Chùa Một Cột được khởi công xây dựng vào năm Kỷ Sửu 1049, dưới thời vua Lý Thái Tông. Theo truyền thuyết dân gian, trong một giấc chiêm bao vua Lý Thái Tông đã mơ thấy Phật bà Quan Âm đang tọa trên đài sen tỏa ánh hào quang và mời nhà vua lên cùng. Tỉnh giấc chiêm bao nhà vua liền kể với bề tôi. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua nên dựng chùa trên trụ đá y như trong giấc mơ, làm tòa sen để Phật bà ngự ở trên. Trong sử sách có chép lại tại vị trí chùa Một Cột bây giờ có một cột đá phía trên có ngôi lầu ngọc, trong lầu ngọc có tượng Phật Quan Âm đã được dựng ở hồ nước vuông. Nhà vua thường lui tới tụng kinh niệm phật, cầu nguyện. Sau hoàng tử nối dõi tu sửa lại thành chùa và dựng thêm một ngôi chùa bên cạnh cách 10 m về phía Tây Nam. Cụm di tích này được đặt tên Diên Hựu Tự với mong muốn “phước lành dài lâu”. Năm 1105 vua Lý Nhân Tông cho tu sửa chùa và dựng thêm trước sân hai tháp lợp sứ trắng. Đến năm 1108 Nguyên Phi Ỷ Lan sai người đúc một chiếc chuông lớn đặt tên là “Giác thế chung” với ý nghĩa thức tỉnh lòng thế nhân. Trong chiến tranh chống Pháp chùa Một Cột đã bị quân viễn chinh Pháp cho đặt mìn phá hủy. Sau khi tiếp quản thủ đô Bộ Văn hóa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nghiên cứu lập dự án đại trùng tu xây dựng lại chùa Một Cột y như kiến trúc ban đầu. Đến năm 1955 chùa Một Cột Hà Nội được tôn tạo lại và bảo tồn cho đến nay. Bên cạnh vẫn còn ngôi chùa có cổng tam quan với bức hoành phi ghi ba chữ “Diên Hựu Tự”. Năm 1962, quần thể chùa Một Cột ở Hà Nội đã được công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Đến năm 2012, chùa Một Cột đã vinh dự được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á”. Kết cấu nguyên bản của chùa Một Cột được đỡ bởi các dầm gỗ bám chắc cột đá. Cấu trúc của chùa Một Cột hiện nay gồm: Cột trụ, đài Liên hoa, mái chùa. Cột trụ của chùa một cột được dựng bằng 2 cột đá chồng lên nhau tạo thành khối trụ đứng có chiều cao 4 m chưa tính phần chìm phía dưới chân Đường kính cột đá rộng 1,2 m làm người nhìn có cảm giác “vững như bàn thạch”. Đài Liên hoa có hình vuông mỗi cạnh 3 m, chắn song bao lơn xung quanh, được đỡ bằng hệ thống cột quân vững chắc, phía dưới là những dầm gỗ lớn được gắn trực tiếp lên trụ đá một cách chắc chắn. Các mối mộng được đục chính xác đến từng ly khớp nối vừa khít với nhau tạo nên cấu trúc vô cùng vững chãi. Bên trong đài Liên Hoa được bài trí lộng lẫy sang trọng, có một án thờ bên trên đặt tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay mạ vàng. Xung quanh bày biện nhiều đồ thờ: đôi lục bình gốm sứ, bình cắm hoa sen, bộ ấm chén thờ, lư hương bằng đồng. Ban thờ được sơn son thiếp vàng trang trí nhiều họa tiết hình vân mây màu vàng. Trên trần phía trong cùng đặt tấm hoành phi nhỏ ghi 3 chữ vàng “Liên Hoa Đài” trên nên sơn đỏ. Mái chùa được lợp bằng ngói vảy truyền thống màu đỏ gạch phủ lớp rêu phong thời gian. Mỗi viên ngói như biểu hiện của sự kỳ công, tỉ mỉ của người thợ làm ra. Khi lợp ngói khó nhất công đoạn ghép ngói ở góc xối sao cho không hở một khe nào, vì đây là vị trí tiếp giáp giữa bốn cạnh của mái chùa thường có khe hở. Muốn lợp ngói ở vị trí này thuận tiện thì ngay từ công đoạn đóng sối ghép các mối mộng phải thực sự kín kẽ và ăn khớp nhau. Chùa Một Cột có bốn mái cong đầu đao vút lên trời hay còn gọi là “tàu đao”. Mái chùa được đỡ bằng hệ thống thanh bẩy vươn ra sát phía dưới. Trên đỉnh mái chùa đắp hình “lưỡng long chầu mặt nguyệt”, đây là nét kiến trúc đặc trưng trong các chùa, chiền, đình, miếu. Hình lưỡng long uốn mình quay đuôi về phía nhau nhưng đầu đều hồi hướng về mặt nguyệt. Nét kiến trúc này biểu tượng cho sự sinh sôi, âm dương hài hòa. Đôi long tượng trưng cho khí dương, hình mặt nguyệt tượng trưng cho khí âm. Tổng lại thành con số ba của sự sinh sôi nảy nở, cũng vì lẽ đó khi đi chùa người ta hay thắp 3 nén nhang là biểu trưng cho 3 vật thể trong “lưỡng long chầu mặt nguyệt”. Đây là một hình ảnh mang đậm chất nhân văn trong kiến trúc nghệ thuật tâm linh của dân tộc. Hoa sen được xem như biểu trưng trong văn hóa Phật giáo, gợi đến cho người ta những đức tính lương thiện, kiên nhẫn, không nhiễm tạp, hành trực … Liên Hoa Đài được tạo tác theo hình tượng bông sen đặt trên trụ đá cao giữa lòng hồ Linh Chiểu như đang vươn mình hướng lên thoát khỏi thế tục. Một hình ảnh vô cùng thanh tao, thuần khiết và độc đáo. Hồ Linh Chiểu có tường hoa bao quanh trang trí bằng những họa tiết hình khối. Bên ngoài có đào thêm một hồ lớn nữa là hồ Bích Trì. Hồ Bích Trì thuộc trong khuôn viên chùa Diên Hựu nằm bên phải chùa Một Cột. Trước sân chùa Diên Hựu đựng tháp đá Bạch Tuynh, từ tháp đá có cầu nhỏ dẫn vào chùa Một Cột. Vào ngày rằm, mùng Một hàng tháng bạn quan lý tổ chức khánh tiết lau dọn và thực hành lễ cúng trong chùa. Người dân cũng hay đến tham quan và chiêm bái từ xa. Mùa hè chùa mở của đón khách vào tất cả các ngày trong tuần, đến mùa đông đóng cửa tất cả các ngày thứ Hai và thứ Sáu trong tuần. Vào chùa tham quan không mất phí. Đến với chùa Một Cột người ta thường cầu cho trí tuệ viên mãn, sinh khí tràn đầy. Qua những nét kiến trúc nghệ thuật vô cùng nhân văn văn đẹp đẽ như sự tinh khôi thanh thoát của cánh sen biểu trưng cho trí tuệ viên mãn. Cột trụ hình trụ – dương khí nằm giữa hồ Linh Chiểu – âm khí kết hợp mang đến sự sinh sôi trường thọ nối tiếp.
Hà Nội 1673 lượt xem Từ tháng 1 đến tháng 12
Ngày cập nhật : 13/02/2023