Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng

Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, còn có tên là đền Đinh Bộ Lĩnh, đền Văn Bòng hoặc đền Đại Hữu (lấy tên địa danh nơi ngôi đền tọa lạc), hiện thuộc thôn Văn Bòng, xã Gia Phương huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Tương truyền, đây chính là nơi gắn với tích sinh ra Đinh Bộ Lĩnh, người anh hùng dân tộc có công trong việc dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước, lập nên nhà nước Đại Cồ Việt vào năm 968. Tại đây, cũng có bài vị thờ các quan trung thần là tứ trụ triều đình nhà Đinh gồm Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ. Tương truyền, vua Đinh Tiên Hoàng cùng với con trai là Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại vào năm 979, theo nghi lễ triều đình đã tấn phong thuỵ hiệu, mỹ tự, lập đền thờ cúng tại quê nhà. Như vậy, đền đã được khởi lập từ xa xưa. Hiện nay phần còn lại của di tích mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Những nguồn tư liệu về vua Đinh Tiên Hoàng rất nhiều, chính sử và truyền thuyết dân gian đã ghi lại và âm hưởng chung là ca ngợi sự tài giỏi, công lao to lớn của ông đối với sự nghiệp thống nhất đất nước, mở nền chính thống của nước ta sau hàng nghìn năm nô lệ. Trên mảnh đất quê hương ông hiện nay vẫn còn rất nhiều truyền thuyết, địa danh liên quan tới thời ấu thơ của Đinh Tiên Hoàng cũng như Nguyễn Bặc, Đinh Điền, những vị danh tướng cùng quê Đại Hữu với vua Đinh. Núi Kỳ Lân nằm ở đầu xã Gia Phương, cách đền gần 3km, với lăng phát tích vua Đinh, động Đại Hữu, lăng phát tích Nguyễn Bặc. Về phía tây nam của núi có một khoảng uốn lượn trông giống hình tay ngai, lưng chừng có một khu rộng tương đối bằng phẳng. Tương truyền, ông Đinh Công Trứ, thân phụ của Đinh Tiên Hoàng thấy cảnh đẹp đã mang mộ của ông nội nhà vua an táng tại ngai này, xây dựng lăng mộ, gọi là Lăng phát tích, hiện đã được tôn tạo. Cạnh Lăng phát tích có động Đại Hữu ở lưng chừng núi, trong hang có nhiều hình thù đẹp do nhũ đá tạo thành, có chỗ có hình giáng như con Kỳ Lân, nên còn gọi là động Kỳ Lân. Trước đây, theo truyền lại thì hang có đền thờ Sơn Thần, là nơi nương tựa của bà Đàm Thị và Đinh Bộ Lĩnh khi ông Đinh Công Trứ qua đời, như nhiều sách đã viết. Phía đông nam lăng phát tích vua Đinh còn có lăng phát tích Nguyễn Bặc. Lăng nằm cạnh chân núi. Ngay phía trước đền, cách khoảng hơn 200m là gò Bồ Đề, một khu đất cổ cao ráo, hình vuông, rộng gần 200m2 ở đầu xóm Văn Bòng, tương truyền đây là nền nhà cũ của Đinh Bộ Lĩnh. Ở giữa khu ruộng của thôn Văn Bòng, gần đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng có một khoảng đất tương đối cao, rộng hàng nghìn mét vuông, có tên cổ là Đào Áo (còn gọi là xứ Đào Áo). Tương truyền nơi đây là chỗ tụ quân của Đinh Bộ Lĩnh để tập trận. Nhìn chung vùng xung quanh di tích hiện nay còn lưu lại rất nhiều địa danh, truyền thuyết liên quan tới vua Đinh Tiên Hoàng. Đây là những nguồn sử liệu quý để làm sáng tỏ thân thế và sự nghiệp của ông. Đặc biệt từ quê hương ông ở xã Gia Phương hiện nay, ngược lên Gia Hưng (Gia Viễn), sang Trường Yên (Hoa Lư), cả một chiều dài, rộng hàng chục km, vùng đất nào cũng có những địa danh, truyền thuyết liên quan tới vua Đinh Tiên Hoàng. Đền thờ được tu bổ quy mô trong những năm gần đây, nhưng vẫn bảo tồn được nét kiến trúc thời Nguyễn cổ kính, quay hướng tây có ba toà, kiến trúc theo kiểu “tiền nhất, hậu đinh”. Phía trước đền là hồ bán nguyệt. Phía trong hồ, khoảng giữa của sân được xây 2 cột đồng trụ tạo thành lối ra, vào di tích. Khu đền thờ gồm 3 toà: Tiền bái, Trung đường và Chính tẩm. Tiền bái gồm 5 gian, kiến trúc theo lối chồng rường bằng gỗ lim, tường hồi bít đốc. Toàn bộ các đầu bẩy chạm khắc hoa văn lá lật, riêng gian giữa mặt đầu bẩy chặm khắc rồng. Các con chồng ở hệ thống các vì kèo đều được chạm hoa văn lá lật. Bờ nóc Tiền bái hình lưỡng long chầu nguyệt. Trung đường tiếp giáp với Tiền bái, gồm 3 gian, kiến trúc theo kiểu mê toàn (toàn bộ hệ thống hoành nằm trên các mê kèo), phía trước có hệ thống cửa ra vào, các đều bẩy chạm hoa văn lá lật. Đặc biệt mê kèo phía đầu đốc hai bên cửa hiên có mảng chạm bong đề tài tứ linh khá tinh vi. Tòa Chính tẩm gồm 2 gian chính và 1 gian dĩ. Kiến trúc theo kiểu thượng rường hạ mê. Di tích hiện còn giữ được một số hiện vật quý như tượng thờ, ngai, khám thờ, sắc phong của các triều đại… Hàng năm, vào dịp lễ hội cố đô Hoa Lư, người thôn Văn Bòng và xã Gia Phương, cũng mở hội đền và tham gia lễ rước kiệu lửa từ quê hương vua về cố đô Hoa Lư. Với những giá trị lịch sử và văn hóa nổi bật, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1993. Nguồn: Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Ninh Bình 1398 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Ninh Bình

Chùa Khả Lương

Ninh Bình 1494

Di tích cấp tỉnh

Động Am Tiên

Ninh Bình 1411

Di tích cấp quốc gia

Đền thờ Vua Lê Đại Hành

Ninh Bình 1405

Di tích cấp quốc gia

Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng

Ninh Bình 1399

Di tích cấp quốc gia

Đền thờ Quý Minh Đại Vương

Ninh Bình 1397

Di tích cấp tỉnh

Phòng tuyến Tam Điệp

Ninh Bình 1385

Di tích cấp quốc gia

Đền Dâu

Ninh Bình 1332

Di tích cấp quốc gia

Nhà bia Lý Thái Tổ

Ninh Bình 1313

Di tích cấp quốc gia

Đền thờ Công chúa Phất Kim

Ninh Bình 1285

Di tích cấp quốc gia

Đình Lược

Ninh Bình 1262

Di tích cấp tỉnh

Điểm di tích nổi bật