Là ngôi đình hiếm hoi của vùng đất xứ Đoài vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, đình So từng xuất hiện trong bộ phim “Người vợ cuối cùng” với vẻ đẹp thâm trầm, xưa cũ của một di tích kiến trúc đã 400 năm tuổi.
Là ngôi đình hiếm hoi của vùng đất xứ Đoài vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, đình So từng xuất hiện trong bộ phim “Người vợ cuối cùng” với vẻ đẹp thâm trầm, xưa cũ của một di tích kiến trúc đã 400 năm tuổi.
Đình So thuộc hai xã Cộng Hòa và Tân Hòa, huyện Quốc Oai. Đây là ngôi đình được xây dựng vào năm 1673, thờ tam vị Nguyên soái Đại vương- là các vị tướng có công lớn, đã giải cứu vua Đinh Tiên Hoàng bị quân Ngô bao vây ở chùa Bối Khê và phù vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lập nên nước Đại Cồ Việt.
Đình So nằm trên địa thế rất đẹp, đình tựa lưng Núi Rùa, phía trước nhìn ra dòng sông Đáy. Cổng tam quan đình làng So có dãy bậc thang đá 18 cấp dắt xuống phía hồ bán nguyệt, hai bên có hai hàng lan can bằng đá, mỗi đầu đều được tạo hình đám mây mềm mại, bay bổng.
Đình có khuôn viên rộng hơn 4 ha, kiến trúc kiểu nội công ngoại quốc. Tòa Đại đình dài 32,9m, rộng 13,1m; gồm 5 gian, 2 chái, 2 dĩ, bốn mái lợp ngói mũi hài cổ, bờ nóc gần hai hàng gạch hộp rỗng hoa chanh và bốn đầu đao gắn tượng nghê, uốn cong vút lên theo kiểu “Tàu đạo lá mái”. Đình được dựng bởi 6 bộ vì kèo, nóc được kết cấu theo kiểu “Chồng rường - giá chiêng” quy mô bề thế.
Toàn bộ khuôn viên ngôi đình có tường gạch trổ hoa bao lơn hài hòa với nền sân gạch đỏ, về hai phía tả hữu bố trí hai dãy nhà dải mỗi dãy 5 gian mái ngói chạy dọc đến nhà Đại bái.
Trước gian Đại bái có bậc đá tam cấp hai bên đặt hai tượng rồng bằng đá. Nhìn tổng thể gian đại bái cao rộng, vững chãi. Hệ thống cửa bức bàn và các chắn song chạy dọc về hai phía tạo cảm giác mộc mạc, cổ kính.
Bên trong đình So không gian cao rộng thoáng đãng gồm 7 gian hai chái, gian Đại điện nằm ở chính giữa trũng hơn hẳn so với các gian ở hai bên. Đây là nơi đặt án hương thờ nhà Thánh, cũng là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng trong dịp hội hè lễ Tết.
Trang trí mỹ thuật Đình So khá phong phú và đa dạng với hàng loạt chạm trổ hình tứ linh, tứ quý, Lân, Long mã, Hồ phù, Rùa, Cá chép, Hoa sen, mây trời…thể hiện sự tinh tế, khéo léo, tỉ mỉ của các nghệ nhân.
Đình So là một trong những kiệt tác của kiến trúc và điêu khắc. Đình So được tặng 3 bằng xếp hạng Di tích Quốc gia: Di tích Kiến trúc thế kỷ XVII (1980); Di tích Lịch sử - Văn hóa (1995) và Di tích Quốc gia đặc biệt (2018).
Chị Nguyễn Phan Khánh Linh và anh Nguyen Lam Matthew vốn sinh sống ở Mỹ. Khi về Việt Nam để chụp ảnh cưới, chị Linh đã ngay lập tức “phải lòng” khung cảnh cổ kính, mộc mạc của đình So và quyết định sẽ thực hiện bộ ảnh áo dài ở đây. "Bối cảnh của đình So thật sự rất đẹp và cổ kính, hợp với trang phục truyền thống Việt Nam. Cảm giác như chỉ cần đưa máy lên là sẽ có những bức ảnh rất "nghệ" rồi. ", tác giả của bộ anh chia sẻ.
Dưới tác động của thời gian, dù đã trải qua vài lần tu bổ nhưng đình So vẫn giữ nguyện vẹn trong mình vẻ đẹp mộc mạc xưa cũ, giản dị thâm trầm nhưng lại tinh tế trong từng chi tiết nhỏ. Nếu là người yêu thích những nét đẹp kiến trúc truyền thống cổ xưa, thì đình So sẽ là nơi mang lại trọn vẹn cảm xúc trầm ngâm, hoài niệm cho du khách.
Hà Nội
1052 lượt xem
Ngày cập nhật
: 03/02/2024
Thùy Chi; Ảnh: Trần Việt Đức