Viếng Miếu Bà Chúa Xứ tại chân núi Sam "cầu bình an, làm ăn thuận lợi"

Lần đầu đến viếng Miếu Bà Chúa Xứ tại Núi Sam, tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự linh thiêng và huyền bí của nơi này. Địa danh Miếu Bà Chúa Xứ từ lâu đã gắn liền với vùng Châu Đốc Hãy nghe Phạm Vũ Lâm một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Ngày 24/5/2024, Tôi đã có chuyến phượt 120km từ TP. Cần Thơ đến Thành phố Châu Đốc, thuộc tỉnh An Giang. Đây là lần đầu tiên tôi đến vùng đất này, nhất là lần đầu đến viếng Miếu Bà Chúa Xứ tại Núi Sam, tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự linh thiêng và huyền bí của nơi này. Địa danh Miếu Bà Chúa Xứ từ lâu đã gắn liền với vùng Châu Đốc, nơi mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa của tỉnh An Giang. Dù không ai quy định, nhưng dường như mọi du khách khi đến Châu Đốc đều không thể bỏ lỡ việc ghé thăm Miếu Bà Chúa Xứ. Đây không chỉ là điểm đến tâm linh mà còn là niềm tự hào của du lịch địa phương và cả tỉnh An Giang.


Nguồn ảnh: tác giả

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam tọa lạc tại phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Không chỉ là nơi thờ phụng, Miếu còn gắn liền với nhiều câu chuyện lịch sử về những người khai hoang và chống giặc ngoại xâm. Tương truyền, Bà Chúa Xứ rất linh thiêng, cầu gì được nấy. Vì vậy, hàng năm, hàng triệu người từ khắp nơi đổ về đây để nguyện cầu cho công việc thuận lợi và gia đình bình an.


Nguồn ảnh: tác giả

Ban đầu, Miếu Bà Chúa Xứ chỉ là một ngôi nhà gỗ vách lá đơn sơ, nhưng theo thời gian, nơi này đã trở thành một công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa Đông phương. Truyền thuyết kể lại rằng, khoảng 200 năm trước, người dân Châu Đốc phát hiện một bức tượng Bà trên đỉnh Núi Sam và mong muốn đem xuống thờ phụng. Nhiều thanh niên cường tráng đã cố gắng nhưng không thể di chuyển bức tượng. Theo lời một bà đồng, 9 thiếu nữ đồng trinh được cử đến và kỳ lạ thay, họ di chuyển bức tượng một cách dễ dàng. Khi đến chân núi, tượng Bà bỗng nặng trịch và không thể di chuyển nữa. Từ đó, người dân chọn nơi này làm chỗ an vị và xây dựng ngôi miếu để thờ phụng.


Nguồn ảnh: tác giả

Ngôi miếu ban đầu được xây dựng bởi ông Thoại Ngọc Hầu với kết cấu bằng gỗ đơn sơ. Đến năm 1870, người dân quyên góp xây dựng lại miếu khang trang hơn để cảm ơn Bà Chúa Xứ đã mang lại mưa thuận gió hòa và bảo vệ xóm làng. Kiến trúc của miếu thờ mang đậm tính nghệ thuật với các pho tượng thần uy nghi trên lầu chánh điện, khung bao, cánh cửa và các chi tiết được chạm trổ tinh xảo. Đến năm 1976, Miếu Bà được hoàn thiện với kiến trúc nhìn từ trên cao như chữ Quốc, các khối tháp bao bọc như đóa hoa sen đang nở rộ.


Nguồn ảnh: tác giả

Viếng Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, tôi cảm nhận được sự linh thiêng và huyền bí của nơi này, cùng với niềm tự hào về lịch sử và văn hóa mà người dân An Giang đã gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ. Viếng Miếu vào buổi tối, khi không khí mát mẻ và trong lành, du khách sẽ cảm nhận được sự yên tĩnh và thanh bình. Lượng khách thưa thớt giúp bạn có thể ngắm nhìn ngôi miếu lung linh dưới ánh đèn, tạo nên khung cảnh thật đẹp và vô cùng dễ chịu. Theo mình, nếu bạn là người hướng nội thì hay chọn đi vào buổi tối. 


Nguồn ảnh: tác giả

Đặc biệt có một điều hết sức lưu ý, khách thập phương thường chọn viếng Bà vào dịp 24 đến 27 tháng 4 Âm lịch, thời điểm diễn ra Lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam. Trong khoảng thời gian này, Miếu Bà vô cùng đông đúc và nhộn nhịp, đặc biệt là vào ngày 25, ngày vía chính. Vì vậy, bạn nên cân nhắc chọn thời gian đi sao cho phù hợp, tránh những ngày cao điểm nếu không muốn gặp phải sự phức tạp. Đồng thời, hãy cẩn trọng với tài sản cá nhân khi đến viếng Miếu trong dịp lễ hội.

26 Tháng 06, 2024 168

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành