Tết đến Làng du lịch Tân Hóa thưởng thức cơm Pồi, cá thính chua

VOV.VN - Cuối năm 2023, mô hình Làng du lịch thích ứng thời tiết ở Tân Hoá (Quảng Bình) đã cùng nhiều làng khác trên thế giới được Tổ chức Du lịch thế giới - UNWTO (nay là UN Tourism) bổ sung vào mạng lưới Những làng du lịch tốt nhất. Trong số trên 100 làng du lịch tốt nhất do UN Tourism thẩm định, Việt Nam có 2 đơn vị là Tân Hóa (Quảng Bình) và Thái Hải (Thái Nguyên).

VOV.VN - Cuối năm 2023, mô hình Làng du lịch thích ứng thời tiết ở Tân Hoá (Quảng Bình) đã cùng nhiều làng khác trên thế giới được Tổ chức Du lịch thế giới - UNWTO (nay là UN Tourism) bổ sung vào mạng lưới Những làng du lịch tốt nhất. Trong số trên 100 làng du lịch tốt nhất do UN Tourism thẩm định, Việt Nam có 2 đơn vị là Tân Hóa (Quảng Bình) và Thái Hải (Thái Nguyên).

Cuối tháng Chạp, khi tiết trời vừa ấm lên, cả làng Tân Hóa (Quảng Bình) đã chộn rộn đón Tết. Nhộn nhịp nhất là những gia đình kinh doanh homestay, chuẩn bị đón khách du lịch. Qua 3 tháng nghỉ đông, dọn dẹp sau lụt, nhà nào cũng lau chùi, trồng lại luống hoa, tỉa lại bờ rào, niềm nở đón khách quay lại với Tân Hóa.

Ông Trương Xuân Dương (người bên phải) ở thôn 1 - Yên Thọ, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết từ khi làm du lịch thu nhập nhà ông khá hơn

Ông Trương Xuân Dương (ở thôn 1 - Yên Thọ, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) cho biết từ khi kinh doanh homstay, gia đình ông mỗi tháng có thu nhập thêm từ 7 đến 10 triệu đồng. “Năm nay đón Tết vui hơn mọi năm. Từ ngày 20 tháng Chạp, sửa sang nhà cửa, trồng hoa tới tận cửa homestay. Khách họ đi xuyên Tết nên mình cũng chuẩn bị sẵn sàng để ăn Tết với họ”.

Làng Tân Hoá nằm giữa các dãy núi đá vôi, có nhiều hệ thống hang động tồn tại hàng triệu năm nay. Núi đá vôi ở Tân Hoá với nhiều hang động như: Hang con Chuột, hang Dơi, hang Tụng, hang Tú Làn… tạo nên thế mạnh về du lịch sinh thái và du lịch hang động. Ngày xưa, nơi đây rừng núi ngút ngàn có nhiều loại gỗ quý, cùng vô số các loại dược liệu quý. Bây giờ, rừng đã bị thu hẹp nhiều nhưng cũng có những cánh rừng được người làng gìn giữ nên Tân Hóa còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, níu chân du khách.

Người dân làng Tân Hóa chuẩn bị đón Tết

Nổi bật nhất là cánh rừng Cồn Lim được gia đình ông Trương Quốc Đô ở thôn 5 - Yên Thọ kỳ công chăm sóc. Ông Đô kể, ông mồ côi cha mẹ từ bé, lớn lên nhờ rừng và rừng nuôi ông thành người. Trước đây, ông cũng từng phá rừng theo lệnh của hợp tác xã, khai thác gỗ về chia nhau làm nhà. Đến năm 1993, khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho người dân bảo vệ, ông Đô nhận gần 20 ha để chăm sóc và bảo vệ. Từ đó, ông Đô coi rừng lim như người bạn thân thiết của mình. Hàng chục năm nay, qua đôi tay chăm sóc của ông, rừng lim ngày càng xanh tươi. Bây giờ, trong khu rừng Cồn Lim, nhiều cây lim đã thành cổ thụ quý hiếm hơn trăm năm tuổi.

Ông Trương Quốc Đô bộc bạch, dù nghèo nhưng ông vẫn quyết gìn giữ, chăm sóc rừng lim như một "báu vật": “Tôi bảo vệ rừng để sau này bàn giao cho công thổ quốc gia chứ, bảo vệ để bảo tồn về sau chứ mình không bảo vệ thì sẽ không còn. Bảo vệ rừng lim nhiều khi cũng gặp nguy hiểm, những kẻ khai thác gỗ trộm cũng thường gây gổ với tôi".

Không những ông Đô, rất nhiều người dân Tân Hóa trước đây phá rừng thì nay họ trở thành những người bảo vệ rừng nghiêm ngặt. Ngày nay, khi vào rừng Tú Làn - Tân Hóa không còn cảnh người dân đi khai thác gỗ trái phép như những năm trước đây. Những người đàn ông ngày xưa sống dựa vào việc săn bắn, đánh bắt cá, cưa gỗ hay phá rừng… thì nay đã trở thành những người gìn giữ kỹ lưỡng từng ngọn cây, nhặt từng túi rác vương vãi trong rừng.

Ông Trương Quốc Đô, người giữ rừng lim cổ thụ Cồn Lim trả lời phỏng vấn phóng viên VOV

Tân Hóa có nhiều hang động nên khi lũ lụt, nước thoát chậm, gây nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống của nhân dân. Thế nhưng, người dân Tân Hóa không rời bỏ quê nhà mà tìm cách sống chung với lũ. Sau các trận lũ lịch sử năm 2010 và năm 2011, người dân xã Tân Hoá nảy ra sáng kiến làm bè phao “sống chung với lũ”. Bè phao này được làm với khoảng 20 đến 30 chiếc thùng phuy rỗng, gắn kết lại thành bè. Khi nước dâng cao, chiếc bè này nổi lên theo nước. Dần dần, bà con cải tiến từ bè nổi làm thành những nhà nổi, có mái, vách thưng che mưa nắng. Nhà nổi này được giữ cố định bởi 4 cọc định vị 4 góc nhà và cả gia đình sống trong nhà nổi sinh hoạt bình thường trong mùa mưa lũ. Đến nay, xã Tân Hóa có gần 620 căn nhà nổi, đảm bảo 100% các hộ dân có thể thích ứng an toàn và sống chung với lũ. Gần 620 căn nhà nổi này được các tổ chức, cá nhân tài trợ 100% kinh phí giúp bà con xây dựng.

Khi người dân sống chung an toàn trong những nhà phao, Tân Hoá chú ý đến việc phát triển mô hình làng du lịch thích ứng với thời tiết, cung cấp các trải nghiệm đa dạng cho du lịch từ homestay, trải nghiệm công việc làm nông, ăn uống tại nhà dân, quầy hàng lưu niệm và trong các dịch vụ khác dành cho khách du lịch. Tân Hoá cũng được đầu tư bài bản trong công tác quảng bá thông qua việc truyền thông giới thiệu về Tú Làn, Tân Hoá. Một số bộ phim đã thực nhiện nhiều cảnh quay tại Tân Hoá như “Kong: Skull Island”, “Người bất tử”, “Truyền thuyết về Quán Tiên”,...

Người dân đón Tết với kỳ vọng du khách sẽ đến du xuân ở Tân Hóa nhiều hơn

Qua thực tế sinh động ở Tân Hoá, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã đề nghị Tân Hoá tham gia giải thưởng “Best Tourism Villages” (tạm dịch: Làng du lịch tốt nhất) của Tổ chức Du lịch thế giới - UNWTO (nay là UN Tourism). Cuối năm 2023, mô hình Làng du lịch thích ứng thời tiết ở Tân Hoá, tỉnh Quảng Bình đã cùng nhiều làng khác trên thế giới được UNWTO bổ sung vào mạng lưới Những làng du lịch tốt nhất.

Tết đầu tiên với thương hiệu "Làng du lịch tốt nhất", cả làng Tân Hóa đón Tết với kỳ vọng du khách sẽ đến du xuân ở đây nhiều hơn. Ông Trương Sơn Bài (ở thôn 2 - Yên Thọ, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) cho biết, người làng Tân Hóa cũng sửa soạn bữa cơm ngày Tết thật chu đáo tiếp đãi khách: “Nhà cửa phải quét dọn, tu sửa nhà cửa phải lau chùi. Nhà nào có điều kiện, cây cảnh người rồi hoa này khác cứ coi như thì làm chu tất. Còn bàn thờ tổ tiên, năm ngoái họ đi đến Tết, năm nay nếu mà họ đi chơi Tết. Mình ăn Tết thế nào thì mình cho khách khứa họ thưởng thức rứa. Ngoài ra, còn bánh mứt rồi mọi thứ nữa nếu có khách, nói chung là chu đáo khách đến vui vẻ, phấn khởi”.

Xã Tân Hóa có khoảng 3.300 người, đều thuộc cộng đồng người Nguồn. Người Nguồn thường ăn cơm Pồi, ốc tực, cà lào... Cơm Pồi là món ăn hàng ngày của người Nguồn, nguyên liệu chủ yếu là bắp, sắn, đậu (đỗ). Để nấu cơm Pồi, đầu tiên, người ta ngâm ngô vào nước sôi trong vài ba tiếng đồng hồ rồi vớt ra để ráo nước, bỏ vào cối giã, dần lấy bột. Sau đó sẽ thấm nước lã, nhồi kỹ, đánh tơi ra và bỏ vào nồi chõ. Công đoạn tiếp theo là lấy mo chuối vấn quanh miệng, rắc bột ngô rồi bắc lên bếp đun lửa hấp thành "cơm Pồi". Tết này, phụ nữ làng Tân Hóa chuẩn bị mâm cúng Tết tươm tất hơn.

Bà Nguyễn Thị Thu tự hào khi nói rằng, món ăn không thể thiếu của người Nguồn Tân Hóa là cơm Pồi: “Khách nước ngoài và khách Việt Nam đều rất tích món cơm Pồi, cá thính chua, hoa chuối. Đây là những món đặc sản của Tân Hóa. Tết còn có bánh chưng, ram cuốn mộc nhĩ, món kiến nấu vối cây pún hay rau tớn rừng”.

Chủ homestay chuẩn bị phòng ốc đón khách dịp Tết

Đến với Tân Hóa trong mùa xuân này, du khách sẽ bị níu chân bởi những làn điệu dân ca đặc sắc như hò thuốc cá, đàn đúm, hát ru,... Việc Tân Hoá được ghi nhận từ một tổ chức du lịch uy tín của thế giới đã tạo động lực giúp cho Tân Hoá vươn lên, từng bước trở thành trung tâm du lịch trọng điểm vùng Tây Bắc của tỉnh Quảng Bình.

Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, Tân Hoá sẽ sớm trở thành điểm sáng du lịch khu vực Tây Bắc tỉnh Quảng Bình trong tương lai gần và là đòn bẩy, là động lực để phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương lân cận: “Làng này có nhiều điều quyến rũ và sẽ không làm du khách thất vọng, nhiều giá trị tự nhiên rất hay. Tuy nhiên một ngôi làng cũng cần phải phát triển để tạo ra dịch vụ, vừa giữ cho được nét làng quê Việt Nam, nhưng cũng có dịch vụ thiết yếu từ Internet cho đến vệ sinh môi trường và dịch vụ khác.”

Tết này, nếu đến làng Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, du khách sẽ thấy những ngôi nhà xây, mái ngói kiên cố xen lẫn những ngôi nhà 2 tầng khang trang thay thế cho những ngôi nhà gỗ truyền thống. Những ngôi trường được xây cao tầng, khang trang và rộng rãi hơn. Đường sá, trường học khang trang hơn; cuộc sống người dân ấm no hơn và những đứa trẻ người Nguồn của làng Tân Hóa này sẽ có một tương lai tươi sáng hơn.

Quảng Bình 1301 lượt xem

Thanh Hà/VOV-Miền Trung

Nguồn : VOV.VN

Link liên kết

Khám Phá Quảng Bình

Biển Bảo Ninh

Tháng 3 đến tháng 11

1180 lượt xem

Suối nước Moọc – Bố Trạch

Tháng 3 đến tháng 8

1105 lượt xem

Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng

Từ tháng 4 đến tháng 8

1148 lượt xem

Bãi Đá Nhảy – huyện Bố Trạch

Từ tháng 1 đến tháng 12

1094 lượt xem

Vũng Chùa – Đảo Yến

Từ tháng 1 đến tháng 12

1164 lượt xem

Hang động Sơn Đoòng

Tháng 3 đến tháng 8

1398 lượt xem

Động Thiên Đường

Từ tháng 04 đến tháng 08

594 lượt xem

Động Phong Nha

Từ tháng 01 đến tháng 08

662 lượt xem

Hang Én

Từ giữa tháng 12 đến tháng 09

591 lượt xem

Sông Chày – Hang Tối

Từ tháng 04 đến tháng 08

559 lượt xem

Đồi cát Quang Phú

Từ tháng 04 đến tháng 08

546 lượt xem

Biển Nhật Lệ

Từ tháng 05 đến tháng 08

572 lượt xem

Khu du lịch sinh thái Ozo Park

Từ tháng 04 đến tháng 08

547 lượt xem

Suối nước khoáng nóng Bang

Từ tháng 10 đến tháng 03

624 lượt xem

Hang Tú Làn

Từ tháng 04 đến tháng 08

595 lượt xem

Vườn thực vật Phong Nha

Từ tháng 01 đến tháng 08

550 lượt xem

Thung lũng Sinh Tồn - hang Thủy Cung

Từ tháng 04 đến tháng 08

223 lượt xem

Khu du lịch sinh thái Suối Đá

Từ tháng 03 đến tháng 08

223 lượt xem

Tin tức nổi bật