Di tích lịch sử

Việt nam

Khu di tích núi Dành

Câu chuyện về núi Dành (xã Liên Chung và Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) có sản vật tiến Vua-sâm Nam lưu truyền trong dân gian từ bao đời nay đã thôi thúc tôi tìm về khu di tích này. Từ TP Bắc Giang có nhiều đường để đến núi Dành nhưng tôi chọn đi theo Quốc lộ 17 rồi rẽ vào đường liên xã Việt Lập-Liên Chung. Đang là mùa đông nên hai bên đường là một màu xanh mướt của ngô, khoai lang và nhiều loại rau màu khác. Đi khoảng 5km từ lối rẽ, Khu di tích lịch sử văn hóa núi Dành đã hiện ra trước mắt tôi. Núi Dành nằm cách dòng sông Thương thơ mộng không xa, có đỉnh cao nhất khoảng 117 m so với mặt nước biển và là dãy núi lớn thứ hai của huyện Tân Yên sau núi Đót (xã Phúc Sơn). Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên đẹp với rừng thông khoảng 50 năm tuổi. Nhiều người đến núi Dành có chung nhận xét như đang ở trong rừng thông TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Anh Hoàng Tiến Dũng ở xã Mường Than, huyện Than Yên (tỉnh Lai Châu) nói: “Tôi biết núi Dành qua Internet đã lâu, nay mới có dịp tới thăm. Quả thật phong cảnh nơi đây rất đẹp, không khí trong lành, ngồi nghe thông reo thật lãng mạn. Nếu có dịp, tôi sẽ rủ người thân và bạn bè tới đây chơi”. Đường lên núi Dành được xây bậc gạch với tổng cộng 345 bậc thoai thoải. Ngay dưới chân núi là giếng Mũi Voi, sâu khoảng 2m, đã được xây bó bờ xung quanh. Người dân địa phương cho biết nước giếng luôn trong xanh và không bao giờ cạn. Tọa lạc ở núi Dành là đền Dành, công trình văn hoá tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Quần thể đền Dành gồm 3 đền: Đền Trình (dưới chân núi), đền Thượng (trên đỉnh núi) và đền Hạ (khu vực lưng chừng núi). Đền Dành thờ thần Cao Sơn, Quý Minh, khi sống là những vị tướng tài giỏi, thác đi trở thành những vị thần linh thiêng, hiển thánh lại âm phù, giúp dân trừ tai diệt họa, được nhân dân nhiều đời thờ phụng. Không ai biết chính xác đền Dành được xây dựng từ khi nào nhưng căn cứ vào những tài liệu hiện vật di tích như cột đá, bát hương cổ, đồ tế khí, ngai thờ còn lưu giữ trong đền... thì công trình này được xây dựng từ thời Lê thế kỷ XVIII. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ngôi đền đã bị hủy hoại đi nhiều, không còn nguyên vẹn như xưa. Tuy nhiên, nhân dân nơi đây đã nhiều lần trùng tu, cải tạo, ngôi đền đã khang trang, đẹp đẽ hơn nhưng vẫn còn lưu lại nhiều nét cổ kính, riêng biệt. Đặc biệt, đền Dành hiện nay được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng lại vào năm 2017 với quy mô lớn hơn nhưng vẫn nằm trên cốt nền của ngôi đền cổ xưa theo lối kiến trúc kiểu hình chữ công, gồm tòa bái đường 3 gian nối với tòa hậu cung 2 gian bằng một dải ống muống. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta, đền Dành và núi Dành là trạm tiền tiêu để bộ đội ta phục kích bảo vệ vùng tự do. Cũng tại nơi đây, vào ngày 13/4/1950 có 2 chiến sĩ du kích là Nguyễn Bá Giai và Nguyễn Đình Khái đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cảnh giới canh gác tiền tiêu Đến với Khu di tích núi Dành, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan bao la hùng vĩ mà còn được nghe câu chuyện lưu truyền trong dân gian về sản vật tiến Vua-sâm Nam của người dân nơi đây. Khu vực núi Dành xưa có lễ hội Bảo Lộc Sơn nổi tiếng khắp vùng. Đầu thế kỷ XIX, Bảo Lộc Sơn là một tổng thuộc huyện Yên Thế, phủ Lạng Giang gồm 4 xã: Bảo Lộc Sơn, Trung Sơn, Tưởng Sơn và Kim Tràng. Lễ hội Bảo Lộc Sơn hàng năm tổ chức vào ngày 16, 17 tháng Giêng, trung tâm tại quần thể di tích đình Um Ngò, xã Việt Lập. Lễ hội này là ngày hội tứ đình, còn gọi là tứ giáp, đặc trưng của các dòng họ: Thân, Giáp Nguyễn và Đồng…ở 4 làng: Kim Tràng, Khoát, Nguyễn và Um Ngò. 4 làng này có 4 ngôi đình, thờ 4 vị Thành Hoàng. Sau khi các làng Nguyễn, Kim Tràng, Khoát mở hội, thì rước kiệu về đình Um Ngò mở hội vào ngày 16 và 17 tháng Giêng, để rồi từ đó rước kiệu lên nghè Cả trên đỉnh núi Dành làm lễ mở đầu cho một năm. 4 lễ hội làng tụ lại thành lễ hội Bảo Lộc Sơn. Phần hội gồm những trò chơi như đu cây, chọi gà, đấu vật, thả diều... Những ước mong cầu mưa gió thuận hòa, dân khang vật thịnh. Lễ hội Bảo Lộc Sơn được khôi phục lần đầu năm 1996. Năm 2019, UBND xã Việt Lập tiếp tục tổ chức khôi phục lại lễ hội Bảo Lộc Sơn. NGUỒN SỞ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH BẮC GIANG TRUNG TÂM THÔNG TIN - XÚC TIẾN DU LỊCH

Bắc Giang 127 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia Mở cửa

CHÙA MY ĐIỀN

Trong khu phố My Điền, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên còn bảo lưu được ngôi cổ tự có tên Thánh Minh tự. Có lẽ đây là ngôi chùa cổ độc đáo hiếm thấy ở Bắc Giang. Chùa được xây dựng từ thời Lý và đã được tu sửa nhiều lần. Những hiện vật ở chùa là minh chứng cho ngôi cổ tự đã được khởi dựng cách đây lâu đời. Đó là thành bậc đá xanh tạo tác hình rồng mang phong cách thời Lý (thế kỷ XI - XII) được đặt trước cửa chùa. Rồng có đặc điểm đầu có mào lửa, mũi và bờm được cấu tạo rất sinh động bằng những đường nét tự nhiên. Mào chùm lấy toàn bộ môi trên và quyện với răng nanh hình đám mây bồng bềnh đang bay. Bờm tỏa ra từ sau gáy hướng về phía sau lưng. Túm râu rồng mềm mại như làn sóng hướng về phía trước. Mũi rồng là những đường cong xếp chồng nhau tạo ấn tượng về nguồn nước, miệng nhe ra để lộ hai hàm răng đang ngậm ngọc. Râu và mào rồng hướng về phía trước tạo nên một hình ảnh giống chiếc lá bồ đề. Trong tư thế mềm mại tự nhiên như đang bay, rồng có 11 khúc, các khúc có cung độ đều nhau và uốn lượn, rồng có 4 chân 3 móng vuốt nhỏ nhắn. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định đây là con rồng được tạo ở bậc thành thềm cửa chùa My Điền xưa. Theo đó sẽ có 2 con rồng đá ở thành bậc thềm cửa chùa, nhưng rất tiếc nay chỉ còn lưu giữ được một con. Cũng theo các nhà nghiên cứu văn hoá, con rồng thời Lý có mối quan hệ chặt chẽ với Phật giáo, nó đi liền với các hình tượng của Phật giáo như đức Phật, hoa sen, lá đề… điều đó khẳng định dưới thời Lý, vùng đất My Điền đã là nơi phát triển và hưng thịnh của Phật giáo Đại Việt. Chùa My Điền tọa lạc phía sau đình theo kết cấu kiến trúc kiểu “tiền Thần hậu Phật”, đình trước chùa sau tạo quần thể di tích liên hoàn cổ kính. Qua nhiều lần tu sửa, ngôi chùa hiện nay còn bảo lưu được các hạng mục công trình như: Tam quan, nhà Tổ 5 gian, nhà khách 3 gian và tòa tam bảo. Khuôn viên sân chùa rợp bóng cây xanh toả bóng mát. Giữa sân chùa còn lưu giữ tấm bia đá thời Lê, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8 (1713) ghi về việc công đức tạo dựng bia đá và việc đúc chuông chùa. Qua khuôn viên sân chùa đến toà tam bảo, toà này có 5 gian tiền đường nối 3 gian thượng điện tạo bình đồ kiến trúc kiểu chữ đinh. Phần kết cấu kiến trúc các vì mái bên trong theo kiểu chồng cốn, giá chiêng, kẻ ngồi, các cấu kiện kiến trúc chạm khắc hình hoa lá có giá trị nghệ thuật. Trên thượng điện bài trí đầy đủ hệ thống tượng Phật. Các pho tượng mang phong cách thời Lê và thời Nguyễn có giá trị lịch sử nghệ thuật. Ngoài những hiện vật giá trị trên, chùa My Điền còn lưu giữ được nhiều tài liệu hiện vật có giá trị nghiên cứu lịch sử văn hoá nghệ thuật tiêu biểu như bát hương, bia đá, hệ thống hoành phi, câu đối… Đây là những căn cứ khoa học để khẳng định dưới thời Lý, chùa My Điền đã là trung tâm Phật giáo có quy mô, kiến trúc khá hoàn chỉnh và tôn nghiêm. Chùa My Điền là trung tâm sinh hoạt văn hoá tôn giáo, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân từ xưa tới nay. Hội lệ của làng diễn ra vào mùng 1 tháng 2 âm lịch với nhiều nghi lễ và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc để tạ ơn trời Phật đã ban cho cuộc sống ấm no hạnh phúc. Với giá trị lịch sử văn hoá độc đáo, chùa My Điền đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 2004. Mặc dù là nơi phát triển công nghiệp sầm uất nhưng My Điền ngày nay còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa của dân tộc. Các công trình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, nghè My Điền, lăng đá Quận công Ngô Đạt Dụng, lăng Nguyễn Đốc Thực, miếu Vua Bà… có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế du lịch địa phương. Đặc biệt, chùa Thánh Minh trong lòng khu phố đã và đang là địa chỉ hấp dẫn cho du khách tới lễ Phật. NGUỒN: SỞ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH BẮC GIANG TRUNG TÂM THÔNG TIN - XÚC TIẾN DU LỊCH

Bắc Giang 128 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia Mở cửa

Đình Hả

Trong hệ thống 23 địa điểm di tích quốc gia đặc biệt liên quan đến khởi nghĩa Yên Thế thuộc địa bàn các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Tân Yên và Yên Thế thì Đình Hả, xã Tân Trung có vai trò rất đặc biệt. Đây chính là nơi Lương Văn Nắm làm lễ tế cờ chính thức phát động nghĩa quân khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Đình Hả xưa thuộc về xã Thế Lộc, Tổng Yên Lễ, huyện Yên Thế nay thuộc thôn Đình Hả, xã Tân Trung, huyện Tân Yên. Sau đình là Chùa Hả. Bố cục theo lối “Tiền thần hậu phật”. Di tích này nằm trên sườn một quả đồi thấp, bao quanh là khu đồi là rừng lim xanh tốt. Theo truyền thuyết thì đình, chùa Hả được xây dựng vào thời Lê - Nguyễn thế kỷ XVII. Đây là Chứng nhân lịch sử trọng yếu trong Khởi nghĩa Yên Thế. Thông lệ, thường sau Lễ hội 15 và 16 tháng Giêng hàng năm, không gian quanh Đình Hả lại trở nên tĩnh lặng. Ngôi đình làng thâm nghiêm chìm vào sắc xanh của rừng lim trăm năm tuổi, nhưng những năm gần đây Khu di tích này sôi động với những hoạt động về nguồn. Nhiều trường học ở Tân Yên lấy nơi đây là điểm kết nạp đoàn viên, đội viên. Năm 2021 Tân Yên đầu tư xây dựng Đền thờ Lương Văn Nắm và nghĩa binh Yên Thế thì những hoạt động trên được gia tăng đáng kể. Theo truyền thuyết thì Đình, chùa Hả được xây dựng vào thời Lê - Nguyễn thế kỷ XVII. Đình Hả, có tên chữ là đình Thọ Linh thờ Thành hoàng là thánh Cao Sơn - Quý Minh. Kiến trúc của đình khi xưa gồm một toà tiền đình 3 gian 2 trái. Trong khoảng sân đình rộng rãi có tả vu và hữu vu, mỗi dãy 5 gian đối diện với nhau, tiếp đến toà đại đình 5 gian 2 dĩ và một hậu cung 3 gian. Phần kiến trúc các vì kèo theo lối cốn, kẻ, bẩy, con chồng. Phần trang trí chạm khắc tinh tế, theo các đề tài hoa lá, tiên múa. Nhưng ngôi đình đẹp đẽ này không còn, nguyên do là đã bị Thực dân Pháp phá hoại những năm 1885. Cuộc Khởi nghĩa Yên Thế, đã phát triển trở thành Phong trào Khởi nghĩa Yên Thế và kéo dài gần 30 năm (1884 – 1913). Từ sự kiện Đề Nắm tế cờ, phát động Khởi nghĩa Yên Thế, Đình, chùa Hả trở thành một di tích lịch sử mở đầu cho phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế, đóng một dấu son đỏ thắm trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam thế kỷ XIX – XX. Với những giá trị lớn lao của Đình chùa Hả, ngày 10 tháng 3 năm 1994 di tích đình chùa Hả được Bộ văn hóa thể thao công nhận di tích lịch sử văn hóa. Ngày 10 tháng 5 năm 2012 Di tích đình chùa Hả là một trong 23 điểm nằm trong hệ thống: Những điểm di tích Khởi nghĩa Yên Thế của tỉnh Bắc Giang vinh dự được Nhà nước ra Quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt và trong 23 điểm di tích này, Đình chùa Hả chính là điểm trọng yếu. Theo thời gian, nhiều hạng mục của đình Hả đã bị xuống cấp. Nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân địa phương, năm 2023 Tân Yên triển khai Dự án tu bổ, tôn tạo đình Hả với các nội dung tu bổ đại đình, hậu cung và tôn tạo hạ tầng kỹ thuật với tổng mức đầu tư gần 8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn huy động hợp pháp khác. Công trình đã hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884- 2024). Gian giữa đại đình câu đối Nhân sinh tự cổ thùy vô tử; Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh (Xưa nay hỏi có ai không chết? Hãy để lòng son chiếu sử xanh) sáng rực rỡ. Trên 100 năm trước, người dân làng Hả mượn câu đối của tiền nhân để nói về người anh hùng áo vải của mình và nay nó như càng sáng hơn. Đình Hả sẽ mãi lưu danh cùng tên tuổi người anh hùng áo vải Lương Văn Nắm- vị thủ lĩnh đầu tiên của Khởi nghĩa Yên Thế. NGUỒN: SỞ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH BẮC GIANG TRUNG TÂM THÔNG TIN - XÚC TIẾN DU LỊCH

Bắc Giang 130 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia Mở cửa

Chùa Tứ Giáp

Huyện Tân Yên (còn gọi là vùng Yên Thế hạ xưa) là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, địa linh sinh nhân kiệt. Những truyền thống đó đến nay còn được lưu giữ trong những phong tục tập quán, trong những mái đình, mái chùa cổ kính nơi gắn liền với tên tuổi những người con kiệt xuất của quê hương cầu vồng lịch sử như: Khu mộ nàng Dương Thị Giã một vị nữ tướng giỏi dưới thời Hai Bà Trưng; Đình vồng thờ 18 vị quận công dòng họ Dương tại Vân Cầu đã giúp nhà Mạc đánh đuổi quân xâm lược; Cụm di tích đình, chùa Hả nơi thờ Lương Văn Văn Nắm vị thủ lĩnh đầu tiên của cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế; Đền Trũng nơi thờ Hoàng Hoa Thám vị thủ lĩnh thứ 2 trong cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế; đặc biệt trong đó phải kể đến chùa Tứ Giáp nơi đóng quân, hội họp của nhiều đơn vị trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Chùa Tứ Giáp thuộc địa phận thị trấn Nhã Nam, vị trí được coi như cửa ngõ phía Bắc của huyện Tân Yên kết nối ba huyện với nhau đó là huyện Tân Yên, Yên Thế(tỉnh Bắc Giang), Phú Bình tỉnh Thái Nguyên. Trước năm 1945 nơi đây thuộc tổng Nhã Nam, huyện Yên Thế, nay thuộc thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên. Chùa Tứ Giáp được xây dựng từ thời Lê theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc bề thế gồm 7 gian tiền đường, 5 gian trung đường, 3 gian tam bảo, 1 nhà tổ, nhà khách, nhà ni sư. Hệ thống tượng trong chùa phong phú, đầy đủ được bài trí thuần Việt, chùa còn có quả chuông nặng đến mấy trăm cân. Tuy nhiên, năm 1885 để trả thù nghĩa quân Yên Thế, thực dân Pháp đã điên cuồng tàn phá làng mạc, đình chùa lấy gỗ về xây dựng căn cứ đồn bốt của chúng. Năm 1886 nhân dân bốn giáp gồm giáp Nguộn, giáp Thượng, giáp Hạ, giáp Chuông hưng công xây dựng lại ngôi chùa với tên gọi Tứ Giáp bởi bốn giáp cùng chung tay làm lại chùa. Chùa mới gồm tòa tiền đường, nhà chung, phật điện, nhà tổ, nhà tăng ni, cổng tam quan có gác chuông, tường bao quy củ khang trang. Đến năm 1947 một lần nữa chùa Tứ Giáp lại bị thực dân Pháp tàn phá khi càn quét qua Nhã Nam tấn công lên Yên Thế. Tại chùa Tứ Giáp đã xảy ra trận đụng độ giữa ta và địch. Chùa bị hư hỏng nặng chỉ còn lại toà tiền đường 7 gian, trên cột trụ còn in hằn vết đạn. Cùng với dòng chảy lịch sử, chùa Tứ Giáp và thôn Nguộn của xã Nhã Nam, đã trải qua và “chứng kiến” nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Nơi đây hội tụ các tuyến giao thông thiết yếu, có thể tiến về vùng đồng bằng của Bắc Giang, Bắc Ninh và rút lên khu vực rừng núi Thái Nguyên, Bắc Kạn. Vì thế, chùa Tứ Giáp đã được chọn là một trong những địa điểm làm cơ sở cách mạng quan trọng của Đảng bộ Bắc Giang trọng thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây cũng là nơi đóng quân và làm việc của Báo cứu quốc (3/1945), Ty bưu chính Bắc Giang (cuối năm 1945), Bưu điện tỉnh và Ty Công an Hà Bắc (nay là Công an tỉnh Bắc Giang). Đặc biệt, chùa Tứ Giáp là nơi ở và làm việc của Công an Khu 12 trong thời gian tư cuối năm 1946 đến khoảng tháng 4 năm 1948. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp tuy bị thực dân pháp đánh phá nhiều lần nhưng chùa Tứ Giáp vẫn là nơi an toàn để các cơ quan huyện, tỉnh, trung ương chọn làm nơi mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn, bàn kế hoạch thực hiện nghị quyết chia ruộng cho dân tăng gia sản xuất... Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa Tứ Giáp đã chứng kiến nhiều cuộc tiễn đưa con em lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu ở mặt trận phía Nam góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trải qua thăng trầm của lịch sử, chùa Tứ Giáp ngày nay không còn như cũ mà chỉ còn tiền đường cùng toà chùa trung, toà tam bảo làm theo lối cổ. Trong chùa còn khá nhiều các pho tượng phật bằng gỗ sơn son thếp vàng. Chùa Tứ Giáp không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người dân trong vùng mà còn là một địa điểm mang dấu lịch sử cách mạng. Đặc biệt, là nơi phát tích 6 điều Bác Hồ dạy lực lượng Công an Nhân dân. Tại nơi đây, đồng chí Hoàng Mai- Giám đốc Công an Khu VII đã vinh dự được đón nhận bức thư của chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 11/3/1948, trong thư Người đặc biệt ân cần dặn dò Công an ta là Công an của dân, vì dân mà phục vụ, biết dựa vào dân để làm thì việc gì cũng xong. Trong đó, Bác nhấn mạnh sáu tư cách của người “công an cách mệnh”, vì vậy, nơi đây được coi là nơi khởi nguồn của Sáu điều Bác Hồ dạy CAND. NGUỒN DU LỊCH TỈNH BẮC GIANG

Bắc Giang 171 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia Mở cửa

CHÙA KEM

Chùa Kem hay còn gọi là Sùng Nham tự, thuộc tổ dân phố Kem, thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa tôn giáo, nơi đây còn từng là căn cứ của những nghĩa quân, du kích cách mạng ở nhiều thời kỳ, trong đó có nghĩa quân Yên Thế. Chùa Kem - di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt đã và đang được giữ gìn chu đáo, thu hút đông đảo khách thập phương tới vãn cảnh, lễ chùa. Khuôn viên chùa Kem rộng rãi, với nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát, tạo lên khung cảnh yên bình, linh thiêng. Từ Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, chúng tôi cho xe chạy trên con đường dài chừng hơn 1km vừa được làm mới hướng thẳng về chùa Kem. Bên đường là hàng cây bồ đề đang lên xanh tốt. Đồng chí Lê Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Yên Dũng cho biết: "Tuyến đường được làm mới tạo điều kiện kết nối tour tuyến du lịch tâm linh giữa chùa Vĩnh Nghiêm - Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng - chùa Kem. Điều này cũng mở ra cơ hội để giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử ngôi chùa Kem - nơi đã từng chứng kiến với bao thăng trầm lịch sử dân tộc". Trong khuôn viên chùa Kem có nhiều cây cổ thụ, quanh năm xanh tốt. Thế đất được tận hưởng sự ưu đãi của thiên nhiên, mùa đông thì có núi cao cản gió Đông Bắc, mùa hè thì hưởng gió mát từ hướng Nam thổi về, càng làm cho cảnh chùa thêm yên bình, linh thiêng. Theo sổ sách đã chép, chùa Kem được xây dựng cách đây khoảng 400 năm, triều vua Lê Anh Tông. Vị sư tổ hưng công xây dựng chùa là bà Hoàng Thị Tuế, theo dòng thiền phái Trúc Lâm do Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Toàn bộ công trình kiến trúc của chùa Kem được tạo dựng trong một khu đất có tổng diện tích cả khuôn viên là gần 2.000 m2. Tổng thể ngôi chùa gồm: Cổng tam quan, vườn tháp, tòa tiền đường, thượng điện và nhà tổ. Được biết, nơi chùa Kem tọa lạc có địa thế rất đặc biệt, hai bên tả, hữu và sau lưng đều tựa vào dãy núi Nham Biền, mặt nhìn ra cánh đồng bằng phẳng cùng con đường độc đạo dẫn vào chùa. Chính vì thế, nơi đây không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa tôn giáo, mà còn được chọn làm căn cứ của những nghĩa quân, du kích cách mạng ở nhiều thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc. Năm 1884, Nguyễn Cao người làng Cách Bi (thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) cùng nghĩa quân đã về chùa Kem xây dựng căn cứ chống thực dân Pháp. Du khách nghe giới thiệu về những nét văn hóa, lịch sử đặc sắc của chùa Kem. Đặc biệt, khoảng năm 1906 - 1908, Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân Yên Thế đã về đóng quân ngay ở phía sau vườn chùa. Đề Thám đã cho đắp lũy, làm tường thành, làm nhà, luyện tập quân sự, tạo nơi đây như một khu căn cứ chống Pháp. Hiện nơi đây vẫn còn lưu lại dấu tích của tường lũy, nền nhà quan, giếng quan, trạm gác, cột cờ, thùng đá chứa nước cho ngựa uống đồng thời là chỗ mài gươm đánh giặc… Phía sau nhà chùa còn có bãi luyện quân của nghĩa quân Đề Thám năm xưa. Khu đất rộng chừng vài mẫu nằm trên một địa thế bằng địa, bên cạnh là dòng suối chảy qua. Có thể nói, vị trí này rất thuận lợi cho nghĩa quân luyện tập. Khi có địch, dễ dàng nhanh chóng rút lên núi, thoát xuống dòng sông Thương thơ mộng ngay chân núi Nham Biền… Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thị trấn Nham Biền trở thành khu du kích kháng chiến; chùa Kem trở thành trung tâm chính trị, quân sự của địa phương. Hòa bình lập lại, nhà chùa là nơi hội họp, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ những giá trị về văn hóa, tôn giáo cũng như lịch sử cách mạng, năm 2012, chùa Kem đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là một trong 23 điểm di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt gắn với cuộc khởi nghĩa Yên Thế. NGUỒN DU LỊCH TỈNH BẮC GIANG

Bắc Giang 153 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Lăng họ Đoàn

Lăng họ Đoàn xã Vân Trung nằm cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 12 km về phía nam, từ thành phố Bắc Giang xuôi theo quốc lộ 1A mới qua khu công nghiệp Đình Trám khoảng 10 km, rẽ trái theo đường đi Vân Trung – Trúc Tay khoảng 2 km nữa, rẽ trái tới thôn Bài Xanh, qua 45 m đường đồi là tới Lăng họ Đoàn. Lăng họ Đoàn xã Vân Trung Lăng họ Đoàn tọa lạc trên núi Hình Nhân thuộc non Bài Xanh của dẫy Nham Biền. Thời Hậu Lê ( Thế kỷ thứ XVIII) Lăng họ Đoàn thuộc Thôn Nội An, xã Vân Cốc, tổng Hoàng Mai. Từ năm 1965 đến nay Lăng họ Đoàn thuộc xã Vân Trung huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang. Lăng được xây dựng từ thời vua Lê Trung Hưng thế kỷ thứ XVIII, giai đoạn đời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng ( 1740 – 1786). Đây là nơi an nghỉ của Đoàn Công Bạo hay còn gọi là Đoàn Đăng Đán, vị quan thời Lê Trung Hưng, ông đã có nhiều công lao phò vua giúp nước. Khu lăng nhìn về hướng Tây Nam, phía trước là núi Hình Nhân, xa xa là dòng sông Cầu chảy uốn lượn, hai bên tả hữu đều là những ngọn núi của dải Nham Biền hùng vĩ. Khu lăng được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, theo một trục dọc hình chữ nhất, các hạng mục công trình xây dựng nằm cao dần từ trong ra ngoài theo độ nghiêng của sườn núi, bao gồm tường bao xung quanh, cổng lăng, khu thờ lộ thiên, tượng đá, tượng người và tượng thú, Tiêu Dao Am. Tượng người và linh thú ở cổng Lăng Tiêu Dao Am Hiện nay, các hạng mục công trình vẫn còn đầy đủ, mang nét kiến trúc nghệ thuật cổ kính. Cổng lăng tạo theo lối kiến trúc mái vòm, Tiêu Dao Am tạo hai tầng mái đều được xây bằng gạch cổ thời Lê ( Thế kỷ XVIII ), tất cả đều toát lên vẻ nâu trầm cổ kính cho khu lăng. Hệ thống tượng người Võ sỹ, hầu Nữ và Linh Cẩu được bài trí cân đối theo trục đối xứng đăng đối từ ngoài vào trong tạo sự uy nghiêm, cổ kính. Do sự xâm thực của thời gian và chiến tranh, phần nền lát gạch khu sân vườn lăng nay không còn, một phần góc cổng lăng bị ảnh hưởng của đạn pháo giặc pháp bị vỡ nứt. Khu tường bao hiện chỉ còn khoảng 10m tường xây đá ong cổ, còn lại là phần tường xây bằng đá nhám. Một số pho tượng đá bị gẫy, nứt đã được phục chế và hàn gắn lại. Mặt khác lăng họ Đoàn được xây dựng trên non Bài Xanh xa khu dân cư nên việc trông coi, phát huy giá trị di tích còn hạn chế. Khu lăng mộ còn nhiều cây cỏ dại xâm thực. Lăng xây dựng lộ thiên không có cánh cửa cổng đóng, tường bao xung quanh lăng thấp nên khó bảo vệ được các hiện vật, đồ thờ bên trong lăng. Thực tế năm 1980, khu lăng mộ đã bị kẻ gian dỡ mất một phần tường đá ong, phá hỏng một số pho tượng và lấy đi chân dung cụ Đoàn Đăng Đán. Những năm gần đây, được sự quan tâm của dòng họ, nhất là sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, khu lăng đá họ Đoàn đã được trông coi cẩn thận, các cây cỏ bụi được phát quang sạch sẽ. Những pho tượng bị hỏng đã được hàn gắn lại, phần tường bao được xây vây quanh bằng đá Nhám. Dòng họ Đoàn cũng đang có dự định lát lại phần nền bằng gạch truyền thống khu nội tự trong khuôn viên lăng, khôi phục lại tượng chân dung cụ Đoàn Đăng Đán trong Tiêu Dao Am để trả lại cảnh quan giá trị nguyên gốc cho khu lăng đá. Nhằm bảo vệ công trình văn hóa tâm linh Lăng họ Đoàn xã Vân Trung, ngày 31/12/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định số 2370, xếp hạng Lăng họ Đoàn là di tích lịch sử - văn hóa. Đây là một điều kiện thuận lợi để di tích được bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa của cha ông để lại cho hôm nay và mai sau. NGUỒN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THỊ XÃ VIỆT YÊN TỈNH BẮC GIANG

Bắc Giang 142 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia Mở cửa

Khu di tích lịch sử Đồn Đồng Mu

Là di tích lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam. Nơi đây diễn ra trận đánh của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đêm ngày 4 tháng 2, rạng sáng 5/2/1945. Để đánh đồn, tiêu diệt quân địch, đồng chí Xuân Trường (tên thật là Hoàng Văn Nhủng) đã anh dũng hy sinh, là liệt sỹ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hơn 70 năm qua, di tích lịch sử đồn Đồng Mu luôn là chứng tích quan trọng, là dấu ấn lịch sử cách mạng của địa phương và dân tộc. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp cho xây dựng đồn tại Đồng Mu khá kiên cố, Đồn Đồng Mu nằm trên gò nổi lên giữa cánh đồng của hai xóm Nà Đoỏng và Bản Thán thuộc xã Ân Quang nay là xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc. Theo hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “So với đồn Phai Khắt và Nà Ngần, đồn Đồng Mu “rắn” hơn nhiều cả về công sự và hỏa lực. Đồn đóng trên một quả đồi, được xây bằng đá và tường trình dày, có nhiều lô cốt, tường trình và bằng đá dày với lỗ châu mai”… Từ đồn này, quân địch ngăn chặn, đàn áp phong trào cách mạng và truy lùng, bắt bớ cán bộ cách mạng. Vì ở gần biên giới Việt - Trung, thường phải đối phó với bọn thổ phỉ, nên địch xây dựng hệ thống phòng thủ khá vững chắc. Đêm mùng 4, rạng sáng ngày 5/12/1945, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân sau khi giành thắng lợi ở đồn Phai Khắt, Nà Ngần đã tiến quân về tấn công, tiêu diệt đồn Đồng Mu. Lợi dụng đêm tối, Đội Việt nam tuyên truyền giải phóng quân đã bí mật đột nhập. Trận đánh diễn ra ác liệt từ 11 giờ đêm mùng 4 đến 3 giờ sáng ngày 5/2/1945. Đội quan ta đã tiêu diệt nhiều tên địch, thu 5 khẩu súng và một số đạn dược khác. Đồng chí tiểu đội trưởng Hoàng Văn Nhủng bí danh Xuân Trường, dân tộc Tày, quê ở xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng đã anh dũng chiến đấu và hy sinh. Năm 1958, bí danh Xuân Trường đã được đặt tên cho xã Ân Quang để tỏ lòng biết ơn và ghi nhớ công lao của đồng chí đối với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Bảo Lạc nói chung và xã Xuân Trường nói riêng. Đồn Đồng Mu trở thành địa chỉ đỏ của xã Xuân Trường cũng như huyện Bảo Lạc. Di tích đồn Đồng Mu đã được Bộ Văn hoá – Thông tin nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia năm 1995. Trong những năm qua có rất nhiều đoàn đến tham và tìm hiểu lịch sử của đồn Đồng Mu, bày tỏ lòng khâm phục ý chí chiến đấu của quân và dân ta. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Bảo Lạc , tỉnh Cao Bằng .

Cao Bằng 177 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Thượng

Đền Thượng hay còn gọi là Đền thờ Thạch Linh Thần Tướng. Theo các nguồn tài liệu lịch sử, tài liệu Hán Nôm như: Thần tích xã Thượng Lát, tổng Tiên Lát, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; sách Truyện dân gian vùng Quan họ - Bà Chúa Kho; sách Bắc Ninh dư địa chí; sách Địa chí Bắc Giang. Từ điển; sách Địa phương chí tỉnh Bắc Ninh qua tư liệu Hán Nôm: Đền Thượng có lịch sử xây dựng từ lâu đời và được tu bổ, tôn tạo vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX-XX) và các giai đoạn sau này. Lịch sử hình thành đền Thượng gắn liền với truyền thuyết dân gian về Thạch Linh Thần Tướng. Đây là một vị Thần có tài năng và sức mạnh đặc biệt, đã lập nhiều chiến công kỳ vỹ giúp nhà vua Hùng Tạo Vương đánh thắng giặc Man. Sau khi thắng trận, Thạch Tướng đã cưỡi voi trở về nơi đã sinh ra mình ở trang Tiên Lát, trèo lên ngọn núi Phượng Hoàng, chỗ đỉnh cao nhất rồi bay thẳng lên trời biến mất. Để tưởng nhớ đến công trạng của ông, nhà Vua đã ra lệnh cho nhân dân địa phương và bách quan trở về chỗ hóa (tức đỉnh ngọn núi Phượng Hoàng) để hành lễ rồi lập đền thờ ông tại đỉnh ngọn núi Phượng Hoàng. Ban đầu ngôi đền được xây dựng với một gian theo kiểu cuốn vòm, nguyên liệu dựng đều bằng đá được lấy tại núi Phượng Hoàng, bên trong đền đặt một bát hương. Trải qua thời gian, với sự linh thiêng, huyền bí, ngôi đền dần dần trở lên nổi tiếng khắp vùng. Mặt khác, đền Thượng cùng với các di tích khác trong sơn môn Bổ Đà như: Ao Miếu, chùa Bổ Đà, đền Trung, đền thờ Độc Cước, đền Bà chúa Kho... đã tạo thành một quần thể di tích liên hoàn, phản ánh đậm nét một thời kỳ lịch sử đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đền Thượng tọa lạc ở ngọn núi Phượng Hoàng thuộc dãy Bổ Đà sơn, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên nay là thị xã Việt Yên. Núi Bổ Đà là tên gọi chung cho cả dãy núi thuộc xã Tiên Sơn. Trong dãy núi Bổ Đà có ba ngọn núi lớn, mỗi ngọn mang một tên riêng. Cao nhất là Phượng Hoàng, có nhiều đá, thông mọc rậm rạp. Ngọn thứ hai là Mã Yên sơn và ngọn thứ ba là Kim Quy sơn. Các dải núi nhấp nhô, cây xanh tươi tốt quanh năm. Bao quanh đền Thượng còn có nhiều cây cổ thụ xanh tươi toả bóng mát với các ngọn núi lớn chầu về; có lục bộ Tiên Sa như: Bộ Trắng, Bộ Ngạnh, Bộ Không, Bộ Trề, Bộ Trạ. Ngoài ra còn có núi Con Cóc, núi Chùa Khám, ngọn Trúc Lát, ngọn Con Voi, ngọn Bàn Cờ Tiên... Phía trước đền Thượng là cánh đồng và dòng sông Cầu bao bọc uốn lượn như một dải lụa. Đây thực là chốn địa linh, sơn thủy giao hòa. Theo nhận định trong bài viết của Nguyễn Huy Bỉnh về Truyền thuyết Thạch Tướng Quân trong mối tương quan với tín ngưỡng thờ đá cho biết: “Tất cả họp thành một không gian địa lý hết sức lý tưởng. Trong môi trường địa lí nhân văn ấy, truyền thuyết Thạch Tướng Quân đã mang những đặc điểm và dấu ấn địa phương hóa của vùng đất khá rõ rệt.” NGUỒN: SỞ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH BẮC GIANG TRUNG TÂM THÔNG TIN - XÚC TIẾN DU LỊCH

Bắc Giang 152 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia Mở cửa

CHÙA PHÚC LÂM

Chùa Phúc Lâm là một ngôi chùa cổ được xây dựng trên một dải địa linh nằm cách khu dân cư khoảng 500 m, nơi đây xưa kia là rừng rậm có nhiều loài cây cổ thụ và thảo mộc quý hiếm. Chùa được xây dựng vào niên hiệu Chính Hòa thời vua Lê Trung Hưng trị vì (1681 – 1704). Tương truyền rằng: Người khai sơn chùa là Tổ Thiện Phát dòng Lâm Tế, là tăng chúng ở chốn tổ Bổ Đà xã Tiên Sơn huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang. Sau khi tổ quy tịch, trải qua nhiều trăm năm, chùa vẫn có tăng do chốn tổ Bổ Đà điều về lo công việc phật pháp. Năm 1945, nghe theo tiếng gọi của Đảng, thực hiện “ Tiêu thổ kháng chiến”, Chùa Phúc Lâm cổ xưa đã hóa thành tro bụi, chỉ còn là dải đất hoang tàn. Năm 1954, hòa bình lập lại, phật tử và nhân dân địa phương đã cùng nhau xây dựng lại chùa và mấy ngôi bệ tượng phật để lấy nơi thờ cúng và tín ngưỡng Tam bảo. Trong khoảng 50 năm, chùa vắng bóng sư trụ trì, vì thế chùa bị xuống cấp trầm trọng. Phật tử và nhân dân địa phương đã tu sửa nhiều lần nhưng cũng chỉ là phương pháp tạm thời. Năm 2002, Hội người cao tuổi thôn Phúc Lâm đã đến gặp sư thầy Thích Thiếu Hương lúc đó đang trụ trì tại chùa Hưng Đạo thôn Đạo Ngạn 1 xã Quang Châu, tha thiết mong ông về kiêm nghiệm trụ trì chùa Phúc Lâm để người dân nơi đây được gần đạo pháp và giáo lý của Đức phật và đạt được sự an lạc, giải thoát ngay trong đời sống hiện tại. Sau khi về trụ trì chùa Phúc Lâm, thấy điều kiện sinh hoạt của chùa chỗ nào cũng thiếu trước, hụt sau, đường vào chùa thì nhỏ hẹp, do vậy hòa thượng Thích Thiếu Hương đã cùng với phật tử và nhân dân trong thôn với tinh thần thượng cầu phật đạo, hạ hỏa chúng sinh mà đức phật đã dậy, quyết tâm phục hưng khu địa linh thành Trung tâm phật giáo của huyện Việt Yên. Từ năm 2004 – 2016, từ các nguồn tiền công đức của phật tử, nhà chùa đã xây dựng được ngôi Tam bảo, nhà tổ, nhà khách, lầu chuông, lầu trống, tường rào chùa, nhà tăng, phòng họp, cổng Tam Quan, hồ, tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, vườn tháp… với số kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng, tất cả với mục đích cầu cho thế gian được hòa bình, nhân dân được an lạc. Chùa Phúc Lâm đã thật sự trở thành Trung tâm Giáo hội phật giáo của huyện Việt Yên. NGUỒN: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THỊ XÃ VIỆT YÊN TỈNH BẮC GIANG

Bắc Giang 155 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia Mở cửa

Ao Miếu

Di tích Ao Miếu tọa lạc ở trung tâm thôn Hạ Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Đây là một trong những di tích thuộc hệ thống khu di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên). Nhiều người đến với di tích Ao Miếu không chỉ để cầu phúc, cầu đức, cầu tài, cầu lộc mà còn để được tận mắt chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo được tự nhiên ban tặng và được tôn tạo qua bàn tay của các nghệ nhân xưa. Miếu thờ Thạch Linh thần tướng trên phiến đá phía sau tòa đại đền (trong ao Thánh). Truyền thuyết Thần tướng sinh ra từ đá Theo lời kể của các cụ cao niên: Có một người trưởng giả là Nguyễn Hòa cùng vợ là Cao Thị Huyền ở trên một khu đất rộng rãi, trong khu đất có một cái ao, giữa ao có một tảng đá to như bàn cờ; xung quanh khu đất có nhiều núi đá cao, trên có thông reo, có rồng đá, voi đá, ngựa đá, rùa đá, cờ đá hướng chầu. Nguyễn Hòa tuổi đã ngoài 60, vợ cũng quá 50 tuổi mà vẫn chưa có một mụn con nối dõi, trong lòng lấy làm buồn vì tôn đường hương hoả không lấy ai phụng thờ sớm tối, nên chỉ lấy rượu làm vui và thường ra bàn đá giữa ao ngồi chơi để giải lòng phiền muộn. Một hôm vừa ra tới bàn đá, chợt thấy một con rắn hoa dài hơn 10 trượng, vây đủ màu sắc, đang bò quanh co trên bàn đá, trông thấy người thì trườn xuống nước biến mất. Đêm hôm ấy, mưa to gió lớn, sấm sét ầm ầm, trong ao hình như có tiếng người nói, cười, đàn hát. Nguyễn Hòa nấp xem, thấy phiến đá trong ao có mây che ngũ sắc, khí nổi lạ lùng, trên trời tiên nữ ca ngâm, nhã nhạc réo rắt…Sáng hôm sau là ngày mùng 10 tháng Giêng, Nguyễn Hòa ra xem thấy mây che mù mịt, trời đất tối tăm. Chợt có một tiếng sấm vang trời, lở đất, rồi mây tự tán, trời đất thanh quang. Phiến đá tự nhiên tan ra thành ba mảnh, xuất hiện một trang nam tử, tướng mạo đường đường, phong tư lẫm liệt, thân hình to lớn. Sắc như mặt trời mới mọc, mặt tựa sao sáng soi đêm, tiếng thét như sấm vang động cả thiên cung, thủy phủ. Nguyễn Hòa thấy người dị tướng bèn chạy ôm lấy đem về nhà nuôi và đặt tên là Thạch Tướng… Đến năm 7 tuổi, Thạch Tướng cao hơn 10 trượng, thế đủ lay non lấp biển, nhân dân chạy phục, hổ báo hướng chầu.. Thời bấy giờ, giặc Man nổi lên, vua lấy làm lo lắng, hạ chiếu mời bách quan đại hội, thiết lập đàn chay, khấn cầu trời đất giúp việc trừ giặc. Được 21 ngày, tự nhiên mây đen kéo phủ đàn tràng, tối tăm mờ mịt, rồi gió mưa, sấm, sét nổi lên. Một lúc sau trời quang, mây tạnh, trong đàn tỏ sáng, thấy một lá cờ trắng ở trên đàn, cờ có hàng chữ: Trên trời thượng đế báo nhà vua Đánh giặc tan tành tựa gió mưa Tìm đến Bắc Hà, Yên Việt xứ Chuyển Hùng Thạch Tướng đánh không thua! Hôm ấy là ngày mồng 10 tháng 8, vua truyền một quan đình thần cùng 12 người sá nhân tay cầm cờ Thiên hoàng tìm đến đất Yên Việt… Nguyễn Hòa ra xem thì thấy một lá cờ lệnh có tên Thạch Tướng vào nhà bảo với Thạch Tướng. Thạch Tướng truyền mời sứ giả vào và nói rằng: "Về tâu vua làm cho ta một con voi đá cao 10 trượng và trao cả cờ Thiên đế cho ta thì giặc Man sẽ bình". Sứ giả bái tạ trở về triều tâu vua…Giữa ngày 13 tháng 8, nhân dân thiết lập cung đình để vua ngự, nay vẫn gọi là đình Ngự… Thạch Tướng tâu rằng: "Quyền hành chốn nhạc phủ, tước mệnh nơi thiên đình, trời sai xuống giúp bệ hạ trừ Man khấu, đã có chức của thiên đình, đâu giám phiền bệ hạ hậu bào…" Nói xong, Thạch Tướng nhảy lên voi, tay cầm cờ lệnh, quân quyền theo sau ầm ầm như nước chảy, thác reo, thẳng đường tiến lên Hưng Hóa, Tuyên Quang, Cao Bằng… một trận quét sạch loài thảo khấu, thiên hạ lại được thái bình. Bình giặc xong, Thạch Tướng về lại trang Tiên Lát rồi lên đỉnh núi Phượng Hoàng (núi Bổ Đà, xã Tiên Sơn) hóa về trời, hôm đó là ngày 12 tháng 9. Nhân dân làm biểu tấu, vua bèn truyền trăm quân đến nơi Thạch Tướng hóa ở Tiên Lát, địa phận núi đá cao để hành lễ, rồi sai lập đền ngay nơi Ngài hoá để hương khói thờ phụng. Ao Miếu hay dân gian còn gọi là Đền Hạ thờ Thần Đá: Thạch Linh Thần Tướng (Thạch Tướng Quân ) và Mẫu Đá. Khu di tích Ao Miếu hiện nay bao gồm các hạng mục công trình: Cổng đền, đền Thạch Linh, ao Thạch Long (Thánh Trì) và Nhà Mẫu. Cổng đền mới được trùng tu, xây đơn giản. Sân lát gạch vuông, trong đặt một Ông Voi tạc bằng đá xanh, hình dáng giống kiểu voi chiến được miêu tả trong Thần tích về Thạch Linh. Xung quanh sân được xây tường bao khép kín. Phía trước có hồ thủy đình- nơi tụ thủy, mang lại cảnh quan sinh thái và là nơi diễn ra nhiều trò chơi dân gian trong ngày lễ hội... Khuôn viên di tích trồng nhiều cây xanh tỏa bóng mát. Đền Hạ bình đồ kiến trúc hình chữ Nhất mới được trùng tu, tôn tạo năm 1993. Tòa Tiền tế được tạo bởi 1 gian 2 chái. Kiến trúc mái theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái đao cong, bờ nóc, bờ dải xây gạch phủ vữa. Đỉnh bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nhật. Hai đầu kìm bờ nóc và khúc nguỷnh đắp nổi hoa văn thủy ba (sóng nước). Bốn đầu đao được tạo cách điệu hình đầu rồng. Ngoài yếu tố tạo hình mỹ thuật còn tạo sự thanh thoát, mang yếu tố đối đãi âm dương. Hai bên tường hồi xây trụ biểu cạnh hình tứ diện, đỉnh trụ biểu đắp tứ phượng chung thân. Phần dưới tai trụ biểu tạo dáng đèn lồng, đắp nổi hình tứ linh: Long, Ly, Quy, phượng. Hai cạnh tường hồi đắp tượng vũ sĩ trong tư thế đứng gác cửa. NGUỒN: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THỊ XÃ VIỆT YÊN BẮC GIANG

Bắc Giang 150 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Quan Thánh

Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền Quan Thánh tọa lạc dưới chân núi Phja Phủ, tổ 2, thị trấn Trùng Khánh (Trùng Khánh). Di tích gắn với lễ hội đền Quan Thánh (hay còn gọi là lễ hội phố Co Sầu) được tổ chức hằng năm vào ngày 15 tháng 2 âm lịch. Đền Quan Thánh khởi nguyên thờ thần núi Phja Phủ với quan niệm cầu mong thần linh che chở, bảo vệ cho nhân dân trước thiên tai. Hiện nay, trên vách núi Phja Phủ sau đền còn khắc dòng chữ Hán được phiên âm “Quan Sơn vệ dân” (tạm dịch là núi bảo vệ nhân dân). Theo lịch sử ghi lại, năm 1868, Ngô Côn - giặc “cờ vàng” từ bên kia biên giới tràn sang cướp phá, giết hại dân lành ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, trong đó có khu vực Trùng Khánh. Để đối phó với bọn giặc, nhiều thanh niên trai tráng có sức khỏe trong vùng tập hợp lại, chọn miếu Phja Phủ làm nơi tập luyện ra quân. Tương truyền, vào một đêm có một quả cầu lửa to bay qua phố Co Sầu và rơi xuống trước cửa miếu Phja Phủ đúng vào dịp các tráng sĩ đi dẹp giặc “cờ vàng” chiến thắng trở về. Nhân dân thấy vậy cho rằng miếu linh thiêng nên cùng nhau đóng góp công sức, tiền của sửa sang lại miếu thờ để ghi nhớ công lao của các tráng sĩ anh dũng chiến đấu chống lại giặc. Đồng thời, đưa tượng Quan Vân Trường (Quan Vũ, Quan Công), một vị tướng thời kỳ Đông Hán vào thời Tam Quốc có công lớn trong việc thành lập nhà Thục Hán vào thờ. Theo quan niệm người Việt, thờ Quan Công là do cảm phục và ngưỡng mộ đức tính trung hiền, trượng nghĩa của ông và tin rằng khi thờ Quan Công sẽ đem lại vận khí tốt, tránh được những điều không may mắn. Từ đó đến nay, ngôi miếu có tên đền Quan Thánh. Ngoài thờ Quan Công, Sơn Thần, Bách Linh, Phật Bà Quan Âm, trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ, đền Quan Thánh còn là nơi sơ tán của nhân dân địa phương và tổ chức các lớp bình dân học vụ. Di tích có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống yêu nước. Hiện nay, chưa có tư liệu nào khẳng định niên đại xây dựng đền Quan Thánh. Tuy nhiên, dựa vào niên đại khắc trên tấm bia đá trước gian hậu cung cho thấy đền được trùng tu vào năm Thành Thái thứ 6, Giáp Ngọ (tức năm 1894). Trải qua những biến cố, thăng trầm lịch sử, đền nhiều lần bị tàn phá và xây dựng lại. Đến nay, nhiều hạng mục trong di tích đền Quan Thánh được trùng tu, sửa sang, tạo diện mạo khá khang trang nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, thâm nghiêm. Ngôi đền được xây bằng gạch, mái lợp ngói máng, kết cấu kèo bằng gỗ theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, trước có tiền đường, sau là hậu cung. Nối tiền đường và hậu cung là một khoảng sân. Gian tiền đường có kiến trúc nhà cấp 4, kèo gỗ, mái lợp ngói máng, tường xây gạch, nền lát gạch vuông màu nâu. Ở gian giữa tiền đường có một ban thờ, trên ban thờ có một bát hương bằng đá, khắc một số chữ Hán. Phía trên ban thờ có treo đôi lọng vải màu vàng. Qua gian tiền đường bước lên 4 bậc là tới khoảng sân dài hơn 9 m, rộng 64 m lát gạch vuông màu sẫm, chính là không gian ngăn cách giữa tiền đường và hậu cung, tạo cho quang cảnh ngôi đền thêm thoáng đãng nhưng vẫn giữ được sự tĩnh mịch, thâm nghiêm. Gian hậu cung được chia làm 3 khoang là nơi thờ Quan Vân Trường, Quan Âm, Bách Linh và Sơn Thần. Khoang giữa có bệ thờ tam cấp, trên cùng chính giữa là tượng Quan Vân Trường ngồi trên ngai. Phía trái thờ Quan Âm, phía phải là bệ thờ thần Bách Linh. Khoang trái là nơi thờ Sơn Thần được ngăn cách bởi bức trướng bằng gạch có 2 cửa ngách làm bằng gỗ. Khoang phải dùng làm lối lên thắp hương, đồng thời, đây còn là cửa thông ra phía sau để lên hang Phja Phủ. Di tích lịch sử văn hóa đền Quan Thánh được xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 2268/Quyết định của Ủy Ban nhân dân tỉnh ngày 30/12/2014 của Uỷ Ban nhân dân tỉnh. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng .

Cao Bằng 202 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Đền Hoàng Lục

Đền thờ danh tướng Hoàng Lục nằm ở xóm Đoỏng Luông - Chi Choi, xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng), được người dân xây dựng từ thế kỷ XI để thờ An Biên tướng quân Hoàng Lục nhằm giáo dục tình yêu nước, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Tương truyền, tướng quân Hoàng Lục là một tù trưởng người Tày, sinh vào thế kỷ XI tại vùng Lũng Đính, châu Thượng Lang (nay là xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh). Ông là người tài giỏi, am hiểu sử sách, tinh thông binh pháp. Năm 18 tuổi, ông đã được cử làm thổ tù cai quản một vùng. Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ hai, thực hiện kế sách “Tiên phát chế nhân” của Lý Thường Kiệt, tướng Hoàng Lục đưa quân đánh vào đất Tống, đột phá nhiều thành trì, đập tan các căn cứ hậu cần phục vụ cuộc chiến xâm lược Đại Việt của giặc. Khi quân Tống tiến vào nước ta, với lối đánh du kích táo bạo, đội quân do ông chỉ huy đã đánh phá phía sau và gây tổn hao nhiều sinh lực địch, góp phần vào chiến thắng chung của cả dân tộc. Với công lao to lớn đó, ông đã được triều đình phong là An Biên tướng quân và giao trấn giữ một dải biên ải rộng lớn từ Cao Bằng đến tận Lạng Sơn ngày nay. Để ghi nhớ công lao khi ông mất, nhân dân đã lập đền thờ ông ngay tại quê hương Lũng Đính. Đền thờ danh tướng Hoàng Lục gồm 2 ngôi nhà cấp 4 với diện tích khoảng hơn 100m2 sắp theo hình chữ “Nhị”. Đền lợp mái ngói âm dương, kèo làm bằng tre, gỗ. Đặc biệt, ngôi đền vẫn giữ được những bức tường trình bằng đất sét như lúc xây dựng. Theo các cụ xưa kể lại, khi xây dựng người dân đã dùng đất sét trộn mật mía đường phên, đóng khuôn ván sau đó dập, nện hỗn hợp đất đó tạo thành các bức tường xung quanh. Nhiều thế kỷ đã trôi qua, ngôi đền vẫn còn đó bên dòng sông Quây Sơn như một địa chỉ văn hóa, lịch sử của đất nước. Ông Hà Đình Toàn, người dân xóm Đoỏng Luông-Chi Choi, xã Đình Phong cho biết, hàng năm, ngày 28/2 âm lịch, bà con đến lễ rất đông. Gia đình ông sống ở gần Đền nên cứ vài ngày lại lên thắp hương cho danh tướng Hoàng Lục. Tự hào về một vị một tướng quân trấn giữ biên cương, người dân nơi đây tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh; tham gia các phong trào đảm bảo an ninh biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia… Hàng năm vào ngày tưởng nhớ tướng quân Hoàng Lục, nhiều con em xã Đình Phong xa quê vẫn luôn hướng về cội nguồn và có những đóng góp tích cực góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển giàu mạnh. Ngôi đền cũng đang dần trở thành địa chỉ quen thuộc với du khách mỗi khi đến viễn cảnh Cao Bằng. Đến xã Đình Phong, du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên của một vùng quê non nước hữu tình; trải nghiệm cuộc sống yên ả của người dân ven dòng Quây Sơn nên thơ; đặc biệt là được thắp nén hương tưởng nhớ những người có công đóng góp trong bảo vệ biên cương Tổ quốc... Với nhiều ý nghĩa lịch sử và giáo dục truyền thống yêu nước, năm 2004, Đền thờ danh tướng Hoàng Lục được UBND tỉnh Cao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng.

Cao Bằng 224 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Di tích đồn Nà Ngần

Di tích đồn Nà Ngần thuộc xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, là di tích quan trọng trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo. Đây là nơi diễn ra trận đánh thắng thứ hai của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân) ngày 26/12/1944. Đồn Nà Ngần nằm trên một ngọn đồi cao thuộc xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình là nơi có địa thế hiểm trở được bao bọc bởi các thung lũng. Địch đã chọn nhà của ông Phó lý Nông Văn Pảo, một ngôi nhà sàn 3 gian kiên cố nhất trong làng để biến thành đồn lính với mấy lớp hàng rào vây kín xung quanh. Đồn có 22 lính khố đỏ do 2 tên sỹ quan Pháp chỉ huy. Nhờ điều tra nắm rõ tình hình địch nên trong trận đánh đồn ngày 26/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã cải trang làm đội lính dõng đi bắt cộng sản để tiến vào đồn. Trận đánh bất ngờ chớp nhoáng chỉ diễn ra trong vòng 15 phút, ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch trong đồn và thu nhiều súng ống, đạn dược, tài liệu mang về chiến khu. Đồng thời, phát truyền đơn tuyên truyền cho Nhân dân và thả toàn bộ số lính khố đỏ bắt được trở về địa phương sau khi đã tuyên truyền giác ngộ. Hiện nay, tại địa điểm này trên nền ngôi nhà cũ đã được xây nhà bia để ghi dấu sự kiện và chiến công oanh liệt của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng.

Cao Bằng 203 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

CHÙA PHÚC NGHIÊM

Nhắc đến Trung tâm Phật giáo của nước Việt xưa (nay thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), nhiều người thường liên tưởng tới các địa danh như chùa Bút Tháp, chùa Dâu, lăng Kinh Dương Vương, đền thờ Sỹ Nhiếp..., những di tích mang đậm dấu ấn văn hoá tâm linh của người Việt. Song còn một chốn thiền môn mà sự ra đời của di tích ấy gắn liền với “đất Phật Luy Lâu”, đó là Chùa Tổ thôn Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành. Chùa Phúc Nghiêm được dân gian quen gọi là chùa Chản, vì chùa nằm ở thôn Chản Làng, xã Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Thôn Chản Làng có tên chữ là Khê Khẩu thôn, dưới thời Lê thuộc xã Lan Sơn, tổng Trí Yên, huyện Phượng Nhỡn, phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc. Thôn Khê Khẩu xưa nay được chia thành 3 đơn vị thôn riêng lẻ độc lập (Chản Làng, Chản Đồng và Trại Cầu) cho nên chùa Phúc Nghiêm trở thành công trình tín ngưỡng Phật giáo của cả 3 thôn. Hàng năm, vào tiết tháng Hai, ngày 19 và 20 âm lịch dân 3 thôn tổ chức Hội chùa thu hút đông đảo đệ tử Phật giáo và du khách thập phương về trẩy hội. Qua việc khảo sát di tích, người ta đoán định chùa Phúc Nghiêm được khởi dựng vào khoảng thế kỷ 14- 15, tức là thời gian cuối triều Trần, đầu thời Lê sơ. Trải qua năm, sáu trăm năm lịch sử, công trình kiến trúc đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa nên có nhiều thay đổi so với kiểu thức kiến thức ban đầu. Công trình kiến trúc hiện còn đến ngày nay mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn với các hạng mục công trình tiêu biểu như: Tòa tam bảo, nhà tổ, nhà tăng, tháp cổ... Khảo sát trực tiếp di tích người ta có thể đoán định tương đối chính xác bố cục của ngôi chùa cổ thời Lê sơ. Khi đó (thế kỷ 15) chùa Phúc Nghiêm đã có bố cục kiến trúc hoàn chỉnh kiểu “nội công ngoại quốc”, nhưng vì hai dãy hành lang và tam quan đã bị thời gian hủy hoại, cho nên công trình hiện còn theo bố cục chữ công. Tòa tam bảo xây kiểu “bình đầu bít đầu” phía trước có hai cột đồng trụ đắp quả giành. Tam bảo được chia thành hai công trình liền kề nhau là Tiền đường và Phật điện, sắp xếp theo bố cục hình chuôi vồ. Tiền đường gồm 7 gian nhà gỗ lim, với 5 hàng chân cột, kết cấu kiến trúc kiểu kẻ chuyền, có chạm khắc đơn giản. Nối liền phía sau tiền đường là Phật điện, 3 gian rộng có cùng kiểu thức kiến trúc nhưng không chạm khắc mà bào trơn đóng bén kỹ lưỡng. Ở tòa tiền đường có một số mảng chạm, với họa tiết trang trí theo đề tài tứ quý, phản ánh sinh động về sản vật phong phú của quê hương. Trên đầu hồi tòa Phật điện, người xưa đã đề 4 chữ Hán kiểu hành thư, nét chữ bay bướm diệu kỳ “Phong nguyệt vô biên” để ngợi ca cảnh đẹp hữu tình của di tích này. Trường tồn với tòa tam bảo chùa Phúc Nghiêm còn bảo tồn hệ thống tháp gạch cổ kính. Đây là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các vị sư tổ từng tu hành và viên tịch tại chùa. Hôm nay, đến thăm chùa Phúc Nghiêm người ta vẫn thấy rõ dấu tích của hai công trình kiến trúc cổ đã bị hư hại, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đó là hai dãy hành lang (nơi đặt tượng La Hán) và tam quan. Dấu tích ấy đã giúp thế hệ hôm nay có thể hình dung được quy mô bề thế của di tích này. Từ lâu, chùa Phúc Nghiêm đã trở thành trung tâm Phật giáo có danh tiếng của thiền phái Trúc Lâm ở vùng hạ huyện Lục Nam. Hiện nay, hệ thống tượng cổ cùng công trình kiến trúc, đồ thờ tự vẫn được địa phương bảo quản chu đáo. Ở tam bảo và nhà tổ có tới trên ba chục pho tượng gỗ cổ thời Lê - Nguyễn rất có giá trị. Hệ thống bia đá bị thất lạc nhưng bản tự còn lưu giữ được một quả chuông đồng thời Tây Sơn. Chuông cao chừng 100cm (cả quai), chu vi miệng là 160cm. Quai chuông được đúc tạo dáng hình đôi rồng chung thân, miệng rồng phun châu nhả ngọc trông nghiêm nghị mà hiền từ, không dữ tợn như rồng thời Nguyễn sau này. Trên 4 múi chuông đúc nổi 4 chữ Hán, cho biết tên chuông: “Phúc Nghiêm tự chung” (chuông chùa Phúc Nghiêm). Cuối bài văn có dòng lạc khoản cho biết thời gian đúc quả chuông này: “Hoàng triều Cảnh Thịnh bát niên, tam nguyệt, sơ cát nhật tạo trù hồng chung” (Ngày tốt đầu tháng ba niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) tạo đúc chuông lớn). Bài văn này ghi khắc ý nghĩa việc đúc chuông sau đó đến phần ghi một số tập thể, cá nhân hưng công đúc quả chuông này. Văn chuông do nhà sư trụ trì chùa Phúc Nghiêm khi ấy soạn. Cuối cùng có bài minh dài 18 câu, viết theo thể kệ 4 chữ ngợi ca cảnh trí thiền tự Phúc Nghiêm và sự thiện tâm tế độ làm cho quốc thái dân an của chư Phật từ bi. Chùa Phúc Nghiêm là ngôi chùa cổ, từng là nơi in ấn nhiều kinh sách nhà Phật ở thế kỷ 18, 19. Cùng với đình làng Chản, đình Nội, di tích chùa Phúc Nghiêm đã góp phần tô điểm làm phong phú thêm cho quần thể thắng tích ở vùng hạ huyện Lục Nam. Hơn nữa, chùa Phúc Nghiêm còn bảo lưu nhiều di vật cổ thời Lê - Nguyễn nên cần được sự quan tâm nghiên cứu và bảo vệ của chính quyền và ngành chuyên môn./. NGUỒN: ĐẠO PHẬT NGÀY NAY

Bắc Ninh 177 lượt xem

Xếp hạng : Di tích Cấp tỉnh Mở cửa

CHÙA VẠN PHÚC

Chùa Vạn Phúc, nằm tại thôn Trung Bạn, xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, là một ngôi chùa có bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc. Ngôi chùa này không chỉ là nơi thờ cúng và tu tập tâm linh của người dân địa phương mà còn là điểm đến văn hóa, tín ngưỡng quan trọng trong khu vực. Chùa VẠN PHÚC là một trung tâm Phật giáo Việt Nam thời Lý. Chùa còn giữ một số tác phẩm điêu khắc bằng đá đời Lý. Đặc biệt, ở điện Phật có tôn trí pho tượng đức Phật ngồi thiền định trên tòa sen cao 1,85m, kể cả bệ là 3m. Đây là một kiệt tác điêu khắc bằng đá ở nước ta. Chùa thờ tượng nhục thân Thiền sư Chuyết Công (1644). Đặc biệt, chùa có pho tượng Đại Phật bằng đá cao 27m, nặng hơn 3.000 tấn, đặt ở độ cao 108m, tạc theo nguyên mẫu pho tượng đức Phật thời Lý ở chùa, đã được khai quang vào ngày 26-9-2010. Chùa Vạn Phúc được xây dựng từ lâu đời và đã trải qua nhiều lần tu bổ. Kiến trúc của chùa mang phong cách đặc trưng của chùa miền Bắc Việt Nam với mái ngói cong, các cột kèo bằng gỗ chạm khắc tinh xảo và các bức tượng Phật được bày trí trang nghiêm. Khuôn viên chùa có các công trình như tam quan, chính điện, hậu cung và các gian thờ khác, tạo nên một không gian tôn nghiêm và thanh tịnh. Chùa Vạn Phúc là nơi thờ Phật, nơi người dân địa phương đến để cầu nguyện, thắp hương, và tham gia các lễ hội Phật giáo như lễ Phật Đản, Vu Lan và các ngày lễ tôn giáo khác. Chùa không chỉ là nơi tu tập của các nhà sư mà còn là nơi gắn kết cộng đồng, giúp người dân giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống. Ngoài ra, chùa Vạn Phúc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức và tinh thần cho thế hệ trẻ, giúp bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam. Với cảnh quan xanh mát và không gian yên bình, chùa là điểm đến thu hút du khách và phật tử từ khắp nơi. Chùa Vạn Phúc nổi bật với không gian cổ kính, các pho tượng Phật quý hiếm và nhiều di vật có giá trị lịch sử. Ngôi chùa này là minh chứng cho sự phát triển văn hóa và tôn giáo của vùng đất Yên Phong, Bắc Ninh qua nhiều thế hệ. Sự tồn tại và phát triển của chùa Vạn Phúc đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn di sản văn hóa và tinh thần của tỉnh Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Chùa Vạn Phúc không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là biểu tượng của tinh thần hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, giữa đời sống tâm linh và cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây. NGUỒN: CHÙA VIỆT TOÀN CẦU

Bắc Ninh 254 lượt xem

Xếp hạng : Di tích Cấp tỉnh Mở cửa

ĐÌNH NGĂM LƯƠNG

Câu chuyện về ngôi đình cổ đã mấy trăm năm tuổi trên đất làng Ngăm Lương, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh mà chúng tôi nói tới sau đây là một ví dụ chứng minh cho điều đó. Thôn Ngăm Lương, xã Lãng Ngâm (xưa có tên Ngâm Điền) nằm liền kề dãy núi Thiên Thai, là nơi gặp gỡ giao thoa của nhiều mạch địa - văn hoá chuyển tiếp. Trên địa bàn có sông Đuống ôm vòng phía Tây và Tây Bắc. Đi liền với đó là tuyến giao thông đường bộ cổ, nay là đê sông Đuống. Tuyến sông và con đường cổ ấy làm thành mạch nối Đông - Tây liên kết giữa lưu vực sông Thái Bình và sông Hồng. Lãng Ngâm cũng nằm bên bờ phía Tây của khu vực Lục Đầu Giang, nơi kết thúc mạch núi cao, đồi thấp phía Bắc; nơi đổ về của những sông Thương, sông Cầu, sông Lục Đầu, để mở ra đồng bằng và xuôi về biển Đông. Những tuyến sông đó là những huyết mạch giao thông quan trọng trong chuyển lưu cư dân Việt cổ cùng với những yếu tố kinh tế, lịch sử, văn hóa của đất nước về với Lãng Ngâm; và từ đây - cũng chính nhờ những huyết mạch đặc biệt này - nó tiếp tục tỏa ra, hội nhập cùng đất nước trên mọi lĩnh vực. Điều đó đã cho vùng quê Ngăm Lương - Lãng Ngâm - ngay từ thời cổ - đã là nơi vừa được chứng kiến, vừa trực tiếp góp phần sáng tạo nhiều trang sử văn hóa đặc sắc của quê hương, đất nước. Nằm ở vị trí đầu làng, nhìn về phía Đông Nam, đình làng Ngăm Lương ở vào thế phong thuỷ đẹp. Tiền đường phía trước có hồ nước tụ thuỷ, đường làng uốn quanh, xa là đồng quê màu mỡ. Hai bên là làng mạc, ruộng đồng. Sau lưng đình là đê đại hà và dòng sông Đuống như dải nhiễu bao bọc. Cũng có lẽ làng và đình nằm bên sông,mà người xưa khi dựng đình đã tôn thờ 3 vị Thủy thần làm thành hoàng. Các vị thuỷ thần vốn được coi là các nhân vật có vai trò quyết định, ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy đời sống sinh hoạt và sản xuất của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước từ thuở sơ khai. Hiện nay sự tích của các ngài ở địa phương đã bị thất lạc từ lâu, do vậy không rõ công trạng của các ngài như thế nào. Nhưng trong đình vẫn còn lưu giữ các văn tự chữ Hán ghi tên hiệu của các ngài là: Đệ nhất Ngũ lục hiển ứng biến linh tôn thần, Đệ nhị Trung thiên anh nghị hùng lược tôn thần, và Đệ tam Chàng nhị thông duệ mẫn đạt tôn thần. Đình làng Ngăm Lương có quy mô khá bề thế, ẩn chứa nhiều giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa tín ngưỡng và kiến trúc - nghệ thuật. Đặc biệt, trên lĩnh vực kiến trúc - nghệ thuật, đây là một trong những đại diện cuối cùng, xuất sắc của nghệ thuật điêu khắc đình làng Bắc Bộ trong ba thế kỷ vàng của văn hóa dân gian. Cũng vì thế, đình đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hóa vào năm 2009. Theo dòng niên đại hiện còn ghi lại trên câu đầu đình làng Ngăm Lương cho biết, ngôi đình được tu tạo vào ngày đẹp đầu mùa hạ năm Giáp Thân - thời Lê (khoảng năm 1764). Tổng thể công trình khi ấy gồm: Cổng đình, Tam quan được xây kiểu chồng diêm 8 mái, hai bên có 2 vũ sĩ, voi và đắp vẽ tứ linh tứ quý. Bên trong là hai Dải vũ, mỗi bên 4 gian. Tiếp đến là Đại đình và Hậu cung. Trải qua thời gian và chiến tranh, một số công trình như Tam quan, Dải vũ của khu di tích đã bị dỡ bỏ. Năm 1962 sàn gỗ ở Đại đình cũng bị dỡ bỏ để làm bàn ghế. Sau này, người làng tu sửa ngoại viên, xây tường dựng cổng, làm lại tam quan; gom góp những sàn ván sót lại đủ ghép cho sàn một bên chái đình. Hiện tại, khi làng xóm quần tụ, nhà cửa khang trang; ngôi đình vốn to lớn, bề thế so với nhà dân ngày trước giờ có phần giảm bớt đồ sộ; nhưng giá trị tâm linh, giá trị lịch sử - văn hóa lại càng được nhân lên qua thời gian. Với công trình đình Ngăm Lương, vẻ đẹp kiến trúc qua bao thế kỷ vẫn hiện tồn qua kết cấu kiến trúc xưa vẫn được giữ nguyên. Đại đình gồm 3 gian 2 chái 4 mái đao cong, có kích thước dài 21m, rộng 11m, thực sự là một công trình kiến trúc mang đầy đủ vẻ đẹp đặc trưng của đình làng xứ Bắc. Kiến trúc đình làng Ngăm Lương cũng mang kiểu thức như bao ngôi đình làng Bắc bộ. Hệ thống cột gỗ lim lớn nhỏ vững chắc, cấu trúc vì kiểu chồng rường, trụ giá chiêng, ngang 6 hàng cột, dọc dựng 4 hàng. Hệ thống cột vững vàng này đã nâng bổng mái đình xoè rộng lợp ngói mũi, chở che không gian nội đình linh thiêng, với bao tác phẩm chạm khắc có giá trị nghệ thuật, thấm đẫm tâm hồn, tình cảm của những người thợ - nghệ sỹ dân gian dựng đình. Ở các cột cái thuộc hai hàng ngang trước và sau của ba gian chính đình đều có tai cột. Đó là người thợ đã xẻ đầu cột thành khung mộng rộng, rồi đưa phiến gỗ xuống xòe ra hai bên đầu cột, dưới là tay đỡ, trên gắn chốt lên đỡ xà thượng. Nhờ lối cấu trúc này, các tai cột luôn trong tư thế ổn định. Chính các tai cột này đã được người thợ biến thành những tác phẩm nghệ thuật với các kỹ thuật chạm nổi, chạm lộng các mảng đề tài phong phú, mang hơi thở rộn ràng của cuộc sống. Hậu cung đình theo kiểu chuôi vồ, gồm 5 gian kiến trúc vì theo kiểu kẻ chuyền, xung quanh xây gạch, trục dài 11,5m, rộng 8m. Bên trong Hậu cung được bài trí 3 ngai thờ bài vị các vị thành hoàng. Phía trước là bát hương, đài, nến, mâm bồng, đẳng tế... tất cả được đặt trên bệ gạch và bàn vuông, một số hiện vật này có niên đại thời Nguyễn, thế kỷ XIX. Đặc biệt đình xưa được các triều đại phong kiến Việt Nam ban tặng nhiều sắc phong. Trải qua thời gian đã bị thất lạc, đến nay trong đình chỉ còn lưu giữ được 7 đạo sắc phong. Đạo sớm nhất phong năm Cảnh Hưng 28 (1767), đạo muộn nhất phong năm Đồng Khánh 2 (1886). Hầu hết đều ghi nhận công đức thành hoàng làng đã cứu giúp, trừ tai, trừ biến cho dân, để nhân dân được ấm no, hạnh phúc. NGUỒN: HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH BẮC NINH

Bắc Ninh 172 lượt xem

Xếp hạng : Di tích Cấp tỉnh Mở cửa

Hang Ngườm Slưa

Ngườm Slưa phát triển trong khối đá vôi hình thành trong điều kiện biển nông và ấm cách ngày nay khoảng 270-360 triệu năm (kỷ Carbon Permi). Trước cửa hang còn lưu giữ dấu vết hai bậc thềm sông - minh chứng cho hoạt động nâng của khu vực này trong giai đoạn gần đây (gọi là tân kiến tạo). Theo truyền thuyết của đồng bào Tày thì Ngườm Bốc là nơi gặp nhau, thành vợ thành chồng của đôi trai gái Pú Lương - Slao Cải còn Ngườm Slưa là hang đá mà chàng Pú Lương đánh nhau với hổ để bảo vệ cuộc sống yên bình của gia đình mình. Ngườm Slưa là nơi in báo Cờ Đỏ (1932-1933), cơ sở hoạt động cách mạng từ năm 1932 đến năm 1936. Tại đây, Đảng bộ Cao Bằng đã tổ chức họp Đông Dương đại hội vào tháng 5 năm 1936 để vận động nhân dân các dân tộc trong tỉnh hưởng ứng phong trào "Đại hội Đông Dương" và dự thảo bản "Dân Nguyện" đòi thực hiện cải cách dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân, đấu tranh công khai hợp pháp. Ngườm Slưa được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 188 VH/QĐ/BT ngày13/02/1995. Nguồn Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch.

Cao Bằng 214 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Đống Lân

Chùa Đống Lân tọa lạc ở xã Hưng Đạo (Thành phố) là ngôi chùa có lịch sử lâu đời, được kiến tạo từ thời Lê - Mạc. Chùa được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1997. Chùa Đống Lân nằm trên gò Đống Lân (tiếng Tày là Đoỏng Lân), ở phía tây bắc thành phố Cao Bằng. Nguồn gốc tên “Đống Lân” có nhiều giả thiết, gắn với những sự tích lịch sử qua nhiều thời kỳ như sự tích Thục Phán tổ chức cuộc thi “Chín chúa tranh vua” (có nhiều địa danh khác gắn với sự tích này như: Cánh đồng Tổng Chúp, cây đa Cao Bình, đôi guốc đá ở Bản Thảnh, thuyền úp ở Khau Lừa). Đống Lân là nơi chúa đi lấy trống đồng về đến đây mệt ngủ say, chuột cắn dây trống, trống lăn xuống đồi kêu vang cả một vùng, các chúa khác tưởng chúa đi lấy trống đã thắng nên bỏ dở cuộc thi nên không ai thắng. Tổng Lằn là trống lăn, gọi chệch là Đống Lân. Có giả thiết Đống Lân là chùa nằm trên gò con Lân. Dưới thời nhà Lý (cuối thế kỷ XI), chùa Đống Lân được xây dựng để thờ Phật. Từ năm Tân Hợi niên hiệu Càn Thống 19 nhà Mạc, hoàng hậu nhà Mạc cho xây chùa theo hình chữ đinh, có hai bên hành lang và hậu đường, tăng phòng. Sau chùa là Ly cung của nhà Mạc. Chùa là nơi để hoàng hậu, công chúa tụng kinh niệm Phật. Trước khi chùa được xây dựng, tại gò Đống Lân có đền thờ Trần Quý, Trần Kiên. Theo “Cao Bằng thực lục” có ghi chép nhiều chi tiết về nguồn gốc và tài năng đặc biệt của anh em Trần Quý, Trần Kiên. Cha của hai ông là Trần Triệu vì lấy được vợ tiên nên hai con trai được truyền cho nhiều phép lạ. Khi đến tuổi trưởng thành, mẹ tiên phải quay về trời, cha cũng bỏ vào núi cầu học đạo tiên, hai anh em Trần Quý, Trần Kiên ghi nhớ lời dặn dò của cha mẹ, mang kiếm đi khắp trong vùng tìm diệt yêu quái, trừ hại cho dân. Nhớ ơn công đức hai chàng trai, nhân dân lập miếu xuân thu phụng tự. Hai vị ấy, trải qua các triều vua đều có sắc phong. Đến triều Lê, Trần Kiên được phong làm Cai Cộng Đại Vương, hạ đẳng thần; Trần Quý là Đống Lân Đại Vương, Trung đẳng thần. Trải qua biến cố của lịch sử, chùa Đống Lân nhiều lần bị tàn phá, hư hại nặng, sau đó được tu sửa. Năm Thiệu Trị (1841-1847) nhà Nguyễn, ngôi chùa được dựng lại toàn bộ. Nơi thờ Trần Quý - Trần Kiên được thờ riêng ở một ngôi miếu nhỏ sát hành lang phía bên phải chùa, còn thờ phật ở gian chính điện. Thời kháng chiến chống Pháp, năm 1950, chùa một lần nữa bị tàn phá. Ngoài ra, theo nguồn tư liệu cung cấp của một số cụ cao tuổi ở xã Hưng Đạo, trước đây trong chùa còn có bát hương thờ Thạch Sanh. Đây là một nhân vật trong truyền thuyết của người dân tộc Tày. Thạch Sanh chém chết chằn tinh, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Ngày 15/1/1997, chùa được UBND tỉnh cấp Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Năm 2004, chùa được nhà nước cấp vốn đầu tư tôn tạo ngôi tam bảo, bổ sung nhiều tượng Phật, cải tạo khuôn viên chùa. Tuy nhiên, kiến trúc ban đầu của chùa không còn được giữ lại nguyên vẹn. Các hiện vật như: chuông, tượng phật, câu đối…, từ xưa không còn giữ được. Chỉ có những hiện vật mới được các phật tử cung tiến sau này. Chùa Đống Lân hiện nay có khuôn viên khá rộng. Cổng tam quan được xây dựng vững chãi, trang trọng. Nhìn từ ngoài vào thấy dòng chữ “Từ bi”, nhìn từ trong ra thấy dòng chữ “Hỷ xả”. Chùa gồm nhà thờ chính với 5 gian tiền đường và một gian chính điện. Ngoài ra còn có một nhà thờ tổ (3 gian). Mái chùa lợp ngói máng, có trang trí lưỡng long chầu nguyệt. Từ sân chùa phải qua 9 bậc thềm mới lên đến lớp kiến trúc đầu tiên là tiền đường (nhà bái đường). Các cửa đều xây theo hình cuốn vòm. Tiền đường rộng rãi, cao thoáng, gồm 5 gian. Gian giữa đặt một bệ thờ có bày tượng phật quan âm nghìn mắt, nghìn tay. Gian bên phải là ban thờ Đức Thánh Trần Quý - Trần Kiên và đặt tượng Đức ông. Gian bên trái là ban thờ Thạch Sanh. Giữa bái đường và chính điện có một khoảng cách quá cảnh là một khoảng trống dùng để lấy ánh sáng. Gian chính điện (gian tam bảo) có hai lớp bệ thờ. Lớp cao nhất giáp với mái chùa đặt 3 pho Tam thế tượng trưng cho chư Phật thuộc về 3 đời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Ba pho Tam thế có kích thước và hình dáng giống nhau được đặt ngồi trên tòa sen. Lớp bệ thờ thứ hai có 3 pho tượng cùng dãy gọi là Di đà tam tôn. Ngồi giữa là tượng Phật A di đà được tạc khá lớn. Hai bên là các tượng Bồ tát, tượng Thánh tăng, được sắp thành hàng từ thấp lên cao, uy nghi, trang nghiêm. Trong sân chùa có đặt tượng đức Quan Thế Âm Bồ Tát bằng cẩm thạch trắng cao 3m tay cầm bình nước cam lộ. Phía sau nhà thờ chính là điện thờ mẫu với ba ban thờ: ban Thánh mẫu (chính điện), ban Sơn trang, ban Trần Triều. Phía trên điện thờ chính có hình tượng đôi Thanh xà - Bạch Xà vắt ngang. Hội chùa vào ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm với nhiều hoạt động: tụng kinh niệm Phật, xóc quẻ cầu phúc, cầu tài, thắp hương hái lộc, tổ chức các trò chơi dân gian…, thu hút khách thập phương đến trẩy hội đông vui. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Cao Bằng 252 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Đền Dẻ Đoóng

Đền Dẻ Đoóng còn gọi là đền Giang Động, tọa lạc ngay trên vùng đất của làng Dẻ Đoóng, xã Hồng Việt (Hòa An). Đây là ngôi đền nguyên bản thờ thần đá theo quan niệm tín ngưỡng dân gian “vạn vật linh thiêng” của dân tộc Tày, Nùng Cao Bằng, về sau có thêm chức năng thờ phật, thờ mẫu. Đây là một trong những ngôi đền thiêng được nhân dân địa phương và khách lữ hành ngưỡng vọng, cầu cúng, chiêm bái. Tương truyền rằng, xưa kia có một chàng trai nghèo làm nghề đánh cá cần cù, tần tảo ven sông để kiếm sống. Chàng là người có hiếu với cha mẹ, sống chan hòa, khiêm nhường với mọi người trong xóm, được bà con quý mến. Đến ngày giỗ cha, chàng đi ra sông quăng chài với hy vọng sẽ được một mẻ cá để về làm giỗ, nhưng quăng mãi mà không được con cá nào. Lúc nào kéo chài lên cũng chỉ có hòn đá hình hai người; thấy lạ chàng chắp tay cầu khấn: “Nếu là thần thánh, xin cho một mẻ cá về giỗ cha”. Quả nhiên, ngay sau đó, chàng quăng được một mẻ cá đầy. Thấy linh nghiệm, chàng trai lấy hòn đá về lập miếu thờ ở Vò Ban. Vào một đêm mưa to, gió lớn, miếu thờ bị tốc mái, một gắp gianh bay sang đồi Riệt Rì, từ đó nhân dân đã dựng miếu thờ tại đấy. Nhưng đây là địa điểm xa dân cư, đường đi lại khó khăn, xung quanh miếu chật hẹp, không đáp ứng nhu cầu tế lễ đông người nên dân bản đã dựng ngôi đền tại làng Dẻ Đoóng và rước hòn đá thần về thờ. Đến thời nhà Lê, nhà Mạc, đền Dẻ Đoóng được tu sửa lại và đưa tượng phật, tượng mẫu vào ban thờ. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, ngôi đền mai một và được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, tạo nên diện mạo mới cho đến ngày nay. Tổng thể kiến trúc của đền Dẻ Đoóng theo hình chữ “đinh”, gồm ba gian chạy dọc, mái lợp ngói máng, tường xây bằng gạch địa phương. Trên các bức tường ngăn có trang trí họa tiết mây cuộn rồng bay, hoa lá…, mỗi gian đều có kiểu họa tiết và bố trí theo phong cách riêng. Gian ngoài cùng hay còn gọi là gian chính điện, gian đại bái. Gian này không đặt tượng, trên quá giang có trang trí khắc họa cảnh sơn thủy hữu tình. Hai bên sảnh có vẽ hai tướng quân hùng dũng đứng nghiêm canh gác với hai con ngựa chiến. Chính giữa gian đặt bệ thờ và bát hương, phía bên phải có treo một chuông đồng nhỏ. Hai bên vách tường bên ngoài còn vẽ hai con ngựa cao lớn, trên ngực chúng có ghi hai chữ “đại mã” bằng chữ Hán. Đây là gian chủ yếu dành cho nhân dân địa phương và du khách đến thắp hương cầu tự. Gian giữa hay còn gọi là gian trung đường, diện tích khoảng 21,5 m2. Trên quá giang có khắc hai con rồng chầu trăng, thể hiện nội dung đặc tả: lưỡng long chầu nguyệt, rồng cuộn mây. Chính giữa gian có 3 pho tượng quan ông, các quan ông đều đội mũ cánh chuồn, tay cầm cuốn kinh thư giảng đạo. Vách tường bên trái là bệ thờ các pho tượng có hình dáng đang ngồi thiền, vách bên phải có các pho tượng phật, tượng Phật bà Quan Âm có kích thước nhỏ từ 20 - 60 cm. Gian trong cùng hay còn gọi là gian chính điện hoặc hậu cung có diện tích khoảng 20,44 m2. Đây là gian dùng để cúng tế với các lễ thức trang trọng, uy nghiêm. Bức tường chính giữa xem như bức nền được trang trí hoa văn nhỏ, hoa lan và mây cuốn. Trong gian này đặt 3 bệ tượng 3 bậc, bậc cao nhất và bậc thứ 2 là hệ thống tượng Phật Thích ca mâu ni, bố trí mỗi bậc có 3 pho tượng ngồi trên đài sen. Giữa bệ thứ 2 bố trí pho tượng ngồi có nhiều tay, nhỏ hơn các pho tượng khác. Bệ thứ 3 là tượng thần Di Lặc, biểu tượng thần tài và có đặt bát hương, lọ hoa cạnh đó. Phía bên trái bệ thờ có đặt tượng Đường Tăng ở giữa và tượng thần thiện, ác hai bên. Bên vách tường bên trái đặt ngai thờ hòn đá thần và bát hương cúng tế. Vách tường phía bên phải có 3 pho tượng quan ông và bát hương cầu may. Lễ hội đền Dẻ Đoóng được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm, thu hút đông đảo nhân dân khắp nơi về trẩy hội, cầu phúc, cầu tài, cầu lộc, mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống dân gian, tưng bừng náo nhiệt ngày xuân. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi đền đã chứng kiến các hoạt động của Đảng bộ Cao Bằng, nhiều chiến sĩ cách mạng đã qua đây nương nhờ cửa đền và bàn bạc việc nước. Ngày 15/6/1945, nơi đây tổ chức mít tinh chào mừng thành lập chính quyền cách mạng của tỉnh. Đền Dẻ Đoóng được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh ngày 4/11/2008. Nguồn Bộ văn hóa, thể thao và du lịch .

Cao Bằng 240 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Hang Ngườm Bốc

Ngườm Bốc - tiếng địa phương nghĩa là Hang Khô - nằm ở sườn tây dãy núi Lam Sơn, thuộc xóm Bản Nưa, thôn Lam Sơn, xã Hồng Việt. Đây là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử về quãng đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm 1942-1945. Từ cuối tháng 3 đến tháng 8 năm 1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển từ Pác Bó về căn cứ địa ở Lam Sơn để chỉ đạo cách mạng. Tại đây người thường bí mật qua lại hang Ngườm Bốc, được nhân dân địa phương trìu mến gọi là “Ông Ké”. Tháng 5 năm 1945, tại hang Ngườm Bốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự họp với lãnh đạo Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa lịch sử Tháng 8 năm 1945. Ngườm Bốc cũng là nơi xưởng quân giới Lê Tổ ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tại đây tháng 10 năm 1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết Chiến dịch Biên giới; nói chuyện với công nhân xưởng quân giới Lê Tổ và đại diện nhân dân xã Hồng Việt, huyện Hòa An. Các nhà khảo cổ học còn tìm thấy ở Ngườm Bốc nhiều di chỉ cho thấy đây từng là nơi cư trú của người tiền sử sơ kỳ đá mới, tương đương với Văn hóa Hòa Bình sớm, cách ngày nay khoảng 10.000 năm. Trong truyền thuyết nổi tiếng Pú Lương - Slao Cải của đồng bào Tày thì Ngườm Bốc là nơi cư trú đầu tiên của hai nhân vật huyền thoại này ở đất Cao Bằng. Về mặt địa chất, hang Ngườm Bốc phát triển trong đá vôi hình thành trong điều kiện biển nông cách ngày nay khoảng 270 - 360 triệu năm (kỷ Carbon Permi. Ở cửa hang còn thấy rõ dấu vết của thềm và dòng chảy cổ, chứng tỏ đã bị nâng lên trong giai đoạn gần đây (gọi là giai đoạn tân kiến tạo). Hang Ngườm Bốc được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia theo Quyết định số 02/2004/QĐ/BVHTT của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 19/01/2004. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng .

Cao Bằng 231 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

CHÙA ĐẠI BI

Chùa Đại Bi thuộc xóm 8, thôn Ninh Giang, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Chùa còn được gọi chùa Ninh Giàng hay chùa Xóm 8. Chùa Đại Bi được xây dựng từ rất sớm. Dựa vào các tư liệu thành văn và di vật còn lại trong di tích thì có thể khẳng định chùa được xây dựng cách đây ít nhất là 400 năm. Theo lời kể của các cụ cao niên trong xã thì chùa đã bị thiêu cháy vào ngày 22 tháng 9 năm Mậu Dần, nhưng ngay sau đó nhân dân địa phương đã tham gia công đức cùng cụ Kỷ, người bản xã, tu ở đây, góp công của xây lại chùa theo đúng dáng vẻ cũ. Có lẽ gần đây nhất là lần trùng tu vào năm 1939 hiện còn ghi bằng chữ Hán trên thượng lương Thượng điện: Hoàng triều Bảo Đại thập tứ niên Tuế thứ Kỷ Mão ngũ nguyệt, nhị thập lục nhật thượng lương đại cát. Dịch là : Cất nóc ngày lành 26 tháng 5 năm Kỷ Mão, niên hiệu Bảo Đại thứ 14 (1939). Chùa Đại Bi có quy mô không lớn lắm; toàn bộ mặt bằng nền hình vuông, mỗi cạnh 13,4m với diện tích khoảng 200m. Người thợ xưa đã khéo dựng lên một ngôi chùa trên đó có đầy đủ các thành phần kiến trúc của một ngôi chùa điển hình gồm: Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện và dãy hành lang chạy xung quanh, nhà Tổ, nhà khách, nhà phụ. Trên đỉnh mái Tiền đường, chính giữa là phù điêu hình tượng mặt trời, 2 bên có phù điêu phượng và đầu kìm là phù điêu rồng, trên 2 bờ chảy là phù điêu nghê. Đây là những phù điêu biểu tượng cho các linh vật trong tích tứ linh. Đầu đao cách điệu theo dạng cá chép hoá rồng, toàn bộ ngói được lợp bằng ngói mũi hài. Trên 4 trụ biểu gắn tại mặt tiền là 2 câu đối đắp bằng xi măng. Thượng điện là trung tâm bài trí thờ, có kết cấu đơn giản và chung nóc với Tiền đường gồm 25 pho tượng tròn sơn son thiếp vàng được trang trí lộng lẫy bởi hoành phi câu đối và cờ phướn. Sát tường Hậu thượng điện có 4 tượng Hậu dạng phù điêu đá và một tường hồi bên phải là những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu thế kỷ XVII. Qua bao thăng trầm, biến đổi của thời gian, đặc biệt là lần bị cháy, các di vật đã bị tổn thất nhiều. Hiện nay chùa còn lưu giữ được những di vật quý bằng đá và đồng gồm: 5 tượng hậu bằng đá dạng phù điêu, 6 bia đá nhỏ, 1 cột trụ đá thiên đài (1691), một số tượng đất, 1 chiếc chuông đồng cao 75cm, đường kính 50cm quai 25cm, có 4 mặt chữ “Đại Bi tự chung”, niên hiệu “Hoàng triều Cảnh Thịnh" (1800); 3 bức hoành phi và 7 câu đối. Hàng năm nhân dân vẫn duy trì lễ hội tại chùa vào các ngày mùng 5, 6, 7 tháng 2 âm lịch. Chùa Đại Bi đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1997./. NGUỒN: TẠP CHÍ NGƯỜI HÀ NỘI ONLINE - CƠ QUAN NGÔN LUẬN CỦA HỘI LIÊN HIỆP VĂN HỌC NGHỆ THUẬT HÀ NỘI

Bắc Ninh 218 lượt xem

Xếp hạng : Di tích Cấp tỉnh Mở cửa

ĐỀN XÀ

Đền Xà nằm bên bờ nam sông Cầu, gần ngã ba Xà, là nơi hợp lưu của hai con sông cổ Cà Lồ và sông Cầu (còn gọi là sông Như Nguyệt) cùng chảy xuống sông Lục Đầu (tỉnh Hải Dương). Đền Xà, thôn Xà Đoài, xã Tam Giang (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) thờ hai vị tướng quân Trương Hống, Trương Hát. Hai vị là hai anh em ruột và là tướng tài của Triệu Quang Phục trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương. Gần một ngàn năm trước, vào thế kỷ 11 nơi đây được Thái úy Lý Thường Kiệt cho xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt trong cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ 2, làm lên chiến thắng giặc Tống lẫy lừng tháng 10 năm 1077. Nói về lịch sử ngôi đền, cụ Vũ Công Tưởng (82 tuổi, người làng Xà Đoài, thủ từ đền Xà) cho biết: Đền Xà thờ đức thánh Tam Giang - tức anh em ngài Trương Hống, Trương Hát là những danh tướng của Triệu Quang Phục có công đánh giặc Lương vào thế kỷ 6. Ngôi đền thiêng cũng có từ thế kỷ thứ 6, sau khi các ngài mất. Truyền thuyết về thánh Tam Giang kể rằng, xưa kia ở làng Vân Mẫu (xứ Kinh Bắc) có một người con gái tên là Phùng Từ Nhan. Năm 18 tuổi, Từ Nhan chiêm bao thấy thần Long từ trên trời hạ xuống quấn mình trên sông Lục Đầu, sau đó bà mang thai 14 tháng và sinh hạ được cái bọc 5 con: 4 trai 1 gái. Do là con trời ban cho nên bà lấy họ Trương của Ngọc Hoàng đặt cho 4 người con trai là Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và con gái là Trương Đạm Nương. Thời gian sau đó, Trời phái Lã Tiên Ông xuống trần dạy văn võ cho 5 người con của Từ Nhan tại bãi Tràng Học gần nhà Cổ Trạch. Năm anh em đều văn võ song toàn, lớn lên hưởng ứng lời kêu gọi của Triệu Việt Vương làm tướng tiến đánh giặc Lương ở đầm Dạ Trạch và giành thắng lợi lớn. Trương Hống, Trương Hát được phong làm tướng tài của Triệu Quang Phục. Khi Triệu Quang Phục lên ngôi vương (tên gọi khác là Triệu Việt Vương, Dạ Trạch Vương), Lý Phật Tử đã đem quân đánh lại nhưng không thắng, bèn dùng kế gả con khiến Triệu Việt Vương mắc mưu rồi bị đánh bại. Khi Lý Phật Tử đoạt được ngôi vua, biết Trương Hống, Trương Hát là tướng tài giỏi bèn cho người mời ra làm quan. Song các ông với lòng trung quân, quyết không thờ hai vua. Biết không thể khuất phục được, Lý Phật Tử lệnh truy bắt các ông khắp nơi. Các ông biết không thoát được liền tự vẫn ở dòng sông Cầu để giữ trọn tấm lòng trung với vua. Cũng theo truyền thuyết, Ngọc Hoàng Thượng đế cảm thương đã sắc phong Trương Hống, Trương Hát làm Thần sông. Từ đó, nhân dân 372 làng dọc theo sông Cầu, sông Thương, sông Cà Lồ và các nơi hai ông từng đóng quân đánh giặc đều thương tiếc, lập đền thờ suy tôn các ngài làm Thần. Các triều đại nhà Ngô, Đinh, Lê, Lý sau đó được âm phù giữ yên bờ cõi nên đều phong anh em họ Trương là Đức thánh Tam Giang - đại vương thượng đẳng thần. Theo sử sách, đền Xà và đức thánh Tam Giang cũng gắn với sự ra đời của bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà”của Lý Thường Kiệt – bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta. Nói về truyền thuyết phát tích bài thơ Thần, cụ Vũ Công Tưởng kể: Theo các bậc cao niên làng Xà Đoài truyền lại, vào một đêm tháng 10 năm 1077, tại ngôi đền thiêng bên chiến tuyến sông Cầu chống giặc Tống, Lý Thường Kiệt vào đền làm lễ cầu âm phù dương hộ cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Làm lễ xong bầu trời đột nhiên bừng sáng như ban ngày, trên không trung xuất hiện hai đám mây một trắng, một hồng bên trên là hai tráng sĩ một cưỡi ngựa trắng, một cưỡi ngựa hồng đạp mây đi giữa bốn bề quân reo ngựa hí. Tương truyền đó chính là ngài Trương Hống, Trương Hát hiển linh phù hộ cho quân dân ta đánh giặc Tống. Cụ từ Vũ Công Tưởng xúc động, thành kính nói: “Các ngài “sinh vi tướng, tử vi thần”; tức là sống làm tướng, thác hóa thần, vẫn thực hiện sứ mệnh cao cả phụng sự đất nước”. Cùng lúc đó trên không trung hay trong tâm tưởng Lý Thường Kiệt bỗng vang vọng bài thơ “Nam quốc sơn hà”: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” (Bản dịch: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.” Đây chính là lý do khiến bài thơ được gọi là thơ Thần. Khi bài thơ được Lý Thường Kiệt đọc lên âm vang sang sảng một vùng, khiến quân giặc Tống kinh hãi rụng rời tháo chạy dẫm đạp lên nhau mà chết. Cùng với tài trí mưu lược của quân và dân ta, cuộc kháng chiến chống Tống đã thắng lợi hoàn toàn, tiêu diệt 30 vạn quân Tống, xác chất thành núi, máu chảy thành sông. Trải qua gần 1.000 năm kể từ chiến thắng thần thánh đó, hiện tại ở xã Tam Giang vẫn còn các địa danh như Bãi Xác, Bờ Xác, Đồng Xác là dấu tích sự thất bại thảm hại của quân giặc năm xưa. Hàng năm đền Xà có hai dịp lễ lớn vào mùng 5 tháng Giêng và mùng 9, 10 tháng 4 âm lịch. Hội đền Xà thuộc hội lớn nhất vùng, ngoài các nghi lễ trang nghiêm rước kiệu, rước nước, còn có tục thi bơi chải. Truyền rằng, tục bơi chải của đền Xà gắn liền với việc Lý Thường Kiệt huy động dân binh địa phương tham gia vào việc đánh giặc Tống trên sông Như Nguyệt. Đền Xà ngày nay tọa lạc trên một gò đất rộng gần 10 hecta, cách ngã ba Xà - nơi hợp lưu hai con sông cổ chưa đầy cây số. Hiện ngôi đền đang được trùng tu nhưng về kiến trúc vẫn giữ được nét cổ kính có từ ngàn đời. Phía trước sân vẫn còn tấm bia đá cổ khắc bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” hai mặt bản chữ Hán và chữ quốc ngữ, phía ngoài là cổng tứ trụ với bức phù điêu nhuốm màu thời gian. Ngoài hệ thống cổ vật quý còn lưu giữ như tượng thờ, trong hậu cung đền Xà còn có bàn thờ Táo Quân với tượng “hai ông, một bà”. Đầu xuân, du khách, người dân đến lễ đền Xà cầu quốc thái dân an cũng không quên thắp nhang ban thờ Táo Quân với ước nguyện cầu cho gia đình luôn ấm lửa, mong hạnh phúc, bình an cho gia đình mình và cho mọi nhà. Với bề dày lịch sử gần 1500 năm, năm 1988 Đền Xà được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích lịc sử cấp Quốc gia. Nguồn: Báo điện tử của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Bắc Ninh 199 lượt xem

Xếp hạng : Di tích Quốc gia Mở cửa

ĐỀN THỜ NGÔ GIA TỰ

Nằm trên địa bàn khu phố Tam Sơn, phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, Nhà lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự là nơi sinh ra, lớn lên và hoạt động cách mạng của đồng chí Ngô Gia Tự - Nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh. Ngày nay, Nhà lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân.Toàn bộ khu nhà được thân phụ của đồng chí Ngô Gia Tự là cụ Ngô Gia Du cho xây dựng vào năm Khải Định nguyên niên (tức năm 1916) bao gồm các công trình: nhà ở chính, nhà điện, nhà ngang, nhà học, nhà nông cụ cùng vườn tược cây cối quanh năm xanh tốt. Cổng vào Nhà lưu niệm vẫn giữ được nguyên lối kiến trúc xưa. Hai bên cổng còn đôi câu đối do chính tay đồng chí Ngô Gia Tự viết bằng chữ quốc ngữ: “Cổng độc lập tha hồ khép mở/Nhà tự do mặc sức ra vào”, thể hiện ý chí độc lập tự do của đồng chí Ngô Gia Tự, nhưng cũng có nghĩa đây là nơi tụ hội của những con người cùng chí hướng, hoài bão đấu tranh cho một đất nước tự do, độc lập. Trên nóc công đắp nổi dòng chữ “Cửa như chợ” thể hiện hoài bão lớn của tuổi trẻ thế hệ đồng chí Ngô Gia Tự. Nhà học 3 gian, trước đây là nhà khách của gia đình, năm 1926, đồng chí Ngô Gia Tự dời Trường Bưởi trở về quê, dùng nhà khách là nơi mở các lớp dạy học, truyền bá cách mạng. Tượng thờ đồng chí Ngô Gia Tự đặt trang trọng tại gian giữa. Nhà chính là nơi ở của gia đình đồng chí Ngô Gia Tự. Gian giữa thờ thân phụ và đồng chí Ngô Gia Tự. Phía trên là bức hoành phi do chính tay thân phụ của đồng chí Ngô Gia Tự để lại gồm 4 chữ “Di mưu yến dực” với ý nghĩa muốn nhắn nhủ con cháu đời sau luôn hướng về nguồn cội tổ tiên và mưu trí giúp nước, giúp nhà. Bên trái nhà chính là nhà Điện 3 gian, là nơi thờ đức Thánh trần của gia đình, nhưng tại đây vào ngày 29/9/1928, Kỳ bộ Bắc kỳ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã họp hội nghị và đưa ra chủ trương “Vô sản hóa”, góp phần đưa cách mạng Việt Nam bước lên một tầm cao mới. Trong nhà Điện còn lưu giữ được nhiều ảnh chân dung các lãnh tụ tiền bối của Đảng và các hiện vật. Đối diện nhà Điện là nhà ngang, là nơi sinh hoạt và chứa các vật dụng của gia đình. Trong những ngày nông nhàn, thân mẫu của đồng chí Ngô Gia Tự vẫn thường miệt mài bên khung cửi này để dệt vải góp phần nuôi các con ăn học trưởng thành. Đặc biệt, tại ngôi nhà này đồng chí đã dùng để in tài liệu bí mật phục vụ cho hoạt động cách mạng. Bên phải nhà Học là dãy nhà nông cụ, gồm 5 gian.Nơi lưu giữ những nông cụ sản xuất hàng ngày của gia đình đồng chí Ngô Gia Tự. Bia ghi nhớ nơi đồng chí Ngô Gia Tự đã sống thời niên thiếu và hoạt động cách mạng trong những năm 1926 - 1928 đặt trong khuôn viên di tích. Khu Nhà lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự đã được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia theo Quyết định số 100-VH/QH ngày 21/1/1989. NGUỒN: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH BẮC NINH

Bắc Ninh 214 lượt xem

Xếp hạng : Di tích Quốc gia Mở cửa

CHÙA KEO

Nằm cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 20km về phía đông, chùa Keo có lịch sử gần 1.000 năm tọa lạc trên diện tích gần 10.000m2, thuộc xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm. Ngôi chùa còn có tên khác là “Báo Ân Trùng Nghiêm tự”, là nơi thờ bà Keo - một trong Tứ đại Phật pháp thời xưa. Giới thiệu về chùa Keo, ông Hoàng Đình Phong-người trông nom và nhang khói tại chùa-lý giải: Tên Keo theo truyền thuyết có ý nghĩa là hai thôn Giao Tự và Giao Tất kết dính với nhau chặt chẽ như keo sơn. Nơi đây vốn có hai nghề truyền thống là nấu keo dán bằng da trâu và làm vàng điệp để sơn son thếp vàng. Tương truyền xưa kia, nhân dân nơi đây cho tạc 4 pho tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện xong thì còn thừa một khúc gỗ đem tạc tượng Pháp Vân nhỏ hơn. Các pho tượng được đưa về các chùa vùng Luy Lâu và đặt tên nôm theo tên làng là: Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Tướng, Bà Dàn. Pho tượng Pháp Vân nhỏ nhất được làng Keo rước về thờ ở chùa Keo, sau đó được gọi là tượng Bà Keo.Trải qua gần 1.000 năm lịch sử, chùa Keo hiện lưu giữ được tổng cộng 47 pho tượng Phật, trong đó tượng Bà Keo là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Chùa còn giữ 6 tấm bia đá, 1 chuông cổ được đúc thời Cảnh Thịnh (1794), 1 khánh đồng, 8 đạo sắc phong cùng nhiều đồ thờ tự và một số cổ vật mang phong cách thời nhà Lê. Chùa được trùng tu nhiều lần nên mang nhiều phong cách pha trộn. Tam quan được xây bằng gạch theo kiểu nghi môn thời Nguyễn, tòa thượng điện là kiểu nhà 4 mái. Hậu cung và tháp tam bảo mang phong cách thời Nguyễn. Đáng lưu ý, tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn là sản phẩm của thế kỷ XVII. Một trong những nét văn hóa đặc trưng gắn liền với chùa Keo bao đời nay là Lễ hội truyền thống làng Keo. Nói về lễ hội của quê nhà, ông Hoàng Đình Phong nhắc lại câu ca dao: “Mồng 6 hội Keo, mồng 7 hội Khám, mồng 8 hội Dâu, mồng 9 đâu đâu trở về hội Gióng”. Theo ông Hoàng Đình Phong, Lễ hội truyền thống làng Keo diễn ra vào ngày 6-4 âm lịch hằng năm. Đặc biệt, tại Lễ hội làng Keo, ngoài hoạt động tế lễ theo nghi thức tín ngưỡng còn có Lễ rước ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lễ rước Phật với nhiều nghi thức, phong tục, tập quán cổ xưa mang đậm màu sắc tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân địa phương cùng du khách thập phương tham gia. Với những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời, chùa Keo đã được công nhận là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1993. Ông Bùi Trọng Thể, Trưởng ban quản lý Di tích chùa Keo cho biết: "Nhân dân làng Keo nói riêng và xã Kim Sơn nói chung rất tự hào về lịch sử, văn hóa của chùa Keo. Trong kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa bị hư hỏng nặng và sau đó được trùng tu lớn vào năm 1995. Qua thời gian, ngôi chùa hiện có nhiều hạng mục bị xuống cấp. Chúng tôi đã gửi đề nghị đến các cấp lãnh đạo mong muốn được xây dựng lại tiền tế, tháp chuông và sửa chữa lại thượng điện, hành lang tượng Phật. Mong rằng những đề nghị trên sẽ sớm được thông qua để góp phần bảo tồn, phát huy di tích lịch sử gần nghìn năm tuổi này". NGUỒN: QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Bắc Ninh 232 lượt xem

Xếp hạng : Di tích Quốc gia Mở cửa

ĐỀN VỌNG NGUYỆT

Đền Vọng Nguyệt nằm cuối làng Vọng Nguyệt (xã Tam Giang, huyện Yên Phong), gần đê sông Cầu. Đền được khởi dựng từ lâu đời với nhiều tòa, tuy nhiên do yêu cầu tiêu thổ kháng chiến năm 1948, toà đền Hạ và đền Trung bị phá huỷ. Công trình kiến trúc Đền hiện nay chỉ còn lại đền Thượng, được trùng tu lại năm 2004. Đền nằm ở phía Đông của thôn, có vị trí cảnh quan thoáng đãng. Công trình kiến trúc đền Vọng Nguyệt hiện nay mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Đền có mặt bằng kiến trúc kiểu Tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh, là sự hợp thành của hai toà Tiền tế 3 gian 2 chái và Hậu cung 1 gian. Cả Tiền tế và Hậu cung của đền đều được cấu trúc kiểu 4 mái, 4 đao cong, bờ nóc, bờ dải trang trí hoa chanh, gợi sự thanh thoát nhẹ nhàng. Phía trên nóc đắp nổi đôi rồng chầu mặt nguyệt... Bộ khung đền bằng gỗ lim được liên kết bởi các bộ vì theo kiểu thức “thượng con chồng giá chiêng, hạ kẻ trường”. Trên một số bức cốn, đầu dư và kẻ tiền chạm hoa văn rồng mây, hoa dây. Theo tài liệu ghi lại, đền Vọng Nguyệt thờ Công chúa Lý Nguyệt Sinh (con vua Lý) và Phò mã Đô Uý. Các ngài đã hy sinh anh dũng vì đất nước, được nhân dân nơi đây lập đền hương hỏa phụng thờ. Tại đền hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật tiêu biểu có giá trị như: các đạo sắc phong do các đời vua Lê và Nguyễn phong tặng cho 2 vị thần; Bia thần tích 1642, ngai thờ, bài vị, hoành phi, cuốn thư, câu đối, án gian có niên đại thời Nguyễn; hạc thờ, kiệu bát cống, bộ siêu đao bát biểu có niên đại thế kỷ XX… Những tài liệu cổ vật này vừa là chứng tích của ngôi đền trong lịch sử, vừa là di sản văn hóa quý giá của quê hương. Ngoài ra, đền Vọng Nguyệt còn có nhà bia để thờ các Anh hùng liệt sỹ và tôn vinh các bậc hiền tài của địa phương. Lễ hội chính ở đền làng Vọng Nguyệt được tổ chức vào ngày 9 tháng 2 (âm lịch) hàng năm. Ngoài ra còn các ngày sự lệ khác như: Ngày 4 tháng 4 âm lịch (lễ kỳ phúc); ngày 8 tháng 6 (ngày Kỵ nhật của bà Lý Nguyệt Sinh); Ngày 12 tháng 9 (ngày giỗ thánh Tam Giang)… Đền Vọng Nguyệt được Bộ Văn hóa, Thể thao xếp hạng là di tích lịch sử theo Quyết định số 28-VH/QĐ ngày 18/01/1988. NGUỒN: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH BẮC NINH

Bắc Ninh 312 lượt xem

Xếp hạng : Di tích Quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật