Là một tỉnh thuộc Miền Tây Nam Bộ, du lịch Bến Tre khiến du khách hòa mình trong vẻ đẹp sông nước hữu tình với những vườn trái cây trĩu quả, nguồn thủy sản phong phú, không khí trong lành, thời tiết mát mẻ quanh năm. Không những thế, mảnh đất này còn mang trong mình nét đẹp văn hóa độc đáo, đặc biệt là những ngôi chùa linh thiêng, cổ kính gắn liền quá trình “khai hoang mở cõi" của cư dân Bến Tre xưa.
Là một tỉnh thuộc Miền Tây Nam Bộ, du lịch Bến Tre khiến du khách hòa mình trong vẻ đẹp sông nước hữu tình với những vườn trái cây trĩu quả, nguồn thủy sản phong phú, không khí trong lành, thời tiết mát mẻ quanh năm. Không những thế, mảnh đất này còn mang trong mình nét đẹp văn hóa độc đáo, đặc biệt là những ngôi chùa linh thiêng, cổ kính gắn liền quá trình “khai hoang mở cõi" của cư dân Bến Tre xưa.
Các ngôi chùa nổi tiếng ở Bến Tre có thể kể đến như: Chùa Tuyên Linh, chùa Vạn Phước, chùa Hội Tôn, chùa Viên Minh, chùa Viên Giác,... Trong đó, chùa Viên Giác không chỉ là một ngôi chùa có kiến trúc đẹp mà còn gắn liền với lịch sử của Xứ Dừa. Chùa tọa lạc tại phường 5, thành phố Bến Tre trên một diện tích 3.500m2. Mặt tiền chùa hướng ra con rạch; mặt hậu là đường Hoàng Lam đông đúc, cách đó không xa là sông Bến Tre. Nhìn chung, vị thế chùa rất thuận lợi về đường bộ lẫn đường sông, người dân và khách phương xa dễ dàng đến thăm viếng, lễ Phật.
Không gian yên tĩnh tại chùa Viên Giác (Ảnh: K.D.)
Thuở xưa, đây là ngôi chùa của người Khmer, được xây dựng vào khoảng năm 1870. Do thời cuộc biến thiên, các vị sư người Khmer rời đi và chùa bị xuống cấp. Bấy giờ, hương chức làng An Hội đã đứng ra quản lý và ngôi chùa từ đó đã trở thành chùa của làng An Hội. Năm 1900, Hòa Thượng Tâm Quang được bổn đạo làng An Hội thỉnh về làm trụ trì chùa Viên Giác, ngài đã làm nhiều Phật sự cho chùa, đáng kể nhất là công cuộc đại trùng tu chùa Viên Giác từ năm 1915-1924. Đến năm 1965, chùa tiếp tục được trùng tu, xây dựng lại tường, các mặt dựng, lợp lại mái nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc cho đến ngày nay.
Chùa tọa lạc trên một mặt bằng rộng thoáng và có cảnh quan đẹp, mặt tiền hướng ra con rạch hiền hòa, tạo nên thế “Minh đường tụ thủy" cho ngôi chùa. Trong khuôn viên sân trước nổi bật với tượng Quan Âm Bồ tát sơn vàng cầm bình tịnh thủy đứng trên tòa sen trang nghiêm. Ngôi chùa được hoàn thiện qua nhiều thời kỳ. Phức hợp kiến trúc có giá trị văn hóa nhất của ngôi chùa chính là ba tòa nhà: Tiền điện, nhà Tổ và Giảng đường nằm chung một trục dọc, đây là kiến trúc chùa chữ “tam" (三) - một kiến trúc đình chùa phổ biến ở Nam Bộ. Bên trong chùa thờ phụng theo lối “tiền Phật, hậu Tổ", cùng với những pho tượng gỗ sơn son thiếp vàng trang nghiêm có lịch sử trên trăm năm, được tô điểm thêm bằng hoành phi, liễn đối đã tăng lên nét thâm trầm cổ kính.
Chánh điện chùa Viên Giác (Ảnh: K.D.)
Tiền điện là tòa nhà dạng ba gian hai chái, sát vách trái và phải có bàn thờ Hộ Pháp và Tiêu Diện Đại Sĩ. Đây là hai pho tượng cổ được chế tác bằng gỗ, đường nét chạm khắc rất mỹ thuật. Chắn ở gian giữa của Tiền điện là một bàn thờ lớn, bày trí các bộ tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu; Quan Thánh và hai vị trong bộ Thập điện Diêm vương là Diêm La vương (ngũ điện) và Chuyển Luân vương (thập điện). Các pho tượng này cũng được làm bằng gỗ và chạm khắc theo những quy chuẩn riêng biệt. Đặt phía sau còn có bộ tranh thờ Thập bát La hán bằng gỗ làm năm Mậu Ngọ (1918). Có thể nói, đây là một hiện vật rất đặc biệt, không giống với những tranh thờ cùng loại ở những ngôi chùa khác trong tỉnh.
Chánh điện được xây theo dạng tứ trụ với 4 cột cái ở giữa. Tại gian chánh trung là nơi thờ Phật với bàn thờ cao ba tầng: Tầng trên cùng là bộ Di Đà Tam tôn với Di Đà, Quan Âm, Thế Chí; tầng giữa là bộ Địa Tạng vương Bồ tát; tầng dưới cùng là Thích Ca sơ sinh, hai bên có tượng Thiện Hữu, Ác Hữu. Hai gian bên đều phối thờ tôn tượng Phật Thích Ca vốn có nguồn gốc từ chùa Linh Sơn (Sài Gòn) và được thỉnh về chùa Viên Giác dưới thời của tổ Tâm Quang. Hệ thống tượng thờ tại Chánh điện đều làm bằng gỗ và là hiện vật cổ gắn liền với các giai đoạn lịch sử của chùa. Trang trí quanh án thờ Tam bảo vô cùng mỹ thuật và lộng lẫy với chiếc bao lam chạm trổ đề tài Cửu long, cặp liễn đối chạm chữ Hán trên nền rồng mây rất công phu nghệ thuật. Đây là tặng phẩm của hai nữ tín chủ giàu có nổi tiếng tại Bến Tre là Cô Ba Lê Thị Ngỡi và bà Phạm Thị Quý.
Chùa Viên Giác là ngôi cổ tự không chỉ nổi tiếng ở Bến Tre mà còn khắp cả miền Nam vì nơi đây đã gắn liền với phong trào chấn hưng Phật giáo của Hòa thượng Lê Khánh Hòa - một vị cao tăng tinh thông Phật học (trụ trì chùa Tuyên Linh). Bức hoành phi lạc thành được Hòa Thượng Lê Khánh Hòa phụng cúng, đặt trang nghiêm trên chánh điện đã nói lên điều này. Vào năm 1927, sư cụ Khánh Hòa đã tổ chức lớp giáo lý Phật học một năm cho các phật tử tại chùa.
Hiện nay, tại chùa còn lưu giữ nhiều tài liệu Phật học, kinh sách liên quan đến thời kỳ Chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ. Trong những năm tháng kháng chiến chống lại thực dân Pháp, những vị trụ trì chùa đã có nhiều đóng góp cho phong trào yêu nước, điển hình như thầy Chí An. Năm 1946, thầy Chí An với tinh thần yêu nước đã tham gia Phật giáo cứu quốc tỉnh Bến Tre. Vì thế, chùa là nơi hoạt động cách mạng, nơi hội họp của những nhà yêu nước lúc bấy giờ. Năm 1989, nơi đây đã đánh dấu một bước ngoặc lịch sử của Phật giáo Bến Tre, là nơi diễn ra lễ ra mắt Ban đại diện Tỉnh hội Phật giáo lâm thời tỉnh Bến Tre, mở đầu cho sinh khí sinh hoạt của tăng ni và phật tử.
Ngày nay, chùa có nhiều hoạt động hỗ trợ trong công tác từ thiện, bảo trợ xã hội tại địa phương giúp người dân trong vùng ổn định cuộc sống, cũng như đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam về nhân lực, trí lực vào công cuộc đào tạo tăng tài tại Trường Trung cấp Phật học Bến Tre.
Viên Giác Cổ Tự thành lập năm 1870 Ảnh: K.D
Chùa là không gian linh thiêng gắn liền với tín ngưỡng, văn hóa của con người Việt Nam. Đến Bến Tre, chùa Viên Giác sẽ là một địa chỉ cho những tăng ni Phật tử trên khắp mọi miền tỏ lòng thành kính của mình với Đức Phật và tìm về chốn bình yên, an lạc trong tâm thức./.
Bến Tre
1475 lượt xem
Ngày cập nhật
: 23/08/2023
Thanh Nhã - Kiều Duyên