Chùa Đồng Neo

Chùa Đồng Neo

Chùa Đồng Neo tọa lạc trên địa bàn thôn Cập Thượng, xã Tiền Tiến, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Được xây dựng vào năm 1699, niên đại của chùa có hơn 300 tuổi. Đây là ngôi chùa cổ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa vào ngày 31/12/1997. Chùa được xây dựng theo kiến trúc : “Nội công ngoại quốc", nhà côn sơn đương tiện, lối kiến trúc cổ, hoa văn tinh xảo và độc đáo là kiến trúc đặc trưng của thời Hậu Lê. Ngôi Tam Bảo được xây dựng theo kiến trúc chữ Đinh có 7 gian tiền đường và 3 gian hậu điện. Vật liệu để dựng chùa là tường gạch Bát tràng cổ và cột chống, mái bằng gỗ. Tại 4 góc mái là bốn mái đao cong vút chạm trổ đầu rồng. Mái chùa được dựng với kiến trúc đặc trưng thời Hậu Lê đó là theo dạn thức bộ vì kiểu “chồng rường" và “thượng rường hạ bẩy". Hệ thống chịu lực gồm 2 hàng cột gỗ lim, đường kính 0,40m, đều được kê trên chân tảng đá. Lối kiến trúc truyền thống rường - bẩy đã tạo ra nhiều khoảng không gian nền cho nghệ thuật chạm khắc gỗ dân gian ở tất cả các chi tiết: đầu dư, dép hoành, thân bẩy, các bức cốn mê, cốn nách, xà rồng, cửa võng... thể hiện các đề tài trang trí : Rồng - phượng trong phong cách nghệ thuật hóa thân : các linh vật luôn hóa đổi thành chim muông, hoa lá, cùng cảnh sắc thiên nhiên phong vân vần vũ, góp phần bổ khuyết cho kiến trúc, đồng thời nâng cao giá trị mỹ thuật, tôn thêm vẻ uy linh, nghiêm cẩn nơi thánh thần ngự tọa - một đặc điểm của tư duy kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ : tự nhiên và cuộc sống luôn là đề tài chủ đạo cho mọi sáng tác nghệ thuật, nhất là nghệ thuật xây dựng các công trình kiến trúc tín ngưỡng. Trong ngôi Tam Bảo còn lưu giữ thờ tượng Phật vô cùng quý giá có từ thời Hậu Lê. Cách bài trí tượng thờ đặc trưng của các chùa miền bắc và sự kết hợp quan điểm Tam giáo đồng nguyên gồm 3 pho Tam Thế, tam Thánh Tây Phương, tượng Đức Bản Sư niêm hoa vi tiếu, tượng Di Lặc, tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế và Nam Tào Bắc Đẩu, tòa Cửu Long. Các đồ thờ trong chùa đều bằng gỗ và chạm khắc tinh xảo. Trong chùa có các hoành phi câu đối được chạm khắc tinh xảo như : đại tự “Hiển ứng linh", đại tự “Tuệ nhật viên dung"… có từ thời Nguyễn. Đặc biệt, trong chùa còn lưu giữ được hơn 100 bản khắc bằng gỗ mít gồm kinh Lăng Nghiêm và kinh Viên Giác. Sau chùa là 3 gian nhà Tổ, mới được trùng tu. Trước đây, vào thời kháng chiến chống Pháp nhà Tổ được kiến trúc theo hình chữ Nhị, nhưng đã được tháo dỡ 7 gian tiền đường để phục vụ kháng chiến. Hiện nay, trong nhà Tổ còn thờ tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma và chư vị Tổ sư từng trụ trì tại chùa, đều là tượng cổ, điêu khắc độc đáo. Ngoài ra chùa còn nhiều cổ vật quý giá được lưu giữ qua nhiều thế hệ như : Thống đá đựng nước thời vua Lê Hy Tông năm Chính Hòa thứ 23 tức năm Nhâm Ngọ (1702). Thống đá cổ này do một gia đình họ Nguyễn làm quan trong triều Lê về tiến cúng. Chùa có chuông cổ ngày ngày vào lúc sớm chiều , chiêu mộ đều ngân vang, nhưng ít người được biết đến chuông được đúc từ thời Hậu Lê niên hiệu Chính Hòa thứ 21 tức năm 1700. Hơn 300 năm nay, tiếng chuông chùa luôn gắn bó với dân làng cũng như những người con sống xa quê. Bên cạnh đó, chùa còn lưu giữ các bia đá cổ : - Bia đá Đồng Neo tháp, 4 mặt khắc chữ có từ năm 1679. - Bia đá Linh ứng tự năm 1895. - Bia đá Hậu Phật ký năm Duy Tân thứ năm (1911) - Phía trước tháp chuông có một cây hương đài bằng đá cao 1,2m, có 4 cạnh rộng 0,18m có dòng chữ ghi : Lê triều Chính Hòa, nhị thập niên, Kỷ Mão phi việt cát nhật (nghĩa là năm 20 niên hiệu Chính Hòa 1699). Ngoài những bảo vật bằng đá, bằng đồng, chùa còn có vườn tháp cổ như các tháp - Tháp Minh Quang được xây bằng gạch 3 tầng, bia tháp ghi : Tự Đức thập nhất niên- năm Tự Đức thứ nhất (1864), là tháp thờ Hòa Thượng Thích Chiếu Khuông. - Tháp Thiên quan bảo tháp bằng gạch 3 tầng xây dựng thời vua Minh Mệnh 1827. - Tháp Phả Đồng Minh được xây dựng từ thời Nguyễn thờ 3 vị sư : Phổ Chiêu, Phổ Hiếu, Phổ Nghiêm. - Tháp có giá trị nhất là Tịnh Minh tháp bằng đá 3 tầng được xây dựng năm Tân Dậu, đây là tháp thờ Hòa thượng Thích Tường Tường. Trên tháp có đôi câu đối : Huân lao tịnh nghiệp thiết lâm đài, Lật ngật kình dương thành chế để" Hoà thượng Thích Chiếu Khuông sinh năm Mậu Tuất (1778) vào niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 39, người quê Siêu Loại - phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh.) Thân mẫu là Nguyễn Thị Đàm ở làng Đông. Đến triều Cảnh Thịnh năm thứ 3 (1796), Hoà thượng cùng 18 người vào chùa Khánh Quang thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Lâm Tế đàng ngoài làm lễ thế phát xuất gia. Hoà thượng là cháu đời thứ 9 của Thiền sư Chuyết Chuyết. Hoà thượng là người thông minh, dĩnh ngộ không khác gì một tỵ Tổ, chay tịnh làm theo các điều răn dạy của Phật Tổ. Đến niên hiệu Bảo Hưng năm thứ nhất (1801), Hoà thượng đã thụ giới cụ túc. Sau đó, Hoà thượng về chùa Đồng Neo trụ trì. Hoà thượng đã tiến hành sửa chữa thượng điện, làm mới tượng Phật, làm nhà để chúng Tăng ở. Đến thời vua Tự Đức, Hoà thượng làm lại nhà Tổ, tạc tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma (vẫn còn thờ tại nhà Tổ ngày nay). Năm Giáp Tý - 1865, Hoà thượng lúc này đã 87 tuổi đời, 64 năm tuổi hạ công đức tu hành đã viên mãn. Nhằm ngày 15 tháng 2, Hoà thượng ngồi trên đàn trà tỳ, chúng Tăng vĩnh biệt Hoà thượng với lòng tôn kính vô biên. Hoà thượng đã thâu thần thị tịch nhập Niết Bàn. Đồ chúng đã cung nghinh xá lợi Hoà thượng nhập phù đồ. Hàng năm, nhân dân Phật tử chùa Đồng Neo tưởng nhớ công đức của Giác linh Hoà thượng đối với Đạo pháp- Dân tộc đã tổ chức Lễ tưởng niệm để tri ân, báo ân đối với bậc Tổ sư cao Tăng đắc đạo. Nguồn Cổng thông tin điện tử xã Tiền Tiến , thành phố Hải Dương.

Hải Dương 111 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Hải Dương

Cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia

Hải Dương 1301

Di tích quốc gia đặc biệt

Đền thờ Khúc Thừa Dụ

Hải Dương 1287

Di tích cấp quốc gia

Văn Miếu Mao Điền

Hải Dương 1200

Di tích quốc gia đặc biệt

Khu di tích An Phụ- Kính Chủ-Nhẫm Dương

Hải Dương 1170

Di tích quốc gia đặc biệt

Côn Sơn-Kiếp Bạc

Hải Dương 1155

Di tích quốc gia đặc biệt

Đền thờ Chu Văn An

Hải Dương 1152

Di tích cấp quốc gia

Đền Cao An Lạc

Hải Dương 1108

Di tích cấp quốc gia

Đình Huề Trì

Hải Dương 1094

Di tích cấp quốc gia

Chùa Thanh Mai

Hải Dương 1075

Di tích cấp quốc gia

Đình Trịnh Xuyên

Hải Dương 1046

Di tích cấp quốc gia

Điểm di tích nổi bật