Đền được xây dựng trên một khu đất cao, bằng phẳng, hình chữ nhật với diện tích 18.720m². Mặt đền quay hướng chính tây, nhìn thẳng sang bãi Tự Nhiên (làng Ngự Dội, xã Tứ Dân) – nơi mà công chúa Tiên Dung, con gái vua Hùng thứ 18, gặp Chử Đồng Tử và hai người nên duyên vợ chồng. Đền được chia thành ba khu. Khu ngoài có diện tích 7.200m², không có tường bao, kiến trúc duy nhất là nhà bia 2 tầng, 8 mái cong, với cửa trổ ra 4 hướng. Trong nhà bia có bia đá với nội dung nói về thời điểm trùng tu đền Đa Hòa và cuộc nhân duyên kỳ ngộ của Chử Đồng Tử – Tiên Dung. Từ đây, theo con đường lát gạch rộng 6m với hai bên đường là hàng cây gạo cổ thụ tỏa bóng râm mát, sẽ đến cổng chính. Qua cổng chính là vào khu giữa. Khu này có diện tích 3.400m², có tường thấp bao quanh, trồng đan xen nhiều cây xanh và được chia thành hai khu: khu bên phải có lầu chuông, bên trong có quả chuông đồng cao 1,5m; khu bên trái có gác khánh, bên trong có khánh đá với chiều ngang là 1,2m; ngăn cách giữa hai khu này là con đường lát gạch dẫn từ cổng chính đến ngọ môn với ba cửa ra, vào, phía trên treo bức đại tự với bốn chữ sơn son thiếp vàng “Bồng lai cung khuyết “. Bước qua ngọ môn là vào khu trong. Với diện tích 11.520m², kiến trúc kiểu cung đình thời Nguyễn nhưng có sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, khu trong gồm: sân đại, nhà đại tế, sân chầu, tòa thiêu hương, cung đệ nhị, cung đệ tam và hậu cung. Nối liền các cung là thảo xá, thảo bạt, nhà ngựa, nhà pháo… Trong hậu cung có 3 khám thờ: Đức Thánh Chử Đồng Tử (ở giữa), Hoàng hậu Tiên Dung công chúa (bên trái), thứ phi Hồng Vân – Tây Sa (bên phải). Tổng thể công trình kiến trúc trong khu này gồm 18 ngôi nhà mái ngói cong hình 18 thuyền rồng cách điệu. Đây là kiến trúc đặc biệt nhằm tái hiện hoạt cảnh đoàn thuyền của công chúa Tiên Dung đang giăng buồm du ngoạn trên bến sông thuở nào. Ngoài kiến trúc độc đáo, đền Ða Hoà còn lưu giữ nhiều di vật quý hiếm, điển hình như: 3 cỗ ngai thờ bằng gỗ có niên đại vào cuối thế kỉ 17 và 18. Đây được coi là những cỗ ngai cổ nhất còn tìm thấy ở nước ta hiện nay; đôi lọ Bách thọ bằng gốm (một trăm chữ thọ không chữ nào giống chữ nào được khắc trên thành lọ)… Rời đền Đa Hòa, du khách sẽ đến đền Dạ Trạch (thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch), nơi gắn liền với truyền thuyết về đầm Dạ Trạch. Tương truyền, tại vị trí Chử Đồng Tử và hai người vợ là công chúa Tiên Dung và Hồng Vân “hóa” về trời vào đêm 17/11 âm lịch, đã sụt xuống thành một đầm lớn, đầm Dạ Trạch (đầm được hình thành chỉ sau một đêm). Cho là thần linh ứng, người dân địa phương đã lập đền thờ 3 vị trong khu vực đầm Dạ Trạch và đặt tên là đền Dạ Trạch hay còn gọi là đền Hóa. Đền Dạ Trạch đã được trùng tu nhiều lần, tuy nhiên, kiến trúc hiện nay là kết quả lần trùng tu vào năm 1890 với kiểu chữ Công (工), mặt hướng chính đông, ra hồ bán nguyệt, mái khắc nhiều hình long, phượng rất đẹp, gồm ba gian. Trong đó, hậu cung là gian được thiết kế đẹp nhất với mái vòm cuốn tam cấp, gợi cho du khách cảm giác như đứng trong khoang thuyền. Từ ngoài vào, bên phải, đầu tiên là ban thờ thổ công miếu đình, tượng quan võ, rồi đến ban thờ các vị thân sinh của Đức thánh Chử Đồng Tử; bên trái là ban thờ Bế ngư thuyền quan (tượng một con cá chép bằng gỗ sơn son thếp vàng óng ánh), kế đến là ban thờ Triệu Việt Vương (548 – 571). Ở chính giữa hậu cung là 3 khám thờ: Đức Thánh Chử Đồng Tử (ở giữa), Hoàng hậu Tiên Dung công chúa (bên trái), thứ phi Hồng Vân (bên phải). Tại đây còn đặt tượng thờ hai con ngựa, một tượng đỏ, một tượng trắng. Tương truyền, đó là hai con ngựa mà Đức Thánh Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân đã cưỡi để đi chữa bệnh cho dân. Ngoài kiến trúc chính, trong khu vực đền còn có lầu chuông, bên trong đặt một chuông Dạ Trạch từ chung (chuông đền Dạ Trạch) được đúc năm Thành Thái thứ 14 (1902), dài 1,5m, rộng 0,8m; hai dãy nhà chín gian, trước kia, đây là nơi để chín chiếc kiệu; hai bia đá dựng đối diện nhau (một bia đã vỡ), được dựng năm Gia Long thứ 17 (1819), cao 1,6m, rộng 0,8m, dày 0,17m; một hồ bán nguyệt; nhiều hoành phi, câu đối ghi lại sự tích Chử Đồng Tử – Tiên Dung – Tây Sa; đặc biệt là hình ảnh chiếc nón và cây gậy – hai vật mà Đức Thánh Chử Đồng Tử đã dùng để cứu nhân độ thế. Đền Dạ Trạch đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1989. Để ghi nhớ công ơn của Đức Thánh Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, hàng năm, người dân địa phương lại tổ chức lễ hội Chử Đồng Tử. Đây là 1 trong 16 lễ hội lớn nhất cả nước với các hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn. Độc đáo nhất là lễ rước nước với sự tham gia của 10 con thuyền nối đuôi nhau ra sông Hồng lấy nước về lễ Thánh tại đền Đa Hòa và Dạ Trạch. Hoạt động này được tổ chức theo đúng phong tục xưa, diễn ra trong suốt hai tiếng đồng hồ. Trong quá trình các thuyền di chuyển, còn biểu diễn múa rồng trên thuyền.
Hưng Yên 941 lượt xem Từ tháng 1 đến tháng 12
Ngày cập nhật : 11/03/2023