Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Hải Dương

Đình Chí Linh

Đình Chí Linh nằm ở thôn Chí Linh, xã Nhân Huệ, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Căn cứ vào “Thần tích bi ký” khắc dựng năm Tự Đức 20 (1867) hiện còn lưu giữ tại đây cho biết rằng, đình Chí Linh thờ 3 vị Thành hoàng làng gồm: Cao Sơn Quốc Trạng Đại Vương (tức Cao Hiển, Thánh Cả); Đương Cảnh Thành Hoàng Quảng Bác Đại Vương (tức Phạm Cường, Thánh Hai); Đương Cảnh Thành Hoàng Hùng Duệ Đại Vương (tức Phạm Úy – Thánh Ba) Theo thần tích, Cao Sơn Quốc trạng Đại Vương là nội tộc Tản viên Quốc vương thứ hai thời Hùng Vương thứ 18 tên là Cao Hiển tinh thông văn võ, đã “âm phù” giúp vua Lý Thái Tông đánh giặc cứu nước. Cao Sơn Đại Vương hóa thân thành một vị tướng tài của vua Lý cầm quân đi đánh giặc. Đến Ba Gia Trang, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương gặp 2 anh em sinh đôi, người bản trang là Phạm Cường, Phạm Úy là con ông bà Phạm Chân và Đào Thị Quý. Thấy hai anh em Phạm Cường, Phạm Úy văn võ song toàn, tài năng xuất chúng, Hiển Công liền chiêu mộ làm bộ tướng của mình. Sau khi đánh trận bến Động (nay là Bình Than – Lục Đầu) giành chiến thắng trở về, qua Ba Gia Trang khao quân, Hiển Công và 2 bộ tướng Phạm Cường, Phạm Úy hóa cùng một ngày. Ghi nhớ công ơn của 3 vị tướng tài, vua Lý Thái Tông xuống chiếu cử hành tang lễ trang trọng và cho dân sở tại lập miếu để phụng thờ. Đình Chí Linh được xây dựng vào khoảng thời Hậu Lê (Thế kỷ18), được trùng tu và tôn tạo vào thời Nguyễn qua các năm 1848, 1856, 1859, 1867, 1911. Kiến trúc ban đầu theo kiểu chữ “Đinh” gồm 5 gian Đại bái và 3 gian Hậu cung xây theo hướng tây. Đến năm Khải Định nguyên niên (1916) nhân dân tiếp tục xây thêm 5 gian tiền tế và hai giải vũ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong những ngày lễ hội. Trải qua nhiều biến động lịch sử, đình Chí Linh đến nay còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý như bộ tượng “Tam vị thành hoàng” từ thời Nguyễn, 9 đạo sắc phong từ thời vua Thành Thái đến vua Khải Định, 16 tấm bia công đức từ thế kỷ 18, 19… Đình tọa lạc trên một gò đất cao rộng, phía trước dòng sông Thái Bình cuộn chảy về xuôi, phía sau liên tiếp ao hồ chạy dài, nguyên là một nhánh sông cổ sau nhiều lần đắp đê còn lại bao bọc xung quanh di tích tạo thành một hàng rào tự nhiên. Cảnh quan thiên nhiên hài hòa, ngoạn mục. Đình Chí Linh là nơi thờ những anh hùng gắn liền với đời sống tín ngưỡng của nhân dân xã Nhân Huệ, hun đúc truyền thống yêu nước của dân tộc. Lễ hội đình Chí Linh diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, lễ hội diễn ra trong 03 ngày, trong đó ngày mùng 10 là chính hội . Căn cứ vào giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh và những kiến trúc truyền thống, Đình Chí Linh đã được Bộ Văn Hóa Thông tin xếp hạng Quốc gia năm 1994. Nguồn Cổng thông tin điện tử thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 456 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Quốc Phụ

Đền Quốc Phụ là một trong tám di tích thuộc “Chí Linh bát cổ” nổi tiếng đ­ược nhiều sử sách ghi nhận. Trước kia đền thuộc xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh. Nay di tích thuộc thôn Nẻo, xã Chí Minh, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dư­ơng. Đây là đền thờ Nhập nội Quốc phụ Th­ượng tể Trần Quốc Chẩn – một trong những danh t­ướng kiệt xuất của nhà Trần, tài đức vẹn toàn, hết lòng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất n­ước. Trần Quốc Chẩn là con trai thứ của Trần Nhân Tông, em của Thái tử Trần Thuyên, người sau là Trần Anh Tông. Ông là một nhân vật chính trị, quan viên và là hoàng thân của triều đại nhà Trần dưới thời trị vì của các vua Anh Tông và Minh Tông, được đánh giá là một trong những nhân vật chính trị kiệt xuất, một người tài năng nhưng kết cục cuộc đời lại đầy oan khuất. Trần Quốc Chẩn bị kết tội phản nghịch và bị bỏ đói đến chết. Việc ông qua đời để lại rất nhiều chỉ trích của các sử gia đối với Trần Minh Tông. Đến năm Giáp Thân (1341), thời Trần Dụ Tôn, vụ án Trần Quốc Chẩn đư­ợc minh oan hoàn toàn. Triều đình phục chức: Nhập nội Quốc Phụ Thư­ợng Tể cho Trần Quốc Chẩn, trả lại phẩm giá cho ng­ười đã khuất. Đền Quốc Phụ được lập sau khi ông được minh oan, khôi phục danh dự, chức tước. Đền thờ được xây dựng từ ngôi nhà cũ của ông nên còn gọi là Thượng tể cổ trạch (tức là nhà cổ của quan Thượng tể). Đền đều được các triều đại phong kiến sau này ban sắc phong. Di tích được xây dựng trên gò đất cao giữa cánh đồng lúa chạy dài theo hướng Bắc – Nam. Theo thuyết “phong thuỷ” đền Quốc Phụ có “Kim Xà” (Rắn Vàng): phía trước có đường ra bến đá ven sông Kinh Thầy, bên trái là cánh đồng Lạng Trì và Ao Vả, tục truyền đây là nơi tắm gội của Trần Quốc Chẩn, bên phải có cánh đồng Giải Phướn, tại đây có di tích Đống Đỏ, có nhiều đống son tự nhiên và phía sau là cánh đồng Đống Lăng. Năm 1951, giặc Pháp từ bốt Trung Hà (Nam H­ưng – Nam Sách) đã nã pháo vào khu đền chính hòng tiêu diệt cơ sở bí mật kháng chiến của ta làm nhiều hạng mục công trình bị đổ nát, chỉ còn lại một phần Hậu cung và một số đồ thờ đ­ược nhân dân cất giấu từ năm tr­ước. Năm 1953 di tích bị sụp đổ hoàn toàn. Đến năm 1958, nhân dân địa ph­ương tiếp tục vận động công đức xây lại Hậu cung trên nền móng cũ để ổn định việc sinh hoạt tín ngư­ỡng, tiếp tục tôn vinh người có công với đất n­ước. Năm 1997 – 1998, thể theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ và nhân dân, đ­ược sự nhất trí của các cấp và các ngành chức năng, UBND xã đã tổ chức phát động công đức, huy động mọi nguồn lực tại địa ph­ương khôi phục lại đền Quốc Phụ. Công trình đã đ­ược hoàn thành trong một thời gian ngắn không quá 60 ngày đêm. Đền được xây dựng theo kiểu chữ nhị gồm 5 gian tiền tế, 3 gian hậu cung, cùng một số hạng mục cổng tam quan, sân đền… Riêng 5 gian tiền tế được dựng bằng khung nhà gỗ cổ ở Hưng Yên. Toàn bộ gian tiền tế và hậu cung được xây tường bao, cột gỗ đỡ xà gồ, lợp ngói đỏ. Đền Quốc Phụ: Ghi nhận công lao của Trần Quốc Chẩn, triều đình đã giao cho bản xã sửa lại ngôi nhà cũ ở quê ông tại Kiệt Đặc, Chí Linh làm đền thờ. Trải qua các triều đại, nhà n­ước phong kiến đều sắc phong cho Trần Quốc Chẩn và cho phép địa ph­ương theo tr­ước phụng thờ, tôn vinh ngư­ời có công với đất n­ước. Căn cứ vào nội dung giá trị lịch sử của di tích và danh nhân, đền Quốc Phụ đã đ­ược Bộ Văn hoá - Thông tin ra quyết định số 15/2003/Quyết Định - Bộ Văn Hóa Thông Tin ngày 14/4/2003 xếp hạng là di tích lịch sử Quốc gia theo quy định của Luật Di sản văn hoá. Đây là di tích thứ 127 của tỉnh Hải D­ương đ­ược xếp hạng bảo vệ. Nguồn Cổng thông tin điện tử thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 383 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Bà Chúa Sao Sa (Đền Bà Duệ)

Nguyễn Thị Duệ còn có tên là Nguyễn Thị Ngọc Toàn, Nguyễn Thị Du, hiệu là Diệu Huyền, tên vua ban là Tinh Phi tức Sao Sa, bà sinh ra tại xã Kiệt Đặc (nay là phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dư­ơng) Ngọc Toàn là ng­ười con gái tài sắc vẹn toàn, thông minh trác việt và đức độ hơn ng­ười. Bà sinh vào cuối thế kỷ 16 trong một gia đình hiếu học. Ngay từ thuở thiếu niên bà đã tỏ ra có bản lĩnh và quyết đoán, đ­ược gia đình mời thầy họ Cao về dạy học. Ngọc Toàn càng lớn lên nhan sắc càng tuyệt thế, thông minh hơn ng­ười, có chí khí. Năm Quang H­ưng 15 (Mạc Bảo Định nguyên niên) quân của triều đình Lê Trịnh chiếm đ­ược Thăng Long, quân Mạc rút về phía Đông thuộc trấn Hải D­ương. Đầu Năm Quang H­ưng 16 (1593) quân Lê Trịnh tấn công vùng Nam Sách, nhà Mạc thất thủ phải rút khỏi Hải D­ương, chạy lên Cao Bằng lập căn cứ...Năm đó, Nguyễn Thị Duệ 20 tuổi cùng cha chạy theo nhà Mạc lên Cao Bằng. Tuy phải chạy loạn, bà vẫn chăm chỉ học hành thể hiện một ng­ười có chí lớn. Sau khi xây thành, đắp lũy ổn định vị thế ở Cao Bằng, nhà Mạc mở khoa thi hội kén chọn nhân tài, sỹ tử ứng thi khá đông. Khoa thi Bính Thìn Năm 1616, Nguyễn Thị Duệ đã đóng giả trai đi thi cùng với thầy giáo của mình. Sau khi chấm bài khớp phách bà đ­ược điểm cao đỗ đầu, thầy giáo của bà đỗ thứ hai. Cảm kích trước tài năng của ng­ười học trò ư­u tú của mình, ông nói: “ Mầu xanh từ màu lam mà ra nh­ưng đẹp hơn màu lam”. Khi vào dự yến vua Mạc thấy diện mạo giống nữ, xét hỏi biết đ­ược sự thật đã không xử tội mà còn khuyến khích và lấy làm vợ phong làm Tinh Phi đặt tên là Sao Sa. Sắc đẹp của Nguyễn Thị Duệ thiên hạ thật khó ai bì, dưới con mắt của Chúa Mạc nàng Duệ là “ngôi Sao Băng trên trời sa xuống”. Khi quân Lê Trịnh tiến đánh Cao bằng, quân Mạc đại bại, bà ẩn vào trong hang núi, bị quân Trịnh bắt đ­ược đ­ưa vào tiến Chúa, bà liền đ­ược quý mến và trọng dụng. Nhân dân xã bà từ trên chí d­ưới, đã đ­ược cảm tình của bà, lại chịu ơn ban ngoại lệ, nên đều một lòng kính trọng tôn làm hậu thần. Bà rộng xem kinh thánh, thông suốt Phật giáo, h­ưởng bổng lộc nhiều nh­ưng sống rất thanh đạm, Bà lập ra quy ­ước, định rằng những ngày giỗ tổ nội ngoại và ngày sinh (14 tháng 3), ngày hoá của bà khi bà trăm tuổi, đều dùng cỗ chay, oản quả cúng lễ, và lệ đó sẽ truyền mãi về sau. Khi tuổi đã cao bà về trụ trì chùa Vụ Nông, huyện Gia Lâm. Khi Trịnh Tạc (hoàng tổ D­ương V­ương) lên ngôi, cho tìm nữ học sĩ dạy cung nhân, các quan đều đề cử bà. D­ương Vư­ơng cho mời bà vào cung , dạy cung nhân gọi bà là Đức Lão lễ S­ư. Gần 80 tuổi, bà dựng một am nhỏ tr­ước mộ tổ, trên một đỉnh đồi thấp ở chân núi Ph­ượng Hoàng, cách chùa Huyền Thiên 200m về phía nam. Bà qua đời ngày 8 tháng 11, khi bà đã ngoài 80 tuổi, từng trải ba đời vua: Lê Thần Tông (1619 – 1643), Lê Chân Tông (1643 – 1649), Lê Thần Tông (làm vua lần thứ hai, 1649 – 1662). Sau khi bà qua đời, di hài của bà đ­ược mai táng bên cạnh mộ tổ, trên xây một ngôi tháp hồng bằng gạch, từ xa đã nhìn rõ. Đến cuối triều Hậu Lê (thế kỷ XVIII) lăng mộ của bà đ­ược các sử gia đ­ương thời xếp vào hàng “Chí Linh bát cổ” nghĩa là một trong tám di tích cổ của huyện Chí Linh, có tên là Tinh Phi cổ tháp. Từ năm 2004 trở lại đây nhận thấy tầm quan trọng của di tích, đặc biệt là về giá trị lịch sử của danh nhân. Ngày 28 tháng 6 năm 2006 UBND tỉnh đã ký quyết định số 2283/ Quyết Định -Uỷ Ban Nhân Dân phê duyệt dự án xây dựng đền thờ Nguyễn Thị Duệ. Dự án gồm các hạng mục: Đền chính, Tả hữu vu, Tam quan, 2 am hoá vàng và cải tạo nâng cấp Lăng mộ. Sau một thời gian ngắn thi công đến nay đã hoàn thành ba hạng mục: Đền chính, hai am hoá vàng và sân tr­ước. Đền thờ Nguyễn Thị Duệ đ­ược xây dựng trên cơ sở của ngôi đền cũ trên đỉnh đồi Mâm Xôi. mặt hư­ớng theo phía tây nam. Theo thuyết phong thuỷ thế đất của đền nh­ư viên ngọc đư­ợc bao bọc bởi dãy núi Ph­ượng Hoàng. Phía trư­ớc là một đập n­ước rộng mênh mang chấp chới những cánh cò, cánh vạc vào những buổi hoàng hôn đã khẳng định nơi đây quả thật đất lành. Đền thờ bà chúa Sao Sa kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm Tiền tế ba gian hai dĩ và một gian Hậu cung. Phía sau Hậu cung là Tinh Phi cổ tháp. Nguồn Cổng thông tin điện tử thành phố Chí Linh , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 528 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Chu Văn An

Đền Chu Văn An nằm trên núi Phượng Hoàng, thuộc xã Văn An; cách khu di tích Côn Sơn khoảng 4 km. Đây là một điểm di tích văn hoá và danh thắng mà quý khách có thể đến thăm, với cảnh rừng thông đẹp trùng điệp, có đền thờ cũ và mới xây xong năm 2007. Lăng mộ Chu Văn An nằm trong khu di tích này. Lễ hội vào tháng tám và tháng một, trọng hội vào ngày 25 tháng 8 và ngày 26 tháng 11. Khu di tích được xếp hạng năm 1998. Khu lăng mộ nằm ẩn sâu trong khe núi Phượng Hoàng, cách đền thờ chừng 600m. Khu lăng mộ thầy Chu Văn An được tu bổ từ nguồn kinh phí của các thầy trò trong ngành giáo dục tỉnh Hải Dương. Lối mòn nhỏ với những lớp đá sỏi chênh vênh được che mát bởi tán thông rừng sẽ đưa du khách đến viếng mộ thầy. Tương truyền, khi thầy Chu Văn An mất (1370) các học trò đã mang thầy lên táng tại đỉnh núi Phượng Hoàng và dựng nhà bên mộ tế lễ cả năm để tỏ lòng thương tiếc. Chính điện của đền nằm trên một vị trí cao, thoáng đãng, với lối kiến trúc chữ đinh (J), chồng diên 8 mái, những đầu đai cong vút tạo vẻ thanh thoát, linh thiêng, bờ nóc đắp nổi ‘‘lưỡng long chầu nhật”, phía trước là một đôi rồng đá lớn cùng bậc thềm đá cao. Điều đặc biệt ở đây là du khách khi vào viếng đền thầy ngoài dâng lễ chay, lễ mặn thường dâng cả bút, sách vở để cầu công danh, khoa cử, học hành. Nguồn Cổng thông tin điện tử thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 468 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Sinh – đền Hóa

Di tích Đền Sinh – đền Hóa tọa lạc trên sườn núi Ngũ Nhạc thôn An Mô xã Lê Lợi huyện Chí Linh. Đền là một công trình kiến trúc cổ, tựa lưng vào núi Ngũ Nhạc nhìn ra hướng Đông Bắc giữa bạt ngàn cây rừng xen lẫn những đồi vải thiều xum xuê. Đền Sinh thờ nơi sinh, đền Hóa thờ nơi hóa của tướng quân Chu Phúc Uy – thiên thần thời tiền Lý ( 544) Đền Sinh - đền Hóa (đền Mẫu Sinh – Thánh Hóa) ngày nay còn có tên là đền Thánh Phi Bồng, đền Thánh An Mô nay thuộc xã Lê Lợi – huyện Chí Linh. Đền ở trên sườn núi Ngũ Nhạc, giữa rừng cây bát ngát. Đó đây có những khối đá kỳ dị bên suối nước ngầm chảy rì rầm trong lòng đất hòa cùng tiếng thông reo vi vu. Trên mặt suối những viên cuội lớn được thời gian và nước suối mài nhẵn chồng xếp lên nhau. Xa xa trên đỉnh núi, thấp thoáng vài miếu cổ trong làn mây trắng nhẹ bay. Cảnh tượng này khiến người ta nghĩ đến những sự tích thần bí. Căn cứ lịch sử và thần tích thì đền Sinh – đền Hóa ra đời từ thế kỷ 11. Nhưng di tích hiện còn được tái tạo vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đền Sinh xây dựng theo hình chữ Tam gồm 3 tòa liền nhau, phần hậu cung xây trùm lên khối đá kỳ dị được mô tả trong huyền thoại. Ở đây có tượng Mẫu – tượng bà Hoàng Thị Ba. Tại đền còn nhiều cổ vật và hai tấm bia nói về thần tích và quá trình trùng tu đền. Đền Hóa có hình thức và kiến trúc tương tự đền Sinh nhưng quy mô lớn hơn trên một khu đất tương đối bằng phẳng. Trung từ tái tạo năm Tự Đức Kỷ Mão (1879). Hậu cung có tượng tướng quân Chu Phúc Uy và nhiều đồ tế tự có giá trị. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Đền Sinh – đền Hóa trở thành nơi họp kín của cơ sở cách mạng ( 1943- 1944). Năm 1947, đền Sinh – đền Hóa thành nơi hội họp của các tổ chức cách mạng tại địa phương. Cuối năm 1947, đầu năm 1948, xưởng quân khí của huyện Chí Linh – Nam Sách – Kinh Môn đã chọn đền Hóa làm nơi sản xuất vũ khí. Trong kháng chiến chống Mỹ (1969 – 1972) đền Sinh – đền Hóa là nơi tạm trú để giảng dạy và học tập của cán bộ, sinh viên trường Đại học Lâm nghiệp. Xét về cảnh quan, kiến trúc, ý nghĩa lịch sử văn hóa và những sự kiện trong thời kỳ cách mạng kháng chiến, Bộ Văn hóa – thông tin đã ra quyết định số 295/ QĐ – BT ngày 12 tháng 12 năm 1994 xếp hạng khu di tích đền Sinh – đền Hóa nhằm bảo tồn một di sản văn hóa, một cảnh đẹp tự nhiên, mở rộng không gian du lịch và nội dung tham quan cho du khách khi đến với mảnh đất Chí Linh. Ngày nay tại đền Sinh, đền Hoá, hàng năm cứ đến tháng Năm và tháng Tám âm lịch. Vùng đất An Mô lại náo nhiệt, tưng bừng cho không khí vào hội. Lễ hội tháng năm là lễ hội chính tại đền Sinh, đền Hoá. Từ khắp các mọi miền đất nước khách hành hương về với lễ hội đền Sinh, đền Hoá, mang theo những tâm tư, những ước nguyện của mình để về với chốn tâm linh. Nguồn Cổng thông tin điện tử thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 389 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Thanh Mai

Chùa Thanh Mai thuộc xã Hoàng Hoa Thám. Chùa Thanh Mai là ngôi chùa rất cổ, được xây dựng năm 1329 do Thiền sư Pháp Loa - Đệ nhị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên tử sáng lập. Chùa được công nhận di tích lịch sử quốc gia năm 1992. Chùa Thanh Mai xây dựng trên sườn núi, bên một con suối nhỏ, nhìn về phía nam. Trước chùa là núi Bái Vọng nơi có phần mộ của Nguyễn Phi Khanh – thân phụ Nguyễn Trãi. Nay chùa đang được khôi phục từng phần trên di tích của một công trình lớn gồm: tiền đường 7 gian, tam bảo 5 gian, hai dãy hành lang, nhà tổ, nhà tăng. Phía sau là tháp Viên Thông, xây dựng từ năm 1334. Phía trước có 7 ngôi tháp. Tại di tích còn 7 tấm bia có giá trị trong đó Thanh mai Viên Thông tháp bi có giá trị lớn hơn cả. Có thể nói đây là một bảo vật của quốc gia. Văn bia nói về thân thế và sự nghiệp của đệ nhị tổ thiền phái Trúc lâm, nhưng qua đó có thể thấy được tình hình chính trị, tôn giáo, ruộng đất đương thời và những hoạt động của Trúc Lâm Tam tổ: Trần Nhân Tôn, Pháp Loa và Huyền Quang. Căn cứ văn bia thì: Pháp Loa nguyên là Đồng Kiên Cương sinh ngày 7 tháng 5 năm Giáp thân, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 (1284), tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, Nam Sách Giang, nay thuộc xã Ái Quốc huyện Nam Sách. Năm Hưng Long 13 (1304) nhân chuyến đến thăm hương Cửu La của Trần Nhân Tôn, Đồng Kiên Cương ra bái yết, Nhân Tôn nhận thấy Kiên Cương là con người có đạo nhãn, nghĩa là có khả năng tu hành đắc đạo. Ông cho Pháp Loa đi theo học đạo và đặt cho một cái tên mới: Hỷ Lai, nghĩa là người mang lại niềm vui, Hỷ Lai thông minh hiếu học có nhiệt tâm với đạo phật nên chỉ một năm sau, tại liêu Kỳ lân ( Chí Linh) ông được Điều Ngự đầu đà Trần Nhân Tôn ban cho pháp hiệu là Pháp Loa. Tháng 2 năm Hưng Long 15 (1307) Trần Nhân Tôn đã trao cho Pháp Loa các bảo bối. Và ngày mùng 1 tháng giêng năm Hưng Long 16 trao quyền thừa kế sự nghiệp của thiền phái Trúc lâm Tam tổ. Từ đó ông trở thành vị tổ thứ 2 của thiền phái này. Ngày mùng 5 tháng 2 năm Khai Hựu thứ 2 (1330) Pháp Loa đang giảng kinh ở viện An Lạc thì đột nhiên mắc bệnh. Ngày 13 sư về viện Quỳnh lâm ( Đông Triều) tĩnh dưỡng. Ngày 19 bệnh trở nên trầm trọng. Thấy khó qua khỏi, Pháp Loa cho mời Huyền Quang đến trao cho những bảo bối mà 22 năm trước Trần Nhân Tôn trao cho ông trước khi qua đời như áo cà sa, kệ tả tâm… và nói: “ Huyền Quang sẽ là người hộ trì và thừa kế”. Đêm ngày mùng 3 tháng 3, Pháp Loa viên tịch tại viện Quỳnh Lâm. Theo di chúc của nhà sư, xá lỵ của người được đặt trong tháp sau chùa Thanh Mai. Thái Thượng hoàng Trần Minh Tông ngự bút đặt tên hiệu cho sư là Tĩnh Trí tôn giả và tên tháp là Viên Thông, xuất ngân khố 10 lạng vàng cho xây tháp và làm một bài thơ viếng đầy xúc cảm. Đây là ân sủng hiếm có trong lịch sử Việt Nam. Kể từ đó, sự nghiệp của Thiền phái Trúc Lâm do Huyền Quang chủ trì và trở thành vị tổ thứ 3 của thiền phái này. Huyền Quang từng chủ Trì chùa Thanh Mai 6 năm. Chùa Thanh Mai là một trung tâm tôn giáo của thiền phái Trúc Lâm ở chốn rừng sâu, núi cao. Sự hiện diện của di tích đã chứng minh cho tính phi thường của tôn giáo thời Trần. Tại đây còn một rừng cổ thụ do con người trồng giữa đại ngàn tự nhiên, một hệ thống tháp và bia ký có giá trị, tiêu biểu là bia “Tháp Viên Thông’. Chính vì vậy khu di tích cùng rừng tự nhiên đã được nhà nước khoanh vùng bảo vệ, từng bước trùng tu, tôn tạo nhằm bảo tồn một di sản văn hóa, tạo một điểm tham quan du lịch hấp dẫn về văn hóa và cảnh quan tự nhiên. Kỷ niệm ngày mất của Pháp Loa đã trở thành hội chùa hàng năm. Hội bắt đầu từ mùng 1 đến mùng 3 tháng 3. Nguồn Cổng thông tin điện tử thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 461 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Cao An Lạc

Đền Cao thuộc xã An Lạc. Ở đây có bốn ngôi đền linh thiêng từ lâu đời, thờ năm anh em nhà họ Vương đã có công giúp vua Lê Đại Hành đánh tan quân Tống do Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng chỉ huy năm 981. Ngôi đền là điểm văn hóa, di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng của nước ta. Đền Cao thờ 5 anh em họ Vương có tên là: Vương Minh, Vương Hồng, Vương Xuân, Vương Thị Đào, Vương thị Liễu có công chống giặc Tống xâm lược ở thế kỷ X. Đền xây dựng theo kiến trúc chữ “đinh” nằm trên ngọn núi Thiên Bồng. Chung quanh đền là rừng lim già. Gần di tích có một rừng tre, cò vạc về trú ngụ khá đông, tạo nên một cảnh quan sinh động. Đây từng là căn cứ quân sự của Lê Hoàn trong cuộc kháng chiến chống Tống, năm 981. Đền khởi dựng từ thời tiền Lê, di tích hiện còn trùng tu vào thời Nguyễn, kiểu chữ tam, quy mô nhỏ. Kiến trúc và đồ tế tự còn khá đồng bộ, tiêu biểu là hệ thống câu đối, đại tự. Đây là một trung tâm tín ngưỡng sùng kính lâu đời của nhân dân địa phương. Hằng năm có một mùa hội từ ngày 22 đến ngày 25 tháng giêng. Di tích có các công trình: tiền tế, trung tử và hậu cung; có nhiều cổ vật có giá trị như bia ký, long đao, bát bửu, ngai ỷ, … Đặc biệt là hệ thống đại tự, câu đối ca ngợi công đức của 5 anh em họ Vương và cuộc kháng chiến chống quân Tống thắng lợi của dân tộc Khi leo hết hơn 100 bậc gạch rêu phong, du khách sẽ được thấy 99 con voi bằng đá. Theo truyền thuyết, đây chính là những con voi vừa thắng trận trở về, chúng tung vòi gầm vang chen nhau xuống dòng Nguyệt Giang mềm mại để uống nước. Ở gian chính điện có bức đại tự viết theo lối đá có thảo 4 chữ lớn “Thanh Thọ Vô Cương”, phía bên tả “Cao Sơn Ngưỡng Tử” và bên hữu “Cao Cao Tại Thượng”. Trước cửa đền, dưới tán lim cổ thụ là hai hàng voi đá, ngựa đá. Ngoài ra đền Cao còn là ngôi đền với kiểu kiến trúc khá độc đáo. Đền Cao là điểm hẹn của những người biết tôn trọng lịch sử văn hóa dân tộc. Đền Cao thờ tướng Vương Đức Minh, có công chống giặc Tống xâm lược. Công trình thuộc quần thể di tích đền Cao thờ 5 anh em họ Vương, được Nhà nước xếp hạng quốc gia năm 1988. Nguồn Cổng thông tin điện tử thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 456 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Bồ Dương

Đình Làng Bồ Dương, xã Hồng Phong xây dựng thời triều Lê niên hiệu Chính Hoà cách đây trên 300 năm. Đình có tên gọi là Đình Đông "Đình quay hướng đông" nằm ở trung tâm làng Bồ Dương, xã Hồng Phong, là một trong ba ngôi đình còn lại trong quần thể kiến trúc miếu cổ xưa của Làng. Đình được xây dựng từ năm Kỷ tỵ (1689) triều Lê, niên hiệu Chính Hoà, đình Đông có hình chữ Đinh (J), kiến trúc kiểu dáng đình đai truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ, kết cấu bằng hệ thống cột trụ, con đội, giường kèo, tàu bảy đồ sộ, gồm có hậu cung, cổ giải và 5 gian đại bái, mái hạ khoảng, lợp ngói mũi hài, đao đình đắp Long chầu Phượng mớm, chấn giữa khoảng bò mái là 2 con nghê, nóc đình là hai Lạc long thể hiện sức mạnh hùng vĩ của tạo hoá, từ xa trông mái đình thanh thoát như diều cất cánh; nội đình có nhiều mảng nghệ thuật khắc trạm tinh sảo trên gỗ: Long, Ly, Quy, Phượng, Thông, Mai, Cúc, trúc mang tính triết lý như rồng mẹ dạy con học; mô tả cảnh hội Làng như: múa rối nước, tễu giáo đầu, đấu vật, đua thuyền...và nhiều đồ thờ tự quý giá như: ngai ỷ, ngựa chiến, bát biểu, hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng, chuông đồng khánh đá và nhiều đồ thờ khác có liên đại lịch sử. Phía trước Đình là sân rộng, 2 bên gồm 14 gian giải vũ, tiếp giáp với đao đình phía trước là cổng đông trù, tây trù; bước vào sân đình qua tam quan gồm: đại môn, hai cổng tả hữu, cảnh góc song song với tam quan là nhị trụ cao vút, trên đỉnh đắp búp lá trông như cây bút khổng lồ đề thơ vào trời xanh. Khu kiến trúc quần thể đình miếu, văn chỉ, am tự làng Bồ Dương cổ xưa nguy nga tráng lệ vào bậc nhất vô nhị trong vùng. Nhưng do biến cố lịch sử, thời gian phong hoá công trình mất mát khá nhiều. Năm 1993 được nhà nước hỗ trợ về kinh phí cộng với sự đóng góp công đức của nhân dân địa phương, ngôi đình đã được trùng tu sửa chữa, đến năm 1995 Đình đông Bồ Dương, Hồng Phong được Bộ Văn hoá-thông tin quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia. Năm 2010 được nhà nước hỗ trợ trên 10 tỷ đồng đình Bồ Dương tiếp tục được trùng tu, tôn tạo. năm 2011 sở Văn Hóa - Thể Thao tỉnh Hải Dương hỗ trợ địa phương, tiến hành phục dựng lại lễ hội truyền thống cổ xưa, từ đó làm cơ sở cho nhân dân làng Bồ Dương xã Hồng Phong gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá tại di tích. Theo truyền thuyết Đình thờ Vị Tướng Cao Xuân Hựu ở Làng Tam Hoàng, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành (tên cổ là Thuận An, đạo Kinh Bắc), Ông sinh ngày 13 tháng giêng năm Giáp Tý thuộc gia đình sống có đức có nhân. Ông Cao Xuân Hựu là bậc hiền tài, ngay từ tấm bé được cha mẹ cho theo đuổi chốn khoa trường, ông nổi tiếng là người thông minh, giỏi đường văn chương võ nghệ. Khi cha mẹ qua đời, lúc bấy giờ vào Triều Hùng Duệ thứ 18, tuổi đã cao vua sinh hạ được 20 Hoàng tử, 6 Công chúa đều tuyệt tính chốn tiên bồng, định nhường ngôi báu cho con rể là Sơn Thánh, trong triều có một vị Tướng Họ Thục làm phản loạn cầu viện nước láng giềng định cướp ngôi. Ông Cao Xuân Hựu đã ra phò Vua dẹp loạn tặc, ông là người tài giỏi, được Vua phong làm tiền đạo Tướng quân chỉ huy sứ. Ông và quân sỹ đồn trú tại Bồ Dương, Hồng Phong và từ đó toả đi khắp nơi dẹp giặc, quân đi đến đâu giặc tan đến đấy. Đất nước trở lại thanh bình, nhân buổi du ngoạn Ông về thăm chốn cũ Hồng Châu, vào ngày 13/3 âm lịch ông mở tiệc khao dân ăn mừng chiến thắng “Ca khúc khải hoàn” rồi viên tịch ở đất Bồ Dương, Hồng Phong vào ngày 12 tháng 11(âm lịch). Vị Tướng Cao Xuân Hựu được Vua ban sắc phong: "Linh ứng đại vương tặng phong là Đương đình linh ứng phổ hựu tuyên khánh hoằng trạch chiêu thông cương nghị anh liệt hộ dân hựu quốc hùng tài vĩ lược thượng đẳng tôn thần". Ban sắc chỉ cho phép làng Bồ Dương xã Hồng Phong được lập miếu thờ thần, hưởng phúc lành cùng Đất Nước làm nghi thức vĩnh viễn về sau. Từ xa xưa, cứ vào dịp mùa xuân thượng tuần 13 tháng 3 âm lịch nhớ ngày “Ca khúc khải hoàn” của Ông, dân Làng có tục lệ mở lễ hội mừng vui: rước kiệu, tế thần cầu mong cho Quốc thái, dân an, mưa thuận gió hoà, cỏ cây tươi tốt, mùa màng bội thu, nhà nhà êm ấm. Lễ hội làng còn có nhiều trò vui như: hát chèo, hát đúm, đốt pháo bông, đánh pháo đất, trọi gà....đặc biệt nhất là trò múa rối nước. Di tích Lịch sử Văn hóa đình Bồ Dương được xây dựng tại vị trí trung tâm giữa làng Bồ Dương với quần thể kiến trúc, khuôn viên là 1783,1m2. Đình quay hướng Đông. Phía trước có trục đường chính liên thôn chạy qua và có nhà Thủy đình Múa rối nước. Phía đông nam giáp nhà trưng bày các tích trò con rối và nhà Văn hóa trung tâm của làng. Phía tây giáp khu dân cư. Phía bắc là cái ao to song cũng là nơi để múa rối nước thời xa xưa. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 550 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Cả xã Tân Hương

Đình Cả nằm ở Trung tâm thôn 5, xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Tân Hương là vùng đất được bồi tụ bởi phù sa của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, nên đất đai màu mỡ, thuận tiện cho sản xuất nông nghiệp. Theo truyền ngôn trong Nhân dân, đình Cả từ khi khởi dựng đến nay vẫn tọa lạc tại vị trí cũ, tuy nhiên có sự thay đổi về quy mô cũng như không gian tồn tại của di tích. Trước đây, di tích được bao bọc bởi khu dân cư, phía sau có ao đình, phía trước là đường dân sinh. Ngày nay có sự thay đổi so với trước kia: Phía Đông giáp khu dân cư; phía Tây và phía Bắc giáp đường liên thôn; phía Nam giáp khu dân cư. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đình Cả là nơi diễn ra việc giao nhận quân phục vụ cho chiến trường niềm Nam. Những năm 1957 - 1958 nơi đây có tổ chức và thực hiện phong trào bình dân học vụ. “Bình dân học vụ” là phong trào xóa nạn mù chữ trong toàn dân, được Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động ngày 08 tháng 9 năm 1945 (Sắc lệnh 19/SL và 20/SL). Ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập, phong trào này đã giải quyết “Giặc dốt” - một trong các vấn đề cấp bách nhất của Việt Nam lúc bấy giờ. Căn cứ vào thần tích - thần sắc làng Nam bối xưa (ngày nay tách thành hai thôn: Thôn 3 và thôn 5), tổng Đông Bối, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, do Nguyễn Bính Phụng soạn vào năm Hồng phúc nguyên niên (1572), hiện lưu giữ tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Đình Cả, thôn 5, xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương là nơi tôn thờ 7 vị Thành hoàng gồm: 4 vị là nhân thần, 2 vị là thiên thần và 1 vị là thổ thần. Các vị nhân thần gồm: Quý Minh Đại vương, Phan Trác Mai Vỹ, Pham Mai Chính Thiện và Phan Mai Khai Quốc. Các vị là thiên thần gồm: Thiên hóa Linh thông Đại vương, Thiên quan Hành đế Đại vương. Vị thổ thần là: Thổ địa Linh hựu Đại vương. Các vị Thành hoàng làng là những người có công giúp dân, giúp nước, trải qua nhiều triều đại phong kiến đều được ban thưởng sắc phong và được lập đình để thờ tự. - Trước Cách mạng tháng 8/1945: Tại di tích diễn ra hai kỳ lễ hội: Từ ngày mồng 5 đến ngày 15 tháng 11 (âm lịch): Đây là lễ hội chính trong năm - Ngày hóa của Thành hoàng; Mồng 2 tháng Giêng (âm lịch) và ngày rằm (âm lịch) hàng tháng, di tích mở cửa cho Nhân dân và du khách vào dâng hương. + Lễ hội chính - Ngày hóa của Thành hoàng: Diễn ra trong 10 ngày, bắt đầu từ mồng 5 đến ngày 15 tháng 11 (âm lịch), (trong đó ngày mồng 5, mồng 6 là trọng hội). Trong lễ hội diễn ra các hoạt động như: Tổ chức thi “Lợn Ông”, nghi thức rước bộ Thánh được tổ chức long trọng, trang nghiêm. Đoàn rước khởi hành từ đình Cả, rước đến miếu Bắc, sau đó tổ chức dâng hương tại đây, dâng hương xong đoàn rước tiếp tục rước đến miếu Đông, rước đến Đình Nam, sau đó rước trở lại đình. Trong những ngày tổ chức lễ hội, bên cạnh phần lễ linh thiêng, trang trọng. Phần hội thì sôi nổi, tổ chức nhiều hình thức tham gia các trò chơi như: Cờ tướng; Chọi gà; Cầu thùm, bắt vịt; Pháo đất; Đánh vật; Kéo co... + Mồng 2 tháng Giêng (âm lịch): Ngoài lễ hội chính ngày mồng 5, mồng 6 tháng 11 (âm lịch), thì hằng năm vào ngày mồng 2 Tết tại sân đình tổ chức phiên chợ - đây là sự kiện đặc trưng của người Tân Hương. Đã thành thông lệ, mồng 2 Tết người dân xã Tân Hương lại tập trung về đình Cả để họp chợ cầu may, mỗi năm chợ chỉ họp một phiên. Người dân đến chợ ngoài việc mua bán còn vào đình làng thắp hương để cầu may mắn, hạnh phúc trong một năm. - Lễ hội ngày nay: Những năm gần đây, việc tổ chức lễ hội tại đình Cả do Ủy ban nhân dân xã đứng ra tổ chức. Thời gian tổ chức lễ hội trong 3 ngày: Từ ngày mồng 5 đến mồng 7 tháng 11 (âm lịch). Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 539 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Đình làng Trần Xá

Đình làng Trần Xá, xã Nam Hưng (Nam Sách) có lịch sử lâu đời, là nơi thờ 3 vị Thành hoàng họ Phạm thời Lý và phối thờ danh tướng Trần Quang Khải - người có công lớn góp phần cùng quân dân nhà Trần giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược vào thế kỷ XIII. Ngôi đình đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh từ năm 2007. Tuy nhiên, do sự xuống cấp của công trình, được sự quan tâm của các cấp, đồng thời thể theo nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đình Trần Xá đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo khang trang. Trần Xá là một địa danh nổi tiếng trong lịch sử. Thời Lý, Trần Xá có tên gọi là Trần Xá trang, nằm tả ngạn ven sông Kinh Thầy tạo ra một vùng rộng lớn có tên là vũng Trần Xá. Thời Trần, trang Trần Xá đổi thành Trần Xá loan. Tương truyền năm 1282, vua tôi nhà Trần về vũng này mở hội nghị Bình Than bàn kế sách đánh giặc Nguyên Mông lần thứ 2. Ngày nay, tại đống Khoai Nợ của làng Trần Xá còn 2 cây duối, tương truyền đây là nơi vua quan nhà Trần buộc ngựa khi xuống thuyền họp hội nghị Bình Than. Hai cây duối này nhân dân bảo tồn, gìn giữ và được công nhận là cây di sản năm 2021. Trần Quang Khải (1241-1294) là con thứ ba của vua Trần Thái Tông, mẹ là Thuận Thiên hoàng hậu Lý Thị (con gái trưởng hoàng đế Lý Huệ Tông). Ông là em cùng mẹ với thái tử Trần Hoảng, tức vua Trần Thánh Tông. Năm 1258, vua Trần Thánh Tông phong ông làm Thái úy, tước Chiêu Minh Vương kiêm cai quản châu Nghệ An. Năm Thiệu Long năm thứ 14 (năm 1271), ông làm Tướng quốc thái úy, trở thành đại thần đầu triều nắm giữ việc nước. Năm Thiệu Bảo thứ 4 (năm 1282), vua Trần Nhân Tông thăng chức Trần Quang Khải làm Thượng tướng Thái sư, nắm toàn quyền nội chính. Ông là một nhà chính trị, quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần. Tương truyền, khi vua Trần Nhân Tông về mở hội nghị Bình Than ở vũng Trần Xá, Trần Quang Khải được giao trọng trách tổng chỉ huy bảo vệ và giữ bí mật cho hội nghị. Sau khi ông mất, để tưởng nhớ vị tướng tài ba, nhân dân trang Trần Xá (Trần Xá loan) lập miếu phụng thờ, hương hỏa muôn đời. Đình Trần Xá được xây dựng vào thời Hậu Lê trên gò đất cao giữa làng. Cùng thời gian này, nhân dân đã đưa Thái sư Trần Quang Khải phối thờ tại đình cùng với 3 vị Thành hoàng làng. Thời Nguyễn, đình được trùng tu, khang trang to đẹp gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung chất liệu bằng gỗ tứ thiết. Năm 1953, tòa đại bái bị thực dân Pháp phá dỡ chỉ còn lại 3 gian hậu cung. Qua sự biến thiên của thời gian, hậu cung bị hư hại và được nhân dân khôi phục lại vào năm 1992. Năm 1999, 5 gian đại bái tiếp tục được phục dựng lại. Năm 2007, Đình Trần Xá được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Vượt qua sự biến thiên và thăng trầm của lịch sử, đình Trần Xá vẫn còn lưu giữ được một số cổ vật có giá trị như 1 bia đá Chính Hòa thứ 12 (1691); 1 ngai thờ, 1 kiếm thờ, 1 hòm sắc, 1 bát hương gốm Phù Lãng thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đến nay một số hạng mục như Nhà Tiền Bái, sân, tường bao Đình đã xuống cấp nghiêm trọng. Căn cứ tình trạng thực tế và thể theo nguyện vọng của nhân dân trong thôn, xã Nam Hưng đã đề nghị và được cho phép thực hiện tu bổ di tích. Đến nay, công trình trùng tu, tôn tạo Đình làng Trần Xá đã hoàn tất. Nét riêng, ấn tượng của Đình Trần Xá khi được tu bổ đó là bức phù điêu phục dựng bức tranh làng quê thời Trần thế kỷ thứ 13, với hình ảnh nhánh Lục đầu giang, Hội nghị Bến Bình Than, cây đa, giếng nước, sân đình, anh hùng Trần Quốc Toản với lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân", hai cây duối - nơi vua quan nhà Trần buộc ngựa khi xuống thuyền họp hội nghị Bình Than… Đình làng Trần Xá được tu bổ, tôn tạo khang trang tố hảo đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân làng Trần Xá nói riêng và nhân dân xã Nam Hưng nói chung. Đây chính là sợi dây gắn bó đoàn kết cộng đồng, là nét đẹp trong văn hóa làng xã. Trong tâm thức của người con đất Việt, “cây đa, bến nước, sân đình" là hình ảnh thân thuộc, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân, là biểu tượng của quê hương, đất nước. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 576 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Nghè Chùa thôn Gia Cốc

Cụm di tích Nghè chùa Gia Cốc nằm trên khu đất bằng phẳng, cao ráo, chạy từ phía Tây Bắc sang Đông Nam, thuộc thôn Gia Cốc, xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Theo bản thần tích chữ Hán do quan Thượng thư Bộ lễ Nguyễn Hiền theo lệnh vua sao lục bản chính vào năm Thuận Thiên tam niên bát nguyệt sơ tam nhật (3/8/1430) còn lưu lại tại di tích cho biết, xưa kia cụm di tích nghè và chùa Gia Cốc (hiện cụm di tích nằm ở thôn Gia Cốc, xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) tọa lạc trên một khu đất có cảnh đẹp lạ thường, chạy từ Tây Bắc sang Đông Nam, phía trước có đống rùa vàng làm án; đằng sau nước triều hội tụ, bên tả có rồng, bên hữu có hổ chầu, phía sau có voi phục. Hiện nay, tuy phong cảnh của cụm di tích có thay đổi nhiều, song vẫn giữ được nhiều đặc điểm từ thuở xa xưa. Và theo quan niệm của dân gian, nhánh sông Neo chạy từ Tây Bắc xuống Đông Nam thôn Gia Cốc chính là hình ảnh của con rồng. Nhiều gò đống ở phía trước di tích chính là dấu vết của rùa vàng và hổ phục. Các nguồn tài liệu sử sách cho biết, vào thời Lý, thôn Gia Cốc gọi là trang Gia Cốc. Sau đổi thành xã Gia Cốc, tổng Phú Mễ, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Sau Cách mạng tháng 8/1945 đổi thành thôn Gia Cốc, xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương như hiện nay. Cụm di tích nghè và chùa Gia Cốc gắn liền với tên tuổi một vị quan Thái sư thời Lý tên là Lê Trung Hoa. Ông sinh ngày 10/3 mất ngày 10/8 (chưa rõ năm). Ngay từ nhỏ, ông đã có chí lớn, văn võ song toàn. Lúc bấy giờ giặc Tống cử tướng là Hoàng Phúc đem quân sang xâm lược nước ta. Triều đình phong cho Lê Trung Hoa làm Thái sư thống lĩnh một vạn quân để chống giặc Tống. Lúc này quân Tống đóng đồn ở trấn Hải Dương, Thái sư Lê Trung Hoa chỉ huy quân đánh bên Đông, đỡ bên Tây, quân giặc tan, đất nước thanh bình trở lại, ông đem quân về trang Gia Cốc khao thưởng quân sĩ. Tại trang Gia Cốc, thấy phong cảnh đẹp lạ thường nên ông đã quyết định lập trại và đóng quân tại đây. Sau khi ông mất, triều đình đã cấp tiền xây đình, miếu thờ phụng và được các triều đại phong sắc là “Thượng đẳng thần”, tự là “Đức Đại vương Thái sư”. Ông được nhân dân nơi đây tôn vinh là Thành hoàng làng và tạc tượng thờ. Hiện nay, tại cụm di tích còn lưu giữ được 5 đạo sắc phong của vua Tự Đức năm thứ 6 (1853) phong ngày 10/11; vua Tự Đức năm thứ 31 (1878) phong lần 2; vua Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) phong ngày 1/7; vua Duy Tân năm thứ 3 (1909) phong ngày 11/8; vua Khải Định năm thứ 9 (1924) phong ngày 25/7. Nghè Gia Cốc được làm theo hình chữ Nhị, phần ngoài 5 gian và hậu cung 3 gian, các vì kèo đều được làm theo kiểu con chồng, đầu các con chồng đều được chạm khắc đề tài tứ linh, các đầu bẩy hiên được chạm khắc tứ quý. Bên trong hậu cung có 3 bệ thờ, bên trái thờ Trần Hưng Đạo, ở giữa thờ Lê Trung Hoa và bên phải thờ Phạm Ngũ Lão. Cạnh nghè Gia Cốc là chùa Gia Cốc có kiến trúc theo hình chữ Đinh gồm tiền đường 5 gian và tam bảo 3 gian… Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật… độc đáo, cụm di tích nghè và chùa Gia Cốc được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định số 281 cấp bằng công nhận cụm di tích Nghè chùa Gia Cốc là cụm di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào ngày 14/4/1993. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 438 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Đào Lâm

Đình Đào Lâm thờ 4 vị tướng là Phạm Vân, Hoàng Công Bỉnh, Vũ Công Tạo và Thái tử Lý Mạnh. Cả 4 ông đều có công giúp nhà Lý đánh đuổi giặc Lương. Theo thần tích còn lưu giữ tại đình Đào Lâm thì vào thế kỷ VI, nhà Lương bên Trung Quốc sai tướng Trần Bán Tiên mang quân sang xâm lược nước ta. Nhận được tin, vua Lý Nam Đế liền họp các quan trong triều tìm kế đánh giặc và chiêu mộ quân. Vì văn võ toàn tài, các ông Phạm Vân, Hoàng Công Bỉnh, Vũ Công Tạo cùng với Thái tử Lý Mạnh được nhà vua tin tưởng giao 2.000 binh lính lên đường đánh giặc. Khi đến làng Đào Tòng, huyện Gia Phúc, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Đào Lâm, xã Đoàn Tùng) thì được nhân dân hoan hỷ đón tiếp. Thấy nơi này đẹp cảnh, đẹp người, 4 vị bèn ra lệnh cho binh sĩ cùng dân làng lập hành cung, mở tiệc khao quân. Hôm đó, trong làng có 20 thanh niên trai tráng xin theo đánh giặc. Vài ngày sau, đoàn quân cấp tốc lên đường thẳng tiến tới bờ sông Tô Lịch giao chiến với quân thù. Bằng sự mưu trí, đoàn quân của 4 vị nhanh chóng đẩy lui quân giặc. Không chịu thua, quân Lương xin thêm tiếp viện. Ở trận đánh thứ 2, do chênh lệch về lực lượng và khí giới nên binh sĩ của 4 vị tử trận nhiều. Để vẹn tròn khí tiết với nước non, cả 4 vị tướng đã gieo mình xuống dòng sông Tô Lịch vào ngày 20 tháng 10 âm lịch. Sau trận đánh, một số binh lính còn sống sót trở về làng Đào Tòng và thuật lại chuyện. Để tưởng nhớ công ơn, dân làng Đào Tòng đã lập đền thờ 4 vị tại nơi hành cung mà nghĩa quân lập nên ngày trước (nay là hậu cung của Đình làng Đào Lâm). Với công lao to lớn, nhà Lý liền sắc phong Thượng Đẳng Thần cho cả 4 vị tướng. Vua Lý ra lệnh cho nhân dân làng Đào Tòng đến rước mỹ tự vua phong về đền thờ tứ vị. Năm 1288, Ô Mã Nhi và Thoát Hoan mang 50 vạn quân sang xâm lược nhà Trần. Vua Trần Nhân Tông đã giao Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn đến đền thờ 4 vị ở làng Đào Tòng bái yết và cầu tảo. Sau đó đi đánh giặc giành được thắng lợi vẻ vang. Đến năm 1416, vua Lê Thái Tổ đánh đuổi nhà Minh cũng đi đến đền thờ 4 vị bái yết và cầu tảo quả nhiên cũng giành chiến thắng. Nhờ đó mà triều đại nhà Trần và nhà Lê đều có sắc phong Thượng Đẳng Thần cho 4 vị. Đình Đào Lâm nằm trên khu đất bằng phẳng, rộng rãi và được xây dựng với quy mô khá lớn. Đình gồm ba công trình chính: đình ngoài, đình giữa và hậu cung, ngoài ra còn có gác chuông. Trải qua thời gian, ngôi đình đã nhuốm màu rêu phong, có nhiều nét cổ kính. Đình ngoài có 5 gian 2 chái có diện tích trên 250 m2 với 4 hàng cột gỗ lim lớn. Kiến trúc các vì kèo theo kiểu chồng rường đấu sen được chạm khắc hoa lá cách điệu. Đầu các con chồng được tạo dáng hình đầu rồng. Tại 8 đầu dư chạm khắc hình độc long ngậm ngọc tạo thế vững chắc và thể hiện sự linh thiêng. Mái đình ngoài được lợp bằng ngói mũi, trên các đao góc được tạo dáng hình đầu rồng uốn cong mềm mại. Trên các bờ mái bố trí tứ linh (long, ly, quy, phượng). Ở hai đầu bờ nóc đình là hai đầu rồng to khỏe với tư thế như kìm giữ cho mái đình vững chắc hơn. Đình giữa cách đình ngoài 2 m cũng gồm 5 gian 2 chái nhưng diện tích nhỏ hơn (khoảng 220 m2). Kiến trúc nổi bật nhất là nghệ thuật chạm khắc tại các đầu bẩy với đề tài bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Trên các bức cốn là long quần rất sắc sảo, sinh động. Trên xà ngang trung tâm treo bức đại tự “Đức phong thượng đẳng thần". Phía dưới bài trí 1 bộ kiệu bát cống, 2 bộ kiệu long đình. Hai bên là hai hàng long đao bát bửu. Tất cả mọi hiện vật đều sơn son thếp vàng. Cũng như đình ngoài, đình giữa được xây dựng vào thời Hậu Lê và tu sửa vào thời Nguyễn. Tiếp theo là đình giữa rộng khoảng 105 m2 gồm ba gian hậu cung. Gian đầu bài trí án thư, trên có các đồ tế. Phần sau hậu cung đặt một khám thờ lớn bên trong bài trí bốn ngai thờ bốn vị thành hoàng làng. Trên mỗi ngai có một bài vị ghi tên tuổi các vị... Tháng 3.1990, đình Đào Lâm được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 493 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Làng Lương Xá

Đình Lương Xá thờ ông Đào Nhã là người có công giúp nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ 13; Công lao của ông đã được ghi trong thần tích, sắc phong, câu đối hiện còn và lưu giữ tại di tích. Đình còn phối thờ bà Trần Thị Hường người ủng hộ phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19. Đình Lương Xá khởi dựng vào cuối thế kỷ 19, trùng tu lớn vào năm 1930. Di tích kiến trúc khá đồng bộ từ Đại bái, Hậu cung và Giải vũ, là một di tích có quy mô lớn, có nhiều mảng chạm khắc, phù điêu đạt trình độ nghệ thuật cao. Với lối kiến trúc này, giúp chúng ta nghiên cứu lịch sử điêu khắc cổ Việt Nam. Căn cứ vào những giá trị lịch sử, năm 2001, Đình Lương Xá được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đối với địa phương, đình Lương Xá không chỉ là nơi tôn thờ người có công với nước, nơi đây còn ghi dấu ấn trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Là nơi ghi dấu ấn văn hoá, tín ngưỡng làng xã khá đậm nét. Nghiên cứu lịch sử di tích đình Lương Xá là mang lại cho chúng ta nguồn tư liệu quý giá, trong việc tìm hiểu phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Lễ hội có tục rước tế thần theo phong tục lâu đời của nhân dân địa phương được tổ chức vào ngày 8 tháng 3 (âm lịch). Hiện nay Lễ hội đã được Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch hoàn thiện Hồ sơ, kịch bản Lễ hội điểm và đã tiến hành tổ chức Lễ hội theo đúng kịch bản từ năm 2014. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Kim Thành , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 511 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Kiên Lao

Đình Kiên Lao, hay còn gọi Đình Xuân Quang. Đình Kiên Lao thờ 02 vị thần hoàng là người có công với nước ở thế kỉ thứ X là Đào Công Chiêu và Đào Công Hiển. Đình Kiên Lao tọa lạc trên một khu đất thoáng mát có dáng rồng chầu hổ phục. Bao bọc bởi cánh đồng lúa rau màu xanh tươi và rặng cây xanh bóng mát, đình mang dáng vẻ cổ kính và trầm mặc. Kiến trúc Nguyễn, mặt chính hướng Nam, nhìn ra cánh đồng lúa ven làng. Tam quan bề thế (được chính quyền và nhân dân địa phương tôn tạo năm 1992), cổng chính dựa trên hai cột trụ, trên đắp đôi nghê, hai cổng phụ xây chồng diêm hai mái. Đình xây hình chữ Đinh (丁) gồm 5 gian tiền tế, 3 gian hậu cung. Mái lợp ngói mũi, trên nóc đắp hai con kìm, giữa dựng hình lưỡng long chầu nguyệt. Hai đầu hồi tiền tế và hồi sau hậu cung đều đắp nổi hổ phù. Tại cửa phụ hậu cung còn ghi dòng chữ “Đồng Khánh nguyên niên tuế thứ Bính Tuất thập nhất nguyệt sơ lục nhật lương thời bản xã trùng tu" tỏ rõ đình được xây dựng năm 1886, trùng tu năm Bảo Đại thứ 3 (năm 1928). Chính cung trang trí cửa võng, hai bên treo các câu đối và đặt bộ bát biểu sơn son thếp vàng. Trong cung cấm có hai cỗ ngai bài vị và 2 cỗ bành kiệu tươi màu sơn đỏ thếp vàng của hai Thành hoàng làng. Đình còn có ban thờ Trần Hưng Đạo. Nơi đây còn lưu giữ được 2 cuốn thần phả và 12 đạo sắc phong thời Lê và thời Nguyễn phong cho hai vị Thần hoàng làng và nhiều cổ vật và đồ thờ có giá trị như: Khám thờ thời Nguyễn, 3 bức đại tự, 3 câu đối, 3 hương án thời Nguyễn….Trước cổng tam quan còn khoảnh sân rộng hơn trăm thước vuông, có trụ đá xanh làm cột cờ kề sát mặt hồ bán nguyệt rộng ước 500 thước vuông. Cảnh trí hài hòa mát mẻ, phong thủy tốt đẹp. Căn cứ vào những giá trị lịch sử, năm 1995, Đình Kiên Lao được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia theo quyết định số 2223- VH/ QĐ ngày 26 tháng 6 năm 1995. Lễ hội hằng năm được tổ chức vào ngày 15 tháng 11 (Âm lịch).Có tục tế thần, rước kiệu rất đặc sắc mang đậm nét văn hóa truyền thống được nhân dân và du khách ngưỡng mộ. Hiện nay Lễ hội đã được Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch hoàn thiện Hồ sơ, kịch bản Lễ hội điểm và đã tiến hành tổ chức Lễ hội theo đúng kịch bản từ năm 2012. Nguồn Cổng thông tin điện tử xã Đại Đức , huyện Kim Thành , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 612 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Muống (Quang Khánh Tự)

Chùa Muống (Quang Khánh tự) ở xã Ngũ Phúc là trung tâm tôn giáo lớn của huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Ngôi Chùa đã trải qua 7 thế kỷ tồn tại, được ghi vào lịch sử của chế độ phong kiến Việt Nam. Ngoài bề dày lịch sử, chùa Muống còn được mệnh danh là ngôi chùa nhiều tháp nhất tỉnh Hải Dương. Trải qua chiến tranh tàn phá, chùa vẫn còn lưu giữ được hệ thống tháp đá thời Lê và thời Nguyễn khá đồ sộ. Chùa Quang Khánh là một ngôi chùa lớn của đất nước thuộc thiền phái Trúc Lâm. Chùa có từ thời Trần đầu thế kỷ 14 do Huệ Nhẫn Quốc sư Vương Quán Viên chủ trì, Huệ Nhẫn còn là một lương y có tài chữa mắt. Vua Lê Thánh Tông đã từng đến chùa, đề thơ tại di tích. Chùa là cơ sở cách mạng và kháng chiến của xứ uỷ và tỉnh. Đến năm 1947 chùa còn 120 gian, 32 tháp đá và gạch, khoảng 50 pho tượng phật và nhiều cổ vật. Đây là ngôi chùa nhiều gian nhất tỉnh. Đồng thời là trung tâm tôn giáo tín ngưỡng thuộc về đạo phật lớn nhất của huyện Kim Thành. Chùa được xếp hạng di tích Quốc gia năm 1992. Hàng năm Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày là: ngày 24 ; ngày 25 và ngày 26 tháng Giêng (âm lịch) dân gian thường gọi là Lễ hội Non Đông. Do lợi thế giao thông thuỷ bộ và là một ngôi chùa cổ có tiếng ở khu vực do vậy hàng năm thu hút vài ngàn du khách tới Lễ hội Chùa. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Kim Thành , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 530 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Quỳnh Côi (Đình Gôi)

Ngôi đình ở thôn Ngọc Lâm (làng Quỳnh Gôi), xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Đình thờ thành hoàng là Cao Sơn Đại Vương, thời Hùng Duệ vương, có công chống giặc Thục, giữ yên bờ cõi. Đình được xây dựng từ thế kỷ XVII, trùng tu nhiều lần vào các năm 1686, 1692, 1750, 1756, 1772, 1838, 1899. Trong chiến tranh, đình bị hư hỏng nặng. Ngôi đình hiện nay gồm có Tiền bái 5 gian, Hậu cung 3 gian, 6 gian giải vũ. Trong đình, hiện còn nhiều cổ vật, trong đó có 9 tấm bia có niên đại từ thế kỷ XVII-XVIII, 15 đạo sắc thời Lê Trung Hưng và Nguyễn. Lễ hội hằng năm từ ngày 8 đến ngày 13 tháng 2. âm lịch. Đình đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá quốc gia năm 2001. Đình làng thôn Ngọc Lâm hiện nay do thời gian mà đã có phần không còn nguyên trạng nhưng với nỗ lực của chính quyền trong thôn xã cũng như nhân dân đã khôi phục hiện trạng và bảo tồn nét truyền thống và cổ kính của Đình Quỳnh Côi nét di tích mang đạm chất quê hương "Cây Đa-Giếng Nước-Sân Đình". Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Tứ Kỳ , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 564 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Khánh Linh

Nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa độc đáo của xã Phượng Kỳ, chùa Khánh Linh ở thôn Tân Hợp (thôn Tứ Kỳ Hạ cũ) cách trung tâm thành phố Hải Dương khoảng 20km, cách trung tâm huyện Tứ Kỳ 5km về phía Nam, đã được xếp loại di tích lịch sử quốc gia từ năm 1999. Với có hệ thống tượng được tạc bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng, có niên đại xác định vào thế kỷ XVIII, hệ thống bia đá được điêu khắc tinh xảo, chùa Khánh Linh được đánh giá là công trình mang đậm tính nghệ thuật cùng với giá trị lịch sử hào hùng. Theo văn bia lưu giữ tại chùa, chùa Khánh Linh được xây dựng vào thời Thiệu Long nhà Trần năm 1258. Lúc đầu chùa còn nhỏ, mái lợp cỏ tranh. Các triều đại sau, nhân dân đều góp tiền tu sửa, lợp ngói, sắm tượng, đúc chuông, tạo nên khung cảnh khang trang, lộng lẫy như bài minh đã mô tả: "Chùa Khánh Linh uy nghi cao vời vợi/ Đất thiêng người tài/ Phúc Khánh lâu dài/Tiền đường dựng trước/ Gác cao hưng vinh/Âm thanh chấn động/ Lễ phật kính sùng...". Qua tấm bia ghi lại việc trùng tu, tôn tạo này cho thấy tiền của dân đóng góp lên tới 1.838 quan, 27 cây cột đá, 8 cột và hoành gỗ. Trong đó, người đóng góp ít nhất là 1 quan tiền, người đóng nhiều lên đến 120 quan tiền và một cây cột đá. Trải qua chiến tranh và thiên tai khắc nghiệt, đến nay chùa còn 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Tòa tiền đường có kết cấu theo kiểu chồng rường đấu kê gồm 6 vì kèo, họa tiết hoa lá được chạm vào các đấu kê. Đỡ toàn bộ vì và mái là 12 cột cái bằng gỗ lim, đường kính 32 cm. Cột quân bằng đá gồm 2 loại tròn và vuông. Cột vuông bố trí phía trước cửa, cột tròn phía sau. Trên các cột đá đều ghi tên người cung tiến. Gian chính giữa được nối thông với 3 gian hậu cung bởi một vì kèo con chồng đấu kê. Tòa hậu cung có 6 cột cái bằng gỗ lim, đường kính 29 cm và 6 cột quân bằng đá. Bệ thờ đặt tượng ở ba gian hậu cung đều được xây cuốn bằng gạch. Hệ thống tượng Phật, văn bia, cây hương đá của chùa mang đậm nghệ thuật điêu khắc thể hiện tính chân, thiện, mỹ của Phật giáo. Hệ thống tượng ở đây đều được tạc bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng, có niên đại xác định vào thế kỷ XVIII. Những pho tượng cổ trong chùa có nhiều kiểu dáng, ngồi, đứng không trùng lặp. Tượng cân đối, uy nghi, phản ánh sự dày công, tỉ mỉ trong tạo tác. Trong khuôn viên chùa có một số công trình kiến trúc bổ trợ khác, đó là nhà tổ 3 gian, trong đó có tượng của 2 vị sư đã tu ở chùa. Phía trước cửa chùa là một vườn phong lan với nhiều loài, đa dạng kích cỡ được sư trụ trì Thích Nữ Thông Nhân chăm sóc, vun trồng gần 10 năm qua. Khung cảnh ấy đã tạo nên sự tĩnh mịch cho ngôi chùa. Đặc biệt, chùa còn lưu giữ các tấm bia "Tân tạo tiền đường thượng các" "Khánh Linh tự bi ký"; "Thập phương công đức bi ký" và 1 cây hương đá với họa tiết trang trí tinh xảo. Năm 1999, chùa Khánh Linh đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia. Nguồn Cổng thông tin điện tử xã Phượng Kỳ , huyện Tứ Kỳ , tỉnh Hải Dương .

Hải Dương 496 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Đông Dương

Đông Dương Tự là tên gọi theo cách dùng từ Hán Việt của chùa Đông Dương. Người dân nơi đây vẫn thường gọi tên chùa Lâm, bởi chùa nằm trên vùng đất thôn Phúc Lâm, xã Minh Đức. Nhân dân địa phương cũng thường gọi nôm bằng tên chùa Trong, để phân biệt với một ngôi chùa khác nhỏ hơn phía sau làng, tên là chùa Ngoài. Chùa Trong, tức Đông Dương Tự có nghĩa là ngôi chùa quay về hướng Đông, hướng mặt trời mọc lên. Và ngôi chùa Ngoài được gọi tên là Mãn Nguyệt Tự, ngôi chùa hướng về phía mặt trăng, khi trời chiều ngả bóng. Nói về tên gọi của nó để thấy được rằng, có một sự cân bằng và đối xứng trong cách đặt tên của ngôi chùa, trong lối kiến trúc hài hoà của người xưa. Cũng như các ngôi chùa khác của việt Nam, Đông Dương Tự là ngôi chùa thờ Phật dòng Đại Thừa. Chùa được xây dựng từ thời Lê (khoảng năm 1600) và có sự đóng góp tiền của, công đức của vị tướng thời Lê là Nguyễn Thế Mĩ, người có công khắc dựng bia công đức để tại chùa. Theo văn bia khắc năm Đức Long (1632) cho biết quận công Nguyễn Thế Mỹ tự là Vạn Phúc, văn võ song toàn được vua tin yêu giao cho nhiều trọng trách trong nội phủ. Khi giặc ngoại xâm sang xâm lấn, ông được vua phong làm nguyên soái cầm quân đánh thắng giặc, mang lại thanh bình cho đất nước, quê hương. Ông được vua phong thưởng rất hậu. Công danh tuy vinh hiển khắp nơi nhưng ông vẫn sống khiêm nhường, phú quý mà chẳng kiêu căng. Ông bỏ tiền của tu sửa lại chùa Đông Dương với 54 gian rất khang trang. Công lao của ông đã được khắc ghi vào bia đá, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hải Dương, ông được tạc tượng thờ tại khu vực chùa Đông Dương. Chùa Đông dương đã được nhà nước công nhận là di tích văn hóa lịch sử năm 1994. Nguồn Cổng thông tin điện tử xã Minh Đức , huyện Tứ Kỳ , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 535 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Phú Lộc

Chùa Phú Lộc có tên nôm là chùa Ma Há, tên tự là Phú Lộc Tự là một trong sáu di tích của xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, cách Thành Phố Hải Dương khoảng 12 km về phía tây bắc. Là nơi có vị trí giao thông thuận lợi cho nên từ những thế kỷ trước Phú Lộc đã sớm trở thành trung tâm giao lưu kinh tế, văn hoá của khu vực, trên cơ sở xã hội đó nhiều thiết chế văn hoá cổ truyền đã ra đời và phát triển. Chùa được khởi dựng vào thời Lê Sơ (thế kỷ XV) đây cũng là thời kỳ kinh tế, văn hoá phát triển rực rỡ trong lịch sử địa phương, chùa được trùng tu lớn vào thế kỷ XIX ( năm 1898), với kiến trúc tương đối đồ sộ. Trải qua những năm tháng dãi dầu mưa nắng, chiến tranh và biến cố xã hội, chùa hiện còn có kiến trúc kiểu chữ đinh (J) gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, bảo lưu kiến trúc cổ. Tọa lạc trên mảnh đất rộng rãi bằng phẳng ở trung tâm làng Phú Lộc, phía trước có ao lớn, ven ao nhân dân trồng nhiều loại cây ăn quả xanh tốt, mái chùa cổ kính ẩn hiện trong những lùm cây tạo nên phong cảnh u tịch, thâm nghiêm. Toà tiền đường xây bít đốc, bổ trụ, kết cấu khung vì kẻ chuyền chồng chóp, guốc nóc vát cạnh khắc chữ “Thọ” cách điệu, đấu hình chữ nhật, các con chồng chạm khắc đao hoả, phong cách thời Hậu Lê và hoa sen cách điệu. Các đầu bẩy toà tiền đường chạm kênh bong rồng lá quấn quanh, đao và râu tóc rồng kiểu mây cụm và đao hoả. Trên phần kẻ chuyền tạo hệ thống lá dong, được trang trí “ Rồng lá” “ Trúc hoá long” xen kẽ với các con chồn đang nô giỡn. Nhìn chung di tích trải qua nhiều lần tu sửa cho nên kiến trúc nguyên bản bị thay đổi đôi chút, hai vì đầu hồi kiểu giá chiêng xen lẫn chồng rường, các bức cốn chạm đề tài tứ linh. Nối liền với tiền đường là 3 gian hậu cung xây bít đốc bổ trụ, kiến trúc kiểu kèo cầu, trụ báng đơn giản. Chùa Phú Lộc thờ Phật theo phái Đại Thừa, trước cách mạng tháng 8 năm 1945, chùa có qui mô rất lớn, có tới 50 pho tượng và nhiều đồ tế tự, riêng hệ thống tượng thờ tại thượng điện có 6 lớp và hầu hết tượng được tạo vào thế kỷ XVIII – XIX . Ngoài ra ở các gian bên có tượng Quan Âm Toạ Sơn và Quan Âm Tống Tử, theo kinh phật đây là hai sắc tướng của Quan Âm. Ở toà tiền đường, tượng thờ được bố trí như sau: Ở gian bên trái là nơi thờ Đức Thánh Hiền và tượng Trừng Ác, bên phải thờ Đức Ông và tượng Khuyến Thiện. Ở hai bên đầu hồi thờ Bát Bộ Kim Cương, Thái Thượng Lão Quân và Bồ Đề Đạt Ma. Nhà thờ Mẫu mới được nhân dân xây dựng năm 1996, thờ Mẫu Thoải, Mẫu Thiên và Mẫu Thượng Ngàn theo tín ngưỡng thờ các siêu lực tự nhiên của người Việt cổ. Với 35 pho tượng các loại, phần lớn được tạo vào thế kỷ XVIII – XIX, chùa Phú Lộc không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là nơi lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc dân gian có giá trị. Ngoài hệ thống tượng phật, chùa Phú Lộc còn giữ được nhiều cổ vật và đồ thờ tự khác như câu đối, đại tự, chuông đồng, cửa võng, bát hương... Lễ Phật cầu may là việc làm không thể thiếu của người dân theo đạo Phật ở Việt Nam. Vào những ngày rằm và mùng một đầu tháng, nhân dân Phú Lộc đến chùa lễ Phật, lễ vật dâng cúng Phật chỉ là sản vật quê hương nhưng tỏ rõ tấm lòng thành kính. Ngoài ra chùa Phú Lộc còn có một số các ngày lễ chính như sau: Đó là ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch - ngày Phật đản, ở Phú Lộc có lệ tụng kinh và làm lễ Mộc dục, tắm tượng bằng nước lá thơm và bao sái tượng bằng lụa đỏ, tấm lụa sau được xé ra làm nhiều mảnh nhỏ cho mọi người để cầu phúc. Ngày 15 tháng 7 âm lịch - ngày lễ Vu lan, làm lễ cúng cho các cô hồn phổ độ chúng sinh theo đạo Phật xá tội vong nhân. Những năm gần đây nhân dân địa phương còn tổ chức lễ “Quy phật” cho những người quá cố với ý nghĩa cầu mong cho linh hồn người đã khuất được siêu thoát theo quan niệm tín ngưỡng dân gian. Vì đình Phú Lộc có thờ Thành hoàng nên dịp hội đình, nhân dân làm lễ ở đình xong bao giờ cũng đến chùa cúng Phật và ngược lại, cho nên lễ đình, chùa Phú Lộc đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của người dân nơi đây. Chùa Phú Lộc là di tích Phật giáo được xây dựng khá sớm trên mảnh đất có bề dầy lịch sử văn hoá, một công trình kiến trúc cổ mang đậm nét nghệ thuật thờ Hậu Lê, với những mảng chạm khắc điển hình về các hình tượng “ Tứ linh” được hoá thân cùng với “ Tứ quý”. Hình tượng hoa sen với nhiều góc độ khác nhau được cách điệu tạo sự phong phú đẹp mắt. Hệ thống tượng Phật là những tác phẩm điêu khắc độc đáo của thế kỷ XVIII – XIX. Chùa còn là cơ sở cách mạng kháng chiến của huyện Cẩm Giàng và xã Cẩm Vũ. Việc nghiên cứu, bảo vệ di tích có giá trị minh chứng cho truyền thống cách mạng của cán bộ và nhân dân địa phương và giáo dục cho thế hệ trẻ trách nhiệm tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Với những giá trị lịch sử, văn hoá như đã nêu trên, chùa Phú Lộc đã được xếp hạng cấp quốc gia theo quyết định số 04/ 2001/Quyết Định – Bộ Văn Hóa Thể Thao, ngày 19/01/2001. Với cơ sở khoa học và pháp lý đó, cùng với ý thức giữ gìn di sản văn hoá của nhân dân địa phương, chùa Phú Lộc sẽ được bảo vệ và phát huy tác dụng tốt đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phương. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 620 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Long Động

Đền Long Động xã Nam Tân thờ 3 danh nhân khoa bảng: Thủ khoa Minh kinh bác học Mạc Hiển Tích, đỗ đầu khoa thi năm Quảng Hựu thứ 2 (Bính Dần, 1086) tương đương Trạng nguyên; được chọn làm Hàn Lâm học sỹ, sau thăng lên Thượng thư Bộ lại, là một người có biệt tài về chính trị, từng đi sứ Chiêm Thành năm Hội Phong thứ 4 (1094). Tiến sĩ Mạc Kiến Quan (em ruột của Trạng nguyên Mạc Hiển Tích) thi đỗ khoa thủ tuyển (năm Kỷ Tỵ 1089) làm quan đến chức Thượng thư bộ Công. Lưỡng Quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (đời thứ 5 của Trạng nguyên Mạc Hiển Tích) thi đỗ Trạng nguyên năm Giáp Thìn (1304), đời vua Trần Anh Tông. Cuộc đời của các vị tiên hiền Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quan ít được nhắc đến trong lịch sử, nhưng Mạc Đĩnh Chi thì đã có nhiều sách báo nói đến và cũng nhiều giai thoại. Theo đó, Mạc Đĩnh Chi là người vô cùng mẫn tiệp, thông tuệ, có tài kinh bang tế thế, làm quan đứng đầu triều, trải qua ba đời vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông. Tương truyền Ông từng hai lần đi sứ, với sự hiểu biết uyên bác, tài hùng biện và khéo léo ứng xử của một nhà ngoại giao tài ba, ông được vua quan nhà Nguyên vô cùng nể phục và phong làm Lưỡng quốc Trạng nguyên; “Lưỡng quốc Trạng nguyên danh bất hủ, Tam hiền Lũng động phúc trường lưu".... Với những giá trị lịch sử văn hóa, năm 1995, đền Long Động xã Nam Tân được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2019, Đền Long Động được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh. Lễ hội Đền Long Động được tổ chức vào mùa Xuân (từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 2 âm lịch) để tưởng nhớ ngày Mạc Đĩnh Chi qua đời vào ngày 10 tháng 2 năm Bính Tuất (1346). Lễ hội mang đậm nét giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, thể hiện đạo nghĩa “Uống nước nhớ nguồn", góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hoá dân tộc. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Nam Sách , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 468 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Trăm Gian

Chùa Trăm Gian là di tích lịch sử - văn hóa thuộc thôn An Đông, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Di tích được hình thành cách đây khoảng 1000 năm, tọa lạc ở vùng quê bình yên, nằm gần dòng sông Kinh Thầy thơ mộng, không gian thanh tịnh, mái ngói rêu phong, vườn tháp cổ kính và từng là một ngôi chùa lớn, trung tâm Phật giáo của cả nước, trường dạy kinh Phật cho nhiều phật tử. Chùa được gọi theo quy mô, kiến trúc của di tích. Đến nay vẫn giữ được bố cục, nét kiến trúc độc đáo và nhiều cổ vật có giá trị khoa học. Ngoài tên gọi Trăm Gian, chùa còn có tên là An Ninh, cách gọi theo tên địa danh của làng và tên tự là chùa Vĩnh Khánh. Từ thị trấn Nam Sách đi hướng cầu Bình theo Quốc lộ 37, đến ngã ba rẽ vào xã An Bình (cạnh trụ sở UBND xã Quốc Tuấn), du khách đi theo đường trục xã vào thôn An Đông (cách trụ sở UBND xã An Bình 400m) là đến di tích. Cũng như các ngôi chùa khác, chùa Trăm Gian được xây dựng để thờ Phật theo phái Đại thừa, với tư tưởng truyền bá đạo Phật cho mọi người để hướng đến những giá trị Chân -Thiện - Mỹ tốt đẹp, con người chung sống hòa bình, khởi tâm làm nhiều việc thiện, tránh xa điều ác, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Đại thừa là “cỗ xe lớn” có thể chở được nhiều phật tử trong việc tu tập và cùng nhau để sớm đến được bến bờ giác ngộ. Chùa Trăm Gian ngoài thờ Phật theo phái Đại thừa còn thờ thiền phái Trúc Lâm Tam Tổ (Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông (tổ 1), Pháp Loa Tôn giả (tổ 2) và Huyền Quang Tôn giả (tổ 3). Bên cạnh đó, chùa còn thờ các nhà sư đã quy y và trụ trì tại chùa, có công trùng tu, tôn tạo mở rộng di tích như: Thánh Tổ ni Phạm Thị Toàn (Toàn Nương) trụ trì 02 năm (xuất gia năm 1011, viên tịch năm 1013), là đệ tử của thiền sư Từ Đạo Hạnh dòng Tỳ ni đa lưu chi. Khi nhà Trần trị vì đã gia phong cho bà “Trinh Khiết Đoan Trực Trai Trang Hoàng Quý Phi Tối linh Thượng đẳng Công chúa”. Vị sư tổ tiếp theo trụ trì là người làng, học đạo theo thiền phái Trúc Lâm tên là Nguyễn Diệu Quang, được gọi là Tổ Rau (vì tu theo lối tịch cốc mỗi ngày chỉ ăn 1 bìa đậu phụ và 2 mớ rau vào lúc chính ngọ). Vua Lê Cảnh Hưng phong “Hòa thượng Đại nhân tăng lục thiền già”. Vị sư tổ tiếp theo là Viên Giác, người họ Nguyễn ở bản xã, quy y và viên tịch tại chùa vào ngày 14/9. Vị sư tổ tiếp theo là Viên Tịch, vốn trước tu ở chùa Bổ Đà (Bắc Giang) sau làm môn đồ tổ Viên Giác và viên tịch ngày 24/6 và một số nhà sư khác hiện có mộ tháp ở phía sau chùa. Không chỉ là danh lam cổ tích trong vùng, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngôi chùa là cơ sở cách mạng, nơi luyện tập, họp hành và trú ẩn của du kích, bộ đội địa phương. Năm 1965, chùa là nơi kho tán của phân viện 7 và Kho quân nhu của Quân khu III. Sau năm 1975, một phần chùa trở thành trụ sở UBND xã, thư viện, đài truyền thanh, nhà truyền thống xã... Hiện nay, ngôi chùa trở lại thành điểm sinh hoạt văn hóa tôn giáo tâm linh của nhân dân trong vùng. Tương truyền chùa Trăm Gian có từ thời Lý (khoảng thế kỷ XI). Đến thời Trần, tướng quân Nguyễn Huy Tĩnh đóng quân tại chùa để chặn quân Nguyên từ hướng sông Bạch Đằng đánh vào Thăng Long. Đến triều Lê, năm Chính Hoà (1691) đời vua Lê Hy Tông sửa thượng điện, năm Vĩnh Thịnh nguyên niên (1705) đời vua Lê Dụ Tông vua tiếp tục sửa thượng điện; các năm 1740, 1809 tu sửa và tôn tạo khá nhiều công trình trong chùa. Thế kỷ XIX- XX, chùa Trăm Gian được trùng tu với quy mô khá lớn và độc đáo vào bậc nhất mang phong cách thời Nguyễn. Hiện nay, toàn bộ khuôn viên của di tích tọa lạc trên diện tích 17.977m2, với các công trình chính như: Từ phía Đông, mở đầu là công trình gác chuông (128m²), có quy mô lớn và độc đáo. Trên gác chuông ở gian trung tâm treo quả chuông đồng đúc vào năm Thành Thái thứ 2 (1890), đây là quả chuông hiếm có của tỉnh Hải Dương. Gác chuông gồm 05 gian, trong đó 03 gian giữa có kiến trúc chồng diêm, cổ các. Hai đầu hồi kiến trúc theo kiểu bít đốc tạo dáng quai chảo. Bộ mái của phần chồng diêm là hai vì kèo, cột đặt trên xà thượng của công trình phía dưới. Phía trên mái chồng diêm có 4 đầu đao với phù điêu rồng chầu, phượng múa, bờ nóc đắp hạp long ở 2 đầu. Hệ thống bờ nóc, bờ chảy mềm mại, trang trí ô hoa chanh cách điệu. Phía sau gác chuông, qua một sân nhỏ là chùa chính gồm: Tiền đường 07 gian, có chiều dài 16m, rộng 8m. Kết cấu các vì kèo theo kiểu chồng rường đấu sen. Các chi tiết như cột cái, cột quân, bẩy hiên, xà nách, các con thuận, câu đầu, trụ, con vành, đấu gòi được chế tác rất công phu. Các xà thượng, xà hạ, hoành, rui đều được soi chỉ. Kết cấu hệ thống giằng ngang và giằng dọc hợp lý, chặt chẽ. Thượng điện có chiều dài 11m, rộng 8m, phần mộc của thượng điện có kết cấu và chế tác giống tiền đường, nhưng các chi tiết phần mộc nhỏ hơn. Tường xây bằng gạch Bát Tràng, bên trong trát vữa, ngoài để mộc bắt mạch nõn dong, mái lợp ngói mũi. Bên trái thượng điện là 07 gian nhà thờ Mẫu, có chiều dài 14m, rộng 4m. Các vì kèo kết cấu theo kiểu kèo cầu, đơn giản. Bên phải là hai Nhà khách nối liền nhau như một hành lang. Sau thượng điện là nhà Tứ ân, kết cấu kiểu kẻ chuyền chồng chóp, các con chồng, đấu sen, các bức chạm lá lật chạm trổ tinh vi. Nhà tổ nằm phía sau nhà tứ ân. Phía bắc chùa có sân rộng chừng 1.000m² cùng một số công trình quay ra sân như: Nhà tháp, nhà tăng, am trong, am ngoài cùng nhiều công trình phụ khác. Phía sau chùa là một vườn tháp gồm 10 ngôi, trong đó có 9 ngôi được xây dựng vào thời Lê và Nguyễn, một ngôi được xây dựng năm 2003. Chùa Trăm gian là ngôi chùa thuộc thiền phái Trúc Lâm, có nhiều hạng mục công trình và nhiều gian nhất hiện còn trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Hằng năm, chùa Trăm Gian tổ chức lễ hội nhằm vào ngày 11 , ngày 12 tháng 9 âm lịch. Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật điêu khắc, giá trị khoa học của di tích và cổ vật đang được lưu giữ tại chùa. Ngày 02/3/1990, di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia theo Quyết định số 168/Quyết Định - Bộ Văn Hóa Thể Thao. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Nam Sách , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 538 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Quán Đào

Đình Quán Đào thuộc thôn Quán Đào , xã Tân Tiến, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương là nơi thờ Thiên Tác Đại Vương Lí Canh Tôn, là một danh tướng thời nhà Lí người có công phù giúp Nhà Lí đánh tan quân Tống xâm lược. Quán Đào xưa vốn là trang Quán Đào, là một xã của Tổng Mỹ Xá- Phủ Tứ kỳ. Từ năm 1925 đến 1944 là một xã của tổng Hội xuyên huyện Gia Lộc. Từ năm 1945 đến nay Quán Đào, là một thôn của xã Tân Tiến huyện Gia Lộc. Trước đây trong xã, thôn nào cũng có Đình, chùa . Đình thuộc thôn quán Đào nên có tên gọi là: Đình Quán Đào. Đình được xây dựng ở trung tâm thôn Quán Đào, nằm trên một gò đất cao gọi là đống con voi. Trước cửa đình là một cái ao lớn, trước đây thông ra sông cống câu, thuyền đinh có thể vào tận cửa Đình, còn xung quanh là đường làng. Ở phía Tây của Đình còn có một ngôi miếu cũng được xây dựng trên một gò đống còn được gọi là đống Con Xà. Phía Bắc Đình cũng có một gò đống cao gọi là Đống Rước Vua, nằm cách Đình khoảng 500m. Như vậy ngôi Đình được xây dựng ở giữa các gò đống tạo ra thế rồng chầu hổ phục. Cũng như mọi ngôi đình Việt Nam. Đình Quán Đào được xây dựng để thờ thành hoàng và là nơi hội họp của dân làng, mỗi khi có việc lớn. Đình được xây dựng từ thời Lý. Nguyên là nơi thờ cụ Thiên Tác quê chính ở Cao Xá Cẩm Giàng. Theo lệnh của chiều đình về Quán Đào để mộ quân đánh giặc Tống. Khi chiến thắng được vua phong là “ Tôn canh linh ứng” và được vua ban sắc phong khi chết được nhân dân Quán Đào tôn là thành hoàng thờ tại đình làng. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945 hội làng được mở từ ngày 10 đến ngày 20 tháng giêng âm lịch, tại Đình được tổ chức nhiều hình thức như rước, tế, lễ, hát chèo….Đặc biệt ở đây có lệ thi lợn thờ mỗi giáp một con. Đình Quán Đào còn đặc biệt là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử gắn liền với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của địa phương. Nhân dân Quán Đào nói riêng và nhân dân Tân Tiến nói chung là những du kích đánh Pháp nổi tiếng kiên cường, dũng cảm, đã được lịch sử tỉnh, huyện ghi nhận. Ngôi đình là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp của địa phương. Tại đây những người chỉ huy luôn đưa ra những quyết định đúng đắn và đều giành thắng lợi. Tháng 8/1945 nhân dân Tân Tiến đã tập trung tại đình để lên huyện tham gia giành chính quyền. Trong những năm 1946 Đình còn là nơi nhân dân học bình dân học vụ, xóa mù chữ cho nhân dân trong xã. Đình cũng là nơi nhân dân đến ủng hộ vàng bạc trong tuần lễ vàng mà Bác Hồ và chính phủ kêu gọi. Đình còn là nơi thành lập xã Tân Tiến gồm ba thôn, Đông cận, Quán Đào, Tam Lương năm 1946. Ngày 06/1/1946, Đình còn là nơi chứng kiến cuộc bầu cử Quốc Hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa của xã. Liên tiếp các năm 1946 – 1947 Đình còn là nơi luyện tập võ trang của du kích, để chuẩn bị cho kháng chiến chống Pháp của địa phương. Ngày 23/12/1946 quân địch đi ca nô đổ bộ lên bến đò neo ( cách xã 2 km) bắn súng vào xã. Liền sau đó khoảng 40 người dân Tân Tiến tay cầm vũ khí đã xông lên đường 191 đánh trả. Trận ra quân lần đầu đã chứng tỏ tinh thần quyết tâm đánh giặc của nhân dân được huyện biểu dương khen ngợi. Ngày 23/2/1947. Địch càn thẳng vào xã đốt cháy 2/3 số nhà dân, bắn chết 4 người, bắt đi 20 người. Biến căm thù thành hành động. Chi bộ Tân Tiến đã họp tại đình Quán Đào và ra nghị quyết” Tổ chức biên chế quân du kích chặt chẽ, huấn luyện quân sự, mỗi đồng chí phải có một thứ vũ khí…Tuyên truyền nhân dân toàn xã chuẩn bị đánh giặc”. Từ đó tại đình du kích ngày đêm luyện tập, nhân dân đẩy mạnh sản xuất và tham gia bình dân học vụ. Từ năm 1947 địch tăng cường càn quét, 3 năm đầu kháng chiến từ 1946 đến 1948 chi bộ Đảng tiếp tục được phát triển, chính quyền được củng cố. Từ năm 1950 quân địch thua đau ở biên giới chúng quay về đồng bằng, đồn bốt được mọc lên như nấm. Quanh xã Tân Tiến có nhiều bốt địch như bốt Bỉnh di, Đông Quan, Xuân nẻo, Lũy Dương…Trước tình này chi bộ họp tại đình Quán Đào ra nghị quyết bám sát dân, giữ vững cơ sở, đấu tranh với địch trong thời gian khó khăn này, đình Quán Đào con che dấu hàng trăm cán bộ huyện, tỉnh và một số cán bộ xã bạn. Trong lúc khó khăn tình làng, nghĩa xóm càng đậm đà sâu đậm, mọi người nhường cơm sẻ áo.. Từ năm 1952 đến 1954 chiến trường chính ta mở rộng, tại xã được phát triển lên một bước gồm có 42 đồng chí có 6 súng trường, 1 súng liên, một tiểu liên và nhiều chông mìn, lựu đạn, luôn hoạt động quấy phá địch. Trong 8 năm kháng chiến chống Pháp nhân dân Tân Tiến cùng các xã bạn tham gia 105 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt 241 tên địch, Với thành tích đó xã được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhất. Riêng thôn Quán Đào được tặng huân chương kháng chiến hạng 2, 4 du kích được phong là chiến sĩ thi đua. Trước đây di tích có rất nhiều đồ tế tự như Long đình, Luyện, Bát biểu, Cờ quạt, Tàn lòng, Quần áo tế lễ, Đồ thờ tự… Trải qua thời gian và đặc biệt là kháng chiến chống Pháp ác liệt đã diễn ra trên mảnh đất này đã tiêu hủy rất nhiều hiện nay chỉ còn: 1 Đỉnh đồng thời Nguyễn , 1 bức đại tự sơn son, 1 bát Hương bằng sứ, 8 lọ hoa sứ, 3 bộ thờ, 1 bức Y môn, 1 ngai thờ gỗ, 2 câu đối gỗ, 1 bàn thờ gỗ sơn son, 1 hòm sắc, 1 thần tích, 3 bức đại tự. Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật điêu khắc, giá trị khoa học của di tích và cổ vật đang được lưu giữ tại chùa. Năm 1995 được nhà nước cấp bằng di tích lịch sử văn hóa quốc gia . Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương .

Hải Dương 488 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình làng Đồng Tái

Trước năm 1945, Đồng Tái là tên xã, trong xã có đủ đình, chùa, miếu. Năm 1946, Đồng Tái là một thôn của xã Thống Kênh (Gia Lộc), đình Đồng Tái từ đó gắn liền với tên thôn. Đình Đồng Tái được xây ở trung tâm của làng, trên một khu đất cao, rộng, mặt hướng tây nam, trông ra sông Nhị Hà (nay là sông Thưa). Theo ngọc phả còn lưu lại và qua lời kể của các cụ cao tuổi trong làng, đình Đồng Tái thờ 3 chị em họ Đào là: Đào Thị An, Đào Công Hải và Đào Công Thông, những người có công phò vua Duệ Vương đánh giặc Thục, giặc Lương bảo vệ đất nước... Những năm kháng chiến sau này, đình Đồng Tái là nơi gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương và của tỉnh. Tháng 4 - 1995, đình Đồng Tái được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. "...Tương truyền, Đào Công Bột, quê ở An Bang, phủ Hải Đông, là thiếu phó quan thời Hùng Vương thứ 18, được giữ chức bộ trưởng Châu Hoan (Thanh Hóa), sau được vua hạ chiếu điều đến phủ Thượng Hồng (trấn Hải Dương) làm quan thượng thư. Trong thời gian ở Thượng Hồng, ông kết duyên với một nữ anh thư họ Nguyễn, con gái một gia đình danh gia, lệnh tộc ở Kênh Triều, huyện Gia Phú (nay là Gia Lộc). Được khoảng 3 năm thì Thượng Hồng đột nhiên có trận nước lụt lớn, quan Thượng Thư và nhân dân phải làm chòi cao tránh nước. Trong cơn thủy hoạn, bỗng có 3 quả trứng từ đâu trôi đến trước chòi của quan thượng thư. Thấy lạ, ông vớt 3 quả trứng đó rồi cất đi. Không lâu sau, một trận mưa lớn, sấm chớp đùng đùng, 3 quả trứng nổ như tiếng sét và nước lũ tự dưng rút cạn. Quan thượng thư nửa mừng, nửa lo, cho rằng 3 quả trứng kia là chuyện bất thường, liền lệnh cho quân sĩ làm lễ tế đảo để tiễn 3 quả trứng thần kỳ. Ngay đêm đó, quan thượng thư nằm mơ thấy một người tướng mạo uy nghi, cỡi trên con Hoàng Long (rồng vàng) tặng cho mình một tấm gấm có đề thơ sẵn. Tỉnh dậy, ông thấy tấm gấm đặt bên mình thì rất đỗi vui mừng. Từ đó vợ ông mang thai, lần lượt sinh hạ được Đào Thị An, Đào Công Hải và Đào Công Thông. Cả ba chị em đều khôi ngô, tuấn tú, diện mạo khác thường, tính tình khoan hòa, văn võ kiêm toàn. Đặc biệt, Đào Công Hải và Đào Công Thông, thế và lực có thể bạt núi, ngăn sông, đi trên sóng nước như đi trên cạn. Nhân dân ở đây coi như ba vị thánh giáng trần. Sau khi cha mẹ tạ thế, 3 chị em họ Đào dựng một quán nước ở đầu làng Kênh Triều để mưu sinh. Lúc này nhà Thục đưa đại binh sang xâm chiếm nước Văn Lang. Vua Duệ Vương cùng quần thần trực tiếp ra đánh giặc, nhưng vì thế và lực không cân nên vừa đánh vừa rút lui. Tới địa phận xã Hậu Bổng, huyện Gia Lộc thì trời xế chiều, vua hạ chiếu cho quân thần dựng trại để nghỉ. Đêm đó, nhà vua ngự giá tại chùa Quang Minh, tổng Hậu Bổng. Trong giấc ngủ mơ màng, vua thấy một người cao to, áo mũ cân đai chỉnh tề tiến đến trước mặt nói rằng:” Thần vâng mệnh Thiên Hoàng giấy báo cho thời quân gặp nhân tài để diệt giặc. Giật mình tỉnh lại thì đó là giấc mộng và bên mình có tấm gấm, trên đề mấy vần thơ: Thiên Hoàng xuống báo giúp thời quân/ Tìm đến Kênh Triều gặp Thánh Nhân/ Huynh đệ một nhà Đào Thị đó là người giúp nước cứu nhân dân”. Lập tức vua cho quân thần đến Kênh Triều, mời 3 chị em họ Đào về hậu bổng yết kiến, rồi phong cho Đào Công Hải là quyền trưởng Trung Hoa quốc tể; Đào Công Thông là Thống trưởng tướng quân. Hai vị nhận chức, điều khiển toàn bộ 30 vạn binh mã, chia làm nhiều mũi tiến đến đồn giặc đánh phá. Chỉ một trận đánh, giặc Thục đã tan tác, những tên sống sót tranh nhau tẩu tán. Đất nước trở lại thanh bình, muôn dân an cư lạc nghiệp… 5 năm sau, mộng xâm lăng của giặc Thục lại nổi lên, chúng cho đại binh dồn rập sang đánh chiếm nước ta lần nữa. Đào Công Thông và Đào Công Hải xin vua cho xuất binh phá giặc. Nắm bắt được điểm yếu của địch, hai tướng quân bố trí đánh úp ban đêm, cho những thợ lặn xuống khoan thủng thuyền địch. Bị động, thuyền đắm, quân Thục một lần nữa đại bại, kinh hoàng chạy về nước. Sau khi toàn thắng, Đào Công Thông và Đào Công Hải không ở lại triều đình để hưởng vinh hoa phú quý, mà xin về về Kênh Triều cư trú. Trên đường về bỗng mây đen từ đâu kéo đến mù mịt, sấm chớp dữ dội, chỉ trong khoảnh khắc hai vị tướng quân đã hóa cùng mây nước. Nhà vua thương tiếc người tài, truyền cho nhân dân nơi đây lập đền thờ, cúng...” Từ những ngày đầu thực dân Pháp sang xâm lược nước ta, đình Đồng Tái là bản doanh của nghĩa quân Thống Kênh, lãnh đạo nhân dân trong vùng anh dũng chống lại ách xâm lược của thực dân Pháp. Nghĩa quân Thống Kênh phát triển mạnh, hoạt động rộng lớn khắp các vùng Tứ Lộc, Kim Môn, Chí Linh, Châu Giang, thị xã Hải Dương, từng nhiều phen làm thực dân Pháp phải kinh hoàng. Những năm 1930 - 1945, khi phong trào cách mạng dâng cao và chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa, đình Đồng Tái là nơi hội tụ đại biểu trong vùng, bầu các cơ quan chính quyền từ lâm thời đến chính thức. Đình cũng là nơi thành lập chi bộ Đảng của xã, là địa điểm để chi bộ hội họp, chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể kháng chiến. Cũng tại đình Đồng Tái, các đơn vị bộ đội như Tây Sơn, Bảo Lộc, B42, 075 của tỉnh về tập luyện. Sau này, đình Đồng Tái vinh dự là nơi các đồng chí lãnh đạo tỉnh, trung ương về hội họp, phát động các phong trào chống mỹ cứu nước trên toàn tỉnh và là nơi lưu trữ các tài liệu quan trọng khi đó... Sau nhiều thăng trầm của lịch sử, nhất là những năm kháng chiến chống Pháp đình Đồng Tái bị hủy hoại nhiều, còn lại tiền tế và hậu cung. Trong đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật từ thời Nguyễn như: Long đình, khám, ngai, cửa võng, đại tự, cuốn thư, kiếm thờ... Tiếp nối truyền thống anh hùng của cha anh, ngày nay, nhân dân Đồng Tái ngoài việc đồng tâm, đồng sức bảo vệ di tích, còn không ngừng học tập, hăng say lao động, sản xuất, góp phần xây dựng làng quê ngày một giàu đẹp, văn minh. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 510 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Dâu.

Chùa Dâu có tên chữ Hán là Sùng Thiên tự thuộc thôn Thị Đức, xã Nhật Tân (Gia Lộc). Từ xa đã thấy ngôi chùa uy nghiêm hiện ra giữa cánh đồng cùng với một vùng cây cối um tùm. Chùa tọa lạc trên một khu đất cao, kiến trúc đặc sắc, mang đậm dấu ấn Phật giáo. Xung quanh chùa có ao sen và dòng sông Hàn uốn lượn. Theo ngọc phả, chùa Dâu thờ đức thánh bà húy Phạm Trinh Hiến hiệu Tiên Dung công chúa có công âm phù Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán. Năm 40, Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, chống lại nhà Hán. Một lần tiến quân tới đất này, hai bà cho đóng quân doanh tại đây, đêm nằm mộng có người xưng là Tiên Dung công chúa nguyện âm phù đánh giặc. Ngày hôm sau hai bà mang quân đánh trận trên sông Hàn và giành thắng lợi vang dội. Hai Bà Trưng cho tướng sĩ và nhân dân địa phương ăn mừng rồi ra chiếu chỉ cho dân làng lập miếu thờ Tiên Dung, gia phong mỹ tự là Diệu Quang Huệ Tĩnh Ý Phạm Trinh Hiến phu nhân Thượng đẳng thần. Qua thời gian nhân dân đã xây dựng nơi đây thành ngôi chùa uy nghi vừa thờ Phật vừa thờ thánh. Chùa Dâu xưa có quy mô hơn 100 gian. Niên đại khởi dựng chùa chưa xác định được nhưng căn cứ các dấu tích gạch, ngói tìm có thể xác định chùa được làm cuối thời Lý, đầu thời Trần. Tuy nhiên do chiến tranh và thiên tai, đến nay, chùa Dâu đã mất đi nhiều hạng mục kiến trúc cổ. Hiện tại, chùa có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Mái chùa có nhiều bức phù điêu với hoa văn tản vân, nhật, nguyệt đẹp mắt. Trong chùa có 12 pho tượng, chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng. Ngoài hệ thống tượng Phật cổ kính, hậu cung còn một khám lớn, chất liệu gỗ, chạm khắc tinh xảo, bên trong có tượng của công chúa Tiên Dung. Tượng được tạc ở tư thế ngồi, khoan thai, nét mặt phúc hậu. Theo những người cao tuổi địa phương, toàn bộ hệ thống tượng trong chùa đều được tạc bằng gỗ dâu. Tương truyền, dòng sông Hàn cạnh chùa thường xuyên xảy ra lũ lụt. Một lần nước lớn, lũ từ thượng nguồn đổ về cuốn theo một bè gỗ dâu lớn, thớ vàng óng như tơ. Mọi người cho là điềm lành bèn vớt lên lấy gỗ tạc thành tượng. Từ đó chùa có tên gọi là chùa Dâu. Viếng thăm chùa Dâu mới thấy nơi đây còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như 2 tấm bia thời Lê, một số mảnh tháp nung, mảnh đất nung đầu chim phượng, đất nung hình đầu rồng cùng gạch, ngói có hoa văn niên đại từ thế kỷ 13-14. Độc đáo và đặc biệt nhất là tấm bia thời Trần được bài trí ngay trước sân chùa. Bia được tạo dựng năm 1331. Nội dung của văn bia do hòa thượng Huệ Văn, một người tu hành tại đây soạn, có khoảng 1.180 chữ. Đây là một tác phẩm độc đáo về nghệ thuật điêu khắc. Bia cao khoảng 1,5m, được đặt trên lưng rùa đá khá lớn. Mái bia cong vừa phải, thân bia có một đường diềm chạm khắc hình rồng và hoa dây. Trán bia được trang trí bằng nhiều lá và hoa sen sống động, gần gũi với thiên nhiên. Nổi bật ở mặt trước bia khắc chữ Phật lớn dạng chữ thảo. Dưới chữ Phật có chạm hai hình, một bên là chim hạc đứng, đầu đội ngọn nến đang cháy. Một bên là con quỷ hình người đội đỉnh hương. Dưới chân bia có chạm khắc các hoa văn hình sóng nước, hình núi. Mặt sau bia có khắc 3 chữ Hán “Sùng Thiên tự”, dưới ghi họ tên những người cung tiến ruộng, tiền tu sửa chùa. Không chỉ độc đáo về kiến trúc và lễ hội, chùa Dâu còn là một trong những “địa chỉ đỏ” quan trọng. Chùa Dâu là nơi ghi dấu nhiều sự kiện cách mạng. Trước Cách mạng Tháng 8.1945, Mặt trận Việt Minh có một cuộc họp tại chùa bàn về cướp chính quyền, phá kho thóc của giặc Nhật ở huyện Thanh Miện chia cho dân nghèo. Năm 1945, khi giặc Pháp đánh chiếm thị xã Hải Dương, Hội Liên Việt tỉnh chọn địa điểm nhà chùa là nơi sơ tán. Đến năm 1945-1950, bộ đội Tây Sơn của huyện Gia Lộc đã chọn ngôi chùa làm địa điểm mở lớp huấn luyện. Từ đây, quân ta tỏa đi hướng đường 17, đường 20 tiến hành các trận phục kích đánh địch trong cuộc kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1949-1953. Các năm 1951-1952, cán bộ, du kích các xã Phạm Kha, Lam Sơn cùng bộ đội đã chọn chùa làm cơ sở bám dân tiêu diệt địch, phá tề diệt ác ôn ở chợ Chương, chợ Ba Đông. Hiện trong chùa vẫn còn hầm bí mật từ thời kỳ trước. Chùa Dâu là nơi vừa thờ Phật lại vừa thờ thánh. Lễ hội truyền thống của chùa được mở vào ngày 8 đến ngày 10 tháng 8 âm lịch. Vào dịp này, nhân dân, du khách thập phương về tham dự rất đông. Với kiến trúc, giá trị đặc sắc, chùa đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1992. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Gia Lộc , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 578 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Đươi

Di tích lịch sử quốc gia Đền Đươi thuộc địa phận xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Đây là nơi thờ Quốc mẫu Nguyên phi Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan. Vương phi Ỷ Lan còn có tên gọi khác Linh Nhân Hoàng thái hậu, bà là phi tần của Hoàng đế Lý Thánh Tông và là thân mẫu của hoàng đế Lý Nhân Tông – hai vị vua triều nhà Lý (ở thế kỷ XI). Quốc mẫu Ỷ Lan được lịch sử tôn vinh là bậc nữ kiệt, có tài trị nước. Sinh thời, bà từng hai lần đăng đàn nhiếp chính, có nhiều công lớn gây dựng triều đình nhà Lý và phát triển Phật giáo Việt Nam. Với gần một nghìn năm tồn tại, đền Đươi đã trải qua những biến cố, thăng trầm thời cuộc, chịu ảnh hưởng của thiên nhiên, mưa nắng và chiến tranh tàn phá. Nhiều hạng mục của đền xuống cấp nghiêm trọng. Vào cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, di tích còn giữ lại các hạng mục công trình mang dấu ấn kiến trúc niên đại thời Hậu Lê (thế kỷ XVII) và thời Nguyễn kiến trúc kiểu chữ “quốc”, bao gồm: các toà Tiền tế, Trung từ và Hậu cung, hai dãy giải vũ nối 2 toà Tiền tế với Trung từ. Trong khuôn viên quần thể di tích còn có ngôi chùa Quỳnh Hoa, nhà mẫu cũng xuống cấp nghiêm trọng. Để đáp ứng mong mỏi và nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương và du khách thập phương, quần thể di tích đền Đươi được đầu tư tu bổ tôn tạo các hạng mục cơ bản, gồm: các tòa Tiền tế, Trung từ và Hậu cung, hai dãy hành lang tả hữu, nghi môn nội và một số hạng mục phụ trợ. Toà Tiền tế gồm ba gian, kiến trúc kiểu chữ “nhất” với bốn vì kèo chính. Hệ thống cột, đầu dư, vì kèo làm bằng gỗ lim, kết cấu “chồng rường, giá chiêng” cùng các bức chạm khắc tinh xảo. Hai tòa Tiền tế và Trung từ của ngôi đền kết nối bởi hai dãy giải vũ, tạo thành một không gian khép kín. Toà hậu cung có ba gian, trong đó có một gian cung cấm, bài trí khám thờ và tượng Nguyên phi Hoàng Thái hậu Ỷ Lan. Đặc biệt, Đền Đươi còn lưu giữ được nhiều đồ thờ, tế tự và cổ vật có giá trị, như bốn bộ kiệu, một long đình, bốn ngai thờ, một bộ bát bửu, hai câu đối, một bát hương đồng và hai nghê đá từ thế kỷ XVII. Tiếp nối dấu ấn lịch sử xưa, tại di tích năm 1943 - 1944 đội tuyên truyền giải phóng quân cũng như đội tự vệ của xã thường xuyên tổ chức luyện tập quân sự để chuẩn bị cho cao trào cách mạng dân tộc như đồng chí Thiều, đồng chí Tuệ (hiện là cán bộ, giáo viên đã nghỉ hưu). Tháng 8/1945 cán bộ cách mạng và quần chúng đã tập trung ở đến tiến đi giành chính quyền ở huyện Gia Lộc rồi sau đó về tịch thu bằng, triện của bọn quan lại, cường hào, lý dịch, xóa bỏ chính quyền của bọn thực dân phong kiến. Chính quyền lâm thời được thành lập trong niềm vui mừng phấn khởi của nhân dân. Năm 1946, bọn thực dân Pháp quay súng trở lại xâm lược nước ta, thị đội Hải Dương sơ tán về đền kịp thời chỉ đạo cuộc kháng chiến. Đội du kích của xã đã lấy khu đền làm địa điểm luyện tập quân sự. Năm 1947 đồng chí Trần Dừa, trưởng ty công an và đội việt hùng đã về đền đóng để đi tiêu trừ bọn Việt gian phản quốc. Năm 1948, ủy ban kháng chiến huyện Cẩm Giàng và đơn vị bộ đội Quang Trung sơ tán về đền làm việc và luyện tập. Sau đó là ủy ban kháng chiến xã Thạch Khôi sơ tán về để giữ vững hoạt động. Tại khu di tích còn được đào các hầm bí mật để che giấu bảo vệ cán bộ, bộ đội. Có thể nói trong suốt hai cuộc kháng chiến đền Đươi xã Thống Nhất là cơ sở của cuộc kháng chiến ở địa phương và là đường dây liên lạc lên chiến khu Việt Bắc. Tưởng nhớ bà, hàng năm cứ đến ngày 12 tháng 2 âm lịch là ngày sinh; và 25 tháng 7 là ngày mất của bà, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội để nhắc lại công lao, sự nghiệp của Vương mẫu Ỷ Lan cho mọi người ghi nhớ và học tập. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 467 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật