HÒA MÌNH VÀO LỄ HỘI HOA DÃ QUỲ - NÚI LỬA CHƯ ĐĂNG

Lễ hội hoa dã quỳ Chư Đăng Ya là một lễ hội truyền thống của người dân địa phương thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai. Hãy nghe Trần Thị Trà My (Gia Lai) một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Nhắc đến Tây Nguyên, không thể không nhắc đến mùa hoa dã quỳ nở rộ vào những tháng cuối năm. Thời điểm này các ngọn đồi, triền núi và dọc cả con đường quê ở Gia Lai lại bừng sáng với sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ - loài hoa mang vẻ đẹp mộc mạc, hoang dại nhưng tràn đầy sức sống. Khi hoa dã quỳ khoe sắc, trong lòng tôi cũng dâng lên một cảm xúc bồi hồi khó tả. Là một người con của Gia Lai, đối với tôi mùa hoa dã quỳ không chỉ là thời khắc để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là dịp để lắng nghe những cung bậc cảm xúc, hồi tưởng lại kỷ niệm cũng  những điều gắn liền với tuổi thơ và quê hương.

Mùa hoa dã quỳ tại núi lửa Chư Đăng Ya - Gia Lai (Ảnh: sưu tầm).

1. Vẻ đẹp của hoa dã quỳ

Tháng 11 về cũng là lúc mảnh đất Tây Nguyên ngập tràn sắc vàng của hoa dã quỳ, một loài hoa đặc trưng của vùng đất Gia Lai. Mỗi năm khi mùa hoa nở, núi lửa Chư Đăng Ya lại trở thành điểm đến thu hút du khách và người dân địa phương. Vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng kết hợp với sắc vàng rực rỡ của dã quỳ đã tạo nên một khung cảnh thiên nhiên tuyệt diệu. Hoa dã quỳ - một loài hoa dại thuộc họ Cúc, mang tên khoa học là Tithonia diversifolia. Ban đầu, dã quỳ chỉ xuất hiện chủ yếu ở vùng đất cao nguyên Đà Lạt, nơi có khí hậu mát mẻ và đất đai màu mỡ. Tuy nhiên, nhờ khả năng thích nghi mạnh mẽ cùng với đặc tính sinh trưởng nhanh, hoa dã quỳ dần dần lan rộng ra nhiều vùng đất khác, trở thành một phần của thiên nhiên miền núi và trung du Việt Nam.

Hoa dã quỳ (Ảnh: sưu tầm).

Dã quỳ thường mọc thành từng bụi lớn với dáng cây vươn cao thẳng đứng, có chiều cao trung bình từ 2 đến 3 mét. Nhờ hạt giống nhỏ và nhẹ, dễ phát tán qua gió, nước hoặc bám vào động vật nên những bụi hoa dã quỳ dễ dàng lan rộng và phát triển ở khắp nơi. Đặc biệt, loài hoa này rất hợp với thổ nhưỡng Việt Nam, nhất là vùng đất đỏ bazan của các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai - nơi loài hoa này luôn khoe sắc vào mỗi độ cuối năm. Với sắc vàng rực và cánh hoa mỏng manh, tôi nhận thấy hoa dã quỳ không chỉ tượng trưng sự kỳ diệu của thiên nhiên mà còn thấy được bóng dáng của chính con người nơi đây – mộc mạc, kiên cường và bền bỉ.

Khi tiết trời Tây Nguyên trở nên se lạnh và dễ chịu vào những tháng cuối năm, cũng là lúc tôi được nhìn thấy núi lửa Chư Đăng Ya như khoác lên mình chiếc áo mới, màu vàng của hoa hòa quyện với nền trời xanh thẳm, tạo nên bức tranh thiên nhiên rực rỡ và vô cùng sinh động. Đây cũng là thời điểm mà người dân địa phương tổ chức lễ hội hoa dã quỳ - một sự kiện lớn nhằm tôn vinh loài hoa biểu tượng của Tây Nguyên, đồng thời lễ hội cũng là một dịp để con người nơi đây có thể quảng bá hình ảnh quê hương của  đến với du khách gần xa.

Mùa hoa dã quỳ tại núi lửa Chư Đăng Ya - Gia Lai (Ảnh: sưu tầm).

2. Lễ hội hoa dã quỳ tại Chư Đăng Ya

Chư Đăng Ya là một ngọn núi lửa cổ, với địa hình độc đáo và vẻ đẹp hoang sơ cùng lớp đất đỏ bazan đặc trưng được phủ kín bởi những bụi hoa dã quỳ nên một khung cảnh rất riêng biệt mà không nơi nào có . Cảm giác khi leo lên từng đoạn đường, từ chân núi đến đỉnh, tận mắt nhìn thấy từng bông hoa nở rộ dưới ánh nắng sớm, khiến lòng tôi ngập tràn niềm vui và cảm nhận được sự yên bình mà nơi đây mang lại. Khi lên tới đỉnh Chư Đăng Ya, khung cảnh phía trước hiện ra như một bức tranh sống động với sắc vàng bao phủ khắp mọi nơi. Khi nhìn xuống, hình ảnh đập vào mắt tôi chính là thảm hoa dã quỳ trải dài vô tận, nối liền với trời xanh làm không gian thêm bao la và rộng lớn như tôi đang lạc vào một miền cổ tích. Đứng trên đỉnh núi, lắng nghe tiếng gió vi vu hòa với tiếng chim rộn ràng, tôi thấy tâm hồn mình như hòa vào thiên nhiên, như cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của loài hoa đặc trưng này.

Mỗi năm vào tháng 11, khi hoa dã quỳ nở rộ, người dân Gia Lai lại tổ chức lễ hội hoa dã quỳ Chư Đăng Ya. Đây là một sự kiện văn hóa đặc sắc thường được tổ chức tại nhà Rông làng la Gri, xã Chư Đăng Ya, tỉnh Gia Lai với mục đích tôn vinh cả giá trị di sản thiên nhiên lẫn văn hóa địa phương do chính người dân bản xứ gìn giữ và phát triển. Bên cạnh đó, lễ hội còn mang ý nghĩa đặc biệt trong việc nhấn mạnh vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này cũng là dịp quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của các dân tộc sinh sống tại địa bàn tỉnh Gia Lai. Đây là cơ hội để cộng đồng các dân tộc thiểu số cùng giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng như cồng chiêng, múa xoang,... từ đó giúp người dân thêm gắn bó với các phong tục, tập quán lâu đời của tổ tiên.

Lễ hội hoa dã quỳ tại núi lửa Chư Đăng Ya (Ảnh:sưu tầm).

Khi Lễ hội hoa dã quỳ Chư Đăng Ya diễn ra, dòng người từ khắp nơi đổ về ngọn núi, ai ai cũng háo hức chiêm ngưỡng sắc vàng rực rỡ trải dài trên những triền đồi. Với tôi, đây thực sự là một dịp đặc biệt để thỏa mãn tình yêu dành cho thiên nhiên và phong cảnh quê hương. Với độ cao lên đến 975m và nhiều đoạn đường dốc khá trắc trở, nhưng điều đó không ngăn được sự háo hức trong lòng tôi. Nhìn thấy cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ hiện ra trước mắt, cảm giác mệt mỏi dường như tan biến, chỉ còn lại sự mãn nguyện khi được hòa mình vào lễ hội. 

Không khí lễ hội càng khiến lòng tôi rộn ràng hơn với hững gian hàng ẩm thực địa phương bày bán các món ăn đặc sản và truyền thống độc đáo như món gà nướng cơm lam, khi vừa cắn một miếng tôi dường như cảm nhận được hương vị mang đậm chất Tây Nguyên hay những ghè rượu được người dân cẩn thận ủ trong bình lâu ngày tạo nên mùi vị đặc trưng,... Khung cảnh nhộn nhịp của những gian hàng đầy màu sắc với các sản phẩm của Tây Nguyên như bò một nắng chấm muối kiến vàng, mật ong rừng, hay những món đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo tạo nên một không gian vừa gần gũi vừa độc đáo. Cảm giác được đứng giữa dòng người, cùng thưởng thức văn hóa và sản vật quê hương, khiến lòng tôi dâng tràn niềm tự hào về sự phong phú và giàu bản sắc văn hóa dân tộc của quê hương mình.

Lễ hội hoa dã quỳ tại núi lửa Chư Đăng Ya (Ảnh:sưu tầm).

3. Các hoạt động trải nghiệm khác

Lễ hội hoa dã quỳ Chư Đăng Ya không chỉ mang đến sắc vàng rực rỡ của mùa hoa mà còn phục dựng lại một phần lễ hội mừng lúa mới truyền thống của người Gia Rai, khiến tôi có cảm giác như được đắm mình trong dòng chảy văn hóa đầy sống động. Tôi có dịp thử sức với nhiều hoạt động truyền thống thú vị: từ thi đan lát, dệt thổ cẩm,... mặc dù tay nghề không khéo léo nhưng tôi lại thấy rất vui vì những trải nghiệm này. Tôi còn được chiêm ngưỡng những bức ảnh đẹp về Chư Đăng Ya và hòa mình vào các màn biểu diễn văn nghệ, ca hát, nhảy múa. Mỗi hoạt động như gắn kết tôi gần hơn với văn hóa bản địa, giúp tôi cảm nhận rõ nét sự tài hoa và khéo léo trong từng sản phẩm thủ công của người dân nơi đây.

Lễ hội hoa dã quỳ tại núi lửa Chư Đăng Ya (Ảnh:sưu tầm).

Điều khiến tôi phấn khích nhất là cơ hội được trải nghiệm bay dù lượn từ trên miệng núi lửa Chư Đăng Ya – một trải nghiệm không dễ có được. Ban đầu tôi thấy khá sợ và lo lắng nhưng với sự hướng dẫn tận tình cùng khoảnh khắc được nhìn thấy khung cảnh thảm hoa dã quỳ vàng rực phủ khắp các triền đồi hiện ra tuyệt đẹp, trải dài vô tận dưới chân khiến nỗi sợ của tôi như được tan biến. Đây quả là một trải nghiệm khó quên, vừa đầy thử thách vừa để lại trong lòng tôi những ấn tượng khó phai.

Lễ hội hoa dã quỳ tại núi lửa Chư Đăng Ya (Ảnh:sưu tầm).

Ngoài việc ngắm hoa và tham gia lễ hội, núi lửa Chư Đăng Ya còn mang đến nhiều hoạt động thú vị khác cho du khách khám phá. Một trong số đó là leo núi và trekking. Hành trình leo núi giúp tôi có cơ hội khám phá hệ sinh thái đa dạng của Chư Đăng Ya, từ các loại cây, các loại hoa rừng, cho đến những loài động vật nhỏ sinh sống trên núi. Mỗi bước đi trên con đường dẫn lên đỉnh núi, giữa không gian bao la của đất trời, tôi cảm nhận rõ hơn sự kỳ diệu và sức sống của thiên nhiên Gia Lai.

Lời kết 

Mùa hoa dã quỳ tại núi lửa Chư Đăng Ya đã mang lại cho tôi không chỉ là những khoảnh khắc tuyệt vời giữa thiên nhiên mà còn là dịp để trải nghiệm, cảm nhận sâu sắc hơn về quê hương của mình. Sắc vàng của hoa dã quỳ trên nền trời xanh, tiếng cồng chiêng vang vọng và những câu chuyện về người Tây Nguyên khiến tôi cảm thấy mình như được trở về với cội nguồn, gắn bó hơn với mảnh đất và con người nơi đây. Núi lửa Chư Đăng Ya, với vẻ đẹp hoang sơ và lễ hội hoa dã quỳ đã trở thành một biểu tượng của Gia Lai, nơi mà những giá trị văn hóa, phong tục và vẻ đẹp thiên nhiên của vùng đất Tây Nguyên đều được gìn giữ và phát triển. Hy vọng rằng, nếu bạn có dịp đến với Gia Lai vào mùa hoa dã quỳ, bạn cũng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp đầy ý nghĩa của mùa hoa này giống như tôi.

08 Tháng 11, 2024 108

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành