"Những chiếc thang tuyệt vời leo lên bầu trời Tây Bắc"

Đó là lời nhận xét mà Tạp chí Travel and Leisure chuyên về du lịch có tòa soạn tại Mỹ đánh giá về kỳ quan ruộng bậc thang ở Việt Nam.

Đó là lời nhận xét mà Tạp chí Travel and Leisure chuyên về du lịch có tòa soạn tại Mỹ đánh giá về kỳ quan ruộng bậc thang ở Việt Nam.

Tháng 9, 10 hằng năm là thời điểm lý tưởng nhất để chiêm ngưỡng vẻ đẹp ruộng bậc thang Tây Bắc.

Trải qua hàng nghìn năm, những bàn tay, khối óc các dân tộc anh em vùng Tây Bắc đã tạo nên kỳ quan ruộng bậc thang nức tiếng.

Mùa thu cũng là thời điểm lúa bắt đầu vàng rộ ở Tây Bắc. Ruộng bậc thang vào mùa lúa chín khiến vùng đất này như được khoác lên mình một một bộ cánh màu vàng uyển chuyển, dịu dàng. Lúa xanh dần chuyển vàng óng ả len vào từng sườn núi, lưng đồi như những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng, với vẻ đẹp kỳ vĩ và làm say đắm lòng người.

Tháng 9, lúa đang ngả từ xanh sang vàng, báo hiệu sắp đến mùa thu hoạch no đủ của bà con các dân tộc Tây Bắc.

Ruộng bậc thang là một hình thức canh tác mang đặc trưng riêng lâu đời của đồng bào vùng cao Tây Bắc Việt Nam. Do ở các vùng núi cao, hiếm đất bằng để canh tác, người ta chọn các vạt đất ở sườn núi bạt thành các tầng bậc, rồi dẫn nước từ các vùng núi cao, tạo thành các ruộng bậc thang để canh tác lúa.

Những triền sóng lúa vạt xanh, vạt chín nhìn từ cửa sổ một ngôi nhà của đồng bào người H'Mông ở Yên Bái.

Huyền sử vùng Tây Bắc kể rằng, cách đây nhiều thế kỷ, những tộc người như Mông, Dao, La Chí... di cư đến vùng Tây Bắc để khai khẩn và định cư. Nhưng lúc đó bốn thung lũng lớn của vùng Tây Bắc là Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Yên Bái), Mường Than (Lai Châu), Mường Tấc (Sơn La) đã có những tộc người bản địa là Thái, La Ha... sinh sống.

Những thửa rộng bậc thang ở La Pán Tẩn (Yên Bái).

Vì thế, những người mới đến phải chọn những dải núi như Khau Phạ (Mù Cang Chải - Yên Bái), Hoàng Liên Sơn (Sa Pa - Lào Cai) và Tây Côn Lĩnh (Hoàng Su Phì - Hà Giang), những nơi có độ cao từ 1.000-1.600m so với mực nước biển để dựng bản. Họ trồng ngô, lúa nương trên những triền núi đất để lấy lương thực.

Những thửa ruộng ban đầu nằm ven chân núi, sau đó vươn mình tạo nên những chiếc thang vươn lên trời xanh.

Ngôi nhà đơn sơ của những tác giả tạo nên cảnh quan kỳ vĩ ruộng bậc thang Tây Bắc.

Người phụ nữ H'Mông ở La Pán Tẩn (Yên Bái) thảnh thơi ngồi bấm điện thoại sau giờ thăm lúa.

Ban đầu, những thửa ruộng bậc thang chỉ hình thành dưới chân núi để người trồng chủ động nguồn nước suối tưới tiêu. Sau này, khi nhu cầu lương thực tăng cao, những người nông dân dần khai khẩn ruộng bậc thang lên cao dần phía đỉnh núi, hình thành nên những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ như ngày nay.

Những sườn núi có độ dốc vừa phải, ít đá sỏi và có nguồn nước khe suối được chọn làm ruộng bậc thang.

Những quả núi được chọn làm ruộng có độ dốc vừa phải, có nguồn nước từ khe suối, có khả năng tạo mặt bằng và ít sỏi đá. Việc khai khẩn ruộng bậc thang được tiến hành vào mùa xuân, từ tháng 1 đến tháng 5 để kịp lấy nước phục vụ canh tác.

Những thửa ruộng bậc thang có chiều ngang hẹp, chạy ngang sườn núi.

Những thửa ruộng bậc thang có chiều ngang hẹp chỉ vài đường bừa, thửa ruộng trên nằm chênh với thửa ruộng dưới khoảng hơn 1m. Người nông dân gạt đất chỗ cao bù đất trũng. Bờ ruộng được xẻ rãnh theo cách không nối liền mạch (thửa xẻ đầu, thửa xẻ cuối rãnh) để đón nước vào ruộng và hạn chế đất mất màu khi có lũ.

Người phụ nữ này là một trong những "nghệ sĩ chân đất" tạo nên kỳ quan ruộng bậc thang Tây Bắc.

Chủ nhân và cũng là những "nghệ sĩ chân đất" tạo nên những cánh đồng ruộng bậc thang tuyệt mỹ và trù phú ở vùng núi Tây Bắc, trông như những bức tranh điêu khắc khổng lồ là đồng bào các dân tộc ít người vùng núi cao nơi đây như Dao, H'Mông, Hà Nhì, Giáy...

Tây Bắc với những dãy núi hùng vĩ như mềm mại đi với những nét uốn lượn của ruộng bậc thang.

Những thửa ruộng bậc thang ở Tả Van, Lao Chải, Tả Phìn, Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Ý Tý (Lào Cai), ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải (Yên Bái); các thửa ruộng bậc thang trải dài dốc núi quanh co ở Lai Châu, Ðiện Biên... lâu nay làm say lòng du khách.

Tháng 9-10 hằng năm là thời điểm đẹp nhất để ngắm ruộng bậc thang Tây Bắc.

Tạp chí chuyên về du lịch Travel and Leisure đã mô tả: “Với cảnh quan tuyệt vời trông giống như chiếc thang leo lên bầu trời, những thửa ruộng bậc thang đã trở thành một trong những điểm thu hút du khách của vùng Tây Bắc Việt Nam”.

Giữa tháng 9-2023, ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (gồm Hà Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La và Yên Bái) đã cùng nhau công bố 2 sản phẩm du lịch mới, gồm: Về miền di sản ruộng bậc thang với câu chuyện “Người dệt thổ cẩm giữa trời Tây Bắc" và ngược dòng sông Đà về miền ký ức với câu chuyện “Người giữ hồn Tây Bắc”. Đây là những hoạt động liên kết phát triển mới nhất đã được các địa phương triển khai trong 3 năm qua.

25 Tháng 09, 2023 1460

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành