Ghé Huế, thăm xứ sở của Rồng

(CLO) Rồng là con vật huyền thoại được người phương Đông suy tôn là biểu tượng của vương quyền, gắn liền với hình ảnh ông vua. Thời nhà Nguyễn, dưới đôi tay tài hoa của các nghệ nhân hình tượng rồng đạt đến sự phong phú tối đa về chủ đề, chất liệu và hình thức biểu đạt.

(CLO) Rồng là con vật huyền thoại được người phương Đông suy tôn là biểu tượng của vương quyền, gắn liền với hình ảnh ông vua. Thời nhà Nguyễn, dưới đôi tay tài hoa của các nghệ nhân hình tượng rồng đạt đến sự phong phú tối đa về chủ đề, chất liệu và hình thức biểu đạt.

Rồng là con vật không có thật, đứng đầu tứ linh (long – lân – quy – phụng). Bản thân nó có sự hội tụ đầy đủ các đặc điểm được cho là đẹp nhất của 9 con vật có thật, gồm: thân rắn, vảy cá chép, đầu lạc đà, sừng hươu, chân hổ, móng vuốt đại bàng, tai bò, mũi và bờm sư tử, đuôi gà trống.

Rồng – biểu tượng của quyền uy nhà Nguyễn.

Hình tượng rồng ở Việt Nam có từ rất sớm và có lẽ dễ nhận thấy nhất là truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” có từ thời Hùng Vương. Trong suốt các thời kì phong kiến Việt Nam, hình tượng rồng được sử dụng rất phổ biến, đặc biệt là trong trang trí kiến trúc, mĩ thuật cung đình.

Tại Việt Nam, thời kì đầu, khi các quy định về thể thức trang trí mĩ thuật cung đình còn nghiêm ngặt thì hình tượng rồng chỉ được dùng cho hoàng cung nên chủ yếu xuất hiện trong các công trình kiến trúc như cung đình như: cung điện, đền đài, lăng tẩm, hoặc trên các đồ ngự dụng dành riêng cho vua chúa như: ngai vàng, ấn tín, sắc phong, quần áo, giày dép, mũ mão, cốc chén…

Hình tượng rồng xuất hiện nổi bật trên lầu Ngũ Phụng ở Ngọn Môn, Huế.

Về sau, xuất phát từ quan niệm ngoài biểu tượng uy quyền của thiên tử rồng còn thể hiện của sự thiêng liêng, che chở, thịnh vượng, may mắn, tốt đẹp, mưa thuận gió hòa… nên hình tượng rồng dần được dân gian hóa và xuất hiện nhiều trong các thiết chế văn hóa dân gian như đình, chùa, nhà cửa và thậm chí cả nơi mồ mả của người dân.

Tuy nhiên, việc dân gian hóa hình tượng rồng cũng diễn ra ở chừng mực và theo những quy ước nhất định để không vi phạm và tầm thường hóa hình ảnh linh vật vốn thuộc đặc quyền của giới hoàng gia.

Vẻ uy nghiêm của rồng trên nóc điện của lăng vua Tự Đức.

Theo các nhà nghiên cứu, rồng cung đình và rồng dân gian có sự khác nhau. Rồng tượng trưng cho hoàng đế thân phải có 81 vảy dương, 36 vảy âm, thân uốn 9 khúc, chân có 5 móng. Còn rồng trong dân gian chân thường chỉ có 3 hoặc 4 móng; hoặc rồng được biến chuyển thành các dạng khác như mãng long, giao long, long mã, con cù, hay cúc hóa long, trúc hóa long…

Trở lại với hình tượng rồng thời Nguyễn người ta thấy rằng, rồng thời kì này kế thừa kiểu sừng thon dài và hơi cong của rồng thời Trần; vây lưng mảnh, dài, đều… không giống kiểu vây tia dài và xen kẽ một tia lớn và một tia nhỏ như rồng thời Trần; thân rồng thời Nguyễn cũng uốn lượn khá đa dạng nhưng dáng rồng thân rắn mềm mại, uyển chuyển cơ bản vẫn như rồng thời Lý, Trần; kiểu đuôi xoắn giống rồng thời Lê Trung hưng và thời Tây Sơn; má rồng ngắn và hơi mập hơn một chút so với kiểu má rồng thon, dài thời Lý, Trần; mang rồng thời Nguyễn giống như các tia lửa nhọn, sắc và dài khác với mang một xoáy thời Lý và mang nhiều xoáy thời Trần…

Một cách thể hiện rồng chầu mặt trời khá bay bướm bằng chất liệu pháp lam trên nóc điện của lăng vua Đồng Khánh.

Tựu trung, rồng thời Nguyễn có sự kế thừa các đặc điểm của rồng các thời kì trước nhưng hình thế và thần khí thì có vẻ mạnh mẽ và oai phong hơn, lối thể hiện cũng phong phú, đa dạng hơn. Tùy vào vị trí và ý nghĩa thể hiện mà rồng thời kì này có khi chỉ xuất hiện một bộ phận nào đó của cơ thể như đầu, mặt, hoặc thân... chứ không chỉ bằng hình thức nguyên con như các thời kì trước.

Rồng thời Nguyễn được thể hiện theo nhiều chủ đề đặc sắc khác nhau như: lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều nhật, long hí thủy, hồi long, viên long, long truy, long phụng, long lân, long thọ, long vân khánh hội, trúc hóa long, cúc hóa long…

Về chất liệu thể hiện cũng rất phong phú, nhìn chung trong thực tế có chất liệu gì thì rồng đều được thể hiện bằng chất liệu ấy như vàng, bạc, đồng, đá, vôi vữa, gỗ, vải, xương, ngà, gốm, sứ… Cách thức thể hiện cũng muôn hình vạn trạng như: đúc đồng, tạc bằng đá, đắp bằng vôi vữa, chạm bằng gỗ, khảm bằng trai, thêu trên vải, vẽ trên giấy, gốm, sứ…

Bức tượng rồng đúc bằng đồng tuyệt đẹp vào năm 1842 đặt trước sân nhà hát Duyệt Thị Đường trong Đại Nội, Huế.

Có thể kể ra đây một số kiểu trang trí rồng tiêu biểu và độc đáo trong mĩ thuật triều Nguyễn. Ví dụ như ở hai nhà bát giác hai bên lầu Kiến Trung trong Tử Cấm Thành, tất cả các con rồng nằm trên bờ mái của công trình đều hướng mặt ra phía ngoài chứ không theo kiểu “hồi long” như thường thấy, đây chính là một ngoại lệ khá thú vị.

Hay như ở điện Ngưng Hy, lăng Đồng Khánh, nơi hai đầu hồi, chỗ bít đốc, rồng được trang trí dưới dạng “hổ phù” theo kiểu một mặt rồng nhìn trực diện với miệng ngậm một chữ “Thọ” hoặc một vòng tròn.

Có một trường hợp rất đặc biệt là ở điện Long An, toàn bộ các bộ vì kèo nâng đỡ phần nóc của tòa nhà được làm bằng gỗ nguyên khối và chạm lộng các đề tài về rồng với kĩ thuật vô cùng tinh xảo. Đây là những bức chạm được xem là kiệt tác của nghệ thuật chạm gỗ truyền thống Việt Nam.

Bức phù điêu rồng chạm dạng “hổ phù” với những đường nét rất tinh xảo và sinh động trên bức bình phong lăng vua Đồng Khánh.

Có thể nói, trải qua năm tháng và vượt qua cả những định chế của đương thời, đến thời Nguyễn rồng đã đạt đến độ phát triển mạnh mẽ và hoàn thiện cả về mặt nội dung, hình thức và cách thức biểu đạt nên có thể khẳng định rằng rồng là một đặc trưng của văn hóa Việt thời Nguyễn.

Và cho đến ngày nay, trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, hình ảnh về rồng thời Nguyễn vẫn còn hiện diện rất sinh động và đầy đủ trên một kho tàng di sản đồ sộ gồm nhiều loại hình mĩ thuật từ cung đình cho đến dân gian, đủ để có thể định danh Huế là xứ sở của rồng, là đất Thần kinh vang danh muôn thuở.

Một kiểu trang trí đầu rồng khá lạ nơi đường thoát nước trên mái điện của lăng vua Đồng Khánh.

Bốn con rồng lớn bằng xi măng với dáng vẻ khá mập mạp và hân hoan ở lối lên lăng vua Khải Định

Trong khi đó con rồng trước thềm cung Thiên Định của lăng Khải Định lại có dáng vẻ oai phong hơn với đôi mắt có thần nhờ gắn bằng chất liệu thủy tinh màu.

Mặt rồng đắp nổi dạng “hổ phù” bằng chất liệu xi măng ở lăng vua Khải Định có nét ảnh hưởng của rồng nhà Thanh (Trung Quốc).

Bức “Cửu long ẩn vân” vẽ 9 con rồng ẩn hiện trong mây, một kiệt tác hội họa của người Việt ở lăng vua Khải Định.

Bức bửu tán khổng lồ nặng khoảng 1 tấn của lăng vua Khải Định lộng lẫy với những hình rồng khảm bằng sành sứ.

Nội điện cung Thiên Định lăng vua Khải Định rực rỡ với hình rồng, phượng, hoa, lá… khảm bằng sành sứ.

Đầu rồng mang dáng vẻ cá chép nơi thoát nước trên mái chùa Thiên Mụ.

Kiểu trang trí dây hoa hóa rồng và vòng luân hồi mang dấu ấn Phật giáo trên đầu đao chùa Thiên Mụ.

Thừa Thiên Huế 1193 lượt xem

Bài, ảnh: Nam Phong

Nguồn : Công luận .VN

Link liên kết

Khám Phá Thừa Thiên Huế

Biển Lăng Cô

Tháng 3 đến tháng 11

1218 lượt xem

Trường Quốc Học Huế

Từ tháng 1 đến tháng 12

1145 lượt xem

Đại Nội Huế

Tháng 3 đến tháng 8

1179 lượt xem

Biển Thuận An

Tháng 3 đến tháng 8

1183 lượt xem

Biển Cảnh Dương

Tháng 3 đến tháng 11

1204 lượt xem

Biển Hàm Rồng

Tháng 3 đến tháng 11

1070 lượt xem

Chùa Thiên Mụ

Từ tháng 1 đến tháng 12

1189 lượt xem

Đầm Lập An

Tháng 3 đến tháng 8

1096 lượt xem

Núi Bạch Mã

Tháng 3 đến tháng 8

1064 lượt xem

Phá Tam Giang

Tháng 11 đến tháng 4

1096 lượt xem

Đồi Vọng Cảnh

Từ tháng 01 đến tháng 08

334 lượt xem

Đèo Hải Vân

Từ tháng 01 đến tháng 08

334 lượt xem

Làng Hương Thủy Xuân

Từ tháng 03 đến tháng 08

361 lượt xem

Vườn quốc gia Bạch Mã

Tháng 12 đến tháng 04

375 lượt xem

Cầu Trường Tiền

Tháng 12 đến tháng 03

330 lượt xem

Nhà vườn An Hiên

Từ tháng 01 đến tháng 07

333 lượt xem

Tin tức nổi bật