Lâm Đồng: Mãn nhãn ngắm nhìn hơn 260 "cụ đào" Tây Bắc đua nhau khoe sắc trên cao nguyên

Hơn 260 gốc đào cổ thụ Tây Bắc, được ông Đỗ Quốc Anh "tuyển" về trồng tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đang đua nhau khoe sắc giữa tiết trời mùa xuân.

Hơn 260 gốc đào cổ thụ Tây Bắc, được ông Đỗ Quốc Anh "tuyển" về trồng tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đang đua nhau khoe sắc giữa tiết trời mùa xuân.

Vườn hoa đào cổ của ông Đỗ Quốc Anh ở xã Đạ Nhim (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) rộng khoảng 2 sào đang thu hút sự chú ý của đông đảo người dân địa phương và du khách bởi vẻ đẹp độc đáo, đầy màu sắc với những gốc đào cổ thụ, góp phần tô điểm cho không khí Tết thêm phần rộn ràng sắc xuân.

Những cây đào cổ được trồng "ngay hàng, thẳng lối"

Cách TP. Đà Lạt khoảng 30km về hướng Đông và nằm sâu trong cung đường vào Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (Lạc Dương), nơi đây khung cảnh còn nhiều hoang sơ của núi rừng, chủ yếu là nương rẫy của đồng bào bản địa. Tuy nhiên, cũng chính nơi ấy lại xuất hiện một vườn hoa đào, tựa như một bức tranh rực rỡ đa sắc màu với hàng trăm cây đào cổ.

Một địa điểm check in không thể bỏ qua trong tương lai

Chủ nhân của vườn đào đã bố trí trồng những gốc đào theo khoảng cách “ngay hàng, thẳng lối” đủ không gian, khoảng trống để những cây đào đua nhau khoe sắc. Ngoài ra, chủ nhân của vườn đào cũng đã tạo ra những thế “độc lạ” để phô diễn mọi nét đẹp vốn có của từng gốc đào.

Những gốc đào cổ thụ từ Tây Bắc vượt gần 1.700km về trồng tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng

Để có được “thành quả” vườn đào như ngày nay, ông Đỗ Quốc Anh với những tâm huyết kể lại, tình cờ trong một chuyến du lịch tại Mộc Châu, Sơn La vào năm 2022, ấn tượng với những cây đào cổ thụ và nhận thấy Lâm Đồng có khí hậu và độ cao tương đồng khá phù hợp, ông đã nảy sinh ý tưởng thuê người săn lùng mua những cây đào cổ Tây Bắc về trồng để tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương.

Ông Đỗ Quốc Anh, chủ nhân của vườn đào nhìn chăm chú những cánh hoa đào nở rộ

Sau nhiều tháng lăn lộn, vất vả tìm kiếm mua chủ yếu ở 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên, sau đó vận chuyển gần 1.700 km đường bộ về Lâm Đồng, hiện nay, vườn đào của tôi đã có hơn 260 cây đào cổ được trồng, chăm sóc, trong đó có nhiều cây với những tán rộng, thân to. Hy vọng nơi đây sẽ là điểm đến thăm quan lý tưởng của người dân địa phương và du khách trong tương lai"- ông Đỗ Quốc Anh chia sẻ.

Nghệ nhân thực hiện việc ghét cành trước khi được trồng xuống đất

Trong số những cây đào đang được trồng tại đây, có khoảng 70 cây đang bung hoa nở rộ khoe sắc. Những bông hoa nở to, cánh xoè rộng, có cây hoa nở màu sắc sặc sỡ, nhưng cũng có cây hoa nở hồng phai, xen lẫn là những nụ hoa, lá non tạo nên một khung cảnh vô cùng thơ mộng, ấn tượng.

Một cây đào với tán rộng, thân cao bao chùm bởi hoa và lá non tạo nên khung cảnh thơ mộng

Để có những cây đào cổ sinh sống, nở hoa đẹp như vậy, ông Quốc Anh đã thuê kỹ thuật viên và nghệ nhân từ nhiều nơi đến chăm sóc, ghép cành. Đặc biệt, những cây đào trong vườn đều được người dân Tây Bắc trồng có tuổi đời khá cao, ra hoa nhiều. Có những cây đào đã gần 100 năm tuổi, giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

Một bạn trẻ đang check in với cây đào cao vút

Hiện tại, ông Đỗ Quốc Anh đang đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, làm các tiểu cảnh để vườn đào cổ Tây Bắc hứa hẹn sẽ trở thành một điểm nhấn, điểm đến mới thu hút du khách trong tương lai, đặc biệt là vào mùa xuân các dịp Tết Nguyên đán.

Đây cũng được coi là một ý tưởng độc đáo, mới lạ, góp phần quảng bá vẻ đẹp của hoa đào cổ Tây Bắc đến với du khách thập phương, đồng thời tạo thêm sức hút cho du lịch địa phương.

vườn đào tâm huyết của chủ nhân Đỗ Quốc Anh

Hoa đào nở trên nền trời xanh càng làm nổi bật màu hoa mang hương sắc mùa xuân

Một trong những gốc cây đào gần 100 năm tuổi

Hoa đào nở rộ như giải ngân hà

Hơn 260 gốc đào được trồng tập trung trên mảnh đất gần 2.000 m2

07 Tháng 02, 2024 1073

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành