Chùa Bối Khê

Chùa Bối Khê

Chùa Bối Khê có tên chữ là “Đại Bi tự”, một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Bắc Bộ. Tương truyền, chùa được xây dựng từ năm 1338 dưới thời Trần. Chùa thờ Phật, Tam Tòa Thánh Mẫu, thờ Đức thánh Bối Nguyễn Đình An – người có công đánh giặc phương bắc, và cũng lưu giữ nhiều dấu tích tôn giáo của phái Trúc Lâm, Đạo giáo, Khổng giáo. Theo tài liệu được giới nghiên cứu công nhận, chùa trải qua tám đợt trùng tu lớn vào các đời Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn. Hiện nay, kiến trúc và phần nhiều các mảng chạm của chùa mang dáng dấp thời Nguyễn. Chùa hội tụ rất nhiều những nét kiến trúc, mỹ thuật tiêu biểu của nhiều thời kỳ. Bậc thềm phía trước thượng điện còn lưu giữ vết tích của gạch của thời Mạc và thời Lê, với hoa văn, linh vật trang trí chạm nổi còn gần như nguyên vẹn. Các mảng chạm gỗ của chùa phần lớn là từ thời Nguyễn. Các mảng chạm này độc đáo ở chỗ, thay vì những mô típ quen thuộc như tùng, cúc, trúc, mai, sen, rồng, phượng… thì một số mảng chạm lại mô tả tích thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, hai con ngựa (hoặc nai) giỡn chơi với nhau bị ngã, chạm long lân tỉ mỉ và tinh xảo… Chùa Bối Khê có kết cấu “Tiền Phật, hậu Thánh”, “Nội công, ngoại quốc”, hướng Tây, bao gồm các hạng mục: Đền Đức Ông, vườn tháp, ngũ môn quan, cầu gạch, tam quan, nhà bia sắp lễ; chùa Phật (tiền đường, thiêu hương, thượng điện, tả – hữu hành lang); điện Thánh (đại bái, ống muống, hậu cung), nhà Tổ – nhà Mẫu và nhà khách. Trải qua nhiều thời kỳ, chùa Bối Khê vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật độc đáo với những niên đại khác nhau. Trong chùa hiện nay còn lưu giữ bệ sen đỡ tượng Quan Âm có chạm khắc hình chim thần Garuda, chịu ảnh hưởng của nghệ thuật chạm khắc Chăm-pa, bia “Bối động thánh tích bi ký” từ năm 1453 ghi lại sự tích thánh Bối, hai quả chuông lớn đúc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), pho tượng Quan Âm 12 tay độc nhất vô nhị, một số bia từ thời Trần cùng 22 đạo sắc phong từ thời Lý đến thời Nguyễn, hai chiếc giếng ngọc bên hông chùa. Chùa có hệ thống tượng Phật cổ gồm 12 pho, từ Hộ pháp, Tam thế Phật, tòa Cửu Long, Thập điện Diêm vương, trong đó đặc biệt là các tượng La Hán bằng đất nung tuyệt đẹp, vô cùng sinh động và chân thực, thể hiện các gương mặt, tư thế khác nhau. Chùa Bối Khê đã được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1979. Lễ hội chùa Bối Khê diễn ra từ ngày 10 – 12 tháng Giêng (âm lịch). Ngoài ra, tại chùa còn có lễ hội cầu mưa và tục kết chạ giữa hai làng Bối Khê và Tiên Lữ (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ). Ngoài ra, chùa Bối Khê còn có một điểm độc đáo, phía sau khuôn viên chùa có căn hầm địa đạo từng là kiểu mẫu thời kháng chiến chống Pháp, được xây tháng 1/1948 với 3 ngách chính. Hầm có tác dụng chuyển quân dưới mặt đất và khi rút lui thì trở thành chỗ phòng thủ vững chắc. Tại đây, quân và dân làng Bối Khê đã đập tan 3 cuộc càn quét của giặc Pháp, tiêu diệt 372 tên địch. Huyện Thanh Oai xác định chùa Bối Khê có giá trị đặc biệt của địa phương. Trong hiện tại và tương lai, chùa Bối Khê là điểm du lịch văn hóa tâm linh nằm trong tuyến chùa Hương (Mỹ Đức), đền Đức Thánh Cả (Ứng Hòa) nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, du lịch của huyện nói riêng và du lịch liên kết vùng các huyện phía Nam Hà Nội nói chung. Nguồn Sở Văn hóa và thể thao thành phố Hà Nội.

Hà Nội 193 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Hà Nội

Hoàng Thành Thăng Long

Hà Nội 1857

Di tích quốc gia đặc biệt

Đình, chùa Đại Lan

Hà Nội 1668

Di tích cấp quốc gia

Đền Voi Phục Hà Nội

Hà Nội 1584

Di tích cấp quốc gia

Chùa Thanh Nhàn

Hà Nội 1547

Di tích cấp quốc gia

Đình Hoàng Xá

Hà Nội 1443

Di tích cấp quốc gia

Chùa Một Cột

Hà Nội 1389

Di tích cấp quốc gia

Đình Hạ Hiệp

Hà Nội 1309

Di tích quốc gia đặc biệt

Chùa Pháp Vân

Hà Nội 1303

Di tích cấp quốc gia

Chùa Láng

Hà Nội 1292

Di tích cấp quốc gia

Đền Đồng Nhân

Hà Nội 1195

Di tích quốc gia đặc biệt

Điểm di tích nổi bật