Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel
Tải ứng dụng 63Stravel
Khánh Hòa là vùng biển nổi tiếng với truyền thống văn hóa lâu đời và cũng là nơi lưu giữ nhiều giá trị tâm linh độc đáo, trong đó nổi bật nhất là tục thờ cá Ông và lễ hội Cầu Ngư. Hãy nghe Nguyễn Trần Đình Huy (Khánh Hòa) một travel blogger nổi tiếng bật mí .
Từ miền Trung đến miền Nam Việt Nam, khi nhắc đến đời sống văn hóa tâm linh của cư dân miền biển không thể không kể đến tục thờ cá Ông – một nét tín ngưỡng đặc sắc, vừa giản dị vừa thiêng liêng. Đối với ngư dân, cá Ông không chỉ là sinh vật biển khơi mà còn là hiện thân của lòng hướng thiện, của những điều tốt lành luôn đồng hành cùng họ trong hành trình mưu sinh trên biển cả mênh mông.
Tục thờ cá Ông và lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa (Ảnh: sưu tầm).
Trong tâm thức ngư dân, cá Ông là vị thần hộ mạng cứu nguy trong những lúc biển động, những lần thuyền gặp bão tố. Họ tin rằng cá Ông là biểu tượng của lòng từ bi, của sự bảo hộ như một vị Phật luôn phù hộ độ trì giúp họ ra khơi bình an, trở về với những mẻ cá đầy ắp. Từ sự kính trọng và biết ơn, người dân đã dần xây dựng nên tục thờ tự cá Ông, biến sinh vật này thành biểu tượng của lòng thành kính và niềm tin thiêng liêng.
Khánh Hòa – một trong những vùng biển giàu truyền thống văn hóa của Việt Nam hiện có hơn 50 nơi thờ tự cá Ông và nằm rải rác tại các huyện ven biển như Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Lâm, Cam Ranh, mỗi nơi đều gắn liền với những câu chuyện về lòng biết ơn và sự tôn kính. Mỗi khi cá Ông “lụy” (chết) trôi dạt vào bờ, ngư dân sẽ thực hiện nghi thức chôn cất cẩn thận và dựng lăng thờ. Những lăng thờ ấy không chỉ là nơi gửi gắm lòng thành mà còn là biểu tượng của sự gắn kết giữa con người với biển cả.
Không chỉ dừng lại ở các lăng thờ, tục thờ cá Ông còn được thể hiện qua lễ hội Cầu ngư – một trong những sự kiện lớn nhất của cư dân biển Khánh Hòa. Lễ hội không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh mà còn mang lại không gian văn hóa sống động với những nghi thức tế lễ trang nghiêm, các diễn xướng dân gian đặc sắc. Đây là dịp để ngư dân tưởng nhớ các bậc tiền hiền, hậu hiền – những người đã khai phá vùng đất, gầy dựng cuộc sống gắn bó với biển. Đồng thời, lễ hội cũng là lời cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa đánh bắt bội thu và sự bình an trong những chuyến ra khơi.
Tục thờ cá Ông và lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa (Ảnh: sưu tầm).
Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa thường được tổ chức vào mùa Xuân và sẽ kéo dài trong 2 ngày, còn vào các năm đại lễ thì sẽ diễn ra từ 4 đến 5 ngày. Lễ hội bao gồm cả phần lễ và phần hội với nhiều hoạt động sôi nổi như múa lân, múa rồng, hát tuồng và các trò diễn xướng dân gian. Một trong những nghi lễ quan trọng trong phần lễ là lễ rước sắc diễn ra vào buổi chiều trước ngày lễ Cầu ngư.
Lễ xổ quẻ là nghi lễ quan trọng khác trong lễ hội Cầu ngư, đặc biệt phổ biến ở ngư dân phường Vĩnh Trường. Lễ này diễn ra tại lăng Ông, miếu Bà hoặc ngay trên biển nhằm dự đoán về một năm mùa màng có bội thu hay không. Bên cạnh đó, lễ Nghinh Ông Nam Hải hay còn gọi là lễ Nghinh thủy triều được tổ chức khi thủy triều lên để rước linh hồn Ông Nam Hải về lăng nhân ngày giỗ của Ngài. Lễ này không có ngày cố định như những nghi lễ khác mà sẽ diễn ra vào thời điểm phù hợp với con nước thủy triều.
Lễ Tỉnh sanh hay còn gọi là lễ Thỉnh sanh là một nghi thức mang ý nghĩa đặc biệt. Được thực hiện sau lễ Nghinh Ông, lễ này nhằm thể hiện sự tôn kính đối với thần linh bằng một con heo khoẻ mạnh. Heo sẽ được cột bốn chân và đặt trên một chiếc ghế dài trước bàn thờ hương án. Sau lễ cúng, các nghi thức sẽ được thực hiện theo truyền thống, tuy nhiên ngày nay một số bước đã được điều chỉnh để giảm thiểu sự đau đớn cho con vật.
Tục thờ cá Ông và lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa (Ảnh: sưu tầm).
Tục thờ cá Ông mang giá trị không chỉ về mặt văn hóa mà còn về mặt tinh thần. Nó là biểu hiện của lòng biết ơn thiên nhiên, sự kính trọng đối với những điều thiêng liêng và niềm tin vào sự bảo trợ của biển cả. Đồng thời, tín ngưỡng này cũng lưu truyền những giá trị truyền thống, góp phần gắn kết cộng đồng và xây dựng tình đoàn kết giữa các thế hệ. Là một phần không thể thiếu trong đời sống của ngư dân miền biển, tục thờ cá Ông không chỉ là biểu tượng của niềm tin mà còn là minh chứng cho mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Những nét đẹp trong tín ngưỡng này cần được gìn giữ và phát huy không chỉ để bảo tồn di sản văn hóa mà còn để nhắc nhở chúng ta về lòng biết ơn đối với biển cả – nguồn sống của biết bao thế hệ con người Việt Nam.