Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Đền thờ Công chúa Phất Kim

Đền thờ Công chúa Phất Kim

Đền thờ Thục tiết Công chúa còn có tên gọi khác gọi là phủ Bà chúa, đền thờ Công chúa Phất Kim, nằm trong khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư thuộc thôn Tam Kỳ, xã Trường Yên, huyện Hoa lư. Di tích nằm trên một mảnh đất rộng khoảng 500m2, được ngăn cách với đường liên thôn bởi bức tường bao có trang trí chữ “Thọ” cách điệu kiểu thông phong. Phía trên có bốn chữ Hán “Các Trung Đế Tử” (Lầu thờ con gái Vua) hai bên có hai cột động trụ xây liền tường. Di tích có giếng Ngọc hình bát giác gồm 8 cạnh, xây liền kề gần tường bao. Công chúa Phất Kim là con gái thứ ba của Vua Đinh Tiên Hoàng. Vì nghĩa lớn, Công chúa Phất Kim đã hy sinh hạnh phúc riêng tư, chấp nhận kết duyên cùng Ngô Nhật Khánh. Ngô Nhật Khánh xưng là An Vương, thủ lĩnh sứ quân ở Đường Lâm, một trong 12 sứ quân. Là phò mã, nhưng Ngô Nhật Khánh vẫn không nguôi oán hận và tìm cách cầu viện Chiêm Thành chống lại Nhà Đinh. Trước sự phản bội của chồng, lại thêm việc vua cha Đinh Tiên Hoàng và anh trai Đinh Liễn bị sát hại, Công chúa Phất Kim vì đau đớn và quá thất vọng đã gieo mình xuống giếng nước ở Lầu vọng nguyệt tự vẫn. Theo truyền lại trong nhân dân địa phương, vị trí ngôi đền thờ hiện nay chính là nền của cung điện Vọng Nguyệt - nơi ở của công chúa Phất Kim. Ngay sau khi công chúa tuẫn tiết để bảo toàn đức hạnh, nhân dân đã lập đền thờ công chúa. Trải qua các thời kỳ lịch sử di tích được tu sửa nhiều lần, dấu vết gần đây nhất là vào thời nguyễn. Kiến trúc đền theo kiểu chữ Đinh gồm hai tòa Tiền bái và Hậu cung. Tòa Tiền bái chiều dài 8,2m, chiều rộng 4,44m gồm 3 gian 2 dĩ, mái lợp ngói nam, hiên trước tòa Tiền bái làm theo kiểu chồng diêm, hai tầng. Bờ nóc của tòa Tiền bái ở chính giữa trang trí hình mặt nguyệt, hai đầu của bờ nóc trang trí hình hai đầu rồng chầu vào. Hàng cột thứ nhất gồm bốn cột gỗ đơn giản, hàng cột thứ hai gồm bốn cột bằng đá hình hộp chữ nhật, hàng cột thứ ba liền với tòa Hậu cung, hai cột giữa hình tròn, trang trí rồng mây bằng sơn ta. Kiến trúc vì kèo kiểu giá chiêng. Tòa Tiền bái có nhang án thờ các quan, dưới nhang án có thờ thần Bạch Hổ. Tất cả các họa tiết trang trí đều tinh xảo và mang đậm nét mỹ thuật thời Nguyễn. Tòa Hậu cung gồm 1 gian 2 dĩ, chạy dài ra phía sau là hai gian. Kiến trúc vì kèo đơn giản, chỉ có một hàng cột gồm hai cột gỗ còn phía trước liền với tòa Tiền bái. Đây là nơi thờ tự chính, tượng Công chúa Phất Kim trong long đình, đặt trên hậu bành, được tạc ở tư thế ngồi, chân chữ ngũ, đầu cài hoa, mắt nhìn thẳng, nét đẹp nhân hậu mặt hoa da phấn. Hậu bành trang trí hoa văn lá lật, phượng, vân xoắn, hoa lá cách điệu, hai tay hậu bành gần giống tay ngai, được trang trí thành hình hai con rồng chầu hai bên. Hai bên tượng có hai nàng hầu tạc ở tư thế đứng trên một bệ gỗ. Hai bên bệ thờ tượng Công chúa Phất Kim có nhiều bát hương thờ bản mệnh của nhân dân trong xóm theo tín ngưỡng cổ xưa. Đền thờ Công chúa Phất Kim nằm trong khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, vì vậy các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống diễn ra tại di tích cũng nằm trong những chương trình của Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư (diễn ra ngày mùng 8 tháng 3 đến ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, ngày mùng 10 tháng 3 cũng là ngày kỵ của công chúa Phất Kim, lễ chính của đền). Trong những ngày hội sau khi làm lễ rước nước, lễ rước lửa, lễ khai mã và lễ dâng hương tại hai Đền thờ vua Đinh và vua Lê các vị đại biểu, các đoàn tế lễ và du khách thập phương đến các di tích phụ cận khác để dâng hương và tế lễ. Ngoài ra trong những ngày đầu và giữa tháng âm lịch, nhân dân địa phương đều đến đền thắp hương dâng lễ vật để cầu bình an. Đền thờ Thục tiết Công chúa hay Phủ Bà Chúa, được xây dựng dưới triều đại nhà Đinh để thờ phụng Công chúa Phất Kim, suy tôn người phụ nữ có tấm lòng trung hiếu, đức sáng trong, tiết hạnh. Đây là một ngôi đền cổ với nhiều ý nghĩa tâm linh và giá trị của cội nguồn văn hóa mãi đi cùng năm tháng. Nguồn: Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An

Ninh Bình 1485 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Ninh Bình

Chùa Khả Lương

Ninh Bình 1664

Di tích cấp tỉnh

Đền thờ Vua Lê Đại Hành

Ninh Bình 1637

Di tích cấp quốc gia

Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng

Ninh Bình 1625

Di tích cấp quốc gia

Động Am Tiên

Ninh Bình 1587

Di tích cấp quốc gia

Đền thờ Quý Minh Đại Vương

Ninh Bình 1575

Di tích cấp tỉnh

Phòng tuyến Tam Điệp

Ninh Bình 1555

Di tích cấp quốc gia

Đền thờ Công chúa Phất Kim

Ninh Bình 1486

Di tích cấp quốc gia

Đền Dâu

Ninh Bình 1476

Di tích cấp quốc gia

Nhà bia Lý Thái Tổ

Ninh Bình 1462

Di tích cấp quốc gia

Đình Lược

Ninh Bình 1429

Di tích cấp tỉnh

Điểm di tích nổi bật