Điểm du lịch

Trà Vinh

Trà Vinh

Trà Vinh nằm ở cuối cù lao, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu. Địa hình chủ yếu là đất bằng phẳng với độ cao dưới 1m so với mực nước biển. Vì nằm ở vùng đồng bằng ven biển, có nhiều giồng cát chạy dọc theo bờ biển, tạo thành các đường cong song song. Các giồng càng gần biển càng cao và rộng hơn. Với sự chia cắt bởi các giồng và mạng lưới đường lộ, kinh rạch, địa hình Trà Vinh khá phức tạp. Có các vùng trũng xen kẹp giữa các giồng cao, và độ dốc chỉ thể hiện trên từng cánh đồng. Đặc biệt, phần nam tỉnh có đất thấp, bị chia cắt bởi các giồng cát hình cánh cung thành nhiều vùng trũng nhỏ, với độ cao chỉ từ 0,5-0,8m. Do đó, hàng năm, vùng này thường bị ngập mặn trong khoảng thời gian từ 3-5 tháng. Nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Trà Vinh cũng có những thuận lợi chung như: có điều kiện ánh sáng bức xạ dồi dào, nhiệt độ cao và ổn định, Tuy nhiên, do đặc thù của vùng khí hậu ven biển, tỉnh Trà Vinh có một số hạn chế về mặt khí tượng như gió chướng mạnh, bốc hơi cao, mưa ít. Trà Vinh nằm trong vùng nhiệt đới có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình từ 20 - 27 °C, độ ẩm trung bình 80 - 8000%/năm, ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. Mùa mưa từ tháng 5 - tháng 11, mùa khô từ tháng 12 - tháng 4 năm sau, lượng mưa trung bình từ 1.400 - 1.600mm, có điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất, kinh doanh và du lịch[4]. Hàng năm, hạn hán thường xảy ra gây khó khăn cho sản xuất với số ngày không mưa liên tục từ 10 đến 18 ngày, trong đó các huyện như Cầu Kè, Càng Long, Trà Cú là các huyện ít bị hạn. Huyện Tiểu Cần hạn đầu vụ khoảng tháng 6 và tháng 7 là quan trọng, trong khi các huyện còn lại như Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải hạn giữa vụ nhưng tháng 7 và 8 thường nghiêm trọng hơn. Trà Vinh cũng gặp một khó khăn hiện nay đó chính là bị ngập mặn vào một số mùa khô trong năm.

Trà Vinh

Từ tháng 1 đến tháng 12

2318 lượt xem

Chùa Âng

Nhắc tới Trà Vinh, người ta nghĩ đến miền đất của những ngôi chùa Khmer cổ kính cùng những di tích lịch sử mang nhiều huyền thoại, gắn liền với hành trình khai phá phương Nam. Toàn tỉnh Trà Vinh có rất nhiều ngôi chùa Khmer, trong đó chùa Âng được xem là một trong những ngôi chùa lớn, tiêu biểu cho các ngôi chùa Khmer trong tỉnh. Chùa Âng, gọi theo ngôn ngữ Paly là Wat Angkor Raig Borei, tọa lạc tại Phường 8, thành phố Trà Vinh. Ngôi chùa nằm trong cụm danh thắng Ao Bà Om và bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer, là điểm nhấn nổi bật không thể bỏ qua trong bản đồ du lịch Trà Vinh. Từ xa nhìn vào, bạn sẽ thấy những tòa nhà trong chùa với lối kiến trúc hình tháp vươn thẳng lên trời, mang nét đẹp nguy nga, tráng lệ nhưng cũng không kém phần trang nghiêm. Theo sử sách thì chùa Âng được xây dựng vào thế kỷ thứ 10 (năm 990) và được xây dựng qui mô như hiện nay vào năm Thiệu Trị thứ 3, tức năm 1842 theo dương lịch. Từ đó đến nay, ngôi chùa được trùng tu, sửa chữa nhiều lần, trong đó xây dựng mới các công trình phụ như nhà tăng xá, trai đường… nhưng ngôi chánh điện cơ bản vẫn giữ được nguyên trạng như buổi đầu mới hình thành. Như bao ngôi chùa Khmer khác trên địa bàn Trà Vinh, chùa Âng là một quần thể các công trình kiến trúc bao gồm tăng xá, giảng đường dạy chữ Paly và chữ Khmer… bao quanh ngôi chánh điện uy nghi. Ngôi chùa quay mặt về hướng đông, thể hiện tư tưởng Phật giáo là Phật Thích ca ở tây phương nhìn về hướng đông để độ trì chúng sinh. Cổng chùa Âng được trang trí bằng nghệ thuật điêu khắc rất kỳ công, tinh xảo với những tượng chằn, tiên nữ, chim thần theo mô típ truyền thống Khmer. Từ cổng chính vào là một lối đi rộng giữa hai hàng sao cổ thụ thân to, cao vút tạo ra thế uy nghiêm cho ngôi chùa. Lối đi ngang qua hào nước rộng bao quanh làm cho bầu không khí trong lành, dịu mát. Khuôn viên chùa rộng 4 ha với nhiều chủng loài thực vật đặc hữu trên đất giồng cát như sao, dầu, tre, trúc… trong đó có hàng trăm gốc sao, dầu cổ thụ quanh năm che mát ngôi chùa cổ kính. Trung tâm của ngôi chùa Khmer là ngôi chánh điện (Preah Vihea) thờ Phật, nơi hội tụ và phản ánh trình độ của các nghệ nhân đương thời về nghệ thuật kiến trúc, hội họa, điêu khắc… Toàn bộ chánh điện được trụ đỡ bởi hệ thống 18 chiếc cột bằng gỗ quý. Bên trong chánh điện là một không gian rộng với 12 trụ cột được trang trí hình rồng, sơn son thếp vàng. Mái chánh điện chùa Âng được cấu tạo độc đáo, bao gồm ba cấp mái có màu sắc đẹp và hài hòa, trong đó hai mái trên cùng rất cao và dốc, tạo ra cảm giác linh thiêng mà người phật tử phải hết sức khiêm cung khi ngước nhìn. Hai đầu hồi được đóng kín bằng hai tấm gỗ hình tam giác chạm khắc rất công phu. Các gò mái có thần rắn Naga với mào cong vút, tượng trưng cho cầu nối giữa trần gian và cõi Niết bàn. Bốn bức tường chánh điện là những bức bích họa đặc sắc thể hiện tư tưởng Phật giáo, thông qua con đường tu hành của Phật Thích Ca. Trên trần là bốn bức bích họa hoành tráng thể hiện bốn giai đoạn trong cuộc đời Phật Thích Ca là Phật đản sanh, Phật xuất gia, Phật thành đạo và Phật nhập niết bàn. Bệ thờ Phật trong chánh điện chùa Âng cũng được các nghệ nhân thời ấy tập trung công sức thể hiện. Toàn bộ bệ là là một tòa sen với nhiều cánh đặt sau một lớp võng bằng gỗ chạm khắc rất tinh xảo với nhiều hình hoa lá, muông thú được sơn son thếp vàng. Cũng như các ngôi chùa Nam tông Khmer khác, chánh điện chùa Âng chỉ thờ duy nhất Đức Phật Thích Ca ở tư thế ngồi thiền định. Phía trước ngôi chánh điện là ngôi tháp chứa di cốt các vị sư cả trụ trì chùa qua các thời kỳ. Điều đặc biệt, đây là ngôi tháp năm ngọn duy nhất trong các ngôi chùa Khmer Trà Vinh. Tháp năm ngọn là sự ảnh hưởng tư tưởng Ấn Độ giáo về vũ trụ, thiên nhiên và con người. Trải qua gần hai thế kỷ vững vàng, uy nghi tồn tại trước tác động của thời tiết, mưa gió và thời gian, chùa Âng là niềm tự hào của đồng bào Khmer nói riêng, của cộng đồng các dân tộc Trà Vinh nói chung bởi các giá trị độc đáo mang tính đỉnh cao về nghệ thuật kiến trúc, hội họa, điêu khắc đậm đà bản sắc văn hóa Khmer, có sự giao lưu nhất định với văn hóa Việt, Hoa, Ấn Độ, Thái Lan… Trong đời sống tinh thần của người Khmer, ngôi chùa không chỉ là nơi tu hành, thực hiện các lễ thức Phật giáo mà còn là nơi bảo tồn, truyền thừa các giá trị văn hóa truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với những giá trị vật chất, tinh thần lớn lao đó, Chùa Âng được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào năm 1994.

Trà Vinh

Từ tháng 1 đến tháng 12

1179 lượt xem

Chùa Cò

Trà Vinh là một trong những tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long có nhiều người dân tộc Khmer sinh sống. Người Khmer rất sùng đạo Phật với các lễ hội phong phú, đa dạng, tạo nên một bản sắc đặc trưng cho văn hóa Khme. Khắp các làng xã, phum, sóc ở Trà Vinh đều có chùa chiền; mỗi ngôi chùa Khmer đều là một công trình nghệ thuật, trong đó không thể không nhắc đến Chùa Cò. Chùa Nodol – chùa Cò là một trong những địa điểm du lịch Trà Vinh nổi bật mà du khách không nên bỏ qua. Chùa Cò có tên thật là chùa Nodol, hay chùa Giồng nhưng người Khmer gọi là Wat Phnô Đôn vì chung quanh có nhiều dừa (tiếng Khmer Wat là chùa, Phnô là giồng cát, Đôn là cây dừa). Người dân quen gọi là chùa Cò vì hơn một trăm năm nay nơi này đã trở thành nơi cư trú của hàng ngàn con chim cò các loại như: cò, cồng cộc, bồ câu… trong đó đông nhất là họ nhà cò với rất nhiều loại: cò trắng, cò quắm, cò đầu đỏ, cò đầu vàng, cò mỏ vàng, cò mỏ đen… Chùa Cò tọa lạc tại ấp Cây Da – xã Đại An – huyện Tà Cú, nằm cách Tp.Trà Vinh khoảng 40km về hướng Nam. Để đến với chùa Cò, từ trung tâm Tp.Trà Vinh, bạn chạy theo đường QL.54 đến với huyện Trà Cú, di chuyển tiếp về phía cảng Định An (một nhánh của sông Hậu) đến cổng chào xã Đại An, rẽ phía bên trái bạn sẽ bắt gặp cổng Chùa Cò bề thế với hoa văn, họa tiết sặc sở. Lịch sử chùa Cò ghi lại, chùa được xây dựng từ năm 1677. Trải qua hơn 300 năm tồn tại và phát triển, chùa Cò đã được trùng tu vô số lần lớn nhỏ. Cổng chùa được trùng tu vào năm 1968 và chánh điện được trùng tu năm 1944. Sau lần trùng tu gần nhất năm 2009 và 2012, chùa được hoàn thiện đưa vào sử dụng cho tới ngày nay Giống như những ngôi chùa Phật giáo khác trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, Chùa Cò có quần thể kiến trúc mang đặc trưng của chùa Khmer Nam Bộ. Bao gồm những công trình như cổng chùa, chánh điện, tháp đựng cốt, nhà tăng, nhà hội… được bài trí hài hòa trên một khuôn viên rộng lớn. Cổng chùa được trang trí với nhiều nét hoa văn trang trí khá độc đáo và nổi bật, thu hút ánh mắt ngay từ lần đầu tham quan. Khu chánh điện của chùa có lối thiết kế khá độc đáo với những mái uốn cong theo mô hình đuôi rồng, bên trên có những đỉnh tháp nhọn hình ngọn núi Xôme và những hình tượng quen thuộc với người Khmer như thần: thần bốn mặt Mohabrom, chim thần Kâyno, Riehu (Reahu), Mahaknốt… Không gian bên trong chính điện được bài trí rất trang nghiêm, vị trí cao nhất đặt bức tượng đức Phật Thích Ca có kích thước lớn, phía dưới là các tượng nhỏ hơn. Các vách tường trong điện được trang trí bằng nhiều bức tranh rất lộng lẫy, nhiều màu sắc, thể hiện các chủ đề Phật giáo khác nhau. Khuôn viên chùa Cò đều được bao bọc bởi những rặng tre xanh, những hàng cây sao, sầu đâu, cây dầu, rợp bóng, xa hơn nữa là những cánh đồng lúa xanh trải dài bất tận,… Ghé thăm chùa Cò vào lúc sáng sớm hay xế chiều, du khách được tận mắt chiêm ngưỡng cảnh từng đôi, từng đàn cò sải cánh bay đi kiếm ăn và về tổ sau một ngày vất vả kiếm ăn tạo ra một khung cảnh tuyệt đẹp trên bầu trời. Đến thăm chùa Cò bạn sẽ cảm thấy tâm hồn mình thư thái, tĩnh lặng, nhẹ nhàng hơn mọi vất vả, khó khăn, áp lực của cuộc sống đều tan biến hết. Khi tham quan chùa, bạn nên ăn mặc lịch sự, có thể thuê trang phục Khmer để vào chùa – đúng nghi thức của người Khmer và cũng là để có những bức hình sống ảo độc đáo.

Trà Vinh

Từ tháng 1 đến tháng 12

1175 lượt xem

Chùa Vàm Rây

Đến Trà Vinh không thể không nhắc đến những ngôi chùa Khmer độc đáo của đồng bào nơi đây. Trong đó nổi bật nhất là chùa Vàm Ray được xây dựng lại từ nền ngôi chùa cũ hơn 600 năm tuổi bị tàn phá trong chiến tranh. Dù xây mới nhưng vẫn mang nét cổ kính truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer. Chùa Vàm Ray tọa lạc tại ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cách thành phố Trà Vinh khoảng 35km. Du lịch Trà Vinh, để đến chùa Vàm Ray từ thành phố Trà Vinh đi theo quốc lộ 54 đến Tập Sơn rẽ trái vào quốc lộ 53 đi Trà Cú. Đi quá Trà Cú chừng 3km, qua cầu Hàm Giang, lập tức rẽ phải, vào đường nhỏ là vào đến chùa Vàm Ray. Ngay từ ngoài nhìn vào, sự kỳ vĩ của ngôi chùa này khiến cho bất kỳ ai cũng có cảm giác choáng ngợp, như lạc vào một cung điện vàng nguy nga, rực rỡ. Màu vàng lấp lánh tỏa ra mọt nơi trong chùa từ vòm mái, tường, các cột trụ chống, đến cả những bức phù điêu, các bức tượng. Chùa Vàm Ray mang phong cách kiến trúc Angkor, một kiến trúc đặc trưng của người Campuchia. Chùa có bốn cổng và theo truyền thống của chùa Khmer, cổng chính và tòa chính điện quay về hướng Đông, tượng trưng cho con đường tu hành của Phật tử từ Tây sang Đông. Lối vào chùa Vàm Ray là chiếc cổng hoành tráng sơn màu mạ vàng, đỉnh cổng tạo hình những ngọn tháp nhọn chất chồng nhiều tầng, ẩn mình không gian cây xanh bao quanh khiến cổng chùa càng nổi bật. Giữa sân chùa Vàm Ray có một cột hình trụ cao vút được nâng đỡ bởi những cái cột cách điệu hình rắn thần Naga có 5 đầu, dùng để thắp nến vào những ngày lễ hội, tượng trưng cho việc Phật pháp sẽ soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống hướng thiện như chính loài rắn đã được đức Phật thuần hóa theo quan niệm của người Khmer. Giữa sân chùa Vàm Ray có một cột hình trụ cao vút được nâng đỡ bởi những cái cột cách điệu hình rắn thần Naga có 5 đầu, dùng để thắp nến vào những ngày lễ hội, tượng trưng cho việc Phật pháp sẽ soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống hướng thiện như chính loài rắn đã được đức Phật thuần hóa theo quan niệm của người Khmer. Bên trong chính điện được trang hoàng lộng lẫy với những bức tranh tường nhiều màu sắc, đậm chất văn hóa Khmer. Chủ để xuyên suốt của các tác phẩm là cuộc đời Đức Phật và giáo lý của nhà Phật. Không gian chính điện rộng cao thanh thoát và mát mẻ tạo sự thoải mái cho du khách khi đến tham quan cũng như các tín đồ đến hành lễ. Nhìn chếch về hướng Đông Nam của chính điện là tượng đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn có chiều dài 54m được đặt trên bệ tương đương một ngôi nhà 2 tầng. Toàn bộ tượng và bệ cũng được sơn phủ sơn son thiếp vàng. Đỉnh cao nghệ thuật của chùa Vàm Ray thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang, như tượng đầu vị thánh bốn mặt Maraprum, nữ thần Kayno nửa người nửa chim, chim thần Marakrit… Không chỉ riêng chùa Vàm Ray, mà tất cả những ngôi chùa Khmer nói chung từ ngàn đời nay vẫn luôn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư trong khu vực. Từ những ngày lễ thuần túy của Phật giáo đến những ngày Lễ, hội đặc biệt của người Khmer như: ChôlChnămThmây, Sêndôlta, Okombok, Lễ dâng y…đều được diễn ra tại chùa và gắn liền với các hình thức văn hoá truyền thống của dân tộc và các trò chơi dân gian, thu hút đông đảo du khách tới tham quan.

Trà Vinh

Từ tháng 1 đến tháng 12

1219 lượt xem

Bảo Tàng Khmer

Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh tọa lạc tại Phường 8, thành phố Trà Vinh, cách trung tâm tỉnh lỵ hơn 5 km về hướng tây nam, nằm trong quần thể khu văn hóa – du lịch, liên hoàn với di tích danh thắng Ao Bà Om, di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Âng và Trung tâm Văn hóa – Thể thao tỉnh, rất thuận tiện cho học sinh sinh viên, người nghiên cứu văn hóa dân tộc và khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu. Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh là một khối nhà hai tầng, có diện tích sử dụng hơn 1.700 m2, được thiết kế xây dựng trên cơ sở kết hợp hài hòa phong cách kiến trúc truyền thống dân tộc Khmer và hiện đại trong khuôn viên rộng 01 ha, có nhiều cây xanh rợp mát quanh năm. Bảo tàng hiện đang lưu giữ, trưng bày, giới thiệu hơn 800 hiện vật, hình ảnh, tài liệu phản ánh đời sống văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Khmer Trà Vinh, từ truyền thống đến đương đại. Từ cổng bước vào là một khoảng sân rộng nhiều cây xanh, tạo cho khuôn viên Bảo tàng luôn có không khí yên tĩnh, tách biệt hẳn với sự ồn ã, huyên náo bên ngoài. Đây là sự chuẩn bị cần thiết cho khách tham quan, nhất là các nhà nghiên cứu sự tĩnh tâm cần thiết, trước khi tập trung tìm hiểu một cách toàn diện, sâu sắc về bản sắc văn hóa Khmer, thông qua các hiện vật, hình ảnh, tư liệu được trưng bày và giới thiệu. Trong khuôn viên, ở góc phía bắc là ngôi tháp an vị di cốt của một nhân sĩ, trí thức, nhà hoạt động cách mạng tiêu biểu của dân tộc Khmer Trà Vinh nói riêng, Khmer Nam bộ nói chung là Maha Sơn Thông (1910 – 1997). Sau khi du học và nhận bằng Maha (tương đương Cử nhân Phật học), ông tham gia cách mạng giai đoạn tiền khởi nghĩa, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Maha Sơn Thông trải qua nhiều chức vụ quan trọng như Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh; Khu ủy viên, Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng kiêm Trưởng Ban Khmer vận Khu Tây Nam bộ; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Phần lớn diện tích tầng trệt của tòa nhà Bảo tàng là sảnh trống dưới các chân cột có nhiều ghế đá để khách tham quan có thể ngồi nghỉ chân hoặc đi lại trao đổi những vấn đề văn hóa cần quan tâm. Cầu thang lên lầu được đặt ở vị trí chính giữa sảnh và bên dưới cầu thang là một hồ nước hình bán nguyệt xinh xắn, có nhiều cá cảnh tung tăng bơi lội, tạo cảnh quan vui tươi nhẹ nhàng. Một phần diện tích tầng trệt được chia thành các phòng làm việc của cán bộ, nhân viên Bảo tàng. Ở các vị trí này, người có trách nhiệm dễ dàng quan sát mọi hoạt động cũng như sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu hướng dẫn, giới thiệu đối với khách tham quan. Phần còn lại là Phòng Trưng bày truyền thống đấu tranh cách mạng của đồng bào Khmer Trà Vinh giai đoạn tiền khởi nghĩa, hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trà Vinh

Từ tháng 1 đến tháng 12

1167 lượt xem

Khu du lịch sinh thái Rừng Đước

Khu du lịch sinh thái Rừng Đước thuộc địa phận xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Địa điểm du lịch miền Tây này nằm trong hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển Tây Nam Bộ. Đây là nơi bảo tồn, sinh sống của nhiều loài động, thực vật hoang dã cùng các loài thủy sản đang có nguy cơ tiệt chủng cao. Người dân địa phương gọi là rừng đước vì loài cây này bao quanh toàn bộ khu sinh thái với hơn 20 năm tuổi đời và trải rộng trên diện tích khủng lên đến hơn 200 hecta. Rừng đước nằm không quá xa trung tâm tỉnh Trà Vinh, chỉ cách khu du lịch Ba Động nổi tiếng chỉ khoảng 7 km nên khá thuận tiện cho việc đi lại của du khách. Khu rừng này có nhiều loại cây đặc trưng của hệ sinh thái ngập mặn như đước, mắm, chà là gai, vẹt... trong đó chiếm số lượng nhiều nhất là cây đước. Đây là loại cây vừa có tác dụng ngăn chặn sự xâm nhập của nước biển vào đất liền vừa là nơi sinh sống của nhiều loại động vật đặc trưng của rừng ngập mặn. Vì vậy mà khu du lịch kiêm khu bảo tồn này có giá trị sinh thái cao. Hơn thế nữa, cánh rừng đước rộng khoảng hơn 200 ha còn nằm trong hệ thống rừng ngập mặn ven biển Tây Nam Bộ nên được nhà nước chăm sóc và bảo tồn khá cẩn thận. Trà Vinh chỉ nằm cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 170k nên du khách có thể đi đến khu du lịch Rừng Đước thuộc địa phận tỉnh này bằng xe máy hoặc xe khách. Cách di chuyển cụ thể như sau: Đi bằng xe máy: Xuất phát từ Sài Gòn, bạn đi tới Bình Chánh rồi rẽ vào Quốc lộ 1 và tiếp tục đi theo hướng đi qua cầu Bến Lức đến thành phố Tân An của tỉnh Long An. Từ đây, du khách đi tiếp đến thành phố Mỹ Tho, dọc theo quốc lộ 60 qua cầu Hàm Luông là sẽ đến với huyện Mỏ Cày. Tiếp tục rẽ vào Quốc lộ 53 và đi thẳng là sẽ tới thành phố Trà Vinh rồi đấy. Từ trung tâm thành phố, bạn chỉ cần đi khoảng 51km nữa là tới được khu du lịch Rừng Đước. Đi bằng xe khách: Hành trình khá đơn giản vì bạn chỉ cần ra bến xe miền Đông, chọn mua vé xe đi Trà Vinh với giá vé trên dưới 100.000đ/người. Khi đến bến xe thì bạn chọn cách di chuyển bằng taxi hoặc xe ôm là sẽ đến được địa điểm du lịch Trà Vinh hấp dẫn mang tên Rừng Đước rồi đấy. Trà Vinh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên cũng có khí hậu nhiệt đới ôn hòa đặc trưng của vùng này. Cũng như các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh quanh năm mát mẻ nên du khách có thể đến với khu sinh thái Rừng Đước, ao Bà Om, cù lao Long Trị, khu du lịch cồn Hô vào bất kỳ khoảng thời gian nào trong năm cũng được. Tuy nhiên, lời khuyên mà người bản địa thường dành cho du khách là nên lựa chọn đi vào mùa mưa vì đây là khoảng thời gian cây cối phát triển, khí hậu dễ chịu, các loài động vật cũng đa dạng hơn mùa khô. Cụ thể là từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm, với lượng mưa lớn cùng mùa nước nổi kéo về thì thảm thực vật ở Rừng Đước phát triển mạnh mẽ thu hút rất nhiều loài động vật về đây sinh sống, kiếm ăn và sinh sản. Khi check in Rừng Đước Trà Vinh, du khách tha hồ trải nghiệm vui chơi, tham quan, khám phá mà nổi bật nhất là các hoạt động sau: Du ngoạn rừng Đước bằng đường bộ hoặc đường thủy: tùy vào sở thích và lịch trình mà bạn có thể chọn một trong hai cách tham quan nhưng khám phá sông nước và khu rừng bằng đường thủy thường được khách du lịch lựa chọn nhiều hơn vì nếu đi theo cách này bạn sẽ được len lỏi vào các bụi đước lớn, nhỏ, có cây đã hàng chục năm tuổi, mọc đan xen nhau phía dưới nhưng phía trên vẫn chừa lại khoảng không tạo thành một khoảng trời xanh ngát. Du khách tha hồ tận hưởng cảm giác thú vị và mới lạ khi từng chiếc xuồng máy lướt bồng bềnh giữa không gian trong lành của bạt ngàn cây cối, chim chóc và nhiều loài sinh vật đặc trưng khác của rừng cây - sông nước. Rừng Đước Trà Vinh cũng có sự đa dạng các loài động, thực vật như rừng ngập mặn Cần Giờ hay Năm Căn Cà Mau vì có nhiều nét tương đồng về khí hậu, thổ nhưỡng. Hệ động vật nơi đây thật sự phong phú với nào là kỳ đà, sóc,... rồi chồn, rắn hổ mang, vọp,... cùng nhiều loại tôm cá, thủy sản và nhiều loài chim đặc trưng của rừng ngập mặn. Đến với khu sinh thái, bạn sẽ cảm thấy như đang sống chậm lại, trải nghiệm cảm giác hòa mình hoàn toàn vào thiên nhiên, đất trời, tha hồ hít thở bầu không khí trong lành, mát mẻ của miền quê. Ngoài những hoạt động trên thì khi đến với khu du lịch Rừng Đước Trà Vinh, bạn còn có cơ hội nghe những câu hò đậm chất sông nước, thấm đẫm dư vị thôn quê của người dân địa phương. Khi ngồi trên những chiếc xuồng nhỏ lướt đi, đừng quên dành chút thời gian, trò chuyện và tìm hiểu về cuộc sống của người dân địa phương nữa nhé. Cảm giác được nghe những giai điệu mộc mạc, những lời nói chân quê, câu chuyện sinh hoạt đời thường của người dân vùng đất này giữa thiên nhiên mát mẻ và trong lành quả thật rất thú vị đấy. Có rất nhiều món ăn ngon, các đặc sản trứ danh đã làm nên tên tuổi của ẩm thực Trà Vinh. Vì vậy khi ghé thăm khu du lịch Rừng Đước nói riêng và Trà vinh nói chung bạn đừng bỏ lỡ trải nghiệm ăn bún nước lèo, bún suông, cháo ám, bánh canh Bến Có, các món làm từ con chù ụ, cá nướng mọi trên lửa đốt bằng đước khô, tép bạc tái chanh, cá nâu nấu lẩu chua với trái giác, nước mắm rươi,... Các món ăn được bán ở rất nhiều nơi nhưng du khách hãy ghé các quán ăn ngon ở Trà Vinh để thoải mái lựa chọn thưởng thức nhé.

Trà Vinh

Tháng 11 đến tháng 4

1278 lượt xem

Cù Lao Tân Quy

Cù lao Tân Quy có một phần diện tích thuộc huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh và một phần thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long nổi tiếng là cù lao xanh, cây trái trĩu cành tạo nên nét đẹp rất đặc trưng của miệt vườn sông nước Miền Tây. Cù lao Tân Quy nằm ở xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, cách thành phố Trà Vinh khoảng hơn 45 km về phía Tây Bắc. Để đến với cù lao Tân Quy bạn chỉ mất khoảng 10 phút để đi đò ngang từ vàm Bến Đình. Tuy nhiên, nếu bạn muốn được nhìn ngắm toàn cảnh thiên nhiên và chiêm ngưỡng cảnh đẹp hai bên bờ cù lao Tây Quy, có thể chọn xuất phát từ vàm Bến Cát. Ngoài ra, du khách đến thăm Cù lao có thể ngồi trên những chiếc canô lướt trên dòng sông Hậu để tận hưởng không khí mát lành, sảng khoái. Cù lao Tân Quy được hình từ nửa đầu thế kỷ 19 khi những cư dân đầu tiên vượt sông đến đây để dựng làng, lập ấp. Sau đó, đã đặt tên cho nơi này là làng Tân Vinh. Đến đầu thế kỷ 20, khoảng sau năm 1920 thì nơi đây lại được đổi tên mới là cù lao Tân Quy cho đến tận ngày nay. Cù lao Tân Quy nằm trong vùng đầu nguồn nên quanh năm có nước ngọt, màu mỡ phù sa… trở thành một vùng chuyên canh cây ăn trái với đủ loại trái cây đặc trưng của Nam Bộ như: măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, dâu, nhãn tiêu da bò… Đặc biệt măng cụt Tân Quy đang được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước bởi chất lượng cao và sản lượng ổn định. Măng cụt Tân Quy chứa đầy đủ vị chua, ngọt thanh, như cân bằng được tất cả các vị giác trên lưỡi người thưởng thức. Bất cứ ai ăn trái măng cụt này rồi sẽ hiểu vì sao nó được mệnh danh là “nữ hoàng trái cây”. Mùa trái cây chín từ tháng 4 – 6 âm lịch, cả dải đất cù lao trở thành khu trưng bày các loại trái cây đặc sản khổng lồ, du khách dễ dàng tìm gặp bên đường hay vào tận vườn tham quan những loại trái cây đặc sản xứ này. Người dân cù lao nổi tiếng hiếu khách. Đến nhà nào, khách cũng được mời những đặc sản có trong vườn nhà. Đi dạo dưới những tán lá vườn cây trĩu quả thơm lừng trái chín, du khách sẽ vô cùng thích thú khi thấy những trái sầu riêng đang đong đưa trên cành, những hàng chôm chôm, nhãn thẳng tắp với tán xòe rộng đang trĩu quả, cùng những hàng măng cụt nghiêng mình soi bóng. Đến đây sự mệt mỏi dường như tan biến bởi không khí mát mẻ, gió sông nhè nhẹ, bóng cây râm mát tạo cảm giác thư thái dễ chịu. Không chỉ biết tạo thu nhập từ vườn cây ăn trái, những năm gần đây, khi nhận thấy khách du lịch Trà Vinh đến tham quan, tìm hiểu về xứ Cù lao ngày càng đông, một số hộ dân đã cải tạo lại khu vườn để mở thêm dịch vụ du lịch miệt vườn, trở thành điểm đến ghé thăm, vui chơi của nhiều du khách gần xa. Các khu du lịch sinh thái cù lao Tân Quy đã dựng sẵn những căn chòi lá hay những chiếc võng được thiết kế độc đáo tại một góc vườn để du khách ngồi nghỉ ngơi sau khi đi dạo và thưởng thức trái chín. Sau đó, du khách còn được biết đến nhiều món ăn đặc sản nổi tiếng ở Cù lao như: lẩu cá bông súng, lẩu gà nấu lá giang, mực xào cải, tôm sú nướng… Ngoài được tận hưởng một không khí trong lành, thơ mộng, thưởng thức hương vị thơm ngon của trái cây miệt vườn. Du lịch Trà Vinh, đến đây bạn còn sẽ thích thú hơn khi được tận hưởng với cảm giác đi xe đạp, tắm sông, chèo thuyền ngắm sông nước, vườn cây trái nối tiếp nhau xanh ngút ngàn hay xuống thuyền phiêu lưu một chuyến “săn cá Bông lau” cùng với người dân xứ vườn nhiệt tình, hiếu khách.

Trà Vinh

Từ tháng 1 đến tháng 12

1287 lượt xem

Bãi biển Ba Động

Nằm riêng một góc bên bờ Đông của tỉnh Trà Vinh, giữa hai cửa biển Cung Hầu và Định An, cầu nối giữa đất liền và biển Đông rộng lớn, biển Ba Động được xem là một trong những bãi biển đẹp nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Bãi biển là khu vực trực thuộc xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Sở dĩ vùng biển này được gọi là Ba Động vì khi thủy triều lên xuống, trên bãi biển hình thành ba cồn cát, người dân ở đây gọi cái tên thân thương là Ba Động, tức động cát. Ba Động có bờ biển trải dài hơn 10km cùng bầu không khí trong lành, mát mẻ đặc trưng của miền biển Nam Bộ. Là một trong những bãi biển hiếm hoi của vùng Tây Nam Bộ vẫn giữ được màu nước trong vắt dù thượng nguồn sông Mê Kông hằng năm đổ về lượng phù sa rất lớn, du lịch biển Ba Động hiện đang là lựa chọn số 1 của bà con miền Tây khi có nhu cầu đi chơi biển trong phạm vi gần. Đặc biệt, nơi đây ngày càng thu hút được nhiều du khách phương xa trong hành trình tìm hiểu và khám phá xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh. Với những vẻ đẹp khác biệt mà thiên nhiên ưu ái ban tặng, không có gì ngạc nhiên khi biển Ba Động được khai thác du lịch và nghỉ dưỡng ngay từ thời thuộc địa. Người Pháp sau khi sang Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động du lịch phục vụ người bản xứ như xây dựng khu nghỉ mát ven biển (nay là địa danh Nhà Mát), mở sân golf (nay là địa danh Cồn Cù). Sau giai đoạn chiến tranh ác liệt, người Pháp rút khỏi Việt Nam, tỉnh Trà Vinh được thành lập, các quan chức của tỉnh tiếp tục cho triển khai và đẩy mạnh du lịch tại đây, đưa Ba Động trở thành điểm nghỉ dưỡng lý tưởng bậc nhất miền Tây. Vốn có bãi biển kéo dài cùng bờ cát nhấp nhô sóng gợn, hai bên là hàng phi lao xanh mát, đi dạo dọc bờ biển vào các thời điểm bình minh hay hoàng hôn sẽ là một trải nghiệm thật chill. Khác với màu trong xanh khi trời đứng bóng, hoàng hôn và bình minh tại biển Ba Động lại khoác lên mình bộ áo đỏ rực, quyến rũ và ấm áp. Xa xa ngoài khơi tô điểm thêm một vài tàu thuyền đánh cá giữa mênh mông sóng nước sẽ khơi gợi lên cảm giác bình yên trong lòng người lữ khách. Du lịch biển Ba Động mà không hòa mình vào dòng nước trong vắt nơi đây thì xem như chưa đặt chân đến. Bãi biển này có ưu điểm là bờ cát nông, những con sóng rất nhỏ, lăn tăn, không có sóng lớn và hiệu ứng chảy ngược ra ngoài khơi nên rất an toàn. Du khách có thể thỏa sức đắm mình vào thiên nhiên tươi mát mà không cần lo lắng về sự cố. Do đặc tính bãi biển bình yên nên các môn thể thao dưới nước khá được ưa chuộng tại đây. Du khách có thể dễ dàng tìm các dịch vụ cho thuê mô tô nước và trải nghiệm cảm giác thú vị mà bộ môn này mang lại. Dù là mô hình mới xuất hiện khoảng thời gian gần đây nhưng chất lượng dịch vụ thì hoàn toàn không thua kém các bãi biển xinh đẹp khác. Sẽ thật thiếu sót khi du khách bỏ qua việc ghé thăm cánh đồng Điện gió Hàn Quốc. Đây được xem là biểu tượng hot nhất của biển Ba Động và của cả tỉnh Trà Vinh. Du khách có thể diện những bộ cánh thật đẹp, mang theo máy ảnh, đi dọc theo cầu vàng nối liền các nhịp tua-bin gió và mang về bộ hình sống ảo siêu xịn. Vẻ đẹp hòa hợp giữa tự nhiên và nhân tạo nơi đây tạo nên khung cảnh siêu ấn tượng mà du khách nhất định không thể bỏ lỡ. Loại hình du lịch mạo hiểm này đang được giới trẻ cực kỳ yêu thích. Với hoạt động này, du khách sẽ theo tàu đánh bắt ra biển, nơi đóng các đáy hàng khơi, trải nghiệm cuộc sống của một ngư dân thực thụ. Ngoài việc giúp du khách có được cái nhìn mới mẻ hơn về cuộc sống khơi xa, giải tỏa mọi căng thẳng, lo âu ở thành phố, hoạt động này còn giúp mọi người hiểu thêm về hiện thực cuộc sống gian khổ của ngư dân, biết trân quý thêm những thành quả lao động có được từ việc đối mặt với đầu sóng ngọn gió.

Trà Vinh

Từ tháng 1 đến tháng 12

1274 lượt xem

Ao Bà Om

Nằm cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 5 km, Ao Bà Om hiện là một trong những địa điểm nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, khám phá. Mang trong mình nét đẹp thiên nhiên hoang sơ, mộc mạc - Ao Bà Om đem đến cho bạn cảm giác gần gũi, thân quen vô cùng. Với chiều dài 500m, chiều rộng 300m, ngạc nhiên và bất ngờ là những ấn tượng đầu tiên mà Ao Bà Om mang lại cho du khách khi đến thăm nơi này. Nghe đến ao, hầu hết các bạn sẽ nghĩ nó nhỏ bé, nhưng thật sự Ao Bà Om rộng như một cái hồ. Bốn bề xung quanh là những rặng cây cổ thụ lâu năm như cây dầu, cây sao. Mặt hồ yên ả, nước trong veo kết hợp với màu xanh mướt của cỏ cây tạo nên một bức tranh phong cảnh quê hương bình lặng, hữu tình. Những cây sao, dầu sống lâu năm có một phần rễ đã bén sâu trong lòng đất, một phần rễ nổi lên trên tạo thành nhiều hình thù khác nhau. Rất nhiều rễ to lớn trở thành ghế ngồi của khách dừng chân, hay những cái hang để trẻ con vui đùa. Chiều về, khi hoàng hôn dần buôn xuống, Ao Bà Om thực sự là nơi dạo chơi lý tưởng ở Trà Vinh. Những cây cổ thụ cao vút che mát cả một vùng trời, tựa lưng vào thân cây hay nằm dưới bãi cỏ ngắm nhìn cảnh quan, đất trời. Nhìn bọn trẻ con tung tăng nô đùa, đạp xe vòng quanh lòng bỗng yên bình đến lạ. Vào các dịp lễ, khi màn đêm bao trùm, những chiếc đèn được thả đầy mặt nước, biến Ao Bà Om lung linh, huyền ảo mà đẹp đến nao lòng. Nhiều loại đèn với đủ đầy các kích cỡ được thả tung lên trời mang theo ước mong vạn vật yên bình, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Ngoài thăm thú cảnh vật, dạo mát thì đến với Ao Bà Om du khách còn được thưởng thức những món ăn ngon như bánh thốt nốt, bánh canh, bún mắm, … ở khu chợ nhộn nhịp hai bên đường dẫn vào ao, hoặc những món ăn, thức uống mang đầy hương vị tuổi thơ như đá bào, cá viên chiên, … qua những gánh hàng rong, xe bán đồ ăn vặt quanh đó. Những món ăn bình dị với giá cả phải chăng là điều mà nhiều khách tham quan thích thú khi đến đây. Để lại sự ồn ào, tấp nập của phố thị, để lại tiếng người, tiếng còi xe chen chúc nhau trên đường, cùng tìm về với Ao Bà Om để cảm nhận sự thanh bình nơi làng quê, hít thở không khí trong lành, hòa mình với thiên nhiên. Đây sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ với mỗi du khách.

Trà Vinh

Từ tháng 1 đến tháng 12

1285 lượt xem