn Miếu, cũng như tôn vinh những bậc hiền tài. Trung tâm di tích là tòa Tiền tế gồm 5 gian 2 dĩ, dựng trên nền bó gạch cao hơn sân 55 cm. Phía trước mở cửa bức bàn 3 gian giữa, hai gian bên trổ cửa hình chữ Thọ. Hai hồi tường xây gạch kiểu bình đầu dật cấp, nối cánh phong, cột trụ lồng đèn, đình trải giành. Bờ nóc xây chỉ, hai đầu đắp rồng hóa, chính giữa là đôi rồng chầu mặt nguyệt. Hậu đường kế tiếp sau Tiền đường và nối với nhau bằng một gian giải muống tạo thành chữ Công. Nhà Hậu đường 5 gian được đục chạm Tứ quý. Hậu đường là nơi tôn thờ Chu Công, Khổng Tử, Tứ Phối. Nối liền hai đầu hồi nhà Hậu đường, bên phải dựng nhà bia, bên trái nhà Tạo soạn, mỗi công trình 4 gian, dựng trên nền bó gạch thấp hơn Hậu đường. Kiến trúc theo lối kéo kìm, qua giang vợt. Hai nhà Tả vu, Hữu vu dựng dọc hai bên sân trước Tiền đường, mỗi dãy 4 gian, hai dĩ, kiến trúc đơn giản kiểu bình đầu bít đốc, tường xây gạch, mái lợp ngói mũi, mở cửa cánh ván gian giữa. Nét đặc sắc nổi trội trong số toàn bộ những giá trị còn tồn tại của Văn miếu Bắc Ninh chính là 15 tấm bia đá. Trong đó, 12 bia “Kim bảng lưu phương” được dựng năm 1889, lưu danh gần 700 vị đại khoa quê hương Kinh Bắc là những người làm rạng rỡ truyền thống hiếu học khoa bảng và có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, phát triển nền văn hóa Việt Nam. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh 1263 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Đô và khu Lăng mộ các vị vua triều Lý

Khu lăng mộ và đền thờ các vị Vua triều Lý là chứng tích lịch sử về làng Cổ Pháp xưa và Đình Bảng ngày nay; là đất phát tích, tôn miếu thờ các vị vua triều Lý và còn là nơi an táng của các vị tiên vương và hoàng tộc nhà Lý. Triều Lý (1009 - 1225), từ khi Thái Tổ (Lý Công Uẩn) lên ngôi, dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (1010), trải qua 8 đời vua, truyền ngôi được 216 năm, là giai đoạn nhà nước phong kiến độc lập tự chủ,vững mạnh, nhân dân được sống trong cảnh thái bình, thịnh trị. Khu di tích là công trình kiến trúc đặc sắc, với nghệ thuật điêu khắc đá, điêu khắc gỗ, tạc tượng thờ, kỹ thuật xây dựng đều đạt ở mức tinh xảo và nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể được bảo lưu: tín ngưỡng thờ cúng, lễ hội, phong tục, tập quán.... Khu lăng mộ các vị vua triều Lý còn là di chỉ khảo cổ đặc biệt quan trọng phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Di tích có nhiều tên gọi khác, như Đền Đô, Cổ pháp Điện/Đền thờ Lý Bát Đế và Khu lăng mộ các vị Vua triều Lý (Thọ lăng Thiên Đức hay Sơn lăng cấm địa); bao gồm 2 khu vực chính là: Đền Đô và Khu lăng mộ các vị Vua triều Lý (Sơn lăng cấm địa). 1. Đền Đô: tổng diện tích 31.250m2, được phân chia thành khu nội thành và ngoại thành. Ngoại thành: rộng 26.910m2, gồm các hạng mục hồ bán nguyệt, nhà thủy đình, nhà văn chỉ bên phải, nhà võ chỉ bên trái. Nội thành: rộng 4.340m2, được chia thành khu nội thất và ngoại thất. Nội thất gồm: hậu cung, nhà chuyển bồng, nhà tiền tế, nhà bia và nhà để 8 kiệu thờ, nhà để 8 ngựa thờ ở hai bên. Ngoại thất gồm: phương đình, đền Vua bà, nhà chủ tế, nhà khách, nhà trưng bày, hội trường, ngũ long môn, sân đền, tượng voi, sấu đá… 2. Khu lăng mộ các vị Vua triều Lý (Sơn lăng cấm địa) Khu lăng mộ là nơi an nghỉ cuối cùng của các vua triều Lý, cách đền Đô khoảng 800m về phía Đông Bắc, nằm ở khu Ao Sen, thuộc cánh đồng phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ngày nay, khu lăng mộ các vị vua nhà Lý bao gồm những công trình sau: - Lăng vua Lý Thái Tổ - Lăng Lòng Chảo - Lăng Cả (vua Lý Thái Tông) - Lăng Hai (còn gọi là lăng Con) thờ vua Lý Thánh Tông - Lăng Con Voi (vua Lý Nhân Tông) - Lăng Đường Gio (vua Lý Thần Tông) - Lăng Đường Thuấn (vua Lý Anh Tông) - Lăng vua Lý Cao Tông - Lăng vua Lý Huệ Tông - Lăng bà Nguyên Phi Ỷ Lan - Lăng Phát Tích (lăng Bà Phạm Thị) Hiện vật ở di tích đền Đô và Khu lăng mộ các vị vua triều Lý còn lại không nhiều, có thể kể đến như 8 bài vị ghi tên các vua Lý được sơn son thếp vàng, chạm khắc vào thời Lê, đỉnh đồng, hạc đồng và một số bát đĩa có niên đại thời Lê. Đặc biệt còn một bia đá, niên đại 1604 do Tiến sỹ Phùng Khắc Khoan soạn ghi công đức các vua Lý. Ngoài ra, các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian và thờ các vị vua triều Lý vẫn được duy trì và trở thành truyền thống ở đền Đô. Hằng năm ở Đình Bảng diễn ra 3 lễ hội chính: - Hội chùa vào ngày mùng 7 tháng Giêng. - Hội đình vào ngày 15 tháng Hai, diễn ra 2 ngày chính (từ ngày 14 đến ngày 15 tháng Hai). - Hội đền vào ngày 15 tháng Ba, được diễn ra tại đền Đô. Với giá trị đặc biệt, di tích lịch sử Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Bắc Ninh 1191 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Điểm di tích nổi bật