Lễ hội rước Mục Đồng là lễ hội dành cho trẻ chăn trâu được tổ chức ở làng Phong Lệ, Hòa Châu, Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Thường thì lễ hội này không diễn ra hàng năm mà 3 năm mới tổ chức một lần.
Đối với người dân làng Phong Lệ thì đây là một lễ hội lớn còn đối với người dân Đà Nẵng thì đây lại là một lễ hội mang đậm văn hóa truyền thống của dân tộc. Lễ hội rước Mục Đồng diễn ra trong hai ngày ở cuối tháng 3 âm lịch, chủ yếu để cầu mong mùa màng bội thu, cuộc sống sung túc.
Lễ hội rước Mục Đồng gắn với một truyền thuyết từ rất lâu. Tương truyền, thuở xa xưa tại làng Phong Lệ có một cồn cỏ. Một ngày nọ, có một người nông dân xua đàn vịt lên cồn thì bỗng dưng các chú vịt ấy bị dính chặt chân xuống đất, như là có bàn tay của ai đó níu chặt lại.
Vậy nên, từ đó người dân trong vùng mới đặt tên là cồn Thần. Sau đó không long, có đàn trâu trong làng chạy lạc lên cồn, đám trẻ chăn trâu đến tìm nhưng lại không gặp bất cứ chuyện gì.
Từ đó, dân làng mới đồn rằng, cồn Thần chỉ cho trẻ em chăn trâu đến gần mà thôi. Xóm Cồn cũng được gọi là Xóm Cồn, là nơi tụ tập của các mục đồng trong làng. Cũng từ đó về sau, các thế hệ trong làng dần hình thành một lễ hội dành cho trẻ chăn trâu, gọi nôm na là Lễ hội rước Mục Đồng.
Từ hạ tuần tháng 3 âm lịch, khi mà công việc đồng áng đã đi vào kết thúc, cũng là lúc lễ hội chuẩn bị bắt đầu, nhà nhà thi nhau chuẩn bị sắp đặt. Các điền chủ từ trung nông trở lên (Nghĩa là gia tài của họ có vài mẫu ruộng và vài ba con trâu) trực tiếp đứng ra cáng đáng mọi việc.
Làng trên xóm dưới, ai nấy điều rộn ràng tổ chức lễ hội rước Mục Đồng. Ngoài những lá cờ nhỏ của mục đồng còn chuẩn bị cờ lớn của 13 tộc họ trong làng vào ngày Lễ hội rước Mục Đồng. Loại cờ cán lớn bằng tre dài đến 5m treo các con giống. Từ tứ linh (lân, long, quy, phụng) cho đến tứ nghệ (sĩ, nông, công, thương).
Tuy nhiên, loại cờ được treo nhiều nhất vẫn là hình ảnh các nông cụ trong sản xuất nông nghiệp như là cày, bừa, cuốc, xẻng, dần, nia.,.. Làm thế nào để nhận được giải trong lễ hội cũng là chủ đề khá được quan tâm. Các tộc họ có điều kiện thì thi nhau thuê các thợ mộc Kim Bồng về để điêu khắc các con giống bằng gỗ vô cùng tinh xảo. Mang trên mình nhiều thứ như vậy trông rất nặng vậy nên yêu cầu các lực điền sức khỏe cực tốt thì mới đủ sức cầm cờ trong lễ hội.
Buổi chiều 19/3 âm lịch bắt đầu làm lễ dao đồng. Đây là thời điểm mà con cháu sinh sống ở các tỉnh thành phương xa kéo về làng đông đủ nhất. Các chú mục đồng cầm cờ dạo quanh các cánh đồng với ý nghĩa mong sao mùa màng năm nay bội thu.
Sáng ngày 30 âm lịch chính thức làm lễ rước. Trời chưa hửng sáng, bình minh bắt đầu dâng lên đã vang vọng khắp nơi tiếng trống làng, như thanh âm giục giã dân làng trở về dự lễ.
Tất cả mọi người tề tựu trong sân đình thần, sân này còn được gọi là đình Mục Đồng. Người cai quản các mục đồng ăn vận lễ phục tươm tất, trịnh trọng tiến vào hậu tẩm rồi khấn vái bài vị của Thần Nông rồi đem đặt vào kiệu.
Kiệu rước được bài trí như là kiệu rước Thần, Nóc của kiệu có 4 mái trang trí 4 giao lá, rèm của kiệu giăng hoa kết đằng trông rực rỡ vô cùng. Người khiêng kiệu này là bốn mục đồng có chiều cao tầm tầm như nhau.
Dẫn đầu đám rước của Lễ hội rước Mục Đồng là đoàn cờ mục đồng, tiếp đến là cờ của 13 tộc họ. Dàn cổ nhạc, chiêng trống vang dội của đình làng. Mỗi nhà có trâu nhiều hay trâu ít điều sắp sửa lễ phẩm. Những lễ phẩm thường là một mâm xôi với hoa quả.
Đôi khi là một con gà hoặc một đầu heo cho người đội lên đầu đi theo đám rước. Dân làng nối đuôi nhau đi sau cùng. Điểm nhấn nổi bật nhất chính là kiệu rước. Trong dòng người tấp nập như là rồng rắn bò trên mặt đất, kiệu rước rực rỡ đủ sắc màu, trông uy nghi, sang trọng tiến về Cồn Thần.
Thanh âm náo nhiệt của cổ nhạc, của trống chiêng, dưới ánh sáng bập bùng của các ngọn đuốc, đám rước tạo nên một khung cảnh vô cùng thanh bình trên cung đường làng hãy còn lờ mờ trong sương sớm. Đó quả thật là một bức tranh yên ả về một làng quê rất Việt Nam.
Khi mặt trời lên khỏi ngọn tre cũng là lúc làm lễ vừa xong, mọi người lại quay về với nhịp sống hàng ngày. Nhưng là, sau Lễ hội rước Mục Đồng, ai nấy trong lòng luôn dấy lên một niềm tin, năm nay sẽ có một vụ mùa bội thu.
Lễ hội rước Mục Đồng đơn giản, chân thành nhưng cũng đầy sắc màu rực rỡ với những con người bình dị, các trò chơi dân gian hấp dẫn cùng các màn trình diễn độc đáo của trẻ chăn trâu tạo nên ấn tượng khó quên với khách du lịch khi đến với thành phố du lịch Đà Nẵng, thành phố sôi động bậc nhất Việt Nam.
Từ 06/05/2024 - 07/05/2024