Di tích lịch sử

Hải Dương

Đền Cuối

Đền Cuối là nơi thờ tự An Nghĩa Đại Vương Nguyễn Chế Nghĩa – một là danh tướng đời nhà Trần, người con của làng Hội Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (nguyên là xã Cối Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu). Ông sinh ra trong một gia đình có danh vọng. Từ nhỏ ông đã có sức khoẻ lạ thường, giỏi cỡi ngựa, sử dụng giáo dài, thiên văn và binh pháp đều tinh thông, đồng thời lại thích ngâm vịnh và làm thơ. Nhờ thông minh, có tài, lại đúng thời nhà Trần cần người tài giỏi nên ông được đầu quân dưới trướng Phạm Ngũ Lão và tham gia các trận đánh chống quân nhà Nguyên và ở ải Chi Lăng. Ra trận, ông cưỡi ngựa, cầm giáo xông vào giữa đám quân giặc, đánh đâu thắng đấy... Khi giặc dẹp xong, ông được cử làm Khống Bắc đại tướng quân, tước Nghĩa Xuyên Công. Nguyễn Chế Nghĩa được ghi nhận là người có tính tình trung hậu, thẳng thắn, không ngại gian lao, nên được coi là một tướng tâm phúc, tài giỏi của nhà Trần. Vua Anh Tông yêu mến, gả con gái yêu là công chúa Ngọc Hoa cho ông. Khi tuổi cao, ông về nghỉ tại quê nhà Hội Xuyên. Hiện nay nằm trong quần thể di tích đền Cuối còn có chùa La Khởi, giáo trường (nơi An Nghĩa Đại Vương Nguyễn Chế Nghĩa rèn luyện võ nghệ và môn đánh thó cho dân binh), ao chiêm tinh (nơi ngài xem thiên văn để dự đoán thời tiết chỉ cho dân chúng làm ăn) và khu lăng mộ. Sự tồn tại đến ngày nay của những di tích này là một điều hiếm hoi và đáng tự hào của người làng Cuối. Lăng công chúa Nguyệt Hoa (phu nhân đức thánh), lăng công tử Sùng Phúc (con trai đức thánh) và lăng phát tích (phụ mẫu đức thánh) được làm bằng đá xây kiểu long đình, có tường đá bao quanh, đến nay có niên đại mấy trăm năm. Riêng lăng đức thánh nằm ở phía bắc làng trên một gò cao, thế “bạch tượng quyển hồ” (voi trắng hút nước) rộng 2 sào được xây bằng gạch từ thời Trần vẫn còn nguyên vẹn. Trước lăng có táp môn trên đắp chữ vạn thọ, hai bên lối vào có rồng chầu, phía sau lăng đắp hình voi trắng. Trong lăng có bia đá khắc chữ hán. Tạm dịch: Mộ quan nhập nội thị, Thái úy, Phò mã đô úy triều Trần, tôn thần họ Nguyễn, tên Chế Nghĩa, người bản xã cùng công chúa Nguyệt Hoa sắc phong thành hoàng... Lịch sử đã lùi xa song với 31 đạo sắc phong trong 300 năm liên tục (triều Lê 21 đạo, triều Tây Sơn 2 đạo, triều Nguyễn 8 đạo), người dân Cối Xuyên luôn tự hào về vị anh hùng của quê hương mình. Lễ hội đền Cuối diễn ra trong 3 ngày, từ 26 đến 28 tháng 8 âm lịch, bắt nguồn từ ngày giỗ tướng Nguyễn Chế Nghĩa (27 tháng 8). Dù đã qua hơn 600 năm cùng bao biến đổi thăng trầm của lịch sử song cả phần lễ, phần hội ở đền Cuối vẫn lưu giữ được những nét độc đáo riêng. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 108 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Quát

Đền Quát là nơi thờ danh tướng Yết Kiêu, Đệ nhất đô soái thủy quân đức Thánh Trần triều. Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế (1242-1301), người thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu. Ông là một danh tướng nhà Trần, tài đức song toàn. Ông là tùy tướng, một trong hai tướng cầm cờ tiết chế của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, có biệt tài bơi lặn, nhiều lần đục thủng thuyền giặc Nguyên Mông làm nên những chiến thắng lẫy lừng trong lịch sử, người có công lớn giúp nhà Trần 3 lần đại phá quân Nguyên ở thế kỷ XIII. Ông được vua Trần phong tặng “Trần triều hữu tướng, đệ nhất đô soái thủy quân, tước hầu”. Sau khi ông mất, Vua Trần đã ban sắc phong cho dân làng Hạ Bì lập đền thờ và suy tôn ông là Thành hoàng làng. Yết Kiêu còn được lập miếu, đền thờ ở nhiều nơi, nhưng lớn nhất vẫn là đền Quát. Khu đền Quát đã tồn tại hơn 700 năm, đến thế kỷ XVII-XVIII, đền được tôn tạo khang trang và được tu sửa nhiều lần vào triều Nguyễn với khuôn viên rộng 2.700 m2. Khu di tích đền Quát được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia vào ngày 28/1/1989. Năm 2017, tỉnh Hải Dương hoàn thành việc tôn tạo, tu sửa ngôi đền này. Ngôi đền đã được tu bổ theo 3 giai đoạn với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng từ sự đóng góp của du khách và nhân dân địa phương. Lễ hội Đền Quát diễn ra vào mùa Xuân (từ ngày 10 đến ngày 20 tháng Giêng), mùa Thu (từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 8 âm lịch). Vào dịp này, nhân dân địa phương và khách thập phương trở về vùng sông nước Hạ Bì làm lễ tạ Thành Hoàng Yết Kiêu. Ngày 1 tháng 10, huyện Gia Lộc, Hải Dương đã tổ chức đón nhận Bằng ghi danh Lễ hội đền Quát là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tổ chức khai hội truyền thống mùa Thu đền Quát. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Gia Lộc , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 132 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Ngọc Lộ - Linh My Tự

Ngôi chùa có tên chữ là Linh My tự, thuộc thôn Ngọc Lộ, xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Chùa thờ Phật theo phái Đại thừa. Chùa khởi dựng năm nào chưa rõ, quy mô lớn với đầy đủ các hạng mục: Thượng điện, thiêu hương, tiền đường, tam quan. Trải qua thời gian và chiến tranh, chùa bị tàn phá, rồi được trùng tu nhiều lần vào các năm 1781, 1797, 1817, 1826, 1908, 1912. Ngôi chùa hiện nay có bố cục kiểu chữ 工 Công gồm 13 gian, mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn. Chùa hiện lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị, trong đó có 11 tấm bia, 25 pho tượng. Hằng năm, chùa mở trọng hội vào ngày 17 tháng 7 âm lịch . Chùa được xếp hạng di tích quốc gia theo quyết định Quyết Định 04/Quyết Định -Bộ Văn Hóa Thể Thao - ngày 19/1/2001. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Thanh Hà , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 103 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Từ Hạ

Đền Từ Hạ nằm ở thôn Phúc Giới (xã Thanh Bính cũ) nay là xã Thanh Quang. Đền thờ ba vị Thành hoàng làng: Đặng Chân, Trịnh Thị Khang và Đặng Trí, có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân vào thế kỷ X. Không chỉ mang những giá trị văn hóa tâm linh, đền còn là nơi các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ chọn làm căn cứ sinh hoạt, hội họp, lãnh đạo nhân dân trong tỉnh đấu tranh chống thực dân Pháp trong giai đoạn 1946 - 1954. Tại đây, vào tháng 11 năm 1951, lãnh đạo Tỉnh uỷ và Uỷ ban Kháng chiến tỉnh Hải Dương đã họp bàn kế hoạch với bộ đội chủ lực, quyết định đánh bốt Xuân Nẻo và Ô Mễ (Tứ Kỳ), mở ra cục diện mới đối với cuộc kháng chiến chống Pháp ở Hải Dương. Hiện nay, đền Từ Hạ còn lưu giữ khá nhiều cổ vật và đồ thờ tự thời Lê và thời Nguyễn, tiêu biểu như 8 đạo sắc phong thời Nguyễn vào các năm 1887, 1889, 1909, 1911 và năm 1924; ba pho tượng Thánh Phụ, Thánh Mẫu và Thánh Tử sơn son thếp vàng, 2 bức cuốn thư trang trí hoa lá cách điệu, 1 nghê đá thời Lê, 2 tấm bia thời Nguyễn… Với những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, đền Từ Hạ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 2001. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Thanh Hà , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 125 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Lôi Động

Di tích lịch sử văn hóa Đình Lôi Động xã Tân An huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương được Bộ Văn hóa Thể thao nay là Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch công nhận cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa năm 1994. là nơi thờ 3 vị danh nhân Danh tướng Yết Kiêu, Người anh hùng nông dân kiệt xuất Nguyễn Hữu Cầu thế kỷ thứ 18 và tiến sỹ Nguyễn Như Ngu. Hàng năm vào ngày 12, ngày 13 tháng 3 âm lịch. Uỷ ban nhân dân xã Tân An, Ban quản lý di tích, cán bộ và nhân dân trong xã tổ chức Lễ dâng hương để tưởng nhớ công lao của 3 vị danh nhân đã có công với nước với dân và khơi dậy giá trị văn hoá truyền thống của quê hương Tân An. Cổng thông tin điện tử xã Tân An, huyện Thanh Hà , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 133 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Ngọc Hoa

Đền Ngọc Hoa nằm giữa Trung tâm thôn Văn Tảo, xã Thanh An, đền ngự trên một thế đất đẹp, cổng quay hướng nam, lưng tựa vào thế chảy của dòng sông Rạng. Năm Khải Định thứ 9 có ghi: Sắc chỉ cho xã Văn Tảo phụng sự, phong cho Ngọc Hoa là bậc tôn thần chính trực, dịu dàng, giúp nước che chở cho dân, cho phép dân bản phụng sự thần. Đến tháng 2 năm 1994 đền được Bộ văn hóa – Thông tin cấp bằng di tích lịch sử cấp quốc gia. Để tưởng nhớ người con gái tuyệt sắc giai nhân Ngọc Hoa có tình yêu chung thủy với chồng là Phạm Tải. Hằng năm vào các ngày từ mùng 4 đến mùng 6 tháng 2 âm lịch, địa phương đều tổ chức Lễ hội truyền thống với nhiều hoạt động sôi nổi, mang đậm những giá trị văn hóa tâm linh độc đáo. Đền Ngọc Hoa ngự tại thôn Văn Tảo đã mấy trăm năm. Lúc đầu chỉ là ngôi miếu thờ, sau nhân dân thập phương góp công của cải tạo nâng cấp dần. Được sự giúp đỡ của ngành văn hóa - thông tin và công sức của nhân dân xã Thanh An và cả những người con quê hương xa xứ, đến nay, ngôi đền đã trở thành một khu di tích có tầm cỡ đẹp bậc nhất ở khu vực. Đền có diện tích 3.640m2. Phía ngoài là một công viên rộng gần 1.000m2 với nhiều cây đại thụ làm nên một quang cảnh bề thế thoáng đẹp. Khu hồ của đền có diện tích 3.490m2 tạo nên một không gian tĩnh lặng êm đềm. Đền có quần thể nhiều ngôi nhà kiến trúc đẹp, có sân thượng, có tả vu, hữu vu và hậu cung. Ngoài một số bia khắc chữ Hán dựng ở cổng đền và quanh khu vườn, trong khuôn viên còn tồn tại một số ngôi mộ chưa được xác định tính danh. Vào năm 1980, người ta đã khai quật một ngôi mộ cổ, phát hiện hài cốt một người con gái quấn nhiều lớp vải. Bấy giờ bảo tàng chưa xác định nguồn gốc hài cốt. Gian ngoài đền Ngọc Hoa có kiến trúc đẹp, mái cong lượn, cột dựng trên các phiến đá. Phần hậu cung như một cái am lớn, 2 cửa lách ra vào chỉ cao chừng đầu người. Tượng Ngọc Hoa đặt giữa bàn thờ trên cao. Bức tượng không lớn, cao chừng 60 phân nhưng được tạc khá tinh xảo: khuôn mặt tròn, mắt sáng, mũi cao, đôi má ửng hồng toát lên vẻ long lanh, đoan trang mà thanh thoát của một mỹ nữ nơi thôn dã. Theo người coi đền thì bức tượng đã có từ lâu lắm, không ai nhớ rõ nguồn gốc. Đền Ngọc Hoa và hội đền Ngọc Hoa với nghi lễ linh thiêng sùng kính, một tính ngưỡng tôn vinh giá trị truyền thống, ghi nhận công lao của tướng công Trần Công đã có công đánh giặc giữ nước; đồng thời đề cao giá trị đạo đức thủy chung tiết hạnh cần được tôn tạo, giữ gìn. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Thanh Hà , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 131 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Cả

Chùa Cả ở xã Tân An (Thanh Hà) được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1994. Nơi đây còn lưu giữ nhiều cổ vật quý. Chùa Cả có tên chữ là Đại Từ Khâm Thiên tự. Theo sử sách, chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê, trùng tu lại với quy mô rộng từ năm 1881. Chùa Cả thờ vua Lý Nhân Tông. Tương truyền vua Lý Nhân Tông từng đóng đồn nơi đây để đi đánh giặc. Chùa còn thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông mà nhân dân ở đây tôn là Thánh. Do đó, chùa Cả có hai chức năng vừa là đền, vừa là chùa. Chùa có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 5 gian tiền đường dài 21 m, rộng 7,5 m và 3 gian hậu cung dài 10,9 m, rộng 8,5 m. Điểm khác biệt của chùa Cả là tòa tiền tế có kiến trúc như ở đền, các góc đao cao vút, các bức phù điêu hình rồng được bàn tay khéo léo của nghệ nhân xưa chạm khắc tinh xảo... Hằng năm cứ vào ngày 30 tháng 10 và 1 tháng 11 âm lịch, xã Tân An lại tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông và vua Lý Nhân Tông, cầu cho mưa thuận gió hòa, sản xuất thuận lợi, cuộc sống của người dân ngày càng sung túc. Vào những ngày này, nhiều người xa quê hương cũng về hội chùa. Từ khi xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đến nay, ngôi chùa đã được trùng tu, tôn tạo lại với kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Số tiền này do người dân nơi đây và du khách thập phương công đức, đóng góp. Nhân dân đã đóng góp hàng nghìn ngày công để tu sửa, xây dựng các hạng mục công trình trong khuôn viên chùa. Đến nay, khu di tích đã khang trang hơn nhưng vẫn giữ được hồn cốt linh thiêng, cổ kính. Chùa hiện có thêm tòa tam quan, phục hồi một số pho tượng, đồ thờ tự. Trong sân chùa đặt nhiều cây cảnh, hoa, tạo không gian tĩnh lặng, trong lành, hấp dẫn du khách. Chùa Cả còn lưu giữ nhiều cổ vật quý. Người có công gây dựng, phục hồi lại một số hạng mục của ngôi chùa là sư thầy Thích Quảng Nghiêm, hiện là trụ trì chùa. Chùa trước đó chưa có người chính thức trụ trì mà giao cho địa phương quản lý. Năm 2012, thầy Thích Quảng Nghiêm về tiếp quản chùa, trong khuôn viên còn nhiều chỗ bị bỏ hoang. Sau khi tiếp quản, sư thầy Quảng Nghiêm đã phân loại từng cổ vật và gìn giữ cẩn thận. Ngôi chùa còn giữ được tượng Phật A Di Đà cao gần 2,7 m (không kể bệ và đài sen). Đây là một trong những pho tượng gỗ cổ lớn của cả nước. Tượng được tạo dựng dưới thời Nguyễn, ghép liền nhau bởi những mảnh gỗ mà nhìn qua khó có thể nhận biết chỗ ghép nối. Tượng Phật với tư thế ngồi tọa thiền trên đài sen. Tuy có từ lâu đời nhưng nước sơn và chất liệu gỗ mít vẫn còn bền bỉ theo thời gian, chưa có dấu hiệu bị mục. Nơi đây còn lưu giữ 1 tháp đá cao 5 tầng ngay trước tiền đường. Hai tầng trên của tháp đá uốn đầu hình mai luyện, bốn góc uốn cong hình đầu long, trên đỉnh tháp có hình đài hoa đặt trên những cánh hoa sen đang nở. Đây cũng là tháp đá cổ quý hiếm mà ít chùa có được. Theo người già trong làng, chính tháp đá là nơi đặt xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Trong khuôn viên chùa còn có nhiều tháp lăng mộ của các trụ trì qua nhiều đời, được chạm khắc với những đường nét cầu kỳ. Chùa còn có 5 tấm bia đá quý có giá trị, niên đại từ năm 1874-1933 ghi lại dấu tích từng thời kỳ lịch sử bằng tiếng Hán. Bên giếng chùa có đôi cá sấu đá từ thế kỷ 17 do nghệ nhân xưa chạm khắc, đường nét tinh tế. Chùa còn lưu giữ 11 sắc phong từ thời Lê, thời Nguyễn và 1 chiếc chuông đồng cao 1,2 m, đường kính miệng 56 cm. Trên chuông có chạm khắc những bài vịnh ca ngợi cảnh đẹp của chùa và người công đức đúc chuông. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Thanh Hà , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 125 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Bạch Hào

Chùa Hào Xá hay Chùa Hào (gọi theo Hán-Việt là Bạch Hào cổ thiền tự) , ở làng Hào Xá, xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương; được xây dựng từ thời nhà Lý. Là ngôi chùa có phong cảnh sông nước hữu tình, mang nhiều nét độc đáo của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1993 và năm 2015; lễ hội chùa Hào Xá là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Làng Hào Xá, xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà nằm trên một giải đất hẹp ven sông Cửa Chùa - một nhánh của sông Hương. Thế đất của làng như hình con chim phượng hoàng xòe cánh. Chùa Hào Xá tọa lạc trên đầu chim có chùm lông màu trắng nên có tên chữ là Bạch Hào tự tức chùa Bạch Hào. Dân địa phương gọi tắt là chùa Hào Theo ngọc phả, chùa được xây dựng năm 1011 vào thời vua Lý Thái Tổ. Lúc đầu nhân dân trong vùng đã dựng chùa mang tên chùa Hào với quy mô ba gian chủ yếu bằng tranh tre lợp lá gồi, lá cọ để thờ Phật. Về sau, qua các triều đại, chùa được xây dựng lại và mở rộng thêm quy mô, thờ Phật, vua Trần Nhân Tông, thành hoàng làng và các vị sư trụ trì Theo ngọc phả và các tài liệu liên quan, vào thời nhà Trần, ở trang Hạ Hào (thời Hậu Lê, trang Hạ Hào đổi thành làng Hào Xá, thuộc xã Hương Đại, tổng Bình Hà, huyện Thanh Hà, phủ Nam Sách; từ năm 1956, Hào Xá là một làng của xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà) có vợ chồng ông Nguyễn Danh Doãn và bà Phạm Thị Phương sinh được hai người con trai đặt tên là Nguyễn Danh Nguyên và Nguyễn Danh Quang. Hai anh em Nguyên và Quang học rất giỏi, tinh thông võ nghệ. Lớn lên, hai anh em kết thân với Lý Đình Khuê là bạn học và người cùng làng. Khi đi thi, cả ba người đều đỗ cao và được vua phong làm học sĩ, chuyên chăm lo việc giáo huấn trong cung. Khi giặc Nguyên Mông đem quân sang xâm lược nước ta, ba ông theo vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đi đánh giặc ở Phả Lại, Vạn Kiếp. Giặc tan, nhà vua hết lời ca ngợi, bia đá còn ghi lời vua nói: "Từ ngày nước nhà xảy ra chiến sự Tam Công ngày đêm miệt mài tu thân luyện chí tìm phương kế cứu nước, cứu dân" Ngày 6 tháng 1 năm 1293, Điều Ngự Đầu Đà Trần Nhân Tông du ngoạn đầu xuân và truyền giảng kinh sách bằng đường thủy. Đến trang Hạ Hào, ba cư sĩ tổ chức cùng dân làng mở hội đua thuyền để tiếp đón vị đệ nhất tổ thiền phái Trúc Lâm. Thấy phong cảnh sông nước hữu tình, Thượng hoàng hạ lệnh cho dựng lại chùa, mở rộng quy mô và đổi lại tên là chùa Bạch Hào, làm hoành phi câu đối, lập bệ thờ bằng đá hình tòa sen để thờ Phật và giao cho 3 ông ở lại tu tại chùa. Ít năm sau, ba vị cư sĩ được Đức Điều Ngự triệu về Yên Tử tu luyện rồi lần lượt "hoá" tại đây. Ghi nhớ công lao giúp dân giúp nước của ba ông, vua nhà Trần đã ban vàng bạc cho dân làng Hạ Hào lập miếu thờ và sắc phong làm thành hoàng, khắc vào đại tự "Tướng Hào tỏa sáng". Nguyễn Danh Quang được sắc phong là Phả Lại cư sĩ, Nguyễn Danh Nguyên là Phả Hộ cư sĩ, Lý Đình Khuê là Phả Tế cư sĩ. Ba vị cư sĩ được thờ tại chùa, được tôn là ba vị sư tổ đầu tiên của chùa. Hàng năm, cứ vào ngày mồng 4 - 6 tháng Giêng âm lịch, dân làng Hòa mở lễ, hội (đua thuyền...) cho đến ngày nay. Vào những năm 1540, thời nhà Mạc, tăng phó Trần Như Thừa đã quyên góp tiền của công đức xây dựng lại chùa gồm 60 gian lớn nhỏ theo kiểu nội công ngoại quốc. Sau này do mai một bởi thời gian thiên nhiên, bão lũ cũng như các cuộc chiến tranh thời Lê, thời Mạc, thời Nguyễn chùa cũng được tu sửa nhưng kiến trúc cổ không còn được giữ lại bao nhiêu. Hoà thượng Thích Gia Huệ trụ trì tại chùa từ năm 1954 cho đến khi viên tịch... Vào những năm cuối thập kỉ 90, đầu những năm 2000 các Tăng Ni, chư tôn Thiền đức trụ tại chùa, các tín đồ Phật tử và nhân dân đã tôn tạo chùa; tháp chuông và ngôi Tam bảo của chùa lần lượt được xây dựng khang trang. Trải qua thời gian, nhiều cuộc chiến tranh, đến nay các nét độc đáo, vật cổ giữ lại quá ít. Ngôi chùa hiện nay, bao gồm Tiền đường 5 gian, Hậu cung 2 gian, Nhà tổ 3 gian; tiền đường, được xây dựng theo kiểu chồng rường đấu sen; các vì kèo đều có chạm khắc hoa lá, trúc hoá long. Vào cuối thế kỷ 19, nghĩa quân Bãi Sậy lấy chùa Hào làm cơ sở trú quân. Trong chiến tranh Việt - Pháp, chùa Hào là nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của xã Bình Hà (trước đó là tổng Bình Hà); nơi chứng kiến lễ ra mắt của Mặt trận Việt Minh huyện Thanh Hà; cơ sở hoạt động của cán bộ một số xã lân cận và nhiều chiến sĩ cách mạng; nơi đứng chân của một số cơ quan huyện, nơi đặt trạm giao liên giữa huyện với khu Hà Đông và thực hiện tiêu thổ kháng chiến với tháp chuông phải dỡ bỏ. Sư trụ trì của chùa là Ngô Văn Nhẫn kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những đảng viên đầu tiên của làng Hào. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Thanh Hà , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 134 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Minh Khánh

Chùa Minh Khánh (chùa Hương Đại, chùa Hương) tọa lạc ở làng Bình Hà thuộc thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương; thuộc hệ phái Bắc tông, thờ Phật và đức vua Trần Nhân Tông; là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 1990. Chùa Minh Khánh được xây dựng vào thời Lý - Trần, được trùng tu nhiều lần vào các thế kỷ 16, 17, 18, 19. Năm 1992, sư trụ trì Thích Đàm tổ chức đại trùng tu ngôi chùa và xây tam quan. Hiện nay, chùa Minh Khánh có khuôn viên rộng hơn 1ha, bên trong còn bảo toàn được hệ thống tượng Phật, vườn tháp cổ và các di vật quý: lưu giữ trên 200 cổ vật như tượng, tháp, bia, cột đá, giếng nước...; 13 đạo phong của các triều Lê, Nguyễn (Vĩnh Khánh, Cảnh Hưng, Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định...) và nghị định xếp hạng di tích của Toàn quyền Đông Dương năm 1925. Ở chánh điện, chùa còn lưu giữ 9 viên ngọc Xá lợi tương truyền là của Trúc Lâm đệ nhất tổ Trần Nhân Tông và tháp lưu huyết của Ngài. Lễ hội chùa Minh Khánh kéo dài 3 ngày liền, chính hội tổ chức vào ngày 1/11 Âm lịch hàng năm, kỷ niệm ngày đức vua Trần Nhân Tông viên tịch trên núi Yên Tử. Phần lễ có lễ rước sắc, rước mâm ngũ quả, lễ mộc dục và lễ tế. Phần hội gồm các trò chơi: cờ người, múa rối nước, chèo, thi mâm ngũ quả, thi làm bánh dầy…. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Thanh Hà , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 131 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Đồng Neo

Chùa Đồng Neo tọa lạc trên địa bàn thôn Cập Thượng, xã Tiền Tiến, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Được xây dựng vào năm 1699, niên đại của chùa có hơn 300 tuổi. Đây là ngôi chùa cổ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa vào ngày 31/12/1997. Chùa được xây dựng theo kiến trúc : “Nội công ngoại quốc", nhà côn sơn đương tiện, lối kiến trúc cổ, hoa văn tinh xảo và độc đáo là kiến trúc đặc trưng của thời Hậu Lê. Ngôi Tam Bảo được xây dựng theo kiến trúc chữ Đinh có 7 gian tiền đường và 3 gian hậu điện. Vật liệu để dựng chùa là tường gạch Bát tràng cổ và cột chống, mái bằng gỗ. Tại 4 góc mái là bốn mái đao cong vút chạm trổ đầu rồng. Mái chùa được dựng với kiến trúc đặc trưng thời Hậu Lê đó là theo dạn thức bộ vì kiểu “chồng rường" và “thượng rường hạ bẩy". Hệ thống chịu lực gồm 2 hàng cột gỗ lim, đường kính 0,40m, đều được kê trên chân tảng đá. Lối kiến trúc truyền thống rường - bẩy đã tạo ra nhiều khoảng không gian nền cho nghệ thuật chạm khắc gỗ dân gian ở tất cả các chi tiết: đầu dư, dép hoành, thân bẩy, các bức cốn mê, cốn nách, xà rồng, cửa võng... thể hiện các đề tài trang trí : Rồng - phượng trong phong cách nghệ thuật hóa thân : các linh vật luôn hóa đổi thành chim muông, hoa lá, cùng cảnh sắc thiên nhiên phong vân vần vũ, góp phần bổ khuyết cho kiến trúc, đồng thời nâng cao giá trị mỹ thuật, tôn thêm vẻ uy linh, nghiêm cẩn nơi thánh thần ngự tọa - một đặc điểm của tư duy kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ : tự nhiên và cuộc sống luôn là đề tài chủ đạo cho mọi sáng tác nghệ thuật, nhất là nghệ thuật xây dựng các công trình kiến trúc tín ngưỡng. Trong ngôi Tam Bảo còn lưu giữ thờ tượng Phật vô cùng quý giá có từ thời Hậu Lê. Cách bài trí tượng thờ đặc trưng của các chùa miền bắc và sự kết hợp quan điểm Tam giáo đồng nguyên gồm 3 pho Tam Thế, tam Thánh Tây Phương, tượng Đức Bản Sư niêm hoa vi tiếu, tượng Di Lặc, tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế và Nam Tào Bắc Đẩu, tòa Cửu Long. Các đồ thờ trong chùa đều bằng gỗ và chạm khắc tinh xảo. Trong chùa có các hoành phi câu đối được chạm khắc tinh xảo như : đại tự “Hiển ứng linh", đại tự “Tuệ nhật viên dung"… có từ thời Nguyễn. Đặc biệt, trong chùa còn lưu giữ được hơn 100 bản khắc bằng gỗ mít gồm kinh Lăng Nghiêm và kinh Viên Giác. Sau chùa là 3 gian nhà Tổ, mới được trùng tu. Trước đây, vào thời kháng chiến chống Pháp nhà Tổ được kiến trúc theo hình chữ Nhị, nhưng đã được tháo dỡ 7 gian tiền đường để phục vụ kháng chiến. Hiện nay, trong nhà Tổ còn thờ tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma và chư vị Tổ sư từng trụ trì tại chùa, đều là tượng cổ, điêu khắc độc đáo. Ngoài ra chùa còn nhiều cổ vật quý giá được lưu giữ qua nhiều thế hệ như : Thống đá đựng nước thời vua Lê Hy Tông năm Chính Hòa thứ 23 tức năm Nhâm Ngọ (1702). Thống đá cổ này do một gia đình họ Nguyễn làm quan trong triều Lê về tiến cúng. Chùa có chuông cổ ngày ngày vào lúc sớm chiều , chiêu mộ đều ngân vang, nhưng ít người được biết đến chuông được đúc từ thời Hậu Lê niên hiệu Chính Hòa thứ 21 tức năm 1700. Hơn 300 năm nay, tiếng chuông chùa luôn gắn bó với dân làng cũng như những người con sống xa quê. Bên cạnh đó, chùa còn lưu giữ các bia đá cổ : - Bia đá Đồng Neo tháp, 4 mặt khắc chữ có từ năm 1679. - Bia đá Linh ứng tự năm 1895. - Bia đá Hậu Phật ký năm Duy Tân thứ năm (1911) - Phía trước tháp chuông có một cây hương đài bằng đá cao 1,2m, có 4 cạnh rộng 0,18m có dòng chữ ghi : Lê triều Chính Hòa, nhị thập niên, Kỷ Mão phi việt cát nhật (nghĩa là năm 20 niên hiệu Chính Hòa 1699). Ngoài những bảo vật bằng đá, bằng đồng, chùa còn có vườn tháp cổ như các tháp - Tháp Minh Quang được xây bằng gạch 3 tầng, bia tháp ghi : Tự Đức thập nhất niên- năm Tự Đức thứ nhất (1864), là tháp thờ Hòa Thượng Thích Chiếu Khuông. - Tháp Thiên quan bảo tháp bằng gạch 3 tầng xây dựng thời vua Minh Mệnh 1827. - Tháp Phả Đồng Minh được xây dựng từ thời Nguyễn thờ 3 vị sư : Phổ Chiêu, Phổ Hiếu, Phổ Nghiêm. - Tháp có giá trị nhất là Tịnh Minh tháp bằng đá 3 tầng được xây dựng năm Tân Dậu, đây là tháp thờ Hòa thượng Thích Tường Tường. Trên tháp có đôi câu đối : Huân lao tịnh nghiệp thiết lâm đài, Lật ngật kình dương thành chế để" Hoà thượng Thích Chiếu Khuông sinh năm Mậu Tuất (1778) vào niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 39, người quê Siêu Loại - phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh.) Thân mẫu là Nguyễn Thị Đàm ở làng Đông. Đến triều Cảnh Thịnh năm thứ 3 (1796), Hoà thượng cùng 18 người vào chùa Khánh Quang thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Lâm Tế đàng ngoài làm lễ thế phát xuất gia. Hoà thượng là cháu đời thứ 9 của Thiền sư Chuyết Chuyết. Hoà thượng là người thông minh, dĩnh ngộ không khác gì một tỵ Tổ, chay tịnh làm theo các điều răn dạy của Phật Tổ. Đến niên hiệu Bảo Hưng năm thứ nhất (1801), Hoà thượng đã thụ giới cụ túc. Sau đó, Hoà thượng về chùa Đồng Neo trụ trì. Hoà thượng đã tiến hành sửa chữa thượng điện, làm mới tượng Phật, làm nhà để chúng Tăng ở. Đến thời vua Tự Đức, Hoà thượng làm lại nhà Tổ, tạc tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma (vẫn còn thờ tại nhà Tổ ngày nay). Năm Giáp Tý - 1865, Hoà thượng lúc này đã 87 tuổi đời, 64 năm tuổi hạ công đức tu hành đã viên mãn. Nhằm ngày 15 tháng 2, Hoà thượng ngồi trên đàn trà tỳ, chúng Tăng vĩnh biệt Hoà thượng với lòng tôn kính vô biên. Hoà thượng đã thâu thần thị tịch nhập Niết Bàn. Đồ chúng đã cung nghinh xá lợi Hoà thượng nhập phù đồ. Hàng năm, nhân dân Phật tử chùa Đồng Neo tưởng nhớ công đức của Giác linh Hoà thượng đối với Đạo pháp- Dân tộc đã tổ chức Lễ tưởng niệm để tri ân, báo ân đối với bậc Tổ sư cao Tăng đắc đạo. Nguồn Cổng thông tin điện tử xã Tiền Tiến , thành phố Hải Dương.

Hải Dương 137 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Động Ngọ

Là một ngôi chùa cổ tọa lạc tại thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến (trước thuộc huyện Thanh Hà), thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Chùa Động Ngọ là một trong hai ngôi chùa cổ nhất của Hải Dương. Niêm đại chùa có hơn 1000 năm tuổi, trong chùa có nhiều cây cổ thụ có khoảng 600 đến 700 tuổi. Quốc sư Khuông Việt đã xây dựng chùa này vào năm 971 theo chiếu lệnh của vua Đinh Tiên Hoàng. Hiện nay chùa mang nhiều dấu ấn kiến trúc nghệ thuật cuối thế kỷ XVII, thuộc hệ phái Bắc tông, là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Trước năm 1947, chùa có quy mô lớn. Nay nhỏ lại, bố cục vuông vắn, hình chữ quốc, mỗi mặt 5 gian. Đặc biệt là tòa Cửu phẩm vuông, hai tầng 8 mái, với 4 cột suốt, 12 cột con đỡ, 4 mái dưới, mái tầng trên đỡ thêm bởi 4 cột con. Chùa Động Ngọ còn có nhiều công trình kiến trúc độc đáo bằng đá mới được xây dựng gần đây. Từ cuối thế kỷ XX, đại đức Thích Thanh Thắng, khi về trụ trì tại đây, đã đi khắp các vùng Bắc Bộ kiếm tìm những cối đá, trục đá, cầu đá, quả trục lăn lúa mang về chùa rồi sắp đặt thành các công trình đặc sắc. Nổi bật là bờ tường với chấn song trục đá; hai chiếc giếng tròn được trang trí bằng rất nhiều trục đá, cối đá trước sân chùa; cây cầu đá dài gần 3m; hành lang, lối đi bằng cối đá đủ các kích cỡ. Đặc biệt là tấm bản đồ Việt Nam dài 30m, rộng 10m được xếp bằng khoảng 300 cối đá trong khuôn viên chùa. Chùa có 07 tấm bia cổ hai mặt khắc hai bài ký với hai niên đại sớm gồm: Lý Thái Bình (Lý Thánh Tông, 1054 – 1058, niên hiệu Long Thụy Thái Bình) và Đại Chính nguyên niên (Mạc Thái Tông, 1530). Ngoài ra có một bát hương năm Hoằng Định thứ 19 (1619). Tấm bia “Kiến khai Cửu Phẩm Liên Hoa bi ký" có niên đại năm Chính Hòa thứ 13 (1692) (đời vua Lê Hy Tông), xác nhận niên đại của kiến trúc hiện thời, bia ghi. Cây Cửu Phẩm Liên Hoa hơn 320 năm tuổi là tác phẩm nghệ thuật giá trị và lâu đời nhất tại chùa hiện nay. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận tòa Cửu Phẩm Liên Hoa này là bảo vật quốc gia. Hiện nay tại Việt Nam chỉ tồn tại đúng ba tòa tháp Cửu phẩm liên hoa cổ bằng gỗ, hai tháp còn lại đặt tại chùa Giám (Hải Dương) và chùa Bút Tháp (Bắc Ninh). Cây Cửu Phẩm Liên Hoa đặt ở giữa lòng nội thất tòa (nhà) Cửu phẩm, cao 5m30, mặt cắt 6 cạnh đều, 8 tầng dưới, mỗi tầng cao đều 54 cm, tầng trên cùng cao 98 cm. 9 tầng, 6 mặt, mỗi mặt gắn 3 pho tượng nhỏ, tổng số tượng là 162 pho, năm 1989 còn 146 pho. Ba tượng nhỏ mỗi mặt gồm Phật A Di Đà ở giữa, hai bên là tượng Quan Âm Bồ Tát và Thế Chí Bồ Tát, cũng có cạnh là tượng Phật A Di Đà và Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiển Bồ Tát. Các tượng có kích cỡ bằng bắp tay được tạo tác bằng gỗ, thếp vàng rất tinh xảo. Nhìn tổng thể, tòa cửu phẩm là một kiến trúc đặc sắc về thế giới Phật pháp vô biên, huyền diệu, tầng tầng lớp lớp. Cây Cửu Phẩm Liên Hoa được đặt trên những chiếc chân cột đá hình hoa sen. Trước đây đài cửu phẩm có thể quay tròn quanh trục. Qua thời gian, đến nay đài cửu phẩm không còn quay được nữa. Nguồn Cổng thông tin điện tử xã Tiền Tiến , thành phố Hải Dương.

Hải Dương 148 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Mai Xá ( Đình Mai Hiệp Lực)

Đình Mai Xá (còn có tên gọi là đình Hóp Mòi), thôn Mai Xá, xã Hiệp Lực, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu khảo sát di tích và các thư tịch cổ liên quan, đình Mai Xá là nơi thờ Tứ vị tôn thần gồm: Ông Thinh, Ông Linh, Phúc Chính và Đào Từ Nhân. Trong đó ông Thinh, ông Linh là Thiên Thần, Phúc Chính và Đào Từ Nhân là nhân thần được thờ theo tín ngưỡng dân gian từ lâu đời của nhân dân địa phương. Căn cứ vào tấm bia đá: “Lê triệu vạn vạn tuế, Trịnh chúa vạn vạn niên, Lưu truyền vạn vạn đại, lập miếu đình bi ký” hiện còn lại di tích. Đình Mai Xá được dựng vào năm Chính Hòa thứ 13 (1692) tại xã Lực Đáp, tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Vùng đất này là nơi: “ rồng chầu, hổ phục” phía trước có dòng sông quanh co uốn khúc là nơi hội tụ khí thiêng “Địa linh nhân kiệt”, sinh ra nhiều bậc hiền tài có công giúp nước, bảo vệ cuộc sống nhân dân ổn định. Nhân dân đã dựng đình và khắc bia ghi nhận tính danh của những người đóng góp công đức để lưu truyền lâu dài. Kiến trúc tổng thể di tích cũ không còn song căn cứ vào dấu vết nền móng, ngôi đình ban đầu được xây theo kiểu chữ “Đinh” ( J ) gồm 5 gian Đại bái và 3 gian Hậu cung với quy mô khá lớn. Xung quanh đình có nhiều ao hồ. Đình Mai Xá là một trong những kiến trúc cổ đẹp nổi tiếng đương thời trong vùng. Căn cứ vào hệ thống văn khắc Hán nôm hiện còn tại Đại bái, đình Mai Xá được trùng tu vào ngày lành, tháng nhuận, năm Thành Thái- Quý Mão (1903). Các cụ cao niên trong thôn Mai Xá cho biết: lần trùng tu này toàn thể nhân dân trong bản xã đóng góp công đức. Công trình do ông Lê Lương Hãnh- Tiên chỉ làng Mai Xá trực tiếp đặt chồng nóc; ông Mai Quang Oanh làm” Giám biên” (ghi chép), ông Lê Lương Oánh làm “Giám chương” (đôn đốc nhân công), ông Đào Đình Uyển làm “Thủ quỹ” (giữ tiền và mua bán hàng hóa). Hai hiệp thợ Nam Hà cùng thi công, nửa phía tây do thợ Cao Đà, nửa phía đông do thợ Đông Hồ thực hiện. Theo yêu cầu của các Hương lão: sau khi thống nhất quy cách, kiểu dáng, các hiệp thợ bí mật trổ tài, nếu bên nào làm đẹp sẽ được thưởng. Kết quả là cả hai đều chạm khắc rất thành công được bản xã thưởng lớn. Đình Mai Xá là một trong số ít công trình đẹp nổi tiếng trong vùng đương thời. Năm 1946- 1947, hưởng ứng phong trào: “Diệt giặc dốt” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, địa phương đã cho tháo dỡ sàn đình để đóng bàn ghế cho các lớp “Bình dân học vụ”, góp phần cùng cả nước “Kháng chiến, kiến quốc” thành công. Năm 1948, Ban thông tin văn hóa xã đã tiến hành vẽ tranh cổ động “Chiến thắng Sông Lô” tại đầu hồi phía Tây và viết khẩu hiệu: “Hồ Chí Minh muôn năm” khá lớn trên mái trước của đình thể hiện quyết tâm chống Pháp của cán bộ nhân dân xã Hiệp Lực. Năm 1949, cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra cam go ác liệt, lực lượng du kích xã quyết định đào hầm bí mật tại Hậu cung đình để bám trụ đến cùng chống Pháp càn quét, bảo vệ quê hương. Tiếp đến năm 1956, đình là nơi chính quyền tổ chức đấu tố địa chủ, thực hiện cải cách ruộng đất thắng lợi. Năm 1965, thực hiện chủ trương “Bài trừ mê tín dị đoan” của huyện, địa phương đã cho giải hạ Hậu cung lấy vật liệu xây dựng công trình phúc lợi trong xã, nhà Đại bái trở thành nơi họp bàn chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của xã. Năm 1971, đáp ứng nguyện vọng của toàn thể cán bộ và nhân dân địa phương, Đảng bộ và chính quyền xã Hiệp Lực đã xin phép Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Hưng tổ chức dựng tượng đài Hồ Chủ Tịch. Công trình đã được thi công nhiều tháng tại đình trước khi đưa về lắp dựng chính thức tại khu vực trung tâm của xã. Những năm gần đây, nhân dân địa phương tự nguyện công đức tu sửa, từng bước trả lại vẻ đẹp vốn có của di tích. Hiện tại đình Mai Xá là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lành mạnh và học tập đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước của nhân dân địa phương. Vào ngày 10- 15/11 âm lịch hàng năm, nhân dân 3 thôn: Thọ Đa, Hiệp Trung và Tiền Liệt cùng kiệu rước về đình Mai Xá tổ chức lễ hội tôn vinh công đức các Thành Hoàng. Lịch trình lễ hội được quy định khá chặt chẽ. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 138 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Đỗ Xá

Đình Đỗ Xá xã Ứng Hoè, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương được xếp hạng là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 05/1999 Quyết Định/Văn hóa thể thao, ngày 24 tháng 01 năm 1999. Đình Đỗ Xá có tên chữ: Đình Đỗ Xá, tên nôm: Đình Đọ, tên thường gọi: Đình Đỗ Xá. Đình tọa lạc trên một khu đất cao ráo, bằng phẳng ở trung tâm của thôn Đỗ Xá. Thôn Đỗ Xá thời xa xưa là Trang Đỗ Xá, thời Lê là xã Đỗ Xá tổng Đông Cao huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, thời Nguyễn là xã Đỗ Xá, tổng Đỗ Xá, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Đình Đỗ Xá từ ngày khởi dựng đến nay được mang tên gọi của thôn Đỗ Xá. Ngược dòng lịch sử căn cứ vào tên gọi của thôn Đỗ Xá và gia phả của một số dòng họ được biết khởi nguyên của cư dân thôn Đỗ Xá là hai dòng họ lớn là họ Đỗ và họ Nguyễn. Hiện nay hai dòng họ này chiếm đại bộ phận dân số trong thôn. Căn cứ vào truyền thuyết trong nhân dân địa phương và những tư liệu Hán, Nôm nhất là thần tính hiện lưu giữ tại Đình cho thấy Đình Đỗ Xá được xây dựng để thờ 03 anh em Nguyễn Tôn, Nguyễn Lâu và Nguyễn Lãng đã có công phò vua Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh thế kỷ XV. Giặc Minh sang xâm lược nước ta, tội ác của chúng chồng chất cao như núi không sao kể xiết. Nhân dân ta không chịu cảnh nước mất, nhà tan đã vùng dậy đấu tranh. Ở vùng Lam Sơn (Kẻ Cham) nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa có người anh hùng Lê Lợi đứng lên chiêu mộ nhân sỹ, hào kiệt, tập luyện nghĩa quân cùng nhau đánh giặc cứu nước. Thuở ấy ở Thái Bình có một người tên là Nguyễn Chuyên, vợ là Đào Thị Lợi hai vợ chồng cưới nhau đã lâu nhưng chưa có con, một đêm bà ngủ mộng thấy một cụ già cho ba quả đào rồi biến mất, sau đó bà thụ thai đủ tháng rồi sinh ra một cái bọc có 03 người con trai. Ông bà vui mừng đặt tên cho ba con là Nguyễn Tôn, Nguyễn Lâu và Nguyễn Lãng, ba đứa trẻ lớn lên có diện mạo khôi ngô, tuấn tú, năm lên 7 tuổi đã tinh thông kinh sử, võ nghệ cao cường, tài năng nổi tiếng. Năm 15 tuổi, các ông đã sớm phát lộ tài năng văn, võ. Năm 1418, Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn, chọn người giúp nước, biết ba ông có tài, Lê Lợi đã phong Nguyễn Tôn làm Đô chỉ huy sứ đương lộ tướng quân, Nguyễn Lâu làm Tả Đô đài tướng quân, Nguyễn Lãng làm Hữu Đô đài Thái bảo tướng binh. Ba ông bái lĩnh 5.000 quân, khí giới, lương thực, cờ xí, chiêng, trống. Sau một đêm, nghĩa quân tiến binh về trang Đỗ Xá, phủ Hạ Hồng, đạo Hải Dương nay là thôn Đỗ Xá, xã Ứng Hòe, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương lập đồn trú để tuyển quân. Trận đánh diễn ra ác liệt, quân giặc đại bại. khởi nghĩa thắng lợi, ba ông khao thưởng quân sĩ. Quốc an hưởng lạc, khai hóa ruộng đồng, nhân dân phú túc phồn vinh. Bỗng một hôm trời nổi phong ba có đám mây 3 màu tím, đỏ, hồng bao phủ ba ông thượng khứ tòng vân không thấy trở về, hôm đó là vào ngày 10 tháng 3 nhân dân gọi là ngày hóa. Sau này vào ngày mùng 10 tháng 3 cấm vui chơi, ca hát, cấm dùng các màu tím, đỏ, hồng. Lê Lợi sai sứ về cắt ruộng xây miếu thờ và phong là Thượng đẳng thần: Nhất phong Minh Tôn Đại vương, Nhất phong Khổng Lâu Đại vương, Nhất phong Tăng Lãng Đại vương. Đình Đỗ Xá xây dựng vào thời Hậu Lê với quy mô khá lớn. Để ghi nhớ công lao của ba ông hàng năm vào ngày 11 tháng 11 (âm lịch) nhân dân mở hội tế lễ 10 ngày để kỷ niệm ngày sinh và ngày mất. Trong lễ hội ngoài tế lễ còn tổ chức hát chèo, múa rối nước và thi pháo đất. Đình Đỗ Xá không chỉ gắn liền với tên tuổi của ba vị tiền bối đã có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh thế kỷ XV mà còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của địa phương. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954 nhiều hầm hào bí mật đã được đào trong hậu cung đình, bộ đội chủ lực của huyện Ninh Giang đã nhiều lần đến đóng và trú ẩn tại đây. Năm 1946 Đình là nơi nhân dân tiến hành bầu cử Quốc hội Khóa 1, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ năm 1966 đến năm 1969, từ năm 1972 đến năm 1973 tiền tế của Đình Đỗ Xá được sử dụng làm hội trường phân hiệu II - trường Nguyễn Ái Quốc trung ương. Năm 1967 đồng chí Lê Duẩn lúc đó là Bí thư thứ Nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đã về thăm và nói chuyện với nhân dân địa phương tại Đình làng Đỗ Xá. Từ năm 1974 đến nay tiền tế Đình Đỗ Xá được sử dụng làm hội trường của xã đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của nhân dân thôn Đỗ Xá nói riêng và chính quyền xã Ứng Hòe nói chung. Phát huy truyền thống của cha ông, Đảng bộ và nhân dân xã Ứng Hòe đã không ngừng phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 142 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Quan Lớn Tuần Tranh ( Đền Tranh )

Đền Tranh tọa lạc tại thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương với tổng diện tích là 29.417m2. Đền Tranh thờ Quan đệ Ngũ Tuần Tranh là vị tôn quan thứ 5 trong Ngũ vị Tôn Ông của tín ngưỡng thờ Tứ phủ trong dân gian của người Việt. Hiện di tích đền Tranh tọa lạc trên khuôn viên rộng rãi với 34 gian lớn nhỏ, bao gồm 7 gian tiền tế, 7 gian trung từ, 7 gian nhà nối, 3 gian cổ dải, 3 gian hậu cung, 7 gian đông vu và nhiều công trình phụ trợ khác như tòa đông vu gồm 7 gian đao tầu déo góc, chất liệu bằng gỗ lim, lợp ngói mũi; nghi môn được xây dựng theo kiểu "chồng diêm cổ các", gồm 2 cửa phụ một cửa chính, quy mô lớn như nghi môn xưa; nhà bia, đài hóa sớ… Ông Vũ Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương cho biết, đền Tranh xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 1214/Quyết định -Bộ văn hóa , thể thao và du lịch, ngày 25/3/2009. Lễ hội truyền thống đền Tranh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 781/Quyết Định -Bộ Văn hóa , thể thao và du lịch ngày 4/4/2022. Đây là tài nguyên nhân văn quý giá, có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần không chỉ của cộng đồng nhân dân địa phương mà còn của cả con dân đất Việt, điều đó càng khẳng định cho việc xác định tiềm năng, thế mạnh của di tích trong việc đóng góp vào sự phát triển du lịch của huyện Ninh Giang nói riêng, tỉnh Hải Dương nói chung. Nguồn Bộ Văn hóa , thể thao và du lịch.

Hải Dương 150 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Sùng Ân (chùa tế cầu)

Chùa Sùng Ân thuộc thôn Đông Cao, xã Đông Xuyên, huyện Ninh Giang (Hải Dương) được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá quốc gia ngày 15/3/1974 về nghệ kiến trúc điêu khắc. Đây cũng là ngôi chùa được xếp hạng di tích Quốc gia sớm nhất của huyện. Trước đây chùa Sùng Ân đón các sư, sãi về dáng hạ vào tháng ba hàng năm và là chốn Tổ của thiền phái trúc lâm vùng đất xứ Đông Hải Dương. Di tích ở thôn Đông Cao, xã Đông Xuyên, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá quốc gia từ ngày 15/3/1974. Lịch sử – kiến trúc Chùa có từ thời Lý, được trùng tu vào thời Trần. Quy mô chùa khá lớn, bố cục kiểu nội Công ngoại quốc . Mái lợp ngói mũ hài cổ kính. Chùa thờ Phật và thờ Huyền Quang đại sư thuộc phái Trúc Lâm thời Trần. Di vật Chùa còn một cây thiên đài bằng đá cao 1.7 m dựng năm Cảnh Trị 9 (1671), 6 sấu đá, 3 bia đá thế kỷ XVII, một hệ thống 30 tượng Phật gỗ sơn thếp vàng, nghệ thuật điêu luyện, nhưng trong 10 năm qua, 9 trong số 30 pho tượng cổ đã bị kẻ gian lấy trộm. Nhà tiền đường có một quả chuông, đúc năm Gia Long 11 (1812) thân cao 90 cm, đường kính 62.5 cm, toàn thân phủ kín bài minh, rất đẹp. Đặc biệt là bệ đá hoa sen hình lục giác 2 tầng có chạm rồng mào lửa, thân nhiều nếp gấp khúc. Chùa Sùng Ân có diện tích gần 5000m2. Quy mô chùa gồm một chùa chính được xây dựng kiểu chữ Đinh, động thờ Mẫu, nhà thờ Tổ. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chùa Sùng Ân là nơi sơ tán, nuôi dấu cán bộ Việt minh. Hàng năm vào ngày 15/3 Âm lịch nhân dân mở hội. Trong những năm qua, cán bộ nhân dân thôn đã quyên góp trên 1 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công để xây dựng các hạng mục tường bao, nhà khách, giếng ngọc, và sân. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Ninh Giang , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 142 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Gốm

Đền Gốm thờ phó tướng Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư thuộc thôn Linh Giàng, xã Cổ Thành, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Người dân địa phương vẫn ca câu ca dao quen thuộc về đền Gốm: “Đền thờ Nhân Huệ anh hùng Vân Đồn vang dội giặc Nguyên rụng rời” Theo sách: “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú: Trần Khánh Dư là người thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông là tôn thất nhà Trần nên được phong là Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. Trần Khánh Dư thân phụ là Thượng tướng Trần Phó Duyệt. Kế thừa truyền thống Hoàng tộc, ngay từ nhỏ Trần Khánh Dư rất say mê sách vở và giỏi binh thư. Ông là người lập nhiều công lao to lớn trong các cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên thế kỷ 13. Năm 1258, cuộc kháng chiến Nguyên Mông lần 1 nổ ra, trong trận quyết chiến chiến lược ở Đông Bộ Đầu, tướng trẻ Trần Khánh Dư bằng mưu trí sáng tạo, đột kích bất ngờ vào trại giặc thu được thắng lợi lớn. Sau trận này, quân Nguyên Mông bị đánh bật khỏi Kinh Thành, phải rút quân về nước. Đầu xuân năm Mậu Ngọ (1258), tại buổi lễ thiết triều đầu xuân mừng công ban thưởng cho các tướng lĩnh, Trần Khánh Dư được vua khen là người có trí lược và phong là Thiên tử nghĩa Nam. Một thời gian sau, do ông phạm tội, bị triều đình cắt chức trở về quê làm nghề chèo đò bán than. Tháng 11 năm 1282, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần 2, vua trần họp hội nghị Bình Than lấy ý kiến vương hầu, bách quan bàn kế công, thủ đánh giặc. Trong dịp này vua trần tình cờ gặp Trần Khánh Dư chèo thuyền chở than qua bến Nhạn Loan trong cảnh "nón lá, áo tơi". Vua cho mời Trần Khánh Dư tới và phục lại các chức cũ cho cùng dự bàn kế sách giữ nước. Tại hội nghị Bình Than, Trần Khánh Dư tỏ ra là người có mưu lược, hiến nhiều kế sách tác chiến sâu sắc hợp với ý vua. Trần Thái Tông lại phong chức Phó tướng đô quân. Sau khi dẹp tan giặc, ông lại được phong Tước Hầu. Năm 1288, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần 3, Trần Khánh Dư được Trần Hưng Đạo giao nhiệm vụ quyết chiến trên biển. Tại đây, Trần Khánh Dư đánh thắng trận Vân Đồn tiêu diệt hơn 500 chiến thuyền lương của Trương Văn Hổ. Chiến thắng Vân Đồn làm thất bại ngay từ đầu kế hoạch hậu cần quân Nguyên Mông, góp phần quan trọng để cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần 3 sớm kết thúc thắng lợi. Trần Khánh Dư không chỉ là người có tài, cầm quân xung trận mà ông còn có khả năng đặc biệt trong việc luyện binh và hiểu thấu đáo binh pháp của Trần Hưng Đạo. Khi Trần Hưng Đạo viết cuốn: “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” để rèn luyện quân sĩ thì chính Trần Khánh Dư là người viết lời tựa về việc sử dụng binh pháp, thể hiện tài thao lược của ông: “Phàm việc dùng binh hễ giỏi thì không cần bầy trận, mà giỏi bày trận thì không cần đánh, giỏi đánh thì không thua, không thua thì không chết”. Với cống hiến to lớn trong suốt ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Trần Khánh Dư là người tướng tài; ông đã được vua Trần phong tước Nhân Huệ Vương. Cuối đời, Trần Khánh Dư về sống hưu trí tại Thái Ấp bên vụng Trần Xá (thuộc Chí Linh, Hải Dương) - nơi giao thông đường thuỷ phát triển, nhân dân địa phương buôn bán và sản suất đồ gốm. Ông thường động viên nhân dân địa phương tích cực sản xuất nên kinh tế địa phương rất phát đạt. Do vậy, tên thôn Linh Giàng còn có tên gọi là làng Gốm. Ngày 15 tháng 8 năm Kỷ Mão, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư qua đời. Ghi nhận công lao của ông, nhân dân địa phương đã xây dựng đền thờ tại đầu làng Gốm bên bờ sông Kinh Thầy lấy tên là “Nhân Huệ Vương từ”. Trải qua những năm tháng lịch sử, di tích đền gốm đã nhiều lần được trùng tu tôn tạo lại. Đền được xây dựng thế kỷ 14. Đến thế kỷ 17, 18 thời Lê đền được trùng tu lại, kiến trúc theo kiểu chữ đinh gồm 3 lớp nhà gồm 5 gian đại bái, 5 gian trung từ, 3 gian hậu cung. Cuối thế kỷ 19, thực dân pháp tiến đánh vùng Phả lại, Chí Linh, di tích đền gốm cũng bị chúng đốt dỡ. Năm 1933, nhân dân thập phương công đức đầu tư trùng tu lại toàn bộ ngôi đền. Kết cấu kiến trúc được giữa nguyên như cũ gồm 3 lớp nhà. Riêng nhà đại bái trước 5 gian đã được mở rộng thên hai gian đầu hồi để làm miếu cô. Hàng năm, mỗi độ thu về, từ 13 đến 21 tháng 8 âm lịch nhân dân địa phương tổ chức lễ hội đền Gốm tưởng niệm danh nhân Trần Khánh Dư. Lễ hội đền Gốm diễn ra liên tục 7 ngày đêm. Khách về dự hầu hết là ngư dân ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng… Trong quan niệm tín ngưỡng dân gian cho rằng: Trần Khánh Dư là một tướng thuỷ quân, từng đánh thắng quân Nguyên Mông nhiều trận trên sông, biển nên thường diễn lại một số tích truyện dân gian như: rước nước, bơi chải… cầu mong để người đi biển an toàn và thu được nhiều cá, tôm, sản vật, và may mắn không bị mưa bão... Đây là một nét đẹp văn hoá truyền thống của cư dân Đông Bắc cần được bảo tồn. Nguồn: Ban Quản Lý Di Tích Chí Linh

Hải Dương 763 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Huề Trì

Đình Huề Trì có nơi gọi là Huệ Trì, thuộc thôn Huề Trì, phường An Phụ, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Đình Huề Trì là nơi thờ hai Thành hoàng làng là Thiện Nhân và Thiện Khánh vốn là hai chị em sinh đôi – nữ tướng của Hai Bà Trưng trong thời kì khởi nghĩa chống quân xâm lược Tô Định và mất tại đây. Đình xây dựng vào thời hậu Lê, trùng tu vào thời Nguyễn. Trước đây, Đình làm bằng gỗ, lợp tranh. Ngôi đình hiện nay, có bố cục hình chữ 二Nhị, gồm 2 toà 5 gian kiểu 4 mái liền nhau khép kín gần vuông, dài 26m, rộng 24m, tổng diện tích là 624m2. Đình quay mặt về hướng Nam, 3 gian cửa lớn, còn lại đóng ngưỡng chồng, cao tới 1m, trên có chấn song con tiện. Hè đình ghép đá khối, có tấm dài tới 4m. Xung quanh đình có sân và nhiều cây cổ thụ, phía tây bắc thường để họp chợ. Trong đình, hiện còn lưu giữa nhiều cổ vật có giá trị như những bức đại tự, câu đối, dong đình, đòn bát cống, đồ thờ và 7 tấm bia đá. Theo tương truyền và văn bia ghi lại thì đình Huề Trì được xây dựng từ thời Lý, lúc đó làm nhỏ, lợp gianh (rạ) sau này đã trùng tu nhiều lần, đã làm bằng gỗ lim lợp ngói, tuy địa điểm vẫn ở chỗ cũ nhưng bố cục có khác trước, hiện nay kiến trúc hình chữ Quốc, bố cục gần như vuông . Hai ngôi đình (tiền tế + hậu cung) đều 5 gian gần xít nhau, các đầu hồi lại được nối thành mái như chính diện, cột, kèo, chồng cốn không có trạm trổ gì cầu kỳ, phần nhiều bào trơn đóng bén. Đình hiện còn 7 bia đá thì 6 bia thuộc đình, 1 bia thuộc văn chỉ. Ngoài ra còn một số sập, kiệu, long đình, bát bửu.... Theo thần tích hiện còn ở tại di tích thì đình Huề Trì thờ Thiện Nhân, Thiện Khánh có công cùng Hai Bà Trưng đánh giặc thời Đông Hán (Tô Định - Mã Viện). Thiện Nhân, Thiện Khánh là con bà Nhã Nương và là cháu ông Nguyễn Công. Hai bà cùng sinh ngày 7-1 năm Nhâm Dần. Khoảng độ 13, 14 tuổi, Thiện Nhân, Thiện Khánh rất thông minh, học rộng, tài cao, đạo đức khác thường và có sắc đẹp tuyệt vời. Đến năm 17 tuổi, mẹ bà mất thì cũng là năm Hai Bà Trưng khởi binh đánh Tô Định. Sẵn lòng yêu nước, Thiện Nhân - Thiện Khánh đã đến khu vực Hai Bà Trưng và được xung vào quân ngũ, phong làm tả hữu nhập nội công chúa, đồng thời được giao trách nhiệm cho Thiện Nhân, Thiện Khánh trấn ải miền Hải Đông, nay là đất Hải Hưng. Thiện Nhân, Thiện Khánh đã cất quân và cùng Hai Bà Trưng chiến đấu dũng cảm đánh bại giặc Tô Định. Thắng trận trở về, Thiện Nhân, Thiện Khánh được phong là: " Nhập nội công chúa ". Vua nhà Hán lại sai phục ba tướng quân Mã Viện đem quân sang đánh nước ta, Hai Bà Trưng lại một lần nữa quyết sống mái với quân thù. Thiện Nhân, Thiện Khánh nguyên là 2 nữ tướng nên lần này cũng lại ra quân. Nhưng vì thế giặc quá mạnh, quân ta chống cự không nổi, Hai Bà Trưng nhảy xuống sông Hát Giang tự vẫn. Thiện Nhân, Thiện Khánh cũng chống cự không nổi đã chạy về Huề Trì Trang và hy sinh tại đây. Hàng năm có hai ngày hội. 1 là ngày 7 -1 là ngày sinh thời của 2 chị em Thiện Nhân, Thiện Khánh. Hội mở trong nhiều ngày, có rước thần từ đình lên chùa. 2 là ngày 10 - 3 mở hội xuân. Rước thần từ nghè về đình, sau đó tổ chức tế. Thời gian từ 5 đến 10 ngày. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Hải Dương

Hải Dương 1143 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Trịnh Xuyên

Đình Trịnh Xuyên thuộc làng Trịnh Xuyên, xã Nghĩa An (Ninh Giang) Hải Dương. thờ Đạo quang cư sĩ Vũ Đức Phong, nguyên gốc làng Mộ Trạch, nay thuộc xã Tân Hồng (Bình Giang), người có công chống giặc Chiêm Thành dưới triều Trần và đã hy sinh tại chiến trường. Đình được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII-XVIII, kiểu tiền nhất, hậu công, quy mô khá đồ sộ. Riêng diện tích sử dụng là 580,25 m2, bao gồm các hạng mục là đại bái, trung từ, hậu cung, nhà chờ và 2 dãy giải vũ. Toà đại bái được xây dựng thông thoáng, không có tường bao xung quanh, dài 13m, rộng 8,5m. Trên toàn bộ bờ mái, bờ nóc được tạo dáng hình hoa chanh. Các đao, guột được tạo dáng hình đầu rồng mềm mại. Trung từ gồm 3 gian được kiến trúc theo kiểu con chồng đấu sen. Trên các vì, bẩy đều chạm hình trạng, phượng, hoa lá cách điệu. Tiếp theo đại bái là đình trung. Toà này có chiều dài 20m, rộng 11m, gồm 5 gian. Cũng như đại bái, ở toà trung từ tất cả bờ nóc và bờ mái đều được đắp hình hoa chanh. Các đao mái được tạo dáng hình đầu rồng. Các vì ở đây cũng được làm theo kiểu con chồng. Hai vì giữa được chạm khắc kỹ hơn, 4 đầu dư ở hai vì này được làm vào thời Nguyễn. Hai vì ngoài lạm khắc ít hơn, căn cứ vào các đầu dư và nghệ thuật chạm khắc thì 2 vì này được làm tử thế kỷ XVII-XVIII .Trên xà ngang gian trung tâm treo một bức chạm "Lưỡng long chầu nguyệt", phía dưới là bức cửa võng được tạo kiệu chữ "triện". Tiếp nối với phần trung từ là 3 gian ống muống, kỹ thuật kiến trúc đơn giản hơn. Phía dưới được bài trí ban thờ và hai cỗ kiệu long đình và bát cống. Tiếp 3 gian ống muống là một gian hậu cung. Về kiến trúc, phần trung tâm đặt một bệ thờ cao. Trên để một cỗ khám cao 1,8 m, được sơn son thếp vàng rực rỡ. Trong khám là tượng Thành hoàng cao 0,9 m, thân hình cân đối, hài hoà. Ngay phía trước khám là tượng hai lính hầu bằng gỗ cao 1,4 m, tay cầm binh khí. Ngoài các hạng mục trên, còn có hai dãy giải vũ, mỗi dãy 3 gian, tạo thành một công trình khép kín và đồng bộ. Đình còn tượng cổ Vũ Đức Phong và nhiều đồ thờ. Lễ hội đình hàng năm được tổ chức từ ngày 9 đến 12 tháng 2 âm lịch với nhiều trò chơi dân gian như thi pháo đất, múa rối. Đình được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1992. Nguồn: Báo điện tử Hải Dương

Hải Dương 1094 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền thờ Khúc Thừa Dụ

Đền thờ Khúc Thừa Dụ thuộc thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, thờ 3 vị anh hùng dân tộc họ Khúc (Khúc Thừa Dụ, Khúc Thừa Hạo, Khúc Thừa Mỹ). Đền đã được nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2015. Đền nằm giáp đê sông Luộc, mặt đền quay theo hướng Nam. Từ ngoài vào trong đền qua chiếc cầu đá, đến sân hội, với hai bức phù điêu ghép bằng các tảng đá lớn. Các họa tiết được chạm khắc công phu, mô tả quang cảnh nhân dân tụ nghĩa theo Tiên Chúa Khúc Thừa Dụ giành quyền tự chủ và cuộc sống thái bình, an cư lạc nghiệp. Khúc Thừa Dụ là một trong những anh hùng dân tộc có công đầu dựng nước ở thế kỷ 10. Khởi nghiệp là một hào trưởng đất Hồng Châu, nay là làng Cúc Bồ, thuộc xã Kiến Quốc, Khúc Thừa Dụ là người đã tạo dựng những nền móng ban đầu cho công cuộc giành độc lập, xây dựng nền tự chủ của đất nước, chấm dứt ách thống trị của phong kiến phương bắc trong những năm đầu thế kỷ thứ 10. Con và cháu ông là Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ tiếp tục nối nghiệp cha ông, có công củng cố độc lập, thực hiện quản lý chính quyền đến cấp làng, xã. Ngày 23/7/907, Khúc Thừa Dụ mất. Ðể tưởng nhớ công lao Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ, người dân trong vùng Hồng Châu đã đóng góp xây dựng đình làng Cúc Bồ trên một khoảng đất rộng ở phía nam của làng, cách đê sông Luộc chừng 300 m. Năm 2005, tỉnh Hải Dương khởi công xây dựng đền Cúc Bồ thờ ba vị Anh hùng họ Khúc là: Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ, ngay cạnh đình cổ làng Cúc Bồ. Công trình có tổng diện tích hơn 57.000 m2, sử dụng ba loại vật liệu chủ yếu là: Ðá xanh, gỗ lim và đồng. Đền thờ có kiến trúc độc đáo, bao gồm nhiều công trình văn hóa nghệ thuật như: Tam quan, Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Hai bên có nhà Tả vu, Hữu vu, giếng mắt rồng, phù điêu đá, tượng Linh thú, hồ sen, cầu đá, tứ trụ... Tất cả được xây dựng theo kiến trúc truyền thống. Trung tâm của đền Khúc Thừa Dụ, được gọi là Thượng điện. Tại đây, các ban thờ được bố trí theo những quy định chuẩn mực và có nội dung ý nghĩa sâu sắc. Ban công đồng đặt chính giữa, có đặt bức hoành phi 4 chữ ghi là: “Thiên Nam Chính Khí”: dịch nghĩa là Họ Khúc là chính nghĩa trời Nam. Và hai bên là ban thờ “Lưỡng ban”, có 2 hoành phi: bên phải “Hồng Châu anh kiệt”, dịch nghĩa là: Bậc anh hùng, hào kiệt đất Hồng Châu. Bên trái “Hùng Phong do tại”: dịch nghĩa là: Phong thái anh hùng như còn đây. Tại đền Khúc Thừa Dụ còn có những bức tranh nghệ thuật có tên là “Khúc hoan ca”, mô tả cảnh thái bình, cuộc sống yên vui của cư dân dưới nền tự chủ đầu tiên; bên cạnh đó là cảnh “tụ nghĩa”, rèn quân sỹ. Nội dung mà bức tranh này chuyển tải chính là sự thể hiện cho tinh thần thượng võ, ước vọng hòa bình, ổn định phồn vinh của dân tộc Việt Nam. Tại khu cung điện của đền, có 3 pho tượng đồng lớn: tượng Tiên chúa Khúc Thừa Dụ đặt giữa, tượng Trung chúa Khúc Hạo bên phải, và bên trái là tượng Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ. Tượng Tiên chúa Khúc Thừa Dụ với thanh gươm cầm trên tay thể hiện cho uy quyền và tài trí “Đức trùm thiên hạ”.. là một pho tượng có chiều sâu về thần thái, thể hiện sắc thái của một vị đế vương, có dung mạo uy nghi, khí tiết hơn người. Đền thờ Khúc Thừa Dụ là một công trình có ý nghĩa tôn vinh công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc dòng họ Khúc thời kỳ tiền độc lập dân tộc. Cùng với ý nghĩa về văn hóa tâm linh và du lịch, Đền thờ Khúc Thừa Dụ cũng là điểm đến du lịch, tham quan, nghiên cứu lịch sử hấp dẫn trên mảnh đất Hải Dương, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho muôn đời sau. Nguồn: Tổng hợp báo điện tử Hải Dương

Hải Dương 1364 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Cao An Lạc

Khu di tích đền Cao thuộc xã An Lạc, Thành Phố Chí Linh tỉnh Hải Dương. Quần thể khu di tích đền Cao là nơi phụng thờ 5 vị tướng họ Vương có công trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược và tri ân đức vua Lê Đại Hành, thành hoàng làng Dương Tôn Linh. Với hiện trạng di tích và các truyền thuyết còn lưu truyền nơi đây cùng các sinh hoạt lễ hội được nhân dân bảo tồn và gìn giữ, lễ hội đền Cao được đánh giá là một trong những lễ hội cổ truyền tiêu biểu của Hải Dương. Quần thể di tích có 5 đền và 1 chùa. Đền Vua thờ vua Lê Đại Hành tọa lạc trên núi bàn cung toát lên vẻ uy linh và tôn nghiêm. Đền Cao thờ Vương Đức Minh trầm mặc tọa lạc trên đỉnh núi Thiên Bồng thuộc dãy núi Voi ở độ cao 30 m, giữa rừng lim già cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đền Bến Tràng thờ Vương Đức Xuân đậm màu sắc truyền thống và toát nên vẻ nghiêm cẩn nằm bên dòng Nguyệt Giang mềm mại. Đền Bến Cả thờ Vương Đức Hồng - ngôi đền trần (không có mái che) đậm dấu tích thiêng, được coi là ngôi đền đặc biệt nhất trong hệ thống di tích đền thờ ở nước ta. Đền Cả thờ cha mẹ của 5 đức thánh và 2 người con gái là Vương Thị Đào và Vương Thị Liễu trầm mặc giữa cánh đồng xanh tươi, trù phú, nằm bên dòng sông yên ả. Thần tích còn lưu tại đền Cao do Hàn lâm viện đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính vâng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên, đời vua Lê Anh Tông (1572) đã ghi rõ sự tích và công trạng của các vị thánh đền Cao. Vào thời Đinh, ở trang Thạch Tuyền, huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, lộ Thanh Hoá có gia đình ông họ Vương tên là Tĩnh, bà vợ là người bản trang họ Đào tên là Thanh. Ông bà hay làm, chịu thương chịu khó, lại hay thương người nên được bà con chòm xóm mến mộ. Song hiềm một nỗi là vợ chồng tuổi tác đã cao mà chưa có một mụn con. Một ngày kia, ông bà lênh đênh trên chiếc thuyền con, ngược cửa thần phù tìm nơi đất mới để sinh sống, đến Trang Dược Đậu, đất Bàng Châu, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương thấy dân phong ở đây thuần hậu, đất đai, cỏ cây tươi tốt, ông bà liền xin cư trú ở đấy. Bấy giờ, tại Dược Đậu trang có gia đình ông họ Phạm, tên là Lược. Gia cảnh ông họ Phạm cũng tương đối khá giả, liền cho ông bà đến ở nhờ tại Dược Đậu trang. Một đêm bà Thanh nằm mộng thấy năm ngôi sao chui vào miệng. Khi bà Thanh ra dòng Nguyệt Giang tắm rửa chợt thấy một con giao long ngũ sắc nổi lên quấn chặt lấy mình bà ba vòng, bà Thanh vô cùng hoảng sợ. Từ đó bà Thanh thấy trong lòng rung động rồi có thai. Đến khi thai nghén đủ tuần mãn nguyệt, bà sinh ra một bọc, bung ra 5 trứng, sinh được 3 trai 2 gái. Con trai thì dáng mạo khôi ngô tuấn tú, oai phong lẫm liệt, mắt phượng mày ngài, hàm hổ mặt rồng. Con gái thì mặt hoa da phấn. Con trai thứ nhất tên là Vương Đức Minh. Con trai thứ hai Vương Đức Xuân. Con trai thứ ba Vương Đức Hồng. Con gái thứ tư là Vương Thị Đào và cô gái út là Vương Thị Liễu. Bấy giờ, quân Tống do Quách Tiến chỉ huy xâm lược bờ cõi nước ta. Khi nhà vua đem quân đi đánh giặc, qua Dược Đậu trang thấy thế đất hiểm yếu liền cho lập đồn trại đóng quân ở ngay khu chợ nhỏ (tục gọi là chợ Đậu). Năm anh em họ Vương đều vào bái yết, nhà vua liền cho thử tài, năm anh em đều trổ hết tài năng ứng thí. Biết các ông là người có tài năng thực thụ, nhà vua liền thu nhận dưới trướng và phong chức. Khi ấy, ba ông cùng với hai bà đem quân theo đường bộ. Hai bà giả làm người đi bán trầu thuốc lần tìm đến tận nơi đồn sở của giặc. Sau khi nắm rõ binh tình giặc, quân ta tiến công, quân giặc thua to tháo chạy về nước. Khu di tích đền Cao hình thành và phát triển hơn 1.000 năm nay. Tuy quy mô các ngôi đền không lớn nhưng đã hội tụ được linh khí đất trời. Các ngôi đền được xây dựng rất sớm, từ thời Tiền Lê, sau khi 5 vị tướng qua đời. Vào thời Nguyễn, ngôi đền được trùng tu lại với kiến trúc kiểu chữ tam và giữ nguyên hiện trạng cho đến ngày nay. Hệ thống cổ vật, đồ thờ tự có giá trị như bia, long đao, bát bửu, ngai còn giữ được khá nguyên vẹn, tiêu biểu là các bức đại tự, câu đối. Trong hậu cung đền hiện còn lưu giữ được các đạo sắc phong qua các triều vua. Đền Cao là một ngôi đền độc đáo xây dựng từ thế kỷ XX và được trùng tu nhiều lần. Lễ hội chính diễn ra từ ngày 23 đến ngày 25 tháng giêng (âm lịch) có nhiều trò chơi dân gian như: Đấu vật, kéo co. Phần lễ có: Rước ngai, tế truyền thống thu hút rất nhiều du khách đến thăm quan. Ngày 2/3/2018, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã quyết định “xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật” đối với quần thể Đền Cao. Nguồn: Tổng hợp báo điện tử Hải Dương

Hải Dương 1154 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Thanh Mai

Chùa Thanh Mai (thuộc xã Hoàng Hoa Thám, Thành Phố Chí Linh, Hải Dương). Chùa Thanh Mai được xây dựng vào khoảng năm 1329 trên sườn núi Thanh Mai, hay còn gọi là núi Tam Ban (nghĩa là ba cấp núi nối liền nhau của ba tỉnh Bắc Giang-Hải Dương-Quảng Ninh, thuộc cánh cung Đông Triều), cao khoảng 200m, nay thuộc địa phận xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh. Chùa gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa tôn giả vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Chùa chính có kiến trúc kiểu chữ Đinh, với 7 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Kết cấu khung chùa bằng gỗ lim với 12 cột cái đường kính 50cm, cao 7,2m và 16 cột quân đường kính 42 cm, cao 3,5m được nối theo kiểu "chồng rường bát đấu" là kiểu kiến trúc thời Trần. Mái chùa gồm 8 mái, 8 đầu đao, lợp ngói mũi hài, trên nóc đắp bờ, chính giữa đắp nổi bốn chữ "Thanh Mai thiền tự". Chùa khởi công và hoàn thành năm 2005. Hiện nay chùa Thanh Mai vẫn gìn giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Viên Thông Bảo Tháp xây dựng năm 1334; tháp Phổ Quang được xây dựng năm Chính Hoà thứ 23 (1702); tháp Linh Quang xây dựng năm Chính Hoà thứ 24 (1703), cùng 5 ngôi tháp khác. Trong chùa cũng còn lưu giữ được 6 tấm bia thời Trần và Lê, trong đó Thanh Mai Viên Thông tháp bi được công nhận là bảo vật quốc gia. Bia được khắc dựng năm Đại Trị thứ 5 (1362) nói về thân thế và sự nghiệp của Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc lâm. Tấm bia cũng cho thấy tình hình chính trị, tôn giáo, ruộng đất đương thời và những hoạt động của Trúc Lâm Tam tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Hội chùa Thanh Mai diễn ra vào ngày mùng một đến mùng ba tháng Ba âm lịch hằng năm. Năm 1992, chùa Thanh Mai đã được Bộ Văn hóa- Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Vào dịp cuối mùa thu, sang những ngày mùa đông, Rừng phong khu vực chùa Thanh Mai mang cảnh sắc tuyệt đẹp. Những cánh rừng trong khoảng thời gian này trở nên rực rỡ bởi những sắc đỏ, vàng… Với diện tích khoảng 15 ha, rừng phong ở khu vực chùa Thanh Mai khá dày đặc. Chiều cao của cây phong lên tới hàng chục mét, mọc từ chân lên đến đỉnh núi, trong đó có những cây kích thước thân rất lớn, khoảng 2-3 người ôm mới trọn. Và đẹp hơn cả là khoảng thời gian lá phong chuyển màu, từ những tán lá xanh ngả sang vàng, rồi chuyển thành màu đỏ. Với giá trị lịch sử lâu đời, với nhiều nghi lễ tôn nghiêm trong ngày hội như: giảng kinh, mộc dục, chay đàn... cùng thiên nhiên kỳ vĩ, chùa Thanh Mai đã và đang góp phần làm giàu có thêm vốn văn hóa xứ Đông. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

Hải Dương 1123 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền thờ Chu Văn An

Đền thờ thầy Chu Văn An tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, thuộc địa phận phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Nơi đây với phong cảnh tuyệt đẹp, cũng là nơi nhiều người dân đến xin chữ mỗi khi dịp Tết đến xuân về, cầu mong một năm mới gặp nhiều may mắn, học hành thi cử đỗ đạt. Thầy Chu Văn An hiệu là Tiều Ẩn – tự là Linh Triệt, thuỵ là Văn Trinh. Sinh ngày 25 tháng 8 năm Nhâm Thìn niên hiệu Trùng Hưng thứ 2 (1292) tại thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Trì (nay thuộc thành phố Hà Nội). Ông là người có công lớn đầu tiên trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng Giáo ở Việt Nam. Ông được Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329) mời làm tư nghiệp Quốc tử giám dạy học cho Thái tử. Đến đời Vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369), vì không chịu nổi bọn gian thần ác bá, ông đã trao ấn từ quan về ở ẩn trên núi Phượng Hoàng, chỉ chuyên dạy học, viết sách, làm thơ, nghiên cứu y dược cho tới khi mất. Sau khi thầy Chu Văn An qua đời (1370), tại nơi thầy làm nhà dạy học đã được dựng ngôi đền thờ thầy. Sau 2 giai đoạn trùng tu, năm 2008 đền thờ Chu Văn An đã trở thành quần thể kiến trúc bề thế trang nghiêm bao gồm: tam quan nội, tam quan ngoại, sân hạ, sân trung, sân thượng, vườn cây, hai nhà giải vũ, hai nhà bia, đền thờ chính cùng những bức phù điêu chạm Long Phượng vờn mây và 112 bậc đá dẫn lên đền thờ chính. Đền đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1998. Đền thờ chính tọa lạc trên thế đất cao, rộng, theo phong thủy, đây chính là mắt của chim Phượng. Phía trước đền có núi Ngọc làm tiền án, phía sau có núi Phượng làm hậu trẩm, hai bên là núi Kì Lân và núi Phượng Hoàng chầu về. Đền được xây dựng theo hình chữ Nhị (二), kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái, ngói liệt với 8 góc đao cong, bao gồm 5 gian tiền tế và 1 gian hậu cung. Nghệ thuật trang trí trong đền theo đề tài tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng), tứ quý (Tùng, Cúc, Trúc, Mai). Các bức y môn sơn son thếp vàng trang trí mỹ thuật theo hình tượng “rồng chầu hoa cúc mãn khai”. Phía trước đền là đôi rồng đá mang phong cách kiến trúc thời Trần… Hàng năm, tại đền Chu Văn An diễn ra lễ khai bút đầu xuân vào ngày 6 tháng Giêng với 4 chữ thư pháp Hán Nôm: Chính - Học - Thuần - Hành, và 10 chữ Quốc ngữ: Tâm - Đức - Chí - Nghĩa - Trung - Tài - Minh - Trí - Thành - Vinh. Đây là nét đẹp văn hóa được gìn giữ từ khi thầy Chu Văn An về đây mở lớp dạy học. Lễ hội đền Chu Văn An mùa thu diễn ra từ ngày 1 - 25/8 âm lịch (chính hội ngày 25). Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

Hải Dương 1203 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia

Đền Xưa - chùa Giám - đền Bia là cụm 3 di tích nằm trên địa bàn 3 xã Cẩm Sơn, Cẩm Vũ và Cẩm Văn của huyện Cẩm Giàng. 3 di tích ở rất gần nhau, cùng thờ một vị tổ là Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh, song ở mỗi nơi lại có những công trình kiến trúc độc đáo, tạo dấu ấn và chỗ đứng riêng trong đời sống văn hóa, tâm linh người dân địa phương. Tháng 12/2017, cụm di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đền Xưa - chùa Giám - đền Bia được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Chùa Giám (chùa Nghiêm Quang), được khởi dựng vào thời Lý; cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII được xây dựng lại với quy mô kiến trúc to đẹp. Chùa tọa lạc trên một khoảng đất rộng 2ha. Ngôi chùa có kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc” với đầy đủ các công trình như: Tam quan, Tiền đường, Tam bảo, nhà Tổ, hành lang, nhà tháp Cửu phẩm, nhà khách, nhà Tăng, vườn cây, Pháp sư, nghè Giám. Các kiến trúc sư, các nghệ nhân đã tạo trên mặt bằng của chùa sự liên hoàn của các hạng mục tôn lên vẻ tráng lệ cổ kính, ẩn chứa nhiều tầng trí tuệ văn hóa. Chùa Giám là nơi gắn với cuộc đời Tuệ Tĩnh từ khi ông còn nhỏ. Theo tư liệu lịch sử, Tuệ Tĩnh sinh vào khoảng năm 1330, mồ côi cha mẹ từ năm 6 tuổi, được sư thầy Hải Triều ở chùa Giám nuôi và cho đi học. Thời niên thiếu và những kiến thức đầu đời về y học của ông đã được nuôi dưỡng, gắn bó với ngôi chùa này. Điểm đặc sắc nhất của chùa Giám là tòa cửu phẩm liên hoa được đặt ở sân phía sau tam bảo. Nhà cửu phẩm hình vuông 8 m), cao 3 tầng, 12 mái, có nhiều mảng kiến trúc còn giữ được dấu ấn của thế kỷ XVII. Trong nhà cửu phẩm là tòa cửu phẩm liên hoa gồm 9 tầng hoa sen, cao trên 6m hình lục giác đều, mỗi cạnh 1,24m. Trên cửu phẩm có 145 pho tượng Phật. Toàn bộ kết cấu cửu phẩm liên kết với một trụ gỗ lim lớn ở giữa, trụ này đặt trên ngõng đá, tựa một ổ bi. Vào ngày lễ Phật, chỉ cần 2 người đẩy, cửu phẩm có thể quay nhẹ nhàng. Tòa cửu phẩm liên hoa là công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo chỉ có ở Việt Nam. Hiện nay, trong cả nước chỉ còn 3 tòa cửu phẩm liên hoa có thể quay được, 2 tòa còn lại ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) và chùa Đồng Ngọ (Thanh Hà, Hải Dương). Đền Xưa, là ngôi đền chính thức được xây dựng để thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh trên quê hương ông, nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng. Chưa xác định đền được khởi dựng từ năm nào, nhưng căn cứ di vật kiến trúc hiện còn có thể xác định vào thế kỷ XVII đã có một ngôi đền kiên cố, chạm khắc tinh tế. Hiện tại di tích còn khoảng 50 cổ vật có giá trị như chuông đồng đúc năm Tự Đức thứ 8 (1855), sắc phong cho Tuệ Tĩnh vào các thời Thiệu Trị, Tự Đức, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại... Đây là những vật chứng cho sự nghiệp y học lẫy lừng đã được ghi nhận của Tuệ Tĩnh trong lịch sử. Đền Bia, nằm trên cánh đồng phía Tây thôn Văn Thai (xã Cẩm Văn), giáp làng Nghĩa Phú (xã Cẩm Vũ), quê hương của Đại Danh y Tuệ Tĩnh. Đền được xây dựng để thờ Đại Danh y Tuệ Tĩnh và tấm Bia đá thời Lê, là di vật kỷ niệm của ông nên có tên là đền Bia. Tấm Bia đá hiện đang lưu giữ tại Hậu cung của đền Bia tương truyền được tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đặt khắc theo nguyên mẫu tấm bia đặt trên mộ ông bên Giang Nam (Trung Quốc). Đền Bia không phải là nơi thờ chính Tuệ Tĩnh nhưng lại được nhân dân địa phương đến thăm viếng nhiều nhất, vì nơi đây đã trở thành trung tâm thuốc nam uy tín. Vào dịp lễ hội (1 tháng 4 âm lịch) khách trẩy hội rất đông, nhiều du khách tới đây cắt thuốc nam như một cách cầu may về sức khỏe. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

Hải Dương 1371 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Văn Miếu Mao Điền

Văn miếu Mao Điền thuộc làng Mao (còn gọi là làng Mậu Tài), xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, nằm ngay trên Quốc lộ số 5 mới, cách thủ đô Hà Nội 40km về phía Đông và thành phố Hải Dương về phía Tây chừng 16km. Chữ Văn có hàm nghĩa rất rộng bao gồm toàn bộ lĩnh vực khoa học xã hội; Miếu là nơi thờ tự; Mao có nghĩa là cỏ, cỏ thơm, cỏ thi; Điền nghĩa là ruộng. Xưa kia nơi đây là khu ruộng rất rộng nhiều cỏ thơm, cỏ thi người ta đã chọn nơi này để làm trường thi Hương của trấn Hải Dương, đến thời Tây Sơn, Văn miếu được di chuyển từ Vĩnh Lại về sáp nhập với trường thi Hương và lấy tên địa phương đặt tên cho di tích gọi là Văn miếu Mao Điền. Văn miếu là một kiến trúc của các nước phương Đông chịu ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo. Đây là kiến trúc được dựng nên để thực hiện hai chức năng tôn giáo và văn hóa. Về chức năng tôn giáo, Văn miếu là nơi thờ các vị thánh hiền của Đạo Nho; về chức năng văn hóa, Văn miếu được sử dụng như một ngôi trường, để dạy học cho hoàng tử, hoàng thân và con cái các quan đại phu... Ngoài ra, Văn miếu còn là nơi bảo tồn những tấm bia đá, ghi danh các vị đỗ đại khoa (Tiến sĩ trở lên) của quốc gia hoặc địa phương. Khởi nguồn của Văn miếu Mao Điền là Văn miếu trấn Hải Dương được lập trong khoảng từ những năm 1740 đến 1800 dưới thời nhà Lê và Tây Sơn trên đất Vân Dậu (Vĩnh Tuy, Vĩnh Lại, Bình Giang, Hải Dương). Khi đó, Văn miếu trấn Hải Dương là một trong những Văn miếu địa phương được xây dựng sớm ở miền Bắc. Văn miếu trấn Hải Dương được di chuyển về chỗ hiện nay và xây dựng các công trình bổ sung, hoàn thành vào ngày 26 tháng 7 năm Tân Dậu (1801). Vị trí đặt Văn miếu ở trên nền trường học của phủ Thượng Hồng xưa, nằm ở phía Bắc lỵ sở của trấn thành Hải Dương, ở khu vực Mao Điền. Đầu thế kỷ XIX, Văn miếu trấn Hải Dương được trùng tu, sửa chữa lớn dưới thời vua Gia Long, tiến hành từ ngày mồng 6 tháng 10 năm Bính Dần (1806) đến ngày mồng 5 tháng 8 năm Đinh Mão (1807) hoàn thành. Và 16 năm sau đó, Văn miếu lại tiếp tục được trùng tu lớn năm Minh Mạng thứ 4 (1823). Bài trí thờ tự tại di tích trước đây được sắp xếp theo mô hình của Văn miếu Quốc Tử giám Hà Nội. Ngoài Bái đường có 1 ban thờ công đồng để nho sinh xa, gần đến lễ bái. Trong Hậu cung có 3 ban thờ, chính giữa thờ Khổng Tử; bên tả thờ Nhan Hồi, Tử Tư; bên hữu thờ Mạnh Tử và Tăng Tử - là bốn học trò thân tín nhất của Khổng Tử. Năm 2002, bài trí thờ tự trong di tích đã có sự thay đổi, ngoài việc thờ Khổng Tử, còn phối thờ 8 vị Đại khoa người Việt, trong đó, đúc tượng đồng 5 danh nhân là Đức Khổng Tử, Tư nghiệp Quốc Tử giám Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các tượng được đặt trong khám gỗ sơn son, thếp vàng lộng lẫy. Đồng thời, lập bài vị 4 danh nhân là Đại danh y, Thái học sinh Tuệ Tĩnh, Thần toán Việt Nam Vũ Hữu, Nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mệnh, Nghi Ái quan Nguyễn Thị Duệ. Đến thời Nguyễn, Văn miếu trấn Hải Dương được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Năm 1947, các hạng mục công tình của Văn miếu Mao Điền còn khá hoàn chỉnh, hàng năm 2 kỳ Xuân - Thu, quan Tổng đốc từ thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương) về Tế lễ hết sức trang nghiêm. Năm 1994, 1999, 2002, Văn miếu liên tục được đầu tư trùng tu, sửa chữa. toàn bộ khu di tích, trả lại quy mô, dáng vẻ như vốn có của di tích, tương xứng với những giá trị lịch sử và văn hóa mà nó mang trong mình, dấu ấn về một mảnh đất xứ Đông văn hiến. Văn miếu Mao Điền sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo và mở rộng với tổng diện tích lên tới gần 1 hétta. Với những giá trị đặc biệt trên, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng Văn Miếu Mao Điền là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ngày 25/12/2017. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Hải Dương 1265 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Khu di tích An Phụ- Kính Chủ-Nhẫm Dương

Quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương từ lâu đã được biết đến với những giá trị hiếm có về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là di tích quốc gia đặc biệt. Đền Cao, nằm trên đỉnh cao nhất của dãy An Phụ, là điểm nhấn trong quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương. Đền Cao An Phụ thuộc xã An Sinh, được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIII), thờ An Sinh Vương Trần Liễu - thân phụ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trong khuôn viên đền Cao An Phụ còn có chùa Tường Vân thờ Phật và Phật hoàng Trần Nhân Tông - người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thấp hơn đền An Phụ chừng 50m và cách khoảng 300m ra phía trước là tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn bằng đá cao gần 13m đứng tay tì đốc gươm, tay cầm cuốn thư, mắt hướng ra nơi biên ải phía Đông Bắc của Tổ quốc. Công trình được UBND tỉnh Hải Dương xây dựng từ 1993 do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt phiến đá đầu tiên. Khu vực tượng đài còn có bức phù điêu bằng đất nung dài 45m, cao 2,5m, gồm 265 viên ghép lại, mô tả cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của quân và dân Đại Việt do những nghệ nhân gốm sứ ở làng Cậy, huyện Bình Giang (Hải Dương) tham gia chế tác. Động Kính Chủ, từ xưa đã được xếp vào một trong sáu động đẹp của trời Nam. Động Kính Chủ nằm ở dãy núi đá vôi Dương Nham (xã Phạm Mệnh) sừng sững những ngọn đá hình mũi mác. Động nằm ở sườn nam núi, qua 36 bậc đá mở ra hoăm hoẳm với 3 cửa hang lớn. Không gian động phơi bày những thạch nhũ được thiên tạo sắp đặt kỳ thú. Với cảnh thiên nhiên như cõi cực lạc, động được người xưa tạo thành chùa thờ Phật. Ở bên trái động có bốn chữ lớn “Vân Thạch thư thất” (Nhà sách Vân Thạch) là nơi đọc sách của Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh, một vị quan nổi danh thời Trần. Ở Kính Chủ còn có nhiều hang động độc đáo như hang Vang, hang Luồn, hang Tiên Sư... với những câu chuyện huyền sử bất tận. Kính Chủ còn hấp dẫn bởi hơn 40 văn bia Ma Nhai độc nhất vô nhị được tạc vào vách đá. Đáng chú ý là tấm bia hình chữ nhật nằm ngang trên nóc động khắc thơ của vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497), chủ súy hội Tao Đàn khi ông đến thăm nơi này. Nhẫm Dương (xã Duy Tân) là nơi thắng tích núi non kỳ vĩ với hàng chục hang động: động Thánh Hóa, động Tĩnh Niệm, hang Chiêng, hang Trống, hang Tối... Các hang động này lưu giữ những hiện vật của thời tiền sử thu hút sự chú ý của giới khảo cổ học. Tại động Thánh Hóa sau chùa, năm 2000 người ta đã tìm thấy nhiều xương voi, tê giác, khỉ, lợn rừng, đặc biệt là xương vượn người... hóa thạch, tổng cộng 17 loài động vật thuộc kỷ Đệ tứ, cách chúng ta 3-5 vạn năm. Ngoài ra còn phát hiện nhiều xương người dính vào thành động đã bị thạch nhũ bám kín thuộc về thời kỳ tiền sử cách chúng ta hàng vạn năm. Nơi đây còn có ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Trần (1225 - 1400), là chốn tổ thiền phái Tào Động, từng góp phần chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Chùa còn bảo lưu được 2 tháp đá thời Lê chứa xá lỵ đệ nhất tổ thiền sư Thủy Nguyệt và đệ nhị tổ Tông Diễn. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

Hải Dương 1219 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Điểm di tích nổi bật