Về Định Hoá ăn xôi ngũ sắc – khám phá ẩm thực ATK

Ẩm thực Định Hóa là sự kết hợp hài hòa giữa hương vị đồng quê và văn hóa ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Tày và Nùng. Hãy nghe Ma Thanh Thuỷ (Thái Nguyên) một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Đến Thái Nguyên, về ATK Định Hoá dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm Bác trên đỉnh Đèo De – núi Hồng du khách lúc nào cũng thấy trên ban thờ có một mâm xôi ngũ sắc. Xôi ngũ sắc không chỉ là lễ vật của người dân Định Hoá dâng lên Người mà còn là món ăn mang đậm hơi thở của vùng quê cách mạng này.

1. Xôi ngũ sắc:

Xôi ngũ sắc của người Tày Định Hóa có 5 màu, trắng - xanh - tím thẫm - đỏ - vàng.

Theo quan niệm phong thuỷ thì 5 màu này tượng trưng cho ngũ hành. Màu trắng là Kim, màu xanh là Mộc, màu tím thẫm là Thủy, màu đỏ là Hỏa và màu vàng là Thổ. Mọi vật chất trong vũ trụ đều do 5 hành đó tương sinh, tương khắc tạo nên, mà tồn tại và phát triển.


Ngoài việc tượng trưng cho thuyết âm dương Ngũ hành thì theo quan niệm của người Tày, 5 màu này được ghép trên một mâm xôi cũng thể hiện khát vọng yêu thương, tình yêu son sắt thuỷ chung, lòng yêu mẹ kính cha của con cái.

Theo tiếng Tày Định Hoá “Khẩu” là cơm. Khẩu khiêu là cơm xôi xanh tượng trưng cho màu xanh của núi rừng Định Hóa. Khẩu nón là cơm xôi trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng thuỷ chung. Khẩu cắm lanh là cơm xôi đỏ tượng trưng cho khát vọng. Khẩu cắm lăm là cơm xôi tím tượng trưng cho trái đất trù phú. Khẩu cắm hương là cơm xôi vàng tượng cho sự no ấm đủ đầy.

Cách làm xôi ngũ sắc đòi hỏi sự khéo léo trong việc chọn nguyên liệu, từ khâu chọn lá nhuộm màu đến việc đồ xôi để đảm bảo xôi dẻo, thơm, và giữ được màu sắc tươi sáng, hài hòa.

Nguyên liệu để nấu xôi phải là gạo nếp Định Hóa, hạt mẩy, trong và tròn. Màu xanh lấy từ lá dứa hoặc lá gừng, màu vàng lấy từ nghệ, màu tím lấy từ lá nếp cẩm hoặc lá cơm đen, màu đỏ lấy từ gấc hoặc lá cơm đỏ. Trước khi nhuộm màu xôi, gạo nếp vo sạch đem ngâm trong nước lã từ 6 – 8 tiếng để hạt gạo có độ nở vừa phải.


Ngoài hương vị thơm ngon, béo ngậy, hấp dẫn bởi màu sắc, chất của loại lá cây rừng, còn có tác dụng chữa bệnh đường ruột và bồi bổ sức khỏe rất tốt. Món ăn này không chỉ đẹp mắt mà còn rất ngon miệng, thường được ăn kèm với thịt gà, lạp xưởng, hoặc các loại chả.

2. Cơm lam Định Hoá:

Cơm lam Định Hóa là một món ăn của người dân tộc Tày ở vùng Định Hóa, Thái Nguyên, nổi tiếng bởi cách chế biến độc đáo và hương vị đặc trưng.

Muốn có cơm lam ngon, người nấu phải có loại gạo nếp ngon, chính là thứ nếp cái hoa vàng trồng trên nương, hàng năm thu hoạch vào khoảng tháng 9, tháng 10. Thứ nếp mười hạt như cả mười, tròn căng đem nhặt hết sạn, ngâm qua nước ấm.

Cơm lam được nấu trong ống tre, trúc hoặc nứa non, nhờ đó hạt gạo nếp thơm ngậy được hấp chín và ngấm hương thơm của ống tre, tạo nên vị dẻo, thơm, ngọt tự nhiên.


Món cơm lam có thể ăn kèm với muối vừng, thịt nướng, hoặc các món ăn đặc sản vùng núi khác như thịt lợn quay, thịt gà đồi. Cơm lam Định Hóa không chỉ là một món ăn ngon mà còn rất giản dị, nó gắn liền với đời sống của người dân vùng quê cách mạng ATK bởi vậy nó sẽ khiến cho du khách khó quên nếu có dịp thưởng thức.

3. Quả cọ và quả trám:

Quả cọ và quả trám là hai loại quả đặc sản của vùng núi phía Bắc, có rất nhiều ở ATK Định Hoá. Hai loại quả này đều được dùng phổ biến trong ẩm thực dân tộc nhờ hương vị độc đáo rất riêng và có nhiều công dụng.

* Quả cọ: Khi còn xanh thường được hái vào đầu mùa, có thể nướng hoặc đồ lên để ăn. Khi chín cọ xanh chuyển sang màu đen, thịt cọ dẻo, bùi và béo, có vị đặc trưng thơm ngậy, rất dễ ăn.

Cọ chín thường được chế biến bằng cách trần sơ qua nước ấm (ỏm), đồ hoặc nướng. Hương vị thơm bùi của quả cọ hòa quyện với một chút vị ngậy đã tạo nên một món ăn dân dã nhưng rất hấp dẫn, thường được dùng như một món ăn vặt hoặc món khai vị trong bữa cơm gia đình.


* Quả trám: Có hai loại là trám trắng và trám đen:

            - Trám trắng: Quả màu xanh, hình thuôn dài, vị chua nhẹ. Thường được dùng để nấu canh chua, kho cá, hoặc muối dưa.

            - Trám đen: Có màu tím đen, vị béo và bùi. Trám đen thường được om với thịt ba chỉ, kho cùng cá, hoặc đồ xôi trám đen. Trám đen còn được dùng để chế biến thành các món như trám om, trám muối, hoặc dùng làm nhân bánh trám – món bánh truyền thống của nhiều dân tộc vùng cao.

Cả 2 loại quả này có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và chứa nhiều vitamin, khoáng chất rất tốt cho sức khỏe.


4. Măng rừng:

Măng là phần mầm non của cây tre, nứa hoặc các loài thuộc họ tre nứa khác. Đây là một nguyên liệu phổ biến trong ẩm thực Việt Nam, đặc biệt được ưa chuộng ở các vùng núi phía Bắc, nơi cây tre và nứa mọc nhiều.

Có nhiều loại măng khác nhau, mỗi loại có đặc điểm riêng phù hợp với cách chế biến khác nhau của từng món ăn.

Ở vùng núi Định Hoá, phổ biến nhất là măng đắng và măng nứa.

* Măng đắng: Khi tiết trời còn xuân, lúc này măng chưa đắng nhiều mà ngòn ngọt. Vị ngọt, giòn rất riêng của núi rừng. Khi chuyển giao giữa hai mùa mưa, trời bắt đầu có sấm thì măng mọc cao lên, tai măng xanh và đắng rất nhanh.

Măng đắng có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Cách đơn giản nhất là luộc măng chấm với muối ớt hoặc mắm tôm chanh, đánh sủi bọt. Thả vào nồi nước luộc một nhúm muối sẽ khiến măng bớt đắng hơn. Sự kết hợp giữa vị đắng của măng cùng vị cay nồng, đậm đà của muối ớt hay mắm tôm đã làm chiều lòng ngay cả những du khách khó tính nhất về ẩm thực. Ngoài cách luộc, măng đắng còn được chế biến thành các món như măng xào tỏi, măng hầm xương, hấp cuốn thịt vịt hoặc thịt lợn…


* Măng nứa: Cứ vào độ khoảng tháng 7 cho tới tầm tháng 9 âm lịch là khoảng thời gian măng nứa vào đúng mùa nên ăn ngon và mềm nhất. Măng nứa có ngọn nhỏ thường chỉ tầm to hơn ngón chân cái một chút, măng đã bóc vỏ có màu trắng nõn vô cùng đẹp mắt.

Măng nứa có vị ngọt, giòn, có thể chế biến thành nhiều món ăn như: măng nứa xào thịt, măng nứa nấu canh, măng nhồi thịt, măng luộc chấm mắm ớt... đều rất thơm ngon, hấp dẫn.


Ẩm thực Định Hóa là sự kết hợp hài hòa giữa hương vị đồng quê và văn hóa ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Tày và Nùng. Các món ăn của Định Hóa nổi bật với nguyên liệu tự nhiên từ rừng núi và phương pháp chế biến thủ công, mang đến hương vị đậm đà, lạ miệng.

Hãy đến ATK thăm những di tích lịch sử các mạng và thưởng thức ẩm thực nơi đây nhé, chắc chắn bạn sẽ không thất vọng đâu.

26 Tháng 10, 2024 129

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành