Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Bình Định

Di tích thành Cha

Thuở vàng son, thành Cha có tên là Phật Thệ, thành đô của kinh đô Vijaya. Đây là một trong bốn thành cổ Chăm Pa ở Bình Định, từng là trung tâm kinh tế, chính trị của khu vực này khoảng từ thế kỉ 8 đến thế kỉ 15. Thành Cha nằm ở phía nam kinh thành Vijaya, nay thuộc địa phận thôn An Thành xã Nhơn Lộc huyện An Nhơn – Bình Định. Nằm trên một dải đất cao ở bờ nam sông Kôn, thành Cha gồm hai khu thành lớn nhỏ được xây dựng gần nhau (còn gọi là thành nội, thành ngoại), đều có bình đồ hình chữ nhật. Ở khu vực thành lớn, các cặp tường thành đối diện nhau với chiều dài chênh lệch không đáng kể. Khi xây dựng, người xưa dựa vào hướng sông Kôn, nên chiều dài của bức tường thành phía bắc dài hơn phía nam một đoạn khoảng 100m. Cặp tường thành phía đông và phía tây dài gần 350m, còn cặp tường thành phía bắc và phía nam dài gần 950m. Ngoại trừ mặt thành phía bắc do gần sông Kôn nên bị xói lở gần hết, các mặt còn lại tương đối nguyên vẹn. Ở góc tây bắc của khu vực thành lớn còn có dấu tích một khuôn viên hình chữ nhật, được bao bọc xung quanh một gò gạch mà trong đó số lượng gạch ngói còn sót lại rất lớn với những thềm cửa, trụ cửa có kích thước lớn, đặc biệt là có rất nhiều viên gạch ngói âm dương và ngói ống - loại vật liệu kiến trúc có trang trí chỉ tìm thấy tại kinh đô cũ của ChămPa như Trà Kiệu. Tại khu vực này, người ta đã phát hiện ra bức tượng bán thân của nữ thần Kabêra Yakshini rất đẹp cùng với những bức phù điêu được làm bằng đất nung rất tinh xảo, là minh chứng cho sự tồn tại hiện thực của một kiến trúc đô thành. Khu thành nhỏ được nằm giáp lưng với khu thành lớn theo hướng tây bắc, có chiều rộng 134m và chiều dài 240m. Một điều thú vị ở đây là nhà kiến tạo nên thành cổ Phật Thệ này đã cố tình bố trí hai khu thành lớn nhỏ theo thế liên hoàn, được thể hiện ở chỗ là bức tường phía đông thành nhỏ cũng chính là một phần bức tường phía tây thành lớn nối thêm một đoạn nữa. Tại khu thành nhỏ này, người ta không tìm thấy dấu vết bức tường ở phía bắc và nó lấy sông Kôn làm hào để tạo thành lá chắn bảo vệ thành. Chính điều này cho thấy khu thành nhỏ được người đời xưa bố trí như một tiền đồn của khu thành lớn, là tuyến giao thông đường thủy rất quan trọng. Thành Cha là toà thành còn có nhiều tên gọi khác trong dân gian như thành Hời, thành Hồ Xứ, thành Bắc, thành Cừ … nhưng tên gọi thông dụng nhất là thành Cha. Toà thành lớn nằm về phía Đông. Tường thành mặt Bắc chạy theo hướng Tây-Đông, dài 947m, mặt rộng 3 đến 5m, chiều cao hiện còn khoảng 1m. Ở vị trí chính giữa tường thành nổi lên một gò đất cao 8m, thoải dần về hai phái mặt thành, có tên gọi là gò Cột Cờ. Bức tường phía Nam có chiều dài tương tự, nhưng đã bị bào mòn, chỉ còn cao hơn mặt đất một chút. Phần di tích còn rõ nhất là hai bức tường phía Đông và phía Tây. Tường phía Đông chạy theo hướng Bắc-Nam, dài 345m với chiều cao trung bình 4m, mặt thành rộng tới trên 30m. Bức tường phía Tây có độ dài và chiều cao tương tự, nhưng bề mặt hẹp hơn, khoảng 7 đến 10m. Góc Tây Bắc của toà thành lớn được vây kín bởi hai đoạn tường thành, một chạy từ gò Cột Cờ xuống phía Nam dài 240m và một đoạn vuông góc với nó chạy sang phía Tây, nối với bức tường phía Tây của thành lớn tạo thành một khuôn viên hình chữ nhật. Chính giữa khuôn viên này có một gò gạch lớn, dấu tích còn lại của một công trình kiến trúc đã bị sập đổ. Thành hình chữ nhật nhỏ hơn nằm kề phía Tây Bắc thành lớn có chiều dài 440m, chiều rộng 134m. Di tích Thành Cha được Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia vào ngày 27 tháng 11 năm 2003. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Bình Định 1174 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Lăng Mai Xuân Thưởng

Mai Xuân Thưởng là người lãnh đạo phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX ở Bình Định. Mai Xuân Thưởng sinh năm Canh Thân 1860, mất năm Đinh Hợi 1887 người thôn Phú Lạc, tổng Phú phong, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định (nay là thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Cha là Mai Xuân Tín làm Bố chánh ở Cao Bằng, mẹ là Huỳnh Thị Nguyệt con của một nhà quyền quý trong làng. Mai Xuân Thưởng vốn là người thông minh, ham học. Năm 18 tuổi (1878) ông đỗ Tú tài tại Trường thi Bình Định. năm 25 tuổi (1885) thi đỗ cử nhân. Hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi, Mai Xuân Thưởng về quê Phú Lạc, chiêu mộ nghĩa binh, lập căn cứ ở hòn Sưng dựng cờ cần vương chống Pháp, sau đó Mai Xuân Thưởng đã đem lực lượng của mình gia nhập vào nghĩa quân do Đào Doãn Địch lãnh đạo và được Đào Doãn Địch phong giữ chức Tán lương quân vụ (phụ trách về lương thực của nghĩa quân). Kể từ đó cho đến năm 1887, phong trào cần vương ở Bình Định phát triển mạnh mẽ và lan ra đến Quảng Ngãi, Phú Yên...thu hút hàng chục ngàn người thuộc mọi tầng lớp tham gia. Ngày 20/9/1885 Đào Doãn Địch mất, giao toàn bộ lực lượng cho Mai Xuân Thưởng. Ông chọn vùng núi Lộc Đổng (nay thuộc xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) làm đại bản doanh và tổ chức lễ tế cờ , truyền hịch kêu gọi sỹ phu, văn thân, nhân dân tham gia phong trào cần Vương chống Pháp. Trong buổi lễ ấy, nghĩa quân nhiều vùng trong tỉnh Bình Định đã nhất trí suy tôn ông làm Nguyên soái lãnh đạo cuộc khởi nghĩa và nêu cao khẩu hiệu: “Tiền sát tả, hậu đả Tây”. Đầu năm 1887, quân Pháp dưới sự chỉ huy của Trung tá Cherrean và quân triều đình do Trần Bá Lộc chỉ huy cùng với Công sứ Trira đã mở cuộc tấn công lớn lên căn cứ đại bản doanh của phong trào Cần Vương Bình Định, trận giao chiến giữa lực lượng nghĩa quân với giặc Pháp diễn ra vô cùng ác liệt, cuộc chiến đấu không cân sức, cuối cùng lực lượng khởi nghĩa bị đẩy lùi. Tháng 3 năm 1887, sau trận ác chiến ở Bàu Sấu (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), Mai Xuân Thưởng bị thương nặng, nghĩa quân rút về Mật khu Linh Ðổng. Ngày 21 tháng 4 năm 1887, Trần Bá Lộc bao vây đánh chiếm căn cứ mật khu Linh Đổng và bắt được một số nghĩa quân, trong đó có thân mẫu Mai Nguyên Soái. Đêm 30 tháng 4 năm 1887, Mai Xuân Thưởng đã cử một đội quân cảm tử đột nhập doanh trại Trần Bá Lộc, giải vây cho những người bị bắt, ông cùng đoàn thuộc hạ gồm 50 người vượt núi vào Phú Yên, tiếp tục kháng chiến, nhưng khi đến đèo Phú Quý (ranh giới giữa Bình Định và Phú Yên) thị bị phục binh Trần Bá Lộc bắt và đưa ra xử trảm tại Gò Chàm (Phía đông Thành Bình Định). Di tích Lăng mộ nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng tọa lạc trên ngọn đồi cao của dãy núi Ngang (thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cách thành phố Quy Nhơn khoảng 50km về hướng Tây Bắc; Lăng mộ được xây dựng trên khu đất rộng 1988m2, khánh thành ngày 22 tháng 1 năm 1961.Về tổng thể, Lăng được thiết kế theo kiểu lăng mộ cổ, xung quanh có thành thấp bao bọc. Cổng Lăng (tam quan) là 4 trụ vuông, phía trên thắt lại theo kiểu bầu lọ mang dáng dấp kiến trúc cổng đình, miếu cuối thế kỷ XIX. Giữa nhà Lăng là mộ phần Mai Xuân Thưởng hình khối chữ nhật theo hướng Đông - Tây; Phía đầu mộ dựng tấm Bia đá khắc bài ký ghi tiểu sử và sự nghiệp của Mai Xuân Thưởng: Di tích được Bộ Văn hóa Thông tin quyết định xếp hạng cấp Quốc Gia ngày 20 tháng 4 năm 1995. Nguồn: UBND Huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định

Bình Định 2760 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử Gò Lăng

Di tích Gò lăng thuộc địa phận thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Nơi đây, với dấu tích còn lại là khu vườn và nền nhà cũ, quê hương bà Nguyễn Thị Đồng mẹ của Tây Sơn tam kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, những thủ lĩnh kiệt xuất của phong trào nông dân Tây Sơn vào thế kỷ XVIII. Di tích được xếp hạng cấp Quốc gia 16/ 11/ 1988. Di tích Gò Lăng có nhiều sự kiện liên quan đến Tây Sơn tam kiệt trong buổi đầu thu phục nhân tâm, xây dựng cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, đó là những truyền thuyết, các câu chuyện truyền miệng mà người dân địa phương thường kể cho nhau nghe bao đời nay mặc cho sự trả thù của triều Nguyễn và chiến tranh tàn phá... Câu chuyện "Nguyễn Nhạc Vi Vương". Chuyện kể rằng: : "Vào một đêm khuya, nhân ngày giỗ tại nhà ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng ở Gò Lăng, lúc xong việc mọi người chào nhau ra về thì ai cũng sửng sốt khi nghe tiếng chiêng, tiếng trống nổi lên từ phía Hòn Sưng, thâm nghiêm, bí ẩn mà điều này xưa nay chưa từng có. Mọi người dừng lại thì thấy ánh sáng kỳ diệu tỏa sáng một vùng trên núi. Họ khích lệ nhau lên tận nơi xem cho ra lẽ. Đến nơi phát sáng, trong lúc đang ngập ngừng ngần ngại chưa ai dám tiến lên, thì từ vầng sáng bỗng xuất hiện một ông lão mặt đỏ, râu dài trắng như cước, đầu đội mũ cánh chuồn bước ra nói lớn: trong các ngươi có ai là Nguyễn Nhạc không? Ta vâng mệnh Ngọc Hoàng hạ giới lần này để ban sắc lệnh cho Nguyễn Nhạc vi vương. Khi Nguyễn Nhạc tiến lên, mọi người cuối đầu kính cẩn thì ông lão biến mất". Hay câu chuyện : anh em Tây Sơn mỗi lần về quê ngoại thường buộc ngựa tại cây bồ đề cao to cạnh nhà ông bà Hồ Phi Phúc, nên dân trong vùng có câu: "Nhong nhong ngựa Ông lại về, Cắt cỏ bồ đề cho ngựa Ông ăn". Sau khi nhà Tây Sơn mất, triều Nguyễn Gia Long thực hiện chính sách trả thù rất gay gắt, nhà cũ của ông bà Hồ Phi Phúc tại di tích đã bị san bằng và trở thành mảnh đất trống không, chỉ còn vết tích nền nhà, đá tảng kê cột vuông vức có khắc hoa văn hình hoa thị với kích cỡ mỗi bề 0,4m và nhiều mảnh gốm sứ của bát đĩa vỡ ; trên mảnh vườn cũ còn có một số cây cổ thụ: Thị, Thiên tuế… Dưới triều Nguyễn, nhân dân Phú Lạc luôn tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền hiền, những người anh hùng của quê hương, họ đã xây dựng miếu thờ Sơn Quân (Thần Núi) gọi là miếu Cây Thị, có người gọi miếu thờ ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng tại khuôn vườn cũ của Họ và bí mật thờ cúng ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng, Tây Sơn tam kiệt (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ) vào ngày 14/11 Âm Lịch hàng năm tại Đình làng Phú Lạc, gọi là ngày cúng Thường tân( tết cơm mới) với hình thức tưởng niệm hương hoa và mật cáo. Năm 1999 chính quyền địa phương xây Đền thờ trên nền nhà cũ của di tích để thờ ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng và dòng họ nội, ngoại cùng những tiền hiền có công khai ấp lập làng, và tam kiệt Tây Sơn; Nguồn: UBND Huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định

Bình Định 1613 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

GÒ ĐÁ ĐEN

Gò Đá Đen là một địa điểm luyện tập và xuất binh của nghĩa quân Tây Sơn, trước kia thuộc địa phận thôn Kiên Mỹ ấp Kiên Thành phủ Quy Nhơn, nay thuộc địa phận khối 1 thị trấn Phú Phong huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định. Ngày 16.11.1988, Bộ VH-TT&DL đã ban hành quyết định công nhận Gò Đá Đen là di tích lịch sử - văn hóa. Kiên Mỹ không chỉ là nơi gắn bó với các lãnh tụ Tây Sơn từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành mà còn là một trong những căn cứ buổi đầu của phong trào Tây Sơn. Năm 1771 sau một thời gian chuẩn bị lực lượng, Nguyễn Nhạc cùng Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa ở Tây Sơn Thượng đạo. Năm 1773, từ Thượng đạo nghĩa quân tiến xuống giải phóng vùng Tây Sơn hạ đạo và đóng chỉ huy sở ở ấp Kiên Thành mà trung tâm là thôn Kiên Mỹ. Đây là một quyết định sáng suốt, nhất là trong những ngày đầu khi cuộc khởi nghĩa mới được phát động, lực lượng còn chưa mạnh. Một mặt vì đây là mảnh đất quê hương của các lãnh tụ nghĩa quân, nhưng mặt khác, cũng rất quan trọng, là vị trí thuận lợi của Kiên Mỹ. Nằm dưới chân đèo An Khê bên tả ngạn sông Kôn, Kiên Mỹ là một đầu mối giao thông thủy bộ thuận tiện. Từ Kiên Mỹ có thể theo đường bộ qua An Khê, theo đường thủy ngược sông lên vùng đồng bào Thượng, hoặc xuôi xuống vùng đồng bằng, ra đến ven biển. Sau một thời gian ngắn củng cố thêm lực lượng, từ ấp Kiên Thành nghĩa quân tiến xuống đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn, tạo nên một bước ngoặt trong toàn bộ tiến trình phát triển của cuộc khởi nghĩa. Thôn Kiên Mỹ - ấp Kiên Thành, với tư cách là đại bản doanh, điểm xuất phát của nghĩa quân tiến xuống giải phóng vùng đồng bằng, có một vị trí hết sức quan trọng. Trên đất Kiên Mỹ nay vẫn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử gắn bó với các lãnh tụ Tây Sơn cũng như đối với cả phong trào Tây Sơn. Ngoài cây me cổ thụ, giếng nước xưa, Bến Trường Trầu còn có Vườn Dinh, vi Tập Binh, vi Cấm Cố, gò Đá Đen, gò Cứt Cu là những địa danh phản ánh sở chỉ huy và doanh trại của nghĩa quân. Gò Đá Đen là một bãi đất cao và rộng. Đây vốn là một khu rừng hoang có diện tích ước khoảng 5 ha chạy dài từ Phú Lạc đến giáp Bầu Đáo. Giữa gò nổi lên một tảng đá rất lớn có màu đen nhánh, vì thế mà nhân dân gọi gò này là gò Đá Đen. Thời gian, chiến tranh, sự trả thù của nhà Nguyễn, cũng một phần vì nghĩa quân dừng lại ở đây không lâu, nên nay những dấu tích gắn với hoạt động của nghĩa quân, ngoài những địa danh được ký ức dân gian lưu giữ, hầu như không còn gì. Khu vực bãi đất gò Đá Đen bị thu hẹp chỉ còn 2 ha, do nhân dân đào đất đóng gạch, lấy đá xây nhà. Tảng đá đen lớn cũng đã bị ghè đẽo nham nhở. Nguồn: UBND Huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định

Bình Định 1649 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Bến Trường Trầu

Bến Trường Trầu là bến buôn bán trầu lớn bên bờ sông Côn xưa, thuộc xóm Trầu, thôn Kiên Mỹ, cách đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt khoảng 200m. Trầu cau là sản phẩm nổi tiếng của cả hai vùng Tây Sơn thượng đạo và hạ đạo, đặc biệt là loại trầu nguồn do đồng bào Thượng trồng trên Tây Nguyên. Bến Trường Trầu trở thành nơi trung chuyển, quan hệ trao đổi buôn bán giữa miền núi và đồng bằng, ngoài trầu cau còn có nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Gia đình ông Hồ Phi Phúc khi còn cư trú ở quê vợ - làng Phú Lạc, ngoài nghề nông còn tham gia buôn bán trao đổi với miền xuôi, miền ngược, nhờ vậy trở nên giàu có. Đến đời các con ông cũng tiếp nối sự nghiệp của cha, duy trì và mở rộng việc buôn bán, trao đổi. Bến Trường Trầu với việc giao lưu buôn bán, đã có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp khởi nghĩa của ba anh em Tây Sơn, đặc biệt là Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc thường qua lại vùng Tây Sơn thượng đạo, có quan hệ mật thiết với các dân tộc ít người ở Tây Nguyên, giao lưu buôn bán với các chợ, bến, thị tứ vùng đồng bằng. Điều này giúp cho ông mở rộng tầm nhìn, thấu hiểu nỗi thống khổ của các tầng lớp nhân dân, từ đó dễ dàng vận động, liên kết các lực lượng tham gia khởi nghĩa. Sau quá trình chuẩn bị ở Tây Sơn thượng đạo, nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Nhạc đã mở cuộc hành quân quy mô lớn tiến xuống giải phóng Tây Sơn hạ đạo, giải phóng phủ Quy Nhơn, đặt nền móng vững chắc cho những thắng lợi tiếp theo của phong trào. Trong thành quả đó, Bến Trường Trầu, một đầu mối quan trọng, nơi kết nối thông tin, liên lạc thư từ của nghĩa quân trong những ngày đầu chuẩn bị khởi nghĩa, cho đến khi đạt đến đỉnh cao. Tương truyền, cạnh Bến Trường Trầu xưa, Nguyễn Nhạc có dựng một ngôi nhà để chứa trầu và làm quán trọ cho khách buôn trầu. Vì vậy, nhân dân Kiên Mỹ, cũng như nhiều vùng xung quanh đều biết đến Nguyễn Nhạc với cái tên là anh Hai Trầu. Sau khi nhà Tây Sơn mất, nhân dân Kiên Mỹ có dựng trên nền nhà xưa ngôi miếu thờ ba anh em Tây Sơn, gọi là miếu Vĩnh Thọ (còn gọi là miếu Cây Gòn vì nơi đây có cây gòn to). Về sau, thực dân Pháp dùng làm kho chứa lương thực, rồi phá hủy. Đến năm 1963, có ba vị khất sĩ người Nam Bộ cùng nhân dân địa phương xây dựng một ngôi chùa nhỏ lợp tranh (trên nền miếu cũ), năm 1967, mới xây bằng gạch gọi là Tịnh xá Ngọc Bình. Bến Trường Trầu nay đã bị bồi lấp, chỉ còn là một bãi cát ven sông, không còn cảnh thuyền ghe tấp nập cùng không khí hối hả chuẩn bị cho một sự nghiệp lớn, nhưng “Cây me cũ, Bến Trầu xưa…” đã đi vào lịch sử, mãi còn vang vọng về một thời oanh liệt. Nguồn: UBND Huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định

Bình Định 1443 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt

Khu di tích Đền thờ Tây Sơn tam kiệt gồm 2 di tích: Điện Tây Sơn và Địa điểm bến Trường Trầu, thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. gắn liền với tên tuổi của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, lãnh tụ của phong trào Tây Sơn, triều đại Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII; được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt ngày 31/12/2014). Các nguồn sử liệu cho biết, tổ tiên Nhà Tây Sơn vốn họ Hồ ở huyện Hưng Nguyên Nghệ An. Đến an trí ở ấp Tây Sơn nhất thuộc Quy Ninh. Cha của Nguyễn Nhạc là ông Hồ Phi Phúc và vợ là bà Nguyễn Thị Đồng đã chuyển về làng Kiên Mỹ (nay là khối 1, Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định) sinh sống để tiện buôn bán. Làng Kiên Mỹ cũng là nơi hội tụ các nghĩa sĩ và là căn cứ đầu tiên của phong trào nông dân ở vùng Tây Sơn hạ đạo. Nguyễn Nhạc cùng 2 em là Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn để đưa Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng Đế. Sau khi triều đại Tây Sơn sụp đổ, nhà của gia đình ông bà Hồ Phi Phúc tại làng Kiên Mỹ bị đốt cháy, san bằng. Thời gian sau đó, ngay trên nền nhà cũ, Nhân dân địa phương đã góp công, góp của xây dựng một ngôi đình cao to, bề thế để bí mật thờ Tây Sơn tam kiệt, lấy tên là đình làng Kiên Mỹ. Năm 1946, đình bị cháy, đến năm 1958 - 1960, Nhân dân Bình Khê một lần nữa lại xây dựng một đền thờ mới lấy tên là Điện Tây Sơn, chính thức thờ cúng ba anh em nhà Tây Sơn và tổ chức lễ hội kỷ niệm hằng năm. Tây Sơn Điện được kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, móng xây đá chẻ, vách xây gạch đặc, mái lợp ngói đúc bằng xi măng, diện tích trên 100m2. Điện thờ chính có ba gian, chính giữa thờ Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, bên phải thờ Thái đức Hoàng Đế - Nguyễn Nhạc, bên trái thờ Đông Định Vương - Nguyễn Lữ, tả hữu điện thờ các quan văn võ và tổ tiên dòng họ nhà Tây Sơn, hai đầu hồi có giá chiêng, trống để phục vụ tế lễ. Năm 1998, Nhà nước có xây dựng mở rộng Điện Tây Sơn, Điện thờ xây dựng lại với kiến trúc cổ, khá quy mô và hoành tráng, diện tích gấp ba lần so với Điện thờ cũ, chất liệu bằng bê tông cốt thép, tái hiện các hàng cột to, trính cấu như đình xưa, mái đúc bê tông, dán ngói vảy mũi hài. Trước chính Điện có nhà dẫn như Điện thờ cũ, hai bên có hai hàng cột to và trang trí rồng mây quấn quanh cột rất uy nghi. Trước nhà dẫn đặt tấm bia bằng đá granite màu đỏ, ghi tóm tắt nội dung lịch sử Điện thờ. Cổng Điện giữ nguyên như cũ. Di tích Giếng nước được tôn tạo nhà che hình lục giác, mái bê tông dán ngói vảy, xung quanh cây Me cũng được tôn tạo khang trang hơn trước. Năm 2004 có đưa về 9 tượng thờ bằng gốm sứ, bên ngoài có dát vàng thật, đặt thờ trong nội điện. Hậu điện có 3 án, ở giữa là án thờ Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ; bên phải là án thờ Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc; bên trái là án thờ Đông Định Vương - Nguyễn Lữ. Sau các án thờ là bức hoành lớn bằng gỗ có chạm trổ rồng, hoa văn và sơn son thếp vàng. Phía trước, hai bên đầu của ba án thờ có đặt hai giá gỗ để bát bộ binh khí. Hai phía Đông, Tây trong nội Điện đặt các án thờ văn thần võ tướng thời Tây Sơn. Điện Tây Sơn dù đã trải qua thăng trầm theo năm tháng, nhưng được Nhân dân địa phương bao thế hệ gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của vị Anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước. Nguồn: Sở Văn Hóa Và Thể Thao Tỉnh Bình Định

Bình Định 1812 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Di tích lịch sử mộ tập thể liệt sĩ sư đoàn Sao Vàng

Di tích là một ngôi mộ tập thể tại khu vực Tây Phương Danh, phường Đập đá, thị xã An Nhơn, là nơi yên nghỉ của 153 chiến sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn Sao Vàng hy sinh trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Mở màn chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, trên địa bàn An Nhơn, từ ngày 25/12/1967 đến ngày 17/01/1968, bộ đội tỉnh, huyện cùng lực lượng du kích phối hợp tấn công địch nhiều nơi gây cho chúng nhiều thiệt hại. Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn Sao Vàng thuộc Quân Khu 5 được giao nhiệm vụ đánh địch ở các địa bàn áp sát tỉnh lỵ, thu hút địch về nông thôn để quân giải phóng tiến công vào thị xã Quy Nhơn. Sau khi tấn công vào trung tâm huấn luyện Phù Cát ngày 19/01/1968, Tiểu đoàn đã tiêu diệt địch giữ cầu Xita – Nhơn Hưng trên Quốc lộ 1. Lo sợ mất Đập Đá, chi khu quận lỵ An Nhơn và Quy Nhơn sẽ bị uy hiếp, địch đã điều về đây 1 trung đoàn lính Nam Triều Tiên, 4 đại đội bảo an, 32 xe tăng, xe bọc thép bao vây Tiểu đoàn 6 và dùng phi pháo để phản kích. Với ưu thế vượt trội về quân sự và vũ khí, địch lùa dân ra ngoài, ra sức bao vây và cô lập các chiến sĩ Tiểu đoàn 6 trong khu vực Tây Phương Danh để tiêu diệt. Đơn vị đã chiến đấu dũng cảm với địch suốt 5 ngày đêm, từ ngày 20/01/1968 đến ngày 24/01/1968 cho đến khi không còn đạn, các chiến sĩ dùng cuốc, xẻng, lưỡi lê xông lên đánh giáp lá cà với quân thù và hy sinh anh dũng. Cảm phục tinh thần chiến đấu ngoan cường, quả cảm và sự hy sinh bất khuất của các chiến sĩ Tiểu đoàn 6, Nhân dân bất chấp nguy hiểm đã đưa 153 thi thể chiến sĩ mai táng chung mộ tập thể tại vùng Tây Phương Danh – Đập Đá trong niềm tiếc thương vô hạn. Nhân dân quanh vùng gọi đó là Mả Tổ. Mộ tập thể chiến sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn Sao Vàng được UBND tỉnh xếp hạng di tích cách mạng cấp tỉnh vào ngày 20/10/2003. Năm 2016, Mộ tập thể chiến sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn Sao Vàng được đầu tư tôn tạo nhiều hạng mục: xây dựng Nhà hương khói, khắc đá bia mộ, ốp đá granite toàn bộ thân mộ, làm sân vườn tạo cảnh quan sạch đẹp, thể hiện tình cảm thân thương của Nhân dân đối với thân nhân các liệt sĩ miền Bắc đã chiến đấu và hi sinh vì miền Nam ruột thịt. Bảo tàng tỉnh Bình Định đang lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch nâng hạng lên cấp quốc gia cho tương xứng với giá trị lịch sử của di tích này. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bình Định

Bình Định 1823 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Lò gốm cổ Gò Sành

Gò Sành hay xóm Sành là tên gọi của một xóm nhỏ thuộc thôn Phụ Quang, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn. Người dân Phụ Quang kể rằng, trong khi đào đất xây dựng hoặc canh tác họ thường gặp những vùng đất ken dày những mảnh gốm sứ với nhiều loại hình như bát, đĩa, cốc còn nguyên vẹn. Vào khoảng những năm 70, đồ gốm Gò Sành đã theo chân giới buôn bán đồ cổ đi đến nhiều vùng và gây được sự chú ý của những nhà nghiên cứu gốm cổ Việt Nam và thế giới. Tháng 3 năm 1974 một đoàn khảo cổ học từ Sài Gòn đã đến Phụ Quang để tìm hiểu nghiên cứu. Tuy chưa có cuộc khai quật nào tại Gò Sành nhưng họ đã đưa ra giả thuyết về chủ nhân những đồ gốm Gò Sành là người Chăm. Từ những thông tin trên, Viện khảo cổ học Hà Nội, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã hoạch định một chương trình nghiên cứu lâu dài tại Gò Sành và toàn bộ di tích gốm cổ trên đất Bình Định. Cho đến trước năm 2000 đã có 4 cuộc khai quật được tiến hành liên tục tại khu di tích này. Các khu lò gốm Bình Định tính đến nay có 5 nhóm. Ở thị xã An Nhơn có Gò Sành, Gò Cây Ké, Gò Hời. Tất cả các khu di tích này đều nằm dọc hai bờ sông Kôn chảy vào vịnh Thị Nại (cảng Quy Nhơn ngày nay) - một vị trí thuận lợi để vận chuyển bằng đường thủy. Những cuộc khai quật khảo cổ tại Gò Sành được thực hiện vào các năm 1991, 1992, 1993. Đến năm 1994 bên cạnh các nhà khoa học Việt Nam, có thêm sự hợp tác của các học giả Nhật Bản. Trong số các di chỉ lò đã được xác định ở 5 vị trí thuộc phạm vi vùng Vijaya trước đây, lò số 1, số 2 và 3 ở Gò Sành. Lò số 1: Có tên là lò Cây Quăng. Hiện lò còn khá nguyên vẹn, từ tường lò, nền lò và sản phẩm nung cuối cùng của lò này. Lò có dạng hình ống có tổng chiều dài 14m. Buồng lò hình chữ nhật, mở rộng dần về phía cuối, đo được 1,6m; chiều rộng ở phía trước đó được 2,8m; ở phía sau và chiều dài thêm 10m. Ở một bên tường lò chứa một cửa để vào xếp và dỡ sản phẩm. Lò số 2: Có tên là lò Cây Mận (Cây Roi). Khu lò nằm ở phía Nam của Gò Sành. Về kỹ thuật giống như lò số 1 (lò Cây Quăng), tường lò cũng xây bằng những bao nung lèn đất và cách sắp xếp cột chia lửa trong bầu đốt cũng tương tự như vậy. Lò số 3: Nằm dưới lò số 2. Theo đánh giá của giới nghiên cứu, đây là lò có niên đại xây dựng sớm nhất. Tường lò số 3 không làm bằng vật liệu bao nung mà hoàn toàn bằng đất. Lò rộng 1,2m chỗ gần bầu đốt, 1,7m ở phía sau. Chiều dài thân lò 5,3m. Hiện nay, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định thu thập và lưu giữ một bộ sưu tập khá phong phú các sản phẩm gốm Gò Sành. Sản phẩm sành sứ chủ yếu được sản xuất tại đây bao gồm các loại bát, đĩa, chậu tráng men, ngói không men và vật trang trí kiến trúc. Những chiếc bát đĩa tráng men Celadon và bình hũ tráng men nâu thể hiện đặc điểm tương tự với sản phẩm các lò Phúc Kiến (Trung Quốc) Những thông tin gần đây cho biết, gốm Gò Sành Bình Định sản xuất ra không chỉ để phục vụ tại chỗ mà còn tham gia vào thị trường xuất khẩu sang các nước trong khu vực Đông Nam Á và xa hơn là Ai Cập. Trong số những hiện vật tìm thấy trên con tàu đắm ở quần đảo Calatagan ngoài khơi đảo Pantanan thuộc Philipphines có tới hàng ngàn đồ gốm Gò Sành. Có một số chuyên gia Việt Nam cho rằng khởi điểm của việc sản xuất gốm Bình Định có thể bắt đầu từ cuối thế kỷ 13 đến thế kỷ 14, chậm lắm là đến thế kỷ 16. Chủ nhân của những lò gốm Gò Sành và các khu lò gốm cổ khác ở Bình Định không ai khác ngoài người Chămpa cổ. Khu di tích khảo cổ lò gốm Gò Sành đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Ủy Ban Nhân Dân Thị Xã An Nhơn

Bình Định 1432 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Thập Tháp

Chùa Thập Tháp Di Đà tọa lạc ở thôn Vạn Thuận, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tên chùa “Thập Tháp” là nguyên trước đây trên khu đồi này có 10 ngôi tháp Chăm, sau bị sụp đổ. Tên “Di Đà” là danh hiệu đức Phật giáo chủ cõi Cực lạc. Di Đà cũng có nghĩa là lý tánh, bản giác của chúng sinh. Tập hợp các ý nghĩa trên, tổ đình mang tên Thập Tháp Di Đà Tự. Chùa tổ đình Thập Tháp Di Đà gắn với tên tuổi vị khai sơn là Thiền sư Nguyên Thiều. Nhiều tư liệu ngày nay cho biết Ngài họ Tạ, tự là Hoán Bích, người huyện Trình Hương, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ngài sinh năm Mậu Tý (1648), năm 19 tuổi xuất gia ở chùa Báo Tự. Năm 1677, Ngài theo thuyền buôn của người Trung Quốc đến phủ Quy Ninh, nay thuộc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 28 km, dựng thảo am thờ Phật A Di Đà. Năm 1683, chùa đã dùng gạch đá của 10 ngôi tháp đổ dựng lên ngôi chùa. Chùa đã trải qua 16 đời truyền thừa với nhiều vị thiền sư danh tiếng như: Thiền sư Liễu Triệt, Thiền sư Minh Lý, Thiền sư Phước Huệ … Thiền sư Phước Huệ đã được tôn làm Quốc sư. Ngài đã được mời vào giảng kinh trong hoàng cung nhà Nguyễn từ đời vua Thành Thái đến vua Bảo Đại, và giảng dạy Phật pháp ở Phật học đường Trúc Lâm và Tây Thiên (Huế) từ năm 1935. Từ ngoài vào, đi dọc theo hồ sen đến cổng chùa, đó là hai trụ biểu vuông cao, trên đặt hai tượng sư tử ngồi uy nghi, nối một vòng cung, phía trên có gắn hai chữ “Thập Tháp”. Sau cổng là tấm bình phong, mặt đắp nổi long mã phù đồ đặt trên bệ chân quỳ. Ngôi chánh điện do Thiền sư Liễu Triệt cho trùng kiến vào năm 1749. Ngôi chánh điện ngày nay mái thẳng, lợp ngói âm dương, trên nóc có lưỡng long tranh châu. Phật điện được bài trí tôn nghiêm, chính giữa thờ tượng Tam Thế Phật, Chuẩn Đề, Ca Diếp, A Nan; khám thờ Bồ tát Quan Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng đặt hai gian hai bên điện Phật; hai vách tả hữu đặt tượng Thập Bát La Lán, tượng Thập Điện Minh Vương, Hộ Pháp, Tổ sư Đạt Ma và Tổ sư Tì Ni Đa Lưu Chi. Hầu hết các tượng thờ đều được tạc vào thời Thiền sư Minh Lý trụ trì (1871-1889). Chùa đã được chúa Nguyễn Phúc Chu ban tấm biển “Sắc Tứ Thập Tháp Di Đà Tự” treo giữa cửa chính ngôi chánh điện, Hòa thượng Mật Hoằng trùng khắc lại năm 1821. Đại hồng chung (đúc năm 1893) và trống lớn được đặt ở hai đầu hành lang. Phía sau chánh điện có tấm bia ghi bài minh Sắc tứ Thập Tháp Di Đà Tự bi minh do cư sĩ Dương Thanh Tu biên soạn, Hòa thượng Minh Lý lập năm 1876. Nhà phương trượng nằm sau ngôi chánh điện do Quốc sư Phước Huệ cho xây vào năm 1924. Nhà Tổ ở phía Nam, nối ngôi chánh điện và nhà phương trượng, thờ Tổ khai sơn Nguyên Thiều và chư vị trụ trì, chư Tăng quá cố và chư Phật tử quá vãng. Đối diện nhà Tổ là giảng đường, ở đây có bảng gỗ ghi bài “Thập Tháp Tự Chí” do Thị giảng Học sĩ phủ An Nhơn Võ Khắc Triển soạn năm 1928, ghi lại lịch sử khai sáng, quá trình xây dựng và truyền thừa của ngôi tổ đình Thập Tháp. Đặc biệt, Báo Bình Định cho biết, chùa còn lưu giữ 2.000 bản khắc gỗ dùng in kinh Di Đà sớ sao, Kim Cang trực sớ, Pháp Hoa khóa chú … Bộ Đại Tạng Kinh do Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ cúng dường còn 1.200 quyển kinh, luật, luận và ngữ lục. Chùa còn lưu giữ bộ Đại Tạng Kinh Cao Ly và bộ Đại Tạng Kinh Đài Loan. Vườn tháp Tổ nằm ở phía Bắc với 20 ngôi tháp cổ kính an trí nhục thân của các vị trụ trì và chư tôn túc trong chùa. Sau chùa, còn có tháp Bạch Hổ và tháp Hội Đồng Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Chùa Thập Tháp Di Đà là ngôi tổ đình danh tiếng vào bậc nhất ở miền Trung. Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Ủy Ban Nhân Dân Thị Xã An Nhơn

Bình Định 1481 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Tháp Cánh Tiên

Tháp Cánh Tiên toạ lạc trên đỉnh gò không cao lắm ở trung tâm thành Đồ Bàn, cố đô xưa của vương quốc Champa thuộc thôn Nam An, thị xã An Nhơn. Trong sách Đại Nam nhất thống chí có chép: “An Nam cổ tháp ở thôn Nam An, huyện Tường Vân, trong thành Đồ bàn, tục gọi là tháp Cánh Tiên. Từ vai tháp trở lên, bốn phía đều giống như cánh tiên nên gọi tên ấy”. Còn các nhà nghiên cứu Pháp theo cách mệnh danh riêng gọi đó là Tour de Cuvre (Tháp Đồng). Tháp là loại hình kiến trúc phổ biến của văn hoá Champa. Trong tiếng Chăm có một từ chỉ chung cho loại hình kiến trúc này là Kalan (đền thờ). Chức năng chủ yếu của Kalan, như ý nghĩa của từ, là phục vụ đời sống tâm linh và các lễ nghi tôn giáo. Tuy nhiên kiến trúc tháp mang đậm tính nghệ thuật, là những tác phẩm mà các nghệ nhân thể hiện tài năng và trí sáng tạo của mình nên ít chịu sự gò ép của lễ nghi tôn giáo. Trong số ấy, Cánh Tiên là một ngôi tháp đẹp, được tạo dáng độc đáo, thanh thoát với bố cục hết sức hợp lí. Để tháp xây cao, bề thế trên một bình diện gần vuông, mỗi bề dài khoảng gần 10m với các đường giật cấp so le. Toàn tháp cao khoảng 20m, bốn mặt quanh thân tháp đều trang trí các cột trụ ốp tường, nhô ra theo một tỉ lệ hài hoà với tổng thể kiến trúc. Các góc thân tháp được bó bằng các khối đá có kích thước lớn nên khá vững chắc. Về hình thức tháp có 4 cửa vòm nhọn vút lên mở ra 4 hướng, nhưng chỉ có cửa chính hướng đông là ăn thông với lòng tháp, còn lại là 3 cửa giả. Bộ diềm hơi nhô ra tạo thành bộ đỡ cho các tháp góc bên trên. Các hình chặm khắc chủ yếu tập trung trên bộ mái. Với bốn tầng hiện còn, tầng nào cũng có 4 tháp góc trang trí, mỗi góc lại có những tầng nhỏ, tạo dáng lá lật nhỏ dần về phía trên tạo cảm giác như những chú chim đang bay. Có lẽ chính do dáng vẻ này mà người đời thả trí tưởng tượng, gắn với hình tượng thần tiên mà đặt tên cho tháp là Cánh Tiên. Những tảng đá chạm khắc hình đuôi phụng gắn trên các tầng tháp giả và hình Makara, một loài thuỷ quái trong thần thoại Ấn Độ với nanh nhọn, vòi dài, trang trí ở các góc đầu tường đã tạo cho tháp Cánh Tiên một vẻ đẹp sang trong, huyền bí. Khác với nhiều tháp Chàm, trang trí tháp Cánh Tiên cầu kì đến độ hoàn mỹ. Từ hệ thống vòm cửa đến dải hoa văn hình xoắn xếp lớp đối xứng nhau uyển chuyển đến các khối đá ốp cạnh được chạm khắc tinh tế tạo thành những hoa văn nối kết đều toát lên vẻ đẹp vừa thanh thoát, trang nhã, vừa uy nghi, bề thế. Cũng có thể do vẻ đẹp duyên dáng mà tháp còn có tên dân gian là tháp Con Gái. Theo các thư tịch cổ, thành Đồ Bàn do vua Chiêm Thành Ngô Nhật Hoan xây từ thế kỷ thứ X, còn tháp Cánh Tiên được xây dựng vào thế kỷ thứ XII, dưới đời vua Chế Mân (Jaya Sinbavarman III). Phải chăng, đây là ngôi tháp Chế Mân dành tặng hoàng hậu Paramecvari tức Huyền Trân công chúa, người con gái Việt cao quý đã đặt quyền lợi lên trên hết, cùng ông kết mối lương duyên lịch sử. Tương truyền, trước khi rời Đại Việt, nàng công chúa lá ngọc cành vàng của triều Trần đã học nhuần nhuyễn mọi nghi thức cung đình lẫn sinh hoạt dân gian Chiêm quốc. Đi làm dâu xa xứ, nàng được thần dân yêu quý và kính trọng vì vị hoàng hậu người Việt này không những nói thạo tiếng Chiêm Thành, biết múa hát các điệu dân ca dân vũ Chiêm Thành, mà còn chịu khó truyền dạy các cung nữ và thần dân quê chồng dệt vải, trồng lúa, thêu thùa, may vá. Tưởng không quá khi nói rằng : Cưới Huyền Trân, sính lễ của Chế Mân là hai châu Ô – Lý, còn tháp Cánh Tiên là sính lễ tình yêu mà ông dành tặng cho nàng, như một lời công nhận thiêng liêng thần dân trăm họ. Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Ủy Ban Nhân Dân Thị Xã An Nhơn

Bình Định 1682 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Thành Hoàng Đế

Thành Hoàng Đế nằm trên địa phận xã Nhơn Hậu và phường Đập Đá, thị xã An Nhơn cách Quy Nhơn 27km về hướng Tây Bắc. Thành Hoàng Đế được triều đại Tây Sơn xây dựng vào năm 1776 trên cơ sở thành Đồ Bàn của Vương quốc Chămpa để lại và được chính thức gọi tên là Thành Hoàng Đế từ năm 1778. Trong suốt một thời gian dài từ 1776 đến 1793, thành là đại bản doanh của quân Tây Sơn và sau đó là kinh đô của chính quyền Trung ương Hoàng Đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc. Thành Hoàng Đế nguyên là một tổng thể kiến trúc hình chữ nhật, gồm ba vòng thành: Thành Ngoại, Thành Nội và Tử Cấm Thành. Thành Ngoại có chu vi là 7400m. Thành Nội còn được gọi là Hoàng Thành có hình chữ nhật dài 430m rộng 370m. Bên trong Thành Nội là Tử Cấm Thành cũng có hình chữ nhật dài 174m rộng 126m. Qua nhiều lần khai quật đã lộ rõ nhiều công trình kiến trúc chứng tỏ vương triều Thái Đức đã phát triển trên đất này. Đó là nền chính điện, nền điện bát giác với gạch Bát Tràng và đá trắng Champa. Hai hồ bán nguyệt đối xứng qua điện bát giác, với những dãy đá san hô, những bậc đá gắn vào hồ. Ngoài hai hồ bán nguyệt, đợt khai quật còn lộ một hồ hình trái tim. Những cây sung cổ thụ mấy trăm năm tuổi bên hòn giả Sơn. Giếng vuông ở góc thành, lát đá ong mà nước đến bây giờ vẫn trong xanh dù cho thời gian cây cỏ vô tình che lấp. Thành Hoàng Đế còn chứng kiến những trận đánh giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn, trong đó có trận đánh bao vây thành của hai tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng với tướng Võ Tánh vào tháng 5 năm 1801. Biết cầm cự không nổi với quân Tây Sơn, Võ Tánh tự thiêu cùng với quan văn là Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự tử. Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, nơi đây làm nơi thờ “song trung” Võ Tánh và Ngô Tùng Châu. Tuy thành Hoàng Đế chỉ còn là di tích lịch sử, nhưng văn hóa, và những làng nghề xung quanh thành vẫn còn như từ thuở nào. Không nhiều như “36 phố phường” của thành Thăng Long, nhưng xung quanh thành Hoàng Đế vẫn còn nhiều làng nghề rộn ràng sản xuất như làng gốm Vân Sơn, làng dệt Phương Danh, làng đúc đồng Bằng Châu, làng tiện gỗ, làng nón… cho thấy một kinh thành nhộn nhịp ngựa xe và phồn hoa làm lòng ta thấy nao nao mà nghĩ về một huyền tích kinh xưa. Thành đã được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1982. Nguồn: Trang thông tin điện tử ủy ban nhân dân thị xã An Nhơn

Bình Định 1614 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật