(CLO) Phú Yên được mệnh danh là xứ sở hoa vàng cỏ xanh, nơi đây có nhiều địa danh nổi tiếng và hấp dẫn với các tín đồ đam mê du lịch. Tháp Nhạn cũng là một trong số địa điểm được nhắc đến nhiều nhất về kiến trúc, nghệ thuật, tín ngưỡng của người dân nơi đây.
(CLO) Phú Yên được mệnh danh là xứ sở hoa vàng cỏ xanh, nơi đây có nhiều địa danh nổi tiếng và hấp dẫn với các tín đồ đam mê du lịch. Tháp Nhạn cũng là một trong số địa điểm được nhắc đến nhiều nhất về kiến trúc, nghệ thuật, tín ngưỡng của người dân nơi đây.
Tháp Nhạn tọa lạc uy nghi trên đỉnh núi Nhạn thuộc Phường 1, TP. Tuy Hòa (Phú Yên), cách trung tâm thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên chừng 3,5 km với độ cao 64m so với mực nước biển. Người Ê Đê và Gia Rai gọi là tháp Kơ H’meng, người Kinh gọi là Tháp Chàm còn người Chăm gọi là Đền Kalan. Tháp Nhạn được xây dựng vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII, là công trình kiến trúc tiêu biểu của người Chăm xưa.
Về cái tên Tháp Nhạn, theo lời kể của những người lớn tuổi nơi đây, ngọn núi này trước kia là nơi sinh sống của loài chim Nhạn. Đây là một loài chim nhỏ bay cao, đôi khi có thể bay tới hơn 60 mét. Vì thế nên người dân nơi đây đã đặt tên ngọn tháp là tháp Nhạn. Ngoài ra còn có một cách hiểu khác là do địa hình của núi mang dấp dáng con chim nhạn đang xòe đôi cánh vỗ khi nhìn từ xa nên người dân địa phương đã đặt tên như vậy cho ngọn tháp.
Tháp Nhạn được xây dựng vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII, là công trình kiến trúc tiêu biểu của người Chăm xưa.
Còn nói về nguồn gốc của ngọn tháp này được rất nhiều người tương truyền. Có người kể rằng xưa kia, có tiên nữ Thiên Yana hạ phàm và chỉ dạy cho người Chăm pa cách cày cấy, dệt vải, kéo sợi... Sau khi tiên nữ quay về trời, người Chăm pa đã dựng nên một đền tháp để bày tỏ lòng biết ơn vị tiên nữ ấy.
Xét về kiến trúc, tháp Nhạn là một quần thể mà là một kiến trúc độc lập có hình vuông sở hữu 3 phần: Đế tháp, thân tháp và mái tháp. Mặt chân tháp và thân tháp được xây dựng đều là hình vuông, ý nghĩa tượng trưng cho đất, tổng chiều cao cả ba phần vào khoảng 24m. Chân tháp được thiết kế lớn hơn thân tháp, với chiều cao khoảng 3,3m. Trên đỉnh tháp là tượng Linga bằng đá – biểu tượng tâm linh của người dân Chăm-pa.
Nhìn từ xa tháp Nhạn trông giống như bốn búp sen, lớp thứ hai và thứ ba cũng đều có 4 búp sen, càng lên cao thì càng nhỏ lại và nhọn dần. Trong mỗi công trình đền tháp của người Chăm đều có Linga và Yoni tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực, cầu mong vạn vật được nảy nở sinh sôi. Đặc điểm chung của các công trình đền thờ Chăm pa cổ đó chính là lòng tháp thường có không gian chật hẹp và chỉ có một cửa duy nhất chỉ mở về hướng Đông (hướng mặt trời mọc) và đối với tháp Nhạn cũng thế. Bên trong lòng tháp Nhạn chỉ có một cửa duy nhất với bàn thờ tiên nữ Thiên Yana được sắp đặt đầy các vật cúng từ cửa nhìn ra ngoài.
Bên trong lòng tháp Nhạn chỉ có một cửa duy nhất với bàn thờ tiên nữ Thiên Yana được sắp đặt đầy các vật cúng từ cửa nhìn ra ngoài.
Chị Tiên Tiên, một khách du lịch chia sẻ, chị tới tháp Nhạn không chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngọn tháp huyền bí này mà còn bởi tò mò về vật liệu mà người Chăm xưa dùng để xây tháp: “Theo người hướng dẫn viên giới thiệu thì tòa tháp được xây dựng hoàn toàn bằng gạch nung xếp khít nhau mà rất vững chắc. Loại gạch này có khối lượng nhẹ hơn một viên gạch thông thường khoảng 1,3 lần. Kể cả độ bền chịu nén, chịu va đập cũng hơn gạch thường rất nhiều”.
Ngày xưa, trong xây dựng người Chăm sử dụng hoàn toàn từ nguyên liệu thiên nhiên. Chất kết dính của cây dầu rái được người dân nơi đây dùng để gắn kết các viên gạch này với nhau một cách chắc chắn và không lộ ra chút đường hồ nào thì được biết. Để các viên gạch dính lại với nhau chắc chắn như vậy không chỉ do có hỗn hợp keo kể trên mà còn nhờ vào bàn tay khéo léo của những người xây dựng. Các viên gạch được sử dụng kĩ thuật mài chập, nghĩa là sau khi phết keo lên, họ mài các viên gạch với nhau cho đến khi bề mặt tiếp xúc hoàn toàn khít không lộ ra một chút kẽ hở nào.
Tòa tháp được xây dựng hoàn toàn bằng gạch nung xếp khin khít nhau mà rất vững chắc.
“Kiến trúc nơi đây thật sự rất độc đáo, bước vào trong tháp mình rất bất ngờ khi thấy bên trong không có tượng hay ban thờ nào, chỉ có duy nhất một cái am nhỏ để nhang khói cho Thượng Đỉnh Chúa Thiết A Na Diễn Ngọc Phi được xây dựng từ thời Hậu Lê. Xung quanh tường có những hoa văn hình rồng được chạm khắc tinh tế trên đá hoa cương đặt ở 4 góc tháp. Đừng từ bên trong nhìn lên đỉnh tháp chỉ thấy một không gian sâu thẳm cao vút đầy huyền bí” - Anh Hồng Quân (du khách Hà Nội) cho hay.
Anh Công Luân (Nghệ An) thổ lộ: “Đứng trên đỉnh núi Nhạn, phóng tầm mắt ra xa, mình có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Tuy Hòa, vẻ đẹp nơi đây thật cổ kính, yên bình, đáng để các bạn đến đây một lần trong đời”.
Nếu du khách muốn đến đây, hãy đến vào dịp rằm tháng Giêng Âm Lịch. Khi ấy, ở đây diễn ra đêm thơ Nguyên tiêu thu hút đông đảo văn nghệ sĩ nức tiếng gần xa tới giao lưu nghệ thuật. Tháp Nhạn được gắn liền với nhiều giai thoại và ẩn chứa nhiều điều huyền bí luôn sẵn sàng chờ đón du khách đến khám phá trong chuyến du lịch Phú Yên.
Phú Yên
1260 lượt xem
Ngày cập nhật
: 19/12/2023
Thanh Hoài