Từ xa xưa, thờ Mẫu đã trở thành nét đẹp tiêu biểu trong văn hóa của người Việt. Nhiều nhà sử học cho rằng, mỹ tục này xuất phát từ mảnh đất Hiền Lương (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), nơi có đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ. Dưới tán lá sum suê của cây đa cổ thụ, không biết bao nhiêu thế hệ con cháu Lạc Hồng đã từng dâng hương tỏ lòng thành kính với mẹ Âu Cơ và kể cho nhau nghe truyền thuyết về người mẹ vĩ đại của dân tộc. Tục truyền rằng, ngày nàng Âu Cơ chào đời ở động Lăng Xương (nay thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) có mây lành che chở, hương thơm tỏa ngát khắp không gian. Lớn lên, nàng xinh đẹp, thông minh hơn người, chăm đọc chữ, giỏi đàn sáo, lại tinh thông âm luật. Sau khi kết duyên với Lạc Long Quân – con trai của Kinh Dương Vương, nàng Âu Cơ sinh hạ một bọc trứng, nở thành một trăm người con. Một ngày, thấy các con đã lớn khôn, Lạc Long Quân nói với mẹ Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, tuy khí âm dương hợp lại mà thành trăm con, nhưng chung hợp thật khó vì dòng giống bất đồng”. Nói xong, Lạc Long Quân dẫn 50 con xuống biển. Mẹ Âu Cơ đưa 50 con lên non, đi đến đâu cũng thu phục nhân tâm, khai phá rừng hoang. Một ngày, đi qua Hiền Lương, nơi có núi cao, đồng rộng, sông dài, Mẹ liền cho khai hoang, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Khi trang ấp đã tươi đẹp, Mẹ vội vã đi đến vùng đất mới. Sau này, mẹ Âu Cơ trở về Hiền Lương, gắn bó suốt phần đời còn lại với nơi này. Ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Thân, mẹ Âu Cơ bay về trời, để lại dưới gốc đa dải yếm lụa. Ở đó, nhân dân đã dựng lên ngôi miếu thờ phụng, đời đời tưởng nhớ Quốc Mẫu. Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ chính thức được xây dựng dưới triều vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497). Thần tích của đền ghi lại rằng, ngôi đền nằm ẩn dưới gốc đa cổ thụ, mặt quay về hướng chính nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác đẹp như một án thư, sau lưng sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc. Trải qua hơn năm thế kỷ, đền Mẫu xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1998, Đảng bộ và nhân dân Hiền Lương tiến hành trùng tu ngôi đền. Ngôi đền không rộng lớn, đồ sộ nhưng lại được đánh giá cao về mặt nghệ thuật. Khách tham quan có thể tìm thấy ở đây nhiều di vật như tượng Tổ Mẫu Âu Cơ, tượng Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn hay các bức chạm tinh tế trên cửa võng, xà ngang, diềm chung quanh cửa thượng cung. Hiện nay, đền chính có bố cục theo kiểu chữ Đinh với ba gian hậu cung và năm gian đại bái. Đền thờ Mẫu Âu Cơ kết hợp với chùa Linh Phúc tạo thành một quần thể di tích có sức hút đặc biệt với du khách thập phương. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ cho biết: “Được sự đồng ý của chính quyền, chúng tôi đang nhanh chóng khôi phục đình thờ Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn (người con thứ hai của Mẫu) nằm cách đền Mẫu 500m về phía đông để đáp ứng nhu cầu tham quan, tín ngưỡng của nhân dân”.
Phú Thọ 1528 lượt xem Tháng 2 đến tháng 5
Ngày cập nhật : 10/03/2023