Chùa Bà Đanh nằm sát núi Ngọc và được dòng sông Đáy bao quanh ba mặt. Phía bên ngoài chùa giáp với đường đi bộ, cổng tam quan chùa thì gần bờ sông, vì thế tam quan được tôn cao năm bậc và hai đầu xây bít đốc. Tam quan chùa có ba gian, hai tầng, tầng trên có hai lớp mái, lợp bằng ngói nam, xung quanh sàn gỗ hàng lan can và những chấn song con tiện, tầng này sử dụng làm gác chuông, ba gian dưới có cửa gỗ lim. Phía ngoài cửa là hai cột đồng, trên nóc tam quan đắp một đôi rồng chầu. Hai bên cổng chính là cổng nhỏ có tám mái, cửa uốn lượn hình bán nguyệt. Ngày thường, khách ra vào bằng cửa nhỏ, chỉ khi chùa có lễ thì cửa chính mới mở. Chùa Bà Đanh thờ Phật, ngoài Phật còn có tượng Thái Thượng Lão Quân, tượng Nam Tào, Bắc Đẩu và thờ cúng tín ngưỡng Tứ Phủ (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Phong). Đặc biệt chùa thờ nữ thần Pháp Vũ, là nữ thần gió. Theo truyền thuyết, nữ thần Pháp Vũ linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, mang lại mưa thuận gió hòa cho mùa màng bội thu, giúp đời sống người dân sung túc nên chùa có tên Đức Bà làng Đanh, gọi tắt là chùa Bà Đanh. Ở không gian trung tâm chùa là pho tượng Bà Đanh đang ở thế toạ thiền trên chiếc ngai đen bóng với khuôn mặt phúc hậu, hiền từ, đầy nữ tính và gần gũi. Sự hài hoà giữa pho tượng và chiếc ngai tạo nên vẻ hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc vùng đồng bằng Bắc Bộ. Gần như toàn bộ nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc của ngôi chùa tập trung ở nhà bái đường – nơi hành lễ thường ngày. Nhà bái đường năm gian gỗ lim, đầu hồi bít đốc và cũng đắp nổi hai con rồng. Quan sát từ giữa sân gạch, du khách sẽ thấy được hệ thống tượng đắp nổi “tứ long chầu mặt nguyệt” trên nóc nhà mái đường. Cả bốn con rồng, từ kiểu dáng đến thân hình đều uốn lượn, mắt, râu, vuốt, vây đều rất sinh động, uyển chuyển, mà cũng rất dữ dội, trông như đang vờn nhau, bay lượn trong khoảng không bao la. Rồng ở đây mang màu sắc của thời kỳ nhà Nguyễn. Đầu hai dãy hành lang và liền với nhà bái đường là hai cột trụ cao vút, uy nghi. Trên mỗi cột đều đắp nổi hình tứ linh: long, ly, quy, phượng theo thế đối xứng, hài hoà, cân đối. Từng đường nét đều thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân xưa. Dù đẹp và cổ kính, nhưng chùa Bà Đanh lại được biết đến bởi sự vắng vẻ, hoang vu. Đã có rất nhiều giả thuyết lý giải cho điều này nhưng thuyết phục nhất là chùa rất linh thiêng, người đi đường hoặc người vào lễ bái nếu cười cợt, nói chuyện to, bất kính dù chỉ một câu cũng sẽ bị trừng phạt. Vì thế khách hành hương ngày càng ít ghé thăm ngôi chùa. Một phần nữa, chùa nằm cách xa khu dân cư, quanh đó ít người dân sinh sống. Ba mặt chùa là sông, rừng rậm, cây cối, vì thế rất ít người lai vãng đến chùa chỉ trừ những ngày lễ hội lớn của đạo Phật. Những lý do trên đã khiến chùa đã vắng càng vắng hơn. Ngày nay, chùa được đầu tư xây dựng lại khá khang trang, rộng rãi, khách đến chùa cũng nhiều hơn. Vì thế câu nói xưa giờ đã được cải biên thành: “Ngày xưa vắng ngắt vắng ngơ/ Bây giờ tấp nập như chùa Bà Đanh”. Chùa Bà Đanh hiện đang lưu giữ nhiều cổ vật, cổ thư quý hiếm, nhất là tượng Phật tổ, tượng Bồ Tát, đại tự, khánh đá, câu đối và nhang án…
Hà Nam 1076 lượt xem Từ tháng 1 đến tháng 12
Ngày cập nhật : 11/03/2023