Hàng chục tuyến, điểm đến du lịch ngoài hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng phù hợp cho những du khách thích đi khám phá, trải nghiệm vào mùa hè nắng nóng, như vườn thực vật, thác Gió, vùng Ozo, thung lũng Sinh Tồn, rừng cây bách xanh…
Hàng chục tuyến, điểm đến du lịch ngoài hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng phù hợp cho những du khách thích đi khám phá, trải nghiệm vào mùa hè nắng nóng, như vườn thực vật, thác Gió, vùng Ozo, thung lũng Sinh Tồn, rừng cây bách xanh…
Bên cạnh gần 450 hang động lớn nhỏ đã được phát hiện khám phá, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) còn chứa đựng nhiều điểm, tuyến du lịch khác đầy sức hấp dẫn.
Du khách ưa khám phá rừng nguyên sinh, ngắm nhìn cảnh quan núi đá vôi hay lội chơi dưới những con suối nước trong xanh chảy róc rách hay ào ạt thác, gắn liền với một số hang động lớn nhỏ…, hãy đến với vùng rừng bản Đoòng, hang Én, Khe Ri. Du khách sẽ có được những trải nghiệm khác biệt trong đời. Bởi đây là tuyến du lịch đa dạng cảnh quan nhất, có núi thấp và trung bình trên đá, thảm thực vật rừng kín, bản người dân tộc ít người, cảnh quan núi đá và hang động karst...
Khung cảnh suối nước Moọc
Du khách theo đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây), từ đoạn km 39, sẽ đi bộ giữa rừng sâu vào bản Đoòng, một bản nằm biệt lập giữa vùng lõi Vườn quốc gia PN-KB, mất khoảng hai giờ. Trên đường đi, du khách nhiều phen được kinh sợ và lo lắng vì những đoạn đường trượt lở với vách ta luy bên dương và bên âm cao và sâu cả trăm mét, tạo nên một khung cảnh ngoạn mục.
Trên đường vào bản Đoòng, du khách có thể bắt gặp nhiều động vật như voọc chà vá, cầy mực, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ... nhảy nhót dưới thảm cây dày. Những cây gỗ đường kính đến vài người ôm. Khu vực này tập hợp kỳ lạ một vùng cây ăn quả như bứa, dâu da, vú sữa, trám đen, trám trắng, nang...
Vào mùa quả, du khách có thể thưởng thức tại chỗ vị quả rừng tươi rói tự tay mình hái xuống, sau những giờ cuốc bộ trên các triền đá cheo leo và lội giữa suối sâu. Vùng rừng Đoòng là một thung lũng bằng phẳng, với những cánh rừng nguyên sinh, chứa trong mình nhiều loại động, thực vật quí hiếm. Bản Đoòng, với gần 20 hộ, cũng là bản duy nhất của người dân tộc Bru - Vân Kiều sống trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia PN-KB. Dừng chân ở bản, du khách trải nghiệm sống cuộc sống của người dân bản địa với nét hoang dã giữa núi rừng.
Trước đây khu vực rừng Đoòng này có bò tót sinh sống, nên còn được gọi là vùng Hung bò tót. Có cây gùa cổ thụ đường kính đến 12 người ôm mới xuể, độ tuổi trên 1.000 năm. Độ cao của vùng này trên 1.000m, nhiệt độ trung bình quanh năm dưới 25oC. Nhiều đoạn đường đa địa hình, uốn lượn rất ngoạn mục có thể tổ chức khai thác cho môn thể thao xe đạp leo núi ở tầm quốc tế. Nhiều nơi trên mặt phẳng của rừng, trên các cánh đồng karst (đá vôi) nổi lên những khối đá mồ côi có hình thù kỳ dị, rất ấn tượng. Những vách đá vôi dựng đứng, những thung lũng dạng khe hẻm và hang động nhỏ... tạo ra sức hấp dẫn cho du khách thích khám phá, mạo hiểm.
Du khách đi trên vùng này với các đoạn đường bằng phẳng, len lỏi dưới tán rừng nguyên sinh ở thung lũng Rào Thương, đưa lại cho mọi người cảm giác thư giãn thực sự sau những giờ cuốc bộ trên đường núi. Ở đây có nhiều bãi bồi phẳng do sông suối tạo nên. Các thềm đá chạy dài theo triền núi, dọc ven suối... Có hang động nhỏ mà cửa nằm sát ngay mặt nước suối, nép dưới mái đá, hay nằm chìm dưới mặt nước lúp xúp cây cối.
Ông Cao Xuân Chính, cựu phó giám đốc Vườn quốc gia PN-KB, từng thốt lên: “Đẹp đến mức ngơ ngẩn cả hồn khi đến vùng này. Nếu cho mình một túp lều, một túi gạo thì mình sẽ ở đây luôn”.
Nơi đây cũng có hang Én, chính là vùng cửa ngõ để vào hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới tới thời điểm này. Thường về mùa thu, có hàng vạn con chim én đến trú ngụ, hang nằm trong vùng nước lặn của suối Rào Thương. Gọi là vùng nước lặn bởi vì khi nước sông chảy đến đây thì đột ngột tụt xuống, mất hút vào lòng đất, cứ như dòng nước đã bị ai uống mất vậy.
Hang Én được khảo sát lần đầu vào năm 1996 bởi các nhà thám hiểm hang động người Anh. Hang dài hơn 1,6km, trần hang có nơi cao 100m, nơi rộng nhất 170m. Từ đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) đến được hang này phải mất 12 giờ đi bộ và 4 giờ lội suối. Do vậy, du khách phải cắm trại ngủ lại giữa rừng trước khi quay trở về nơi xuất phát.
Sau khi vãn cảnh vùng rừng và hang Én, du khách sẽ đến vùng hang nước Khe Ri nằm ven suối, ở phía nam phân khu bảo vệ nghiêm ngặt trong vùng lõi của Vườn quốc gia PN-KB. Hang dài tổng cộng hơn 19km, trần hang chỗ cao nhát đến 120m. Suối Khe Ri bắt nguồn từ các đỉnh núi đá vôi cao đến cả ngàn mét và chảy rất mạnh vào cửa hang. Dòng nước từ đầu nguồn chảy vào nhiều cửa hang khác nhau ở vách núi, hợp lại ở hệ thống Khe Ri chính rồi nối vào hang Én, sau đó lặn xuống đất để chảy ngầm về hệ thống sông Phong Nha.
Đường vào hang phải qua nhiều đoạn ngoằn ngoèo với các hồ nước sâu, nhiều hang đá nhỏ rất nguy hiểm. Du khách sau khi lội bộ, leo núi chán chê sẽ phải... bơi rất nhiều đoạn trong hang, rồi lách qua các đoạn đá thắt nhỏ lại. Có những kênh nước sâu thẳm trong lòng hang tạo cảm giác mạnh cho du khách.
Trong vùng rừng này, địa hình rất hợp cho các tuyến du lịch mạo hiểm, kết hợp với du lịch khám phá cảnh quan và trải nghiệm. Bởi vậy nên theo khảo sát của Trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐH quốc gia Hà Nội), thì vùng bản Đoòng, hang Én, Khe Ri ở đây có đủ cấp độ du lịch mạo hiểm từ thấp nhất đến cao nhất. Đoạn từ đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) đến hang Én ở mức độ nguy hiểm cấp 1, chỉ thử thách du khách sự dẻo dai. Đoạn từ cửa sau của hang Khe Ri vào sâu 1km ở mức nguy hiểm cấp 2. Đoạn còn lại được đánh giá có mức độ nguy hiểm cấp 3, 4. Đoạn cuối phải vượt qua hàng chục km đường hiểm trở trên địa hình núi đá, sông suối, trong hang sâu.
Tại đây sẽ thử thách lòng dũng cảm và sức khoẻ của du khách khi phải đối mặt với bóng tối, những vách đá và thạch nhũ dốc đứng trơn trượt, hay những sườn đá cheo leo của các bãi đá sập, ngay bên dưới là khe hẻm sâu hun hút. Du khách cũng phải bơi qua gần 1/3 quãng đường trong làn nước lạnh giá từ đá núi, dưới những thác nước chảy cuồn cuộn, sôi réo bọt trắng.
Mùa hè nóng bỏng, du khách vào rừng PN-KB sẽ được hưởng trọn vẹn không khí mát mẻ của núi rừng, sông suối, cây xanh… Cùng với đó là những “chiến tích” khám phá, trải nghiệm thật khó quên trong đời.
Đến Quảng Bình du khách còn được ghé thăm nhiều điểm di tích lịch sử nổi tiếng khác như:
1.Chùa Hoằng Phúc
Chùa Hoằng Phúc với khởi nguồn là am Tri Kiến, chùa Kính Thiên, dân gian thường gọi là chùa Trạm hay chùa Quan, thuộc phường Thuận Trạch (nay là xã Mỹ Thủy), huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.Trải qua hơn 700 năm lịch sử, chùa Hoằng Phúc vẫn tồn tại và phát triển với nhiều lần trùng tu, phục dựng. Năm 1609, chúa Nguyễn Hoàng đã cho dựng lại chùa trên nền cũ và đặt tên là Kính Thiên Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu ra thăm chùa, cho tu sửa lại, ngự để hai bức hoành biểu “Kính Thiên tự“, “Vô song phúc địa”, và ngự chế 5 đôi liễn treo ở chùa. Xem chi tiết
2.Đèo Đá Đẽo
Đèo Đá Đẽo nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh nhánh Đông huyền thoại gắn liền với lịch sử Việt Nam. Đèo dài 17km thuộc địa phận của xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Sở dĩ người ta gọi là Đèo Đá Đẽo bởi vì con đèo nằm vắt ngang qua đỉnh một ngọn núi đá vôi dài hơn 10 km. Xem chi tiết
3.Lăng Nguyễn Hữu Cảnh
Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh nằm trên một ngọn đồi cao, cây cối thoáng mát của dẫy núi An Mã thuộc xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy. Nguyễn Hữu Cảnh là quan có công lớn dưới thời chúa Nguyễn trong việc đánh giặc, mở cõi, định hình lãnh thổ Việt Nam trong một quốc gia thống nhất. Xem chi tiết
4.Thành cổ Đồng Hới
Thành cổ Đồng Hới là một bộ phận nằm trong tổng thể các di tích lịch sử quân sự của Đồng Hới vào thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh, được xây dựng trên một vùng đất xung yếu của đường xuyên việt từ Bắc vào Nam. Cùng với vị trí địa lý thuận lợi là phía Đông giáp với sông và cửa biển Nhật Lệ, vừa là nơi tiếp viện quân, vừa góp phần chặn đứng mũi tiến công bằng đường thuỷ của đối phương, nơi đây đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu sự thắng lợi trong công cuộc Bắc tiến của 9 đời chúa Nguyễn, kết thúc 200 năm nội chiến. Xem chi tiết
5.Chiến Khu Trung Thuần
Chiến khu Trung Thuần nằm ở vùng bán sơn địa thuộc địa phận hai xã Quảng Lưu và Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch, cách thị trấn Ba Đồn chừng 5 km về phía Tây. Từng là căn cứ địa cách mạng quan trọng của quân và dân Quảng Trạch trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quôc Mỹ xâm lược, chiến khu Trung Thuần đã trở thành chứng tích lịch sử hào hùng, là niềm tự hào của mỗi người dân nơi đây. Xem chi tiết
Quảng Bình
822 lượt xem
Ngày cập nhật
: 14/04/2024
Lam Giang, ảnh: Lam Giang, Oxalis