Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

LÀNG TRANH ĐÔNG HỒ

LÀNG TRANH ĐÔNG HỒ

Cách Hà Nội chừng 33km về hướng Đông và nằm sát bờ Nam đê sông Đuống, làng Hồ hay Đông Hồ là một làng nghề cổ truyền, có tên Nôm là làng Mái nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là cái nôi của dòng tranh khắc gỗ dân gian đặc sắc được nhiều người cả trong và ngoài nước biết đến, với những bức tranh từ lâu đã đi vào đời sống tinh thần bao người dân Việt. Từ Hà Nội muốn đi Đông Hồ, du khách xuôi theo Quốc lộ 5 (đường đi Hải Phòng) chừng 15km đến ga Phú Thụy thì rẽ trái, đi tiếp chừng 18 km sẽ đến phố Hồ, huyện lỵ của huyện Thuận Thành. Từ đây rẽ trái đi thêm chừng 2km là đến làng Hồ. Du khách cũng có thể đi hết phố Hồ rồi lên đê, rẽ trái đến điếm canh đê thứ hai sẽ có biển chỉ đường vào Đông Hồ. Đông Hồ là một làng nhỏ với hơn 220 hộ dân, sinh sống bằng nghề làm tranh và hàng mã nhiều hơn làm nông nghiệp, nơi còn lưu giữ cách làm tranh cổ xưa nhất của vùng đất Kinh Bắc. Ca dao Việt Nam đã có những khắc họa thật sinh động về làng tranh Đông Hồ với hình ảnh một làng quê dung dị nằm nép mình bên dòng sông Đuống hiền hòa, nổi bật với những chuẩn mực đạo đức được cổ súy giữ gìn qua bao đời, đã tạo nên cung cách ứng xử độc đáo của người làng Mái: trọng danh dự, khí tiết, ăn nói lịch lãm, trên dưới thưa gửi rõ ràng và hiếm khi trong làng có người to tiếng chửi mắng nhau… “Hỡi cô thắt lưng bao xanh Có về làng Mái với anh thì về Làng Mái có lịch có lề Có ao tắm mát có nghề làm tranh.” Xuất hiện từ khoảng thế kỷ XVI, tranh Đông Hồ được hình thành bằng phương pháp thủ công, là kết tinh của sự khéo léo và nhẫn nại, cộng với nghệ thuật thẩm mỹ đầy tinh tế… Đây không phải là những bức tranh được vẽ theo cảm hứng nhưng được in lại qua những bản khắc, và để có bản khắc đạt đến độ tinh xảo, đòi hỏi ở người vẽ mẫu cũng như người khắc ván phải có lòng yêu nghệ thuật và trình độ kỹ thuật cao. Tranh Đông Hồ có đến 180 loại được phân thành 5 loại chính gồm tranh thờ, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt và truyện tranh. Có thể nói giai đoạn từ nửa cuối thế kỷ XIX đến năm 1944 là thời cực thịnh của làng tranh, với 17 dòng họ trong làng đều tham gia làm tranh. Qua những năm kháng chiến chống Pháp, do chiến tranh tàn phá khốc liệt nên nghề làm tranh cũng tạm bị gián đoạn. Đến khi hòa bình lập lại ở miền Bắc nhất là khi đất nước thống nhất thì làng tranh mới được khôi phục. Đáng tiếc là qua mấy chục năm đổi mới theo nền kinh tế thị trường và với sự tác động của các trào lưu nghệ thuật phương Tây, nhận thức và xu hướng xã hội cũng có sự thay đổi đẩy dòng tranh Đông Hồ đối mặt với sự tồn vong của chính mình (!). Hàng năm, từ tháng Ba đến tháng Bảy cả làng làm hàng mã, sang tháng Tám đến tháng Chạp lại tất bật mùa tranh Tết, khắp làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp. Đặc biệt làng Hồ có hội vào rằm tháng Ba âm lịch, trong ngày hội làng có những nghi thức truyền thống như tế thần, thi mã, thi tranh rất vui vẻ… Trong số các dòng tranh dân gian Việt Nam được biết đến như Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Nội - Hà Tây cũ), Đông Hồ (Bắc Ninh), làng Sình (Huế)…, tranh Đông Hồ nổi bật nhờ gắn liền với làng quê thôn xóm, với đời sống bình dị của người dân nông thôn, rất gần gũi với cộng đồng người dân Việt… Tranh Đông Hồ được in trên giấy Dó, một loại giấy được làm thủ công từ nguyên liệu là cây Dó mọc trên rừng giống như vỏ cây Bạch đàn. Cây Dó đem về cho vào cối giã nhỏ, rây thành bột mịn, sau đó dùng bột này chế biến thành giấy Dó. Do trên nền giấy thường được quét bằng một lớp hồ hoặc nhựa thông có pha loại bột từ vỏ sò Điệp giã nhỏ tạo màu sáng lấp lánh nên còn được gọi là giấy Điệp. Người làng Hồ đã biết vận dụng, chắt lọc từ những chất liệu thiên nhiên để tạo nên những sắc màu truyền thống vừa tươi vừa có độ bền màu, như màu xanh da trời được chiết suất từ gỉ đồng; màu chàm được chiết suất từ lá cây Chàm ở Lạng Sơn; màu đỏ thắm từ vỏ cây Vang; màu đỏ son từ đá sỏi khai thác trên núi; màu vàng từ hoa Hòe hay rơm nếp; màu đen từ tro Xoan hay tro lá cây Tre; màu trắng ngà óng ánh sáng điệp là do bởi chất điệp được chế biến từ vỏ ốc hay vỏ sò của vùng biển Quảng Ninh… Đây là những màu cơ bản, không pha trộn và mỗi màu tương ứng với một bản khắc gỗ nên thường tranh Đông Hồ chỉ giới hạn ở bốn màu. Riêng đề tài được lấy từ chính đời sống, sinh hoạt sản xuất hay xuất phát từ triết lý phồn thực, tuy dung dị nhưng cũng rất gần gũi với sinh hoạt đời thường. Từ những nhân vật trong truyền thuyết hay trong tích truyện, những cảnh đẹp của non sông đất nước, đến những bức tranh mang ý nghĩa cầu chúc, những sinh hoạt đời thường như “Vinh hoa phú qúy”, “Hái dừa”, “Đánh ghen”, “Mục đồng thổi sáo”, “Đám cưới chuột”…, tất cả đều hàm chứa những triết lý nhân văn sâu sắc. Không áp dụng các nguyên tắc về ánh sáng hay luật cận - viễn của tranh đương đại với bố cục chặt chẽ về cơ thể học, các nghệ sĩ sáng tác tranh dân gian chỉ bằng lối vẽ đơn tuyến bình đồ đã tạo nên dòng tranh Đông Hồ mang nhiều tính ước lệ cả trong miêu tả lẫn trong bố cục, đã đưa người xem tranh lạc vào thế giới của những nét vẽ ngây ngô, đơn giản nhưng cũng rất thú vị. Đặc biệt trên mỗi bức tranh, bao giờ nghệ nhân cũng đề một vài chữ Hán hoặc chữ Nôm (ngày xưa) hay câu thơ lãng mạn, tình tứ (ngày nay) càng khiến cho tranh thêm đậm đà ý vị… Tranh Đông Hồ khá gần gũi với đời sống nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh, thành phía Bắc, hình ảnh của nó đã đi vào thơ, văn và có cả trong chương trình học. Trong bài thơ “Bên kia sông Đuống”, nhà thơ Hoàng Cầm đã làm toát lên hồn dân tộc trong nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ: “Tranh Đông Hồ Gà, Lợn nét tươi trong, Màu dân tộc sáng bừng trên giấy Điệp.” Nhà thơ Tú Xương lại có mấy dòng minh họa tranh Đông Hồ khá hóm hỉnh: “Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo Chuột, Lòe loẹt trên vách bức tranh Gà.” Điều đó đã nói lên mối tương quan giữa tranh Đông Hồ với không khí ngày Xuân trong đời sống nông thôn. Trước kia tranh Đông Hồ được làm ra chủ yếu phục vụ cho dịp tết Nguyên đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường để trang trí trong dịp tống tiễn năm cũ và chào đón năm mới, hết năm lại lột bỏ và thay bằng tranh mới. Thú chơi tranh ngày ấy thật thâm trầm, tao nhã khi những ước mong về một năm mới tốt đẹp được người chơi tranh ý nhị gởi gắm vào nội dung bức tranh mình chọn mua. Đông Hồ có chợ tranh tấp nập vào tháng Chạp với năm phiên chợ vào các ngày 6, 11, 16, 21, 26. Mới tờ mờ sáng dòng người khắp nơi đã đổ về làng Hồ nhộn nhịp như trẩy hội. Có nhiều người đến để mua bán tranh nhưng cũng không ít người đến chỉ để thỏa trí tò mò hay muốn thưởng lãm tranh Đông Hồ. Nhiều người không quản ngại đường xa đã lặn lội về đây với tâm niệm ngày Tết có một vài bức tranh Đông Hồ treo trong nhà thì coi như năm đó gia đình sẽ yên ấm, gặp nhiều may mắn, làm ăn sung túc… Những người con làng Hồ đi đâu cũng nhớ đến câu ca dao: “Dù ai buôn bán trăm nghề, Nhớ đến tháng Chạp thì về buôn tranh”. Mỗi năm đã có hàng vạn bức tranh được bán ra, sau phiên chợ tranh cuối cùng, những gia đình nào còn lại tranh đều bọc kín đem cất chờ đến mùa tranh năm sau lại đem ra chợ tranh bán. Tranh làng Hồ đã được nhiều người coi như đặc sản của xứ Kinh Bắc. Không chỉ có người Hà Nội và dân một số tỉnh thành trong nước sành điệu, yêu thích tranh Tết Ðông Hồ về tham quan tìm hiểu và chọn mua, mà không ít du khách, những người trong lĩnh vực hội họa, mỹ thuật của nước ngoài cũng đến để nghiên cứu về nghệ thuật tranh dân gian nổi tiếng của làng Hồ. Sau khi hòa bình lập lại vào năm 1954, làng tranh Đông Hồ đã được khôi phục, nhiều tổ hợp tác sản xuất được thành lập. Đây là thời điểm tranh Đông Hồ được xuất khẩu sang các nước xã hội chủ nghĩa. Trong những năm 1985 - 1990, do tác động của nền kinh tế thị trường và việc thay đổi cơ chế chính trị ở các nước Đông Âu, việc xuất khẩu tranh gặp nhiều khó khăn đang khi thị hiếu thẩm mỹ của người dân cũng có nhiều chuyển biến trước những du nhập quá mới mẻ từ các nước phương Tây. Do không tìm được đầu ra cho tranh mà hầu như cả làng đều chuyển qua làm hàng mã để sinh sống. Phải công nhận nghề vàng mã đã tạo công ăn việc làm đáng kể cho mọi người, từ người già đến trẻ con đều có thể tận dụng những lúc rảnh rỗi để tham gia sản xuất. Cũng nhờ nghề vàng mã phát triển mà kinh tế người làng Hồ khấm khá hơn, đời sống người dân đã có nhiều thay đổi, những ngôi nhà tranh vách đất cũ kỹ đã được thay bằng các ngôi nhà cao tầng hiện đại… Đã có lúc tưởng như một dòng tranh dân gian nổi tiếng với bề dày lịch sử đang dần bị mai một, nhưng với lòng yêu nghề của nhiều nghệ nhân trong đó phải kể đến gia đình các ông Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam mà nghề làm tranh Đông Hồ đã được khôi phục với sắc diện và sinh khí mới. Trong nỗ lực làm sống lại nghề tranh Đông Hồ, ông Chế đã vận động con cháu đóng góp xây dựng “Trung tâm giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ” rộng đến 5.500m². Trung tâm đã tạo ra được một không gian văn hóa độc đáo, trở thành địa chỉ không thể thiếu đối với các tour du lịch làng nghề. Mỗi năm trung tâm đã đón hàng chục nghìn lượt khách cả trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu và mua sản phẩm. Một trong những điều làm khách du lịch vô cùng thích thú là được hướng dẫn để tự tay làm ra sản phẩm tranh Đông Hồ. Thời may, nhờ ít người còn tha thiết với việc làm tranh nên tranh của gia đình hai ông làm ra đều bán được, thỉnh thoảng cũng có du khách nước ngoài đến tìm mua tranh. Thu nhập nhờ đó cũng tạm ổn giúp họ có thêm động lực tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề truyền thống. Điểm đáng mừng là sau một thời gian chạy theo luồng tranh “thời thượng”, nhiều người cũng kịp nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn trong sự mộc mạc giản dị của tranh dân gian và quay lại với cái thú chơi và treo tranh Đông Hồ, nhất là trong những ngày Tết. Hy vọng cùng với việc tỉnh Bắc Ninh xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia cho nghề tranh Đông Hồ để đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận di sản văn hóa thế giới, vận may sẽ lại mỉm cười với làng tranh Đông Hồ để tranh Đông Hồ giữ mãi nét tươi trong và sáng bừng trên giấy Điệp… Nguồn: Tranh dân gian đông hồ

Bắc Ninh 799 lượt xem

Xếp hạng : Di tích Quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Bắc Ninh

Văn Miếu Bắc Ninh

Bắc Ninh 1596

Di tích cấp quốc gia

Chùa Hàm Long

Bắc Ninh 1578

Di tích cấp quốc gia

Đền Vua bà Thuỷ tổ

Bắc Ninh 1574

Di tích cấp quốc gia

Đình chùa Đọ Xá

Bắc Ninh 1508

Di tích cấp quốc gia

Đền thờ Nguyễn Phúc Xuyên

Bắc Ninh 1504

Di tích cấp quốc gia

Đền Đô và khu Lăng mộ các vị vua triều Lý

Bắc Ninh 1491

Di tích quốc gia đặc biệt

Cụm di tích đình, đền, chùa làng Quả Cảm

Bắc Ninh 1488

Di tích cấp quốc gia

Cụm di tích: Đền Vân Mẫu - Nghè Chu Mẫu - Nhà Cố Trạch

Bắc Ninh 1437

Di tích cấp quốc gia

Cụm di tích đình đền chùa Điều Sơn

Bắc Ninh 1410

Di tích cấp quốc gia

Nhà thờ 18 Tiến sĩ họ Nguyễn

Bắc Ninh 1321

Di tích cấp quốc gia

Điểm di tích nổi bật