Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Chùa Trăm Gian

Chùa Trăm Gian

Chùa Trăm Gian là di tích lịch sử - văn hóa thuộc thôn An Đông, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Di tích được hình thành cách đây khoảng 1000 năm, tọa lạc ở vùng quê bình yên, nằm gần dòng sông Kinh Thầy thơ mộng, không gian thanh tịnh, mái ngói rêu phong, vườn tháp cổ kính và từng là một ngôi chùa lớn, trung tâm Phật giáo của cả nước, trường dạy kinh Phật cho nhiều phật tử. Chùa được gọi theo quy mô, kiến trúc của di tích. Đến nay vẫn giữ được bố cục, nét kiến trúc độc đáo và nhiều cổ vật có giá trị khoa học. Ngoài tên gọi Trăm Gian, chùa còn có tên là An Ninh, cách gọi theo tên địa danh của làng và tên tự là chùa Vĩnh Khánh. Từ thị trấn Nam Sách đi hướng cầu Bình theo Quốc lộ 37, đến ngã ba rẽ vào xã An Bình (cạnh trụ sở UBND xã Quốc Tuấn), du khách đi theo đường trục xã vào thôn An Đông (cách trụ sở UBND xã An Bình 400m) là đến di tích. Cũng như các ngôi chùa khác, chùa Trăm Gian được xây dựng để thờ Phật theo phái Đại thừa, với tư tưởng truyền bá đạo Phật cho mọi người để hướng đến những giá trị Chân -Thiện - Mỹ tốt đẹp, con người chung sống hòa bình, khởi tâm làm nhiều việc thiện, tránh xa điều ác, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Đại thừa là “cỗ xe lớn” có thể chở được nhiều phật tử trong việc tu tập và cùng nhau để sớm đến được bến bờ giác ngộ. Chùa Trăm Gian ngoài thờ Phật theo phái Đại thừa còn thờ thiền phái Trúc Lâm Tam Tổ (Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông (tổ 1), Pháp Loa Tôn giả (tổ 2) và Huyền Quang Tôn giả (tổ 3). Bên cạnh đó, chùa còn thờ các nhà sư đã quy y và trụ trì tại chùa, có công trùng tu, tôn tạo mở rộng di tích như: Thánh Tổ ni Phạm Thị Toàn (Toàn Nương) trụ trì 02 năm (xuất gia năm 1011, viên tịch năm 1013), là đệ tử của thiền sư Từ Đạo Hạnh dòng Tỳ ni đa lưu chi. Khi nhà Trần trị vì đã gia phong cho bà “Trinh Khiết Đoan Trực Trai Trang Hoàng Quý Phi Tối linh Thượng đẳng Công chúa”. Vị sư tổ tiếp theo trụ trì là người làng, học đạo theo thiền phái Trúc Lâm tên là Nguyễn Diệu Quang, được gọi là Tổ Rau (vì tu theo lối tịch cốc mỗi ngày chỉ ăn 1 bìa đậu phụ và 2 mớ rau vào lúc chính ngọ). Vua Lê Cảnh Hưng phong “Hòa thượng Đại nhân tăng lục thiền già”. Vị sư tổ tiếp theo là Viên Giác, người họ Nguyễn ở bản xã, quy y và viên tịch tại chùa vào ngày 14/9. Vị sư tổ tiếp theo là Viên Tịch, vốn trước tu ở chùa Bổ Đà (Bắc Giang) sau làm môn đồ tổ Viên Giác và viên tịch ngày 24/6 và một số nhà sư khác hiện có mộ tháp ở phía sau chùa. Không chỉ là danh lam cổ tích trong vùng, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngôi chùa là cơ sở cách mạng, nơi luyện tập, họp hành và trú ẩn của du kích, bộ đội địa phương. Năm 1965, chùa là nơi kho tán của phân viện 7 và Kho quân nhu của Quân khu III. Sau năm 1975, một phần chùa trở thành trụ sở UBND xã, thư viện, đài truyền thanh, nhà truyền thống xã... Hiện nay, ngôi chùa trở lại thành điểm sinh hoạt văn hóa tôn giáo tâm linh của nhân dân trong vùng. Tương truyền chùa Trăm Gian có từ thời Lý (khoảng thế kỷ XI). Đến thời Trần, tướng quân Nguyễn Huy Tĩnh đóng quân tại chùa để chặn quân Nguyên từ hướng sông Bạch Đằng đánh vào Thăng Long. Đến triều Lê, năm Chính Hoà (1691) đời vua Lê Hy Tông sửa thượng điện, năm Vĩnh Thịnh nguyên niên (1705) đời vua Lê Dụ Tông vua tiếp tục sửa thượng điện; các năm 1740, 1809 tu sửa và tôn tạo khá nhiều công trình trong chùa. Thế kỷ XIX- XX, chùa Trăm Gian được trùng tu với quy mô khá lớn và độc đáo vào bậc nhất mang phong cách thời Nguyễn. Hiện nay, toàn bộ khuôn viên của di tích tọa lạc trên diện tích 17.977m2, với các công trình chính như: Từ phía Đông, mở đầu là công trình gác chuông (128m²), có quy mô lớn và độc đáo. Trên gác chuông ở gian trung tâm treo quả chuông đồng đúc vào năm Thành Thái thứ 2 (1890), đây là quả chuông hiếm có của tỉnh Hải Dương. Gác chuông gồm 05 gian, trong đó 03 gian giữa có kiến trúc chồng diêm, cổ các. Hai đầu hồi kiến trúc theo kiểu bít đốc tạo dáng quai chảo. Bộ mái của phần chồng diêm là hai vì kèo, cột đặt trên xà thượng của công trình phía dưới. Phía trên mái chồng diêm có 4 đầu đao với phù điêu rồng chầu, phượng múa, bờ nóc đắp hạp long ở 2 đầu. Hệ thống bờ nóc, bờ chảy mềm mại, trang trí ô hoa chanh cách điệu. Phía sau gác chuông, qua một sân nhỏ là chùa chính gồm: Tiền đường 07 gian, có chiều dài 16m, rộng 8m. Kết cấu các vì kèo theo kiểu chồng rường đấu sen. Các chi tiết như cột cái, cột quân, bẩy hiên, xà nách, các con thuận, câu đầu, trụ, con vành, đấu gòi được chế tác rất công phu. Các xà thượng, xà hạ, hoành, rui đều được soi chỉ. Kết cấu hệ thống giằng ngang và giằng dọc hợp lý, chặt chẽ. Thượng điện có chiều dài 11m, rộng 8m, phần mộc của thượng điện có kết cấu và chế tác giống tiền đường, nhưng các chi tiết phần mộc nhỏ hơn. Tường xây bằng gạch Bát Tràng, bên trong trát vữa, ngoài để mộc bắt mạch nõn dong, mái lợp ngói mũi. Bên trái thượng điện là 07 gian nhà thờ Mẫu, có chiều dài 14m, rộng 4m. Các vì kèo kết cấu theo kiểu kèo cầu, đơn giản. Bên phải là hai Nhà khách nối liền nhau như một hành lang. Sau thượng điện là nhà Tứ ân, kết cấu kiểu kẻ chuyền chồng chóp, các con chồng, đấu sen, các bức chạm lá lật chạm trổ tinh vi. Nhà tổ nằm phía sau nhà tứ ân. Phía bắc chùa có sân rộng chừng 1.000m² cùng một số công trình quay ra sân như: Nhà tháp, nhà tăng, am trong, am ngoài cùng nhiều công trình phụ khác. Phía sau chùa là một vườn tháp gồm 10 ngôi, trong đó có 9 ngôi được xây dựng vào thời Lê và Nguyễn, một ngôi được xây dựng năm 2003. Chùa Trăm gian là ngôi chùa thuộc thiền phái Trúc Lâm, có nhiều hạng mục công trình và nhiều gian nhất hiện còn trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Hằng năm, chùa Trăm Gian tổ chức lễ hội nhằm vào ngày 11 , ngày 12 tháng 9 âm lịch. Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật điêu khắc, giá trị khoa học của di tích và cổ vật đang được lưu giữ tại chùa. Ngày 02/3/1990, di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia theo Quyết định số 168/Quyết Định - Bộ Văn Hóa Thể Thao. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Nam Sách , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 305 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Hải Dương

Đền thờ Khúc Thừa Dụ

Hải Dương 1636

Di tích cấp quốc gia

Cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia

Hải Dương 1561

Di tích quốc gia đặc biệt

Văn Miếu Mao Điền

Hải Dương 1434

Di tích quốc gia đặc biệt

Côn Sơn-Kiếp Bạc

Hải Dương 1382

Di tích quốc gia đặc biệt

Đền thờ Chu Văn An

Hải Dương 1381

Di tích cấp quốc gia

Khu di tích An Phụ- Kính Chủ-Nhẫm Dương

Hải Dương 1361

Di tích quốc gia đặc biệt

Đền Cao An Lạc

Hải Dương 1275

Di tích cấp quốc gia

Đình Huề Trì

Hải Dương 1270

Di tích cấp quốc gia

Chùa Thanh Mai

Hải Dương 1240

Di tích cấp quốc gia

Đình Trịnh Xuyên

Hải Dương 1221

Di tích cấp quốc gia

Điểm di tích nổi bật