Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh tọa lạc tại Phường 8, thành phố Trà Vinh, cách trung tâm tỉnh lỵ hơn 5 km về hướng tây nam, nằm trong quần thể khu văn hóa – du lịch, liên hoàn với di tích danh thắng Ao Bà Om, di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Âng và Trung tâm Văn hóa – Thể thao tỉnh, rất thuận tiện cho học sinh sinh viên, người nghiên cứu văn hóa dân tộc và khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu. Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh là một khối nhà hai tầng, có diện tích sử dụng hơn 1.700 m2, được thiết kế xây dựng trên cơ sở kết hợp hài hòa phong cách kiến trúc truyền thống dân tộc Khmer và hiện đại trong khuôn viên rộng 01 ha, có nhiều cây xanh rợp mát quanh năm. Bảo tàng hiện đang lưu giữ, trưng bày, giới thiệu hơn 800 hiện vật, hình ảnh, tài liệu phản ánh đời sống văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Khmer Trà Vinh, từ truyền thống đến đương đại. Từ cổng bước vào là một khoảng sân rộng nhiều cây xanh, tạo cho khuôn viên Bảo tàng luôn có không khí yên tĩnh, tách biệt hẳn với sự ồn ã, huyên náo bên ngoài. Đây là sự chuẩn bị cần thiết cho khách tham quan, nhất là các nhà nghiên cứu sự tĩnh tâm cần thiết, trước khi tập trung tìm hiểu một cách toàn diện, sâu sắc về bản sắc văn hóa Khmer, thông qua các hiện vật, hình ảnh, tư liệu được trưng bày và giới thiệu. Trong khuôn viên, ở góc phía bắc là ngôi tháp an vị di cốt của một nhân sĩ, trí thức, nhà hoạt động cách mạng tiêu biểu của dân tộc Khmer Trà Vinh nói riêng, Khmer Nam bộ nói chung là Maha Sơn Thông (1910 – 1997). Sau khi du học và nhận bằng Maha (tương đương Cử nhân Phật học), ông tham gia cách mạng giai đoạn tiền khởi nghĩa, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Maha Sơn Thông trải qua nhiều chức vụ quan trọng như Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh; Khu ủy viên, Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng kiêm Trưởng Ban Khmer vận Khu Tây Nam bộ; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Phần lớn diện tích tầng trệt của tòa nhà Bảo tàng là sảnh trống dưới các chân cột có nhiều ghế đá để khách tham quan có thể ngồi nghỉ chân hoặc đi lại trao đổi những vấn đề văn hóa cần quan tâm. Cầu thang lên lầu được đặt ở vị trí chính giữa sảnh và bên dưới cầu thang là một hồ nước hình bán nguyệt xinh xắn, có nhiều cá cảnh tung tăng bơi lội, tạo cảnh quan vui tươi nhẹ nhàng. Một phần diện tích tầng trệt được chia thành các phòng làm việc của cán bộ, nhân viên Bảo tàng. Ở các vị trí này, người có trách nhiệm dễ dàng quan sát mọi hoạt động cũng như sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu hướng dẫn, giới thiệu đối với khách tham quan. Phần còn lại là Phòng Trưng bày truyền thống đấu tranh cách mạng của đồng bào Khmer Trà Vinh giai đoạn tiền khởi nghĩa, hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Trà Vinh 1097 lượt xem Từ tháng 1 đến tháng 12
Ngày cập nhật : 01/04/2023