Ngỡ ngàng vườn đào cổ thụ Tây Bắc trên cao nguyên Lâm Đồng

TPO - Kỳ công di thực hơn 200 cây đào cổ thụ từ Tây Bắc về Lâm Đồng làm nên vườn đào độc đáo có một không hai ở Tây Nguyên, khiến người thưởng ngoạn ngỡ ngàng.

TPO - Kỳ công di thực hơn 200 cây đào cổ thụ từ Tây Bắc về Lâm Đồng làm nên vườn đào độc đáo có một không hai ở Tây Nguyên, khiến người thưởng ngoạn ngỡ ngàng.

Vườn đào cổ thụ này ở thôn Đạ Tro (xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), cách trung tâm TP Đà Lạt 30km. Vườn nằm ven quốc lộ 27C, tuyến đường nối liền hai thành phố Đà Lạt và Nha Trang.

Vừa vào tới vườn, ai cũng sững sờ khi nhìn thấy khoảng 70 cây đào tuổi đời từ vài chục đến gần trăm tuổi đang nở hoa rực rỡ, màu hồng pha với sắc đỏ tươi thắm, lá tươi non mơn mởn nhưng thân xù xì, màu vỏ cây nâu sẫm, khác với những dòng đào thường.

Sự tương phản giữa nét xuân thì của hoa, lá và độ già lão của thân, cành lại khiến các “cụ” đào có vẻ đẹp lạ lẫm, ấn tượng.

Nhiều "cụ" đào cao tới 4m, thân xù xì

Ông Đỗ Quốc Anh, người có ý tưởng hình thành khu vườn này cho biết, trước đó, vào dịp Tết Nguyên đán 2023, trong lúc đi du lịch ở huyện Mộc Châu (Sơn La) thấy đào cổ thụ trên cao nguyên này quá đẹp nên đã chi hàng trăm triệu đồng mua một số cây về trồng tại Lâm Đồng. Nhìn thấy dáng thế của cây rất xuất sắc nên bạn bè góp ý nên trồng thành vườn cho khách tham quan. Ông Quốc Anh đã hợp tác với một số người khảo sát điều kiện đất đai, khí hậu…

Ông Quốc Anh chia sẻ, đã cùng nhóm bạn gom mua gần 500 cây đào lão của các nhà vườn từ các tỉnh miền núi Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu… Số cây này có đủ các kích cỡ, hình dáng, tuổi thọ. Đến nay họ đã cho di thực hơn 200 cây về Lâm Đồng.

Các chuyên gia tư vấn có thể di thực cây đào ở miền núi Tây Bắc về trồng ở huyện Lạc Dương bởi những nơi này đều có khí hậu ôn đới. Độ cao trung bình một số vùng ở Tây Bắc khoảng 1.100m, trong khi Lạc Dương khoảng1.400m, chênh lệch không lớn; mặt khác, đất đai ở Lạc Dương cũng thích hợp cho việc trồng đào.

Việc vận chuyển đào cổ thụ khá phức tạp bởi đường sá hiểm trở, xa xôi, cây cồng kềnh. “Chi phí vận chuyển 1 cây đào lão từ Tây Bắc vào Lạc Dương lên đến vài triệu đồng”, ông Quốc Anh chia sẻ. Đồng thời, các chủ nhân vườn đào ở Lạc Dương còn thuê một số người trồng đào chuyên nghiệp từ làng hoa Nhật Tân vào Lạc Dương để chăm sóc cây, ghép thêm nhiều chồi cho cây sai hoa và nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán.

Giống đào ghép này có nguồn gốc là đào rừng, hoa 5 cánh đơn, được người dân miền núi Tây Bắc mang về nhà trồng, chăm bón nên có sức sống mãnh liệt. Khi ghép mầm đào Nhật Tân vào, đào Tây Bắc sẽ cho hoa cánh kép, sai hoa và màu sắc thắm hơn.

Theo các chủ nhân khu vườn ở Lạc Dương, khoảng 500 cây đào lão sẽ được trồng hai bên con đường dài tới 1km trong khu vườn sinh thái rộng hàng chục héc ta. Các nhánh cây đan vào nhau tạo thành mái che bằng hoa cho du khách đi dạo bên dưới. Khi hòa mình vào khoảng không gian ấy, có cảm giác như đang ở nước Nhật xinh đẹp.

Hiện vườn đào cổ ở Lạc Dương đang ngập tràn sắc xuân, bạt ngàn sắc hồng lung linh trong nắng khiến người thưởng ngoạn say lòng. Vì các cây đào lão này cao từ 2-4m nên ông Quốc Anh cho thiết kế cây cầu khá dài và cao hơn 1m để người thưởng ngoạn thuận tiện ngắm hoa và chụp ảnh lưu niệm.

03 Tháng 02, 2024 1213

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành