Chùa Hương Tích - Hoan Châu đệ nhất danh lam

Chùa Hương Tích thuộc địa phận xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ngôi chùa cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 25 km về phía Đông Bắc; cách thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An khoảng 30 km về phía Đông Nam.

Chùa Hương Tích thuộc địa phận xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ngôi chùa cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 25 km về phía Đông Bắc; cách thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An khoảng 30 km về phía Đông Nam.

Chùa Hương Tích nằm ở vị trí đặc biệt nhất, cao 650m so với mực nước biển và tọa lạc ở vị trí lưng chừng dãy núi Hồng Lĩnh - nơi được gọi là “Khối quần sơn kỳ vĩ”. Cảnh động Hương Tích đã được chọn làm biểu tượng cho danh sơn Hồng Lĩnh và được chạm lên Anh Đỉnh, là một trong chín đỉnh đồng đúc năm Minh Mạng thứ 17 đặt tại Kinh thành Huế.

Chùa Hương Tích sở hữu vẻ đẹp thơ mộng ẩn mình giữa làn mây khói mờ ảo. Đây là một trong những ngôi cổ tự lâu đời của đất Hà Tĩnh và gắn liền với những giai thoại xa xưa.

Du khách đến với chùa Hương Tích Can Lộc - Hà Tĩnh là đến với danh thắng "Hoan Châu đệ nhất danh lam", đến với Núi Hồng Lĩnh huyền thoại có 99 đỉnh non cao gắn với truyền thuyết 100 con chim phượng hoàng bay về tìm chốn đậu. Đến với nơi đây, du khách sẽ được đắm mình trong thiên nhiên đất trời hòa quyện, với cõi linh thiêng, thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của một vùng đất “địa linh nhân kiệt” và nghe truyền thuyết về Công chúa Diệu Thiện hóa Phật Quan Âm cứu độ chúng sinh.

Vị trí Khu du lịch Chùa Hương Tích

Chùa Hương Tích tọa lạc trên đỉnh Hồng Lĩnh hùng vĩ

Chùa Hương Tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Văn hóa - Thắng cảnh cấp Quốc gia vào năm 1990 tại Quyết định số 309/QĐ-BVHTT. Năm 2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định Khu du lịch Chùa Hương Tích là Khu du lịch cấp tỉnh.

Lễ khai hội chùa Hương hằng năm được chọn là lễ hội mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh vào ngày mùng 6 tháng Giêng và chính lễ Chùa Hương được tổ chức vào ngày 18 tháng 2 âm lịch hằng năm, tức ngày Công chúa Diệu Thiện hóa Phật Quan Âm. Vào dịp đầu xuân năm mới, nhất là vào mùa lễ hội, hàng vạn người về thắp hương lễ Phật, cầu xin cuộc sống bình an, no đủ. Riêng với người Hà Tĩnh, chùa Hương Tích được xem là "Bàn thờ gia tiên", dù ở đâu lòng người Hà Tĩnh vẫn luôn hướng về ngôi chùa linh thiêng này như hướng về cội nguồn quê hương, dân tộc.

Phương tiện di chuyển đến chùa Hương Tích

Có nhiều phương tiện để khách tham quan lựa chọn khi đến vãn cảnh chùa Hương Tích như: máy bay, xe khách, tàu hỏa, xe máy. Sau khi đến khu vực làm việc của Ban quản lý Khu du lịch, khách tham quan sẽ có ba lựa chọn để đến được chùa Hương Tích, bao gồm:

- Đi bộ đến chùa Hương Tích: Du khách có thể đến chùa bằng đường bộ. Bắt đầu chuyến hành trình, du khách đến thắp hương tại miếu Cửa Rừng để trình báo và cầu nguyện Chư vị thần linh phù hộ cho chuyến hành hương lên đất Phật bình an tốt đẹp. Đoạn đường từ miếu Cửa Rừng đến trạm nghỉ Phật Bà tương đối bằng phẳng, hai bên đường rừng thông rì rào trong gió. Khi đến động Soi (còn gọi là trại Dê), du khách bắt gặp một ngã ba nhỏ, lối đi về phía Tây là đường lên am Bát Cảnh được xây tại động Trúc. Am Bát Cảnh được xây vào thời Trần, đời vua Trần Nhân Tông, ngày nay dường như vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Đây là một di tích văn hóa về Đạo giáo giúp du khách hoài niệm về một thời vàng son đã qua.

Từ động Soi, đi thẳng lên là trạm nghỉ Phật Bà (tên thường gọi là Miếu Cô), nằm bên dòng suối Hương Tuyền, phía dưới là khe Quỷ Khóc, phía trên là một am nhỏ, tương truyền là điểm dừng chân của Công chúa Diệu Thiện trước khi được Bạch Hổ đưa lên Hương Tích. Đoạn đường từ trạm nghỉ Phật Bà lên chùa Hương Tích dài khoảng 1 km, trên cung đường này du khách có thể nán lại thắp hương tại Miếu Cậu.

Nếu đi bộ, du khách có thể dừng chân ghé thắp hương tại Miếu Cửa Rừng trình báo và cầu nguyện các Chư vị thần linh phù hộ cho chuyến hành trình về cõi Phật

- Đi xe điện đến cáp treo: Du khách có thể ngồi xe điện trên cung đường gần 5 km, hai bên đường là những hàng thông xanh ngút được ví như “Đà Lạt thu nhỏ”.

Du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên trên cung đường uốn lượn như dải lụa của núi Hồng Lĩnh

Cung đường xe điện nhìn từ trên cao

- Đi thuyền, đi bộ đến cáp treo: Xuôi dòng hồ Nhà Đường, khách tham quan sẽ thỏa sức đắm mình trong sắc xanh của sông nước mênh mang, xanh thẳm. Sau đó, tản bộ khoảng 1 km đến ga cáp treo tại Miếu Cô. Từ đây, du khách có thể lựa chọn đi cáp treo hoặc đi bộ đến chùa.

Đắm mình trong vẻ đẹp xanh thẳm của hồ Nhà Đường

Đi thuyền sẽ giúp du khách chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên trước khi đến chùa Hương Tích

- Đi cáp treo: Tại ga cáp treo ở Miếu Cô, du khách sẽ đi qua cung đường dài khoảng 1 km để đến chùa Hương Tích. Đây là hệ thống cáp treo sử dụng công nghệ tiên tiến của Áo, Thụy Sỹ đi vào hoạt động từ năm 2012, với tổng kinh phí đầu tư 140 tỷ đồng, công suất tối đa 25 cabin, hiện tại mới vận hành 20 cabin, tốc độ tối đa 4,6 phút/lượt.

Du khách ngồi trên ca bin cáp treo đi qua cung đường dài khoảng 1 km để đến chùa Hương Tích

 

Sự tích chùa Hương Tích

Đến với chùa Hương Tích, du khách sẽ được đắm mình trong thiên nhiên đất trời hòa quyện, với cõi Phật linh thiêng, nghe truyền thuyết về Công chúa Diệu Thiện hóa Phật Quan Âm cứu độ chúng sinh trong khi thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của một vùng đất “địa linh nhân kiệt”.

Sự tích kể rằng, vua Sở Trang Vương có ba người con gái, lần lượt là Diệu Duyên, Diệu Ân và Diệu Thiện. Đến tuổi trưởng thành, vua muốn ba người lấy quan thần trong triều nhằm có được chỗ dựa vững chắc sau này. Tuy nhiên, trái với hai người chị em, Công chúa Diệu Thiện không chấp nhận cưới vị tướng quân vốn nổi tiếng ác độc. Vì vậy, nàng kiên quyết phản đối, và điều này khiến vua Sở Trang Vương rất tức giận. Quá đau lòng, nàng Diệu Thiện đã bỏ đi, sau đó đến dựng am, tu hành, nương nhờ cửa Phật ngay trên đỉnh dãy Hồng Lĩnh.

Tuy nhiên, tướng quân không bỏ cuộc và đã tìm đến tận nơi để phóng hỏa nhằm ép nàng Diệu Thiện xuất hiện. May mắn thay, Công chúa Diệu Thiện và các tăng ni được Đức Phật che chở và sai Bạch Hổ đưa nàng sang nước Việt Thường Thị lập am tu hành. Nơi nàng đến là hang động Thiếu Lĩnh, nằm cheo leo nơi lưng chừng dãy Hồng Lĩnh.

Sau này, khi vua Sở Trang Vương lâm trọng bệnh, nàng Diệu Thiện đã dâng cả tròng mắt và bàn tay để cứu cha. Đức Phật cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của nàng đã làm phép giúp mắt Công chúa Diệu Thiện sáng lại, và bàn tay cũng đầy đủ trở lại. Sau đó, nàng tiếp tục tu hành và đắc đạo trở thành Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay như ngày nay. Tại nơi nàng Diệu Thiện tu hành, người dân đã dựng một ngôi chùa, tức chùa Hương Tích ngày nay.

Có lẽ từ lâu, du khách thập phương vẫn thường tự hỏi vì sao Việt Nam có hai ngôi chùa Hương, là chùa Hương tại Hà Nội và chùa Hương tại Hà Tĩnh. Tuy nhiên thực tế, chùa Hương tại Hà Nội không phải là ngôi chùa gốc mà là phiên bản của chùa Hương Tích tại Hà Tĩnh. Lịch sử ghi chép lại rằng, sở dĩ xây dựng thêm chùa Hương tại Hà Nội bởi đoạn đường từ kinh đô đến chùa Hương rất xa khiến chúa Trịnh không yên tâm mỗi dịp phi tần đi trẩy hội chùa Hương. Vì vậy, chúa Trịnh đã cho xây một ngôi chùa Hương khác tại vùng núi Hà Sơn Bình, góp phần tạo thêm một chùa Hương kỳ ảo, thơ mộng.

Miếu Cô

Lịch sử xây dựng chùa Hương Tích

Qua truyền thuyết, sử sách và hiện vật khảo cổ học chứng minh chùa được xây dựng vào thời nhà Trần, sau đó được trùng tu, sửa chữa vào thời Lê Trung Hưng. Năm Ất Dậu (1885), chùa bị hỏa hoạn; đến năm Tân Sửu (1901), Tổng đốc An Tĩnh là Đào Tấn đứng ra kêu gọi nhân dân cho xây dựng lại chùa. Trong suốt quá trình trùng tu, các công trình cũ của chùa Hương Tích đã được phục dựng gần như toàn bộ. Năm 1990, chùa Hương Tích chính thức được công nhận là Di tích Văn hóa - Thắng cảnh cấp Quốc gia của vùng đất Hoan Châu, trở thành điểm tham quan tâm linh nổi tiếng khắp xứ Nghệ.

Cổng tam quan chùa Hương Tích trong làn sương mờ ảo

Kiến trúc và khung cảnh chùa Hương Tích

Chùa Hương Tích là quần thể di tích văn hóa có quy mô lớn với ngôi chùa thờ Phật, đền thờ Thần cùng các đền gắn liền với tín ngưỡng nông nghiệp và tín ngưỡng thờ mẫu của người dân Việt Nam.

Toàn bộ khuôn viên chùa Hương Tích được chia thành ba khu vực, bao gồm Thượng điện, đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu - nơi Công chúa Diệu Thiện đắc đạo hóa Phật. Ngay phía sau khuôn viên chùa Hương Tích là hàng cây cổ thụ trăm năm tuổi với bộ rễ khổng lồ cắm sâu vào lòng đất và những tán lá sum suê tỏa bóng mát. Bên cạnh đó, khách tham quan sẽ nhìn thấy những tảng đá lớn muôn hình vạn trạng nằm rải rác khắp nơi, đem đến cho không gian nơi đây thêm phần ấn tượng, cuốn hút. Xung quanh chùa là vô vàn những thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất Hoan Châu như: miếu Cô, am Phun Mây, động Tiên Nữ, suối Tiên Tắm cùng khe Quỷ Khóc với những giai thoại nhuốm màu sắc tâm linh huyền bí.

Trong khuôn viên chùa Hương Tích, có thể nói, điện Tam Bảo là nơi đặc sắc nhất, thu hút lượng lớn du khách đến chiêm ngưỡng, thắp hương. Nơi đây thờ rất nhiều tượng Phật cổ với niên đại lên đến hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm.

Đặc biệt, tại chùa Hương vẫn lưu giữ 2 pho tượng Phật, 1 tòa Cửu Long quý hiếm bằng đồng đen và chuông đồng cổ đang được UBND huyện xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia.

Tượng Phật cổ bằng đồng

Tượng Phật cổ bằng đồng

Tòa Cửu Long cổ

Chuông đồng cổ

Trên đỉnh núi Hương Lĩnh có một am nhỏ, là nơi đặt tượng Quan Âm cùng những tượng khác tạc từ đá tảng.

Am Phật Bà - nơi công chúa Diệu Thiện hóa Phật Quan Âm

Chùa Hương Tích là điểm dừng chân của các tín đồ Phật giáo mỗi khi đến vùng đất Hoan Châu

Đặc biệt hơn cả, vì tọa lạc nơi độ cao 650m so với mực nước biển và nằm nơi lưng chừng dãy Hồng Lĩnh bạt ngàn, chùa Hương Tích sở hữu cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục mà bất kỳ du khách nào đặt chân đến chắc hẳn đều cảm thấy ấn tượng và choáng ngợp. Hiện ra trước mắt là những ngọn núi kỳ vĩ, những khu rừng bạt ngàn sắc xanh cùng với bầu không khí trong lành, âm thanh rộn ràng tiếng chim hót. Tất cả đã tạo nên bức tranh chùa Hương Tích vừa hùng vĩ tráng lệ trước thiên nhiên, vừa nhuốm màu linh thiêng, và pha nét huyền bí.

Chùa Hương Tích cũng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã

Từ tháng 11 âm lịch là mùa hoa đua sắc ở dãy núi Hồng Lĩnh

Toàn bộ khuôn viên chùa Hương Tích thượng cách chùa chính khoảng 350m đi bộ

Chùa Hương Tích là một trong những di tích tâm linh nổi tiếng bậc nhất khu vực, đồng thời vẫn giữ nguyên kiến trúc xưa với vẻ đẹp cổ kính, nhuốm màu thời gian

Đường lên chùa Hương Tích thượng (nơi xưa là Nền Trang Vương tọa lạc)

Trên đường đi du khách sẽ bắt gặp hình ảnh Rùa thần

Lên cao hơn du khách sẽ tận mắt chiêm ngưỡng Bảo Tháp

Lễ hội chùa Hương Tích

Lễ hội chùa Hương Tích luôn là một trong những dịp lễ thu hút lượng lớn du khách và Phật tử đến vãn cảnh và chiêm bái. Hằng năm sau dịp Tết Nguyên đán, Lễ hội chùa Hương Tích được tổ chức trang trọng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Thông thường, ngày hội chính được tổ chức vào ngày 18 tháng 2 âm lịch, là ngày Công chúa Diệu Thiện hóa Phật Quan Âm.

Lễ khai hội Chùa Hương Tích - mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh, thường được tổ chức vào ngày mùng 06 tháng Giêng âm lịch.

Vào những ngày diễn ra Lễ hội chùa Hương Tích, các Phật tử sẽ đến dâng hương, cầu nguyện

Trong những ngày Lễ hội, tại chùa Hương Tích sẽ diễn ra hàng loạt các hoạt động in đậm văn hóa dân gian, giúp mọi người có cái nhìn chân thực hơn về vùng đất thiêng này.

Trò chơi bịt mắt bắt vịt

Trò chơi kéo co

Vật cổ truyền

Không chỉ thu hút du khách bằng vẻ đẹp cổ kính giữa núi non đại ngàn, chùa Hương Tích còn là chốn linh thiêng kỳ diệu, là nơi gửi gắm niềm tin, giúp mỗi người tìm thấy sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn. Nếu du khách mong muốn tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử, văn hóa dân gian nơi vùng đất Hoan Châu này, thì chùa Hương Tích sẽ là điểm đến lý tưởng và hấp dẫn không thể bỏ qua trong chuyến hành trình tâm linh của mình

Hà Tĩnh 1121 lượt xem

Ban Quản lý Chùa Hương Tích (Hà Tĩnh) ; https://dulich.petrotimes.vn/

Nguồn : Petro Times

Link liên kết

Khám Phá Hà Tĩnh

Bãi Biển Hoành Sơn

Tháng 3 đến tháng 11

1092 lượt xem

Khu du lịch sinh thái Sơn Kim

Từ tháng 1 đến tháng 12

1042 lượt xem

Khu du lịch sinh thái hồ Trại Tiểu

Tháng 5 đến tháng 8

1161 lượt xem

Biển Thiên Cầm

Tháng 3 đến tháng 10

1074 lượt xem

Núi Hồng Lĩnh

Từ tháng 1 đến tháng 12

1083 lượt xem

Hồ Kẻ Gỗ

Tháng 3 đến tháng 8

1111 lượt xem

Ngã ba Đồng Lộc

Từ tháng 1 đến tháng 12

1033 lượt xem

Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du

Từ tháng 1 đến tháng 12

1141 lượt xem

Chùa Hương Tích

Từ tháng 1 đến tháng 12

1145 lượt xem

Khu du lịch Văn hóa sinh thái Hải Thượng

Từ tháng 1 đến tháng 8

453 lượt xem

Khu du lịch Đá Bạc Eco

Từ tháng 1 đến tháng 8

487 lượt xem

Công viên nước VinWonders Hà Tĩnh Water Park

Từ tháng 04 đến tháng 08

449 lượt xem

Biển Xuân Thành

Từ tháng 04 đến tháng 08

484 lượt xem

Vườn Quốc gia Vũ Quang

Từ tháng 03 đến tháng 08

505 lượt xem

Biển Thạch Hải

Từ tháng 04 đến tháng 08

455 lượt xem

Tin tức nổi bật