Miếu Bách Linh.

Miếu Bách Linh.

Miếu Bách Linh (người dân địa phương còn gọi là chùa Bách Linh) tọa lạc tại Phố Cũ, thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa). Miếu thờ 100 điều linh thiêng nhất của nhiều loại vật, trong đó đứng đầu là rồng - một con vật thần linh với sức mạnh thần kỳ, biểu tượng của sự cao sang huyền bí nhả ngọc, phun châu, đứng đầu tứ linh Long, Ly, Quy, Phụng. Con rồng ở miếu được thần thánh hóa tới mức siêu phàm, cùng với những điều linh quý trở thành giá trị tinh thần vô giá, niềm tin, ngưỡng vọng cầu được ước thấy của nhân dân địa phương khi đến cầu bái. Tới nay, các nhà nghiên cứu xã hội nhân văn vẫn chưa xác định được ngôi miếu được khởi dựng từ bao giờ, chỉ biết là đã xuất hiện từ rất lâu và hằn sâu trong ký ức dân gian, gắn với Lễ hội Pháo hoa được tổ chức dịp đầu xuân hằng năm. Thực trạng của miếu Bách Linh khá tương trùng với các đền, chùa, miếu trên địa bàn tỉnh là trải qua quá trình lịch sử thăng trầm của các triều đại nên có sự đổi thay, không còn nguyên vẹn như ban đầu. Tương truyền rằng, kiến trúc miếu gồm 3 phần: tam quan, tiền đường, hậu cung mang dáng dấp kiến trúc thời nhà Nguyễn. Phần tam quan của ngôi miếu được xây dựng bằng vật liệu gạch, có 3 cửa theo kiểu vòng cuốn nhưng vì nguyên do nào đó mà cửa nhỏ hai bên đã bị bịt lại, chỉ còn cửa chính giữa. Trên các cột cổng tam quan đều có hoành phi, câu đối hiện đã bị mờ, không đọc được. Giữa cổng chính chỉ còn dòng chữ “Bách Linh miếu” và trên đó có đắp nổi hình rồng uốn lượn sinh động. Bước qua tam quan là đến tiền đường. Kết nối giữa tam quan và tiền đường là một khoảng sân khá rộng (nay được láng xi măng), có tường đá bao quanh sân cao khoảng 1,5 m. Tiền đường có nền cao hơn mặt sân 0,65 m, cột, kèo bằng gỗ; mái, hiên lợp bằng ngói máng và có bức trạm trổ rồng ngậm ngọc, đầu rồng với những nét hoa văn tinh xảo cách điệu. Chính giữa tiền đường là cửa bằng gỗ rộng 1,6 m, cao 2,2 m; trong tiền đường có 3 bệ thờ. Miếu Bách Linh gắn liền với Lễ hội Pháo hoa ở thị trấn Quảng Uyên tổ chức vào ngày 2/2 âm lịch hằng năm. Trước khi vào phần hội là phần lễ được tổ chức từ chiều 30 tháng Giêng âm lịch. Mở đầu là Lễ khai quang tại mỏ nước Cốc Chủ gần miếu Bách Linh, chủ lễ là một cụ già cao tuổi có uy tín trong cộng đồng, gia đình, dòng tộc vượng con cháu. Chiều 1/2 âm lịch, Ban Tổ chức lễ hội và người dân đến miếu Bách Linh dâng lễ cúng, vọng bái, cầu khấn thần linh phù hộ cho mọi nhà, mọi người năm mới làm ăn phát đạt, thịnh vượng. Sáng 2/2 làm lễ rước thần, gồm 4 kiệu theo thứ tự: kiệu rước ảnh Bác Hồ, kiệu thần địa phương, kiệu pháo hoa, kiệu con lợn quay, sau cùng là đoàn rước rồng. Lễ rước xuất phát từ miếu Bách Linh đến Đền thờ Nùng Trí Cao, Đền thờ Trần Hưng Đạo rồi đi qua các ngõ phố, từng gia đình, cơ quan, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đây được xem như thần linh vi hành, kiểm tra, quan sát nhân dân làm ăn và mang lộc cùng niềm vui may mắn đến cho họ. Vì vậy, đoàn rước đi đến đâu đều được mọi người trân trọng đón tiếp nồng nhiệt trong niềm vui hân hoan, phấn khởi. Phần hội được tổ chức vào chiều 2/2 âm lịch với nhiều trò chơi dân gian múa rồng, múa kỳ lân, tung còn, hát sli, lượn giao duyên, võ dân tộc, cờ tướng, kéo co, đẩy gậy, bóng chuyền, bóng đá… cuốn hút người dân tham gia. Đặc biệt trò chơi dân gian tranh đầu pháo là sôi nổi nhất, đây là trò chơi thể hiện sức mạnh thể chất cường tráng và rèn luyện bản lĩnh, quyết đoán, nhanh nhẹn, năng động, tinh thần thượng võ, hào hiệp của thanh niên. Ban Tổ chức lễ hội tập hợp các đội thanh niên thành hình vòng tròn vây quanh khu vực trung tâm sân chơi, ai giành được vòng lộc ở đầu pháo thì cả năm sẽ phát tài lộc, bình an, may mắn. Phần thưởng là con lợn quay lá mác mật cho cả đội chơi và chiếc thủ lợn hoàn toàn thuộc về chủ nhân vòng lộc. Ngày hôm đó, ở đâu cũng gặp bà con đồ xôi ngũ sắc và thịt lợn quay, đặc sản ở lễ hội và các loại bánh kẹo, đồ ăn, thức uống bản địa. Miếu Bách Linh còn là nơi làm kho lương thực, vũ khí, lớp học trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược. Cùng với những giá trị về tập quán, tín ngưỡng, tâm linh mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, miếu được Uỷ ban nhân dân tỉnh công nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 2856/Quyết định -Uỷ Ban ngày 2/12/2003. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng.

Cao Bằng 123 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh

Mở cửa

Khám Phá Cao Bằng

Thành Nhà Mạc Ở Cao Bằng (Thành Nà Lữ, Thành Bản Phủ, Thành Phục Hòa)

Cao Bằng 2241

Di tích cấp quốc gia

Di tích Rừng Trần Hưng Đạo

Cao Bằng 1212

Di tích quốc gia đặc biệt

Quần thể di tích chuông chùa Đà Quận, Chùa Viên Minh, Đền Quán Triều

Cao Bằng 1184

Di tích cấp tỉnh

Khu Di Tích Lịch Sử Chiến Thắng Đông Khê

Cao Bằng 1177

Di tích quốc gia đặc biệt

Di tích Hoàng Đình Giong

Cao Bằng 1158

Di tích cấp quốc gia

Khu di tích lịch sử Kim Đồng

Cao Bằng 1158

Di tích cấp quốc gia

Đền Vua Lê

Cao Bằng 1128

Di tích cấp quốc gia

Di tích lịch sử địa điểm Đài Tiếng nói Việt Nam tại hang Ngườm Chiêng

Cao Bằng 1120

Di tích cấp quốc gia

Đền Kỳ Sầm

Cao Bằng 1092

Di tích cấp quốc gia

KHU DI TÍCH PÁC BÓ

Cao Bằng 1060

Di tích quốc gia đặc biệt

Điểm di tích nổi bật