Cao Lầu - Đặc Sản Hội An

Cao lầu là một món mì ở Hội An, đây được xem là món ăn đặc sản của thành phố Hội An Hãy nghe Quyên một travel blogger nổi tiếng bật mí .

1. Tìm hiểu về ẩm thực Cao Lầu Hội An nổi tiếng

Người dân Hội An truyền tai nhau rằng cao lầu đã xuất hiện ở nơi đây từ thế kỉ 17, khi cảng Hội An vừa được khai thông, cho phép thuyền buôn nước ngoài đến trao đổi hàng hoá. Người Nhật đã vào Hội An làm ăn trước, nhưng những nhân vật bám trụ trên nền đất cổ đến tận ngày nay lại là người Hoa. Tuy nói vậy, nhưng món cao lầu không có xuất xứ từ đất Hoa, cũng không phải là một món Nhật, nó là sự kết tinh của nhiều nền văn hóa ẩm thực.

Một số người cho rằng Cao lầu bắt nguồn từ Trung Hoa vì có thịt xá xíu, số khác lại cho rằng Cao Lầu bắt nguồn từ Nhật Bản vì có sợi mì giống mì Udon của đất nước này. Nhưng hai nước này đều phủ nhận nghi vấn đó. Cao lầu có lẽ là một món ăn được tổng hợp từ nhiều dân tộc.

Từng tên gọi, từng vị và từng thành phần trong đó chính là tinh hoa văn hóa ẩm thực của nhiều vùng miền được người dân phố Hội tổng hợp lại theo khẩu vị đặc trưng của xứ mình.

Có thể nói Cao lầu - đặc sản Hội An là món ăn hòa trộn giữa món bún và món phở, chỉ xuất hiện ở Hội An và một vài nơi ở Đà Nẵng và Huế, thế nên nếu đã du lịch Hội An Đà Nẵng, bạn nhất định bạn phải thưởng thức món ăn trứ danh này.

Mặc dù có vài nét tương đồng với mì Quảng nhưng cao lầu lại là món ăn được chế biến cầu kì và công phu hơn, đồng thời phải tuân thủ theo những nguyên tắc riêng của món ăn. Để sợi mì có màu vàng tự nhiên, hương vị thơm ngon phải dùng loại tro từ Cù Lao Chàm đem ngâm gạo như vậy mới tạo được độ dẻo, giòn và khô đặc trưng; sau đó, khéo léo chế biến thành những sợi dài khoảng 10cm và dày 0,5cm với màu vàng nhạt.

Nước để nhào bột làm cao lầu phải được lấy từ giếng cổ Bá Lễ, bởi độ phèn trong nước pha vào bột mới làm cho sợi cao lầu dẻo và chắc. Nhiều chủ hàng cao lầu khi chuyển đi khỏi Hội An dù muốn làm món ăn này để bán cũng không thể được vì không có thứ nước giếng độc đáo kia.

Khi nấu, nên ngâm sợi cao lầu vài giờ đồng hồ với nước rồi vớt ra rửa sạch, đặc biệt phải luộc bằng nước giếng Bá Lễ nổi tiếng về độ không phèn nấu sôi cho tới khi sợi mì khô chín. Do đó, sợi mì luôn giữ được độ mềm và dai ngon.

Trong các công đoạn làm sợi cao lầu thì cách nhồi cho bột dẻo mà lại khô là bí quyết quan trọng nhất, quyết định chất lượng của sản phẩm. Khác với các loại mì, phở, bánh đa, người dân không làm cao lầu bằng cách tráng bột mà sau khi nhồi, bột cao lầu sẽ được cán mỏng rồi đem hấp cách thủy. Khi đã chín, bột mới được đem xắt thành từng sợi to.

                                                                               Hình ảnh sưu tầm

Ngoài ra, nguyên liệu chính để làm cho món cao lầu trở nên hấp dẫn đó là nước xíu, thịt xíu, một ít tép mỡ hoặc cao lầu thái vuông chiên giòn. Để làm thịt xíu thì phải chọn loại thịt đùi heo nạc, ướp với các loại gia vị như đường, muối, ngũ vị hương, bột nêm, nước tương, tỏi giã nhuyễn… và để lâu cho ngấm.

                                                                                   Hình ảnh sưu tầm

Sau đó, đem chiên vàng hai mặt trên lửa nhỏ và đổ nước ướp thịt vào cho đến khi miếng thịt thấm đều nhưng nước vẫn còn đặc sệt. Nước thịt xíu sẽ được dùng làm nước trộn với cao lầu. Đối với tép mỡ thì làm bằng da heo chiên giòn hoặc bột làm bằng sợi cao lầu. Khi ăn, sẽ cho sợi cao lầu vào tô, cắt thịt xíu xếp lên trên, rưới nước xốt thịt xíu và thêm chút nước mắm cho đậm đà.

Một trong những thành phần quan trọng không thể thiếu trong món ăn cao lầu ở Hội An đó là những loại rau. Món ăn này có thể ăn kèm với 12 loại rau khác nhau như: khế chua, dưa leo, bắp chuối, cải non, diếp cá, xà lách, giá, ngò, rau đắng, cải cúc, rau quế, rau thơm.

                                                                   Hình ảnh sưu tầm

Khi thưởng thức cao lầu phải trộn thật đều cho thấm gia vị. Cao lầu thường được ăn cùng bánh đa nướng. Điều đặc biệt nữa của Cao Lầu là món ăn đặc sản Hội An không có nước dùng, chỉ có hai, ba thìa nước sốt nên giữ được hương vị béo ngậy, đậm đà. Ai thích ăn đậm đà có thể rưới thêm nước mắm hoặc nước tương.

                                                                                   Hình ảnh sưu tầm


2. Những địa điểm ăn Cao Lầu tại Hội An

Cao lầu Không Gian Xanh Hội An

• Địa chỉ: Số 687 đường Hai Bà Trưng, ngay trung tâm TP. Hội An, Quảng Nam

• Giờ mở cửa tham khảo: 9:30 – 21:00

Nếu bạn đang băn khoăn ăn cao lầu Hội An ở đâu ngon thì có thể đến ngay quán Không Gian Xanh. Món ăn ở đây được chế biến chuẩn vị xứ Quảng. Ngoài ra, không gian xanh, cách phục vụ tận tình cũng khiến nhiều thực khách muốn quay lại nhiều lần khi đến đây.

Cao lầu cô Liên

Địa chỉ: 21 Thái Phiên, Phường Minh An, Thành Phố Hội An, Quảng Nam

Giờ mở cửa: 06:30 – 19:30

Quán cao lầu Hội An này đã bán hơn 30 năm từ một gánh hàng rong nhỏ len lỏi khắp khu phố cổ nay đã là một quán ăn tuy đơn sơ nhưng luôn nườm nượp khách đến ăn. Cao lầu cô Liên mang hương vị đậm đà chuẩn vị là quán ăn quen thuộc của người dân địa phương và cả du khách.

Cao lầu Bà Bé

Địa chỉ: Khu ẩm thực chợ Hội An, Trần Phú, Thành Phố Hội An, Quảng Nam

Giờ mở cửa: 14:30 – 22:00

Quán Bà Bé chỉ là một quầy hàng nhỏ trong khu chợ Hội An, tuy vậy, với nhiều khách du lịch, đây cũng là địa chỉ ăn uống rất quen thuộc. Phần cao lầu dai mềm được ăn kèm với thịt xá xíu, thịt heo chiên, đậu phộng, các loại rau. Bên cạnh đó, nước lèo cũng được chủ quán pha chế thơm ngon, vừa miệng.

                                                                 Hình ảnh sưu tầm

Cao Lầu Hội An là món ăn đặc sắc của ẩm thực vùng đất này. Đến với vùng đất xứ Hội thân thương này, bạn đừng quên tìm cho mình một quán cao lầu để thưởng thức hương vị độc đáo qua sự mộc mạc và đơn giản như chính con người nơi đây. Hãy lưu lại những địa chỉ trên và trải nghiệm nay khi đến với Hội An nhé!

03 Tháng 08, 2024 350

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành