Suối khoáng nóng Hua Pe là địa điểm lý tưởng để thư giãn và hòa mình vào không khí trong lành, nguyên sơ ở thành phố Điện Biên. Thời gian gần đây suối khoáng nóng Hua Pe trở thành điểm đến được nhiều du khách yêu thích. Với vị trí chỉ cách trung tâm thành phố Điện Biên 5 km, tọa độ này dần nhận được sự quan tâm của nhiều người. Đường sá đến đây khá dễ đi, chỉ cần đi qua cầu Mường Thanh, qua đồn biên phòng Pa Thơm là đến. Khu tắm khoáng này nằm ở xã Thanh Luông, ngay gần trung tâm thành phố nên thích hợp với du khách là người bản địa và cả những du khách phương xa. Bạn sẽ có những khoảng thời gian được nghỉ ngơi, được thư giãn thoải mái cùng người thân, bạn bè khi đến khu suối khoáng nóng này. Suối khoáng nóng Hua Pe tuy đã được quy hoạch thành một địa điểm du lịch Điện Biên khá bài bản. Song con suối này vốn có nguồn gốc tự nhiên, được mẹ thiên nhiên ban tặng một nguồn nước dồi dào khoáng chất tốt cho sức khỏe. Ở đây, nhiệt độ nước khoáng dao động ở mức 60 độ C, quanh năm ấm áp, dễ chịu. Vì thế nếu bạn không biết chơi gì ở Điện Biên, hãy dành ít thời gian đi tắm khoáng. Nơi đây được bố trí các hồ nước nóng và suối khoáng để du khách có thể có những phút giây được ngâm mình dưới làn nước, thư giãn toàn bộ các cơ trên cơ thể và để đầu óc được nghỉ ngơi. Khu vực tắm khoáng tại suối khoáng nóng Hua Pe bố trí ở ngay vị trí đầu nguồn để tiện cho du khách trải nghiệm. Đây là nơi có các bể chứa lớn với dung tích đến hơn 100 m3, ngoài ra còn nhiều bề bơi đôi và các công trình phụ để phục vụ du khách đến Hua Pe tắm khoáng. Ai cũng biết tắm khoáng là một hoạt động tốt cho sức khỏe. Ngâm mình trong làn nước khoáng nóng ấm áp, cơ thể sẽ đào thải độc tố, các cơ được giãn ra và tinh thần cũng được thảnh thơi hơn hẳn. Sau những ngày học tập hay làm việc căng thẳng thì đi tắm khoáng là một hoạt động rất tuyệt vời. Bên cạnh đó, tắm khoáng nóng còn cải thiện đáng kể các vấn đề về cơ khớp, thần kinh, hỗ trợ làm đẹp da thông qua việc kích thích máu huyết lưu thông. Tắm khoáng gần như phù hợp với mọi người, dù là người trẻ hay người có tuổi thì đây cũng là một hoạt động tốt mà ai cũng nên trải nghiệm. Chính vì những lợi ích này mà suối khoáng nóng Hua Pe không chỉ thu hút du khách bản địa mà còn thu hút khách quốc tế đến đây. Ngoài ra, tại khu du tắm khoáng này còn có thêm những hoạt động giải trí dưới nước, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách du lịch. Đến đây, bạn vừa được nâng cao sức khỏe, vừa được trải nghiệm không gian hoang sơ, trong lành, thoải mái. Ở các tỉnh phía Bắc nước ta có nhiều khu tắm khoáng nóng nổi tiếng và Hua Pe cũng dần được biết đến nhiều hơn. Nước suối khoáng ở đây được Viện Y học kiểm nghiệm an toàn và tốt cho sức khỏe con người. Vì thế, nước không chỉ dùng cho mục đích tắm mà người dân địa phương còn tận dụng để sinh hoạt hàng ngày. Có dịp đến suối khoáng nóng Hua Pe, ngoài tắm khoáng, bạn hãy dành thêm ít thời gian để thăm thú cảnh đẹp, thiên nhiên nơi này. Không gian quanh khu tắm khoáng tuy không quá lộng lẫy nhưng sự bình yên, trong lành và dễ chịu sẽ mang đến bạn những cảm giác thư thái, dễ chịu nhất. Ngoài khám phá suối khoáng nóng Hua Pe, du khách còn có thể dành thời gian khám phá các điểm đến ở Điện Biên khác cũng nằm gần đó. Nổi tiếng nhất phải kể đến đồi A1 lịch sử, cánh đồng Mường Thanh, thành Bản Phủ, cầu Hang Tôm,… Nếu đi xa hơn đôi chút, du khách có thể thăm đèo Pha Đin, cực Tây A Pa Chải,…Ngoài trải nghiệm các địa điểm du lịch, du khách đừng quên thưởng thức các món ngon đặc sản của phố núi Điện Biên. Địa phương này có nhiều món ngon nổi tiếng như gà đen Tủa Chùa, thịt trâu gác bếp, xôi nếp nương, xôi chim, rượu sâu chít, chè shan tuyết,… Phải một lần ăn thử các món ngon này để cảm nhận trọn vẹn hương vị của miền đất Tây Bắc. Suối khoáng nóng Hua Pe tuy là một điểm đến còn mới mẻ nhưng rất phù hợp để trải nghiệm, nhất là những ai muốn được thư giãn thoải mái hoặc muốn có một hoạt động thú vị trong chuyến vi vu Điện Biên của mình. Chắc hẳn rằng sau khi tắm khoáng, bạn sẽ thấy cơ thể dễ chịu hơn, tinh thần cũng tốt hơn, sẵn sàng cho nhiều hành trình sắp tới. Nếu bạn có cơ hội đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Điện Biên, chớ vội bỏ qua địa điểm hấp dẫn, tuyệt vời này nhé – suối khoáng nóng Hua Pe Điện Biên. Khi đến đây, bạn có thể thư giãn, sống hòa mình cùng với thiên nhiên tuyệt vời và cùng cảm nhận cuộc sống nơi đây bình yên biết nhường nào.
Điện Biên
Từ tháng 01 đến tháng 03
266 lượt xem
Điện Biên vùng cực Tây của Tổ quốc, nổi tiếng với sự đa dạng văn hóa của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn. Với những nét đặc trưng văn hóa vô cùng đặc sắc, để giữ gìn cũng như quảng bá văn hóa của bà con dân tộc nơi đây. Điện Biên đã kết hợp với bà con bản làng địa phương hình thành nên những khu du lịch cộng đồng đậm đà bản sắc văn hóa. Một trong những điểm tham quan văn hóa mà du khách không thể bỏ qua khi đến du lịch Điện Biên đó chính là Bản Che Căn. Nơi không gian sống của hàng trăm căn hộ dân tộc Thái Đen. Đến đây, bạn nhất định sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự hiếu khách, cách làm du lịch của người dân và chính quyền. Nằm ở xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Bản Che Căn là nơi sinh sống của hơn 100 hộ dân đồng bào dân tộc Thái đen. Ngôi bản nhỏ nằm trên dãy núi Pú Đồn, mà cao nhất là đỉnh Pú Huốt với độ cao 1,7 km so với mặt nước biển, chính vì vậy vào năm 1954 đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho đặt một đài quan sát bên dưới thung lũng Điện Biên Phủ góp phần vào chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Bản Che Căn nằm ẩn mình trên ngọn núi cao, trong rừng sâu của miền Tây Bắc, vậy nên cuộc sống của người dân yên bình, lẳng lặng qua ngày tựa những đám mây trôi hững hờ trôi bên ngọn núi hùng vĩ kia. Đến với bản Che Căn, bạn được tìm hiểu về văn hóa, những phong tục truyền thống lâu đời của đồng bào người Thái, những mái nhà sàn hình mai rùa quen thuộc, cùng không gian văn hóa đặc sắc chắc chắn sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn với nhiều du khách. Đến với Che Căn, du khách sẽ được tìm hiểu khám phá, tìm hiểu những kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Thái đen, trang phục, tín ngưỡng, lễ hội, các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, mộc, làm nhạc cụ truyền thống…Chiêm ngưỡng hình ảnh cô gái Thái bên nếp nhà sàn mang đậm nét Tây Bắc và rồi thưởng thức các món ăn, ẩm thực dân tộc qua những bàn tay khéo léo của những người con sinh ra và lớn lên tại bản chế biến. Xôi nếp nương thơm lừng với hạt nếp tròn mẩy, Cá nướng (Pa pỉnh tộp) vừa ngọt vừa chắc; thịt xiên nướng cả bì không chỉ giòn mà còn đậm đà lại không hề ngấy; lạp xưởng thì chắc chắn ngoài vùng Tây Bắc này hương vị du khách sẽ chẳng thể tìm thấy ở đâu khác,…Sau màn thưởng thức ẩm thực là đến tiết mục giao lưu văn hóa mà du khách sẽ thấy rất thú vị khi được tham gia, đó là nghe hát dân ca Thái, xem múa xòe, múa sạp, …. và cùng người dân tộc nơi đây chơi những trò chơi dân gian truyền thống. Bản Che Căn hiện lên bình dị và gần gũi với những căn nhà sàn bằng lá của người Thái Đen. Hướng nhà của họ thường là dựa núi, hướng ra sông, đồng và được dựng ở nơi cao ráo, có những mái nhà vẫn giữ hình Khau Cút - biểu tượng cho một nền văn minh lúa nước, tìm hiểu chiêm ngưỡng điệu múa xòe truyền thống, điệu múa sạp nổi tiếng, tìm hiểu về những lễ hội của đồng bào Thái như: Lễ hội Xên bản; lễ Kin lau không; dân ca Thái, múa khèn Piêu,.. Bên cạnh đó, bản Che Căn sở hữu khung cảnh thiên nhiên nên thơ, hữu tình bạn hãy trải nghiệm đi xe trâu tham quan quang cảnh đường sá, quang cảnh với cánh đồng lúa chín ngả vàng cúi đầu như đang chào những vị khách phương xa tới với ngôi bản nhỏ Che Căn, từng làn gió thoang thoảng lướt qua mang theo hương lúa thơm non mùi sữa nhẹ nhàng, dễ chịu. Thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 chính là lúc thích hợp nhất để thực hiện chuyến tham quan Bản Che Căn. Bởi lúc này thời tiết vào xuân, không khí trong lành, thoáng mát, phe phẩy một chút mưa nhỏ đầu xuân thắm tươi, thời điểm mùa xuân cũng vào độ hoa Ban bung nở khắp các đồi núi trên nẻo đường Tây Bắc cũng như bản Che Căn. Hoa ban một trong những biểu tượng của miền Tây Bắc, loài hoa trắng tinh khôi, trong trẻo hơn bạch ngọc tựa như một tâm hồn vô ưu, trong suốt như tâm hồn cô gái Mường trong câu chuyện cổ tích về hoa ban trắng này vậy. Và rồi, chỉ cần hình dung ra cảnh con người nhỏ bé giữa những ruộng bậc thang mênh mông, chênh vênh giữa đồng lúa vàng ruộm vào vụ mùa, hay cảm giác nhìn thấy hoa Ban nở trắng một góc núi rừng Tây Bắc, là người yêu du lịch, yêu thiên nhiên, yêu những cái bình dị, sâu lắng bình yên thì chắc chắn du khách sẽ chẳng thể cầm lòng mà ghé thăm nơi này thêm lần nữa.
Điện Biên
Từ tháng 01 đến tháng 03.
236 lượt xem
Mỗi độ xuân về, đất trời Điện Biên lại khoác lên mình lớp áo hồng tươi thắm, vườn anh đào Mường Phăng nở rực trong nắng sớm ban mai làm du khách đắm say giữa khung cảnh nên thơ và ngọt ngào này. Từ thành phố Điện Biên Phủ xuôi về hồ Pá Khoang khoảng 20km, ngồi ca nô thêm 10 phút nữa là đến vườn anh đào Mường Phăng. Từ đằng xa, du khách có thể nhìn được cả một vùng anh đào nở rộ. Hàng ngàn gốc đào (trong đó có hơn 50 gốc đào lớn giống Higan Sacura) đang khoe sắc thắm làm say lòng người lữ khách. Trên Hồ Pá Khoang mênh mông sóng nước, du khách sẽ được nghe kể về nguồn gốc và những câu chuyện thú vị về “Đảo hoa” lớn nhất Điện Biên này. Nhắc đến vườn hoa anh đào Mường Phăng, chúng ta phải nói đến ông Trần Lệ - người đã tạo nên vườn hoa xinh đẹp này. Trần Lệ là một người lính đã về hưu, quê gốc ở Hải Phòng nhưng có nhiều năm gắn bó với mảnh đất Đà Lạt. Ngay từ rất sớm, ông đã yêu thích nghiên cứu các giống hoa và khao khát đưa giống anh đào lên trồng ở Điện Biên. Trong khoảng 1 năm bền bỉ, miệt mài nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu, ông đã chọn đảo Mon thuộc xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên) để trồng hoa anh đào. Đảo Mon nằm giữa lòng hồ Pá Khoang, nơi đây được bao bọc bởi các cánh rừng nguyên sinh trù phú, khí hậu quanh năm mát mẻ và không bị ảnh hưởng của sương muối, mưa đá. Vì thế, đây là vùng đất lý tưởng nhất để nhân trồng và nhân giống hoa anh đào. Giống hoa đầu tiên được ông ươm trồng là hoa anh đào do Ðại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội tặng hạt giống. Từ hạt giống này, ông đã chăm sóc tỉ mỉ để cây ra hoa thành những chùm lớn chỉ sau 5 năm trồng. Từ 9 cây ban đầu, ông đã nhân giống và phủ kín đảo với hơn 4.000 cây hoa anh đào từ bé đến lớn. Từ một hòn đảo hoang vu ít người lui tới, đến nay, đảo hoa này đã trở nên rực rỡ, thơ mộng với hàng nghìn gốc đào nở rộ. Hằng năm, mỗi độ xuân về, vườn anh đào Mường Phăng đón hàng trăm lượt khách đến đây tham quan và chụp ảnh. Trong đó giới trẻ và cả du khách quốc tế. Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, đảo hoa sở hữu nhiều giống hoa anh đào nổi tiếng của đất nước Nhật Bản xinh đẹp. Vào mùa hoa nở, hàng trăm cây trổ bông rực rỡ, hoa nở rộ từ tháng 1 Dương lịch. Những cánh hoa mảnh mai, màu hồng động lung linh trước gió như kéo cả mùa xuân về. Hoa nở thành chùm đẹp khiến du khách say đắm mãi không thôi. Đứng dưới các gốc đào khẳng khiu, xung quanh là một màu hồng thắm của cánh hoa đào. Du khách có thể chụp hình, check-in tại vườn anh đào Mường Phăng để lưu lại những khoảnh khắc ngọt ngào và lãng mạn này. Giữa bốn bề sóng nước, những bông hoa đào thi nhau nở rực giữa đại ngàn Tây Bắc tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Ngoài những chùm hoa thi nhau khoe sắc, mỗi khi có gió nhẹ thổi qua, cánh hoa hồng mỏng manh lại rung rinh trước gió, thi thoảng những cánh hoa “nghịch ngợm” rơi xuống mặt đất tạo nên khung cảnh lãng mạn và tràn đầy sức sống. Không có một nơi nào trên dải đất hình chữ S, du khách có thể ngắm nhìn vườn hoa đẹp mê hồn như vậy. Mảnh đất Mường Phăng chính là thiên đường cho các loài hoa xứ xở ôn đới, nơi hội tụ đầy đủ các thế mạnh về thổ nhưỡng, khí hậu tốt để tạo ra vườn hoa anh đào đẹp say đắm lòng người. Khi gió nhẹ thổi qua, những cánh hoa sẽ bay trong gió, chỉ cần đưa bàn tay lên là có thể hứng trọn những cánh hoa bé nhỏ, mềm mại kia. Lúc ấy, du khách có thể thoải mái quay phim, chụp ảnh “sống ảo” giữa cảnh đẹp hiếm có này. Kinh nghiệm thăm quan vườn anh đào Mường Phăng là du du khách nên chuẩn bị máy ảnh hoặc điện thoại chụp hình đẹp, đừng quên chuẩn bị trang phục thật đẹp để có những bức hình đẹp nhất. Khi đất trời sang xuân, hoa đào sẽ nở đón mùa xuân lớn, khi ấy, du khách từ khắp nơi trên mọi miền đất nước lại tìm về Mường Phăng, tìm về mảnh đất trù phú để được thả hồn phiêu lãng cùng vườn đào thơ mộng. Vườn đào rực rỡ hòa cùng cái se lạnh của đất trời, du khách sẽ lắng nghe được những thanh âm ngọt ngào của cuộc sống, thoải mái và an nhiên. Trong không khí trong lành và dịu êm của buổi sớm ban mai, giới trẻ có thể lang thang trên khắp đảo hoa để ngắm nhìn những hạt sương đêm vẫn còn vương trên lá, lúc mặt trời lên, vườn đào như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài, các vạt nắng ấm áp càng tô điểm thêm vẻ đẹp của những chùm hoa. Vừa ngắm cảnh, vừa chụp hình, vừa có thể tìm hiểu và nghe kể về các giống đào quý nơi đây. Ở vùng đất Tây Bắc, đâu đâu cũng có hoa đào cũng khoe sắc, thế nhưng, không có nơi nào có hoa đẹp, diện tích rộng và nhiều giống đào quý như ở Mường Phăng. Vẻ đẹp thơ mộng của loài anh đào Edohigan Sakura hòa cùng tiết trời mát mẻ sẽ tạo nên không gian hữu tình và mộng mơ. Nếu có kế hoạch du lịch Điện Biên, đừng quên ghé thăm vườn anh đào Mường Phăng nhé!
Điện Biên
Từ tháng 01 đến tháng 03.
169 lượt xem
Cánh đồng Mường Thanh lớn nhất Tây Bắc là vựa gạo nổi tiếng của miền Bắc nước ta, sở hữu cảnh đẹp bao la, bát ngát và mang lại nhiều trải nghiệm du lịch lý thú cho du khách. Cánh đồng Mường Thanh là cánh đồng lúa lớn nhất vùng Tây Bắc, lớn hơn cả Mường Lò, Mường Than và Mường Tấc. Nơi đây là vựa lúa trù phú của tỉnh Điện Biên, rộng hơn 140 km2 và nằm ở độ cao hơn 400 mét so với mực nước biển. Cánh đồng này trải dài khoảng 20 km và rộng khoảng 6 km. Có dịp đi du lịch Điện Biên, nhất định bạn phải dừng chân ở Mường Thanh để chiêm ngưỡng một thung lũng mênh mông trải rộng từ Nghĩa Lộ đến Điện Biên, lần lượt đi qua 12 xã Thanh Minh, thị trấn Điện Biên, Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn, Noong Luống, Thanh Yên, Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Luông và Thanh Nưa. Cánh đồng Mường Thanh được bao bọc bởi dòng Nậm Rốm và những ngọn núi cao trập trùng, vẽ nên một tác phẩm sơn thủy hữu tình đẹp mãn nhãn. Ngoài ý nghĩa về nông nghiệp, cánh đồng lúa bao la này còn đóng góp vào sự phát triển của du lịch địa phương. Nơi đây trở thành điểm đến ở Điện Biên rất hút khách của tỉnh. Đến thăm cánh đồng Mường Thanh Điện Biên, du khách sẽ choáng ngợp trước một khung cảnh quá đỗi xinh đẹp, hùng vĩ, tráng lệ nhưng cũng rất bình yên. Chỉ có trực tiếp đến đây, nhìn thấy đồng lúa mênh mông bạt ngàn, xa xa là núi đồi trùng điệp bạn mới cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của vùng đất này. Du khách có rất nhiều hướng để tiếp cận cánh đồng lúa bao la này. Tuy nhiên dù đi từ đường nào, bạn cũng sẽ được nhìn thấy một Mường Thanh đẹp yêu kiều, diễm lệ. Đẹp nhất là khi nhìn cánh đồng lúa từ trên cao xuống, thông qua hình ảnh của flycam. Toàn bộ những thửa ruộng nối tiếp nhau, những con đường ngoằn ngoèo đều tạo nên khung cảnh vô cùng độc đáo, ấn tượng. Cánh đồng Mường Thanh mùa nào cũng đẹp nhưng đẹp đỉnh cao là vào tháng 9 khi những thửa ruộng xanh rì bắt đầu chuyển sang sắc vàng rực đẹp mắt. Nơi đây với địa hình là thung lũng nên không có ruộng bậc thang như Hoàng Su Phì hay Mù Cang Chải. Tuy nhiên không vì thế mà đồng lúa này kém đẹp. Mùa lúa chín, Mường Thanh như một tấm áo choàng khổng lồ với gam màu vàng rực hút mắt. Bao quanh đồng lúa là những ngọn núi, những vạt rừng xanh rì, tạo nên một khung cảnh hết sức mãn nhãn. Bất kỳ góc nào trên đồng lúa cũng là background đẹp để du khách đứng vào và chụp ảnh. Nếu bạn là một tín đồ đam mê du lịch và có đầy đủ các thiết bị như flycam, drone, … bạn nhất định phải chụp nhiều ảnh đẹp từ trên cao để thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của cánh đồng lúa lớn nhất Tây Bắc này. Một gam màu rực vàng thắm tươi, một khung cảnh hết sức bình yên khiến bạn thêm yêu cảnh đẹp quê hương Việt Nam. Về cánh đồng Mường Thanh, du khách sẽ có rất nhiều hoạt động đáng nhớ như khám phá cảnh đẹp mùa lúa chín vào tháng 9 và tháng 10. Bạn có thể dành thời gian dạo quanh những ruộng lúa vàng óng, hít hà mùi lúa thơm trong nắng hay thỏa sức săn những bức ảnh sống ảo đẹp nao lòng. Ngoài trải nghiệm ngắm cảnh, đi dạo hay chụp ảnh, về với Mường Thanh còn là cơ hội để bạn hiểu hơn về lịch sử hào hùng của vùng đất Điện Biên. Đây là nơi từng diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 lẫy lừng. Trong đó, lòng chảo Mường Thanh là căn cứ điểm có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến đấu. Đặc biệt, khi về với cánh đồng Mường Thanh, bạn còn được thưởng thức những bữa cơm ngon nấu từ loại gạo Mường Thanh rất đặc biệt. Đây là loại gạo hạt nhỏ, ngắn và có mùi thơm đặc trưng. Gạo khi nấu thành cơm sẽ có vị dẻo ngọt đậm đà, màu trắng rất đẹp mắt. Với gạo Mường Thanh, người ta còn có thể làm các món ăn truyền thống như xôi dùng trong đám cưới, đám hỏi. Bên cạnh khám phá Mường Thanh, du khách vi vu Điện Biên còn có thể dành thời giam đi thăm đồi Khau Tý, hồ Pá Khoang, Mường Phăng… đều là những điểm đến đẹp ở Điện Biên, mang lại cho du khách những trải nghiệm du lịch đa dạng, thú vị để thêm tự hào về quê hương, đất nước. Ngày nay, cánh đồng Mường Thanh và nhiều cánh đồng lúa khác ở khu vực Tây Bắc góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là vào mùa thu lúa chín. Trong hành trình du hí khắp Việt Nam của mình, bạn nhớ đến thăm những cánh đồng lúa này để lưu lại cho mình nhiều trải nghiệm thanh xuân quý giá.
Điện Biên
Từ tháng 09 đến tháng 10.
197 lượt xem
Cao nguyên đá Tủa Chùa là một điểm đến đặc biệt của tỉnh Điện Biên, được mệnh danh là “tiểu Hà Giang” ở miền đất xa xôi, hoang vắng. Cao nguyên đá Tủa Chùa là một vùng núi đá vôi thuộc địa bàn huyện Tủa Chùa, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 130 km. Để đến đây, du khách cần di chuyển 130 km về hướng Đông Bắc. Toàn bộ cao nguyên này nằm ở các xã Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Sín Chải huyện Tủa Chùa. Những ai đã từng du lịch Hà Giang, sau đó lại về huyện Tủa Chùa đều nhận định rằng nơi này có cảnh đẹp tựa như cao nguyên đá Đồng Văn. Hành trình đến đây đầy gian nan khi du khách phải đi qua những con đèo dốc uốn lượn, những đường núi trúc trắc và cả vực sâu đang chực chờ. Vùng đất này là địa bàn cư trú của đồng bào người Mông. Họ sống trên đá, hòa hợp với bức tranh thiên nhiên độc đáo và khác biệt. Về đây, bạn sẽ cảm nhận chân thực cảnh quan ấn tượng của miền cao nguyên đá, tìm hiểu về nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Chắc hẳn bạn sẽ có nhiều kỷ niệm đặc biệt khi về đây du lịch. Cao nguyên đá Tủa Chùa nằm ở độ cao 1400 mét so với mực nước biển, được mẹ thiên nhiên ban tặng địa hình vô cùng đặc biệt. Có đến 70% diện tích huyện là núi đá vôi. Vì thế về đây, bạn sẽ được lạc chân vào một không gian toàn đá là đá. Càng di chuyển lên cao, khung cảnh hiện ra càng vắng vẻ hoang sơ. Những du khách lần đầu du lịch Điện Biên chia sẻ rằng, đến cao nguyên đá này có cảm giác như đang đi vào một thế giới khác. Ở đó, những mỏm đá đen chằng chịt nép mình vào vách núi, phủ đầy trên mặt đất và bao bọc cả những nếp nhà đơn sơ của đồng bào dân tộc Mông sinh sống nơi đây. Khám phá cao nguyên đá Tủa Chùa, tuyệt vời nhất là được lái xe máy rong ruổi trên những con đường. Những khúc cua uốn cong cong dẫn vào sâu trong một “rừng đá” vừa huyền bí, vừa ma mị, đẹp không thể cưỡng lại. Trên đường đi, bạn sẽ nhìn thấy những ngôi nhà sàn gỗ của người Mông được xây trên đá, họ chung sống với một vùng đất mà tứ bề đều là đá. Cảnh sắc ở cao nguyên đá Tủa Chùa thực sự rất giống Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Nếu chọn bất kỳ địa điểm nào để chụp ảnh, bạn sẽ khó phân biệt đâu là Tủa Chùa, đâu là Đồng Văn. Tuy nhiên trên thực tế nơi này cũng có nhiều điều khác biệt mà du khách phải về đây khám phá mới cảm nhận trọn vẹn được. Huyện Tủa Chùa không chỉ thu hút du khách bởi sự nguyên sơ, hoang dại mà còn là nơi mà các tín đồ đam mê chụp ảnh rất thích. Ở đây, bạn sẽ được lưu lại những khoảnh khắc đẹp với hình ảnh núi đá vôi đủ hình dáng, đủ kích thước. Có những mảng đá tai mèo xếp chồng thành lũy, có những nơi đá nhọn như chọc trời, làm du khách mê mẩn. Khám phá điểm đến ở Điện Biên này, ngoài ngắm một cao nguyên đá độc đáo, du khách còn có cơ hội tìm hiểu thêm về cuộc sống và sinh hoạt của người Mông nơi đây. Tưởng chừng ở nơi chỉ toàn là đá này chẳng làm gì được, ấy thế mà người Mông đã biết tận dụng đổ đất lên các hốc đá để trồng rau, trồng cỏ và các loại cây ăn quả. Ở những thung lũng nhỏ bằng phẳng không có đá, cư dân bản địa cũng tranh thủ trồng thêm lúa để tăng thêm nguồn nông sản phục vụ cuộc sống. Nhìn cái cách mà người Mông tranh thủ từng tấc đấc để canh tác mới thực sự cảm phục tinh thần vượt khó của họ. Về cao nguyên đá Tủa Chùa, du khách còn có cơ hội khám phá các hang động nằm sâu trong đá. Trong đó, hang Thẩm Khến ở bản Nà Xa, xã Mường Đun được nhiều du khách tìm đến. Vào trong hang động này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những dải nhũ đá có màu vàng, xanh, xám với đủ hình ảnh như đèn chùm, bó lúa, cây đa, ruộng bậc thang... rất đặc biệt. Cao nguyên đá Tủa Chùa nằm ở vùng đất xa xôi của tỉnh Điện Biên, sở hữu vẻ đẹp vô cùng độc đáo và ấn tượng. Nơi này vốn là huyện nghèo của tỉnh nên du lịch chưa được phát triển. Ở đây không có nhiều dịch vụ nên tốt nhất bạn hãy khám phá và đi về trong ngày, tránh ở lại qua đêm. Mùa nào trong năm cũng thích hợp để du khách vi vu Tủa Chùa, nhưng mùa xuân là đẹp nhất. Về đây vào những ngày đầu năm, bạn sẽ được ngắm hoa anh đào khoe sắc rực rỡ, ngắm hoa gạo đỏ rực trên những cung đường và tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ và dễ chịu của nơi đây. Cao nguyên đá Tủa Chùa là một trong những địa điểm du lịch rất đáng để khám phá tại Điện Biên. Nơi đây mở ra bức tranh khác lạ để du khách có nhiều trải nghiệm du lịch đáng nhớ nhất khi đi thăm vùng đất lịch sử mang tên Điện Biên.
Điện Biên
Từ tháng 01 đến tháng 03.
264 lượt xem
Đến với hành trình du lịch Điện Biên, du khách đã từng nghe qua những cái tên như A Pa Chải, Mường Nhé, Hồ Pá Khoang, Đèo Pha Đin,... đều vô cùng nổi tiếng và thu hút du khách đến thăm quan hàng năm. Song bên cạnh đó, nếu bạn đang tìm kiếm một địa điểm nghỉ dưỡng tắm khoáng nóng mới lạ, hấp dẫn giữa vùng non cao của miền đất cực tây thì đừng bỏ qua khu suối khoáng nóng U Va nhé! Khu du lịch khoáng nóng U Va nằm tại địa phận xã Noong Luống, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 17km. Khu du lịch này cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ phút di chuyển nên rất thuận lợi, nhất là để du khách ghé thăm. Cung đường này cũng rất dễ đi bằng cả xe riêng, xe máy, thậm chí là xe khách. Một điểm cộng nữa của Khu Du Lịch Khoáng Nóng U Va là nằm trong quần thể hệ thống tài nguyên du lịch của huyện Điện Biên như đền Hoàng Công Chất, động Pa Thơm, cửa khẩu quốc tế Tây Trang. Vậy nên du khách hoàn toàn có thể kết hợp nghỉ dưỡng U Va và ghé thăm các điểm du lịch nổi tiếng của Điện Biên. Vô cùng tiện lợi! Khu du lịch Khoáng nóng U Va được đầu tư xây dựng với mục tiêu trở thành một khu du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh tại Điện Biên. Nhiệt độ của nước khoáng tại U Va luôn đạt từ 70 tới 80oC, mức độ tuyệt vời để thải độc tố trong cơ thể, thư giãn gân cốt và cân bằng âm dương của cơ thể cùng các tạng phủ. Tuyệt vời hơn nữa khi tại Khu Du lịch Khoáng nóng U Va, du khách còn được trải nghiệm bài tắm lá thuốc cổ truyền của người Dao đỏ, thứ vốn nổi tiếng với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Ẩm thực là một trong những điểm đặc biệt nhất ở Đại Phú An. Khi đến đây, du khách có thể thoải mái thưởng thức các món đặc sản Tây Bắc. Đó là: cơm lam, gà bản, lợn cắp nách, pa phỉnh tộp, thịt trâu gác bếp… Khu Du Lịch Khoáng Nóng Uva chỉ sử dụng nguyên liệu chế biến món ăn sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Điều này không chỉ giúp món ăn thơm ngon, tươi mới mà còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt dành cho các đoàn đông người đến với khu du lịch khoáng nóng U Va là du khách có thể tự tay chế biến những món ăn yêu thích của mình nếu có nhu cầu, điều này mang đến một trải nghiệm hết sức thú vị trong khoảng thời gian nghỉ dưỡng tại U Va. Khu Du Lịch Khoáng Nóng Uva được bao bọc bởi những ngọn núi cao với nhiều loài cây quý, phía trước là hồ rộng tạo nên phong cảnh hùng vĩ nên thơ, đồng thời khiến không khí ở U Va luôn luôn trong lành, mát mẻ rất thích hợp để nghỉ dưỡng. Đặc biệt du khách đến với U Va mùa sen nở sẽ được chiêm ngưỡng cả một hồ sen rộng bát ngát với những đóa sen đang khoe sắc trong gió dịu nhẹ. Vẻ đẹp mỏng manh, dịu dàng cùng hương thơm ngát dễ chịu sẽ khiến du khách cảm thấy lòng mình thanh tịnh, thư giãn. Khu du lịch Khoáng nóng U Va có 2 dạng phòng nghỉ. Du khách có thể thoải mái lựa chọn nghỉ trong những căn nhà xây hiện đại hoặc nghỉ trong nhà sàn đậm phong cách dân tộc Thái. Không chỉ đa dạng các loại phòng với sức chứa linh hoạt, Khu Du lịch Khoáng nóng U Va còn có khu bể bơi dành cho cả người lớn và trẻ nhỏ, khu nhà hàng sự kiện với sức chứa hàng trăm người cùng trang thiết bị hiện đại nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách. Thời gian thích hợp nhất để du khách thực hiện chuyến du lịch nghỉ dưỡng đến Suối khoáng nóng Uva là vào tháng 11 đến tháng 4 hàng năm nhé! Đặc biệt, nếu muốn ngâm khoáng nóng, bạn nên ngâm vào lúc sáng sớm hoặc vào buổi chiều. Chính sự khác biệt, thái độ phục vụ tận tụy, chuyên nghiệp… khiến Khu du lịch khoáng nóng U Va trở thành điểm dừng chân được nhiều người yêu thích. Nếu có dịp du lịch Điện Biên, bạn nên dừng nghỉ tại đây để cảm nhận nhé!
Điện Biên
Từ tháng 11 đến tháng 04 năm sau
207 lượt xem
Hồ Pe Luông là một hồ nước nhân tạo sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, nằm giữa phong cảnh núi non Tây Bắc thơ mộng, mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Hồ Pe Luông là một hồ nước xanh trong, mát lành thuộc xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Từ trung tâm xã Thanh Luông đến đây khoảng 11 km, đường sá khá dễ dàng và thuận tiện để bạn di chuyển bằng xe máy. Vì thế, tọa độ này là điểm đến rất thú vị vào những dịp cuối tuần hoặc kỳ nghỉ ngắn. Đây vốn là một hồ nước nhân tạo nhưng lại sở hữu cảnh quan thiên nhiên trữ tình, nằm giữa những bản làng người Thái bình yên, thơ mộng và độc đáo. Du khách đến thăm hồ Pe Luông có cơ hội hòa mình vào khung cảnh tươi mát, ăn những món ngon đặc sản và tìm hiểu thêm về văn hóa bản địa. Tuy hồ nước này là một điểm đến ở Điện Biên còn khá mới mẻ với nhiều người. Song nhờ hội tụ đầy đủ các yếu tố về giao thông, cảnh quan và trải nghiệm nên ngày càng có nhiều người trẻ biết đến và ghé thăm hồ nước. Hồ Pe Luông nằm giữa một vùng đất bình yên, thơ mộng của huyện Điện Biên. Đây là công trình hồ nhân tạo có diện tích rộng đến 25 ha, trải dài qua nhiều bản làng của đồng bào dân tộc Thái sống quanh bờ hồ. Có dịp du lịch Điện Biên, bạn hãy một lần ghé thăm hồ nước xinh đẹp này. Hồ nước này là công trình nhân tạo được xây dựng nhằm mục đích cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân bản địa. Bên cạnh đó, nhờ cảnh đẹp trong lành nên hồ nước này còn mang tiềm năng lớn lao về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Bao trùm lấy hồ nước này là những vạt rừng xanh um, cây cối tươi tốt và mát rượi. Màu nước hồ trong xanh biêng biếc, lấp lánh vào những ngày trời đầy nắng. Đến thăm hồ nước này, bạn có thể chạy xe hoặc dạo bộ trên những con đường mòn quanh bờ hồ, hít thở khí trời trong lành, tươi mát. Nhờ có rất nhiều cây cối quanh hồ nên ở đây lúc nào cũng mát mẻ, dễ chịu. Hồ Pe Luông trở thành địa điểm để giải trí, xả stress dịp cuối tuần cho nhiều du khách và cư dân địa phương. Nơi đây không phải một khu du lịch chuyên nghiệp, vì thế ai muốn đến lúc nào cũng được. Đến hồ Pe Luông, du khách có vô số các trải nghiệm thú vị. Nếu bạn chỉ thích ngắm cảnh, hãy tìm một vị trí sạch và đẹp ngồi ngắm hồ nước. Hoặc bạn có thể dạo một vòng quanh hồ bằng xe máy hay xe đạp tùy thích. Bên cạnh đó, nhiều du khách lựa chọn khám phá lòng hồ bằng những chiếc thuyền máy. Ở đây, người dân địa phương có chuẩn bị thuyền để đưa du khách đi xuyên lòng hồ, ngắm cảnh sắc xanh mướt hai bên bờ hồ và hòa mình vào không khí mát lạnh. Ngồi trên thuyền, bạn sẽ cảm nhận rõ hơn màu nước xanh trong, sạch sẽ và tươi mát. Xa xa hai bên bờ hồ là những mảng màu xanh tươi vô cùng bình yên, êm dịu. Sau khi dạo chơi trên hồ, nếu có thời gian bạn hãy dựng lều cắm trại bên bờ hồ, ngắm nhìn mặt nước phẳng lặng như tờ mỗi khi chiều xuống. Đêm xuống, du khách sẽ đốt lửa trại, tổ chức một bữa tiệc nướng nho nhỏ kết hợp ca múa, hát hò, quên hết những ưu tư, muộn phiền trong cuộc sống. Nếu bạn thuộc team yêu thích vận động thì khi đến hồ Pe Luông, đừng bỏ qua cơ hội nhảy ùm xuống hồ nước, đắm mình vào làn nước xanh trong mát rượi. Bạn còn có thể mang theo sup để chèo sup giữa lòng hồ, trải nghiệm chơi mô tô nước vui nhộn. Còn nếu tĩnh lặng hơn, bạn có thể tìm góc nhỏ cây cá hoặc check in vài bức ảnh sống ảo. Quanh hồ nước xinh đẹp này có khoảng 100 hộ dân tộc Thái sinh sống với nét văn hóa bản địa vô cùng đặc sắc. Du khách đến đây có cơ hội thưởng thức các món ngon của người Thái bao gồm xôi tím, gà nướng, cá nướng, … vô cùng hấp dẫn để hiểu thêm về văn hóa ẩm thực của người dân địa phương. Hồ Pe Luông là một điểm đến đẹp ở huyện Điện Biên, hứa hẹn mang lại cho du khách những trải nghiệm thật chill và thú vị. Chỉ cần 1 ngày là bạn đã có thể vui chơi thả ga, hòa mình vào khung cảnh thật sự thoải mái, dễ chịu ở hồ nước này.
Điện Biên
Từ tháng 04 đến tháng 06.
248 lượt xem
Động Pa Thơm thuộc xã Pa Thơm, nằm ở phía Tây huyện Điện Biên, giáp với biên giới Việt – Lào. Nhân dân địa phương gọi động là “Thẩm Nang Lai” (hang nhiều nàng tiên Hoa). Động được khám phá cách đây khá lâu cùng với những huyền thoại, truyền thuyết đẹp về tình yêu đôi lứa. Danh thắng hang động Pa Thơm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận danh thắng cấp quốc gia năm 2009. Ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, động Pa Thơm được bao bọc giữa khu rừng nguyên sinh rậm rạp, với thảm thực vật và sự đa dạng sinh học phong phú. Để đến được cửa động, du khách phải đi bộ một quãng đường dốc dài hơn 200m mấp mô đá với nhiều loại dây leo. Động Pa Thơm Điện Biên nằm ở lưng chừng núi, cửa hang hình vòm, cao 12m, rộng 17m, mái đá nhô ra 7m. Từ cửa hang hiện ra những hình thù sinh động, những nhũ đá óng ánh, nhiều nhũ đá có màu sắc hư ảo rực rỡ dưới ánh nến. Các vòm hang đều cao vút, mỗi vòm đều uy nghi, lộng lẫy như một cung điện, thạch nhũ vươn cao, đủ loại măng đá mềm mại từ trần hang rủ xuống những mái hiên óng ánh. Cạnh vách núi, những khối đá trông như những thác nước chảy lớn, óng ánh ánh bạc. Đi tiếp vào trong hang, du khách sẽ bắt gặp con trăn khổng lồ thân lớn ngang chiếc nong cỡ đại (dài khoảng 20m), da bóng loáng như vừa mới trườn ra từ đáy hang sâu thẳm. Vào sâu hơn nữa, du khách sẽ có dịp được ngắm rất nhiều các hình khắc thạch nhũ muôn hình muôn vẻ: tả gợi về đất trời, cỏ cây, muông thú, thiên thần và ác quỷ…, còn những hình khắc mang tính trìu tượng nhiều ẩn dụ thì triền miên không dứt; tất cả như là một kho mật mã chất chồng, khiến du khách phải dừng chân mải mê nhìn ngắm, tưởng tượng và suy ngẫm lẽ huyền vi trời đất. Ngoài ra, nếu bạn muốn theo dõi câu chuyện cổ tích của tình yêu trần gian, bạn hãy đến thưởng ngoạn động tiên cảnh tráng lệ nằm trên con đường dẫn xuống đáy động: Căn phòng mờ ảo bỗng rực lên một thứ ánh sáng vàng bạc khi ngọn đuốc được thắp lên. Chiếc giường đá trải tấm nệm êm ái đan bằng sợi đá bạc như sợi chỉ bạc, hiện ra sau tấm bình phong mỏng manh có thể khẽ đung đưa trước gió. Động nàng tiên như một nỗi nhớ khôn nguôi về những ước nguyện bất tận, những hạnh phúc trần thế. mong manh. Khi đến cửa hang, bạn sẽ tận mắt nhìn thấy vòm hang động cao hơn 10 m, rộng gần 20 m, với mái đá nhô ra hơn 5 m, du khách bắt gặp ngay một khối thạch nhũ khổng lồ hình đầu voi. Ở độ sâu khoảng 20 m, có 3 khối thạch nhũ chắn ngang đường, vỡ thành ba đoạn tạo thành hai lối vào hang. Muốn đi hết toàn bộ hang, du khách phải mang theo nến và đèn pin thắp sáng và đi bộ gần 350 m, qua 9 vòm hang với kích thước lớn nhỏ khác nhau. Có những nhũ đá tự nhiên rất đẹp, lung linh với những hình thù sặc sỡ, kỳ thú; Du khách thậm chí có thể nghe thấy tiếng nước rơi từ vách hang và nhũ đá… Động Pa Thơm không chỉ dừng lại một điểm du lịch sinh thái khá hấp dẫn trong hệ thống hang động trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa lịch sử tốt đẹp cho dân tộc. Khi đến đây, bạn sẽ được nghe kể về huyền thoại tình yêu đôi lứa lúc khai thiên lập địa từ đồng bào dân tộc nơi đây. Bên cạnh đó, Động Pa Thơm là di tích chứa đựng nhiều giá trị quý giá có thể phục vụ địa chất, khoáng sản, khảo cổ học, thực vật học … Các nhà khoa học nghiên cứu quá trình kiến tạo, chu kỳ vận động, hình thành đất, đá, đặc điểm địa hình, địa mạo và môi trường, sinh vật đất. Ngoài ra, hang động là một trong những tài nguyên du lịch tự nhiên hấp dẫn và kỳ thú đối với những du khách yêu thích trải nghiệm và khám phá. Động Pa Thơm Điện Biên – hang động vừa mang giá trị thắng cảnh vừa gắn liền với những huyền thoại, truyền thuyết đẹp về tình yêu đôi lứa, làm cho cảnh quan thêm chất thi ca và trở thành địa danh du lịch hấp dẫn. Đây xứng đáng là địa điểm du lịch lý tưởng để du khách ghé thăm khi có kế hoạch có chuyến du lịch tại Điện Biên.
Điện Biên
Từ tháng 09 đến tháng 12.
309 lượt xem
A Pa Chải thuộc địa phận xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, cách thành phố Điện Biên Phủ 250 km, là điểm cực tây của Tổ quốc, nơi có cột mốc phân chia ranh giới giữa ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Đây được gọi là mốc ngã ba biên giới nằm trên đỉnh núi Khoang La San, có độ cao 1.864m so với mực nước biển, hàng năm đón khá nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ ở mọi miền Tổ quốc đến tham quan, chinh phục. Trước đây, A Pa Chải được coi là mốc khó chinh phục vì đường lên cột mốc khó khăn, phải vượt qua ba quả đồi cỏ tranh cao lút đầu người, băng qua rừng, lội suối, leo núi cao mất bốn đến năm tiếng từ đồn biên phòng mới lên tới nơi. Giờ đã khác. Năm 2018, tỉnh Điện Biên hoàn thiện xong con đường bê tông men theo các vách núi và xây bậc tam cấp, du khách chinh phục cột mốc dễ dàng hơn dù rằng vẫn phải đi bộ vài cây số đường bê tông nhỏ, dốc và leo 500 bậc thang để lên tới cột mốc. Cột mốc ngã ba biên giới đặt trên đỉnh núi có hình tam giác, có ba mặt quay về ba hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng quốc ngữ riêng và quốc huy ba quốc gia Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Từ điểm cao của cực Tây Tổ quốc, nhìn ra xa là một không gian bao la, núi rừng hùng vĩ, trùng điệp. Cột mốc ba cạnh phân chia ranh giới ba nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc lung linh dưới nắng. Niềm xúc động và tự hào dân tộc trào dâng.
Điện Biên
Từ tháng 1 đến tháng 12
1161 lượt xem
Hồ Pá Khoang thuộc địa phận xã Pá Khoang, TP. Ðiện Biên Phủ; cách quốc lộ 279 khoảng 8km và cách trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ gần 20km về hướng Ðông Bắc. Theo ngôn ngữ của người dân tộc Thái, Pá Khoang có nghĩa là “rừng trúc”. Ông Quàng Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Pá Khoang cho biết: Trước kia quanh hồ trúc mọc nhiều vô kể, người Thái nơi đây có câu nói vui rằng “ngửa mặt lên thấy trời, cúi mặt xuống thấy trúc”. Người dân địa phương thường sử dụng cây trúc để làm cần câu cá và một số vật dụng sinh hoạt. Ngoài việc đảm bảo tưới tiêu cho 5.000ha cánh đồng Mường Thanh với 2 vụ lúa, hồ Pá Khoang còn điều hòa khí hậu, hạn chế những tác hại của mưa lũ, tích trữ nước cho hai công trình thủy điện Thác Bay và Nà Lơi. Với lợi thế đa dạng thảm thực vật, rừng quanh hồ phong phú các loại thú; nhiều loài thực vật, động vật nổi và dưới lòng hồ. Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ, tuyến đường vào hồ Pá Khoang đã được trải nhựa. Cũng vào thời điểm này đã khai trương 4 nhà nghỉ vừa sang trọng lẫn dân dã với gần 100 phòng; các bản văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú cũng được triển khai với tổng diện tích trên 1.000ha. Ðể đến hồ Pá Khoang, du khách có thể di chuyển từ quốc lộ 279 theo quốc lộ 279b vào địa bàn xã Mường Phăng. Hoặc có thể theo tuyến đường bộ phía đông nam của TP. Ðiện Biên Phủ đi qua xã Tà Lèng. Hai tuyến đường này đều dẫn du khách qua những con đường quanh co, uốn lượn ven hồ, thỉnh thoảng lại hiện ra sau tán rừng mặt hồ Pá Khoang trong xanh... Tham quan hồ Pá Khoang, du khách có thể bơi thuyền trên những gợn sóng lăn tăn, len lỏi vào tận cùng ngóc ngách của các đảo, khám phá điều kỳ diệu của thế giới tự nhiên. Du khách cũng có thể đi bộ xuyên rừng thưởng ngoạn cảnh quan và ghé thăm các bản của người dân tộc Thái. Người dân nơi đây rất thân thiện và mến khách; du khách sẽ được mời tham dự những buổi giao lưu văn nghệ, thưởng thức nghệ thuật và các món ẩm thực, như: xôi, cơm lam, cá nướng, thịt hun khói... Vào mùa đông, sương mờ bảng lảng phủ khắp mặt hồ tạo nên một bức tranh thủy mặc huyền ảo. Mùa hè đến, mặt hồ trong xanh, hiền hòa soi bóng núi non, mây trời và rừng cây xanh thẫm. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Ðiện Biên Phủ - Pá Khoang, tỉnh Ðiện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Mục tiêu chung của quy hoạch là đến năm 2020 phát triển Khu Du lịch Ðiện Biên Phủ - Pá Khoang cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu Du lịch Quốc gia; đến năm 2030 thực sự trở thành Khu Du lịch Quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiên đại; là điểm nhấn, mốc son trên tuyến du lịch qua miền Tây Bắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế - xã hội tỉnh Ðiện Biên.
Điện Biên
Từ tháng 1 đến tháng 12
1154 lượt xem
Pha Đin tiếng Thái gọi là “Phạ Đin”, trong đó “Phạ” là trời, Đin là “đất”. Tên của con đèo này có nghĩa là nơi giao thoa giữa đất và trời - cái tên đủ để giúp người ta hình dung về sự xa xôi, hiểm trở ở đây. Đèo Pha Đin cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 100km. Đây được xem là ranh giới giữa 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La. Pha Đin tọa lạc trên độ cao 1000m so với mực nước biển, với tổng chiều dài khoảng 32km. Điểm khởi đầu của đèo cách TP Sơn La 66km, còn điểm cuối cách TP Điện Biên Phủ khoảng 84km. Pha Đin cùng với Ô Quy Hồ, Khau Phạ, Mã Pí Lèng làm nên tứ đại đỉnh đèo huyền thoại của vùng cao Tây Bắc. Du khách phương xa muốn chinh phục đại đỉnh đèo này cần đến Hà Nội bằng xe khách, tàu hỏa hay tốt nhất là đặt vé máy bay đi Hà Nội. Từ sân bay Nội Bài, du khách có thể đặt xe đưa đón sân bay trên Traveloka để vào trung tâm thành phố. Từ Hà Nội, để đến Sơn La - điểm khởi đầu của đèo Pha Đin bằng xe khách giường nằm, limousine hay phượt bằng xe máy. Con đèo này nằm trên quốc lộ 6, nối liền hai tỉnh Sơn La và Điện Biên. Phượt thủ xuất phát từ Hà Nội sẽ di chuyển theo tuyến quốc lộ 6 qua cao nguyên Mộc Châu – Yên Châu – Mai Sơn – Thuận Châu là tới điểm khởi đầu của đèo Pha Đin. Còn nếu xuất phát từ TP Điện Biên Phủ, bạn sẽ đi theo quốc lộ 279 hướng đi huyện Tuần Giáo là tới. Mỗi mùa, đèo Pha Đin lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Nhưng mùa đẹp nhất ở Pha Đin là mùa xuân và mùa hạ. Mùa xuân là mùa hoa rừng khoe sắc. Nào là hoa đào hồng ứng, hoa mận trắng tinh, hoa ban rợp trời. Tháng 3 là mùa hoa ban nở rộ - loài hoa đặc trưng của tỉnh Điện Biên cũng là mùa được các phượt thủ đánh giá là đẹp nhất. Mùa hè ở các tỉnh đồng bằng nóng cháy da nhưng khí hậu ở Pha Đin mát mẻ, dễ chịu. Mùa đông kèm theo mưa phùn thời tiết lạnh giá và đường đi nguy hiểm hơn không phải mùa lý tưởng để chinh phục Pha Đin. Ngoài ra, từ tháng 5 đến tháng 8 là mùa mưa ở Điện Biên. Trước khi bắt đầu hành trình bạn nên theo dõi sát diễn biến thời tiết. Bởi khu vực Pha Đin là núi đất đỏ chứ không phải núi đá vôi. Khi có mưa nhiều dễ xảy ra sạt lở cực nguy hiểm. Hầu hết du khách và phượt thủ đến đây để thỏa mãn máu phiêu lưu. Cung đường đèo hiểm trở và thiên nhiên hùng vĩ nơi đây như có sức thôi miên kỳ lạ. Từ xa nhìn lại, cung đường đèo chạy dài uốn lượn như sợi dây thừng lơ lửng giữa núi đồi. Địa thế nơi đây vô cùng hiểm trở với một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Điểm cao nhất của đèo Pha Đin cao 1.648m so với mực nước biển. Độ dốc của đèo từ 10% đến 19%. Cung đường đèo ngoằn ngoèo với 125 khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z nguy hiểm với bán kính đường cong dưới 15m. Đi từ điểm khởi đầu lên đến đỉnh đèo, từng bức tranh thiên nhiên từ từ mở ra, vừa hùng vĩ, ngoạn mục lại vừa thơ mộng. Dưới chân đèo lác đác bản làng. Lưng chừng đèo mây mờ giăng phủ. Từ dốc đèo nhìn xuống là thung lũng Mường Quài trải rộng mênh mông. Đến gần phía đỉnh đèo chỉ có bầu trời thăm thẳm và rừng núi hùng vĩ, bao la. Khi chinh phục Pha Đin, bạn đừng quên dừng chân ngắm cảnh tại thung lũng Ẳng Nưa hay check in tại Pha Đin Pass - một khu du lịch 50ha do hợp tác xã Pha Đin xây dựng. Sức sống hiện diện khắp cung đèo Pha Đin. Trên cung đường chinh phục, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh những phiên chợ vùng cao khi đi qua địa phận xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La hay xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Người dân họp chợ để mua bán nông sản, dược liệu, sản vật núi rừng. Du khách cũng có thể dừng chân để mua một ít mang về làm quà. Điều khiến đèo Pha Đin trở nên đặc biệt hơn so với 3 đại đỉnh đèo Tây Bắc còn lại chính là việc con đèo này gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ nổi tiếng năm châu, chấn động địa cầu. Trong kháng chiến chống Pháp, Pha Đin là tuyến đường bộ tiếp vận và vận chuyển pháo lên Điện Biên Phủ và đã trở thành biểu tượng của tinh thần quả cảm của 8.000 thanh niên xung phong. Để chặn đứng tuyến tiếp vận này, quân đội Pháp đã cho máy bay oanh tạc ròng rã 48 ngày đêm đường số 6. Trong đó, đèo Pha Đin và một trong 2 nơi hứng chịu nhiều mưa bom bão đạn nhất. Giờ đây, đèo Pha Đin đã được công nhận Di tích Quốc gia, là minh chứng cho lịch sử của dân tộc.
Điện Biên
Từ tháng 1 đến tháng 12
1188 lượt xem
Cầu Hang Tôm cũ trước đây từng nổi tiếng là cầu dây văng đẹp nhất Tây Bắc, nối liền Mường Lay (Điện Biên) và Phong Thổ, Sìn Hồ của Lai Châu. Sở dĩ cầu có tên Hang Tôm là do khúc sông này xưa kia có quá nhiều tôm. Cách cầu chừng 50m có một “mó” nước rất mát, tôm từ sông Đà lũ lượt lên đó đẻ trứng, cả một khúc sông dày đặc tôm là tôm. Ngày ngày bà con thay nhau lên đó bắt về ăn. Nhưng người dân quanh khu vực này có tục lệ bất thành văn, mỗi nhà chỉ được bắt chừng một tiếng đồng hồ rồi nhà khác tiếp tục. Cuối những năm 1960, cầu Hang Tôm bắt đầu được tiến hành xây dựng. Ngày đó, chuyên gia và công nhân Trung Quốc cũng qua giúp ta làm cầu. Tuy nhiên, đến năm 1968, Trung Quốc xảy ra cách mạng văn hóa, chuyên gia và công nhân của họ rút hết về nước. Rất may khi đó hạng mục được coi là khó nhất là cáp treo đã được kéo xong, chỉ còn lại các công đoạn hoàn thiện. Nhưng cũng phải mãi đến năm 1973, cầu Hang Tôm mới được khánh thành. Ngày đó thật sự là ngày hội lớn của hàng vạn đồng bào Tây Bắc. Hàng ngàn người từ khắp nơi cơm đùm, cơm nắm, đi bộ vài ngày đường đổ về để tận mắt được nhìn, được một lần đi qua cây cầu mơ ước. Hang Tôm như một điểm nhấn cho vùng Tây Bắc. Cũng bởi vẻ đẹp hoành tráng và hoang sơ của cầu Hang Tôm nên những năm sau này, dân du lịch,Tây cũng như ta, đã đổ về đây, nhất là từ khi xuất hiện phong trào du lịch bụi. Tháng 11/2012 thủy điện Sơn La tích nước, toàn bộ Thị xã Mường Lay cũ trong đó bao gồm cả cây cầu Hang Tôm đã chìm sâu dưới lòng hồ Sông Đà, chấm dứt 40 năm hoạt động của cây cầu lịch sử. Ngay gần vị trí cầu Hang Tôm cũ, một cây cầu mới được dựng lên để thay thế nhiệm vụ, cao hơn cây cầu cũ 70m.
Điện Biên
Từ tháng 1 đến tháng 12
1101 lượt xem
Khu di tích Chiến trường Điện Biên Phủ gồm 45 di tích thành phần. Đây là một không gian lịch sử và cũng là sản phẩm du lịch nổi bật, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nhắc nhở người Việt Nam về ký ức hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đồng thời mang lại giá trị kinh tế cho địa phương. Những ngày tháng 5 lịch sử này, nhiều đoàn khách đổ về thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) thăm lại chiến trường xưa nhân dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019). Đã có rất nhiều đổi thay trên vùng đất từng là chiến trường khốc liệt năm xưa, với chiến dịch 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân dân ta, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ nay là một trong số hơn 100 di tích quốc gia đặc biệt của cả nước và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên. Quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên bao gồm các di tích nổi bật như: Đồi A1, đồi Ðộc Lập, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, cầu Mường Thanh, hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (hay hầm Đờ Cát), Tượng đài chiến thắng, Tượng đài kéo pháo, Sở chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ... Những di tích này đã để lại ấn tượng sâu sắc, thu hút nhiều du khách tham quan khi đến với Điện Biên. Nằm ở phía đông trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đồi A1 có vị trí quan trọng bậc nhất trong hệ thống 5 quả đồi bảo vệ trung tâm Mường Thanh. Tại đây, đêm 6/5/1954, quân ta đã đào một đường hầm, đặt khối thuốc nổ nặng gần 1.000kg và cho điểm hỏa. Đến sáng 7/5/1954, quân ta đã làm chủ hoàn toàn đồi A1, mở đường cho đợt tổng công kích cuối cùng vào Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm và giành thắng lợi hoàn toàn. Đồi A1 nay là điểm tham quan thu hút du khách trong nước và quốc tế với các hầm, hào, lô cốt, xe tăng được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Tại đây, khách du lịch có thể trải nghiệm đẩy xe đạp thồ, nấu ăn bằng bếp Hoàng Cầm, nghe cựu chiến binh kể chuyện... Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm lòng chảo Điện Biên. Đây là căn hầm với các phòng làm việc, nghỉ ngơi của tướng Đờ Cát cùng Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây cũng là nơi đánh dấu sự thất bại thảm hại của một đạo quân viễn chinh với hình ảnh viên tướng chỉ huy cùng toàn bộ sĩ quan dưới quyền giơ tay xin hàng và bộ đội ta phất cao lá cờ Quyết chiến quyết thắng kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Một di tích khác không thể không nhắc tới cùng những bản hùng ca về người chiến sĩ Điện Biên đó là di tích Đường kéo pháo. Tuyến đường huyền thoại này đã đi vào lịch sử dân tộc và trở thành huyền thoại. Chỉ bằng sức người cùng những dụng cụ thô sơ, nhưng với lòng yêu nước, tinh thần anh dũng quả cảm, quân và dân ta đã mở những tuyến đường trên các sườn núi quanh co hiểm trở để kéo pháo vào trận địa. Cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 20km là Sở chỉ huy chiến dịch nằm sâu trong khu rừng Mường Phăng. Đây là nơi đóng quân của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngày 31/1 đến 15/5/1954. Trong những ngày ở đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, mang tính lịch sử. Rừng Mường Phăng đã trở thành biểu tượng sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam và được người dân gọi là “Rừng Đại tướng”. Trong quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, một công trình tuy ra đời trong thời bình nhưng có vai trò hết sức quan trọng, đó là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Công trình này được hoàn thành năm 2014, đúng dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bảo tàng có hình dáng mô phỏng chiếc mũ của bộ đội ta năm xưa. Đây là nơi lưu giữ các hiện vật trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, gồm 2 khu trưng bày: Bên ngoài gồm 112 hiện vật là các loại vũ khí của Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân đội Pháp sử dụng, bên trong trưng bày 274 hiện vật và 202 bức ảnh tư liệu. Bảo tàng đã góp phần phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ và là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Điện Biên.
Điện Biên
Từ tháng 1 đến tháng 12
1125 lượt xem