Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Chùa Nam Nhã

Chùa Nam Nhã

Chùa Nam Nhã hay Nam Nhã đường, tên đầy đủ là Nam Nhã Phật đường, tọa lạc tại số 612 đường Cách mạng Tháng 8, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ theo đạo Minh Sư, mà còn là cơ sở hoạt động cách mạng của các phong trào yêu nước ở Cần Thơ nói riêng, Nam Bộ nói chung vào cuối thế kỷ XIX , đầu thế kỷ XX. Người lập chùa Nam Nhã là ông Nguyễn Giác Nguyên (1850-1919), bí danh Nguyễn Phương Thảo, đạo danh Long Khê đạo nhân, đạo hiệu Nguyễn Đạo Cơ. Khoảng năm 1890, ông Nguyễn Giác Nguyên bắt đầu tham gia phong trào Đông Du. Thoạt đầu, ông dời nhà từ Rạch Sao ra chợ Bình Thủy, lập tiệm thuốc bắc Nam Nhã đường ở gần cầu Rạch Miễu làm cơ sở liên lạc chống Pháp. Năm 1895, ông Nguyễn Giác Nguyên thôi làm tiệm thuốc Bắc, chuyển ra vàm sông Bình Thủy lập một ngôi chùa nhỏ ba gian cũng mang tên là Nam Nhã đường. Đến năm 1905, chùa được tái thiết quy mô hơn với năm căn hai chái. Trải qua thời gian, ngôi chùa hư hại nhiều, những người trong đạo muốn xây dựng lại nhưng Pháp không cho vì chùa còn đang bị theo dõi, phải xin vận động với nhà cầm quyền Pháp mới được phép xây dựng. Năm 1917, chùa được xây lại bằng gạch ngói, nhiều vật liệu được đặt mua từ bên Pháp. Cũng như nhiều ngôi chùa khác, chùa Nam Nhã được xây cất gần bờ sông để khách thập phương thuận tiện tới lui chiêm bái, bởi giao thông ngày trước chủ yếu là phương tiện đường thủy. Vì vậy, cổng chùa cũng hướng ra rạch Bình Thủy. Nhiều tài liệu mô tả cổng chùa xây bằng gạch, lợp ngói. Sân chùa lát gạch tàu, được bao quanh bởi một khu vườn lớn trải dài ra tận bờ sông Bình Thủy. Giữa vườn là hòn non bộ cao trên 2m được đặt trong một bồn nước xây bằng gạch. Trong vườn trồng nhiều cây tùng, cây trắc bá diệp và các cây cổ thụ khác. Chánh điện là một ngôi nhà gạch kiên cố, gồm 5 gian, lợp ngói âm dương, trên có hình lưỡng long tranh châu. Đặc biệt, mặt tiền chánh điện có kiểu kiến trúc Á - Âu kết hợp hồi đầu thế kỷ XX, và khá khác với kiểu chùa truyền thống ở Nam Bộ. Bên trong chánh điện, ở khu trung tâm được bài trí rất trang trọng, dùng làm nơi đặt bàn thờ Tam giáo Thánh nhân (có ba pho tượng thờ bằng đồng là Đức Thích Ca Văn Phật, Đức Khổng Tử Chí Thánh và Đức Lão Tử Đạo Tổ). Sau chính điện là một hành lang dài có hai căn phòng tiếp khách. Bên phải và bên trái chùa là hai dãy nhà lợp ngói gọi là Càn Đạo Đường (dãy nhà Đông Lang) dùng cho nam giới và Khôn Đạo Đường (dãy nhà Tây Lang) dùng cho nữ giới ăn thông với nhà bếp. Hiện nay, chùa Nam Nhã còn có nhiều ruộng vườn, đặc biệt phía sau chùa là cả một vườn cây ăn trái, hoa kiểng xanh tươi, tỏa mát cả không gian yên tĩnh của chùa. Ngoài việc sinh hoạt tôn giáo, chùa Nam Nhã còn là cơ sở hoạt động cách mạng. Chùa là “trụ sở hoạt động của phong trào Đông Du ở Cần Thơ. Tại đây, vào tháng 2-1913, sau khi từ Pháp trở về nước, chí sĩ yêu nước Cường Để cùng với ông Nguyễn Giác Nguyên bàn quốc sự vận động phong trào yêu nước ở Nam kỳ, bị thực dân Pháp theo dõi phát hiện nên cho đóng cửa chùa. Tuy nhiên, nơi đây vẫn tiếp tục duy trì là cơ sở bí mật hoạt động cách mạng. Năm 1929 khi Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang được thành lập ở Bình Thủy, chùa Nam Nhã chính là cơ sở liên lạc giữa Đặc ủy Hậu Giang với Xứ ủy Nam kỳ của những nhà cách mạng, trong đó có đồng chí Ngô Gia Tự, Bí thư Cấp ủy Lâm thời Đảng bộ Nam kỳ”. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa Nam Nhã luôn đi liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Với những giá trị về mặt kiến trúc và lịch sử như vậy, ngày 25 tháng 1 năm 1991, chùa Nam Nhã đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nguồn: Báo Cần Thơ online

Cần Thơ 1265 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Cần Thơ

Chùa Pothisomron

Cần Thơ 1458

Di tích cấp thành phố

Khám Lớn Cần Thơ

Cần Thơ 1426

Di tích cấp quốc gia

Lộ Vòng Cung

Cần Thơ 1419

Di tích cấp quốc gia

Khu di tích An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ

Cần Thơ 1392

Di tích cấp quốc gia

CƠ QUAN ĐẶC ỦY AN NAM CỘNG SẢN ĐẢNG HẬU GIANG

Cần Thơ 1356

Di tích cấp quốc gia

Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa

Cần Thơ 1341

Di tích cấp quốc gia

Đình Thần Thới An

Cần Thơ 1341

Di tích cấp thành phố

DI TÍCH MỘ NHÀ THƠ PHAN VĂN TRỊ

Cần Thơ 1312

Di tích cấp quốc gia

Chùa Nam Nhã

Cần Thơ 1266

Di tích cấp quốc gia

Hội Linh Cổ Tự

Cần Thơ 1199

Di tích cấp quốc gia

Điểm di tích nổi bật