(SGTT) – Thời điểm cuối năm, trên đỉnh Phượng Hoàng ở Quảng Ninh, cỏ đang chuyển màu vàng rực. Dịp này, nhiều du khách đến ngắm “mùa cỏ cháy” hoặc cắm trại trên đồi.
(SGTT) – Thời điểm cuối năm, trên đỉnh Phượng Hoàng ở Quảng Ninh, cỏ đang chuyển màu vàng rực. Dịp này, nhiều du khách đến ngắm “mùa cỏ cháy” hoặc cắm trại trên đồi.
Ngắm “mùa cỏ cháy”
Đỉnh Phượng Hoàng thuộc bản 12 Khe, phường Bắc Sơn, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây mang vẻ đẹp bình dị với thảm cỏ rộng lớn, xen lẫn là những hàng thông xanh.
Từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau là mùa cỏ cháy ở đỉnh Phượng Hoàng. Ảnh: Toàn Khánh
Ở đỉnh Phượng Hoàng có hai mùa nổi bật là mùa cỏ xanh và “mùa cỏ cháy”. Vào mùa Xuân và Hè, đỉnh Phượng Hoàng xanh mướt màu cỏ. Từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau, ngọn đồi dần thay màu vàng rực của cỏ cháy, phảng phất nét trầm lắng, hoang sơ.
Đỉnh Phượng Hoàng sở hữu không gian thoáng mát, yên tĩnh cùng không khí trong lành. Ảnh: Bùi Hoài
Nằm ở độ cao gần 500m, đỉnh Phượng Hoàng sở hữu một không gian thoáng mát, yên tĩnh cùng không khí trong lành. Nơi đây chưa phát triển nhiều về du lịch nên vẫn giữ được khung cảnh nguyên sơ.
Đứng trên đồi, ngắm thảm cỏ trải dài, hòa mình vào đất trời bao la là trải nghiệm thú vị với du khách khi đặt chân đến đỉnh Phượng Hoàng.
Đỉnh Phượng Hoàng sở hữu một không gian thoáng mát. Ảnh: Bùi Hoài
Thời gian lý tưởng để ngắm đỉnh Phượng Hoàng từ 5:00 đến 8:00 giờ, khi nắng chưa quá gắt. Đặc biệt, đỉnh Phượng Hoàng toát lên hết vẻ đẹp vào lúc mặt trời sắp lặn. Khi ráng chiều nhuộm màu vàng cam lên cỏ cháy, du khách sẽ được ngắm bức tranh hoàng hôn đẹp thơ mộng.
Cắm trại qua đêm
Khung cảnh hoang sơ, thanh bình khiến đỉnh Phượng Hoàng trở thành nơi lý tưởng để cắm trại, dành một đêm ngắm sao trời và thức dậy đón bình minh từ trong những chiếc lều còn đọng sương.
Khung cảnh thanh bình khiến đỉnh Phượng Hoàng trở thành nơi lý tưởng để cắm trại. Ảnh: Toàn Khánh
Du khách có thể tự thuê đồ cắm trại từ Hà Nội hoặc chọn thuê ngay dưới chân đỉnh núi để không phải mang vác đồ. Hiện tại, gói dịch vụ cắm trại tại đây có mức giá khoảng 700.000 đồng/người, bao gồm ô tô gầm cao đưa du khách lên đỉnh Phượng Hoàng miễn phí.
Ngoài ra, lều đi kèm cũng rộng rãi, có thể chứa 6 – 8 người. Du khách còn được cung cấp bếp nướng, đồ nướng, mì ăn sáng…
Du khách cắm trại trên đỉnh đồi. Ảnh: Đới An An
Trong trường hợp du khách cắm trại tự túc, tiền thuê đồ và thuê xe ôm chở lên đỉnh dao động trong khoảng 700.000 đồng đến 1.200.000 đồng. Nhìn chung, cắm trại theo gói dịch vụ và tự túc không có nhiều sự chênh lệch về giá cả nên du khách có thể cân nhắc.
Một góc trên đỉnh Phượng Hoàng. Ảnh: Trang Anh Hoàng
Di chuyển đến đỉnh Phượng Hoàng
Để đến được đỉnh Phượng Hoàng, du khách có thể di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau. Nếu xuất phát từ Hà Nội, xe khách là phương tiện tối ưu nhất. Từ bến xe Mỹ Đình, du khách bắt một số xe khách như Kumho Việt Thanh, Phúc Xuyên, Ninh Quỳnh Car Vip… đến thành phố Uông Bí. Giá khoảng 400.000 đồng/người cho vé khứ hồi. Tại trung tâm thành Uông Bí, du khách có thể thuê xe ôm hoặc xe máy di chuyển đến đỉnh Phượng Hoàng.
Nếu xuất phát từ Hà Nội, xe khách là phương tiện tối ưu nhất. Ảnh: Hyhan22
Vì đường lên đỉnh Phượng Hoàng rất dốc, cần tay lái cứng, du khách nên thuê xe ôm để được chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp đường đi, tiết kiệm được nhiều thời gian và đảm bảo sức khỏe. Giá chỉ khoảng 100.000 đồng/xe. Nếu thuê xe máy, mức giá sẽ rơi vào khoảng 200.000 đồng/người.
Quảng Ninh
1201 lượt xem
Ngày cập nhật
: 19/11/2023
Như Trúc