Di tích lịch sử

Lào Cai

Đền Ngòi Bo

Đền Ngòi Bo nay thuộc xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Hướng trông ra ngã ba sông – nơi giao thủy của suối Ngòi Bo và sông Hồng, ngôi đền là nơi thờ phụng Tản Viên Sơn Thánh – một trong Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt, “là vị thần linh thiêng bậc nhất của trời Nam”. Theo lời kể của các bậc lão niên, những người quê gốc miền xuôi trong thôn khi đến đây và gắn bó với vùng đất này đã dựng miếu, đền thờ phụng Đức Thánh Tản Viên – vị Thánh được tôn thờ ở khắp vùng trung du và châu thổ Bắc Bộ với niềm tin kiền thành vào sự phù hộ, che chở của Ngài. Sự tín tưởng ấy chính là bệ đỡ, là điểm tựa tinh thần của những người con xa quê trên bước đường tạo dựng cuộc sống ở miền đất mới, đồng thời là sự nhắc nhớ, sự duy trì ký ức về quê hương bản quán, về nguồn cội cha ông. Lễ hội đền Ngòi Bo diễn ra vào ngày 11 tháng Giêng hằng năm. Đền Ngòi Bo được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp Tỉnh năm 2016 Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai.

Lào Cai 408 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Di tích Lịch sử đồn Phố Ràng

Di tích Lịch sử Quốc gia đồn Phố Ràng ở thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên (Lào Cai) là chứng tích đặc biệt, nơi khắc ghi chiến thắng lịch sử hào hùng, oanh liệt của thế hệ cha ông 73 năm về trước (26/6/1949 – 26/6/2022).​ Theo Lịch sử đảng bộ huyện Bảo Yên (Lào Cai), đồn Phố Ràng được xây dựng trên cao điểm 442, diện tích rộng gần 1 ha; đây là một vị trí chiến lược, có thể khống chế toàn bộ khu vực lòng chảo thị trấn Phố Ràng và các khu vực lân cận. Thế đồn gần như 3 mặt là sông, ở vị trí đồn có thể bao quát, theo dõi toàn bộ các hoạt động ở sông và hai bên bờ. Pháp cho xây dựng một hệ thống công sự vững chắc với nhiều lô cốt, giao thông hào, hàng rào tre vót nhọn ken dày đặc quanh cứ điểm, mìn, vật cản và ụ súng được bố trí xung quanh đồn. Địch còn bố trí 2 trung đội Âu - Phi, 1 đội lính khố đỏ, 1 trung đội lính dù, 1 trung đội lính dõng, các loại vũ khí sẵn sàng đánh trả và cản bước tiến của các nhánh quân ta lên giải phóng vùng Tây Bắc. Ngày 11/06/1999 di tích đồn Phố Ràng được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể Thao – Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia, theo Quyết định số 38/QĐ-BVHTT. Nguồn Bộ Văn hóa, Thể Thao – Du lịch.

Lào Cai 410 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử Chiến thắng đồn Phố Lu

Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Đồn Phố Lu nhìn tổng thể xung quanh là núi cao, rừng rậm, vách đá dựng đứng, sông suối sâu. Có 2 cụm lô cốt là cụm gần và cụm xa. Cụm gần có 3 lô cốt: Số 1 đã bị lũ cuốn trôi năm 1971 do sạt lở. Số 2 chất liêu bê tông cáo 4,5m dài 4,5m, rộng 3,7m. Số 3 cách ga Phố Lu 900m. Cụm xa có 2 lô cốt xây trên đỉnh đồi cao khoảng 50 - 70m. Trung tâm đồn là Sở chỉ huy, nay là số nhà 244 đường Lê Hồng Phong. Ngoài ra còn có trại lính và nhiều hầm ngầm bê tông kiên cố, hiện tại chỉ còn 5 hầm. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai.

Lào Cai 430 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích Soi Cờ, Soi Giá

Bảo Thắng là một huyện có bề dày về truyền thống cách mạng, có hệ thống di tích lịch sử khá phong phú và mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Ngày 24/7/2007, Khu căn cứ cách mạng Soi Cờ - Soi Giá thuộc xã Gia Phú đã được UBND tỉnh Lào Cai xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Đây là một di tích đã tồn tại gần một thế kỷ, là một trong những khu căn cứ cách mạng quan trọng nằm trong vùng hoạt động rộng lớn Cam Đường - Gia Phú - Xuân Giao. Đặc biệt trong giai đoạn 1947 - 1950, Soi Cờ -Soi Giá đã gây dựng được cơ sở cách mạng khá vững chắc, được nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt nên phong trào cách mạng dân tộc được đẩy lên cao mạnh mẽ, các đội du kích đã gây nhiều tổn thất cho quân giặc. Vì vậy chúng tổ chức đàn áp dã man giết hại nhiều cơ sở cách mạng của ta nhằm uy hiếp phong trào đấu tranh nơi đây... Khu căn cứ cách mạng Soi Cờ - Soi Giá đã ghi dấu cuộc đấu tranh cách mạng. Là một trong những di tích quan trọng và có giá trị lớn của huyện Bảo Thắng" Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai.

Lào Cai 354 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Khu di tích lịch sử Pú Gia Lan

Đến Văn Bàn, vào trung tâm thị trấn đã thấy núi Gia Lan hùng vĩ hiện ra trước mắt. Dưới chân núi là thung lũng trải dài, vùng đất trù mật, đông đúc. Núi Gia Lan không chỉ có vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng mà còn nổi tiếng bởi đây là khu căn cứ bí mật của quân và dân Văn Bàn trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngày nay, khu căn cứ này đã trở thành khu di tích lịch sử cách mạng mà người dân quen gọi là Khu du kích Pú Gia Lan. Khu du kích Pú Gia Lan được hình thành từ năm 1947 ở khu vực núi Gia Lan, xã Khánh Yên Thượng. Đây là khu căn cứ bí mật trong vùng địch do Huyện uỷ Văn Bàn chỉ đạo xây dựng, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng huyện Văn Bàn nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung. Khi thực dân Pháp chiếm đóng Văn Bàn, nhân dân các xã Làng Giàng, Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Hạ đã tản cư vào vùng núi này. Dọc theo triền núi suốt từ Làng Giàng đến xã Khánh Yên Hạ chỗ nào cũng có dân tản cư. Khu du kích Gia Lan bao gồm toàn bộ phần đất của xã Làng Giàng, một phần phía nam của các xã: Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Hạ, Chiềng Ken. Phía Bắc giáp với xã Nậm Rạng, phía Nam giáp với xã Nậm Tha, phía Tây Bắc giáp với xã Dương Quỳ, phía Tây Nam giáp với xã Nậm Xé - Văn Bàn và một phần của Than Uyên (Lai Châu). Khu du kích Gia Lan là nơi gặp gỡ cán bộ, bộ đội, du kích để họp bàn kế hoạch thực hiện các đợt tập luyện, huấn luyện ngắn, nơi tạo điều kiện cho việc liên lạc từ Lào Cai (ngày trước) đi các vùng ngoài tỉnh. Khu di tích Pú Gia Lan là một điểm di tích cách mạng quan trọng góp phần giáo dục ý thức cách mạng cho các thệ hệ mai sau, đồng thời giữ gìn khu di tích chính là bảo vệ môi trường sinh thái. Ngày 16/11/2006, di tích được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh. Núi Gia Lan với bức tường thiên tạo đã chứng kiến sự trưởng thành của cách mạng trên vùng quê đậm nét văn hóa dân gian, chứng kiến những thành tựu mà Đảng lãnh đạo nhân dân các dân tộc đánh Pháp, giải phóng quê hương Văn Bàn./. Nguồn : Báo điện tử tỉnh Lào Cai.

Lào Cai 388 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Di tích lịch sử văn hoá đền Ken

Đền Ken nằm ở xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn từ lâu đã là địa chỉ thu hút nhiều người dân tới vãn cảnh và chiêm bái. Năm 2006, đền Ken được UBND tỉnh Lào Cai xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Từ đó đến nay, huyện Văn Bàn đã và đang triển khai các phương án trùng tu, nâng cấp ngôi đền nhằm thu hút du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Lễ hội Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến du lịch tâm linh Đền Ken tọa lạc trên đỉnh đồi Pù Đình, giữa lòng thôn Ken với khu đất rộng trên 10.000 m2. Đền thờ ông Nguyễn Hoàng Long và các vị tướng lĩnh thuộc nghĩa quân Tây Sơn đã có công đánh đuổi giặc xâm lăng trên quê hương Văn Bàn, giúp nhân dân các dân tộc nơi đây khai khẩn ruộng vườn, bảo vệ bản làng. Hàng năm, cứ vào ngày mùng 7 tháng Giêng, nhân dân lại tổ chức lễ dâng hương để tưởng nhớ đến công lao của ông. Năm 2006, đền Ken chính thức được tôn tạo, xây dựng lại khang trang và được UBND tỉnh Lào Cai xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Cuối năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án trùng tu di tích đền Ken để tôn tạo ngôi đền chính khang trang hơn, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và du khách thập phương hành hương lễ bái. Để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tôn nghiêm của dân tộc, UBND huyện Văn Bàn đang lập hồ sơ đề nghị nâng cấp đền Ken thành Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đền Ken hiện đang lưu giữ nhiều di tích lịch sử có giá trị văn hoá trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn cảnh quan môi trường, lưu giữ và phát triển các làng nghề truyền thống, bản sắc văn hóa vùng miền, tạo điểm nhấn cho du khách khi đến tham quan, trải nghiệm và lễ bái. "Trong thời gian tới, xã mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp các ngành, đặc biệt là Phòng văn hóa thông tin huyện để khơi dậy, gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc, từ đó giúp phát triển văn hóa du lịch tâm linh tại địa phương được tốt hơn", ông Vấn Gia Lâm, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn cho biết. Nhờ sự quản lý chặt chẽ của các ban, ngành và chính quyền địa phương nên vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh môi trường ở khu vực đền được đảm bảo, giữ được sự tôn nghiêm. Ông La Quốc Lưu, Thủ nhang đền Ken chia sẻ thêm: "Mọi hoạt động trong đền đều phải được Ban quản lý đền cho phép mới được thực hiện, để bảo đảm công tác tổ chức, quản lý cũng như tránh tình trạng buôn thần bán thánh tại khu vực tâm linh của nhà đền". Không chỉ là chốn linh thiêng để du khách đến dâng hương cầu an, đền Ken còn là điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch tâm linh của nhiều du khách. Nguồn : Văn hóa du lịch tỉnh Lào Cai.

Lào Cai 490 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Đền Trung Đô

Đền Trung Đô nằm ở thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai ngày nay được nhân dân xây dựng vào cuối thế kỷ 18, là nơi thờ tự, tưởng nhớ công đức của 3 vị tướng tài nhà Lê - Khánh Dương Hầu Vũ Văn Uyên (1479 - 1557); Gia Quốc Công Vũ Văn Mật (1493 - 1571); Tướng Hoàng Vần Thùng - là những người đã có công chỉ huy, lãnh đạo nhân dân xây thành, đắp luỹ giữ vững vùng biên cương của Tổ quốc, phát triển miền đất Trung Đô, Bắc Hà thuộc trấn Tuyên Quang xưa thành trung tâm kinh tế xã hội thời bấy giờ, đồng thời phò tá nhà Lê trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Theo ghi chép của các sử liệu cũ Vũ Văn Mật là nhân vật lịch sử sống vào thời nhà Lê (Lê Mạt) quê ở làng Ba Động, huyện Gia Phúc (nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Vào những năm 30 của thế kỷ 16, Vũ Văn Mật cùng anh trai là Vũ Văn Uyên rời quê hương lên trấn thủ vùng Đại Đồng, trấn Tuyên Quang xưa (nay thuộc tỉnh Lào Cai). Sau khi nối quyền của anh là Vũ Văn Uyên, ông tự xưng là Gia quốc công, cho dời căn cứ từ thành Nghị Lang và xây thành đắp lũy trên gò Bầu, từ đó, nhân dân thường gọi ông là "Chúa Bầu" hoặc "Vua Bầu". Vũ Văn Mật là một vị tướng tài ba, gan dạ và có lòng “trung quân, ái quốc, biết đặt vận nước lên trên tất cả”. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Vũ Văn Mật vùng đất Lào Cai xưa đã đạt tới một nền kinh tế phát triển cao, thịnh trị, hoạt động buôn bán tấp nập, phồn hoa. Ông được vua Lê Trang Tông giao giữ chức Tổng binh trấn Tuyên Quang, phong tước hiệu An Tây Vương và được lưu thủ tại vùng Đại Đồng. Ông tập hợp quân cùng với nhà Lê tiến đánh nhà Mạc tới Kinh Sư, khiến Mạc Phúc Hải bại trận phải bỏ chạy. Sau đó, nhà Mạc tiến đánh, Vũ Văn Mật đã không giữ được các vùng chiếm đóng, bèn rút quân về cố thủ ở Trấn Tuyên Quang (Lào Cai ngày nay) và qua đời tại đây. Để tưởng nhớ công lao to lớn của 2 anh em nhà họ Vũ và các tướng lĩnh đối với vùng đất Đại Đồng trấn Tuyên Quang (Lào Cai ngày nay) nhân dân đã lập đền thờ để hương khói. Trải qua thời gian lịch sử, ngôi đền bị tàn phá, chỉ còn một phần nhỏ và một số viên đá tảng kê chân cột (Được chạm khắc hình họa như người, vượn, chim công, kỳ lân…) với những đường nét tinh xảo và độc đáo, bên cạnh đó còn có những viên gạch xây có bản rộng và độ cứng rất cao, gạch trang trí được chạm trổ hoa văn cầu kì gồm các hình lá, hình xoắn ốc, đường hồi văn, hình dây uốn lượn… Ngoài ra còn rất nhiều hiện vật được làm từ chất liệu sành, sứ cũng được phát hiện tại di tích như: vò, bình vôi, bát, đĩa… và nhiều hiện vật chưa xác định được tên gọi đều đang được lưu giữ và bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Lào Cai. Tất cả các dấu tích và hiện vật còn xót lại là những dấu tích minh chứng cho lịch sử hình thành và tồn tại và phát triển của của di tích Đền Trung Đô. Cách đền khoảng 2 km về hướng bắc là dấu tích thành cổ Trung Đô được xếp bằng đất, đá bao bọc một quả đồi bên dòng suối Nậm Thin, cũng tại khu vực này, năm 1989, một người dân trong làng khi cày nương đã phát hiện được 1 khẩu súng thần công, nặng trên 300 kg, dài 8 m, hiện nay đang được lưu giữ, bảo quản tại bảo tàng tỉnh Lào Cai. Trong khu rừng cấm phía sau đền, có một tấm bia bằng đá trắng, tương truyền đó là nơi tập trung binh lính tuyên thệ trước khi ra trận: “quyết tử với kẻ thù” hiện trên bia vẫn còn 4 vết chém thề của tướng chỉ huy. Ở bên trái, phía sau ngôi đền, trong khu rừng cấm là một ngôi mộ đôi tương truyền đó là ngôi mộ của hai vợ chồng tướng quân Hoàng Vần Thùng, vì quyết không để rơi vào tay giặc, họ đã tuẫn tiết và được dân làng dùng đất đắp thành mộ, sau này mối xông lên thành một gò lớn. Hiện nay, mộ phần của hai vợ chồng tướng quân vẫn được thờ phụng tại nơi đây. Với các giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, giáo dục và phát triển du lịch, đền Trung Đô đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia ngày 22/8/2008. Ngôi đền đã trải qua 2 lần đầu tư, tu bổ để có được diện mạo khang trang như hiện nay. Đền Trung Đô có bố cục tổng thể kiến trúc hình chữ “Nhất” với tòa Tiền tế, phía trước hai bên có nhà Tả vu và Hữu vu nằm trên thế đất đẹp, phong thủy hữu tình, quy tụ hầu hết các thế đất, vị trí và phương hướng được coi là điển hình của của địa lý học như: thế thủy tụ, ngọa hổ, tả thanh long hữu bạch hổ,… làm không gian nơi đây càng trở nên linh thiêng, thanh tịnh. Lễ hội thường niên của đền một năm tổ chức hai lần vào dịp Lễ hội xuống đồng ngày rằm tháng Giêng âm lịch và lễ Khao quân tổ chức vào rằm tháng bảy. Trải qua lịch sử hình thành và phát triển, đền Trung Đô đã trở thành điểm sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương tham quan, chiêm bái, là nơi ghi dấu truyền thống đấu tranh anh hùng của quân và dân Lào Cai, giáo dục niềm tự hào dân tộc và truyền thống uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử huyện Bắc Hà

Lào Cai 768 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Ông Bảy Bảo Hà

Nằm trong "Quần thể di tích Thần vệ quốc Hoàng Bảy", đền Bảo Hà ở xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên tỉnh Lào Cai. Đền Bảo Hà được xếp hạng là Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1997. Đền Bảo Hà, nơi thờ Thần Vệ Quốc Hoàng Bảy, còn được nhiều người gọi là Đền Ông Hoàng Bảy. Tương truyền, vào cuối thời Lê (niên hiệu Cảnh Hưng 1740 - 1786) khắp vùng đất thuộc phủ Quy Hóa, nhất là Châu Thủy Vỹ và Châu Văn Bàn luôn bị giặc vùng Vân Nam (Trung Quốc) tràn sang cướp phá. Trong tác phẩm “Đại Nam nhất thống trí” của Quốc sử quán Triều Nguyễn ghi rõ về châu Thủy Vỹ: “Động Cam Đường có mỏ vàng, Động Trình Lạn và đọng Sơn Yên ngày trước có mỏ đồng. Thổ sản có thảo đậu khấu. Động Ngọc Uyển có mỏ kẽm và bạc. Trên sông Ân đối ngạn với điếm Bắc Sát có sở Tuần Ty ở xứ Nguyên Đường, thu thuế muối, mỗi năm được một nghìn lạng bạc. Phong tục ngôn ngữ và văn tự giống như châu Văn Bàn. Họ Nguyễn đời đời làm Phụ đạo. Binh hiệu gọi là Ninh Nhất. Sau khi loạn lạc, dân cư điêu tàn, ruộng đất bỏ hoang. Những người quản cũ ở động Hương Sơn và động Trình Lạn chiêu mộ những người Nùng áo xanh về khẩn điền khai mỏ chịu thuế. Các tù trưởng chiêu tập những người nùng và người mán về ở lẫn lộn với nhau nhưng họ khó dậy và dễ làm theo giặc. Đường bộ từ châu Văn Bàn đi vào đều phải qua núi, rất là khó khăn. Đường thủy từ sông Thao đi ngược lên, phía dưới sông nhiều đá lởm chởm, gập gềnh”. Lúc này, tướng giặc là phu Chẩn Tin Toòng thường xuyên cho quân đánh phá châu Thủy Vỹ, chiếm trấn Văn Bàn. Trước tình hình đó, triều đình nhà Lê đã cử danh tướng họ Nguyễn lên trấn thủ vùng biên ải tiến ngược sông Hồng đánh đuổi quan giặc giải phóng châu Văn Bàn và củng cố, xây dựng vùng đất Bảo Hà thành căn cứ lớn. Tại đây, danh tướng họ Nguyễn đã tập hợp các thổ ty, tù trưởng, chiêu nạp quân sỹ ngày đêm luyện tập. Sau đó, Ông đã thống lĩnh đội quân thủy, bộ tiến lên Lào Cai, đánh đuổi quân giặc phải rút về vùng biên giới Vân Nam - Trung Quốc. Sau khi giải phóng vùng Quy Hóa, ông chiêu dụ các Thổ hào địa phương tổ chức đón người Dao, Thổ và đặc biệt là ngường Nùng áo xanh về lập làng, khẩn điền, khai mỏ xây dựng quê hương. Với âm mưu chiếm Lào Cai, giặc phương Bắc thường xuyên đem quân tiến đánh các khu vực biên giới, nhưng các cuộc xâm lược nhỏ ấy đều bị quân và dân vùng biên chống trả quyết liệt, đuổi chúng về nước. Nhưng ý đò xâm chiếm của họ vẫn không dừng lại, chúng điều một đạo quân lớn do tướng giặc là Tả Tủ Vàng Pẹt dẫn sang xâm lược bờ cõi, danh tướng Hoàng Bảy lại một lần nữa thân chinh xuất quân đánh giặc. Song, do giặc phát hiện bí mật quân sự của ta, mặt khác, quân giặc đông, trận chiến không cân sức giữa quân ta và quân xâm lược, nên Ông và các tướng lĩnh đã anh dũng hy sinh, xác Ông trôi theo sông Hồng tới địa phận xã Bảo Hà thì dạt vào bờ. Nhân dân trong vùng ngậm ngùi thương nhớ, đưa xác Ông lên chôn cất và xây dựng đền thờ để nhân dân quanh năm dâng hương tưởng nhớ đến công lao đánh giặc giữ nước của ông và các tướng lĩnh. Sau đó, các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, triều Nguyễn đã phong cho ông danh hiệu “Trấn An hiển liệt”. và ban sắc phong là “Thần Vệ Quốc”. Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Bảo Yên tỉnh Lào Cai

Lào Cai 1108 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Dinh thự Hoàng A Tưởng

Dinh vua mèo Hoàng A Tưởng tọa lạc tại trung tâm huyện lỵ Bắc Hà. Có kiến trúc thiết kế theo phong cách Á- Âu kết hợp. Dinh vua mèo Hoàng A Tưởng được xây dựng từ năm 1914 và đến năm 1921 thì hoàn thành. Chủ nhân của Dinh Thự này là Hoàng Yến Chao dân tộc Tày, bố đẻ của Hoàng A Tưởng. Trải qua hơn 80 năm tồn tại cùng thời gian, phủ bao lớp rêu phong cổ kính vẫn đứng uy nghi nổi trội giữa một nơi dân cư đông đúc, phố xá tấp nập. Sở dĩ nơi đây còn được gọi là dinh vua Mèo vì trước năm 1945, Bắc Hà thuộc chế độ thuộc địa nửa phong kiến với giai cấp thống trị và bị trị, người bóc lột và kẻ bị bóc lột. Trong đó, tầng lớp bóc lột là các thổ ty mà điển hình là cha con Hoàng Yến Chao và Hoàng A Tưởng. Chính vì vậy Dinh Thự Vua Mèo Hoàng A Tưởng được xây dựng để phần nào khẳng định sự uy quyền và giàu có của mình. Gần 100 năm trôi qua, dinh Vua Mèo Sa Pa vẫn đứng sừng sững giữa bao la núi đồi, trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng của Bắc Hà. Dù đã trải qua gần 100 năm tồn tại cùng nắng mưa nhưng nét kiến trúc Á – Âu và vẻ đẹp của dinh Hoàng A Tưởng vẫn là niềm tự hào của con người nơi đây. Toàn bộ dinh thự được xây theo hình chữ nhật khép kín, rộng 4.000m². Muốn vào dinh, bạn phải bước lên hai cầu thang vòng trước hiên nhà rồi đến một sân chờ rộng. Nghe nói ngày trước, sân này dùng để múa xòe cho vua xem. Khu nhà gồm hai tầng với phòng chính, phòng sinh hoạt chung và phòng riêng dành cho các bà vợ và con cái. Những phòng kế tiếp nhỏ hơn là nơi ở cho lính và người hầu. Toàn bộ dinh thự được xây bằng gạch đất nung, kết dính bằng vôi và sáp ong. Quy định về cống nạp sáp ong, thuốc phiện thời đó cũng rất khắt khe theo từng tháng với mỗi gia đình. Toàn bộ mái dinh lợp bằng ngói gốm, sàn nhà lát bằng gỗ quý khai thác trong rừng. Những bộ bàn ghế đóng theo kiểu Pháp kết hợp với kiến trúc tâm linh của Trung Quốc. Phía sau dinh là hầm ngầm thoát hiểm của gia đình họ Hoàng. Dinh Hoàng A Tưởng được bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 11/6/1999. Nguồn: Du lịch Việt Nam

Lào Cai 1253 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Thượng - Lào Cai

Đền Thượng Lào Cai còn có tên Thánh Trần Từ. Đền Thượng Lào Cai được xây trên đất thuộc phố Bảo Thắng, Châu Thủy Vĩ, tỉnh Hưng Hóa nay thuộc phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Đền Thượng được xây dựng vào thời Lê, niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705). Là nơi thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn, người đã có công lớn trong sự nghiệp bảo vệ bờ cõi non song đất nước. Một Danh nhân lịch sử vĩ đại, vị Thánh linh thiêng tôn quý trong tâm thức của các thế hệ người Việt Nam. Tọa lạc trên đồi Hỏa Hiệu thuộc dãy núi Mai Lĩnh với độ cao 1200m so với mực nước biển. Đền Thượng được xây dựng theo lối kiến trúc cổ hình chữ Công, tuân theo thuyết phong thủy vừa đường bệ mà lại rất trang nghiêm. Khu vực đền Thượng có cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình cùng sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống với nét văn hóa bản địa, tạo cho ngôi đền mang dáng vẻ uy nghi lộng lẫy. Soi mình bên dòng sông Nậm Thi, nơi đây xưa có vị trí vô cùng quan trọng trong chiến lược phòng thủ chống quân xâm lược. Ngày nay, gần cửa ngõ giao thương giữa hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc), vùng đất linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc này mỗi năm đón hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước thăm viếng, tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc. Ngay từ khi bước chân đến cổng đền, du khách đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây đa 300 năm tuổi đang vươn cành trổ tán, dưới bóng cây cổ thụ là miếu thờ Bà chúa Thượng Ngàn (Nữ chúa rừng xanh). Tương truyền, trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bà đã góp công đánh giặc bảo vệ bờ cõi nước Nam, ghi công ơn bà, nhân dân lập miếu thờ ngay dưới gốc cây đa xum xuê cành lá. Tại khu vực đền chính, bức hoành phi “Văn hiến tự tại” được treo trước Nghi môn, hai bên có hai câu đối: “Việt khí linh đài hoành không lập, Đông A hào khí vạn cổ tồn”, nghĩa là: “Nước Việt đài thiêng vắt ngang trời, Nhà Trần hào khí còn muôn thủa”. Mặt sau Nghi môn nội có dòng chữ “Quốc thái dân an” với hai câu đối: “Thiên địa dịu y, thiên địa cựu; Thảo hoa kim dị, thảo hoa tiền” nghĩa là: “Trời đất vẫn nguyên, trời đất cũ; Cỏ hoa nay khác, cỏ hoa xưa”. Đền Thượng được xây dựng khang trang với 7 gian thờ chính gồm: Cung thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, Cung thờ Tam tòa Thánh Mẫu; Ban thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo; Cung thờ Đức vua cha Ngọc Hoàng... và các ban thờ phía Tả Vu - Hữu Vu thờ Chầu bà Đệ Nhị Sơn Trang, Thập Nhị Tiên Cô, Chầu hầu cận Chúa và Cậu Bé thủ đền... tất cả đều được sắp đặt theo trình tự. Bên cạnh Đền Thượng là ngôi đình hình vuông với 4 cửa, 8 rồng chầu, giữa phương đình hình rùa vàng lưng đội bia đá khắc tích "Đức Thánh Trần". Nơi đây trước kia là nơi nghỉ chân của các quan quân đi tuần, ngày nay, là rừng sinh thái với đủ các loại cây trồng bảo vệ môi trường, phục vụ du khách tham quan, nghỉ chân thưởng thức khí hậu trong lành. Đền Thượng nằm trong quần thể di tích văn hóa với chùa Tân Bảo, đền Am, đền Mẫu, đền Cấm, đền Quan. Đặc biệt, Đền Thượng là một trong những ngôi đền linh thiêng được nhiều người biết đến nhất trong hệ thống các đền, chùa ở Lào Cai. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, năm 1996, Đền Thượng đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Hàng năm Đền Thượng tổ chức lễ hội vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái. Nguồn: Du lịch Việt Nam

Lào Cai 1215 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Công Viên Hồ Chí Minh

Nằm ngay trung tâm thành phố Lào Cai, di tích Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào Cai thường được mọi người biết đến với tên gọi “Công viên Hồ Chí Minh”, thuộc địa phận phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Khu di tích là địa danh tưởng niệm, ghi dấu chuyến thăm duy nhất của Bác Hồ cùng phái đoàn chính phủ với Đảng bộ và nhân dân Lào Cai. Vị trí di tích được đặt trên nền Nhà máy điện Lào Cai cũ, nơi Bác đã dành thời gian đến thăm hỏi, động viên công nhân tại công trình Nhà máy điện đang xây dựng sắp sửa hoàn tất. Trong bộn bề khó khăn của đất nước dù bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian về thăm và làm việc với Đảng bộ và nhân dân Lào Cai vào ngày 23-24/9/1958. Ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trân trọng những tình cảm quý báu của Người với quê hương Lào Cai, nhân dịp kỷ niệm tròn 40 năm Bác Hồ đến thăm Lào Cai (1958-1998), UBND tỉnh Lào Cai xây dựng công trình khu lưu niệm Bác Hồ. Năm 2022, Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào Cai đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Việc xây dựng đài tưởng niệm Bác Hồ tại Lào Cai là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đáp ứng được nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Lào Cai, thể hiện tình cảm của Bác Hồ dành cho nhân dân nơi đây, cũng như tình cảm, lòng kính yêu và sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đối với Bác Hồ kính yêu. Đây là công trình tâm linh để nhân dân, du khách gần xa có dịp bày tỏ lòng biết ơn, niềm thành kính, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bên cạnh đó, Khu tưởng niệm còn là "địa chỉ đỏ" giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về lịch sử dân tộc, về thân thế, sự nghiệp vĩ đại của Người. Nơi đây, luôn mở cửa đón nhân dân cả nước đến tham quan và tỏ lòng thành kính, biết ơn Hồ Chủ tịch. Nguồn: Ban quản lý di tích thành phố Lào Cai

Lào Cai 1138 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Cấm Lào Cai

Đền Cấm thuộc thôn Soi Mười xã Vạn Hòa (nay là tổ 3 phường Phố Mới - Lào Cai), ngôi đền được tọa lạc dưới chân quả đồi thấp, xung quanh cây trái tốt tươi, trước đền là 3 cây cổ thụ: cây si, cây mít và cây ngọc lan tỏa bóng mát cho đền tạo nên cảnh quan rất lý tưởng. Ngôi đền được xây dựng và tồn tại cách đây gần 200 năm nay gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào các dân tộc Lào Cai nói riêng. Ngôi đền có truyền thuyết gắn liền với công cuộc 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông dưới sự chỉ huy của vua tôi nhà Trần đó là vị tướng quốc Trần Quốc Tuấn - người được phong hiệu “Vạn cổ anh linh Thượng đẳng phúc thần”. Tương truyền rằng, năm 1257 Trần Quốc Tuấn hành quân lên biên giới chỉ huy quân phòng thủ chống quân xâm lược Mông Cổ (Thế kỷ XIII) có rất nhiều tướng lĩnh đã ngã xuống vùng đất nơi biên cương này. Đền Cấm được xây dựng để tưởng nhớ 5 binh sĩ nhà Trần (không rõ tên tuổi). Hồi đó khu vực ga (Phố Mới ngày nay) là một cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, trong một lần thị sát và chỉ huy phòng thủ biên giới (khoảng năm 1257), tướng Trần Quốc Tuấn đã chọn địa điểm ngôi Đền Cấm bây giờ làm trạm quân y tuyến 2 trong phòng thủ biên giới. Sau đó trong các trận chiến đấu, thương binh được đưa về chữa trị dưới cánh rừng này, người dân bản địa lúc đó là người Việt, người Tày và người Giáy cũng đưa người ốm đau vào nhờ quân y chăm sóc giúp. Rồi có chuyện ly kỳ xảy ra đó là: đêm đêm có một thiếu nữ mặc váy áo màu xanh đến chữa thuốc cho mọi người, thiếu nữ chữa rất giỏi, ai được dùng thuốc đều khỏe mạnh, nhưng thầy thuốc thần kỳ chỉ xuất hiện vào ban đêm còn ban ngày không thấy xuất hiện. Tìm hiểu bản xứ, người dân cho biết không có con cái nhà ai như vậy, sau đó người dân và quan binh đều tin rằng đó là hiển linh của Thánh Mẫu thượng ngàn giúp quan quân và nhân dân giữ nước. Ngay dưới Phương Đình bên cây mít cổ thụ này là 5 ngôi mộ của những quan binh đã xả thân vì nghĩa lớn. Đền Cấm nằm ở vị trí trung tâm cánh rừng xưa, trước đây là một ngôi miếu nhỏ do quan binh và dân làng cùng nhau tạo tác, sau đó được chính thức khởi công xây dựng thành ngôi đền từ thế kỷ XVI, sau bao thăng trầm vẫn giữ được một số sắc phong và cây mít cổ thụ. Ngày nay, đền đã được trùng tu khang trang, to đẹp gồm 2 phần là tòa đại bái và hậu cung. Đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng dân gian không những của người dân thành phố mà cả du khách thập phương, tô đẹp thêm truyền thuyết xưa - truyền thuyết về tình nghĩa quân dân nơi biên giới. Đền Cấm tổ chức lễ hội chính vào ngày thìn tháng bảy (âm lịch) hàng năm, làm lễ giỗ cho 5 vị binh sĩ nhà Trần. Người dân coi đây là ngày giỗ “xóa tội vong nhân” cho 5 vị binh sĩ; do đó cùng nhau đóng góp gạo thịt...để tổ chức. Phần lễ của di tích được tổ chức khá khang trang theo trình tự. Bên cạnh phần lễ còn diễn ra phần hội được tổ chức vui vẻ với các trò chơi truyền thống như ném còn, đánh én...ngoài ra nơi đây còn là nơi tổ chức lễ hội xuống đồng hàng năm. Ngày 27/12/2001 Đền Cấm được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc Gia. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai

Lào Cai 1116 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Mẫu Lào Cai

Đền Mẫu thuộc tổ 4, phường Lào Cai, Thành phố Lào Cai. Đền được toạ lạc tại hợp lưu giữa hai dòng sông Nậm Thi và Sông Hồng chảy vào đất Việt. Nơi đây cũng là cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Vân Nam - Trung Quốc) và cũng là điểm cột mốc 102 nơi vùng biên giới Tây Bắc. Đền Mẫu là nơi thờ đức Thánh mẫu Liễu Hạnh công chúa, một nhân thần giàu lòng nhân ái, trừ tà, diệt ác, cứu giúp dân nghèo, phù giúp cho triều đình chống giặc ngoại xâm bảo vệ vùng biên ải thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, Bà là người Mẹ linh kiệt trong tiềm thức dân gian của dân tộc Việt Nam. Tục thờ Mẫu ở nước ta đã trải qua trường kỳ lịch sử, đây không những là tục thờ mang đậm bản sắc dân tộc mà nó là nhu cầu chung về tâm linh của nhân dân ta từ thời kỳ đầu dựng nước, giữ nước cho đến tận ngày nay. Tín ngưỡng và tục thờ Mẫu khởi nguyên từ ý thức tưởng nhớ tổ tiên, lòng tôn kính, sự biết ơn, tin tưởng và mang ý nghĩa giáo dục đạo đức sâu sắc vẫn còn nguyên giá trị đối với các thế hệ chúng ta ngày nay. Thánh mẫu Liễu Hạnh in sâu trong tiềm thức của người dân Việt Nam nói chung và Lào Cai ta nói riêng từ thế kỷ thứ 16. Trải qua những bước thăm trầm của lịch sử đến ngày nay, dân Việt ta đã phong Bà là Mẫu Nghi Thiên Hạ, luôn ước nguyện Thánh Mẫu giúp cho “Thiên hạ Thái bình - Quốc thái dân an - Phong đăng hoà cốc”. Mẫu Liễu hạnh là một biểu tượng sinh động trong cuộc sống hằng ngày, nhưng lại rất linh thiêng trong đời sống tâm thức của người Việt Nam. Trong tiềm thức Bà là Tiên nên có phép Tiên; Là Phật nên mang tư tưởng Phật; là Mẫu nên có phẩm chất của người mẹ; là Thánh nên linh thiêng; là con nhà gia thế cho nên được học hành, thông kinh sử, giỏi đàn ca và thơ phú. Trong bà có đức hiếu nghĩa của Nho giáo, có pháp thuật của Đạo giáo. Chính bởi vậy, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là hình tượng, là một trong Tứ Bất Tử, là Mẫu Nghi Thiên Hạ đã được nhắn nhủ, giáo dục chúng ta từ bao đời: “Tháng Tám giỗ cha - Tháng Ba giỗ Mẹ”. Tại Lào Cai, Đền Mẫu nằm trong quần thể Di tích Đền Thượng – Nơi thờ tự và ghi nhớ công lao to lớn của Quốc công tiết chế - Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn. Đền Mẫu cùng với Đền Thượng còn là nơi có vị trí chiến lược quan trọng, là cột mốc biên cương phía Bắc của Tổ quốc và là địa chỉ đỏ của cội nguồn lịch sử, văn hóa dân tộc. Đền Mẫu được xây dựng từ đầu thế kỷ 18, tọa lạc tại địa phận làng Lão Nhai (nay là Thành Phố Lào Cai), Phía sau ngôi đền tựa vào bức tường cổ do nghĩa quân Lưu Vĩnh Phúc xây dựng nhằm chống giặc ngoại xâm bảo vệ biên cương bờ cõi. Bởi vậy, Đền Mẫu đã được các triều đại vua nhà Nguyễn ban cho 3 đạo sắc phong: Tự Đức năm thứ Sáu (ngày 24/9/1853); Tự Đức năm thứ 33 (Ngày 24/11/1880); Khải Định năm thứ 9 (Ngày 25/7/1924). Nằm ở vị trí cửa khẩu biên giới Quốc Gia, trên trục đường giao thương Quốc Tế nên mặc dù đã trải qua hàng trăm năm với biết bao biến cố thăng trầm của Lịch Sử, đền Mẫu không những trở thành cột mốc biên giới linh thiêng được nhân dân, du khách thập phương trong nước, quốc tế tới viếng thăm, thắp nhang thờ phụng, mà còn là cột mốc văn hóa tâm linh vùng biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Đền Mẫu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia ngày 26/01/2011. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai

Lào Cai 1311 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu căn cứ cách mạng Cam Đường

Khu căn cứ Cam Đường nằm tại thôn Dạ 1, xã Cam Đường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lao Cai. Cam Đường và các xã phụ cận Xuân Giao, Gia Phú là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, quật khởi chống ngoại xâm. Khu du kích Cam Đường – Xuân Giao – Gia Phú đóng một vai trò rất quan trọng trong kháng chiến chống Pháp ở Lào Cai . Đó là căn cứ địa đầu tiên kiên cường, là điểm chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh uỷ Lào Cai về công tác xây dựng Đảng, thành lập chi bộ, thành lập Uỷ ban hành chính kháng chiến, xây dựng các đoàn thể yêu nước, thành lập đội du kích. Cam Đường là nơi nổi dậy đấu tranh vũ trang sớm nhất ở Lào Cai. Khu căn cứ cách mạng Cam Đường ra đời trong thời kỳ hết sức khó khăn của cuộc kháng chiến chống Pháp giai đoạn (1948-1950). Được xây dựng giữa vùng địch hậu, lại nằm ở vị trí chiến lược quan trọng nên khu du kích Cam Đường trở thành bàn đạp mở rộng xây dựng các khu du kích khác. Các đoàn cán bộ từ hậu phương (vùng Lục Yên-Yên Bái) trở về Lào Cai đã lấy Cam Đường làm nơi tập kết bí mật luồn sâu vào thị xã Lào Cai, ngược lên Mường Bo, Bình Lư, Phong Thổ hoặc sang Nậm Pung, Bát Xát, xây dựng các khu căn cứ, gây dựng phong trào chống Pháp ở vùng địch hậu. Đặc biệt, Cam Đường thật sự là vành đai, vùng đệm áp sát trung tâm đầu não của địch ở thị xã Lào Cai. Trong Chiến dịch Lê Hồng Phong giải phóng Lào Cai, các lực lượng trinh sát, quân báo và cả Trung đoàn 148 đều xuất phát từ Cam Đường. Khu du kích Cam Đường – Xuân Giao – Gia Phú suốt một thời gian dài còn là điểm đặt cơ quan lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Tỉnh đội Lào Cai , nhiều cuộc họp quan trọng của tỉnh được tổ chức ở nơi đây. Khu căn cứ cách mạng Cam Đường được công nhận là Di tích Lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 1995. Đây là nơi Chi bộ Cam Đường, Chi bộ nông thôn đầu tiên được thành lập ngày 10-10-1948. Khu căn cứ Cam Đường còn được nhân dân, UBND xã lưu giữ khá nhiều hiện vật như nhà sàn – nơi thành lập chi bộ nông thôn đầu tiên; lán tập kết; cối giã thuốc súng; trống báo động và nhiều súng đạn; dao kiếm, mìn tự tạo của quân du kích Cam Đường. Hiện nay khu di tích cách mạng Cam Đường đã được tu bổ và xây dựng phòng trưng bày truyền thống tại xã Cam Đường gắn liền với tên gọi di tích để đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân, là nơi giáo dục về truyền thống lịch sử oai hùng chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc cho thế hệ trẻ. Nguồn: Báo Quân khu 2

Lào Cai 1311 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Bắc Hà

Đền Bắc Hà được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 thờ phụng hai anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật - người gốc Gia Lộc - Hải Dương. Xưa kia hai ông lên động Ngọc Uyển (vùng Bắc Hà ngày nay) xây dựng căn cứ quân sự và ổn định đời sống dân cư cả một vùng biên giới rộng lớn. Sách sử có ghi: “Đời vua Tự Đức năm thứ 7(1855) sắc phong các chúa Bầu (anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật) làm quốc công hùng cứ Bắc Hà, làm cho vùng đất này trở thành trù phú, dân cư đông đúc”. Sử nhà Nguyễn chép “Uy thế nhà Lê nổi là nhờ sức của anh em họ Vũ đã có công đánh giặc, bờ cõi được yên, nhân dân an lạc”. Nhà Nguyễn cũng sắc phong anh linh các chúa Bầu làm tổng binh trấn thủ Tuyên Quang. Năm Gia Long thứ nhất xét công bách thần cả nước, quốc công Vũ Văn Mật được liệt vào hàng công thần đời Lê Trung Hưng. Để tưởng nhớ người anh hùng đã có công với vùng đất này, nhân dân nơi đây đã cùng nhau xây dựng lên ngôi đền này để hàng năm tưởng nhớ về người anh hùng đã có công với nước, một thời bình ổn vùng biên giới phía Tây Bắc của Tổ Quốc ta. Đền Bắc Hà có một ý nghĩa lịch sử sâu sắc và có tầm ảnh hưởng đến đời sống chính trị, văn hóa xã hội đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Lễ hội chính đền Bắc Hà được tổ chức hàng năm vào ngày 7/7 (âm lịch) tại đền ngay thị trấn Bắc Hà, để tưởng nhớ ngày mất Gia quốc công Vũ Văn Uyên, người đã có công dẹp loạn an dân, hùng cứ vùng Tây Bắc thế kỷ 16-17. Từ đó đến nay ngôi đền là nơi để nhân dân trong vùng và du khách thập phương ngưỡng vọng người có công với dân với nước. Trong thời gian diễn ra lễ hội, ngoài các phần nghi lễ tổ chức nhiều hoạt động Văn hóa - thể thao phong phú mang đậm bản sắc dân tộc địa phương như: Văn nghệ, múa xòe, chọi gà, kéo co, cờ tướng... Đền Bắc Hà được nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc Gia ngày 29/10/2003. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Tỉnh Lào Cai

Lào Cai 1187 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Cô Tân An

Đền Cô Tân An, thuộc xã Tân An, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai (còn gọi là Đền Cô Bé Thượng Ngàn), được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2016, là nơi thờ tự một nữ chúa Thượng Ngàn có tên Nguyễn Hoàng Bà Xa, đã có công chinh phạt giặc ác, giữ yên bờ cõi, được cư dân vùng Bảo Hà và Khau Ban (địa danh Văn Bàn cổ xưa) suy tôn là vị Thánh Mẫu. Theo sử sách chép lại, vào cuối đời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786), khi khắp vùng Qui Hóa, nhất là châu Thủy Vỹ, Văn Bàn luôn bị giặc cướp tàn phá, “Khắp vùng loạn lạc, dân cư điêu tàn, ruộng đất bỏ hoang”. Trước sự loạn lạc ấy, bà Nguyễn Hoàng Bà Xa đã cùng cha là Thần Vệ quốc Nguyễn Hoàng Bẩy đứng lên chiêu dụ đồng bào các dân tộc thiểu số như Dao, Giáy, Nùng áo xanh… khẩn điền khai mỏ, đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi, giành lại cuộc sống ấm no cho muôn dân. Khi bà mất đi, “Hương thơm còn lẫy lừng, ảnh hào quang sáng tỏ muôn nơi”, để tưởng nhớ công lao to lớn của bà nhân dân trong vùng tạc dạ ghi ơn và đóng góp công sức, tiền của xây dựng đền thờ, cử người trông coi hương khói thường xuyên. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, sự biến đổi của thiên nhiên, hiện nay ngôi đền đã được tôn tạo, xây dựng lại trên chính vị trí khu đất linh thiêng xưa (trên nền đất rộng, ngay bên bờ sông Hồng, nhìn theo hướng Đông Bắc, đối diện với di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Bảo Hà), trở thành địa chỉ du lịch tâm linh uy linh thu hút đông đảo du khách thập phương. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai

Lào Cai 1166 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Phúc Khánh

Đền Phúc Khánh được xây dựng vào cuối thế kỷ 16, trên đồi Tấp, thuộc thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, có diện tích 2,4ha. Đền Phúc Khánh nằm trong quần thể di tích Thành Cổ Nghị Lang, một kiến trúc thời Lê - Mạc, nơi thờ các chúa Bầu và đã được công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia vào tháng 12/2001. Theo tương truyền, vào thời nhà Mạc thay nhà Lê, hai anh em Vũ Văn Mật và Vũ Văn Uyên quê ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương đã lên Bảo Yên (Lào Cai) lánh nhà Mạc và xây dựng căn cứ trấn ải biên giới Tây Bắc. Lúc đó, Vũ Văn Mật đã nhận thấy Bảo Yên có một vị trí giao thông thuận lợi, là cửa ngõ thông thương các tuyến đường của Lào Cai nên đã chọn nơi này để xây thành đắp lũy, chiêu mộ quân sĩ chống nhà Mạc, bảo vệ biên cương và gây dựng Bảo Yên thành một vùng trù phú. Sau khi Vũ Văn Mật mất, nhân dân nơi đây đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của ông và dòng họ Vũ vì đã có công bảo vệ biên cương, bờ cõi và dân lành. Trải qua nhiều biến động của thời gian, lịch sử, kiến trúc ngôi đền Phúc Khánh đã bị phá huỷ nhiều, vết tích của Đền hầu như còn lại rất ít. Năm 2006, di tích lịch sử văn hoá đền Phúc Khánh được trùng tu tôn tạo và được xây dựng trên nền đất cũ theo kiến trúc thời Lê - Mạc. Bố cục của đền gồm: nhà đền chính; hai nhà Tả vu, Hữu vu; Tam Quan Ngoại, cổng nách và trụ biểu tại Tam Quan Ngoại. Các Ban thờ Cô, thờ Cậu, Miếu Sơn thần cùng các hạng mục phụ như: nhà phủ chúa, nhà từ đền, nhà hoá vàng, khuôn viên sân vườn. Đền Phúc Khánh có vị trí giao thông thuận lợi (cách thành phố Lào Cai 75km về hướng Tây Bắc, cách Hà Nội gần 280km theo tuyến Quốc lộ 70), hàng năm vào ngày Thìn đầu tháng Giêng, Lễ hội đền Phúc Khánh được tổ chức, thu hút đông đảo du khách từ khắp mọi miền đất nước đến dâng hương tưởng nhớ người có công bảo vệ biên cương, bờ cõi và thăm quan vãn cảnh, khám phá những nét nghệ thuật kiến trúc quân sự của Thành Cổ Nghị Lang cũng như đền Phúc Khánh. Nguồn: Cổng thông tin đối ngoại tỉnh Lào Cai

Lào Cai 1098 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật