Nắng vàng trải dài qua dãy Langbiang hùng vĩ, thuộc huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), khơi dậy vẻ đẹp hoang sơ của miền đất Nam Tây Nguyên với huyền thoại về nàng Lang và chàng Biang.
Nắng vàng trải dài qua dãy Langbiang hùng vĩ, thuộc huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), khơi dậy vẻ đẹp hoang sơ của miền đất Nam Tây Nguyên với huyền thoại về nàng Lang và chàng Biang.
Mùa xuân chớm đến với Langbiang bắt đầu từ những cơn gió thổi mạnh. Hơi lạnh từng đợt tràn về, những thiếu nữ K’ho khẽ rùng mình bên tà áo mỏng. Trên sườn núi xa, rừng mai anh đào già vội vã trút lá, tiếng tù và vọng ra từ eo núi, tiếng cồng chiêng thổn thức gọi bạn hiền… Đó là dấu tín báo hiệu một mùa xuân nữa đã cận kề.
Rừng mai anh đào ở Lạc Dương vào mùa bung hoa. Ảnh Việt Hoàng
Mỗi năm một lần, cứ vào độ trổ hoa, rừng mai anh đào ra sức khoe sắc. Với đồng bào K’ho ở Langbiang, hoa mai anh đào là biểu tượng của mùa xuân, của mùa vui, mùa của con cháu đoàn tụ đông đủ bên gia đình sau một năm bận rộn chuyện miếng cơm manh áo thường nhật.
Nguồn gốc về hoa mai anh đào trên cao nguyên Langbiang vẫn còn là đề tài để các nhà sinh vật học thảo luận. Một luồng ý kiến cho rằng, mai anh đào có nguồn gốc từ nước ngoài, được các nhà nông học miền Nam di thực về trồng tại Đà Lạt vào những năm 1960 của thế kỷ trước. Luồng ý kiến khác lại khẳng định, đây là loài cây hoang dã bản địa, khởi nguồn từ khu vực rừng núi, trải dài từ dãy Langbiang tới vùng Đa Nhim, ở độ cao trên 1.500m so với nước biển.
Mai anh đào được bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) trồng ở khuôn viên của gia đình. Ảnh Việt Hoàng
Nhận ra vẻ đẹp của loài hoa này, các nhà sinh vật học đã “di thực” từ rừng già về trồng trong khuôn viên các căn biệt thự, đường phố, nơi công cộng và sớm trở thành loài hoa đặc trưng, nổi tiếng trên cao nguyên Langbiang. Bởi thế, thành phố Đà Lạt ngày nay còn có tên gọi khác là “thành phố mai anh đào”.
Từ xa xưa, khi đời sống kinh tế của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Langbiang còn gặp rất nhiều khó khăn, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ mặc nhưng không ít gia đình đã “rước” loài hoa này về trồng trong khuôn viên của gia đình mình. Với bà con, hoa mai anh đào gắn liền với vẻ đẹp tinh tế mà vẫn giữ được nét hoang dã, mộc mạc. Từ ngày đặt trồng cho tới khi trút lá đơn bông là quãng thời dài. Không cần bàn tay con người chăm bón, nâng niu chiều chuộng, nhưng loài hoa ấy vẫn vươn lên mạnh mẽ để cuốn hút con người bằng sắc đẹp màu hoa.
Mai anh đào là biểu tượng của mùa xuân trên cao nguyên Langbiang. Ảnh Nguyễn Văn Hào
Nay, mai anh đào đã trở thành biểu tượng của mùa xuân trên cao nguyên Langbiang.
Để rồi, khi mùa xuân chớm về, trước những căn nhà xinh xắn dưới chân núi Langbiang của đồng bào dân tộc thiểu số K’ho, du khách gần xa chợt ngỡ ngàng trước sắc hồng rực rỡ của loài hoa hoang dã đang đua nhau khoe sắc...