Khu di tích núi Dành

Khu di tích núi Dành

Câu chuyện về núi Dành (xã Liên Chung và Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) có sản vật tiến Vua-sâm Nam lưu truyền trong dân gian từ bao đời nay đã thôi thúc tôi tìm về khu di tích này. Từ TP Bắc Giang có nhiều đường để đến núi Dành nhưng tôi chọn đi theo Quốc lộ 17 rồi rẽ vào đường liên xã Việt Lập-Liên Chung. Đang là mùa đông nên hai bên đường là một màu xanh mướt của ngô, khoai lang và nhiều loại rau màu khác. Đi khoảng 5km từ lối rẽ, Khu di tích lịch sử văn hóa núi Dành đã hiện ra trước mắt tôi. Núi Dành nằm cách dòng sông Thương thơ mộng không xa, có đỉnh cao nhất khoảng 117 m so với mặt nước biển và là dãy núi lớn thứ hai của huyện Tân Yên sau núi Đót (xã Phúc Sơn). Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên đẹp với rừng thông khoảng 50 năm tuổi. Nhiều người đến núi Dành có chung nhận xét như đang ở trong rừng thông TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Anh Hoàng Tiến Dũng ở xã Mường Than, huyện Than Yên (tỉnh Lai Châu) nói: “Tôi biết núi Dành qua Internet đã lâu, nay mới có dịp tới thăm. Quả thật phong cảnh nơi đây rất đẹp, không khí trong lành, ngồi nghe thông reo thật lãng mạn. Nếu có dịp, tôi sẽ rủ người thân và bạn bè tới đây chơi”. Đường lên núi Dành được xây bậc gạch với tổng cộng 345 bậc thoai thoải. Ngay dưới chân núi là giếng Mũi Voi, sâu khoảng 2m, đã được xây bó bờ xung quanh. Người dân địa phương cho biết nước giếng luôn trong xanh và không bao giờ cạn. Tọa lạc ở núi Dành là đền Dành, công trình văn hoá tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Quần thể đền Dành gồm 3 đền: Đền Trình (dưới chân núi), đền Thượng (trên đỉnh núi) và đền Hạ (khu vực lưng chừng núi). Đền Dành thờ thần Cao Sơn, Quý Minh, khi sống là những vị tướng tài giỏi, thác đi trở thành những vị thần linh thiêng, hiển thánh lại âm phù, giúp dân trừ tai diệt họa, được nhân dân nhiều đời thờ phụng. Không ai biết chính xác đền Dành được xây dựng từ khi nào nhưng căn cứ vào những tài liệu hiện vật di tích như cột đá, bát hương cổ, đồ tế khí, ngai thờ còn lưu giữ trong đền... thì công trình này được xây dựng từ thời Lê thế kỷ XVIII. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ngôi đền đã bị hủy hoại đi nhiều, không còn nguyên vẹn như xưa. Tuy nhiên, nhân dân nơi đây đã nhiều lần trùng tu, cải tạo, ngôi đền đã khang trang, đẹp đẽ hơn nhưng vẫn còn lưu lại nhiều nét cổ kính, riêng biệt. Đặc biệt, đền Dành hiện nay được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng lại vào năm 2017 với quy mô lớn hơn nhưng vẫn nằm trên cốt nền của ngôi đền cổ xưa theo lối kiến trúc kiểu hình chữ công, gồm tòa bái đường 3 gian nối với tòa hậu cung 2 gian bằng một dải ống muống. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta, đền Dành và núi Dành là trạm tiền tiêu để bộ đội ta phục kích bảo vệ vùng tự do. Cũng tại nơi đây, vào ngày 13/4/1950 có 2 chiến sĩ du kích là Nguyễn Bá Giai và Nguyễn Đình Khái đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cảnh giới canh gác tiền tiêu Đến với Khu di tích núi Dành, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan bao la hùng vĩ mà còn được nghe câu chuyện lưu truyền trong dân gian về sản vật tiến Vua-sâm Nam của người dân nơi đây. Khu vực núi Dành xưa có lễ hội Bảo Lộc Sơn nổi tiếng khắp vùng. Đầu thế kỷ XIX, Bảo Lộc Sơn là một tổng thuộc huyện Yên Thế, phủ Lạng Giang gồm 4 xã: Bảo Lộc Sơn, Trung Sơn, Tưởng Sơn và Kim Tràng. Lễ hội Bảo Lộc Sơn hàng năm tổ chức vào ngày 16, 17 tháng Giêng, trung tâm tại quần thể di tích đình Um Ngò, xã Việt Lập. Lễ hội này là ngày hội tứ đình, còn gọi là tứ giáp, đặc trưng của các dòng họ: Thân, Giáp Nguyễn và Đồng…ở 4 làng: Kim Tràng, Khoát, Nguyễn và Um Ngò. 4 làng này có 4 ngôi đình, thờ 4 vị Thành Hoàng. Sau khi các làng Nguyễn, Kim Tràng, Khoát mở hội, thì rước kiệu về đình Um Ngò mở hội vào ngày 16 và 17 tháng Giêng, để rồi từ đó rước kiệu lên nghè Cả trên đỉnh núi Dành làm lễ mở đầu cho một năm. 4 lễ hội làng tụ lại thành lễ hội Bảo Lộc Sơn. Phần hội gồm những trò chơi như đu cây, chọi gà, đấu vật, thả diều... Những ước mong cầu mưa gió thuận hòa, dân khang vật thịnh. Lễ hội Bảo Lộc Sơn được khôi phục lần đầu năm 1996. Năm 2019, UBND xã Việt Lập tiếp tục tổ chức khôi phục lại lễ hội Bảo Lộc Sơn. NGUỒN SỞ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH BẮC GIANG TRUNG TÂM THÔNG TIN - XÚC TIẾN DU LỊCH

Bắc Giang 130 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Bắc Giang

Đình Phúc Long

Bắc Giang 1319

Di tích cấp quốc gia

Đình Đền Châu Lỗ

Bắc Giang 1228

Di tích cấp quốc gia

Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đình Đông

Bắc Giang 1225

Di tích cấp quốc gia

Đình Vân Cốc Xã Vân Trung

Bắc Giang 1221

Di tích cấp quốc gia

Di tích Lưu niệm Bác Hồ về thăm Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa

Bắc Giang 1212

Di tích cấp quốc gia

Đình Hoàng Mai - xã Hoàng Ninh

Bắc Giang 1165

Di tích cấp quốc gia

Chùa Vĩnh Nghiêm

Bắc Giang 1156

Di tích quốc gia đặc biệt

Chùa Bổ Đà

Bắc Giang 1153

Di tích quốc gia đặc biệt

Núi Đồn - xã Vân Trung

Bắc Giang 1132

Di tích cấp quốc gia

Đình Thổ Hà

Bắc Giang 1062

Di tích cấp quốc gia

Điểm di tích nổi bật