Di tích lịch sử

Việt nam

Đền Cuông

Đền Cuông tọa lạc trên núi Mộ Dạ, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, Nghệ An là ngôi đền thờ Thục Phán An Dương Vương. Từ tư liệu đền Cuông, đền còn có tên gọi khác là đền Công, bởi xưa kia nơi đây có rất nhiều con chim công sinh sống. Đặc biệt ngọn núi này có dáng hình con chim công khổng lồ, đầu con chim công là nơi ngôi đền tọa lạc. Đền Cuông gắn liền với một vị vua trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Ngôi đền cũng gắn với truyền thuyết nỏ thần, mối tình ngang trái Mỵ Châu – Trọng Thủy. Sau khi được Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi, Thục Phán đã đoàn kết sức mạnh toàn quân, đại phá quân Tần và lên ngôi vua, lấy hiệu là An Dương Vương. Khi lên ngôi, An Dương Vương đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc, dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, trị vì đất nước trong 50 năm (từ năm 257 đến năm 208 trước công nguyên). Tương truyền, khi được thần Kim Quy giúp xây thành và làm nỏ thần, An Dương Vương mất cảnh giác và đã mắc mưu của Triệu Đà. Năm 208 trước công nguyên, sau khi chiếm được nỏ thần, Triệu Đà đã cho quân tấn công bất ngờ nước Âu Lạc, An Dương Vương phải rút lui về phương Nam. Khi đến nơi đây, cùng đường (trước mặt là núi, phía đông là biển, sau lưng là giặc), An Dương Vương đã rút gươm chém Mỵ Châu rồi tuẫn tiết tại Cửa Hiền, phía Bắc chân núi Mộ Dạ. Để tưởng nhớ An Dương Vương, sau khi nhà vua mất, nhân dân vùng này đã lập đền thờ vua ở đây. Đền đã có từ rất lâu. Cho đến nay, chưa có tài liệu nào xác định được chính xác thời điểm khởi dựng ngôi đền. Tuy nhiên, dưới thời nhà Nguyễn, đền Cuông đã được trùng tu nhiều lần, đặc biệt vào năm Giáp Tý (1864), vua Tự Đức đã ban sắc chỉ xây dựng lại ngôi đền với quy mô như ngày nay. Đền Cuông là một công trình kiến trúc đẹp, vững chắc, phù hợp với điều kiện thiên nhiên, xung quanh có trồng nhiều cây xanh đan xen. Đền có kiến trúc kiểu chữ Tam, bao gồm tam quan, ba tòa thượng, trung và hạ điện. Lễ hội đền Cuông được tổ chức vào các ngày 14, 15 và 16 tháng 2 Âm lịch hằng năm. Lễ hội Đền Cuông có quy mô lớn nổi tiếng của Nghệ An, thu hút sự quan tâm đông đảo người dân địa phương và du khách khắp mọi miền đất nước. Ngày 16/01/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã Quyết định chính thức ghi danh Lễ hội truyền thống đền Đông Cuông vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Nguồn: Sở du lịch Nghệ An

Nghệ An 1261 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Huề Trì

Đình Huề Trì có nơi gọi là Huệ Trì, thuộc thôn Huề Trì, phường An Phụ, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Đình Huề Trì là nơi thờ hai Thành hoàng làng là Thiện Nhân và Thiện Khánh vốn là hai chị em sinh đôi – nữ tướng của Hai Bà Trưng trong thời kì khởi nghĩa chống quân xâm lược Tô Định và mất tại đây. Đình xây dựng vào thời hậu Lê, trùng tu vào thời Nguyễn. Trước đây, Đình làm bằng gỗ, lợp tranh. Ngôi đình hiện nay, có bố cục hình chữ 二Nhị, gồm 2 toà 5 gian kiểu 4 mái liền nhau khép kín gần vuông, dài 26m, rộng 24m, tổng diện tích là 624m2. Đình quay mặt về hướng Nam, 3 gian cửa lớn, còn lại đóng ngưỡng chồng, cao tới 1m, trên có chấn song con tiện. Hè đình ghép đá khối, có tấm dài tới 4m. Xung quanh đình có sân và nhiều cây cổ thụ, phía tây bắc thường để họp chợ. Trong đình, hiện còn lưu giữa nhiều cổ vật có giá trị như những bức đại tự, câu đối, dong đình, đòn bát cống, đồ thờ và 7 tấm bia đá. Theo tương truyền và văn bia ghi lại thì đình Huề Trì được xây dựng từ thời Lý, lúc đó làm nhỏ, lợp gianh (rạ) sau này đã trùng tu nhiều lần, đã làm bằng gỗ lim lợp ngói, tuy địa điểm vẫn ở chỗ cũ nhưng bố cục có khác trước, hiện nay kiến trúc hình chữ Quốc, bố cục gần như vuông . Hai ngôi đình (tiền tế + hậu cung) đều 5 gian gần xít nhau, các đầu hồi lại được nối thành mái như chính diện, cột, kèo, chồng cốn không có trạm trổ gì cầu kỳ, phần nhiều bào trơn đóng bén. Đình hiện còn 7 bia đá thì 6 bia thuộc đình, 1 bia thuộc văn chỉ. Ngoài ra còn một số sập, kiệu, long đình, bát bửu.... Theo thần tích hiện còn ở tại di tích thì đình Huề Trì thờ Thiện Nhân, Thiện Khánh có công cùng Hai Bà Trưng đánh giặc thời Đông Hán (Tô Định - Mã Viện). Thiện Nhân, Thiện Khánh là con bà Nhã Nương và là cháu ông Nguyễn Công. Hai bà cùng sinh ngày 7-1 năm Nhâm Dần. Khoảng độ 13, 14 tuổi, Thiện Nhân, Thiện Khánh rất thông minh, học rộng, tài cao, đạo đức khác thường và có sắc đẹp tuyệt vời. Đến năm 17 tuổi, mẹ bà mất thì cũng là năm Hai Bà Trưng khởi binh đánh Tô Định. Sẵn lòng yêu nước, Thiện Nhân - Thiện Khánh đã đến khu vực Hai Bà Trưng và được xung vào quân ngũ, phong làm tả hữu nhập nội công chúa, đồng thời được giao trách nhiệm cho Thiện Nhân, Thiện Khánh trấn ải miền Hải Đông, nay là đất Hải Hưng. Thiện Nhân, Thiện Khánh đã cất quân và cùng Hai Bà Trưng chiến đấu dũng cảm đánh bại giặc Tô Định. Thắng trận trở về, Thiện Nhân, Thiện Khánh được phong là: " Nhập nội công chúa ". Vua nhà Hán lại sai phục ba tướng quân Mã Viện đem quân sang đánh nước ta, Hai Bà Trưng lại một lần nữa quyết sống mái với quân thù. Thiện Nhân, Thiện Khánh nguyên là 2 nữ tướng nên lần này cũng lại ra quân. Nhưng vì thế giặc quá mạnh, quân ta chống cự không nổi, Hai Bà Trưng nhảy xuống sông Hát Giang tự vẫn. Thiện Nhân, Thiện Khánh cũng chống cự không nổi đã chạy về Huề Trì Trang và hy sinh tại đây. Hàng năm có hai ngày hội. 1 là ngày 7 -1 là ngày sinh thời của 2 chị em Thiện Nhân, Thiện Khánh. Hội mở trong nhiều ngày, có rước thần từ đình lên chùa. 2 là ngày 10 - 3 mở hội xuân. Rước thần từ nghè về đình, sau đó tổ chức tế. Thời gian từ 5 đến 10 ngày. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Hải Dương

Hải Dương 1170 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Trịnh Xuyên

Đình Trịnh Xuyên thuộc làng Trịnh Xuyên, xã Nghĩa An (Ninh Giang) Hải Dương. thờ Đạo quang cư sĩ Vũ Đức Phong, nguyên gốc làng Mộ Trạch, nay thuộc xã Tân Hồng (Bình Giang), người có công chống giặc Chiêm Thành dưới triều Trần và đã hy sinh tại chiến trường. Đình được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII-XVIII, kiểu tiền nhất, hậu công, quy mô khá đồ sộ. Riêng diện tích sử dụng là 580,25 m2, bao gồm các hạng mục là đại bái, trung từ, hậu cung, nhà chờ và 2 dãy giải vũ. Toà đại bái được xây dựng thông thoáng, không có tường bao xung quanh, dài 13m, rộng 8,5m. Trên toàn bộ bờ mái, bờ nóc được tạo dáng hình hoa chanh. Các đao, guột được tạo dáng hình đầu rồng mềm mại. Trung từ gồm 3 gian được kiến trúc theo kiểu con chồng đấu sen. Trên các vì, bẩy đều chạm hình trạng, phượng, hoa lá cách điệu. Tiếp theo đại bái là đình trung. Toà này có chiều dài 20m, rộng 11m, gồm 5 gian. Cũng như đại bái, ở toà trung từ tất cả bờ nóc và bờ mái đều được đắp hình hoa chanh. Các đao mái được tạo dáng hình đầu rồng. Các vì ở đây cũng được làm theo kiểu con chồng. Hai vì giữa được chạm khắc kỹ hơn, 4 đầu dư ở hai vì này được làm vào thời Nguyễn. Hai vì ngoài lạm khắc ít hơn, căn cứ vào các đầu dư và nghệ thuật chạm khắc thì 2 vì này được làm tử thế kỷ XVII-XVIII .Trên xà ngang gian trung tâm treo một bức chạm "Lưỡng long chầu nguyệt", phía dưới là bức cửa võng được tạo kiệu chữ "triện". Tiếp nối với phần trung từ là 3 gian ống muống, kỹ thuật kiến trúc đơn giản hơn. Phía dưới được bài trí ban thờ và hai cỗ kiệu long đình và bát cống. Tiếp 3 gian ống muống là một gian hậu cung. Về kiến trúc, phần trung tâm đặt một bệ thờ cao. Trên để một cỗ khám cao 1,8 m, được sơn son thếp vàng rực rỡ. Trong khám là tượng Thành hoàng cao 0,9 m, thân hình cân đối, hài hoà. Ngay phía trước khám là tượng hai lính hầu bằng gỗ cao 1,4 m, tay cầm binh khí. Ngoài các hạng mục trên, còn có hai dãy giải vũ, mỗi dãy 3 gian, tạo thành một công trình khép kín và đồng bộ. Đình còn tượng cổ Vũ Đức Phong và nhiều đồ thờ. Lễ hội đình hàng năm được tổ chức từ ngày 9 đến 12 tháng 2 âm lịch với nhiều trò chơi dân gian như thi pháo đất, múa rối. Đình được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1992. Nguồn: Báo điện tử Hải Dương

Hải Dương 1112 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Cô Tân An

Đền Cô Tân An, thuộc xã Tân An, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai (còn gọi là Đền Cô Bé Thượng Ngàn), được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2016, là nơi thờ tự một nữ chúa Thượng Ngàn có tên Nguyễn Hoàng Bà Xa, đã có công chinh phạt giặc ác, giữ yên bờ cõi, được cư dân vùng Bảo Hà và Khau Ban (địa danh Văn Bàn cổ xưa) suy tôn là vị Thánh Mẫu. Theo sử sách chép lại, vào cuối đời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786), khi khắp vùng Qui Hóa, nhất là châu Thủy Vỹ, Văn Bàn luôn bị giặc cướp tàn phá, “Khắp vùng loạn lạc, dân cư điêu tàn, ruộng đất bỏ hoang”. Trước sự loạn lạc ấy, bà Nguyễn Hoàng Bà Xa đã cùng cha là Thần Vệ quốc Nguyễn Hoàng Bẩy đứng lên chiêu dụ đồng bào các dân tộc thiểu số như Dao, Giáy, Nùng áo xanh… khẩn điền khai mỏ, đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi, giành lại cuộc sống ấm no cho muôn dân. Khi bà mất đi, “Hương thơm còn lẫy lừng, ảnh hào quang sáng tỏ muôn nơi”, để tưởng nhớ công lao to lớn của bà nhân dân trong vùng tạc dạ ghi ơn và đóng góp công sức, tiền của xây dựng đền thờ, cử người trông coi hương khói thường xuyên. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, sự biến đổi của thiên nhiên, hiện nay ngôi đền đã được tôn tạo, xây dựng lại trên chính vị trí khu đất linh thiêng xưa (trên nền đất rộng, ngay bên bờ sông Hồng, nhìn theo hướng Đông Bắc, đối diện với di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Bảo Hà), trở thành địa chỉ du lịch tâm linh uy linh thu hút đông đảo du khách thập phương. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai

Lào Cai 1187 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền thờ Khúc Thừa Dụ

Đền thờ Khúc Thừa Dụ thuộc thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, thờ 3 vị anh hùng dân tộc họ Khúc (Khúc Thừa Dụ, Khúc Thừa Hạo, Khúc Thừa Mỹ). Đền đã được nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2015. Đền nằm giáp đê sông Luộc, mặt đền quay theo hướng Nam. Từ ngoài vào trong đền qua chiếc cầu đá, đến sân hội, với hai bức phù điêu ghép bằng các tảng đá lớn. Các họa tiết được chạm khắc công phu, mô tả quang cảnh nhân dân tụ nghĩa theo Tiên Chúa Khúc Thừa Dụ giành quyền tự chủ và cuộc sống thái bình, an cư lạc nghiệp. Khúc Thừa Dụ là một trong những anh hùng dân tộc có công đầu dựng nước ở thế kỷ 10. Khởi nghiệp là một hào trưởng đất Hồng Châu, nay là làng Cúc Bồ, thuộc xã Kiến Quốc, Khúc Thừa Dụ là người đã tạo dựng những nền móng ban đầu cho công cuộc giành độc lập, xây dựng nền tự chủ của đất nước, chấm dứt ách thống trị của phong kiến phương bắc trong những năm đầu thế kỷ thứ 10. Con và cháu ông là Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ tiếp tục nối nghiệp cha ông, có công củng cố độc lập, thực hiện quản lý chính quyền đến cấp làng, xã. Ngày 23/7/907, Khúc Thừa Dụ mất. Ðể tưởng nhớ công lao Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ, người dân trong vùng Hồng Châu đã đóng góp xây dựng đình làng Cúc Bồ trên một khoảng đất rộng ở phía nam của làng, cách đê sông Luộc chừng 300 m. Năm 2005, tỉnh Hải Dương khởi công xây dựng đền Cúc Bồ thờ ba vị Anh hùng họ Khúc là: Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ, ngay cạnh đình cổ làng Cúc Bồ. Công trình có tổng diện tích hơn 57.000 m2, sử dụng ba loại vật liệu chủ yếu là: Ðá xanh, gỗ lim và đồng. Đền thờ có kiến trúc độc đáo, bao gồm nhiều công trình văn hóa nghệ thuật như: Tam quan, Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Hai bên có nhà Tả vu, Hữu vu, giếng mắt rồng, phù điêu đá, tượng Linh thú, hồ sen, cầu đá, tứ trụ... Tất cả được xây dựng theo kiến trúc truyền thống. Trung tâm của đền Khúc Thừa Dụ, được gọi là Thượng điện. Tại đây, các ban thờ được bố trí theo những quy định chuẩn mực và có nội dung ý nghĩa sâu sắc. Ban công đồng đặt chính giữa, có đặt bức hoành phi 4 chữ ghi là: “Thiên Nam Chính Khí”: dịch nghĩa là Họ Khúc là chính nghĩa trời Nam. Và hai bên là ban thờ “Lưỡng ban”, có 2 hoành phi: bên phải “Hồng Châu anh kiệt”, dịch nghĩa là: Bậc anh hùng, hào kiệt đất Hồng Châu. Bên trái “Hùng Phong do tại”: dịch nghĩa là: Phong thái anh hùng như còn đây. Tại đền Khúc Thừa Dụ còn có những bức tranh nghệ thuật có tên là “Khúc hoan ca”, mô tả cảnh thái bình, cuộc sống yên vui của cư dân dưới nền tự chủ đầu tiên; bên cạnh đó là cảnh “tụ nghĩa”, rèn quân sỹ. Nội dung mà bức tranh này chuyển tải chính là sự thể hiện cho tinh thần thượng võ, ước vọng hòa bình, ổn định phồn vinh của dân tộc Việt Nam. Tại khu cung điện của đền, có 3 pho tượng đồng lớn: tượng Tiên chúa Khúc Thừa Dụ đặt giữa, tượng Trung chúa Khúc Hạo bên phải, và bên trái là tượng Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ. Tượng Tiên chúa Khúc Thừa Dụ với thanh gươm cầm trên tay thể hiện cho uy quyền và tài trí “Đức trùm thiên hạ”.. là một pho tượng có chiều sâu về thần thái, thể hiện sắc thái của một vị đế vương, có dung mạo uy nghi, khí tiết hơn người. Đền thờ Khúc Thừa Dụ là một công trình có ý nghĩa tôn vinh công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc dòng họ Khúc thời kỳ tiền độc lập dân tộc. Cùng với ý nghĩa về văn hóa tâm linh và du lịch, Đền thờ Khúc Thừa Dụ cũng là điểm đến du lịch, tham quan, nghiên cứu lịch sử hấp dẫn trên mảnh đất Hải Dương, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho muôn đời sau. Nguồn: Tổng hợp báo điện tử Hải Dương

Hải Dương 1397 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Phúc Khánh

Đền Phúc Khánh được xây dựng vào cuối thế kỷ 16, trên đồi Tấp, thuộc thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, có diện tích 2,4ha. Đền Phúc Khánh nằm trong quần thể di tích Thành Cổ Nghị Lang, một kiến trúc thời Lê - Mạc, nơi thờ các chúa Bầu và đã được công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia vào tháng 12/2001. Theo tương truyền, vào thời nhà Mạc thay nhà Lê, hai anh em Vũ Văn Mật và Vũ Văn Uyên quê ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương đã lên Bảo Yên (Lào Cai) lánh nhà Mạc và xây dựng căn cứ trấn ải biên giới Tây Bắc. Lúc đó, Vũ Văn Mật đã nhận thấy Bảo Yên có một vị trí giao thông thuận lợi, là cửa ngõ thông thương các tuyến đường của Lào Cai nên đã chọn nơi này để xây thành đắp lũy, chiêu mộ quân sĩ chống nhà Mạc, bảo vệ biên cương và gây dựng Bảo Yên thành một vùng trù phú. Sau khi Vũ Văn Mật mất, nhân dân nơi đây đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của ông và dòng họ Vũ vì đã có công bảo vệ biên cương, bờ cõi và dân lành. Trải qua nhiều biến động của thời gian, lịch sử, kiến trúc ngôi đền Phúc Khánh đã bị phá huỷ nhiều, vết tích của Đền hầu như còn lại rất ít. Năm 2006, di tích lịch sử văn hoá đền Phúc Khánh được trùng tu tôn tạo và được xây dựng trên nền đất cũ theo kiến trúc thời Lê - Mạc. Bố cục của đền gồm: nhà đền chính; hai nhà Tả vu, Hữu vu; Tam Quan Ngoại, cổng nách và trụ biểu tại Tam Quan Ngoại. Các Ban thờ Cô, thờ Cậu, Miếu Sơn thần cùng các hạng mục phụ như: nhà phủ chúa, nhà từ đền, nhà hoá vàng, khuôn viên sân vườn. Đền Phúc Khánh có vị trí giao thông thuận lợi (cách thành phố Lào Cai 75km về hướng Tây Bắc, cách Hà Nội gần 280km theo tuyến Quốc lộ 70), hàng năm vào ngày Thìn đầu tháng Giêng, Lễ hội đền Phúc Khánh được tổ chức, thu hút đông đảo du khách từ khắp mọi miền đất nước đến dâng hương tưởng nhớ người có công bảo vệ biên cương, bờ cõi và thăm quan vãn cảnh, khám phá những nét nghệ thuật kiến trúc quân sự của Thành Cổ Nghị Lang cũng như đền Phúc Khánh. Nguồn: Cổng thông tin đối ngoại tỉnh Lào Cai

Lào Cai 1114 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Cao An Lạc

Khu di tích đền Cao thuộc xã An Lạc, Thành Phố Chí Linh tỉnh Hải Dương. Quần thể khu di tích đền Cao là nơi phụng thờ 5 vị tướng họ Vương có công trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược và tri ân đức vua Lê Đại Hành, thành hoàng làng Dương Tôn Linh. Với hiện trạng di tích và các truyền thuyết còn lưu truyền nơi đây cùng các sinh hoạt lễ hội được nhân dân bảo tồn và gìn giữ, lễ hội đền Cao được đánh giá là một trong những lễ hội cổ truyền tiêu biểu của Hải Dương. Quần thể di tích có 5 đền và 1 chùa. Đền Vua thờ vua Lê Đại Hành tọa lạc trên núi bàn cung toát lên vẻ uy linh và tôn nghiêm. Đền Cao thờ Vương Đức Minh trầm mặc tọa lạc trên đỉnh núi Thiên Bồng thuộc dãy núi Voi ở độ cao 30 m, giữa rừng lim già cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đền Bến Tràng thờ Vương Đức Xuân đậm màu sắc truyền thống và toát nên vẻ nghiêm cẩn nằm bên dòng Nguyệt Giang mềm mại. Đền Bến Cả thờ Vương Đức Hồng - ngôi đền trần (không có mái che) đậm dấu tích thiêng, được coi là ngôi đền đặc biệt nhất trong hệ thống di tích đền thờ ở nước ta. Đền Cả thờ cha mẹ của 5 đức thánh và 2 người con gái là Vương Thị Đào và Vương Thị Liễu trầm mặc giữa cánh đồng xanh tươi, trù phú, nằm bên dòng sông yên ả. Thần tích còn lưu tại đền Cao do Hàn lâm viện đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính vâng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên, đời vua Lê Anh Tông (1572) đã ghi rõ sự tích và công trạng của các vị thánh đền Cao. Vào thời Đinh, ở trang Thạch Tuyền, huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, lộ Thanh Hoá có gia đình ông họ Vương tên là Tĩnh, bà vợ là người bản trang họ Đào tên là Thanh. Ông bà hay làm, chịu thương chịu khó, lại hay thương người nên được bà con chòm xóm mến mộ. Song hiềm một nỗi là vợ chồng tuổi tác đã cao mà chưa có một mụn con. Một ngày kia, ông bà lênh đênh trên chiếc thuyền con, ngược cửa thần phù tìm nơi đất mới để sinh sống, đến Trang Dược Đậu, đất Bàng Châu, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương thấy dân phong ở đây thuần hậu, đất đai, cỏ cây tươi tốt, ông bà liền xin cư trú ở đấy. Bấy giờ, tại Dược Đậu trang có gia đình ông họ Phạm, tên là Lược. Gia cảnh ông họ Phạm cũng tương đối khá giả, liền cho ông bà đến ở nhờ tại Dược Đậu trang. Một đêm bà Thanh nằm mộng thấy năm ngôi sao chui vào miệng. Khi bà Thanh ra dòng Nguyệt Giang tắm rửa chợt thấy một con giao long ngũ sắc nổi lên quấn chặt lấy mình bà ba vòng, bà Thanh vô cùng hoảng sợ. Từ đó bà Thanh thấy trong lòng rung động rồi có thai. Đến khi thai nghén đủ tuần mãn nguyệt, bà sinh ra một bọc, bung ra 5 trứng, sinh được 3 trai 2 gái. Con trai thì dáng mạo khôi ngô tuấn tú, oai phong lẫm liệt, mắt phượng mày ngài, hàm hổ mặt rồng. Con gái thì mặt hoa da phấn. Con trai thứ nhất tên là Vương Đức Minh. Con trai thứ hai Vương Đức Xuân. Con trai thứ ba Vương Đức Hồng. Con gái thứ tư là Vương Thị Đào và cô gái út là Vương Thị Liễu. Bấy giờ, quân Tống do Quách Tiến chỉ huy xâm lược bờ cõi nước ta. Khi nhà vua đem quân đi đánh giặc, qua Dược Đậu trang thấy thế đất hiểm yếu liền cho lập đồn trại đóng quân ở ngay khu chợ nhỏ (tục gọi là chợ Đậu). Năm anh em họ Vương đều vào bái yết, nhà vua liền cho thử tài, năm anh em đều trổ hết tài năng ứng thí. Biết các ông là người có tài năng thực thụ, nhà vua liền thu nhận dưới trướng và phong chức. Khi ấy, ba ông cùng với hai bà đem quân theo đường bộ. Hai bà giả làm người đi bán trầu thuốc lần tìm đến tận nơi đồn sở của giặc. Sau khi nắm rõ binh tình giặc, quân ta tiến công, quân giặc thua to tháo chạy về nước. Khu di tích đền Cao hình thành và phát triển hơn 1.000 năm nay. Tuy quy mô các ngôi đền không lớn nhưng đã hội tụ được linh khí đất trời. Các ngôi đền được xây dựng rất sớm, từ thời Tiền Lê, sau khi 5 vị tướng qua đời. Vào thời Nguyễn, ngôi đền được trùng tu lại với kiến trúc kiểu chữ tam và giữ nguyên hiện trạng cho đến ngày nay. Hệ thống cổ vật, đồ thờ tự có giá trị như bia, long đao, bát bửu, ngai còn giữ được khá nguyên vẹn, tiêu biểu là các bức đại tự, câu đối. Trong hậu cung đền hiện còn lưu giữ được các đạo sắc phong qua các triều vua. Đền Cao là một ngôi đền độc đáo xây dựng từ thế kỷ XX và được trùng tu nhiều lần. Lễ hội chính diễn ra từ ngày 23 đến ngày 25 tháng giêng (âm lịch) có nhiều trò chơi dân gian như: Đấu vật, kéo co. Phần lễ có: Rước ngai, tế truyền thống thu hút rất nhiều du khách đến thăm quan. Ngày 2/3/2018, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã quyết định “xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật” đối với quần thể Đền Cao. Nguồn: Tổng hợp báo điện tử Hải Dương

Hải Dương 1181 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Thanh Mai

Chùa Thanh Mai (thuộc xã Hoàng Hoa Thám, Thành Phố Chí Linh, Hải Dương). Chùa Thanh Mai được xây dựng vào khoảng năm 1329 trên sườn núi Thanh Mai, hay còn gọi là núi Tam Ban (nghĩa là ba cấp núi nối liền nhau của ba tỉnh Bắc Giang-Hải Dương-Quảng Ninh, thuộc cánh cung Đông Triều), cao khoảng 200m, nay thuộc địa phận xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh. Chùa gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa tôn giả vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Chùa chính có kiến trúc kiểu chữ Đinh, với 7 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Kết cấu khung chùa bằng gỗ lim với 12 cột cái đường kính 50cm, cao 7,2m và 16 cột quân đường kính 42 cm, cao 3,5m được nối theo kiểu "chồng rường bát đấu" là kiểu kiến trúc thời Trần. Mái chùa gồm 8 mái, 8 đầu đao, lợp ngói mũi hài, trên nóc đắp bờ, chính giữa đắp nổi bốn chữ "Thanh Mai thiền tự". Chùa khởi công và hoàn thành năm 2005. Hiện nay chùa Thanh Mai vẫn gìn giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Viên Thông Bảo Tháp xây dựng năm 1334; tháp Phổ Quang được xây dựng năm Chính Hoà thứ 23 (1702); tháp Linh Quang xây dựng năm Chính Hoà thứ 24 (1703), cùng 5 ngôi tháp khác. Trong chùa cũng còn lưu giữ được 6 tấm bia thời Trần và Lê, trong đó Thanh Mai Viên Thông tháp bi được công nhận là bảo vật quốc gia. Bia được khắc dựng năm Đại Trị thứ 5 (1362) nói về thân thế và sự nghiệp của Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc lâm. Tấm bia cũng cho thấy tình hình chính trị, tôn giáo, ruộng đất đương thời và những hoạt động của Trúc Lâm Tam tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Hội chùa Thanh Mai diễn ra vào ngày mùng một đến mùng ba tháng Ba âm lịch hằng năm. Năm 1992, chùa Thanh Mai đã được Bộ Văn hóa- Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Vào dịp cuối mùa thu, sang những ngày mùa đông, Rừng phong khu vực chùa Thanh Mai mang cảnh sắc tuyệt đẹp. Những cánh rừng trong khoảng thời gian này trở nên rực rỡ bởi những sắc đỏ, vàng… Với diện tích khoảng 15 ha, rừng phong ở khu vực chùa Thanh Mai khá dày đặc. Chiều cao của cây phong lên tới hàng chục mét, mọc từ chân lên đến đỉnh núi, trong đó có những cây kích thước thân rất lớn, khoảng 2-3 người ôm mới trọn. Và đẹp hơn cả là khoảng thời gian lá phong chuyển màu, từ những tán lá xanh ngả sang vàng, rồi chuyển thành màu đỏ. Với giá trị lịch sử lâu đời, với nhiều nghi lễ tôn nghiêm trong ngày hội như: giảng kinh, mộc dục, chay đàn... cùng thiên nhiên kỳ vĩ, chùa Thanh Mai đã và đang góp phần làm giàu có thêm vốn văn hóa xứ Đông. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

Hải Dương 1154 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền thờ Chu Văn An

Đền thờ thầy Chu Văn An tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, thuộc địa phận phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Nơi đây với phong cảnh tuyệt đẹp, cũng là nơi nhiều người dân đến xin chữ mỗi khi dịp Tết đến xuân về, cầu mong một năm mới gặp nhiều may mắn, học hành thi cử đỗ đạt. Thầy Chu Văn An hiệu là Tiều Ẩn – tự là Linh Triệt, thuỵ là Văn Trinh. Sinh ngày 25 tháng 8 năm Nhâm Thìn niên hiệu Trùng Hưng thứ 2 (1292) tại thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Trì (nay thuộc thành phố Hà Nội). Ông là người có công lớn đầu tiên trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng Giáo ở Việt Nam. Ông được Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329) mời làm tư nghiệp Quốc tử giám dạy học cho Thái tử. Đến đời Vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369), vì không chịu nổi bọn gian thần ác bá, ông đã trao ấn từ quan về ở ẩn trên núi Phượng Hoàng, chỉ chuyên dạy học, viết sách, làm thơ, nghiên cứu y dược cho tới khi mất. Sau khi thầy Chu Văn An qua đời (1370), tại nơi thầy làm nhà dạy học đã được dựng ngôi đền thờ thầy. Sau 2 giai đoạn trùng tu, năm 2008 đền thờ Chu Văn An đã trở thành quần thể kiến trúc bề thế trang nghiêm bao gồm: tam quan nội, tam quan ngoại, sân hạ, sân trung, sân thượng, vườn cây, hai nhà giải vũ, hai nhà bia, đền thờ chính cùng những bức phù điêu chạm Long Phượng vờn mây và 112 bậc đá dẫn lên đền thờ chính. Đền đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1998. Đền thờ chính tọa lạc trên thế đất cao, rộng, theo phong thủy, đây chính là mắt của chim Phượng. Phía trước đền có núi Ngọc làm tiền án, phía sau có núi Phượng làm hậu trẩm, hai bên là núi Kì Lân và núi Phượng Hoàng chầu về. Đền được xây dựng theo hình chữ Nhị (二), kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái, ngói liệt với 8 góc đao cong, bao gồm 5 gian tiền tế và 1 gian hậu cung. Nghệ thuật trang trí trong đền theo đề tài tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng), tứ quý (Tùng, Cúc, Trúc, Mai). Các bức y môn sơn son thếp vàng trang trí mỹ thuật theo hình tượng “rồng chầu hoa cúc mãn khai”. Phía trước đền là đôi rồng đá mang phong cách kiến trúc thời Trần… Hàng năm, tại đền Chu Văn An diễn ra lễ khai bút đầu xuân vào ngày 6 tháng Giêng với 4 chữ thư pháp Hán Nôm: Chính - Học - Thuần - Hành, và 10 chữ Quốc ngữ: Tâm - Đức - Chí - Nghĩa - Trung - Tài - Minh - Trí - Thành - Vinh. Đây là nét đẹp văn hóa được gìn giữ từ khi thầy Chu Văn An về đây mở lớp dạy học. Lễ hội đền Chu Văn An mùa thu diễn ra từ ngày 1 - 25/8 âm lịch (chính hội ngày 25). Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

Hải Dương 1235 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia

Đền Xưa - chùa Giám - đền Bia là cụm 3 di tích nằm trên địa bàn 3 xã Cẩm Sơn, Cẩm Vũ và Cẩm Văn của huyện Cẩm Giàng. 3 di tích ở rất gần nhau, cùng thờ một vị tổ là Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh, song ở mỗi nơi lại có những công trình kiến trúc độc đáo, tạo dấu ấn và chỗ đứng riêng trong đời sống văn hóa, tâm linh người dân địa phương. Tháng 12/2017, cụm di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đền Xưa - chùa Giám - đền Bia được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Chùa Giám (chùa Nghiêm Quang), được khởi dựng vào thời Lý; cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII được xây dựng lại với quy mô kiến trúc to đẹp. Chùa tọa lạc trên một khoảng đất rộng 2ha. Ngôi chùa có kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc” với đầy đủ các công trình như: Tam quan, Tiền đường, Tam bảo, nhà Tổ, hành lang, nhà tháp Cửu phẩm, nhà khách, nhà Tăng, vườn cây, Pháp sư, nghè Giám. Các kiến trúc sư, các nghệ nhân đã tạo trên mặt bằng của chùa sự liên hoàn của các hạng mục tôn lên vẻ tráng lệ cổ kính, ẩn chứa nhiều tầng trí tuệ văn hóa. Chùa Giám là nơi gắn với cuộc đời Tuệ Tĩnh từ khi ông còn nhỏ. Theo tư liệu lịch sử, Tuệ Tĩnh sinh vào khoảng năm 1330, mồ côi cha mẹ từ năm 6 tuổi, được sư thầy Hải Triều ở chùa Giám nuôi và cho đi học. Thời niên thiếu và những kiến thức đầu đời về y học của ông đã được nuôi dưỡng, gắn bó với ngôi chùa này. Điểm đặc sắc nhất của chùa Giám là tòa cửu phẩm liên hoa được đặt ở sân phía sau tam bảo. Nhà cửu phẩm hình vuông 8 m), cao 3 tầng, 12 mái, có nhiều mảng kiến trúc còn giữ được dấu ấn của thế kỷ XVII. Trong nhà cửu phẩm là tòa cửu phẩm liên hoa gồm 9 tầng hoa sen, cao trên 6m hình lục giác đều, mỗi cạnh 1,24m. Trên cửu phẩm có 145 pho tượng Phật. Toàn bộ kết cấu cửu phẩm liên kết với một trụ gỗ lim lớn ở giữa, trụ này đặt trên ngõng đá, tựa một ổ bi. Vào ngày lễ Phật, chỉ cần 2 người đẩy, cửu phẩm có thể quay nhẹ nhàng. Tòa cửu phẩm liên hoa là công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo chỉ có ở Việt Nam. Hiện nay, trong cả nước chỉ còn 3 tòa cửu phẩm liên hoa có thể quay được, 2 tòa còn lại ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) và chùa Đồng Ngọ (Thanh Hà, Hải Dương). Đền Xưa, là ngôi đền chính thức được xây dựng để thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh trên quê hương ông, nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng. Chưa xác định đền được khởi dựng từ năm nào, nhưng căn cứ di vật kiến trúc hiện còn có thể xác định vào thế kỷ XVII đã có một ngôi đền kiên cố, chạm khắc tinh tế. Hiện tại di tích còn khoảng 50 cổ vật có giá trị như chuông đồng đúc năm Tự Đức thứ 8 (1855), sắc phong cho Tuệ Tĩnh vào các thời Thiệu Trị, Tự Đức, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại... Đây là những vật chứng cho sự nghiệp y học lẫy lừng đã được ghi nhận của Tuệ Tĩnh trong lịch sử. Đền Bia, nằm trên cánh đồng phía Tây thôn Văn Thai (xã Cẩm Văn), giáp làng Nghĩa Phú (xã Cẩm Vũ), quê hương của Đại Danh y Tuệ Tĩnh. Đền được xây dựng để thờ Đại Danh y Tuệ Tĩnh và tấm Bia đá thời Lê, là di vật kỷ niệm của ông nên có tên là đền Bia. Tấm Bia đá hiện đang lưu giữ tại Hậu cung của đền Bia tương truyền được tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đặt khắc theo nguyên mẫu tấm bia đặt trên mộ ông bên Giang Nam (Trung Quốc). Đền Bia không phải là nơi thờ chính Tuệ Tĩnh nhưng lại được nhân dân địa phương đến thăm viếng nhiều nhất, vì nơi đây đã trở thành trung tâm thuốc nam uy tín. Vào dịp lễ hội (1 tháng 4 âm lịch) khách trẩy hội rất đông, nhiều du khách tới đây cắt thuốc nam như một cách cầu may về sức khỏe. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

Hải Dương 1419 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Văn Miếu Mao Điền

Văn miếu Mao Điền thuộc làng Mao (còn gọi là làng Mậu Tài), xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, nằm ngay trên Quốc lộ số 5 mới, cách thủ đô Hà Nội 40km về phía Đông và thành phố Hải Dương về phía Tây chừng 16km. Chữ Văn có hàm nghĩa rất rộng bao gồm toàn bộ lĩnh vực khoa học xã hội; Miếu là nơi thờ tự; Mao có nghĩa là cỏ, cỏ thơm, cỏ thi; Điền nghĩa là ruộng. Xưa kia nơi đây là khu ruộng rất rộng nhiều cỏ thơm, cỏ thi người ta đã chọn nơi này để làm trường thi Hương của trấn Hải Dương, đến thời Tây Sơn, Văn miếu được di chuyển từ Vĩnh Lại về sáp nhập với trường thi Hương và lấy tên địa phương đặt tên cho di tích gọi là Văn miếu Mao Điền. Văn miếu là một kiến trúc của các nước phương Đông chịu ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo. Đây là kiến trúc được dựng nên để thực hiện hai chức năng tôn giáo và văn hóa. Về chức năng tôn giáo, Văn miếu là nơi thờ các vị thánh hiền của Đạo Nho; về chức năng văn hóa, Văn miếu được sử dụng như một ngôi trường, để dạy học cho hoàng tử, hoàng thân và con cái các quan đại phu... Ngoài ra, Văn miếu còn là nơi bảo tồn những tấm bia đá, ghi danh các vị đỗ đại khoa (Tiến sĩ trở lên) của quốc gia hoặc địa phương. Khởi nguồn của Văn miếu Mao Điền là Văn miếu trấn Hải Dương được lập trong khoảng từ những năm 1740 đến 1800 dưới thời nhà Lê và Tây Sơn trên đất Vân Dậu (Vĩnh Tuy, Vĩnh Lại, Bình Giang, Hải Dương). Khi đó, Văn miếu trấn Hải Dương là một trong những Văn miếu địa phương được xây dựng sớm ở miền Bắc. Văn miếu trấn Hải Dương được di chuyển về chỗ hiện nay và xây dựng các công trình bổ sung, hoàn thành vào ngày 26 tháng 7 năm Tân Dậu (1801). Vị trí đặt Văn miếu ở trên nền trường học của phủ Thượng Hồng xưa, nằm ở phía Bắc lỵ sở của trấn thành Hải Dương, ở khu vực Mao Điền. Đầu thế kỷ XIX, Văn miếu trấn Hải Dương được trùng tu, sửa chữa lớn dưới thời vua Gia Long, tiến hành từ ngày mồng 6 tháng 10 năm Bính Dần (1806) đến ngày mồng 5 tháng 8 năm Đinh Mão (1807) hoàn thành. Và 16 năm sau đó, Văn miếu lại tiếp tục được trùng tu lớn năm Minh Mạng thứ 4 (1823). Bài trí thờ tự tại di tích trước đây được sắp xếp theo mô hình của Văn miếu Quốc Tử giám Hà Nội. Ngoài Bái đường có 1 ban thờ công đồng để nho sinh xa, gần đến lễ bái. Trong Hậu cung có 3 ban thờ, chính giữa thờ Khổng Tử; bên tả thờ Nhan Hồi, Tử Tư; bên hữu thờ Mạnh Tử và Tăng Tử - là bốn học trò thân tín nhất của Khổng Tử. Năm 2002, bài trí thờ tự trong di tích đã có sự thay đổi, ngoài việc thờ Khổng Tử, còn phối thờ 8 vị Đại khoa người Việt, trong đó, đúc tượng đồng 5 danh nhân là Đức Khổng Tử, Tư nghiệp Quốc Tử giám Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các tượng được đặt trong khám gỗ sơn son, thếp vàng lộng lẫy. Đồng thời, lập bài vị 4 danh nhân là Đại danh y, Thái học sinh Tuệ Tĩnh, Thần toán Việt Nam Vũ Hữu, Nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mệnh, Nghi Ái quan Nguyễn Thị Duệ. Đến thời Nguyễn, Văn miếu trấn Hải Dương được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Năm 1947, các hạng mục công tình của Văn miếu Mao Điền còn khá hoàn chỉnh, hàng năm 2 kỳ Xuân - Thu, quan Tổng đốc từ thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương) về Tế lễ hết sức trang nghiêm. Năm 1994, 1999, 2002, Văn miếu liên tục được đầu tư trùng tu, sửa chữa. toàn bộ khu di tích, trả lại quy mô, dáng vẻ như vốn có của di tích, tương xứng với những giá trị lịch sử và văn hóa mà nó mang trong mình, dấu ấn về một mảnh đất xứ Đông văn hiến. Văn miếu Mao Điền sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo và mở rộng với tổng diện tích lên tới gần 1 hétta. Với những giá trị đặc biệt trên, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng Văn Miếu Mao Điền là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ngày 25/12/2017. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Hải Dương 1302 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Khu di tích An Phụ- Kính Chủ-Nhẫm Dương

Quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương từ lâu đã được biết đến với những giá trị hiếm có về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là di tích quốc gia đặc biệt. Đền Cao, nằm trên đỉnh cao nhất của dãy An Phụ, là điểm nhấn trong quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương. Đền Cao An Phụ thuộc xã An Sinh, được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIII), thờ An Sinh Vương Trần Liễu - thân phụ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trong khuôn viên đền Cao An Phụ còn có chùa Tường Vân thờ Phật và Phật hoàng Trần Nhân Tông - người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thấp hơn đền An Phụ chừng 50m và cách khoảng 300m ra phía trước là tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn bằng đá cao gần 13m đứng tay tì đốc gươm, tay cầm cuốn thư, mắt hướng ra nơi biên ải phía Đông Bắc của Tổ quốc. Công trình được UBND tỉnh Hải Dương xây dựng từ 1993 do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt phiến đá đầu tiên. Khu vực tượng đài còn có bức phù điêu bằng đất nung dài 45m, cao 2,5m, gồm 265 viên ghép lại, mô tả cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của quân và dân Đại Việt do những nghệ nhân gốm sứ ở làng Cậy, huyện Bình Giang (Hải Dương) tham gia chế tác. Động Kính Chủ, từ xưa đã được xếp vào một trong sáu động đẹp của trời Nam. Động Kính Chủ nằm ở dãy núi đá vôi Dương Nham (xã Phạm Mệnh) sừng sững những ngọn đá hình mũi mác. Động nằm ở sườn nam núi, qua 36 bậc đá mở ra hoăm hoẳm với 3 cửa hang lớn. Không gian động phơi bày những thạch nhũ được thiên tạo sắp đặt kỳ thú. Với cảnh thiên nhiên như cõi cực lạc, động được người xưa tạo thành chùa thờ Phật. Ở bên trái động có bốn chữ lớn “Vân Thạch thư thất” (Nhà sách Vân Thạch) là nơi đọc sách của Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh, một vị quan nổi danh thời Trần. Ở Kính Chủ còn có nhiều hang động độc đáo như hang Vang, hang Luồn, hang Tiên Sư... với những câu chuyện huyền sử bất tận. Kính Chủ còn hấp dẫn bởi hơn 40 văn bia Ma Nhai độc nhất vô nhị được tạc vào vách đá. Đáng chú ý là tấm bia hình chữ nhật nằm ngang trên nóc động khắc thơ của vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497), chủ súy hội Tao Đàn khi ông đến thăm nơi này. Nhẫm Dương (xã Duy Tân) là nơi thắng tích núi non kỳ vĩ với hàng chục hang động: động Thánh Hóa, động Tĩnh Niệm, hang Chiêng, hang Trống, hang Tối... Các hang động này lưu giữ những hiện vật của thời tiền sử thu hút sự chú ý của giới khảo cổ học. Tại động Thánh Hóa sau chùa, năm 2000 người ta đã tìm thấy nhiều xương voi, tê giác, khỉ, lợn rừng, đặc biệt là xương vượn người... hóa thạch, tổng cộng 17 loài động vật thuộc kỷ Đệ tứ, cách chúng ta 3-5 vạn năm. Ngoài ra còn phát hiện nhiều xương người dính vào thành động đã bị thạch nhũ bám kín thuộc về thời kỳ tiền sử cách chúng ta hàng vạn năm. Nơi đây còn có ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Trần (1225 - 1400), là chốn tổ thiền phái Tào Động, từng góp phần chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Chùa còn bảo lưu được 2 tháp đá thời Lê chứa xá lỵ đệ nhất tổ thiền sư Thủy Nguyệt và đệ nhị tổ Tông Diễn. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

Hải Dương 1249 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Côn Sơn-Kiếp Bạc

Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc địa bàn thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Nơi đây gồm quần thể các di tích lịch sử liên quan đến những chiến công lẫy lừng trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV. Đây là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo cùng với nhiều danh nhân văn hoá của dân tộc: Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang… Điểm nhấn của khu di tích này là chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc. Chùa Côn Sơn thuộc phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, là một trong những trung tâm Phật giáo của dòng thiền phái Trúc Lâm Đại Việt được Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập ở thế kỷ XIII. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ công, gồm Tiền đường, Thiêu lương, Thượng điện là nơi thờ Phật, trong đó có những tượng Phật từ thời Lê cao tới 3 mét. Đường vào Tam quan lát gạch, chạy dài dưới hàng thông trăm năm phong trần xen lẫn những tán vải thiều xum xuê xanh thẫm. Tam quan được tôn tạo năm 1995, kiểu cổ, có 2 tầng 8 mái với các hoạ tiết hoa lá, mây tản cách điệu của nền nghệ thuật kiến trúc thời Lê. Đền thờ Nguyễn Trãi, khởi công xây dựng ngày 14-12-2000, trên khuôn viên đất rộng gần 10.000 mét vuông, tại chân núi Ngũ Nhạc, nằm trong khu vực Thanh Hư Động và gần nơi ngày xưa từng có đền thờ bà Trần Thị Thái, thân mẫu của Nguyễn Trãi. Phía bên phải là dòng suối Côn Sơn chảy từ Bắc xuống Nam, uốn lượn từ phải qua trái, ôm lấy khu Đền. Ngôi đền chính tựa lưng vào Tổ Sơn, hai bên tì vào hai dãy núi Ngũ Nhạc và Kỳ Lân là tả Thanh long và hữu Bạch hổ. Phía trước có hồ nước rộng, tiếp theo là núi Trúc Thôn đối diện với núi Phượng Hoàng. Xa xa là dãy núi An Lạc. Đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, là nơi thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Kiếp Bạc là tên ghép của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Đây là di tích quan trọng thuộc khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Khu vực đền Kiếp Bạc là một thung lũng trù phú ba phía có dãy núi Rồng bao bọc, một phía là Lục Đầu Giang. Núi tạo thành thế rồng chầu, hổ phục, sông tạo thành minh đường rộng rãi. Phía trước đền có cổng lớn có ba cửa ra vào nguy nga, đồ sộ. Trên trán cổng mặt ngoài có bốn chữ "Hưng thiên vô cực", dưới có 5 chữ "Trần Hưng Đạo Vương từ". Vào thế kỷ XIII, đây là nơi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn lập căn cứ, tích trữ lương thực, huấn luyện quân sĩ trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Sang thế kỷ XIV, đền thờ ông được xây dựng tại nơi đây và là nơi tổ chức các lễ hội hàng năm để dâng hương tưởng niệm vị anh hùng của dân tộc Việt, người có công lớn với đất nước và được dân gian tôn sùng là Đức Thánh Trần. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

Hải Dương 1246 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Chùa Hoa Dương

Chùa Hoa Dương ở xã Tuân Lộ, tổng Tuân Lộ, huyện Bạch Hạc, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây. Nay là thôn Thượng, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường. Chùa được xây dựng vào năm Chính Hoà thứ nhất (Canh Thân 1680), đời vua Lê Hy Tông Duy Hiệp. Chùa Hoa Dương được xây dựng thời Hậu Lê, năm 1680, còn lại cho đến ngày nay là một di tích có kiến trúc khá đồ sộ, nguy nga, mặt bằng hình chữ “công” gồm 3 toà chính: Tiền đường (7 gian), thượng điện (4 gian) và nhà tổ (5 gian), tổng diện tích 262m2 cùng 2 nhà hành lang gồm 20 gian với diện tích 196m2, phía trước sân còn cây Bồ Đề cổ thụ trăm năm tuổi và các loài cây: Đại, Ngâu, Lan, Sấu tạo nên không khí thâm nghiêm, u tịch nơi cửa thiền. Về kiến trúc: Kết cấu bộ vì theo kiểu thức “chồng rường giá chiêng”, hệ thống cột chịu lực đều bằng gỗ lim to, chu vi cột 1,5m và đều được kê trên chân đá tảng vuông, to mỗi chiều 75cm để chống mối và chống ẩm. Về mỹ thuật: Giá trị nổi bật của chùa Hoa Dương là nghệ thuật điêu khắc, được biểu hiện ở hệ thống tượng tròn và các tác phẩm điêu khắc gỗ (y môn, tranh kệ, hoành phi, câu đối). Đó là các lớp tượng cơ bản, đại diện chung cho hệ thống tượng được bài trí trong một ngôi chùa thờ phật theo phái Đại thừa ở miền Bắc Việt Nam, gồm các lớp: Bộ tượng Tam thế phật, Di Đà tam tôn phật, Thích ca cửu long, tứ Bồ tát, tứ Thiên vương, tượng Đức ông, Thánh hiền, Hộ pháp phật và tượng phật Tổ. Tất cả các pho tượng phật đều được tạo từ gỗ mít già, nguyên lõi, kỹ thuật công phu, tỉ mỉ, nghệ thuật sáng tạo, điêu luyện, thể hiện khả năng tư duy thẩm mỹ nghệ thuật cao và hoà nhuyễn trong nhận thức giá trị tuyệt đối “không” của phật pháp. Giá trị chân, thiện, mỹ của đạo phật bắt nguồn từ những chân lý giản đơn của cuộc sống thường nhật qua hàng nghìn năm tu luyện, bồi dưỡng, lưu truyền đã trở thành một bộ phận cơ bản của tâm hồn Việt Nam, tâm hồn nghệ sỹ khi thổi hồn cho các pho tượng hoặc từ gỗ, đá, hay đất mà trở nên lung linh, huyền ảo nhưng rất thực trước mỗi người khi bước chân vào chùa chiêm bái phật. Các tác phẩm điêu khắc gỗ có: 8 bức y môn (biển hoành) đều chung kích thước (dài 3,0m rộng 0,6m) được chạm nổi, sơn son thếp vàng các đề tài thiên nhiên: Hoa lá, vân mây, cổ thụ, chim muông vô cùng gần gũi, tự nhiên và sống động, chính giữa đục các “đại tự” mang ý nghĩa tụng ca, răn dạy, đan xen giữa phật pháp và triết lý Nho học. 8 bức “tranh Kệ” khắc các bài kệ bằng chữ Hán với nội dung về phong cảnh thiên nhiên và những đề tài liên quan đến việc hoằng dương phật pháp, là những thi ca tuyệt hảo lồng trong tác phẩm điêu khắc tài ba, trên nền của kỹ thuật chạm khắc, trang trí phóng khoáng, bố cục hài hoà, sơn thếp đẹp, xứng đáng là di sản cho muôn đời hậu thế chiêm ngưỡng và ngẫm suy. 8 bộ hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng, câu chữ chuẩn chỉnh, ngay ngắn, ý tứ sâu xa, ngữ nghĩa bao trùm, chân tâm, chân thiện. Cùng với các di vật cổ: Chuông đồng, cây hương, bia đá,.đồng thời là những tư liệu văn tự cổ trên đá lưu mãi để muôn đời hậu thế, thập phương du khách, tăng ni phật tử tìm cơ hội đến chiêm bái nơi cảnh thiền ẩn lặng dấu quê. Chùa Hoa Dương có lịch sử trên 300 năm tuổi. Chùa được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 12/12/1994. Nguồn: Cổng thông tin giao tiếp điện tử Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc 1748 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Cói

Chùa Cói, xưa thuộc làng Cói xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, nay thuộc phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên. Di tích chùa Cói là một tổ hợp đầy đủ của một Phật đường bao gồm: Tam quan, chùa và tháp. Tam quan chùa Cói với kiến trúc gồm 3 gian nhỏ, gọn, có hệ thống chịu lực chính là 10 cột đá xanh nguyên khối được đẽo gọt công phu, đường kính 0,25m, cao 2,0m, có 3 hàng chân cột, trong đó 2 cột cái gian chính giữa sử dụng cột gỗ lim kéo dài vượt lên làm cột chung cho 2 vì nóc theo lối kiến trúc kiểu chồng rường, thay cho hàng con rường dưới ngoài cùng là đầu bẩy gỗ đua ra đỡ lấy tàu mái, 4 góc mái là các đầu đao cong vút, uyển chuyển ẩn hiện trong vòm lá xanh hữu cảnh đa tình. Trên 2 cột đá gian chính giữa được vát phẳng một mặt, lần lượt có ghi lạc khoản, tuy qua năm tháng đã phai mờ nhưng quan sát kỹ còn nhận đọc được “Canh Tý, mạnh xuân, cát nhật”. Theo tư liệu của Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam thì tam quan chùa Cói được xây dựng cùng với chùa Cói vào thế kỷ XIII. Chùa Cói nguyên gốc không còn, nay chỉ còn 12 pho tượng cổ được lưu giữ tại ngôi chùa được xây dựng lại vào năm cuối thế kỷ XX, gồm: 3 pho tam thế Phật, bộ Di đà Tam Tôn ( A Di đà, Quan thế âm và Đại thế chí Bồ tát), tượng A Nan Đà Tôn Giả và Phật Tổ Thích Ca thuyết pháp, tất cả đều bằng gỗ, sơn son thếp vàng, phong cách điêu khắc tượng tròn cuối thế kỷ XVIII. Tháp: Một loại hình kiến trúc Phật Giáo, một trong những đặc trưng của đạo phật, tháp có thể là nơi chứa đựng Xá Lị, tranh, tượng hoặc có ý nghĩa tượng trưng, ví như: 4 bậc thang lên tháp thể hiện khái niệm là từ – bi – hỉ – xả hay 10 bậc là tượng cho thập địa,…Các tầng tháp thể hiện các phương tiện hoằng hoá phật pháp. Nếu là tháp mộ thì tượng cho mộ tăng hay ni, hoa sen 5 cánh tượng trưng cho “Ngũ Phật”. Tháp Cói có 7 tầng, cao 7,70m, thu dần từ đế lên đỉnh, cứ mỗi tầng thu rút 20cm cả mỗi cạnh vuông và chiều cao (1 cạnh vuông chân đế dài 1,70m) – gạch xây tháp là gạch Bát Tràng, loại gạch bìa vuông, dày 3cm, các viên gạch ở 4 góc tháp đều được tạo vát lên làm cho cây Tháp có dáng cong thanh thoát nhẹ nhàng, vữa kết dính được chế từ vôi vỏ sò trộn mật mía – thân tháp được trát kín một lớp vữa bảo vệ. Tương truyền. tháp Cói được xây dựng khoảng giữa thế kỷ XVIII, có liên quan tới sự kiện về cuộc khởi nghĩa của Quận Hẻo (Nguyễn Danh Phương, 1740 – 1751) rằng: Chỉ qua một đêm, Nguyễn Danh Phương cho quân xây xong cây tháp và cả quán Tiên, nhằm gây thanh thế và thu phục nhân tâm chống lại triều đình Lê Trịnh, qua hàng trăm năm, một màu rêu phong cổ kính bao trùm toàn bộ cây tháp càng tăng thêm sự gợi mở mong muốn tìm hiểu về một loại hình kiến trúc phật giáo ở Vĩnh Phúc. Như vậy, chùa Cói được xây dựng từ thế kỷ XIII, đến thế kỷ XVIII sau khi dựng 2 cây tháp (nay chỉ còn một, do chiến tranh huỷ hoại) trở thành một tổng thể kiến trúc có giá trị nghệ thuật được Viễn Đông Bác Cổ xếp hạng là di sản văn hoá có giá trị ở Việt Nam (năm 1939). Nằm trong một quần thể các di tích: Đình Đông Đạo, Quán Tiên, đình Tiên, chùa Hạ, cầu đá…và ở vị trí trung tâm của thị xã Vĩnh Yên, chùa tháp Cói sẽ là điểm đến tham quan, nghiên cứu của đông đảo du khách gần, xa trong và ngoài tỉnh. Nguồn: Trung tâm thông tin và xúc tiến du lịch Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc 1447 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Đình làng Hương Canh

Hương Canh vốn là tên một xã của huyện An Lãng, trấn Sơn Tây đời Hậu Lê, rồi được lấy làm tên tổng thời Nguyễn và tên của thị trấn ngày nay - thị trấn Hương Canh (thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Theo dân gian, Hương Canh còn được gọi là Tam Canh bởi đây là tên chung của ba làng Canh gồm: Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh. Địa danh Hương Canh còn có tên nôm cổ là Kẻ Cánh. Tên gọi này bắt nguồn từ giống lúa của địa phương, thứ lúa có hai tia nhọn ở hai bên hạt thóc. Người ta gọi hai tia nhọn ấy là CÁNH và hạt thóc có tên là GIÉ CÁNH được lấy chữ CÁNH làm danh xưng của làng. Ban đầu ở đây mới có một làng Hương Canh, dần dần dân số phát triển mới tách thêm làng lấy tên là Ngọc Canh - nơi có thứ lúa Gié Cánh, hạt gạo đẹp như ngọc. Sau cùng, khi cả hai làng Hương Canh (lúa Cánh thơm), Ngọc Canh (lúa Cánh đẹp) cư dân đông đúc, mới mở rộng sang phía Tây và Tây Bắc thêm một làng nữa và lấy tên là Tiên Canh với nghĩa “lúa Cánh sớm”. Ba ngôi đình của ba làng Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh đều được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia và hiện đang trong quá trình lập hồ sơ đề nghị xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt. Các đình tọa lạc tại vị trí cách nhau từ 50m đến 100m, tạo thành quần thể di tích hoành tráng, kề sát quốc lộ 2A, thuận lợi cho tham quan, du lịch và hành hương. Về các nhân thần được thờ, theo truyền tụng của nhân dân địa phương, sau khi đánh bại quân Nam Hán xâm lược, Ngô Quyền lên làm vua, đóng đô ở Cổ Loa (nay thuộc Hà Nội). Đất nước đã độc lập, hòa bình nhưng Ngô Quyền vẫn không quên đề cao cảnh giác, luyện tập binh mã để phòng giặc. Bấy giờ săn bắn cũng là một hình thức tập trận, nên có lần Ngô Quyền đã cử hai con là Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn cùng vị tướng thân cận Đỗ Cảnh Thạc mang quân đi tập trận dưới hình thức đi săn. Họ đã hành quân qua Hương Canh, đóng doanh trại tại một gò đất giữa đồng, nhân dân gọi là Gò Ngự. Để ghi lại dấu thiêng và tri ân các vị anh hùng nhà Ngô, nhân dân Hương Canh đã lập ở Gò Ngự một ngôi miếu để thờ các vị, theo quan niệm “sinh vi tướng, tử vi thần” (sống là tướng giỏi - chết là thần thiêng). Đến thời Hậu Lê, nhân dân ba làng Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh lại xây dựng mỗi làng một ngôi đình, rước thần hiệu về thờ ở đình và hàng năm đều mở hội, tế lễ như hiện nay. 1.Đình Hương Canh Được hình thành sớm nhất nên làng Hương Canh xây dựng đình trước hai làng còn lại. Tuy không to hơn đình Ngọc Canh và đình Tiên Canh, nhưng đình Hương Canh được gia công, thể hiện nhiều hơn về trang trí, chạm trổ. Đình tọa lạc ở phía Nam thị trấn Hương Canh, mặt tiền hướng Tây Nam, nhìn ra hồ Điếm Lang, đấu trường kéo song và sông Cầu Treo. Trải qua thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, gần 300 năm nay đình Hương Canh vẫn đứng đó như thách thức với nắng mưa, chống chọi với thiên nhiên về bộ mái đồ sộ, duyên dáng của mình. Mái đình lợp bằng ngói mũi hài, được xếp đặt một cách thứ tự theo kiểu đóng ốc vảy rồng, rất chặt chẽ, phẳng đẹp. Bờ nóc đình được đắp thẳng ke, các đầu đao cong vút. Toàn bộ mái đình trông như một cánh diều khổng lồ đang động đậy, sắp sửa bay lên không trung. 2.Đình Ngọc Canh được kiến tạo vào thời Hậu Lê, trùng tu vào đầu triều Nguyễn. Trên câu đầu thứ nhất ở đình Ngọc Canh có 2 vế chữ chạm nổi: “Gia Long thập nhị niên, tuế tại Quý Dậu, thập nguyệt, nhị thập lục nhật y cựu thượng lương, trùng tu thổ mộc Giáp Tuất niên, ngũ nguyệt, thập ngũ nhật hoàn thành, hòa ninh đại cát”. (Nghĩa là: Năm Gia Long thứ 12 là năm Quý Dậu, ngày 26 tháng 10, dựng cây nóc như cũ. Chữa lại mộc, ngõa năm Giáp Tuất. Ngày 15 tháng 5 hoàn thành, mong hòa thuận tốt lành). Tính theo dương lịch, Quý Dậu là năm 1813 và Giáp Tuất là năm 1814, việc trùng tu kéo dài 7 tháng. Câu đầu thứ hai khắc là: “Minh mệnh nguyên niên, tuế tại Canh Thìn, lục nguyệt, thập nhất nhật, khởi công trang sức kim chu, chí thập nguyệt, thập nhật, hoàn thành đại cát đại vượng” (Nghĩa là: Năm Minh Mệnh thứ nhất là năm Canh Thìn, ngày 11 tháng 6 khởi công, sơn vẽ vàng son, đến ngày 10 tháng 10 hoàn thành, mong tốt lành lợi vượng). Tính theo dương lịch, Canh Thìn là năm 1820, niên hiệu Minh Mệnh thứ nhất. Việc trang trí kéo dài 4 tháng. 3.Đình Tiên Canh được xây dựng sau cùng, song đình Tiên Canh có quy mô lớn hơn hai đình Ngọc Canh và Hương Canh. Về niên đại xây dựng, khi dỡ thượng lương nhà hậu xuống để phục chế, nét chữ khắc còn rõ rành rành “Cảnh Hưng tam thập thất niên, tuế thứ Bính Thân, thập nhị nguyệt, nhị thập nhị nhật, hoàng đạo thời, thụ trụ thượng lương đại cát lợi vượng thịnh” (Nghĩa là: Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 37, năm Bính Thân, tháng 12, ngày 22, giờ hoàng đạo, dựng cây nóc rất tốt lành, lợi vượng nhiều). Chiếu theo dương lịch, Bính Thân là năm 1776. Như vậy nhà hậu của đình được kiến tạo cách ngày nay (2022) đã 300 năm. Câu đầu hữu biên cũ của đại bái khắc “Kỷ Mùi niên, thập nguyệt Ất Hợi, nhị thập nhật Đinh Mùi, Ất Tỵ thời, thụ trụ thượng lượng đại bái” (Nghĩa là: Năm Kỷ Mùi, tháng 10 Ất Hợi, ngày 20 Đinh Mùi, 10 giờ sáng Ất Tỵ, dựng cây nóc nhà đại bái). Như vậy, tòa đại bái đình Tiên Canh được xây cất vào niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8, triều Tây Sơn Nguyễn Quang Toản - 1799, cách ngày nay (2022) đã 223 năm, làm sau nhà hậu 23 năm. Đây là 3 ngôi đình cổ tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc đình làng Bắc Bộ được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Di tích kiến trúc nghệ thuật cụm đình Hương Canh được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn: Báo Vĩnh Phúc tổng hợp

Vĩnh Phúc 1669 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Chùa Báo Ân

Chùa Báo Ân, tên chữ đầy đủ trong thư tịch cổ là Báo Ân Thiền Tự hay Tự Già Báo Ân, tên dân gian thường gọi là chùa Cấm, trước thuộc xã Tháp Miếu, tổng Bạch Trữ, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên, nay thuộc phường Trưng Nhị, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Chùa được xây dựng vào thế kỷ XII thời vua Lý Cao Tông (1176-1210). Đây là một trong số ít ngôi chùa có niên đại khởi dựng từ thời Lý đến ngày nay. Chùa làm trên một quả đồi cao, cây cối xum xuê, bốn bề lộng gió, phong cảnh đẹp, tĩnh tại, đậm chất u tịch chốn thiền tôn. Xưa khu vực này gọi là núi Tiêu Dao, tục gọi là rừng Cấm có lẽ do vậy mà chùa nổi tiếng với tên gọi chùa Cấm. Theo văn bia, ngọc phả thì chùa đã có từ lâu, đến thế kỷ XII, thái tử con vua Lý Cao Tông đã cúng hơn trăm mẫu ruộng, hai nghìn quan tiền để tu bổ chùa, còn công đức 700 quan tiền để làm tiệc cúng dàng. Giao cho võ tướng họ Nguyễn trực tiếp chỉ đạo, vận động quyên góp công đức tu sửa chùa. Kết quả là chùa được trùng tu xong với “bảy gian san sát vừa xây, cột sơn hoa thắm, màu ngọc tươi chiếu rọi, cung cao điện báu, ánh nhật nguyệt chói ngời sáng láng, tượng phật huy hoàng, tòa sen đĩnh đạc, chuông to gác phượng, khánh quý khám rồng, vẻ lộng lẫy uy nghi rõ rệt…”. Võ tướng họ Nguyễn còn công đức một nghìn quan tiền để mua hơn một trăm mẫu ruộng cúng cho chùa làm ruộng oản. Đến thế kỷ XIV đời vua Trần Anh Tông, chùa Báo Ân lại được công chúa Hưng Nương cấp nhiều tiền của tu bổ, tôn tạo. Để ghi nhớ công đức của ngài, như nhiều ngôi chùa khác trong vùng, nhân dân đã lập điện thờ Hưng Nương công chúa ở trong chùa. Trải qua những biến cố thăng trầm của thời gian cả nghìn năm lịch sử, đến nay chùa Báo Ân vẫn còn tại khuôn viên cũ nhưng đã có nhiều thay đổi. Các tòa kiến trúc cổ như: tiền đường, thiêu hương, thượng điện, nhà tổ, điện thờ công chúa Hưng Nương và điện thờ mẫu do xuống cấp nên đã dỡ bỏ. Hiện nay chùa đã được tôn tạo, xây dựng lại với quy mô lớn, kiến trúc bằng bê tông cốt thép, mái lợp ngói mũi. Trong chùa còn lưu giữ được những di vật, cổ vật có giá trị như: tượng pháp, khám thờ, chuông đồng, bia đá. Trong đó, tiêu biểu nhất là bia đá “Báo Ân thiền tự bi ký” (bài ký bia chùa Báo Ân). Cho đến nay, theo các số liệu rà soát, khảo sát, thống kê, đây là văn bia triều Lý duy nhất còn lại trên địa bàn tỉnh. Văn bia được khắc vào tháng Chạp năm Trị Bình Long Ứng (1209) và được khắc lại về sau, có lẽ là vào cuối thế kỷ XVIII, đặt tại chùa Báo Ân. Bia được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến và công bố trong Thơ văn Lý Trần (Nxb KHXH, H.1977) và Văn bia thời Lý (Nxb ĐHQGHN, H.2010). Đây là tấm bia mang niên đại cổ nhất Vĩnh Phúc và là một trong 18 tấm bia thời Lý còn lại đến nay ở nước ta. Bia cao 1,4m, rộng 0,85m, dày 0,14m, đặt trên lưng rùa đá mai trơn, đầu nhô lên, chân bốn móng choãi ra bốn phía. Bia khắc cả hai mặt với 50 dòng gồm 1498 chữ Hán - Nôm, nét chữ sắc sảo theo lối chữ trân thời Lý, rất đẹp. Nội dung bài ký do Ngụy Tư Hiền soạn với lối văn biền ngẫu, đăng đối, súc tích, Cuối bài ký là một bài minh viết theo lối kệ nhà phật. Nội dung văn bia miêu tả cảnh chùa Báo Ân ở thế kỷ XII hết sức lộng lẫy, huy hoàng, ghi lại công đức tu sửa chùa của thái tử Sâm con vua Lý Cao Tông và võ tướng họ Nguyễn cùng phật tử, nhân dân nơi đây. Theo Nguyễn Hữu Mùi (Nghiên cứu Văn bia Vĩnh Phúc, 2013), mặc dù văn bia còn đậm sự khoa trương, nhưng đã hiện lên rõ ràng hình ảnh của một ngôi chùa thời Lý: chùa chỉ do một người bỏ công đức trùng tu, quy mô chùa bề thế, trong chùa có tượng phật, đài sen, ngoài chùa có chuông, có khánh; chùa sở hữu nhiều ruộng đất và có Hội Thiền Thích Giáo (một dạng hội phật tử, ban hộ tự) để quản lý chốn thiền môn. Căn cứ vào văn bia này có thể thấy, việc xây dựng, trùng tu chùa chiền diễn ra trên đất Vĩnh Phúc đã có từ thời Lý. Việc xây dựng, trùng tu chùa chiền được triều đình khuyến khích chứ không cấm cản và giao cho tầng lớp quan lại, quý tộc đứng ra chủ trì, tổ chức. Việc xây dựng, trùng tu chùa chiền còn được xem như một sự kiện trọng đại trong đời sống tinh thần của nhân dân, thu hút cả vùng, thậm chí cả nước cùng tham gia công đức. Điều đó chứng tỏ trong sự phát triển cực thịnh của Phật giáo thời Lý, địa bàn Vĩnh Phúc cũng là một trung tâm thịnh hành của tôn giáo này. Điều đặc biệt là trong số gần 1500 chữ trên bia, có xen lẫn những chữ Nôm, những chữ Nôm này để ghi tên người và tên đất. Có nhận định cho rằng, đây là một trong những chứng tích chữ Nôm xưa nhất được tìm thấy ở Việt Nam. Trước văn bia này, dấu vết một vài chữ Nôm chỉ mới được tìm thấy ở hai nơi: trên quả chuông chùa Vân Bản, Hải Phòng (năm 1076), trong bài bi ký ở chùa xã Hương Nộn, huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ (năm 1173). Chùa Báo Ân được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 1995. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc có dự kiến xây dựng hồ sơ khoa học để đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia đối với bia chùa Báo Ân và nâng cấp xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với di tích chùa Báo Ân, đây là những hoạt động nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nguồn: Chùa Báo Ân Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc 2096 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Đình Thổ Tang

Đình Thổ Tang thuộc thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Đình được tạo dựng từ thế kỷ XVII, trải qua thời gian, đến nay còn bảo lưu được tương đối nguyên vẹn kiểu thức kiến trúc thời Hậu Lê. Đình thờ danh tướng Lân Hổ, có công đánh giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII. Tương truyền, theo lệnh Vua Trần, Lân Hổ đã dẫn quân lên vùng Gia Ninh (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) lập phòng tuyến, bày binh bố trận, chỉ huy quân sĩ chiến đấu anh dũng, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ kinh đô Thăng Long. Hiện nay suốt một dải từ Dục Mỹ- Sơn Vi (Phú Thọ) đến Vĩnh Tường - Yên Lạc (Vĩnh Phúc) có hệ thống di tích thờ Lân Hổ. ở xã Thổ Tang có Miếu Trúc, đình Thổ Tang, đình Phương Viên, trong đó đình Thổ Tang là trung tâm để tổ chức lễ hội cùng những trò diễn, hèm tục tưởng niệm về vị tướng tài Lân Hổ và cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước của dân tộc ta thời Trần. Đình Thổ Tang được xây dựng với quy mô đồ sộ, gồm hai toà kiến trúc bố cục theo hình chữ "đinh". Đại đình 5 gian 2 dĩ 6 hàng chân, hậu cung 2 gian. Toàn đình đếm được 60 cột, làm bằng gỗ tốt đại khoa. Cột cái có đường kính 0,80m, cột con đường kính 0,61m. Nền đình dài 25,80m, rộng 14,20m, bó đá xanh xung quanh. Kết cấu kiến trúc kiểu tứ trụ, chồng rường giá chiêng, gia cố bền chắc. Đình Thổ Tang hiện còn 21 bức chạm khắc gỗ hết sức tinh tế, được thể hiện trên các thành phần kiến trúc: Thân kẻ, thân bẩy, thân rường, nội dung phong phú, khái quát về chu trình: lao động - làm ăn - hưởng thụ của cư dân nông nghiệp, của nhân dân ta thời Lê Trung hưng. Các bức chạm ở đây được sắp xếp thứ tự theo chu trình đó. Bước vào cửa đình thì thấy ngay bức chạm đầu tiên là "ngày hội xuống đồng" (lễ tịch điền) rồi lần lượt đến các bức "bắn thú dữ" để bảo vệ mùa màng, thôn xóm. Cảnh vui chơi giải trí có: "đá cầu", "chơi cờ", "uống rượu", "người múa". Cảnh sinh hoạt gia đình có: "trai gái tình tự", "gia đình hạnh phúc". Phê phán những thói hư tật xấu có: "đánh ghen", "vợ chồng lười". Trang trí thờ phụng gồm các bức: "cửu long tranh châu", "bát tiên quá hải" và nhiều hình rồng, phượng khác. Theo đánh giá của các nhà sử học, Thổ Tang là nơi duy nhất của nước ta thờ ba chữ “Hòa vi quý”. Ba chữ đại tự này đến ngày nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Chữ được sơn son thếp vàng trên nền màu gỗ nâu sậm. Hai bên hoành phi là hai dòng chữ nhỏ ghi thời điểm khắc chữ. Chính vì sự linh thiêng như vậy mà từ khi được xây dựng tới thời điểm hiện tại đình Thổ Tang chưa từng bị kẻ xấu xâm hại. Trải qua 400 năm trải qua mọi biến cố thăng trầm mà ngôi đình vẫn nguyên vẹn từ cột lim đến viên ngói vảy hến. Đình Thổ Tang được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1964. Đình Thổ Tang là một trong những ngôi đình đạt đến đỉnh cao về mỹ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian thời Hậu Lê, là di tích được xếp hạng quốc gia sớm nhất ở Vĩnh Phúc, mấy thập kỷ qua luôn thu hút sự quan tâm nghiên cứu của giới khoa học, sự quan tâm bảo vệ tu bổ của Nhà nước các cấp, chính quyền và nhân dân địa phương. Nguồn: Cổng thông tin điện tử giao tiếp Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc 1360 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Đền Bắc Cung

Đền Bắc Cung (tên gọi nôm là đền Thính) thuộc xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc là một trong bốn cung đền lớn ở quanh vùng núi Ba Vì và châu thổ sông Hồng thờ đức thánh Tản Viên. Các đền: Tây cung, Nam cung, Đông cung ở bên kia sông Hồng thuộc địa phận Sơn Tây, đây là bốn cung đền được nhân dân xây dựng và bảo tồn tương đối cẩn thận. Đền tọa lạc giữa cánh đồng màu mỡ trên khu đất rộng 10.000m2 tựa mình bên những con kênh uốn lượn, bao quanh là làng mạc trù phú, dân cư đông đúc. Hai bên tả mạc, hữu mạc đứng uy nghi và trầm mặc bao lấy khu sân gạch rộng lớn, trông lên một công trình kiến trúc độc đáo. Đền Thính được khởi dựng cách đây 20 thế kỷ trên nền một ngôi miếu nhỏ thờ đức thánh Tản, nơi trước đó ông đã cho quân nghỉ lại trong một lần vi hành giúp dân khai điền trị thủy. Thần phả truyền lại rằng: Đức thánh Tản (tục vẫn gọi là Sơn Tinh) húy là Nguyễn Tuấn, sinh ngày 15 tháng Giêng năm Đinh Hợi tại động Lăng Xương, xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Người mồ côi cha từ nhỏ, ở với mẹ và hai anh em họ là Nhuyễn Hiển, Nguyễn Sùng. Hàng ngày, ba anh em vượt sông Đà, sang vùng núi Ba Vì phát rẫy làm nương, tìm kế sinh nhai. Nơi đây, Nguyễn Tuấn đã gặp bà chúa Thượng ngàn, được bà nhận làm con nuôi và ban cho chiếc gậy đầu tử đầu sinh cùng nhiều phép thuật để cứu nhân độ thế. Sau khi chiến thắng Thủy tinh và cưới được công chúa Ngọc Hoa, Người đã từ chối ngôi báu mà Vua Hùng muốn trao, cùng hai em du ngoạn khắp nơi, giúp dân khai điền, trị thủy và được nhân dân nơi nơi tôn kính. Khi đi ngang qua vùng Tam Hồng, Người đã cho quân nghỉ chân, dạy dân trồng lúa, đánh cá…Sau khi ông đi, dân làng kéo tới nơi Đức Thánh nghỉ chân và thấy ở đó còn sót lại một số gói thính nên sau này, đền có tên gọi là đền Thính. Cũng có sự tích lại kể rằng: khi cho quân nghỉ lại nơi đây, đức Thánh Tản đã dậy dân làm thịt Thính nên dân gian mới gọi tên đền như vậy. Từ một ngôi miếu nhỏ, đến đời vua Lý Thần Tông (1072-1128) miếu được xây lại thành đền lớn. Đây là nơi vua đến cầu thọ. Đời Vua Minh Mạng (1820-1840) đền lại được tu sửa nhiều lần. Đến đời vua Thành Thái, Tri huyện Yên Lạc cử bần tăng Thanh Ất trùng tu lại đền, công trình kéo dài đến đời Khải Định thứ 6 mới xong (1900-1921). Trải qua bao thăng trầm, đền tiếp tục được nhân dân địa phương gìn giữ và bảo tồn. Ngày 21/1/1992 đền được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá. Hàng năm, lễ hội đền Thính được mở từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến hết ngày 20 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội gồm phần lễ tế, rước kiệu của các làng trong và ngoài xã cùng rất nhiều trò chơi dân gian sẽ được tổ chức. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc 2618 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Hà Tiên

Chùa Hà Tiên tọa lạc trên đồi Hà – thuộc thôn Gia Viễn xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.Xưa xã Định Trung thuộc huyện Tam Dương – Thời Hùng Vương thuộc Phong Châu, thời Trần thuộc lộ Tam Bái, thời Nguyễn thuộc phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây; năm 1899, thành lập tỉnh Vĩnh Yên – nay là thôn Gia Viễn, xã Định Trung thuộc thành phố Vĩnh Yên – tỉnh Vĩnh Phúc. Chùa Hà Tiên được xây dựng năm Quý Mùi (1703), niên hiệu Chính Hòa thứ 24, đời vua Lê Hy Tông Duy Hiệp. Từ xưa đến nay, du khách và Phật tử gần xa mỗi khi đến chùa Hà Tiên không chỉ thắp hương khấn Phật mà còn thành tâm làm lễ trước thánh mẫu cầu cho quốc thái dân an và cuộc sống bình yên. Theo sách xưa, chùa nằm ở thế “sơn chỉ, thủy giao”, hai bên có gò đất lớn án ngữ tựa hình thanh long, bạch hổ. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, bà Lăng Thị Tiêu trên đường hội quân với vua Hùng Vương thứ 7 thấy thế đất lạ nên đã dừng chân để chiêu binh. Sau này bà được tôn phong là Quốc Mẫu Tây Thiên, để tưởng nhớ bà, người dân lập bài vị thờ tại chùa, gọi là Đức Thánh Đại Vương. Chùa Hà Tiên là nơi thờ tam bảo đồng thời cũng thờ tự Quốc Mẫu. Chùa Hà Tiên còn có tên khác là “chùa cầu mưa”. Ngày xưa trong vùng thường xuyên hạn hán. Người dân sống dựa vào nông nghiệp rơi vào cảnh đói khát. Vị trụ trì chùa khi ấy là Tịnh Huân đã cho lập đàn cầu mưa. Hơn thế, vị sư đã nguyện tự thiêu để cầu mưa cho dân vào ngày 30-5 âm lịch. Sau khi phát nguyện trước tam bảo và đất trời, ngài đã tọa trong tư thế kiết già rồi tự thiêu để cúng già chi thiên, cầu đảo cho dân. Đến ngày 1-6, sau một ngày tự thiêu, thì trời mưa lớn và kéo dài liên tiếp 3 ngày. Và từ đó, hàng năm cứ đến ngày giỗ của sư tổ, trời thường đổ mưa. Vô cùng ghi nhớ công ơn của bậc chân tu, người dân đã dựng ngôi tháp bảo ba tầng để lưu trữ tro cốt của ngài. Hiện trong vườn mộ tháp của chùa có 8 ngôi tháp. Phần lớn những bảo tháp vẫn còn nguyên với 3 tầng chính. Các tháp cao khoảng 3m, có 4 mặt, dựng bằng gạch nung đỏ kết dính bằng nguyên liệu từ nhựa cây kết hợp đất sét nhão. Dù 8 ngôi tháp đều lưu giữ báu thân của các vị cao tăng, tuy nhiên, ở tháp của ngài Tịnh Huân lại đặc biệt hơn do được bao phủ bởi một cây sanh. Cây sanh lâu năm vẫn xanh tốt, mọc rất nhiều rễ, bao trùm gần trọn 3 mặt của bảo tháp. Trong chùa còn có giếng cổ (giếng Ngọc) có dòng nước lành mát. Ngày xưa, vào mùa hạn, những giếng khác đều cạn, riêng giếng cổ vẫn còn nước, vì thế người dân trong làng phải ra giếng cổ múc nước. Giếng chùa Hà Tiên “trong xanh, mạch thủy nhiệm màu” nên các cụ xưa vẫn ví von: “Dù ai có xấu như ma/ Uống nước chùa Hà lại đẹp như tiên”. Hàng năm, vào những ngày lễ lớn, khách thập phương đến chùa lễ Phật đều xin nước ở giếng Ngọc, mang về thắp hương và uống dần, nhất là những ngày đầu xuân. Người ta tin rằng có nước giếng cổ để sử dụng dịp Tết sẽ mang đến nhiều điều may mắn. Với những giá trị về lịch sử và văn hóa được nêu khái quát trên, chùa Hà Tiên đã được UBND tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) ra quyết định xếp hạng là di tích Lịch Sử Văn Hoá cấp tỉnh, năm 1995. Nguồn: Cổng thông tin điện tử TP Vĩnh Yên tỉnh Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc 1514 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Đền Thờ Trần Nguyên Hãn

Đền thờ Trần Nguyên Hãn, còn gọi là đền Tả Tướng hay đền Thượng là một công trình kiến trúc nghệ thuật được xây dựng vào thời Hậu Lê cách đây trên 200 năm. Di tích này gắn liền với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Trần Nguyên Hãn. Ông vốn xuất thân dòng dõi vương tộc nhà Trần và là một vị tướng tài đức song toàn, có công lớn giúp Lê Lợi đánh tan quân xâm lược nhà Minh, giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đền ở thôn Đa Cai, xã Sơn Đông, Huyện Lập Thạch. Đền thờ Trần Nguyên Hãn Tả Tướng Quốc, phò Lê Lợi diệt giặc Minh giải phóng đất nước thế kỷ XV. Đền được xây dựng trên một thế đất bằng phẳng, rộng cao, tương truyền chính là nơi đặt Phủ đệ cũ của Trần Nguyên Hãn. Đền được cấu trúc theo kiểu chữ “Đinh”, xung quanh có tường bao bọc tạo thành khuôn viên chữ “điền” vuông vắn. Các công trình xây dựng gồm 3 phần: Cổng đền, nhà tiền tế, hậu cung. Từ khi xây dựng đến nay, đền đã được tu sửa nhiều lần và xây dựng thêm, chủ yếu vào đời Nguyễn. Nghệ thuật kiến trúc mang phong cách thời Nguyễn: Đục trơn bào nhẵn, trang trí đơn giản. Liên quan tới di tích tương truyền còn có 2 vật cổ: Thanh Gươm và phiến đá mài gươm. Chuyện kể rằng: Trong thời kỳ giặc Minh thống trị nước ta, Trần Nguyên Hãn mới bước vào tuổi thanh xuân. Vì cha mẹ lên khai hoang lập trại ở địa đầu trang Sơn Đông, nên ngày ngày Trần Nguyên Hãn vẫn đi cày, đi cuốc. Trong một lần đi cày ở nương Gò Rạch, Trần Nguyên Hãn cày lên một thanh sắt dài như gươm. Đêm đêm ông đem gươm ra mài ở một hòn đá lớn bên bờ ao Son, vì vậy hòn đá đó có tên là đá mài gươm, hòn đá có một vết lõm trông tựa như vết chém tương truyền đó là vết chém thử gươm của Trần Nguyên Hãn. Thanh gươm được Trần Nguyên Hãn mang bên người, tình cờ Trần Nguyên Hãn được một ông chủ bè ở cửa sông Phú Hậu tặng một thanh gỗ hình chuôi gươm vớt ở dưới lòng sông, khi cắm lưỡi gươm vào thì vừa khít, thanh gươm từ đó công hiệu. Thanh gươm huyền thoại ấy đã gắn liền với những chiến tích lẫy lừng của vị công thần khai quốc thứ nhất triều Lê. Tương truyền, về sau Tôn Thất Thuyết đã mượn thanh gươm ấy đem đi Cần Vương chống Pháp. Còn phiến đá, sau một thời gian dài bị phù sa sông Lô lấp, ngày 12/1/1998 nhân dân thôn Đa Cai tìm thấy ở độ sâu 2m nghiêng về phía ao sen, chiều dài khoảng 2,49m, chiều rộng khoảng 1,6m, bề dày khoảng 0,4m và nặng khoảng 2 tấn. Phiến đá cổ tích này được chính quyền và nhân dân xã Sơn Đông trục vớt lên, chuyển về đặt trong khuôn viên đền thờ Tả Tướng Quốc để mọi người cùng chiêm ngưỡng dấu tích còn lại của người anh hùng thủa trước. Năm 1984, Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử đền thờ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn là Di tích quốc gia. Hằng năm, vào những dịp kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của ông, nhất là vào dịp đầu Xuân, nhân dân trong vùng và khắp nơi trong cả nước thường về đây dâng hương tưởng nhớ công lao của người Anh hùng dân tộc. Nguồn: Báo điện tử Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc 1628 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Danh thắng Tây Thiên

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên - Tam Đảo (Khu danh thắng Tây Thiên) thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Tây Thiên nằm trong thung lũng lòng chảo của sơn hệ Tam Đảo, có độ cao từ 54m đến 1.100m so với mực nước biển, phạm vi phân bố khoảng 11km2 với cảnh quan đẹp và hùng vĩ. Tam Đảo dùng để chỉ 3 ngọn núi (trong dãy núi) liền nhau đột ngột nổi lên, bồng bềnh trong mây, tựa như 3 hòn đảo trong biển mây phủ, theo địa chí cổ đó là Phù Nghì cao 1.250m; Thiên Thị (Kim Thiên) cao 1.585m; Thạch Bàn cao 1.585m. Khu di tích và danh thắng Tây Thiên nằm trên sườn ngọn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo trong khoảng chiều dài 11km, chiều ngang 1km, là một quần thể di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, bao gồm hệ thống các đình, chùa có giá trị văn hóa và khảo cổ như đền Thượng, đền Thõng, đền Mẫu, đền Cậu, đền Cô... Nơi đây tập trung mật độ lớn dấu vết cũ cũng như các công trình văn hóa, các địa chỉ có giá trị nghiên cứu khảo cổ học nằm ẩn mình dưới những cánh rừng già dọc theo con suối Tây Thiên... Đền Thõng: là kiến trúc khởi đầu cho cả hệ thống di tích Tây Thiên. Đền nằm ở chân núi, trên một nền cao rộng, được dựng theo phong cách cổ truyền. Hệ thống bậu đá chạy dài suốt mặt trước, với ba lối lên, phân cách bởi bốn rồng lớn. Tiếp theo là nghi môn tứ trụ, mới được dựng lại theo kiểu thức truyền thống, với chất liệu bằng đá. Sau nghi môn trụ là sân đền, rất rộng, được lát đá. Ngôi điện chính có kết cấu mặt bằng hình chữ Đinh, gồm tiền bái, với ba gian hai chái lớn, phần “chuôi vồ”, nơi đặt bàn thờ của Thánh Mẫu có ba gian dọc. Đền Cậu - đền Cô: vượt qua đền Thõng bằng con đường đá xếp gập ghềnh men theo bờ suối khoảng hơn 1km tới đền Cậu. Ở nơi đó đã từng có một miếu nhỏ, nay được thay bằng một căn nhà có vẻ đơn sơ làm nơi thờ. Trung tâm của chính điện, có tượng của ba cậu bé cửa rừng đặt trong khám. Đền Cậu khởi nguồn là khe Trường Sinh, tương truyền là nơi “Cậu” ngự lại chiêu mộ và nuôi quân để đi theo phò Quốc Mẫu. Đền được tu sửa lại vào năm 1993. Đền Cô, cách đền Cậu khoảng 2km, gần thác Bạc, bên dòng Giải Oan (phần trên suối Trường Sinh), để chúng sinh rũ bỏ bụi trần mà nhẹ tâm tiếp bước lên miền thánh thiện. Đền Cô cũng có niên đại lâu đời và hiện đang thờ Cô Bé, tương truyền là một vị con nhà Trời đã cùng Quốc Mẫu giúp dân giúp nước. Cảnh sắc nơi đây thanh nhã, khoáng đãng và yên bình với thảm thực vật phong phú cùng khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ. Dòng suối Giải Oan cùng giếng nước cổ sát chân đền tăng thêm vẻ tịch mịch và thanh tĩnh cho không gian nơi đây. Nếu ai lấy nước từ đó dâng lên cùng lễ vật rồi uống sẽ thấy trong lòng thư thái, thanh thản và tịnh tâm đến lạ lùng. Khu vực đền Thượng: Hiện nay, đây là khu vực tâm linh chung của cả tín ngưỡng dân gian và tôn giáo, mà trung tâm là điện thờ Quốc Mẫu Tây Thiên. Đền Thượng: Những tầng bậc xen nhau của mạch núi nơi đây đã tạo nên nền của các điện thờ khác nhau, trong đó, đền Thượng nằm ở chính tâm, lưng tựa vào ngọn Thạch Bàn, hai bên là hai tay núi chạy xuống, phía trước rộng thoáng. Nơi đây, mây vờn núi, cây cối tốt tươi, chim muông tụ hội, khe suối reo vui, tạo thành một trong những miền Thánh địa của dãy núi Tam Đảo. Đền Thượng quay mặt về hướng Tây – Nam; Nghi môn được kết cấu theo kiểu tứ trụ, có tường nối giữa trụ lớn và trụ bên, chỉ để một cửa giữa cho khách hành hương ra vào. Trên các tường này đắp thanh long (rồng xanh), bạch hổ (hổ trắng) và cây cỏ tượng trưng cho bốn mùa. Sân lát đá ở giữa có thần đạo, tạc ba chữ lớn Phúc, Lộc, Thọ (nối dọc) dẫn vào bậc thềm lên điện. Kiến trúc này có mặt nền kiểu chữ Đinh, kết cấu ba gian, hai chái lớn. Nhìn mặt trước, kiến trúc khá cân đối với hai tầng “chồng diêm” tám góc mái cong duyên dáng. Ở phần “chồng diêm” gian giữa treo một bức hoành phi lớn, đề “Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên” bằng Quốc ngữ. Trên chính điện chỉ một pho tượng Bà ngồi ở trên bệ trung tâm, mang dáng vẻ uy nghi, sang trọng, hai chân buông thẳng, hai tay tì trên gối, tay phải cầm quạt gấp. Ngoài ra, tại khu vực này còn có các công trình mới xây dựng như: miếu Sơn thần, đền Cô Chín, đền Địa Mẫu, đền Tam tòa Thánh Mẫu, Tả/ hữu vu. Đền thờ thần núi Tam Đảo: Sự tích kể rằng, thần đã âm phù cho cuộc cầu đảo dưới thời Trần Nhân Tông (1279 - 1293) nên được vua phong là “Thanh Sơn Đại Vương”. Đến thời Lê Sơ, đời vua Nhân Tông, niên hiệu Thái Hoà thứ 8 (1450), vua sai đại thần Lê Khắc Phục lên tế thần, ông có để lại tấm bia ma nhai (khắc vào vách núi) ghi lại sự kiện này (cách đền khoảng gần 700m theo lối mòn). Bia đá chữ: một di vật lịch sử có giá trị, là tấm bia ma nhai ở khu vực mà người dân địa phương gọi là Bia đá chữ. Tấm bia này trước đây được nhiều người biết đến nhưng chưa ai công bố bởi những khó khăn trong việc đi lại tiếp xúc với hiện vật. Qua khảo sát thực tế, đó là bài văn bia được khắc trực tiếp vào giữa một phiến đá màu ngà, chiều dài khoảng 5m, cao khoảng 3m. Cả phiến đá nằm nghiêng bên bờ suối, tạo ra hình vòm, tựa như hàm ếch, khiến cho phần chữ của bia khắc ở giữa hàm ếch không bị bào mòn bởi mưa nắng. Bia đá chữ có tổng cộng 121 chữ Hán, chữ khắc theo hàng dọc, phân bố trên 11 dòng, dòng nhiều 16 chữ, dòng ít 3 chữ. Chữ dùng theo thể khải thư, với đặc điểm chữ khắc sâu, dễ đọc. Duy ba chữ Bát nhã tuyền (Suối Bát nhã) đặt ở cuối bia được khắc to. Với giá trị tiêu biểu trên, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên - Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt ngày 23/12/2015. Nguồn: Cục di sản văn hoá

Vĩnh Phúc 1443 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Tháp Bình Sơn

Tháp Bình Sơn (Tháp Then, Tháp chùa Then, Tháp chùa Vĩnh Khánh) thuộc thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc; là một kiến trúc Phật giáo mang dấu ấn của một giai đoạn khá dài (khoảng từ thế kỷ XIV tới XVI). Tháp Bình Sơn - Chùa Vĩnh Khánh toạ lạc trên một gò đất cao và rộng rãi, diện tích khu vực khoanh vùng bảo vệ là 17.200m2, bao gồm: Tháp Bình Sơn, tòa Tam bảo cũ, Tam bảo mới, giếng mực, nhà khách, hồ sen, cổng, các công trình phụ trợ. 1. Tháp Bình Sơn Tháp hiện nay cao 16,5 mét, (chỉ còn 11 tầng và 1 tầng bệ vì phần chóp của tháp đã bị vỡ), được cấu tạo với bình đồ hình vuông nhỏ dần về ngọn, với cạnh của tầng dưới cùng là 4,45 mét, cạnh của tầng thứ 11 là 1,55 mét. Toàn bộ ngôi tháp được xây bằng gạch nung không tráng men. Từ bệ tháp đến hết tầng 2, có chiều cao dưới 6 mét hoa văn hoàn chỉnh nhất. Ở hai tầng này có họa tiết trang trí kỹ lưỡng với hàng hoa cúc, cánh sen, lá đề, hoa mặt nhẵn, rồng chạm nổi, cùng mô típ "sư tử hí cầu"… Từ tầng thứ ba trở lên, trang trí vẫn còn, nhưng càng lên cao, chiều ngang mặt tháp càng bị thu hẹp, thì trang trí cũng giảm dần. 2. Toà Tam bảo cũ: được đại trùng tu năm 1976, dạng chữ Đinh, có diện tích 131,5 m2, bao gồm Tiền đường 5 gian , Hậu cung 3 gian . Đặc biệt công trình có 2 cột đồng trụ phía trước, đua ra 6m, tạo như tay ngai. Hệ thống tượng thờ tại đây chủ yếu được làm bằng đất phủ sơn, niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, một vài tượng có niên đại thế kỷ XX. 3. Tam bảo mới: được xây dựng năm 2012, trên nền nhà tam bảo cũ, hình thức kiến trúc mang phong cách thiền viện. 4. Giếng Mực: tương truyền vị trí này xưa kia là đế của một ngôi tháp cổ màu xanh, khi tháp cổ này biến mất để lại một hố sâu hình giếng tròn. 5. Nhà khách: mới được xây dựng năm 2012, diện tích 283,5m2 có mặt bằng chữ nhất, kiến trúc đao mái, phù hợp với kiến trúc cổ truyền thống. 6. Hồ sen: nằm ở vườn trước tháp Bình Sơn, hiện đang trồng sen 7. Cổng vào khu di tích: gồm 4 cột trụ xây gạch, gắn 2 cánh cổng sắt ở lối chính giữa, hai lối bên rào tạm bằng cây, tre mang tính chất là cổng bảo vệ. 8. Một số trang trí của Tháp Bình Sơn Sư tử hý cầu: một trong những đồ án gây thắc mắc cho các nhà nghiên cứu là "sư tử hý cầu”, vì nó khác xa những con "sấu đớp ngọc" đội toà sen ở các bệ Phật thời Lý. Rồng: có sừng, uốn trong “ổ”, đầu quay vào giữa vòng tròn, thân không cuộn khúc mà lượn thành hình sin, do đó không "thắt túi", chân đạp ra ngoài, hoặc vắt qua thân để đạp ra ngoài, sống lưng hình “răng cưa” một chân trước đưa lên nắm "tóc"... Một số chi tiết vừa nêu phảng phất bóng dáng những con rồng cuối Trần, nhưng các chi tiết khác lại không cho phép quy con rồng trên tháp Bình Sơn vào một kiểu thức nhất định nào cả. Điều quan trọng hơn là rồng Bình Sơn thường đưa chân trước lên nắm tóc, trong một tư thế ngộ nghĩnh, rất nghịch ngợm, do đó khá "dân gian": trong trường hợp này, nó đã mang phong cách của mô - típ rồng vuốt râu thời hậu Lê. Lá đề: là một loại hình tương đối phổ biến, với những hoạ tiết hàm nhiều ý nghĩa. "Lá đề” Bình Sơn thuộc nhiều kiểu thức, nhưng kiểu nào cũng đơn giản, không thực trau chuốt như "lá đề" thời Lý. Hoa cúc dây: đã có từ thời Lý dưới dạng uốn thành khung tròn, lòng khung chứa gọn các đồ án trang trí khác. Thời Trần kế thừa bố cục ô tròn đó. Đấu ba chạc (con sơn): một điểm đáng quan tâm là đấu này đã thấy xuất hiện từ thời Lý (Tháp Chương Sơn, Nam Định) chúng càng phổ biến hơn ở dưới thời Mạc (Đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội). Tháp Bình Sơn có nhiều nét độc đáo cả về kiến trúc nghệ thuật, mỹ thuật, kỹ thuật xây dựng. Tháp Bình Sơn không những có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, mà còn có giá trị mỹ thuật cao được gọi là “Hòn ngọc báu của kho tàng dân tộc”, trên các hòn gạch có rất nhiều loại hoa văn trang trí, chỗ hình tròn, chỗ lượn vòng tròn, chỗ sâu, nông, chỗ đậm… chứng tỏ bàn tay người thợ vô cùng điêu luyện. Tháp Bình Sơn là một công trình có kiến trúc độc đáo, theo đánh giá của người Pháp đây là một cây tháp đẹp nhất xứ Bắc Kỳ. Hiện nay, Lễ hội tại Khu di tích Tháp Bình Sơn - Chùa Vĩnh Khánh được địa phương tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, gọi là “Lễ hội chùa tháp”, bao gồm những nghi thức: rước kiệu, lễ cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và những chương trình văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian (cờ tướng, cờ người, chọi gà...) Tháp Bình Sơn (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt ngày 23/12/2015 . Nguồn: Cục di sản văn hoá

Vĩnh Phúc 1640 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Di tích Lịch sử Đền Cửa Ông

Đền Cửa Ông (còn gọi là Đông Hải linh từ hay đền Đức Ông) nằm trên địa bàn phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đền thờ thần chủ là Quốc Khảo Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, ngoài ra còn phối thờ Cửu Thiên Vũ Đế Quốc Phụ Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương cùng gia thất và các tướng lĩnh của Ngài. Qua sử sách ghi chép có thể khẳng định đền Cửa Ông được khởi dựng, tồn tại qua hơn 100 năm. Lúc khởi dựng, đền chỉ là một thảo am nhỏ làm bằng tranh, tre, lứa lá; năm 1907 – 1916, đền được trùng tu lại; năm 1916, xây thêm đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, chùa; năm 1946, đền Hạ, đền Thượng tiếp tục được tu bổ, tôn tạo; năm 2014, quy hoạch tổng thể khu di tích Đền Cửa Ông được phê duyệt với diện tích 18,125 ha; đến năm 2016, đền Trung được xây dựng và hoàn thành vào năm 2017. Ngoài ra, còn có đền Cặp Tiên (nhân dân gọi là đền “Cô bé Cửa Suốt”) được tạo dựng vào thời Nguyễn. Đền Cửa Ông lúc đầu khởi dựng chỉ thờ Trần Quốc Tảng, sau khi xây thêm các khu đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, chùa Cẩm Sơn... cụ thể như sau: Khu vực đền Hạ: gồm đền Mẫu và đền Trung Thiên Long Mẫu Đền Mẫu: thờ tam tòa Thánh Mẫu (Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải phủ), Ngọc hoàng thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu, Tứ vị chầu bà, Ngũ vị tôn ông, ông Hoàng Mười, ông Hoàng Bơ, ông Hoàng Bẩy. Đền Trung Thiên Long Mẫu: thờ Trung Thiên Long Mẫu và phối thờ ba cô, cậu bé Cửa Suốt, cô bé Cửa Suốt (hai vị giống như Kim Đồng, Ngọc Nữ, tượng trưng cho âm và dương luôn theo hầu bảo hộ mẫu, bảo vệ vùng đất, vùng biển Cửa Suốt, bảo vệ ngôi đền mà Trung Thiên Long Mẫu tọa lạc). Hiện, đền Cửa Ông còn lưu giữ đạo sắc phong cho xã Cẩm Phả, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên, phụng thờ Trung Thiên Long Mẫu tôn thần, ghi ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (1917). Bia đá ở đền Hạ dựng vào năm Mậu Tý (1948). Khu vực đền Trung: thờ Khâm Sai Đông Đạo Tiết Chế Hoàng Cần, người có công dẹp giặc ngoại xâm phương Bắc, trấn giữ vùng biển Đông. Tại đây, còn thờ Sơn thần, Thủy thần vì đền Trung nằm trên dãy núi Cẩm Sơn, phía trước là biển Đông, người dân ở khu vực cửa biển cũng như thuyền bè qua lại đều cầu mong sự phù trợ, giúp sức của các vị Sơn thần, Thủy thần. Khu vực đền Thượng: gồm đền Thượng, đền Quan Châu, đền Quan Chánh, chùa và lăng mộ Trần Quốc Tảng. Đền Thượng: thờ thần chủ là Quốc Khảo Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, ngoài ra còn phối thờ Cửu Thiên Vũ Đế Quốc Phụ Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương cùng gia thất và các tướng lĩnh của Ngài. * Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng (1252 - 1313) Ông là vị anh hùng dân tộc, con trai thứ 3 của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Hiện nay, một số sắc phong cho Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng vẫn còn được lưu giữ tại đền khẳng định công trạng của Ông, cũng như lịch sử hình thành, tồn tại của đền Cửa Ông. Ngoài thần tích, thần sắc, sắc phong ghi chép về Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, tại đền Cửa Ông còn lưu giữ được bia đá, biển gỗ, hoành phi, câu đối mà qua đó đã xác định được thần chủ chính của đền là Quốc Khảo Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng. * Đồng thời, tại đền Thượng còn phối thờ các nhân vật lịch sử như: - Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn: Hưng Đạo Đại Vương sau khi giúp nhà Trần đánh đuổi giặc Nguyên xâm lược, trừ đại họa cho dân tộc, được nhân dân sùng kính, sau khi mất trở thành Thượng Tiên Cửu Thiên Vũ Đế. - Tướng công Phạm Ngũ Lão; Dã Tượng; Yết Kiêu; Nguyễn Khoái; Huyền Du; Cao Mang; Đỗ Hành; Hưng Vũ vương Nghiễn, Hưng Trí vương Hiện, Hưng Hiến vương Uất; Trần Bình Trọng; Phạm Ngộ; Trần Thì Kiến; Trần Quang Triều; Trần Quốc Toản; Hà Đặc; Trương Hán Siêu; Lê Phụ Trần; Nguyễn Địa Lô; Trần Khánh Dư; Đỗ Khắc Chung; Vi Hùng Thắng; Nguyễn Chế Nghĩa; Thánh Mẫu Thiên Thành (Nguyên Từ Quốc Mẫu); Quyên Thanh công chúa (Vương Cô Đệ Nhất); Đại Hoàng công chúa; Thuận Thánh (Bảo từ Hoàng hậu) Đền Quan Chánh: thờ Quan Chánh, Quan Tuần Tranh và Quan Giám Sát. Đền Quan Châu: thờ Quan Tri Châu cai quản khu vực châu Cẩm Phả. Lăng Mộ: căn cứ vào thần tích, thần sắc làng Cẩm Phả, tổng Cẩm Phả, huyện Cẩm Phả, tỉnh Quảng Yên, chép vào năm 1938, thì lăng mộ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng chỉ mang tính tượng trưng, là nơi thể hiện lòng thành kính của nhân dân đối với Ngài, cũng như của người con đối với người cha. Chùa: thờ Phật, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào, Bắc Đẩu,Quan Âm Tống Tử, Tuệ Trung thượng sĩ, Đức Chúa Ông, Đức Thánh Hiền...như các ngôi chùa truyền thống khác của Việt Nam. Đền Cặp Tiên: thờ một vị tiểu thư - con gái của Trần Quốc Tảng (còn gọi là “Cô bé Cửa Suốt”), quan Chánh và các vị nhân thần, sau đó lại thờ thêm Phật, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Tiên Thiên Thánh Mẫu. Các thần tích, thần sắc, sắc phong cho các vị thần còn được lưu giữ tại đền Cửa Ông trở thành kho tư liệu lịch sử quý giá cho các thế hệ con cháu tìm hiểu về quá trình dựng nước và giữ nước của triều Trần. Khu di tích đền Cửa Ông đã trải qua các cuộc chiến tranh và thăng trầm của lịch sử, nhưng vẫn bảo lưu được nhiều kiến trúc cổ kính (tường hồi hai bên ống muống và Hậu cung) và các pho tượng cổ có niên đại từ thế kỷ XIX. Với giá trị đặc biệt trên, Di tích lịch sử Đền Cửa Ông đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt ngày 25/12/2017. Nguồn: Cục di sản văn hoá

Quảng Ninh 1316 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Khu Di tích Nhà Trần tại Đông Triều

Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều thuộc các xã An Sinh, Tràng An, Bình Khê, Thủy An. Hiện nay đây là khu di tích lưu giữ nhiều dấu ấn nhất của nhà Trần hiển hách. Năm Ất Dậu 1225 Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, đánh dấu sự chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần. Từ đây nhà Trần trị vì đất nước trong 175 năm, với 12 đời vua, đã tạo nên triều đại hiển hách bậc nhất trong lịch sử nước ta. Triều Trần (1225 – 1400) với võ công, văn trị, đã mở ra kỷ nguyên hào hùng trong lịch sử dựng và giữ nước. Theo tư liệu, vùng Đông Triều chính là đất tụ cư đầu tiên của họ Trần. Sau đó, vùng đất này được vua Trần Thái Tông ban cho anh trai Trần Liễu làm ấp thang mộc. Đối mới mỗi triều đại khi trị vì đều quan tâm đến hai vấn đề, duyên trạch là vùng đất định đô, âm trạch là nơi đặt thái miếu lăng tẩm. Bên cạnh Thăng Long tiếp tục được lựa chọn làm kinh đô, thì nhà Trần cũng cho xây dựng và phát triển hai trung tâm văn hóa, hai khu sơn lăng ở phía đông và nam kinh thành. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định Đông Triều là trung tâm văn hóa tín ngưỡng lớn, cùng với Thăng Long – trung tâm chính trị, kinh tế và Thiên Trường Long Hưng, nơi phát tích của nhà Trần. Tên cổ của Đông Triều là An Sinh, đến đời vua Trần Dụ Tông mới đổi tên, và trở thành khu di tích lịch sử nhà Trần hiện nay. Đây là khu di tích quốc gia đặc biệt gồm lăng mộ, đền, chùa, am tháp với 14 di tích trải rộng. Đây là vùng thánh địa linh thiêng mang đậm tinh thần lịch sử, văn hoá là nơi quê gốc nhà Trần. Từ thế kỷ 13, nhà Trần cho xây dựng Thái Miếu, thờ tự Tam tổ thánh Trần, là điểm di tích quan trọng bậc nhất. Đến cuối thế kỷ 14, nhiều lăng mộ vua Trần mới được di chuyển về Đông Triều. Khu di tích lịch sử nhà Trần bao gồm 3 nhóm, nhóm di tích đình miếu, nhóm di tích lăng tẩm và nhóm di tích chùa tháp. Đền miếu và lăng tẩm gắn với tông miếu của nhà Trần. Cùng với việc xây dựng lăng mộ, triều Trần còn xây dựng đền miếu để thờ cúng các bậc tiền đế, chùa chiền cũng theo đó mọc lên không ít. Nhưng khi ấy Đông Triều chỉ đóng vai trò khu sơn lăng, chưa trở thành trung tâm Phật giáo của Đại Việt. Phải đến khi vua Trần Nhân Tông xuất gia lên núi Yên Tử tu hành và sáng lập nên dòng thiền phái Trúc Lâm. Ông đã thống nhất các thiền phái tồn tại trước đó và toàn bộ giáo hội Phật giáo đời Trần về một mối. Vào thời kỳ này, Đông Triều trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng. Các đời vua Trần đã cho xây dựng ở đây hệ thống đền miếu, lăng mộ, chùa tháp dày đặc trong vùng cảnh quan có diện tích rộng lớn trải dài lên tận sườn núi Yên Tử. Chùa Ngọa Vân Hồ Thiên là nơi Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông đăng đàn thuyết pháp, cũng là nơi gắn liền với sự nghiệp hoằng hóa Phật Giáo của nước Đại Việt, đào tạo những vị sư ở cấp độ cao hơn. Trên chùa Hồ Thiên còn có ngọn tháp đá 7 tầng mà đến nay kiến trúc của ngôi tháp vẫn là bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu, thu hút nhiều nhà nghiên cứu, người yêu thích lịch sử khắp nơi tìm đến tham quan, nghiên cứu. Chùa Quỳnh Lâm được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam, sở hữu tượng Phật một trong An Nam tứ đại khí. Vườn tháp trong chùa và tháp đá mộ các thiền sư có kiến trúc độc đáo, một di sản văn hoá tiêu biểu không chỉ của tỉnh Quảng Ninh mà là của cả Việt Nam. Trải qua thời gian, thiên tai hủy hoại, chiến tranh tàn phá, nhiều công trình xưa ở khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều chỉ còn là phế tích. Tuy vậy những phế tích đó trong lòng người dân vẫn còn vẹn nguyên giá trị. An Sinh xưa, Đông Triều nay là nơi các vua nhà Trần thể hiện tư tưởng lá rụng về cội của dân tộc Việt. Những thứ còn hiện hữu hay cả những thứ chỉ còn trong lòng đất vẫn là di sản vượt thời gian không chỉ mang giá trị lịch sử của vương triều vang danh mà còn là minh chứng cho 700 năm tồn tại của nền Phật giáo thuần Việt. Nguồn: Báo du lịch Quảng Ninh

Quảng Ninh 1353 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Điểm di tích nổi bật