Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Đà Nẵng

Đình làng Thạc Gián

Đình làng Thạc Gián được xây dựng từ rất lâu đời, thuở ban sơ ngôi đình làng được dựng lên bằng tranh tre, vào đời Minh Mạng, đình làng được làm lại bằng gỗ, mái lợp tranh. Theo nhiều tài liệu ghi chép, Làng Thạc Gián vốn ban đầu có tên là Thạc Giản và nhiều cách gọi khác như Thạch Giản, Thạch Gián là mảnh đất được khai phá sớm, vào khoảng nửa thế kỷ XV. Năm Tự Đức thứ bảy (1854), ngôi đình kiến tạo bằng gạch, mái lợp ngói âm dương và tiếp tục được tôn tạo vào năm Duy Tân thứ ba (1909), năm Khải Định nguyên niên (tức năm 1916) từ đóng góp của dân làng và đến năm 2009 được trùng tu một lần nữa từ nguồn ngân sách thành phố với kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Người đầu tiên được nhân dân ghi nhận công lao dẫn đoàn người từ Bắc vào đây khai canh là ông Huỳnh Văn Phước. Sau đó, các bậc tiền nhân của các Tộc: Nguyễn, Lê, Ngô, Phạm, Trương, Trần đã tiếp tục khai canh, khai cư xây dựng nên Làng Thạc Gián ngày càng trù phú và đông đúc. Trong quá khứ, Thạc Gián là một làng rộng. Cho đến đầu thế kỷ XIX, địa giới: Đông giáp làng Hải Châu và thẳng đến Vũng Rong; Tây giáp làng Xuân Đán, vịnh Đà Nẵng và Nam giáp các làng Bình Thuận, Liên Trì (nay thuộc phường Hòa Thuận Đông, Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu). Mái đình lợp ngói âm dương, bờ nóc được trang trí hình “lưỡng long triều nguyệt” ghép bằng sành sứ, các bờ góc được trang trí hình rùa và phượng. Diềm mái hiên gắn đĩa men lam Huế. Đình có hai bộ phận kiến trúc chính là nhà chính điện và hậu tẩm nối liền phía sau. + Chính điện có mặt bằng rộng, có bốn bộ vì kèo theo kiểu thức nhà ba gian hai chái, với năm hàng chân cột, mỗi hàng sáu cột, kê bằng hai lớp đá tảng: lớp trên hình bát giác, lớp dưới hình quả bí. Hậu tẩm được xây dựng bằng gạch, vôi vữa theo lối vòm cuốn tạo lâu giả vươn cao. Hậu tẩm là nời thờ thần Thành hoàng làng và Phi vận tướng quân Nguyễn Phục. Đáng chú ý ở trước sân đình, hai bên bình phong có cặp voi phục được xây bằng gạch, vôi vữa chầu vào chính điện. Về phía Đông Bắc của đình là miếu âm linh, phía sau đình có một nhà hồi hương được xây dựng bằng gạch, vi kèo, đòn đông bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch… Nơi đây, ngày xưa là nơi hội họp của các bậc kỳ lão, hương thân, chức sắc. Hai gian tả, hữu mọi người dự họp tùy theo thứ bậc, tuổi tác mà ngồi trước hoặc sau. Đây là nơi để các vị chủ tế, bồi tế, học trò gia lễ, các chấp sự…chuẩn bị lễ phục trước khi vào tế lễ. Sau khi tế lễ, nhà hồi hương còn được dùng làm nơi dân làng ăn cỗ. – Nhà trù: là gian nhà dùng làm bếp của đình làng. Nhà trù được xây kế tiếp về phía bên tả của nhà hồi hương. Nhà trù chỉ xây tường gạch, mái ngói. Giếng nước: giếng nước được đào bên cạnh nhà trù. Xưa kia, đây là giếng xây đầu tiên và duy nhất, rất sâu, nước giếng trong nên ngoài việc phục vụ cho đình làng thì bà con trong làng còn đến lấy nước về dùng trong các dịp lễ, tết hoặc ngày cúng kỵ của gia đình. Theo những người cao tuổi trong làng thì đây là một trong ba giếng cổ của tổng Bình Thới Hạ. Đó là các giếng Bộng (tại làng Bình Thuận – nay thuộc phường Bình Hiên, Quận Hải Châu); giếng chùa Từ Vân (nay thuộc phường Vĩnh Trung, Quận Thanh Khê). Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đình Thạc Gián là một trong số ít những ngôi đình ở Đà Nẵng còn lưu giữ được những hiện vật hết sức có giá trị: 18 sắc phong và 38 chiếu, chỉ của các triều đại Hậu Lê và Triều Nguyễn, được hình thành với những nét kiến trúc đặc thù. Trong đó, sớm nhất là sắc năm Minh Mạng thứ 7 (1826) và muộn nhất là sắc phong năm Bảo Đại thứ 10 (1935). Trong quá khứ, đình Thạc Gián là nơi tổ chức và duy trì nhiều lễ hội truyền thống của dân làng, như lễ tế Thu nhị kỳ, lễ hội vào tiét Thanh minh, lễ giỗ tiền hiền, lễ hội tết Nguyên đán, hội thi đọc khánh chúc, diễn tuồng… và nhiều sinh hoạt dân gian khác. Đình Thạc Gián được Bộ Văn hoá Thể thao công nhận Di tích cấp quốc gia vào ngày 27/8/2007. Ngày 17/4/2011 (tức mùng 10 tháng 3 âm lịch), tại đình làng Thạc Gián, lần đầu tiên lễ hội đình làng đã được phục dựng lại và tổ chức với quy mô trọng thể. Đình Thạc Gián hiện ở tại tổ 7, phường Chính Gián, Quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Nguồn: Tuổi Trẻ Phường Chính Gián

Đà Nẵng 1233 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Nghĩa địa I-pha-nho

Đà Nẵng có một di tích tồn tại gần 160 năm ghi dấu cuộc chiến tranh phi nghĩa của quân viễn chinh và khả năng kháng chiến của quân dân ta chống xâm lược. Di tích này là chứng tích một thời của lịch sử Đà Nẵng. Đó là nghĩa địa I-pha-nho, nơi chôn cất 32 lính Pháp và Tây Ban Nha bỏ mạng khi xâm lược Việt Nam từ 1858 đến 1860. Đến cuối đường Yết Kiêu (Quận Sơn Trà) gần khu du lịch Tiên Sa, không khó để tìm thấy khu nghĩa địa ở trên sườn đồi khá bằng phẳng, trước đây người Pháp gọi là đồi Hài cốt. Người dân ở đây quen gọi là khu Mả Tây. Khu mộ đã được dẫy cỏ, gọn ghẽ, tường đá xây dựng chắc chắn. Bên ngoài tường rào là các loại cây sứ, cau lên xanh mát. Nhà nguyện được sơn mới sáng sủa. Ngôi nhà này bề ngang 3,5m, dài 12m, cao 4m, gồm một cửa chính và hai cửa sổ. Trên bàn thờ theo nghi thức công giáo, đặt tấm phù điêu Tây Ban Nha. Có một nồi nhang nhỏ với nhiều chân nhang cắm dày. Hiện còn lại 18 ngôi mộ nhỏ và 14 ngôi mộ lớn. Trong số đó có những ngôi mộ mà bia đá còn rõ chữ để đọc như mộ Casoon Cabandon, thuộc đại đội 14 chết ngày 8-8-1859; Don Juan Romani chết trận tháng 9-1858; Labra Anton, Đại úy công binh sinh ở Lille 1820 chết ở Đà Nẵng 1858... Theo tài liệu, khi những phát đại bác đầu tiên của liên quân Pháp - Tây Ban Nha bắn vào các pháo đài phòng thủ của quân Việt Nam ở Đà Nẵng vào sáng 1-9-1858, mở đầu cuộc xâm chiếm nước ta, bọn xâm lược đã gặp phải sức kháng cự quyết liệt của quân và dân ta. Cho đến hết năm 1858, chúng vẫn không sao thực hiện được mục đích mở rộng địa bàn chiếm đóng, phá vỡ thế phòng thủ của ta, nhằm tạo một bước ngoặt cho cuộc chiến tranh. Tướng chỉ huy liên quân lúc bấy giờ là Đô đốc Rigault de Genouilly bèn quyết định chuyển hướng tiến công vào Gia Định. Đầu tháng 2-1859, chúng chỉ để lại ở Đà Nẵng một đại đội lính và vài chiến hạm, số quân còn lại được chuyển vào đánh chiếm Gia Định. Ngày 8-5-1859, Rigault de Genouilly đưa quân quay lại Đà Nẵng, mở một cuộc tấn công quy mô, hòng đảo ngược tình thế và tính cả chuyện đánh ra Huế. Nhưng ý đồ này rốt cuộc đã thất bại. Tháng 2-1860, tướng Page buộc phải cho người xin cầu hòa với ta để thực hiện kế hoãn binh. Sau đó, quân Pháp ở đây được lệnh rút đi chi viện cho chiến trường Trung Hoa. Như vậy, sau gần 19 tháng chiến tranh, quân Pháp đã thất bại trong mưu đồ đen tối của chúng ở chiến trường này, phải cuốn gói và để lại chứng tích “một tháp hài cốt chứa ngàn thánh giá”. Không có con số thống kê đầy đủ tổn thất của giặc, nhưng những nấm mồ quân viễn chinh chôn rải rác khắp chân núi bán đảo Sơn Trà thì vẫn còn đó. Năm 1895, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã cho dời hơn 40 mộ sĩ quan đến một gò cao và xây tại đây một nhà nguyện, có tường bao quanh. Dưới nền nhà nguyện là một hầm đào sâu để xếp các hộp sắt đựng hài cốt các binh sĩ bốc từ các nơi đưa về. Trên tấm bia đá dựng ở phía trước còn ghi dòng chữ rõ nét: “À la mémoire des Combattants Francais et Espagnols de l'Expédition Rigault de Genouilly mort en 1858, 1859, 1860, et ensevelis en ces lieux” (Để tưởng nhớ các chiến sĩ Pháp và Tây Ban Nha trong đội quân viễn chinh của Rigault de Genouilly đã chết vào những năm 1858, 1859, 1860 và được chôn tại nơi đây). Nguồn: Báo công an Đà Nẵng

Đà Nẵng 929 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp thành phố Mở cửa

Quốc Tự Tam Thai

Nằm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, trên ngọn Thủy Sơn, chùa Tam Thai là ngôi chùa cổ nhất tại thành phố Đà Nẵng. Chùa Tam Thai được xây dựng lần đầu tiên năm 1630 có tên chữ là Tam Thai tự. Đến thời Tây Sơn, chùa đã bị hư hại hoàn toàn. Năm 1825, thời vua Minh Mạng, chùa được xây dựng lại và dưới thời nhà Nguyễn, chùa được sắc chỉ là Quốc Tự. Diện mạo của chùa ngày hôm nay đã có sự thay đổi so với ban đầu bởi trải qua nhiều lần trùng tu trong khoảng thời gian từ năm 1907 đến năm 1995. Hiện, tại chùa vẫn còn lưu giữ được tấm biển Tam Thai Tự và tấm kim bài hình trái tim lửa khắc theo ngự bút của vua Minh Mạng với nội dung ca ngợi Phật pháp vô lượng từ bi phổ độ chúng sinh... Bởi kiến trúc đẹp và cổ kính lại nằm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, do vậy chùa Tam Thai hàng ngày đều có rất đông du khách tìm đến chiêm bái, dâng hương. Từ chân ngọn núi Thủy Sơn, du khách theo những bậc thang đã in dấu thời gian để lên Tam Thai. Chùa có 3 tầng: Tầng thứ nhất ở về phía Bắc gọi là Thượng Thai. Tầng thứ hai ở về phía Nam gọi là Trung Thai. Tầng thứ ba ở về phía Đông gọi là Hạ Thai. Kiến trúc chùa Tam Thai có cổng Tam Quan, chùa chính, khu vực hành cung nhà thờ tổ và các công trình nghệ thuật khác. Phía trước chùa Tam Thai là một khoảng sân rộng, có cây cao tỏa bóng mát khắp mặt sân. Cổng Tam quan được làm theo kiểu lầu chuông lợp mái trông rất cổ kính. Khi qua cổng Tam quan và tới sân trong, pho tượng phật Di Lặc sẽ là hình ảnh đầu tiên du khách nhìn thấy. Pho tượng được chạm từ đá sa thạch, kích thước khá lớn. Hai bên sân là hành cung, nơi vua Minh Mạng cho xây dựng làm chỗ nghỉ ngơi mỗi khi đến vãn cảnh chùa. Chùa chính nằm phía sau khoảng sân này. Chùa được xây bằng gạch, quay mặt về hướng Nam. Mái ngói lưu ly, nóc trang trí lưỡng long chầu nguyệt, các cột đều trang trí rồng - phụng. Hai bên vách Tiền đường tạc phù điêu Tả Phù và Hữu Bật - là hai vị thần canh giữ chùa. Chính điện chùa thờ Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát và Đức Đại Thế Chí. Nhìn chung, tổng thể cảnh quan kiến trúc chùa được xây dựng theo hình chữ Vương với nhiều đường nét mang tính thẩm mỹ cao. Theo đánh giá của các nhà lịch sử, kiến trúc thì Tam Thai tự là đặc trưng của kiến trúc chùa thời nhà Nguyễn. Bên cạnh những công trình chính, chùa Tam Thai còn có tháp Vọng Giang hay còn gọi là Vọng Giang Đài. Đây là điểm cao nhất ở ngọn núi Thủy Sơn, nếu đứng từ đây, du khách có thể nhìn cả một vùng bao la rộng lớn, bao quát cảnh hùng vĩ của Ngũ Hành Sơn, xa xa là con sông Hàn, sông Cẩm Lệ quanh co. Mặc dù kiến trúc chùa hiện nay mang phong cách kiến trúc đặc trưng của Nhà Nguyễn bởi đã qua nhiều lần tu sửa, song Tam Thai tự vẫn được coi là ngôi chùa cổ tại Đà Nẵng bởi công trình tâm linh này đã được khởi công xây dựng từ năm 1630. Với giá trị lịch sử to lớn, chùa Tam Thai đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Nguồn: Báo điện tử Tổ Quốc

Đà Nẵng 1034 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu Căn cứ Cách mạng K20

Khu căn cứ cách mạng K20 được coi là biểu tượng của tinh thần cách mạng kiên cường và bất khuất của người dân Đà Nẵng nói chung và của quận Ngũ Hành Sơn nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu quốc. Tên gọi K20 – là mật danh để chỉ khu căn cứ cách mạng Đa Mặn, nơi cơ quan Quận uỷ Quận III và Thành uỷ Đà Nẵng trú đóng để lãnh đạo phong trào cách mạng. Vào năm 1965, tình hình ở Đa Mặn và Bắc Mỹ An nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung là hết sức phức tạp, Mỹ bắt đầu đưa quân vào miền Nam, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, xây dựng nhiều căn cứ quân sự lớn ở miền Nam, trong đó có Đà Nẵng. Mục tiêu của Mỹ là xây dựng Đà Nẵng thành một căn cứ quân sự liên hợp Hải, Lục, Không quân một cách chắc chắn, lâu dài, án ngữ phía Bắc; bảo vệ Thủ phủ của chế độ bù nhìn tay sai ở miền Nam, do đó Mỹ đã xây dựng thêm cầu qua sông Hàn, xây dựng sân bay lên thẳng ở Nước Mặn, mở rộng và củng cố sân bay Đà Nẵng và đưa 17 đơn vị Mỹ – Ngụy đến Đà Nẵng. Đối với Mỹ, đây là nơi có vị trí rất quan trọng, tập trung cơ sở vật chất cho cuộc chiến tại miền Trung. Còn đối với ta, khu căn cứ cách mạng K20 nằm trên địa bàn khu dân cư Đa Mặn 5, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, cách thành phố Đà Nẵng về phía Đông Nam khoảng 10 km; phía Đông Bắc giáp biển, phía Tây là dòng sông Hàn, phía Nam là đồng ruộng trũng và sông Vĩnh Điện; đồng thời tiếp giáp giữa huyện Hoà Vang và thành phố Đà Nẵng, là cửa ngõ chốt chặn và bảo vệ thành phố từ hướng Đông Nam. Sau hiệp định Giơ ne vơ, Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đã cho xây nhiều đồn bốt quanh Căn cứ Đa Mặn làm thành một vành đai quân sự khép kín và một bộ máy chính quyền tay sai ác ôn để kìm kẹp nhân dân và ngăn cản lực lượng cách mạng từ bên ngoài vào. Chính vì vậy Đa Mặn được coi là vùng đệm để bộ đội, cán bộ và du kích ta làm bàn đạp tấn công vào các căn cứ của Mỹ – Ngụy. Điều đó cho thấy K20 có một vị trí chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vùng đất “thép” để xây dựng và phát triển phong trào đấu tranh cách mạng ngay trong lòng địch, điểm nối mạch liên lạc giữa cách mạng địa phương với vùng lân cận của thành phố và tỉnh Quảng Nam và là bàn đạp quan trọng để lực lượng vũ trang của ta đột kích vào các cứ điểm quân sự của địch. Cũng từ năm 1965, cán bộ Đảng, các cấp, các ngành và các lực lượng vũ trang vào nội thành Đà Nẵng để chỉ đạo phong trào cách mạng đều đi qua và trú lại căn cứ Nước Mặn, hoạt động ngay trong lòng địch, để tiếp tục xây dựng cơ sở, diệt ác phá kìm, hỗ trợ cho nhân dân đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ trong thành phố, bảo vệ an toàn cho căn cứ Nước Mặn, làm chủ từng phần các vùng phụ cận như Mà Đa, Đa Phước, Mỹ Thị. Câu hỏi đặt ra, ngay giữa lòng địch, những cán bộ cách mạng làm sao có thể giữ bí mật và chiến đấu trong vòng vây của kẻ thù? Lúc này, dựa vào dân được coi là vấn đề sống còn của cách mạng và trả lời cho câu hỏi cấp bách đó. Một trận địa dưới lòng đất được hình thành, đó là hệ thống các hầm, hào bí mật vững chắc đào ngay tại các nhà dân. Năm 1968, Quận uỷ Quận III do đồng chí Đặng Hồng Vân đã hướng dẫn cho người dân mô hình đào hầm bí mật, tạo thành một hệ thống hầm chằng chịt trong làng để nuôi giấu cán bộ cách mạng. Hàng trăm hộ dân tích cực ngày đêm đào hầm, tạo thành một hệ thống chặt chẽ. Mỗi hầm như thế nuôi bốn đến năm cán bộ cách mạng. Mặc dù kẻ địch mở rất nhiều đợt truy quét trong làng để tiêu diệt lực lượng nòng cốt nhưng chúng không tài nào phát hiện được. Hầm được đào ở khắp nơi trong nhà, dưới giường ngủ, ngoài vườn, ngoài hiên… tạo thành một thành luỹ vững chắc. Đá Mặn đã làm nên một trận địa cách mạng ngay trong lòng đất trong thời gian đó. Các căn hầm được nhân dân làm rất công phu. Miệng hầm và lối đi vào rất hẹp nhưng bên trong lại rộng đủ để cán bộ cách mạng sinh hoạt hằng ngày. Ngoài miệng hầm chính còn được làm thêm miệng hầm giả. Nếu có tay sai chỉ điểm, nhân dân sẽ đập vỡ miệng hầm giả làm gạch, đá rơi xuống bịt miệng hầm chính, vừa đánh lừa địch vừa báo hiệu cho bộ đội trốn thoát ra ngoài. Điểm nổi bật trong hệ thống công sự mật được xây dựng ở K20 giai đoạn này là có tính cơ động cao và quy mô lớn. Tại nhiều gia đình, hoặc giữa các gia đình lân cận, có các đường hầm nhánh kết nối, vừa có điều kiện che giấu được nhiều người đồng thời, tạo ra thế liên hoàn rất thuận lợi cho việc di chuyển, tránh được sự phát hiện, đánh quét của địch. Một trận địa trong lòng đất đã được xây dựng với một hệ thống dày đặc các hầm bí mật, có lúc lên tới 157 hầm. Hiện nay, vẫn còn lại một số các hầm bí mật tại các nhà thờ như nhà thờ ông Huỳnh Phiên, nhà thờ bà Nhiêu, nhà thờ tộc Huỳnh và nhà ông Huỳnh Trưng. Bốn địa điểm này đã được xếp hạng Di tích lịch sử trong khu Di tích lịch sử quốc gia K20. Nhờ hệ thống hầm bí mật này cộng với ý thức tự giác cách mạng, đoàn kết vì mục tiêu giải phóng quê hương, quân và dân K20 đã làm nên nhiều chiến công hiển hách. Tiêu biểu như: trận đánh vào sân bay Nước Mặn ngày 28/10/1965 do lực lượng vũ trang Thành đội Đà Nẵng thực hiện. Tổ chức thành công buổi lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữa trùng vây kẻ thù, buổi lễ vẫn được tổ chức rất trịnh trọng, trang nghiêm và an toàn như thể đang diễn ra ở vùng giải phóng. Đặc biệt, sáng ngày 29/3/1975, nhân dân K20 phối hợp với lực lượng vũ trang Quảng Đà đồng loạt nổi dậy và tấn công vào tất cả các cơ sở của Mỹ – Ngụy trên địa bàn. 9 giờ sáng, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã được cắm trên sân bay Nước Mặn, báo hiệu sự thắng lợi hoàn toàn của quân dân khu căn cứ, góp phần hoàn thành xuất sắc sự nghiệp giải phóng dân tộc với vai trò và chức năng là một căn cứ kháng chiến trong lòng địch. Nguồn: Báo điện tử Đà Nẵng

Đà Nẵng 1317 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích bia chùa Long Thủ ( chùa An Long)

Bia di tích chùa Long Thủ hay chùa An Long (phường Bình Hiên, quận Hải Châu) là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo so với tất cả các loại hình văn bia cùng thời ở vùng Quảng Nam-Đà Nẵng, là một tư liệu cực kỳ quan trọng góp phần vào việc nghiên cứu nhiều vấn đề lịch sử và văn hóa Đà Nẵng. Văn bia chùa Long Thủ được lưu giữ tại chùa Long Thủ (nay là chùa An Long - tên gọi này được thay đổi sau năm 1920), trước kia thuộc làng Nại Hiên, huyện Tân Phúc, phủ Điện Bàn. Bia được làm bằng sa thạch, màu xám vào năm Thịnh Đức thứ 5, triều vua Lê Thần Tông (1657), do ông Lê Gia Phước, pháp danh Pháp Giám (người làng Hải Châu, phủ Điện Bàn) biên soạn. Bia có kích thước được thu nhỏ dần từ dưới lên, tạo đỉnh tròn trông xa như một quả chuông úp, chiều cao bia từ đỉnh xuống dưới chân là 1,25m, rộng 1,20m, dày 0,21m. Trán bia có tiêu đề gồm 6 chữ lớn nằm ngang “Lập Thạch Bi Thủ Long Tự”, theo cách dịch nghĩa thông thường được hiểu là “Lập văn bia trên đá tại ngôi chùa Thủ Long”. Toàn bộ văn bia có 368 chữ (bao gồm 6 chữ tiêu đề), trong đó có 360 chữ nhỏ ở giữa lòng bia được khắc lõm theo 18 hàng dọc từ phải sang trái, ở hai đầu văn bia có 2 chữ “Vạn” nhỏ hơn. Cả hai mặt bia được chạy viền trang trí dây hoa lá, phần đỉnh có hình mặt trời đặt trong vòng lửa ngọn. Hiện nay văn bia đã có nhiều chữ phần bị mòn mờ, phải gắn lại bằng vữa xi-măng, rất may là Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã làm bản dập và Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam lưu giữ 3 bản dập. Đây là văn bia có niên đại sớm nhất, cũng như sự hình thành của ngôi chùa Long Thủ do cộng đồng cư dân người Việt ở Đà Nẵng dựng, điều này cho thấy sự quần cư khá ổn định tại các làng Nại Hiên, Hải Châu từ rất sớm. Về việc dựng chùa Long Thủ, văn bia tại chùa cho biết: “Hết thảy dân làng đều đồng ý dựng lên một ngôi chùa mới”. Không chỉ dựng chùa, việc tô tượng, đúc chuông cũng được người dân tiến hành đồng thời, văn bia nói rõ: “Ông Hội chủ cùng với tín chủ gái trai đức hạnh, nhiệt tình tôn giáo, dâng cúng những gì họ có thể để trang hoàng chánh điện và tạo tác các tượng Phật, đồng thời đúc một quả chuông, xây tháp để chuông...”. Nội dung của văn bia, cho thấy từ thời xưa ở vùng đất làng Nại Hiên, huyện Tân Phúc, phủ Điện Bàn, Đức Phật thường hiển linh cứu độ cho nhiều người, nơi đây là đất thiêng, người tin đến cầu vọng linh ứng, thấy hình đầu rồng (long thủ). Cho là nơi tụ khí linh thiêng, vì vậy dân làng Nại Hiên cùng nhiều vị chức sắc địa phương, từ vợ chồng Cai thuộc Hội chủ Nguyễn Văn Châu, vợ chồng Cai hợp Ty Tướng Thần Lại Trần Hữu Lễ, Lại ty Ty Tướng Thần Lại Trần Hữu Kỷ, Xã trưởng Phạm Văn Ngao đến hết thảy dân làng đều đồng tình dựng lên một ngôi chùa mới, tại khu đất do ông Trần Hữu Lễ dâng hiến. Hội chủ cùng với tín chủ gái trai đức hạnh, nhiệt tình tôn giáo lo việc bài trí tượng thờ, đúc chuông và xây gác treo chuông, trống, dựng lầu chuông gác trống để làm nơi lễ Phật. Ngoài việc trên, nhiều tín chủ đã bỏ tiền mua hơn ba mẫu ruộng tại vùng Cửa Đình, Giếng Vũng để cúng vào chùa. Văn bia cũng liệt kê danh sách những người đã cúng tiền và ruộng cho chùa, đứng đầu là viên chức Trấn thủ có tên là Trần Văn Huyền và vợ là Nguyễn Thị Vạn... Văn bia là một tư liệu cực kỳ quan trọng góp phần vào việc nghiên cứu nhiều vấn đề lịch sử và văn hóa Đà Nẵng; cung cấp nhiều thông tin để tìm hiểu, xác tín một số vấn đề về chức tước, địa danh, tình hình ruộng đất của địa phương. Bên cạnh đó, bố cục, đề tài và mô-típ trang trí trên văn bia còn là tiêu chí có niên đại chính xác để có thể đối chiếu, nghiên cứu nghệ thuật giai đoạn nửa sau thế kỷ XVII ở Đàng Trong. Từ những giá trị di sản đó, vào năm 1992, Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp hạng văn bia là di tích cấp quốc gia. Mới đây, tháng 11-2014, UBND thành phố Đà Nẵng đã có công văn trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận bảo vật quốc gia cho “Bia chùa Long Thủ” cùng với 3 hiện vật khác của Đà Nẵng là Quả tim lửa, Bia Nghĩa trủng Phước Ninh và Bia Phổ Đà Sơn linh trung Phật. Nguồn: Báo điện tử Đà Nẵng

Đà Nẵng 2166 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Nghĩa Trủng Hòa vang (Nghĩa Trang Khuê Trung)

Khu di tích Nghĩa Trủng Hòa Vang (hay còn gọi là Nghĩa Trang Khuê Trung), hiện tọa lạc trên diện tích 4.000m2 thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Là nơi an nghỉ của hơn 1000 nghĩa sỹ và đồng bào yêu nước đã ngã xuống trong những ngày đầu kháng Pháp (1858 – 1860) Rạng sáng ngày 01/9/1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công vào cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam. Với tinh thần quyết xã thân vì nước, quân và dân ta đã đánh trả quyết liệt. Trong suốt gần 19 tháng giao tranh ác liệt, đã có hàng ngàn nghĩa sỹ hy sinh anh dũng, góp phần quan trọng làm thất bại ý đồ nhanh chóng chiếm đóng Đà Nẵng của thực dân Pháp. Trong điều kiện chiến tranh, việc quy tập, mai táng các nghĩa sỹ hy sinh lúc đó chỉ tạm thời. Khi Đà Nẵng được giải phóng, nhân dân đã lập các nghĩa trủng và quy tập hài cốt, xây đắp mộ cho những chiến sỹ trận vong tại đây. Nghĩa Trủng Hòa Vang được hình thành vào năm 1866 tại làng Nghi An, thuộc tổng Phước Tường, huyện Hòa Vang. Khi thực dân Pháp xây dựng sân bay Đà Nẵng (1925 – 1926), nhân dân phải dời Nghĩa Trủng về vườn Bá làng Khuê Trung. Năm 1962, sân bay Đà Nẵng tiếp tục mở rộng, Nghĩa trủng được chuyển về vị trí hiện nay. Tuy trải qua nhiều lần di dời nhưng Nghĩa Trủng vẫn lưu giữ được tấm bia cổ khắc 4 chữ “Hòa Vang Nghĩa Trủng” được lập năm Tự Đức thứ 19 (1866) và hai trụ đá có ghi 2 câu đối: “Ân triêm khô cốt di truyền cổ Trạch cập tàn hồn tái kiến kim”. Tạm dịch: “Vua ban nhặt cốt truyền dấu cũ Giữ được tàn hồn lại thấy nay”. Nghĩa Trủng Hòa Vang là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi, là đài tôn vinh khí phách anh hùng của các nghĩa sỹ vị quốc vong thân. Đồng thời là nơi đánh dấu sự thất bại ngay trận đầu của quân Pháp khi đánh vào Đà Nẵng. Bên cạnh Nghĩa Trủng với hơn một nghìn ngôi mộ là quần thể di tích văn hóa – lịch sử, gồm: di tích Phế tích tháp Hóa Quê, ngôi miếu Bà, giếng cổ Chăm hình vuông được xây bằng đá sa thạch, phế tích tháp Chăm và Nhà thờ tiền hiền làng Hóa Quê. Đặc biệt, Nhà thờ tiền hiền của làng cùng với miếu Bà là những công trình lịch sử – văn hóa có giá trị, là nơi cán bộ cán bộ cách mạng địa phương dùng làm địa điểm bí mật hoạt động cách mạng. Để tưởng nhớ các bậc tiền hiền đã có công gây dựng làng và các Nghĩa sĩ đã hy sinh trong những ngày đầu kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha, hằng năm vào tháng 3 âm lịch UBND phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ long trọng tổ chức Lễ tế nghĩa sĩ cùng với Hội làng Khuê Trung tại Khu di tích Nghĩa Trủng. Khu di tích Nghĩa Trủng Hòa Vang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử quốc gia năm 1999. Nguồn: Báo điện tử Đà Nẵng

Đà Nẵng 2332 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình làng Bồ Bản

Đình Bồ Bản hiện tọa lạc tại thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Vào những năm cuối thế kỷ 15 (khoảng năm 1470), theo tiếng gọi Nam tiến của vua Lê Thánh Tông với phương châm: “Bắc địa trùng dương khai quốc sử/ Nam thiên khẩn nghiệp thạch minh danh”, các vị tiền nhân của 4 tộc Trần, Hồ, Trương, Nguyễn đi khai khẩn đất đai, lập nghiệp, kết tình huynh đệ, cùng chung tay xây dựng nên một vùng đất mới, một sự sống mới. Làng Bồ Bản hình thành từ đó. Đến đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786), các họ Tán, Đinh, Nguyễn, Phạm cùng gia nhập, chung tay xây dựng quê hương Bồ Bản. Đình Bồ Bản được dựng vào năm Canh Thân, niên hiệu Cảnh Thịnh (1800) bằng tranh, tre tại gò Miếu Tam Vị nằm về phía Đông. Năm Nhâm Tý, đời vua Tự Đức thứ 5 (1852), đình được dựng lại hoàn chỉnh khang trang, vật liệu vững bền ở địa điểm mới, cách vị trí cũ khoảng 200m về phía Tây, với địa hình thoáng mát, phía sau có Gò Miếu cao, bên hữu có Gò Chùa, bên tả có Gồ Ổi, gọi là “long hổ hội”, phía trước đình là cánh đồng rộng, tiếp giáp với làng Cẩm Toại và sông Yên. Ngày 25 tháng 3 năm Bính Ngọ đời Thành Thái thứ 18 (1906) đình được trùng tu lần thứ nhất. Qua thăng trầm của thời gian, thiên tai, bão lụt, đặc biệt sau cơn bão số 2 ngày 19 tháng 4 năm 1989, đình bị hư hại một phần. Vì thế, ngày 12 tháng 5 năm 1990, nhân dân tiến hành tu sửa lại đình, bao gồm lợp lại toàn bộ mái ngói và một số cấu kiện gỗ bên trong. Năm 2007, đình Bồ Bản được trùng tu với quy mô lớn từ nguồn ngân sách của Nhà nước. Đến năm 2011, tiếp tục xây dựng các công trình ngoại vi như tường thành, cổng tam quan, sân vườn nên ngôi đình càng trở nên khang trang. Về mặt kiến trúc, đình Bồ Bản có dạng chữ “Nhất” theo lối ba gian hai chái, mặt quay về hướng Nam. Đình có tất cả 36 cột bằng gỗ mít và kiền kiền, trong đó có tám cột cái (cột nhất) cao 4,5m, tám cột hàng nhì cao 3,5m, tám cột hàng ba cao 2,3m, bốn cột đấm, bốn cột quyết và bốn cột ở cửa hông. Trên các thanh trính, kèo được chạm khắc trang trí các mảng đề tài như đầu rồng, tứ thời, tứ quý, cầm kỳ, thi tửu… với những đường nét mềm mại, tinh xảo tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Mái đình lợp ngói âm dương. Nóc mái gắn “lưỡng long triều nguyệt”; phần giữa của mái trước có tạo thêm đường gờ cao gắn trang trí các hình: loan phượng, rùa… Hai đầu bít đốc trang trí hình: dơi, mai điểu, tùng lộc. Tất cả đều được tạo dáng qua kỹ thuật nề và ghép sành sứ. Ngoài sân rộng, có một bức bình phong lớn, mặt trong trang trí hình rùa, mặt trước là hình long mã. Đình Bồ Bản không chỉ là một thiết chế văn hóa, một công trình kiến trúc – tín ngưỡng cổ truyền tiêu biểu, mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của cách mạng địa phương trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong Cách mạng tháng 8 năm 1945, đoàn biểu tình của tổng An Phước, huyện Hòa Vang xuất phát từ đình làng Cẩm Toại đến tập họp tại sân đình Bồ Bản rồi kéo đi đấu tranh giành chính quyền. Đây cũng là nơi thành lập Ủy ban hành chính kháng chiến xã Bồ Bản – nơi thường xuyên diễn ra những buổi tiếp xúc giữa dân và cán bộ của chính quyền cách mạng thời kỳ đầu non trẻ. Đồng thời, là nơi lập phòng phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành công tốt đẹp, nơi ra đời lớp bình dân học vụ đầu tiên của địa phương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại đây vào năm 1960, đã mở phiên tòa xét xử những người theo Mỹ – Diệm chống đối cách mạng, từ Ấp trưởng, Ấp phó đến Liên gia trưởng. Ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ngôi đình là nơi tiếp nhận ngụy quân, ngụy quyền về đầu thú và giao nộp vũ khí, là nơi để nhân dân trong thôn học tập các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước. Hiện nay, đình Bồ Bản còn lưu giữ được một bia đá tạo năm Tự Đức thứ 5 (1852). Đình Bồ Bản được công nhận là Di tích cấp quốc gia ngày 04/01/1999. Nguồn: Báo điện tử Đà Nẵng

Đà Nẵng 1995 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn

Chùa Linh Ứng tọa lạc ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Chùa cách trung tâm thành phố khoảng 8 km về phía Đông Nam. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Ngũ Hành Sơn là một thắng cảnh bậc nhất ở miền Trung xưa nay. Một huyền thoại mà ngày nay còn lưu truyền trong dân gian là: Thuở trời đất còn hỗn mang, vợ Long Vương vượt biển Đông vào đây đẻ trứng trên bãi cát, nhờ thần Kim Quy bảo vệ. Qua nhiều năm tháng hấp thụ khí âm dương, một hôm, trời nổi sấm sét, đất chuyển ầm ầm, trứng rồng nứt vỏ. Một Long Nữ chào đời, bay thẳng về trời. Những mảnh vỏ trứng biến thành năm ngọn núi… Vua Minh Mạng đặt tên các núi này là Ngũ Hành Sơn: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn. Thủy Sơn có tên là núi Chùa hay núi Tam Thai là ngọn núi lớn nhất, cao 106m, rộng khoảng 15 hecta, có ba ngọn. Ngọn cao nhất phía Tây Bắc là Thương Thai, có các chùa Tam Thai, Tam Tôn, Từ Tâm, các hang động Hoa Nghiêm, Huyền Không, Linh Nham, Vọng Giang Đài và hành cung Động Thiên Phước Địa (nơi nghỉ ngơi của vua Minh Mạng). Trung Thai ở phía Nam thấp hơn, có hang Vân Nguyệt, các động Vân Thông, Thiên Long, hai cổng đá Động Thiên Phước Địa và Vân Căn Nguyệt Quật. Hạ Thai ở phía Đông, có chùa Linh Ứng, động Tàng Chân, 5 hang động nhỏ: Tam Thanh, Chiêm Thành (hang Hời), Bàn Cờ, hang Ráy, hang Gió, có Vọng Hải Đài, hang Ngũ Cốc (hang Lồng Đèn) và động Âm Phủ. Ở phía Đông, có 123 bậc cấp lát bằng đá dẫn đến chùa Linh Ứng, thường được gọi là chùa Ngoài. Trước năm 1891, chùa có tên là Ứng Chân. Sách Danh thắng Non Nước – Ngũ Hành Sơn (Nguyễn Trọng Hoàng, Đà Nẵng, 2000) cho biết vào đời Vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1786) có Hòa thượng Quang Chánh, hiệu Bảo Đài đến tu tại động Tàng Chân. Ngài dựng am Dưỡng Chân, sau sửa chữa lại gọi là Dưỡng Chân đường. Đến đời Gia Long, Dưỡng Chân đường được đổi thành chùa Ứng Chân. Sau khi Vua Minh Mạng đến vãng cảnh chùa đầu tiên vào năm 1825 thì các ngôi chùa tranh tre ở đây mới được thay bằng gạch ngói. Vua đã ban cho chùa tấm biển có ghi Ngự chế Ứng Chân Tự, Minh Mạng lục niên. Đến đời Thành Thái, do kỵ húy tên một vị vua nhà Nguyễn nên chùa được đổi tên là Linh Ứng. Chùa còn tấm biển ghi Cải tứ Linh Ứng Tự, Thành Thái tam niên. Năm 1901, chùa bị cơn bão Tân Sửu tàn phá nặng nề. Chùa được trùng tu nhiều lần. Năm 1993, Thượng tọa Thích Thiện Nguyện đã tổ chức trùng tu ngôi chánh điện. Chánh điện xây kiểu chữ “Nhất”, bên phải là nhà tổ, giảng đường, nhà khách, nhà thiền và nhà trù. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Gian giữa thờ đức Phật Thích Ca, gian hai bên thờ Bồ tát Quan Âm và Bồ tát Địa Tạng, phía ngoài có tượng Hộ Pháp và Tiêu Diện. Trước chùa, Thượng tọa cho đắp tượng đức Phật Thích Ca cao 10m, xây đài Quan Âm, tạo vườn cây cảnh. Năm 1997, Thượng tọa cho xây tháp Xá Lợi bên trái chùa, cao 30m, đường kính tầng dưới 11m, đặt thờ gần 200 tượng Phật, Bồ tát, La hán. Tầng 7 tôn thờ Xá lợi Phật và 7 vị Phật truyền đăng (Tỳ Bà Thi Phật, Thi Khí Phật, Tỳ Xá Phù Phật, Câu Lưu Tôn Phật, Câu Na Hàm Mâu Ni Phật, Ca Diếp Phật và Thích Ca Mâu Ni Phật). Tầng 4, 5, 6 thờ bảo tượng Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn và 84 tượng Đà La Ni. Tầng 3 thờ 33 vị Tổ truyền đăng Ấn – Hoa (từ Tổ Ca Diếp đến Tổ Huệ Năng). Tầng 2 thờ tượng Di Đà Tam Tôn, còn gọi là Tây Phương Tam Thánh (đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí). Tầng 1 thờ tượng đức Phật Thích Ca, Ca Diếp, A Nan cùng nhiều vị Bồ tát, La hán… Ngoài nhiệm vụ trụ trì ngôi danh lam bậc nhất ở thành phố, Thượng tọa Thích Thiện Nguyện còn đảm nhiệm Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo TP. Đà Nẵng, Chánh Đại diện Phật giáo quận Ngũ Hành Sơn. Thượng tọa tiếp tục cho xây dựng một ngôi chùa Linh Ứng ở khu du lịch Bà Nà, thuộc xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 40 km về phía Tây. Nằm trong khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng và Tam Thai đã đón tiếp đông đảo du khách, Phật tử đến tham quan, chiêm bái hằng ngày. Dưới chân núi có làng nghề điêu khắc đá truyền thống nổi tiếng. Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Nguồn: Báo du lịch thông tin điện tử Đà Nẵng

Đà Nẵng 1974 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình làng Túy Loan

Túy Loan (hay còn gọi là Thúy Loan) là một làng cổ ở Đà Nẵng, được khai phá dưới thời vua Lê Thánh Tôn niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497). Tương truyền cùng với quá trình khai phá lập làng, nhân dân cũng xây dựng các thiết chế văn hóa tín ngưỡng cổ truyền, trong đó có ngôi làng. Đình làng Túy Loan được xây dựng lần đầu tiên vào khoảng năm 1470 ở một nơi khác. Đến năm 1787, đình được trùng tu lần đầu. Năm 1888, đình không may bị cháy và được xây dựng lại ở mảnh đất bên cạnh dòng sông Túy Loan. Trải qua nhiều lần thay đổi vị trí, kiểu thức, đình làng Túy Loan hiện nay được xây dựng dưới thời vua Thành Thái năm Canh Tý (1900) trên cơ sở mô phỏng quy mô, kiểu thức ngôi đình cũ, được xây dựng từ thời Đồng Khánh đã bị gió bão hủy hoại. Từ đó đến nay đình làng Túy Loan (ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) thường xuyên được tu tạo, nhưng giá trị kiến trúc ban đầu không thay đổi. Đình làng Túy Loan có không gian rộng thoáng, vị trí đẹp, trước mặt là một đoạn sông Túy Loan uốn khúc với những bãi bồi quanh năm xanh màu cây trái. Đình Túy Loan là một công trình có giá trị điển hình về mặt kiến trúc, bao gồm tiền đường, chính điện và hậu tẩm được nối liền liên tục từ trước ra sau. Tiền đường có kiểu kết cấu hỗn hợp, vừa có liên kết rường, vừa có liên kết kèo. Phần giữa của các vì, tức liên kết giữa hai cột cái (cột nhất) là liên kết rường theo kiểu thức chồng rường giả thủ; từ hai cột cái tỏa về hai phía trước và sau là các thanh kèo nối với các cột quân tạo nên kiểu kết cấu thượng rường hạ kèo. Phía đầu hồi, từ cột cái tỏa ra các kèo đấm, quyết để tạo thành hai chái như các công trình có vì kèo truyền thống. Trong kiến trúc đình làng Đà Nẵng, kiểu kết cấu này tuyệt nhiên không tìm thấy ở bất kì ngôi đình nào khác. Bước qua cổng tam quan là đến các trụ biểu đứng cùng bình phong được đặt phía trước. Đây được xem như là một tam quan nội của đình. Trên thân trụ đều có các câu đối. Bình phong xây theo kiểu cuốn thư, mặt trong là hình hổ, mặt ngoài là hình long mã được đắp nổi. Mái đình lợp ngói âm dương, tường xây bằng gạch. Bài ký trên văn bia đặt trong đình của Tam giáp Nguyễn Khuê ghi lại việc lập đình có đoạn: "Đình gồm một tòa chính tẩm, một tòa tiền đường đều làm bằng gỗ quý và lợp ngói. Trước sân có xây trụ biểu, bình phong trông rất xán lạn. Ngoài ra còn xây một ngôi từ đường ở bên trái để làm chỗ thờ các vị tiền hiền" Trên mái trang trí lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu mái đắp hình rồng uốn lượn được ghép bằng sành sứ. Đi vào trong nội điện và hậu tẩm là nơi thờ cúng, gồm bàn thờ chính, bên tả, bên hữu. Hai bên còn có tả ban, hữu ban. Gian giữa có bàn thờ hội đồng cao hơn các bàn thờ khác, trên bàn có cặp hạc đứng chầu, hai bên có hai dãy lỗ bộ. Trong đình còn có 1 văn bia ở đình Túy Loan niên đại Thành Thái thứ nhất (1889) và nhiều hoành phi, liễn đối đã trên dưới 100 năm. Bên cánh phía Đông của đình là ngôi nhà thờ Chư Phái Tộc thờ các vị Tiền hiền. Đây là ngôi nhà thờ 5 vị tiền hiền của các tộc Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê. Đặc biệt, đình làng Túy Loan hiện còn 25 sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng. Không chỉ mang nét kiến trúc độc đáo, đình làng Túy Loan còn ghi dấu ấn trên những trang sử vàng chống giặc ngoại xâm. Năm 1945, dân làng Túy Loan lấy đình làng, nhà thờ làm trụ sở bài phong phản đế, cùng tổng An Phước kéo về huyện Hoà Vang cướp chính quyền Pháp - Nhật. Năm 1946 -1947, đình Tuý Loan là nơi đóng quân của tiểu đoàn 17 và 19 do ông Đàm Quang Trung chỉ huy. Hằng năm, cứ đến mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng âm lịch thì đây là lúc người dân xã Hòa Phong tổ chức lễ hội đình làng Túy Loan.Lễ hội diễn ra với các nghi lễ truyền thống cùng những trò chơi dân gian được tái hiện lại trong khuôn khổ chương trình lễ hội. Từ chiều mồng 9, người dân trong làng đã tổ chức rước sắc long trọng từ nhà thờ tộc Đặng phái nhất, diễu hành qua 4 thôn Túy Loan và về đình Túy Loan tế lễ truyền thống. Đến sáng mồng 10, phần lễ chính diễn ra trong không khí trang nghiêm. Phần lễ gồm Lễ rước Sắc phong, nhạc lễ dâng hương tế Đình, thả long hoa chu đăng dưới sông giúp con cháu tưởng nhớ năm vị tiền hiền Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê tuân chiếu vua Lê Thánh Tôn đi mở mang bờ cõi về phương Nam (năm Hồng Đức nguyên niên 1470), dừng chân chọn nơi đây để lập nghiệp khai khẩn làm ăn và đặt tên cho làng là Túy Loan. Kế đến là Phần Hội với nhiều trò chơi dân gian vui nhộn như đẩy gậy, vật tay, kéo co diễn ra ngay trước sân đình…Nghề làm bánh tráng vốn từ lâu đã góp phần làm nổi tiếng làng Túy Loan nên trong phần hội không thể thiếu cuộc thi nướng bánh tráng. Các thôn thường cử ra những cô gái khéo tay nhất của thôn mình để tham gia cuộc thi này, người chiến thắng trong cuộc thi không những mang lại vẻ vang cho thôn mình mà còn góp phần tôn vinh một nghề truyền thống lâu đời của làng. Ngoài ra, trong phần hội dân làng còn tổ chức thi gói bánh tét, đập niêu… Trải qua hàng trăm năm tồn tại, đến đình làng vẫn còn gần như nguyên vẹn, trang nghiêm, trầm mặc dưới bóng đa cổ thụ và giữa bao các rặng tre làng. Sân đình có xây trụ biểu, bình phong, vẽ các câu đối... rất uy nghi, tôn kính. Du khách khi đến Đà Nẵng, hãy ghé lại Tuý Loan, dạo một vòng quanh làng, thưởng thức hương vị mì Quảng và bánh tráng, chiêm ngưỡng đình làng và không gian làng cổ, có dịp dự hội làng quý khách du lịch sẽ rất thú vị và có ấn tượng khó quên về một làng cổ, một đình làng với cảnh sắc thiên nhiên mộc mạc, con người ân tình và nồng hậu, đậm đà bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam rất đáng tự hào và trân trọng. Nguồn: Trang thông tin điện tử đảng bộ Đà Nẵng

Đà Nẵng 2020 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

NHÀ THỜ PHÁI CHƯ TỘC QUÁ GIÁNG

Nhà thờ chư phái tộc Quá Giáng ở thôn Quá Giáng, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Nhà thờ được xây dựng để thờ Quan Thánh và các vị tiền hiền của bốn tộc Đinh, Lê, Trần, Nguyễn - những người có công theo Chúa Nguyễn vào Nam khai phá đất đai lập nên làng Quá Giáng. Trước đây, Nhà thờ chư phái tộc được xây dựng bằng tre. Đến năm Tân Tỵ (1821), các chức sắc và nhân dân trong xã cùng nhau đóng góp tiền của, công sức để xây dựng lại nhà thờ như hiện nay. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, hiện nay Nhà thờ chư phái tộc Quá Giáng tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 4.000m2. Phía trước nhà thờ là bức bình phong cao 2,6m, rộng 2,8m. Mặt trước bình phong đắp nổi hình Rồng, mặt sau là hình Phụng đang múa và được ghép bằng sành sứ. Hai bên bình phong là hai trụ biểu tròn cao 5m, đường kính 0,5m tạo nên vẻ uy nghi cho ngôi nhà thờ. Nhà thờ được xây dựng bằng loại gạch xưa kích cỡ 5cm x 20cm x 30cm được kết dính bằng vôi cát và mật mía ngâm với một số lá cây. Mái lợp ngói âm dương dày 20cm, với hình ảnh loan phụng hòa mình trên nóc. Hai bên là hai con Rồng ngoái đầu lại nhìn nhau. Trên mái của hàng hiên phía trước cửa tiền đường có đắp hình hai con Lân ở hai bên. Nhà thờ được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, gồm có 3 phần: phần tiền đường, nhà chính điện và hai dãy hành lang hai bên. Nối liền từ tiền đường và nhà chính điện là một khoảng sân rộng 5x6m và hai dãy hành lang có mái che ở hai bên, tạo thành bình đồ kiến trúc hình chữ “khẩu”. Phần tiền đường có kích thước 12m x 4m, kết cấu theo lối “chồng rường giả thủ”, chân giả thủ đều trang trí hình quả bí, phía trên được trang trí hình đài hoa sen. Hai dãy cột chính mỗi dãy bốn cột, cao 5m chống đỡ hai vì kèo và hai dãy cột quân thấp hơn chống đỡ hai mái phụ. Trên các thanh xà, kèo đều được trang trí cỏ cây, hoa lá, muông thú, bát bửu và các đường trang trí khác. Đuôi kèo được chạm khắc hình tượng cá chép hóa rồng. Phần chính điện được xây dựng theo lối kéo tam đoạn (kéo chuyền) với ba gian bốn mái và thấp hơn khoảng 0,5m là hai chái phụ hai bên cùng với hàng hiên ở phía trước. Bốn dãy cột lớn, mỗi dãy bốn cột đường kính 30cm cao từ 3 đến 5m chống đỡ bốn mái nhà chính. Hai hàng cột nhỏ hơn cao khoảng 2,5m quá giang với hàng cột chính để đỡ mái của hai chái phụ. Mái hiên gồm một dãy sáu cột cao 2,5m liên kết với dãy cột chính chống đỡ. Tất cả các thanh trính, xà, kèo, vì đều được chạm trổ hình hoa lá, chữ “thọ” và các đường hoa văn trang trí rất đẹp. Đầu của hai thanh trính được chạm hình đầu rồng. Trên hai thanh xà cò (đòn đông hạ) có khắc hai hàng chữ nho là: “Tân Tỵ niên Đinh Dậu ngoạt kiết nhật bổn xã đồng trùng tu thụ tạo”, nghĩa là “Năm Tân Tỵ (1821) tháng Tám ngày lành bổn xã cùng đứng ra tu bổ và tạo dựng”; và “Tự Đức Bính Tý ngũ ngoạt kiết nhật bổn xã đồng hội tu tạo”, nghĩa là “Năm Bính Tý đời vua Tự Đức (1876) tháng năm ngày lành bổn xã cùng lo việc tu sửa tôn tạo”. Trong chính điện có bàn thờ Quan Thánh ở gian giữa. Gian bên tả thờ hai vị tiền hiền tộc Đinh – Lê, gian bên hữu thờ hai vị tiền hiền tộc Trần – Nguyễn. Tại chái phụ bên hữu có một ban thờ nhỏ dùng để thờ thổ thần. Bàn thờ này mới được lập sau này. Chính điện có ba cửa chính và hai cửa phụ, các cánh cửa được làm bằng gỗ có chạm trổ hoa lá, túi thơ, bầu rượu… Nóc mái trang trí hình “lưỡng long chầu nguyệt”. Bộ cửa thượng song hạ bản cùng với bộ mắt cửa thể hiện rõ phong cách kiến trúc của Hội An với bàn tay tài hoa khéo léo của người thợ làng Kim Bồng nổi tiếng. Tiếp giáp với hai chái phụ hai bên của gian nhà chính là hai hành lang với mái che nối phần nhà chính với phần tiền đàn ở phía trước. Mỗi hành lang có hai mái được chống đỡ bởi hai hàng cột cao 2,5m. Các cột được kết nối với nhau bằng các thanh ngang. Từ các thanh ngang này các cột đội vươn lên chống đỡ bộ kèo. Nhà thờ chư phái tộc Quá Giáng được xây dựng khoảng đầu thế kỷ XIX, vừa có giá trị lịch sử lâu đời vừa có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật. Đây là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật cổ hiếm hoi còn lại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Hàng năm, dân làng có hai kỳ Xuân Thu tế lễ vào các ngày 20/2, và 12/7 âm lịch để tưởng nhớ lại các vị tiền hiền đã mở mang vùng đất này. Với những giá trị tiêu biểu đó, Nhà thờ phái chư tộc Quá Giáng được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích quốc gia vào ngày 01/02/2000. Nguồn: Cục di sản văn hoá

Đà Nẵng 1841 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

LĂNG MỘ ÔNG ÍCH KHIÊM

Mộ Ông Ích Khiêm toạ lạc tại nghĩa trang xã Hòa Thọ, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố 10km về phía tây - nam. Ông Ích Khiêm, tự là Mục Chi, sinh ngày 21/12/1829 tại làng Phong Lệ Bắc, xã Hòa Thọ, huyện Hòa Vang. Ông thi đậu cử nhân năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) và làm quan dưới triều vua Tự Đức. Nổi tiếng là người thông minh, chính trực, là một vị tướng khẳng khái và mưu lược, ông có công trong việc cầm quân bảo vệ Đà Nẵng khi thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược nước ta. Xuất thân từ một gia đình thuần nông, nhưng Ông Ích Khiêm đã sớm bộc lộ tài trí thông minh hơn người. Sau khi đỗ cử nhân vào năm 15 tuổi, ông về làm quan dưới triều vua Tự Đức, giữ chức Tiểu Phủ Sứ, được bổ làm Tri huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Trong sự nghiệp làm quan, ông từng đạt tước vị cao nhất là Tả thị lang Bộ binh. Với tính cách bộc trực, khảng khái và có phần nóng tính, lại sinh vào thời chính trị nhiễu loạn, con đường quan lộ của Ông Ích Khiêm gặp rất nhiều sóng gió, trắc trở. Ông thường đương đầu trực tiếp với bọn cường hào, ác bá, từng bị hại phải cách chức. Khi đó ông trở về quê nhà phát triển nông nghiệp, mua và phát đất cho bà con làm ruộng, hướng dẫn người dân làm đường, đào kênh mương, dẫn nước tưới. Vào năm 1858, khi thực dân Pháp tấn công vào Đà Nẵng và xâm phạm chủ quyền nước ta, nhà vua gọi ông về nhậm chức mới, cầm quân bình định xứ sở. Xuất thân là quan văn nhưng thời thế đã khiến Ông Ích Khiêm trở thành quan võ. Trong quá trình làm tướng, ông nhiều lần bị cách chức rồi lại lập công lớn và phục chức nhờ tài năng quân sự không thể phủ nhận. Tuy nhiên đến năm 1884, khi hay tin vua Tự Đức qua đời, bản thân lại đang bị giam cầm tại nhà ngục Bình Thuận, triều đình rối ren, vị chí sĩ đã quyên sinh, hưởng thọ 55 tuổi. Đầu năm 1885, ông được truy phục hàm Thị độc. Cho đến nay, tài năng, phẩm giá và công lao của Ông Ích Khiêm vẫn lưu trong sử sách và được người đời ghi nhớ, ca tụng. Ông Ích Khiêm mất ngày 19/ 7/ 1884 tại Bình Thuận. Con trai ông là Ông Ích Thiện đã đưa thi hài ông về quê và mai táng tại làng Phong Lệ. Ngôi mộ được xây theo hình bát giác, có chiều dài từ cổng vào là 13,8m; chiều rộng 6,1m; tường bao xung quanh mộ cao 0,72m. Nấm mộ có chiều dài 4,75m; rộng 3,5m; cao 0,35m. Phía trước mộ có nhà bia, bên trong đặt một tấm bia bằng đá cẩm thạch cao 0,83m; rộng 0,54m được trang trí hình rồng, phụng và hoa lá. Mộ Ông Ích Khiêm được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích quốc gia vào ngày 12/7/2001. Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch

Đà Nẵng 2469 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích Thành Điện Hải

Thành Điện Hải (còn gọi là đồn Điện Hải hay Pháo đài phía Tây) nằm giữa trung tâm thành phố, phía Tây sông Hàn, thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng. Vào thế kỷ XIX, Đà Nẵng là cửa ngõ của kinh thành Huế, là hải cảng quan trọng nhất ở miền Trung Việt Nam. Nhưng trước đó, từ thế kỷ XVI, cảng Đà Nẵng đã được thuyền buôn phương Tây chú ý, chính vì thế theo quy định của Triều đình Huế, cảng Đà Nẵng là cửa ngõ duy nhất để thông thương với bên ngoài, vừa để kiểm soát tàu thuyền nước ngoài, vừa tránh sự dòm ngó của người ngoại quốc đối với kinh đô. Với vị trí quan trọng của thương cảng Đà Nẵng, khi vừa lên ngôi (1802) Vua Gia Long (Triều Nguyễn) đã lo tổ chức canh phòng vùng đất này, với việc cho xây dựng nhiều đồn lũy ở bán đảo Sơn Trà và dọc hai bên bờ sông Hàn, ngoài thành Điện Hải, An Hải còn có Trấn Dương Thất Bảo và các đồn lũy khác như Mỹ Thị, Hải Châu, Liên Trì, Phước Ninh, Hóa Khuê… nhưng quan trọng nhất là Thành Điện Hải. Thành Điện Hải nằm ở tả ngạn phía Tây sông Hàn nên người Pháp gọi là Fort de l’,Ouest (Pháo đài phía Tây). Ban đầu nó được Vua Gia Long cho xây dựng bằng đất vào năm 1813, nên được gọi là Bảo Điện Hải, nằm gần cửa biển nên dễ bị hư hại. Đến năm 1823, Vua Minh Mạng chỉ dụ cho xây lại bằng gạch, nên gọi Thành Điện Hải và lùi sâu vào đất liền, nằm trên vùng Trẹm thuộc làng Thạch Thang (như hiện nay), để đảm bảo an toàn và phân công Thái Tương Nguyễn Văn Thành phụ trách việc xây dựng. Thành được xây dựng theo kiểu Vauban - thiết kế của kĩ sư người Pháp Olivier Puymanel (người từng cộng tác với Bá Đa Lộc giúp Gia long trước đây), có hình vuông với bốn gốc lồi hình cung tròn, có độ cao hơn 5m, chu vi 556m, các hào sâu hơn 3m và 2 cửa: một cửa hướng về phía Đông, nhìn xuống sông Hàn; một cửa hướng về phía Nam (cửa chính). Thành có hai lớp tường, cách nhau bởi một hào sâu và thành ngoài cao hơn thành trong. Trong thành ngoài nhà ở của các tướng và binh sĩ còn có kho thuốc súng, kho đạn và vũ khí, kho lương thực, xưởng đúc đại bác và sửa chữa súng bị hỏng, hành cung kỳ đài. Trong thời kỳ này, Thành Điện Hải là một trong những công trình phòng thủ quan trọng nhất ở Đà Nẵng cùng với đồn An Hải bên kia tả ngạn sông Hàn, kiểm soát tàu thuyền vào ra ở cửa biển Đà Nẵng. Sau năm 2004, thành phố Đà Nẵng đã quyết định đầu tư trùng tu, tôn tạo lại Thành Điện Hải với kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa của Thành phố, với việc phục dựng toàn bộ tường thành góc lồi ở phía Tây Bắc, trùng tu tường thành ở phía Bắc và phía Đông, phục dựng lại cửa và hào phía Nam. Bên cạnh đó cũng cho xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng trên Thành Điện Hải, tiến hành xây lại 172,5 m2 tường thành bị sụt lở, nạo vét 1.800 m3 đất ở các hào rãnh bị lấp. Trong quá trình thi công những việc trên đã phát hiện một số khẩu súng thần công còn sót lại. Năm 2010, Bảo tàng Đà Nẵng chính thức khánh thành mở cửa đón khách tham quan. Bảo tàng Đà Nẵng cũng đã trưng bày các khẩu súng thần công được tìm thấy tại Thành Điện Hải trước sân Bảo tàng. Trong những năm qua, tường thành và cổng thành phía Nam cũng như tường thành phía Đông và một phần tường thành phía Bắc đã được phục dựng, chỉ còn tường thành và hào phía Tây đang tiếp giáp với khu dân cư nên chưa thể tu bổ, tôn tạo. Vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã cho chủ trương di dời các hộ dân ở phía Tây thành Điện Hải để trả lại mặt bằng nguyên trạng của di tích, nhằm tiến đến phục hồi, tu bổ và tôn tạo lại toàn bộ di tích Thành Điện Hải trong những năm tới. Với những giá trị đặc biệt trên, Di tích lịch sử Thành Điện Hải đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt ngày 25/12/2017 Nguồn: Cục di sản văn hoá

Đà Nẵng 1837 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Đình Hải Châu

Đình làng Hải Châu được coi là một trong những địa điểm du lịch ở Đà Nẵng được nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm rất nhiều vào mỗi năm. Đình làng Hải Châu được coi là ngôi đình cổ nhất ở thành phố biển Đà Nẵng. Di tích này được nhà nước chính thức công nhận vào năm 2001. Đình làng Hải Châu khi xưa được biết đến với cái tên chùa Phước Hải. Đây là nơi khi mà chúa Nguyễn Phúc Chu vào năm Kỷ Hợi (1719) đã vào Quảng Nam, dừng chân và nghỉ lại tại đây. Dân làng Hải Châu sau đó đã lập bàn thờ vua Nguyễn Phúc Chu tại đây. Đình làng Hải Châu nằm ngay trung tâm thành phố Đà Nẵng về phía tả ngạn sông Hàn (hẻm 48 đường Phan Châu Trinh, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu). Theo gia phả tộc Nguyễn Văn, một trong 43 tộc họ của làng Hải Châu, các bậc Tiền hiền khai khẩn, Hậu tiền khai canh làng Hải Châu vốn có nguồn gốc từ làng Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Trong quá trình theo vua Lê Thánh Tông khai phá đất đai, họ lập nên làng Hải Châu và cư ngụ tại vùng đất này vào cuối thế kỷ 15. Ghi chép của các bậc cao niên cho thấy, vào năm Gia Long thứ 5 (1804), các hương chức làng Hải Châu xin vua Gia Long cho lập đình thờ Thành Hoàng làng và các vị Tiền hiền, Hậu hiền của làng tại khu đất Nghĩa Lợi bên bờ sông Hàn. Đến năm 1858, đình bị hư hại nặng do chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Hai năm sau, nhân dân dựng lại đình tại khu đất nay là Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng (99 đường Hùng Vương). Đến năm 1903, người Pháp chiếm dụng ngôi đình, sử dụng làm nơi điều trị bệnh nhân trong nạn dịch đậu mùa. Một năm sau, ngôi đình được trả lại theo đơn xin của dân làng. Tuy nhiên, nhân dân Hải Châu cho rằng ngôi làng bị ô uế nặng nên làm đơn thỉnh nguyện dâng lên vua Thành Thái xin cho xây dựng lại ngôi đình tại vị trí hiện nay (tổ 3, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) và tồn tại cho đến ngày nay. Đình làng Hải Châu là một trong những di tích lịch sử và văn hóa cấp quốc gia ở Đà Nẵng, là một trong những điểm tham quan Đà Nẵng để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách ghé tới đây. Cổng chính của đình làng này vẫn còn giữ nguyên vẹn 4 chữ “Hải Châu Chính Xã”, được viết toàn bộ bằng chữ Hán. Đình làng Hải Châu là một quần thể kiến trúc, nằm trong một khuôn viên rộng tới 3.500 mét vuông, bao gồm: Đình Hải Châu, Nhà thờ Tiền Hiền, nhà thờ Chu phái tộc và miếu Bà. Phía trước đình làng là một hồ nước nhỏ với hòn non bộ rợp bóng và cây si đã có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi. Nhà thờ bên trái là nhà thờ của gia tộc họ Nguyễn Văn, nhà thờ bên phải là nhà thờ chung bao gồm 42 bài vị của 42 tộc họ, 42 tộc họ này đều đến từ Thanh Hóa, theo chân vua Lê Thánh Tông vào Nam từ năm Tân Mão (1471). Vua Lê Thánh Tông đã lập ra ấp Hàn Giang (ngày ngay là Đà Nẵng) và các tộc họ ấy sống quây quần với nhau trở thành làng Hải Châu, được triều Nguyễn sắc phong là “Chính xã”. Phía bên trong đình, người ta lưu giữ nhiều bức hoành phi, câu đối, liễn đối sơn son thếp vàng được viết hoàn toàn bằng chữ Hán và đã có niên đại lên đến hàng trăm năm. Trong đó, có 9 bức hoành phi và 2 cặp liễn đối được làm bằng gỗ, tất cả được chạm khắc rất đẹp, có giá trị nghệ thuật cao. Trên gác chuông của đình làng Hải Châu, có 1 chiếc chuông được đúc bằng đồng, trên thân chuông có những câu văn, thơ được viết bằng chữ Hán. Những câu văn, thơ này ghi lại những mốc lịch sử hào hùng của ngôi đình. Đại ý của những chữ này như sau: Năm Minh Mạng thứ 5 (1842) đã trùng tu chùa, năm 1825 vua đã ban chỉ sắc tứ cho chùa, đặt chùa mang tên “Chùa Phước Hải”, năm Minh Mạng thứ 13 (1832) nhằm ngày tốt, xã Hải Châu Chánh Đồng tạo lập quả chuông này. Nguồn: Báo điện tử Đà Nẵng

Đà Nẵng 2097 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình làng Đại Nam

Đình Đại Nam (dân địa phương có nơi gọi là Nại Nam) là di tích văn hóa - lịch sử tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng. Với những ai yêu thích khám phá về các giá trị văn hóa cổ xưa thì đây là điểm đến không thể bỏ lỡ khi đến với “thành phố đáng sống”. Đình Đại Nam – ngôi đình có tuổi đời hơn 100 năm, gắn liền với nhiều câu chuyện, sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Ngôi đình được xây dựng từ năm 1905, vào năm 1999, đình Đại Nam ở Đà Nẵng được công nhận là di tích cấp quốc gia. Địa chỉ của di tích này nằm ở địa phận phường Hòa Cường (nay là phường Hòa Cường Bắc) , quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Vào thời gian năm 1946, đình Nại Nam nằm trong làng Hòa Bình (thuộc phạm vi xã Nại Nam). Làng Hoà Bình lúc bấy giờ là nơi cư trú của bà con có quê ở Hoá Sơn và Khuê Trung. Đến năm 1949, làng Hòa Bình sáp nhập vào thành phố Đà Nẵng và được đổi tên thành khu Nam trực thuộc thành phố nơi này(tách khỏi huyện Hoà Vang). Khu Nam gồm có làng Nại Nam, Hòa Bình, Khuê Trung và một phần của xã Liên Trì. Đình hướng về phía Đông Nam, được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu gạch ngói và gỗ, mái lợp ngói âm dương. Đình có sân rộng và tường xây bao bọc, cổng đình có bốn trụ vuông, mỗi trụ cao khoảng 5m. Hai trụ chính giữa tạo lối đi chính vào đình, trên đỉnh trụ có đúc hình hai con lân, hai trụ tả hữu gắn liền với tường thành, đỉnh trụ được tạo hình búp sen. Trên các trụ giữa có cặp câu đối ghép bằng sành sứ. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ác liệt, đình Đại Nam Đà Nẵng là một trong những cơ sở, địa điểm hoạt động của cách mạng. Ngôi đình trở thành căn cứ hoạt động bí mật, giai đoạn năm 1960- 1965, đình là trạm giao liên, liên lạc ra vào thành phố. Rất nhiều những sự kiện lịch sử trọng đại đã được diễn ra tại đây như lễ kết nạp Đảng viên, triển khai lực lượng quân sự, chính trị ở nhiều thời điểm từ năm 1850 – 1975. Theo lịch sử, rất nhiều những anh hùng, chiến sĩ đã sống, chiến đấu hết mình, hy sinh tại địa điểm này. Nguồn: Trang thông tin điện tử Đà Nẵng

Đà Nẵng 2249 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật