Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Hà Nam

Chùa Long Đọi (Đọi Sơn)

Quần thể di tích chùa Đọi Sơn, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, trấn Sơn Nam xưa. Chùa được xây dựng trên đỉnh núi Đọi, trong khuôn viên 2 ha vườn rừng. Theo sử liệu thành văn và các truyền thuyết có liên quan, chùa Đọi Sơn vốn là một am nhỏ tồn tại từ thế kỷ 10 đến 11. Thời kỳ này, chùa gắn với tên tuổi của vị sư Đàm Cứu Chỉ, ông chính là người thay kiến trúc tranh tre, nứa lá của thời trước để xây dựng chùa bằng gạch ngói là vật liệu bền vững hơn. Đến thế kỷ XII, vua Lý Nhân Tông trên đường kinh lý qua đây thấy cảnh sắc còn đó mà chùa đã bị đổ nát nên đã cho xây dựng lại chùa và dựng tháp Sùng Thiện Diên Linh. Công trình bắt đầu xây dựng năm 1118 đến năm 1121 hoàn thành. Từ đó, chùa Đọi Sơn trở thành đại danh lam kiêm hành cung, một trong những trung tâm Phật giáo quan trọng thời Lý với ý nghĩa trấn giữ phía Nam kinh thành Thăng Long. Chùa Đọi Sơn đứng vững hơn 300 năm. Đầu thế kỷ 15, khi giặc Minh xâm lược nước ta, chùa và tháp bị phá hủy hoàn toàn. Đến các triều hậu Lê, nhà Mạc, nhà Nguyễn, chùa Đọi Sơn đã được xây dựng và tu tạo liên tục, dần dần được khôi phục với 125 gian, được xây theo kiểu nội công ngoại quốc gồm có tòa bái đường, thiên hương và thượng điện, hai dãy hành lang hai bên thờ thập bát La hán. Trong kháng chiến chống Pháp, một lần nữa ngôi chùa cổ kính này lại bị tàn phá. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, chính quyền cùng nhân dân địa phương đã tích cực tiến hành trùng tu lại ngôi chùa. Lần sửa chữa lớn vào năm 1958 đã hoàn tất những công trình chính tại đây. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa vẫn giữ được nét cổ kính, linh thiêng, mang đậm phong cách kiến trúc, mỹ thuật thời Lý. Đây là ngôi chùa có lịch sử lâu đời, phản ánh một thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo trong lịch sử dân tộc và là niềm tự hào của người dân nơi đây. Một trong số những hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa nổi bật được lưu giữ tại chùa Đọi Sơn hiện nay chính là tấm bia Sùng Thiện Diên Linh. Tấm bia với nghệ thuật chạm khắc độc đáo chứa đựng nhiều thông tin quý hiếm cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa thời Lý. Đặc biệt, tấm bia Sùng Thiện Diên Linh còn là tấm bia duy nhất cung cấp những thông tin quý hiếm về Hội đèn Quảng Chiếu ở kinh thành Thăng Long, nghệ thuật múa rối nước, nghi lễ phật giáo, việc tu sửa chùa Diên Hựu (chùa Một Cột), quá trình xây dựng tháp Sùng Thiện Diên Linh. Chùa Đọi Sơn cũng là một trong số ít những ngôi chùa hiện nay còn lưu giữ được nhiều hiện vật mỹ thuật thời Lý có giá trị như: Tượng Đà Bảo Như Lai, tượng Kim Cương, tượng đầu người mình chim (kinari) - tác phẩm thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa hai nền kiến trúc nghệ thuật Chămpa và Đại Việt thời Lý. Cùng với các hạng mục kiến trúc và hệ thống hiện vật, đồ thờ tự, chùa Đọi Sơn còn lưu giữ kho tàng di sản Hán Nôm phong phú, đa dạng và rất có giá trị. Đây là nguồn tư liệu quý giá đã đúc kết tinh hoa văn hoá ở nhiều triều đại, từ tri thức dân gian đến tri thức bác học, là tài sản hết sức độc đáo có giá trị vô giá mà ít nơi có được. Với chiều dài lịch sử cùng nhiều biến cố, chùa còn mang đậm giá trị khảo cổ học. Trong hố khai quật nằm giữa hậu cung của chùa và nhà hậu đã tìm thấy nền móng, các vật liệu kiến trúc cùng nhiều hiện vật thời Lý như tiêu bản trang trí, đồ gốm, đồ sành, kim khí. Di tích lịch sử chùa Đọi Sơn thể hiện sự sáng tạo về khoa học xây dựng công trình, sản xuất vật liệu xây dựng cũng như kỹ thuật khai thác, tận dụng điều kiện tự nhiên của các thế hệ cha ông ở các triều đại phong kiến với kỹ thuật xây dựng khéo léo các vật liệu gỗ, đá, gạch tạo nên những công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu trên, ngày 23/12/2017, di tích chùa Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Nguồn: Báo Hà Nam điện tử

Hà Nam 869 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Chùa Bà Đanh

Chùa Bà Đanh- núi Ngọc thuộc địa phận thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chùa Bà Đanh còn có tên chữ là Bảo Sơn tự. Ngoài thờ Phật, chùa Bà Đanh còn tín ngưỡng thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Phong là Thần mây, Thần mưa, Thần sấm, Thần sét) một tín ngưỡng thờ thiên nhiên rất gần gũi với đời sống nông nghiệp ở nước ta. Còn về tên gọi chùa Bà Đanh thì theo truyền thuyết của địa phương, chùa thờ nữ thần linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên được gọi là chùa Đức Bà làng Đanh, gọi tắt là chùa Bà Đanh như tên gọi ngày nay. Đi qua chiếc cầu treo Cấm Sơn khá bề thế bắc qua sông Đáy, vòng lên một đoạn đường đê vắng vẻ, sẽ bắt gặp tấm biển bằng đá ghi “Di tích lịch sử văn hoá chùa Bà Đanh và núi Ngọc". Cổng tam quan của chùa được xây dựng khá uy nghi, hoành tráng. Cổng có ba gian, hai tầng, ở trên là gác chuông, ở dưới là hệ thống cửa gỗ hoa văn đơn giản. Tuy nhiên cổng này chỉ mở khi chùa có đại lễ, những ngày thường du khách phải đi qua hai cổng nhỏ hai bên với mái ngói cong như hình bán nguyệt. Bước qua cánh cửa cổng khép hờ là khuôn viên rộng rãi, lát gạch tinh tươm rất sạch sẽ. Trong khuôn viên chùa có đặt nhiều chậu cây cảnh, giỏ phong lan tạo và đặc biệt là những hàng cau khẳng khiu vươn cao. Cũng giống kiến trúc của nhiều ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ, chùa Bà Đanh là một quần thể kiến trúc liên hoàn gồm nhà bái đường, nhà thượng điện, nhà trung đường, phủ thờ Mẫu, nhà tổ…, ngôi chùa thuộc dòng Phật giáo Đại Thừa này có những nét riêng độc đáo. Trong chùa không chỉ có tượng Phật mà còn có tượng của Đạo giáo như Thái Thượng Lão Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu, các tượng Tam Phủ, Tứ Phủ, Pháp Vũ. Nếu đến thăm quan, vãn cảnh chùa, du khách nên dành thời gian chiêm ngưỡng pho tượng Bà Đanh, được tạc theo tư thế tọa thiền trên chiếc ngai đen bóng với khuôn mặt đẹp, hiền từ, đầy nữ tính, gần gũi và thân thiết. Sự hài hoà giữa pho tượng và chiếc ngai tạo nên vẻ hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc chùa Bà Đanh. Năm 1994, Chùa Bà Đanh đã được Bộ Văn hóa thể thao & Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhiều năm nay, người ta đã không còn thấy cảnh vắng vẻ, hiu quạnh ở ngôi chùa này, câu “vắng như chùa bà Đanh" trước đây giờ đã được cải biên thành: “Ngày xưa vắng ngắt vắng ngơ. Bây giờ tấp nập như chùa Bà Đanh"… Nối giữa chùa Bà Đanh và núi Ngọc là một bãi rộng trồng cây lưu niên, chủ yếu là vải thiều, nhãn, tùy thời vụ có xen cả ngô lúa. Nằm hoàn toàn biệt lập với khu dân cư, trên núi, dưới sông, gần đền, gần chùa, núi Ngọc quả là một thắng cảnh của đất Kim Bảng, một địa điểm du lịch đầy hấp dẫn. Chùa Bà Đanh được biết đến rộng rãi không phài vì ngôi chùa này đông người tìm về hành hương hay đông khách thăm quan du lịch mà di tích này được biết đến bởi câu ví von “Vắng như chùa Bà Đanh". Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Kim Bảng Tỉnh Hà Nam

Hà Nam 1211 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Lũng Xuyên

Đình Lũng Xuyên thuộc thôn Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Đình Lũng Xuyên thờ vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Theo truyền thuyết của người dân địa phương, con sông Châu chảy qua địa phận Lũng Xuyên là con đường thủy mà Lý Thường Kiệt cùng các chiến binh của ông thường qua lại khi đóng quân ở vùng Thịnh Châu hạ và An Xá. Trong các lần tuần binh qua, ông và quân sĩ đã có lần nghỉ tại đây. Xung quanh làng Lũng Xuyên còn thấy có nhiều các gò đống, tương truyền đây là nơi để buộc thuyền chiến và để đồ dùng của các đạo quân do Lý Thường Kiệt chỉ huy. Nhân dân địa phương cho rằng, Lý Thường Kiệt đã từ Thăng Long, theo sông Hồng, vào sông Châu (có nghỉ lại Lũng Xuyên), rồi ra sông Đáy. Hiện nay, tại đình vẫn còn nhiều bài văn tế ca ngợi công lao, nhân đức của Thái úy, ở hai cung còn có hàng chữ khắc trên xà ngang của vì kèo thứ nhất giáp với tiền đường “Phát Tống bình Chiêm, an dân muôn thuở”, chính là để ngợi ca công lao to lớn của ông đối với đất nước. Đình được xây dựng trên mảnh đất rộng, cao ráo, thoáng đãng. Đình quay hướng nam, được kiến trúc theo lối chữ đinh, tiền đường 5 gian, hậu cung 3 gian. Tòa tiền đường dài 17 mét 20, rộng 8 mét 80, mái cong, lợp ngói nam, đứng hàng, thẳng lối, ngói lợp kiểu móng rồng. Mặt tiền của tòa tiền đường là dãy cửa bức bàn, khung được tạo bằng các gờ chỉ, giữa là ván bưng tạo kiểu panô. Hai bên xây bít bằng tường gạch, giữa bức tường có hai cửa sổ. Hai hàng cột trong tòa tiền đường được làm kiểu búp đòng, giữa to hai đầu nhỏ, đặt chân trên tảng đá xanh hình vuông, trên mặt đá tảng nổi gương tròn tương xứng với đường kính của chân cột. Dàn mái còn giữ được một số hoành tròn đường kính 12cm, các lần trùng tu sau này bổ sung nhiều hoành vuông có cạnh 12cm. Hậu cung 3 gian bắt mái với gian giữa của tòa tiền đường, cửa giữa của hậu cung có mảng chạm hai con long mã chầu, mặt hổ phù với chân nắm lấy đầu của hai con long mã. Dưới bức chạm là bức đại tự khắc 4 chữ Hán lớn: "Sơn xuyên chung tú" (sáng đẹp cùng sông núi). Ở sân đình còn có hệ thống cột đồng trụ, gồm có đế trụ đắp theo kiểu thắt cổ bổng, thân cột được đắp gờ nổi ở bốn cạnh, phía trên là đèn lồng và trên cùng là trục đỡ hai quả dành dành lớn. Tiếp đến là tả môn và hữu môn đăng đối, mỗi cửa có 4 mái cong với đầu đao, ngói ống. Trong sân là hai dãy tảo xá, mỗi dãy 3 gian dùng để đón khách trong các kỳ lễ hội. Tại nơi đây, đêm 19 tháng 8 năm 1945 lực lượng chính của đội quân cách mạng giành chính quyền của huyện đã tập trung để chờ lệnh xuất phát. Sáng sớm ngày 20 tháng 8 năm 1945, tại sân đình Lũng Xuyên 3 tiểu đội vũ trang của huyện đã làm lễ tuyên thệ trước lá cờ tổ quốc, sau đó tiến quân theo kế hoạch đã định. Trước đây đình Lũng Xuyên có nhiều đồ thờ tự đẹp. Qua năm tháng chiến tranh, nhiều hiện vật bị mất mát. Hiện nay trong hậu cung chỉ còn cỗ ngai thờ thần hoàng Lý Thường Kiệt là tiêu biểu, ngai cao 1,1m chạm khắc tập trung trên thân và tay ngai. Trong hậu cung còn có chiếc chuông nhỏ cao 50cm, đáy 30cm, quai chuông tạo hình hai đầu rồng một thân. Ngoài ra, đình Lũng Xuyên còn có một bộ tam sự bằng đồng gồm đỉnh hương và hai cây nến. Đỉnh hương cao 50cm, thân hình bầu, có gắn hai quai, 3 chân tạo hình chân ly, nắp tạo hình con nghê đang cười. Những hiện vật trên góp phần tạo nên giá trị văn hóa của đình Lũng Xuyên. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Hà Nam

Hà Nam 1212 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Làng Dâu

Làng Dâu còn gọi làng Mỹ Đôi, thuộc xã An Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. nằm trên địa bàn có bề dày lịch sử. Nơi đây, thờ ba chị em Ả Đào, Nguyễn Phương, Nguyễn Quế chỉ huy nghĩa binh đánh giặc Minh đầu thế kỷ XV. Theo Ngọc phả đình Dâu và truyền thuyết địa phương thì thân phụ của chị em Ả Đào từ vùng Tiên Lữ, Hưng Yên, sang xã Bồ Xá Bình Lục lấy vợ lẽ là Thị Hương và sinh được Ả Đào, Nguyễn Phương, Nguyễn Quế. Hồi đó giặc Minh xâm lược nước ta, sát hại sinh linh, cướp phá tài sản, gây nhiều thảm cảnh ở Trang Cổ Thọ (nay thuộc xã An Mỹ). Trước những hành động bạo ngược của giặc Minh, Ả Đào bàn với hai em và dân làng tìm cách đánh giặc trừ hại cho dân. Nghĩa binh hai làng Bồ Xá, Cổ Thọ quyết định đánh úp căn cứ giặc Minh. Vào lúc nửa đêm ngày 14 tháng 2, Ả Đào chia quân làm ba đạo, phối kết hợp với dân làng Cổ Thọ tập kích phá đồn giặc. Trước giờ xuất phát, nghĩa quân lấy bánh dầy làm lương ăn, lấy mía thay nước và tuyệt đối không dùng lửa. Trận tập kích phá đồn giặc thành công. Nhân dân cổ Thọ được giải phóng, lấy lại sự thanh bình cho làng quê. Để ghi nhớ công ơn những người anh hùng cứu dân, cứu nước, nhân dân địa phương đã thiết lập đền thờ trên các đường tiến quân. Do vậy mà làng Dâu có ba ngôi đền nhỏ ở ba phía, mỗi đền thờ một vị tướng như Ả Đào tiên chúa, Nguyễn Phương đại vương, Nguyễn Quế đại vương. Nhân dân làng Dâu còn xây dựng ngôi đình to lớn mái cong, với sự gia công nghệ thuật điêu khắc công phu để làm nơi cộng đồng thờ chung các vị và qua nhiều thời đại, đều được Sắc phong với lời lẽ tốt đẹp. Điều đặc biệt là lệ làng lấy ngày 15 tháng 2 để trình diễn , “Phá đồn minh binh, diễn khai sự tích", (mở cuộc thao diễn sự tích đánh đồn giặc Minh). Ngoài truyền thuyết trên, đình làng Dâu còn thờ hai vị Tiến sĩ là Bùi Công Bang và Bùi Công Minh. Hai vị tiến sĩ thời nhà Lê đã làm rạng danh và là biểu tượng của sự hiếu học của nhân dân làng Dâu. Trong thời đại Hồ Chí Minh, làng Dâu cũng là một “địa chỉ đỏ”, nơi viết nên những trang sử hào hùng của Đảng bộ và nhân dân huyện Bình Lục. Năm 1930, chi bộ Đảng xã Mỹ Thọ được chính thức thành lập tại khu miếu trong quần thể di tích đình làng Dâu; khởi phát cho phong trào đấu tranh kiên cường chống sự đô hộ của thực dân Pháp. Đình làng Dâu và những đảng viên ưu tú của quê hương đã che chở, bao bọc cho nhiều chiến sĩ cách mạng tiền bối như đồng chí Hoàng Quốc Việt (Xứ ủy Bắc Kỳ), đồng chí Trần Tử Bình, Phạm Mộng Sách, Cả Tất... khi các đồng chí này về lãnh đạo phong trào cách mạng ở Hà Nam. Những năm 1950-1954, nhiều lần du kích làng Dâu đã bao vây, tấn công vị trí địch trên Đường 21, cũng như các đồn bốt xung quanh. Tháng 3-1954, Đại đội 37 của tỉnh Hà Nam và Đại đội 60 của huyện Bình Lục đã đánh tập kích tiểu đoàn 9 của Pháp, gây cho chúng nhiều tổn thất. Với những giá trị lịch sử, văn hóa của đình làng Dâu và sự lan tỏa của nó đến truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng của nhân dân địa phương, Nhà nước đã có quyết định công nhận đình làng Dâu là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Bình Lục Tỉnh Hà Nam

Hà Nam 1366 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền thờ tổ Quốc Công Trần Như Lân

Từ đường ( nhà thờ ) Lương Quận Công Trần Như Lân ở thôn Thượng Lang xã Ngọc Lũ, Bình Lục, Hà Nam. Nhà thờ này được con, cháu, chắt trong dòng họ xây dựng vào năm Chính Hòa thứ 2 (1681) sau 46 năm khi Quận Công Trần Như Lân qua đời. Ngôi nhà 5 gian làm toàn bằng gỗ lim, mỗi vì kèo có 4 cột, cột cái có đường kính trên 30cm, tất cả các thân cột đều đặt trên các chân tảng bằng đá xanh, 3 mặt nhà thờ xây tường gạch, đằng trước là hệ thống cửa gỗ lim chạy suốt 5 gian có thể tháo lắp dễ dàng, mặt ngoài hai đầu hồi phía trên đắp hổ phù, đằng trước nằm sát phía đầu hồi là hai cột đồng trụ, tạo cho ngôi nhà thêm khang trang bề thế. Tất cả đều lợp bằng ngói nam. Bờ nóc phía hai đầu hồi đắp 2 con kim. Những biểu tượng này dễ cho mọi người thấy những nhân vật được thờ ở đây mang nhiều chất võ công hơn là văn trị. Tại nhà thờ Quận công còn có nhiều đồ thờ phong phú đa dạng bao gồm nhiều loại chất liệu như gỗ, kim loại quý, gốm sứ, đá, vải... Tất cả các đồ thờ bằng gỗ đều được sơn son thiếp vàng, ánh màu rực rỡ. Đặc biệt tại đây còn lưu giữ được 15 đạo sắc phong từ thời Hậu Lê. Đạo sắc sớm nhất là ngày 05-12-1769 (năm Vĩnh Tộ thứ 5). Phong chức Quận công tả đô đốc thiểu bảo, kiệt tiết công thần thượng trụ quốc Trần Như Lân. Đạo sắc phong cuối cùng cho Trần Như Tiệp (đời thứ 7 của dòng họ Trần Như Lân ngày 19-7-1769) năm Cảnh Hưng thứ 30). Tại nhà thờ còn có các văn bia, gia phả cách đây hơn 300 năm giúp nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử một thời đã qua của quê hương đất nước. Qua các tài liệu còn lưu giữ và truyền thuyết trong vùng kể lại: Trần Như Lân sinh năm 1563 tại lang Kim Lũ (nay là xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục) trong một gia đình nông dân nghèo. Bố đẻ mất sớm sống trong cảnh mẹ góa con côi, ông sớm có ý thức tự chủ để gánh vác mọi công việc của gia đình do người cha để lại. Từ các việc chăn trâu, kiếm củi làm thuê ông đều không quản ngại. Ông còn ham luyện tập võ nghệ và học hỏi nên đã giúp cho mình có trí rộng tài cao và sức khỏe phi thường. Trong lúc này tình hình đất nước rối ren, phân chia, lòng người ly tán, dân chúng lầm than bởi cuộc nội chiến liên miên. Vốn tính cứng rắn phong độ oai hùng Trần Như Lân đã hết lòng phò vua giúp nước an dân. Việc gì được giao cũng hoàn thành. Đối với quê hương, Trần Như Lân và con cháu của người luôn mong muốn cho quê nhà đổi thay đi lên. ông và mọi người đã giúp để sửa chữa đình làng, chùa thờ phật, cải tạo mở rộng chợ Kim Lũ (Chợ Chủ) ông còn đắp đường xây cầu cống, lập bến đò cho nhân dân tiện đi lại, khuyến khích nhân dân khai phá đất hoang để cải thiện đời sống, mua thêm đất cho dân làng cày cấy để lo việc chung. Đặt tên cho một số xóm và cánh đồng của làng xã. Tổ chức một số sinh hoạt thường niên của làng. Từ những đóng góp thiết thực cho quê hương ông đã được nhân dân địa phương tôn kính và suy tôn làm phục thần làng ngay khi ông còn sống. Sau khi ông mất, hàng năm xuân thu, nhị kỳ khi làng mở hội, ông còn được hưởng tế lễ ở đình làng. Hiện tại chùa Ngọc Lũ còn có nhiều tượng các vị bồ hậu là các bậc phu nhân của dòng họ Trần Như do có nhiều đóng góp tiền bạc, ruộng đất trong các đợt tu sửa chùa nên được tạc tượng để thờ ( Có 6 pho tượng nữ). Từ đường Lương Quận Công Trần Như Lân được xếp hạng di tích Lịch sử cấp quốc gia ngày 16/01/1995. Nguồn: Lịch Sử Họ Trần Như

Hà Nam 1368 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình và Chùa Cổ Viễn

Đình và chùa Cổ Viễn thuộc xã Hưng Công, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Đình Cổ Viễn là công trình kiến trúc quy mô gồm 4 toà làm theo lối nội đinh, ngoại quốc. Mặc dù đã nhiều lần tu sửa, tôn tạo nhưng di tích vẫn bảo lưu được đường nét nghệ thuật của hai thế kỷ 17 và 18. Ngoài việc tạo độ bền vững chắc chắn, các cấu kiện kiến trúc trên công trình còn được đục chạm nhiều đề tài sinh động mang đậm phong cách điêu khắc của thời Hậu Lê như rồng chầu, phượng múa, lá lật hóa long, vân ám, lá hỏa. Cùng với vẻ đẹp về kiến trúc đình Cổ Viễn còn gìn giữ được một số đồ thờ có giá trị nghệ thuật. Đó là chiếc án thư khá lớn kê ở gian giữa tiền đường có dáng dấp độc đáo, bố cục họa tiết hợp lý, trang trí nhiều đề tài dân gian với những đường đục chạm, nhấn tỉa mạch lạc. Tại chính tẩm đình có một ngai thờ là tác phẩm nghệ thuật của thời Hậu Lê. Ngoài việc trang trí nhiều đề tài, họa tiết với kỹ thuật đục bong chạm lộng công phu, ngai thờ còn được phủ một lớp vàng son lộng lẫy góp phần làm tăng thêm không khí trang nghiêm nơi thờ tự. Chùa Cổ Viễn nằm liền sát với đình Cổ Viễn, tên chữ là “Linh Quang Tự” (chùa Linh Quang). Công trình gồm 2 tòa chính, 8 gian thiết kế kiểu chữ đinh, mái phẳng lợp ngói nam. Ngoài ra đằng sau còn có nhà tổ 5 gian, phía tây là phủ thờ 5 gian kiến trúc kiểu tiền đao, hậu đốc. Theo truyền thuyết địa phương thì chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Tuy nhiên do thời gian và ảnh hưởng của điều kiện thiên nhiên, chiến tranh, chùa Cổ Viễn đã nhiều lần tu sửa, hiện nay kiến trúc của công trình hoàn toàn mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Căn cứ vào cuốn, Địa dư huyện Bình Lục thì đình Cổ Viễn là nơi thờ Nguyễn Hoằng tướng thời Hùng Duệ Vương. Nguyễn Hoằng là người tinh thông văn võ từ thuở nhỏ nên đến tuổi trưởng thành Nguyễn Hoằng được Tản Viên Sơn thánh tiến cử vào triều. Được phong chức , Dũng lược tướng quân, ông thường hộ giá nhà vua đi chu du khắp nơi. Một lần qua trang Cổ Viễn thấy dân ở đây hiền lành, chất phát ông liền cho lập hành cung làm nơi đi lại nghỉ ngơi. Khi giặc Thục đem quân quấy phá, Nguyễn Hoằng đã động viên được 28 người trang Cổ Viễn theo ông lên đường đánh giặc. Kháng chiến thắng lợi ông được triều đình phong tặng là “Hùng lược cao Huân Hồng Liệt đại vương”, cho thực ấp ở phủ Thiên Trường và miễn trừ sưu dịch cho dân làng Cổ Viễn. Sau khi Nguyễn Hoằng qua đời, để ghi nhớ công lao của ông, nhân dân trang Cổ Viễn đã lập đình thờ tôn làm thành hoàng muôn đời hương khói phụng thờ. Cũng theo ngọc phả hiện đang lưu giữ tại di tích thì ngoài việc thờ phật theo phái Đại thừa, chùa Cổ Viễn còn thờ Phạm Công chúa là con của vua Lý Thánh Tông và Ỷ Lan phu nhân. Phạm Công chúa là người tài sắc nết na nhưng khi đến tuổi trăng tròn lại không hề nghĩ đến chuyện nhân duyên mà chỉ xin vua cha cho lập cung riêng ở làng Gia Quất để khuyên dân cày cấy làm ăn và cứu giúp những người nghèo đói, bệnh tật. Ngoài việc thờ tự đình chùa Cổ Viễn còn đóng góp nhiều công lao cho cách mạng, kháng chiến giải phóng quê hương đất nước. Khu di tích là cơ sở tin cậy nuôi dưỡng bảo vệ cán bộ Xứ uỷ, Liên tỉnh uỷ C, Tỉnh uỷ Hà Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đình chùa Cổ Viễn còn là nơi cất giấu tài liệu và địa điểm tập trung lực lượng của dân quân du kích địa phương đánh trả những cuộc càn quét của địch vào thôn xóm. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Bình Lục Tỉnh Hà Nam

Hà Nam 1281 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến

Từ đường Nguyễn Khuyến nằm ở làng Vị Hạ, xã Trung Lương (xưa là xã Yên Đổ), huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Khu Từ đường Nguyễn Khuyến được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991. Nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835 – 1909), tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu là Quế Sơn, tự Miễu Chi, sinh ngày 15/2/1835, tại quê ngoại làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Quê nội ông ở làng Vị Hạ (tục gọi làng Và), xã Yên Đổ, nay là xã Trung Lương, huyện Bình Lục. Năm 1864, Nguyễn Khuyến đỗ đầu khoa thi Hương, đến năm 1871 ông liên tiếp đỗ đầu thi Hội, thi Đình. Vì đỗ đầu cả ba kỳ thi nên đương thời gọi ông là “Tam Nguyên Yên Đổ”. Năm 1873, ông được bổ chức Đốc học Thanh Hóa rồi thăng lên Án sát tỉnh Thanh Hóa. Năm 1883 ông được cử là Phó sứ đoàn đi sứ nhà Thanh. Làm quan từ năm 1871 đến năm 1884 thì ông cáo quan về nghỉ tại quê nhà khi 50 tuổi. Với hơn 800 tác phẩm viết bằng chữ Nôm, chữ Hán ở nhiều thể loại như: Thơ, văn, câu đối… Đặc biệt là chùm 3 bài thơ: Thu Điếu, Thu Ẩm, Thu Vịnh, thấm đẫm hồn Việt, đưa ông lên vị trí hàng đầu “Nhà thơ làng cảnh Việt Nam”. Đây là ngôi nhà cổ - nơi nhà thơ từng sinh sống thời khoa cử và những tháng năm tuổi già sau khi cáo lão, từ quan. Không chỉ là nơi thờ tự, từ đường còn lưu giữ nhiều kỷ vật gắn bó mật thiết với cuộc đời nhà thơ: 2 hòm sách, 2 ống quyển, 2 biển “Ân tứ vinh quy” vua ban cho ông nghè Nguyễn Khuyến, tấm ảnh ông chụp lúc sinh thời, câu đối của Tổng đốc Ninh - Thái Bùi Ước mừng vào mùa thu năm1872; bài thơ của tiến sỹ Dương Khuê tặng năm 1871, được khắc trên bức cuốn thư… Cổng vào Từ đường được xây bằng gạch nhỏ (đã được sơn lại) phía trên có 3 chữ lớn “Môn tử môn” (cửa ra vào của học trò). Hai bên cổng là đôi câu đối đắp nổi, chữ hán nhấn vào vữa. Bậc thềm được xây dật ba cấp cao 0,40m. Khu nhà tế đường có 7 gian. Bẩy gian nhà này, ba gian giữa để tiếp khách, mỗi đầu hồi hai gian được ngăn ra bằng gỗ để làm buồng. Mấy gian nhà này làm theo kiểu vì kèo giá chiêng, cột có đường kính 0,35m, điêu khắc mang phong cách thời Nguyễn đơn giản. Qua một sân gạch rộng 0,35m hai đầu hồi xây tường gạch là đến nhà thứ hai. Trong sân về phía giáp tường có một số bồn xây để trồng hoa và cây cảnh. Nhà thứ hai hiện nay là Từ đường Nguyễn Khuyến. Ngôi nhà gồm ba gian, bốn hàng cột, đường kính cột là 0,25m, kiểu vì chèo giá chiêng chồng rường. Hai đầu hồi và tường sau được xây tường gạch, còn đằng trước là dãy cửa bức bàn bằng gỗ, mỗi gian có bốn cánh cửa. Cửa này mỗi khi có việc có thể tháo ra toàn bộ làm cho lòng nhà thoáng đãng, sáng sủa, không gian mở rộng thêm. Trong nhà trạm khắc không cầu kỳ. Ngoài một số hình lá lật, một vài chữ triện đơn giản, kỹ thuật ở đây chủ yếu là ghép mộng, ngang bằng sổ ngay dứt khoát, kết cấu với nhau chặt chẽ. Tấm ảnh Nguyễn Khuyến đầu đội khăn lượt mặc áo dài, tay nâng chiếc chén hạt mít, chụp lúc sinh thời được đặt trang trọng trong Từ đường. Nguồn: Báo Hà Nam Điện Tử

Hà Nam 1443 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

ĐÌNH CÔNG ĐỒNG AN THÁI

Đình Công Đồng ở làng An Thái, Thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Theo sử sách ghi lại, thôn An Thái có 3 ngôi đình cổ thờ 3 anh em Hoàng Công, Huy Công và Đô Công. Sinh thời, 3 anh em trên đường đi đánh giặc Ngô Hoàng, khi qua An Thái thấy vùng đất có địa thế hiểm yếu, nhân dân thuần hậu nên hạ lệnh đóng quân đào đắp hào lũy. Không chỉ đánh tan giặc Ngô Hoàng, 3 ông còn lập nhiều chiến công lừng lẫy, đánh đuổi giặc Ân, cùng với Thánh Gióng thoát tục, cưỡi mây bay về trời. Tưởng nhớ công trạng của các vị Thánh nhân, người dân đã tôn thờ, lập vị thành hoàng làng, quanh năm hương khói thờ phụng. Hàng năm, tổ chức lễ hội để tôn vinh công đức các vị thánh nhân, nhắc nhớ con cháu trong làng gìn giữ truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, đoàn kết và sẻ chia cùng nhau xây dựng xã tắc vững bền. Lễ hội chính thức diễn ra từ ngày 10/2 âm lịch, kết thúc ngày 12/2 với các nghi thức tế lễ, rước thánh truyền thống từ đình Công Đồng đến đình Thánh Cả. Một trong những nghi thức quan trọng và mang đậm bản sắc văn hóa ở lễ hội đình Công Đồng làng An Thái chính là rước kiệu thánh. Các đoàn múa rồng, múa sư tử, các đội tế lễ, lực lượng nghinh kiệu, phù giá đều trong trang phục chỉnh tề theo quy định để rước kiệu từ đình Công Đồng đến đình Đệ Tam, về đình Thánh Cả làm lễ cáo yết. Trong đoàn rước, lực lượng phù giá kiệu là lực lượng chấp hành tuyệt đối các quy định của làng. Mặc dù ai cũng có thể làm phu kiệu, kể cả những người con xa quê nhưng đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn: Nam từ 20 đến 50 tuổi, nữ từ 18 đến 25 tuổi khỏe mạnh, sạch sẽ, không có tang trở. Tất cả phải chay tịnh trong 10 ngày trước khi vào lễ hội. Trang phục phù giá, nhân dân tự túc may sắm nhưng phải đúng kiểu. Nam thì quần trắng, áo the màu, thắt lưng đỏ, đi giày, đầu đội khăn xếp. Nữ thì đầu tóc gọn gàng, áo dài màu, quần trắng, thắt lưng hồng, đi giày. Kể cả nam nữ cầm bát biểu, kiếm hầu, phu kiệu đều ăn mặc như trên. Riêng mỗi kiệu, người cầm cờ lệch là mặc quần áo tế. Tất cả mọi người tham gia đám rước đều vừa hóa thân, vừa nhập thân, mong cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh, phúc lộc đề đa. Ngày 02/3/1990, Đình Công Đồng Thôn An Thái, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam được xếp hạng là di tích Lịch sử cấp quốc gia. Nguồn: Báo Hà Nam Điện Tử

Hà Nam 1264 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Triều Hội

Đình Triều Hội thuộc xã Bồ Đề, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam là nơi thờ cúng hai vị thành hoàng làng. Một vị là Cao Mang tôn thần, tướng tài nhà Trần và một vị là Trần Xuân Vinh đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ được làm quan dưới triều vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức. Thần phả của hai vị thần nay đã thất lạc, song dân làng vẫn truyền tụng câu chuyện kỳ lạ về vị tiến sĩ đời Lê Trần Xuân Vinh. Truyền thuyết kể lại rằng, sau khi đỗ tiến sĩ, trên đường về thăm quê bằng đường sông Châu, thuyền của ông và cha mẹ ông đều bị lật, cả nhà bị chết đuối, xác ông trôi vào Bãi Nhót. Dân lập một ngôi miếu nhỏ để thờ ông. Ngôi miếu rất linh thiêng nên dân làng đã xin chân nhang về lập đình thờ ông làm thành hoàng. Như vậy, theo truyền thuyết và theo suy luận logic thì vị thần Cao Mang đời Trần chắc đã được thờ từ trước, sau khi có miếu thờ vị tiến sĩ triều Lê thì lập đình cùng phối tự hai vị thần này. Đình Triều Hội được kiến trúc theo kiểu chữ tam: tiền đường năm gian, cung đệ nhị năm gian và chính tẩm ba gian. Ngôi đình đã được tu bổ nhiều lần và trên thượng lương có ghi một lần tu sửa vào niên hiệu Thiệu Trị thứ sáu. Tiền đường năm gian, được lợp bằng ngói nam, bờ nóc được đắp lưỡng long chầu nguyệt. Bộ khung cửa đình được dựng bằng gỗ lim. Nền nhà được lát bằng gạch chỉ soi ống tơ đúng với phong cách cổ kính của đình làng Việt Nam. Bộ cửa được làm theo kiểu bức bàn, trên song dưới lùa. Cung đệ nhị được sửa chữa nhiều lần, chạm khắc chỉ còn lại trên các câu đầu, xà nách 4 kẻ với các mô típ hoa văn cách điệu đơn giản. Chính tẩm 3 gian được thiết kế bằng gỗ lim như tòa tiền đường tuy chạm khắc ở đây không cầu kỳ bằng. Đình Triều Hội được xếp hạng di tích lịch sử vì nơi đây đã diễn ra cuộc biểu tình tuần hành thị uy của nông dân trong vùng vào ngày 20/10/1930. Cuộc tuần hành này nhằm phát động quần chúng đấu tranh đòi bãi bỏ hội đồng cải lương, đòi giảm sưu thuế, ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh và cuộc đấu tranh của nông dân Tiền Hải, Thái Bình. Xã Bồ Đề được chọn làm địa điểm cuộc biểu tình đó vì Tỉnh ủy Hà Nam nhận định, nơi đây chẳng những phong trào vững mà còn là nơi tiếp giáp 3 huyện Bình Lục, Lý Nhân, Mỹ Lộc nên có thể tập trung phát huy thanh thế. Thời gian của cuộc biểu tình được ấn định vào ngày 20/10 vì đó là phiên chính của 3 chợ Bồ Đề, Thành Thị và An Ninh. Đúng 7 giờ sáng, tiếng trống ở đình Triều Hội vang lên, cờ đỏ búa liềm tung bay, những người tham gia biểu tình đóng giả người đi chợ bắt đầu đứng vào hàng ngũ. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Hà Nam và Huyện ủy Bình Lục, đoàn biểu tình đi đến những điểm quy định như Điếm Tống, chợ Đồn (An Ninh), Ba Hàng (Thành Thị), vừa đi vừa diễn thuyết, phát truyền đơn kêu gọi mọi người vùng dậy đấu tranh chống đề quốc phong kiến, chống khủng bố đánh đập, ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đoàn biểu tình ngày một đông, xuất phát từ chợ Bồ Đề 300 người đến chợ Vạc (An Ninh) đã lên tới hàng nghìn người. Trước khí thế cách mạng ngùn ngụt của cuộc biểu tình, bọn địa chủ, cường hào, tay sai của thực dân Pháp rất hoảng sợ. Đến 12 giờ trưa, các đồng chí lãnh đạo quyết định làm mít tinh tại chợ Vọc rồi giải tán. Cuộc biểu tính thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi của cuộc biểu tình là thắng lợi chính trị quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến phong trào đấu tranh chính trị trong tỉnh và trong cả nước. Sự kiện này đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lấy là một chứng minh về tinh thần và khả năng cách mạng của nông dân Việt Nam trong thư báo cáo với Quốc tế nông dân ngày 5 tháng 11 năm 1931. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Hà Nam

Hà Nam 1238 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền thờ nữ tướng Lê Chân

Theo sử sách ghi lại Nữ tướng Lê Chân sinh ngày mùng 8 tháng 2 năm 20 đầu Công nguyên. Bà sinh ở miền biển Quảng Ninh; lập trang ấp, rèn quân binh tại thành phố biển Hải Phòng nhưng lại tuẫn tiết ở miền núi vùng Lạt Sơn (nay là thôn Hồng Sơn, Kim Bảng, Hà Nam). Mang mối thù nhà, nợ nước, nghe lời truyền hịch cứu nước của Trưng Nữ Vương, Lê Chân đã đem nghĩa quân theo Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Hán. Núi Giát Dâu là ngọn núi cao nhất vùng Lạt Sơn, nơi đây ngày 13 tháng 7 năm 43, không địch lại giặc Hán, nữ tướng đã tuẫn tiết gieo mình từ trên đỉnh núi xuống thung lũng. Nhân dân trong vùng tưởng nhớ lập bàn thờ dưới chân núi, xây dựng chùa và đền thờ bà, nơi này vẫn còn dấu tích trong rừng Lạt Sơn. Đền Lê Chân hiện nay nằm trên Đường Lê Chân, thôn Hồng Sơn, mặt chính điện quay hướng Nam. Trước cửa đền ngày trước là sông Ngân – chi lưu của sông Đáy, phía sau đền gối vào đồi Ông Tượng. Tổng thể kiến trúc khu đền gồm: Đền chính, phủ bóng, động Sơn trang, nhà khách và các công trình phụ trợ tạo thành một quần thể khép kín với diện tích trên 4.000m2. Trên sân, trước cửa đền tượng nữ tướng đứng oai nghiêm, tuốt kiếm hướng mặt về căn cứ địa xưa. Bức tượng được dựng trước khi xây lại đền (năm 2006) và được phỏng tác theo mẫu tượng nữ tướng ở đền Thủy An (Quảng Ninh) là nơi sinh của bà. Lễ hội lớn nhất được diễn ra tại đền thờ là vào ngày 13/7 âm lịch hàng năm( ngày hóa nữ tướng). Người dân sẽ tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao của nữ tướng, đồng thời cầu cho người dân đi rừng, làm nương thuận lợi… Từ ngày 11/7 dân làng đã bắt đầu chuẩn bị làm lễ cáo yết ở đền, xin phép mở hội. Vào dịp lễ hội, đền đón tiếp rất nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh về đền tế lễ. Ngày hội chính 13 tháng 7. Sáng sớm, dân làng và du khách đã về tập trung tại đền để làm lễ rước kiệu vào đình làng. Nguồn: Báo Hà Nam điện tử

Hà Nam 1274 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích Lịch sử Căn cứ địa Lạt Sơn

Căn cứ địa Lạt Sơn - nơi mà Nữ tướng Lê Chân lập căn cứ và hy sinh trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào mùa Xuân Canh Tý năm 40 (sau Công nguyên). Đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nhân dân Âu Lạc chống lại thế lực phong kiến Đông Hán phương Bắc. Khởi nghĩa giành thắng lợi, Trưng Trắc xưng vương, phong Lê Chân là “Thánh Chân công chúa” giao nhiệm vụ: “Chưởng quản binh quyền nội bộ” đóng bản doanh ở trung tâm Giao Chỉ để coi giữ vùng biển phía Đông (Đông Bắc nước ta). Thời gian sau, nhà Đông Hán lại sai Mã Viện mang quân quay trở lại xâm lược ta, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng bị thất bại, Lê Chân đã bí mật đưa đoàn quân của mình tới hoạt động tại vùng Hải Phòng (Kiến An) - Hải Dương - Thái Bình - Hà Nam ngày nay. Khi cuộc chiến chống quân xâm lược Đông Hán rơi vào thế nguy cấp, Nữ tướng Lê Chân tiếp tục cùng thủy binh xuôi về nam đồng bằng sông Hồng và chọn vùng rừng núi hiểm trở Lạt Sơn (Kim Bảng, Hà Nam) để làm căn cứ phòng thủ chặn quân Đông Hán. Sở dĩ Lê Chân chọn Lạt Sơn làm căn cứ địa vì nơi đây có vị trí hiểm yếu, lưng tựa vào dãy núi hình cánh cung ở phía Tây chạy từ Bắc xuống Nam; trước mặt, phía Đông là sông Đáy, sông Ngân như hai hào nước. Địa hình căn cứ tiến có thể đánh, lui có thể giữ, đầu cuối hô ứng lẫn nhau. Trận địa phòng thủ được xây dựng ở các thung lũng trước núi, ở các hang động và các đồi đất lẫn đá kéo dài khoảng 7 km từ Bắc xuống Nam. Đầu căn cứ ở phía Bắc, đặt tiền đồn ở thung Mộc Bài, nơi đây bố trí đội quân tiên phong chặn mũi tiến công đầu tiên của quân thù... phía sau Mộc Bài là đồi Dốc Voi Trượt nơi bố trí đội tượng binh. Tiếp xuống phía Nam, lần lượt là thung Hóc Bạc có kho lương thực, hậu cần; thung Bể (hay còn gọi là thung Mơ), thung Dâu nơi đóng đại quân. Hang Diêm trên sườn núi phía Nam thung Bể là nơi đặt tổng hành dinh. Phía Tây thung Dâu là núi Thượi (cao khoảng 225m), nơi đặt vọng gác, quan sát được toàn bộ căn cứ. Gần núi Thượi có đồi Điểm quân, có lẽ là địa điểm tập hợp, kiểm đếm số lượng binh sĩ. Sau Thung Dâu là hai thung Đội Nhất, Đội Nhì, nơi trú đóng của hai đội quân, thung Đồng Loạn gần địa điểm Giát Dâu, nơi diễn ra trận quyết chiến ác liệt nhất giữa nghĩa quân và quân xâm lược. Đồi Ông Tượng, điểm đầu căn cứ cách không xa sông Ngân về phía Tây. Một số địa danh trong khu căn cứ như đồi Dướn, Non Tiên, thung Thùng Chạ, đặc biệt hồ Trứng rộng mấy chục mẫu. Khi Mã Viện đưa quân đến vây hãm, mở nhiều trận tấn công. Nữ tướng Lê Chân tổ chức kháng cự cả trong các thung và trên dòng sông Ngân. Các trận đánh ác liệt diễn ra, quân ta chiến đấu kiên cường. Quân giặc nhanh chóng phá vỡ tiền đồn Mộc Bài, tràn vào thung Hiên, thung Bể, dồn nghĩa quân về Đồng Gơ. Trận huyết chiến ác liệt cuối cùng diễn ra ở thung Đồng Loạn. Do không đủ lực lượng đánh bại quân thù, nữ tướng Lê Chân cùng tướng tâm phúc rút lên núi Giát Dâu. Từ đỉnh núi cao, sườn dốc đứng, Nữ tướng Lê Chân gieo mình tự vẫn để khỏi phải sa vào tay giặc. Tướng tâm phúc đã mai táng Nữ tướng Lê Chân ở một hang động trong căn cứ Lạt Sơn. Sau này, để khắc ghi, tưởng nhớ công lao to lớn của Nữ tướng Lê Chân, người dân Thanh Sơn đã thành kính tôn vinh Bà với danh hiệu cao quý: “Đức Thánh Mẫu”, đồng thời tạc tượng và lập đền thờ ở cửa rừng, trên đồi Ông Tượng. Gần 2000 năm đã trôi qua, song những tên đất, tên núi, tên sông, di tích, di vật tồn tại nơi đây vẫn còn đó, gợi nhắc cho các thế hệ hôm nay về địa danh lịch sử gắn truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa kể trên, vùng căn cứ địa Lạt Sơn (với 3 địa điểm tiêu biểu: Đền Lê Chân, Động Thánh Chân, núi Giát Dâu) - vừa là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử, vừa là nơi thờ phụng, tôn vinh công lao của Nữ tướng Lê Chân đối với vùng đất này, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 2023. Nguồn: Báo Hà Nam Điện Tử

Hà Nam 1405 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật