Nhà lưu niệm và tượng đài anh hùng Võ Thị Sáu nằm ở ngã tư Đất Đỏ, thuộc xã Phước Long Thọ - Huyện Đất Đỏ. Ngôi nhà vách gỗ, mái ngói cổ xưa nơi mà chị đã từng sống thời niên thiếu cùng gia đình có các kỷ vật, vật dụng đơn sơ, có bàn thờ tổ tiên và bàn thờ chị đặt ở gian ngoài. Năm 1980 ngôi nhà được ủy ban nhân dân huyện Đất Đỏ tu bổ lại khang trang như ngày nay. Võ Thị Sáu là một nữ du kích trong Chiến tranh Việt-Pháp ở Việt Nam, người nhiều lần thực hiện các cuộc mưu sát nhắm vào các sĩ quan Pháp và những người Việt cộng tác với chính quyền thực dân Pháp tại miền Nam Việt Nam. Nhà nước Việt Nam xem cô như một biểu tượng Liệt nữ Anh hùng tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Pháp và đã truy tặng cho cô danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1993. Võ Thị Sáu sinh năm 1933, là con ông Võ Văn Hợi và bà Nguyễn Thị Đậu. Về nguyên quán, trên bia mộ chỉ ghi tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chị sinh ra trong một gia đình nghèo, cha làm nghề đánh xe ngựa chở khách thuê đi Long Điền, Phước Hải, mẹ buôn bán bún bì chả tại chợ Đất Đỏ, từ nhỏ, chị phải phụ giúp cha mẹ để sinh kế. Sau khi quân Pháp tái chiếm vùng Đất Đỏ, cuối năm 1945, các anh trai của chị Sáu đã thoát li gia đình, hoạt động kháng chiến cho phong trào Việt Minh. Chị đã bỏ dở việc học, ở nhà giúp mẹ cha kiếm sống và bí mật tiếp tế cho các anh, vốn công tác trong Chi đội Giải phóng quân của tỉnh Bà Rịa. Năm 1946, chị theo anh trai là Võ Văn Me vào khu kháng chiến, và trở thành liên lạc viên của Đội Công an xung phong Đất uân Pháp; đặc biệt là trận tập kích bằng lựu đạn tại lễ kỉ niệm Quốc khánh Pháp ngày 14 tháng 7 năm 1949 tại Đất Đỏ, gây được tiếng vang lớn ở vùng Đất Đỏ. Năm 1947, chị chính thức trở thành đội viên Công an xung phong Đất Đỏ khi mới 14 tuổi. Từ đó, chị tham gia nhiều trận tập kích bằng lựu đạn, ám sát các sĩ quan người Pháp và Việt gian cộng tác với Thực dân Pháp tạo được tiếng vang và sự ủng hộ của quần chúng nhân dân trong vùng. Vào tháng 12 năm 1949, trong một chuyến công tác tại Đất Đỏ, chị Võ Thị Sáu đã bị quân Pháp bắt được. Một số tài liệu khác ghi cô bị bắt vào tháng 2 năm 1950, sau khi chị và đồng đội dùng lựu đạn tập kích giết chết Cả Suốt và Cả Đay, là hương chức người Việt cộng tác đắc lực với quân Pháp, ở ngay phiên chợ Tết Canh Dần tại chợ Đất Đỏ. Trong ngục giam những người bị án tử hình, Chị vẫn hồn nhiên, vui tươi, tin tưởng vào ngày chiến thắng của Tổ Quốc. Dù các luật sư biện hộ cho chị đã phản ánh với lý do chưa đủ 18 tuổi nhưng thực dân Pháp vẫn ngoan cố tuyên án tử hình. Trước khi bị đưa ra thi hành án, Chị bị đày qua các nhà tù Chí Hòa, Bà Rịa và Côn Đảo. Vì quân Pháp không dám công khai thi hành bản án đối với Chị, chúng đã lén lút đem cô đi thủ tiêu. Chuyện vẫn kể rằng, khi nhóm đao phủ bảo chị quỳ xuống, Chị đã quát lại bọn chúng với một câu đã đi vào huyền thoại, Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ. Chị bị xử bắn năm 1952 tại Côn Đảo khi chưa đủ 18 tuổi. Cách đó chừng 100m là công viên tượng đài và đền thờ anh hùng Võ Thị Sáu. Tượng chị được đặt ở đó, một nơi thoáng mát, bốn mùa ngát hương với hoa sứ, hoa ngọc lan, hoa lekima. Một nơi đẹp , yên bình và tĩnh lặng. Tượng được đúc bằng đồng, cao 7m, tạo theo thế chị Sáu ung dung ra pháp trường, tà áo vẫn tung bay trong gió. Một con người hiên ngang, bất khuất, kiên cường, và không bao giờ đầu hàng trước gian khó, hiểm nguy. Đền thờ là nơi cho dân chúng đến phúng viếng, tưởng niệm anh hùng và là nơi trưng bày hiện vật, giới thiệu hình ảnh về cuộc đời hoạt động của anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu cùng một số hình ảnh về quê hương Đất Đỏ. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Bà Rịa - Vũng Tàu 694 lượt xem
Hầm thủy lôi trên Núi Lớn (thuộc địa bàn phường 5, TP Vũng Tàu ngày nay) do phát xít Nhật xây dựng vào năm 1944. Đây là nơi làm kho chứa vũ khí đánh thủy của quân Nhật. Tuy nhiên, với tinh thần chiến đấu gan dạ, quân ta đã nhiều lần đột nhập vào hầm thủy lôi, lấy vũ khí của địch để chế tạo vũ khí đánh địch. Tháng 7/1941, Nhật buộc Pháp phải ký hiệp ước “Cam kết phòng thủ chung Đông Dương” với Nhật. Với hiệp ước này, Nhật đã chỉ huy Pháp hoàn toàn về mặt quân sự. Đến tháng 10/1941, Nhật đổ bộ vào Vũng Tàu, nhanh chóng chiếm vị trí quan trọng trên Núi Lớn án ngữ cửa biển Vũng Tàu – Cần Giờ. Từ năm 1941-1945, quân phát xít Nhật cho xây dựng nhiều lô cốt, hầm ngầm, hầm chứa đạn, thủy lôi ở lưng chừng Núi Lớn ven theo bờ biển nay thuộc phường 5, TP.Vũng Tàu. Tuy hầm thủy lôi đơn thuần chỉ là kho dùng để cất giữ vũ khí quân sự của quân Nhật, nhưng cũng không kém phần công phu trong quá trình xây dựng. Hầm thủy lôi được xây dựng vào năm 1944, sau 4 tháng thì hoàn tất. Hầm được xây dựng dưới một thung lũng núi kín đáo, xây theo hình vòm, bên trong hầm là vách bê tông cốt thép dày 1m, cao 2,7m. Mặt trước cửa hầm xây đá cao 7m, dài 20m. Các hầm được bố trí thông nhau theo hình chữ U. Hầm chủ yếu tích trữ mìn, thủy lôi để phòng thủ bờ biển, tạo nên một trận địa dưới nước án ngữ cửa biển Vũng Tàu-Cần Giờ. Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, Nhật đầu hàng quân đồng minh nên đã gỡ những quả thủy lôi dưới biển đưa lên núi cho vào hầm cất giữ và gài chất nổ bên ngoài. Sự thất thế của Nhật trên chiến trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Việt Nam từng bước giành thắng lợi. Trong những năm kháng chiến chống Nhật, chống Pháp lâu dài và gian khổ, quân dân Vũng Tàu đã cùng với quân dân Biên Hòa, Bà Rịa không những đánh bại những cuộc càn quét dài ngày của địch vào chiến khu Đ, rừng Sác mà còn tiến sâu vào hậu địch đánh thắng nhiều trận oanh liệt. Trong thời kỳ chiến tranh, những trận đột kích thành công vào hầm thủy lôi Núi Lớn là những chiến công của quân dân Vũng Tàu. Từ vùng Bà Trao (núi Nứa - xã đảo Long Sơn), lực lượng vũ trang và an ninh của ta dựa vào dân đã nhiều lần đột nhập vào hầm đạn và hầm thủy lôi núi Lớn, chiếm lấy khí tài quân sự, vũ khí của địch để trang bị cho quân ta. Việc lấy thủy lôi trở thành một chiến dịch với sự tham gia của hàng trăm người, diễn ra vào buổi tối và hết sức bí mật. Lực lượng ta chia thành các tổ: ám hiệu, canh gác, tháo gỡ lựu đạn, chuyển tải thủy lôi, nuôi quân… Theo kế hoạch, khi có ám hiệu khói lửa, các chuyến ghe của quân dân ta ở Bà Trao từ từ cập sang cảng Bến Đá -Vũng Tàu để tiếp nhận và vận chuyển vũ khí lấy được của địch từ hầm thủy lôi. Tổ canh gác chia làm 2 nhóm cảnh giới từ đầu dốc Bến Đá và gần khu vực tượng Phật Bà Quan Âm bây giờ. Tổ tháo gỡ lựu đạn sẽ cùng với đặc công, du kích, cảm tử quân Thắng Nhì vào hầm thủy lôi, người soi đèn, người gỡ lựu đạn mở cửa, khi lấy xong gài lựu đạn lại như cũ. Nhóm chuyển tải thủy lôi ra ngoài gồng gánh nhau trèo lên sườn núi trong đêm tối mịt mù, khiêng thủy lôi xuống núi, chuyển thẳng ra ghe về bến an toàn. Tổ nuôi quân gồm các bà, các chị lo vận chuyển thức ăn và dầu đốt đèn cho mọi người tham gia các trận đột kích. Cuối tháng 6/1947, sau khi quân địch (quân Pháp tái chiếm lần thứ 2) rút khỏi bốt Bến Đình, các hoạt động đột kích hầm thủy lôi của quân dân ta dễ dàng hơn. Lực lượng của ta đã vận chuyển trung bình một lần 2 trái thủy lôi ra khỏi hầm, mỗi trái nặng hơn 100kg. Trong khoảng thời gian từ năm 1945 - 1954, quân ta đã bí mật lấy khoảng 60 trái thủy lôi để chế tạo bom, mìn làm vũ khí tiêu diệt địch. Ngày 4/8/1992, hầm thủy lôi Núi Lớn được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu điện tử.
Bà Rịa - Vũng Tàu 857 lượt xem
Khu di tích lịch sử Côn Đảo (Nhà tù Côn Đảo) thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gồm hệ thống nhà tù ở Côn Đảo và các nghĩa trang thuộc hệ thống nhà tù này. Trong lịch sử, chính quyền thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho xây dựng 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập - “chuồng cọp” tại khu vực Côn Đảo. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (1975), chức năng của hệ thống nhà tù ở Côn Đảo bị giải thể. Năm 1979, Khu di tích lịch sử Côn Đảo đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, với 17 di tích thành phần. 1. Nhà Chúa Đảo Khu vực này từng là nơi ở và làm việc của 53 đời Chúa Đảo, trong khoảng thời gian hệ thống nhà tù ở Côn Đảo duy trì hoạt động. Sau ngày giải phóng (1975) đến nay, nhà Chúa Đảo được sử dụng làm nơi trưng bày của Khu di tích lịch sử Côn Đảo. 2. Cầu Tàu Cây cầu được khởi dựng từ năm 1873. Đây cũng là nơi chứng kiến nỗi cực nhục đầu tiên của những người bị đưa ra đảo tù đày. Con số 914 được đặt tên cho cầu cũng là số tù nhân đã bị “ngã xuống” vì lao dịch, tai nạn trong quá trình lao động khổ sai để xây cầu. 3. Trại 1 Trại 1 còn được biết đến qua các tên gọi khác, như Banh 3, Lao 3, Trại Bác Ái, trại Phú Thọ. Trại được xây dựng năm 1928, trên tổng diện tích khoảng 12.700m2. Trong đó, diện tích phòng giam là 1.200m2, bao gồm 3 dãy khám giam, nhà y tế, nhà bếp và nhà ăn, phòng giam tập thể và phòng biệt lập, dãy nhà cầm cố (giam cầm). 4. Trại 2 Trại còn có các tên gọi khác, như Banh 1, Lao 1, Trại Cộng Hòa. Đến tháng 11 năm 1974, trại này được gọi là trại Phú Hải. Trại 2 được xây dựng từ năm 1862 và được chỉnh trang kiên cố vào năm 1896, với diện tích 12.040m2, gồm 02 dãy khám giam, 20 xà lim, bệnh xá, nhà nguyện, giảng đường, khu đập đá, câu lạc bộ, nhà Giám thị... , được bao bọc bởi bốn bức tường cao hơn 4m, xung quanh bố trí nhiều bốt gác. Đây là trại giam lớn và cổ nhất ở Côn Đảo. 5. Trại 3 Trại còn được biết đến qua các tên gọi khác, như Banh 2, Lao 2, Trại Nhân Vị, Trại 3, Trại Phú Sơn. Trại được xây dựng năm 1916, nằm cạnh Banh 1, với diện tích 13.228m2, gồm 13 khám lớn, 14 xà lim, 1 phòng hớt tóc, miếu thờ, phòng y tế, nhà bếp, phòng Giám thị, câu lạc bộ và khuôn viên cây xanh, bao quanh là hệ thống tường đá (cao 4m) và nhiều bốt gác. 6. Trại 4 Có tổng diện tích 5804m2, gồm 8 phòng giam, nhà bếp, nhà kho, bệnh xá, có tường đá dày, cao bao quanh. 7. Trại 5 Có tổng diện tích 3.594m2, với 12 phòng giam tập thể, được chia làm 3 dãy (mỗi dãy 4 phòng), khu nhà bếp, có tường đá dày, cao khoảng 4m bao quanh. 8. Trại 6 Tức Trại Phú An, có diện tích 42.140m2, gồm khu A và khu B. Mỗi khu đều có hai dãy, gồm 10 phòng, 4 xà lim, nhà bếp, bệnh xá, nhà kho. Khu trại này được bao bọc bởi hai lớp rào, có cổng ngoài và cổng trong. 9. Trại 7 Còn có tên gọi khác là Trại Phú Bình, hay Chuồng cọp kiểu Mỹ. Trại có diện tích 25.788m2, với 8 khu trại giam (A, B, C, D, E, F, G , H), mỗi khu đều có 48 chuồng cọp, nhà kho, nhà bếp, văn phòng Giám thị, bệnh xá. Quanh trại được bao bọc bởi hàng rào dây thép gai và tường bê tông. 10. Trại 8 Còn được gọi là Trại Phú Hưng, gồm 10 khám giam, được chia thành 2 dãy, cùng các công trình phụ, như nhà Giám thị, vọng gác. Bao quanh trại là hệ thống hàng rào dây thép gai. 11. Trại 9 Khi Mỹ - Ngụy đang cho đổ bê tông nền, đúc cột dựng trại, thì Hiệp định Paris được ký kết nên trại này đã bị bỏ dở. 12. Phòng điều tra Đây là nơi làm việc và lưu trữ hồ sơ hỏi cung. Mọi tù nhân trước khi được nhập giam, đều bị hỏi cung tại phòng này. 13. Cầu Ma Thiên Lãnh Từ năm 1930 - 1945, thực dân Pháp đã cho mở một nhánh đường đến Sở Ông Câu để tiện cho việc kiểm soát tù vượt ngục. Cầu mới xây dựng được 2 mố, mỗi mố cao khoảng 8m. Tên cầu do tù nhân lấy tên ngọn núi Ma Thiên Lãnh ở Triều Tiên để đặt. 14. Khu biệt lập Chuồng Bò Khu vực này là nơi tù nhân lao động khổ sai, đồng thời là nghĩa địa của tù nhân. “Bãi sọ người” tại đây chính là nghĩa địa đầu tiên ở Nhà tù Côn Đảo, tiếp đến là nghĩa địa Hàng Keo, nghĩa địa Hàng Dương. 15. Lò Vôi Đây là chứng tích điển hình về chính sách bóc lột sức lao động một cách dã man, cùng với chế độ nhà tù hà khắc, thâm độc, nhằm dập tắt ý chí của những người Việt Nam yêu nước bị tù đày tại Côn Đảo. 16. Nhà Công Quán Xây dựng cuối thế kỷ 19, diện tích 850m2, là nơi dừng chân của nhạc sĩ người Pháp: Charles Camille Saint Saens - Danh nhân văn hóa thế giới. Tại đây Ông hoàn tất 3 chương cuối vở nhạc kịch bất hủ Brunchida. 17. Nghĩa trang Hàng Dương Có diện tích khoảng 20 ha. Đây là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào Việt Nam yêu nước đã lần lượt hy sinh dưới ách tù đày, khổ sai tàn bạo của bọn thực dân và đế quốc. Năm 1992, di tích này đã được đầu tư tôn tạo và chia thành 4 khu: - Khu A: gồm 688 ngôi mộ (có 7 mộ tập thể), với 86 mộ có tên và 602 mộ khuyết danh. - Khu B: gồm 695 ngôi mộ (có 17 mộ tập thể), với 275 mộ có tên và 420 mộ khuyết danh. - Khu C: gồm 372 ngôi mộ (có 1 mộ tập thể), với 329 mộ có tên và 43 mộ khuyết danh. - Khu D: gồm 148 ngôi mộ, với 11 mộ có tên và 137 mộ khuyết danh. Nhà tù Côn Đảo là một di tích đặc biệt (di tích nhà tù). Đây là nơi tập trung nhất hệ thống cai trị tù khét tiếng của Pháp và Mỹ, điển hình về chế độ cưỡng bức, giam cầm, hành hạ và tàn sát các chiến sỹ cách mạng, tù nhân lao động khổ sai đến kiệt sức; là nơi mà kẻ thù hung bạo phải run sợ trước khí phách, khí tiết cách mạng và niềm lạc quan của người tù yêu nước. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo là Di tích quốc gia đặc biệt ngày 10/5/2012. Nguồn: Cục Di sản văn hóa
Bà Rịa - Vũng Tàu 862 lượt xem
Nằm trên đường Trần Phú, con đường vòng quanh ôm Núi Lớn, lên Bến Đá và Bến Đình. Di tích Thích Ca Phật Đài gắn liền với vẻ đẹp của Bến Đá và cảnh quan thiên nhiên hướng Đông bắc Núi Lớn. Nếu Bến Đá là cảng cá sầm uất, nhộn nhịp thì Thích Ca Phật Đài là nơi tịch liêu, đượm vẻ huyền diệu của chốn thiên thai. Vùng núi Thích Ca Phật Đài trước đây cây cối tươi tốt không có người sinh sống. Khoảng năm 1957, ông Lê Quang Vinh, một công chức thời Pháp thuộc, bất đắc chí lên đây dựng chùa để tu hành, gọi là Thiền Lâm Tự. Năm 1962, Giáo hội Phật giáo nhận thấy Thiền Lâm Tự toạ lạc ở một vị trí có khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, là vùng đắc địa tụ kết khí thiêng, lại thuận tiện giao thông đi lại cho chư Tăng, Phật tử thập phương hành hương nên đã lập đồ án xây dựng quy mô Thiền Lâm Tự thành Thích Ca Phật Đài. Sau hơn 19 tháng xây dựng, ngày 15 tháng 2 năm Quý Mão (1963), Thích Ca Phật Đài được khánh thành với những công trình kiến trúc như ngày nay. Thích Ca Phật Đài là một quần thể kiến trúc điêu khắc tạo dựng theo sự tích cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni gắn với cảnh quan thiên nhiên hài hòa, sống động thành khu danh thắng đẹp mang nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử tôn giáo, là một trong những danh thắng thu hút nhiều khách du lịch nhất của Vũng Tàu. Vào Thích Ca Phật Đài, du khách đi qua tam quan, trên có bánh xe luân chuyển đạo lý nhà Phật gọi là Pháp luân với tám căm biểu tượng Trung đạo. Vòng ngoài có bốn núm biểu tượng cho Tứ diệu đế. Trên bốn cột của tam quan là bốn búp sen biểu tượng cho sự trong sạch, tinh khiết, thanh cao của nhà Phật. Toàn bộ khuôn viên Thích Ca Phật Đài được thể hiện trên triền núi như nửa vầng trăng, được chia thành ba cấp theo một hình tháp cao dần từ dưới lên. Bảo tháp mà du khách bắt gặp đầu tiên, sau khi bước lên hết cấp thứ nhất, là nơi ghi nhớ và tưởng niệm người đã có công dựng Thiền Lâm Tự: Nhà sư Giác Pháp tức quan phủ Lê Quang Vinh. Lối lên bậc thứ hai theo đường vòng cung nhỏ nhắn, bên trái là vách đá kỳ vĩ. Bên phải dõi tầm mắt đến tận Núi Nứa - Long Sơn và xa xa là cảng Dầu khí với những cần cẩu vươn cao nối liên với phố xá, nhà cửa và làng cá Bến Đình, Bến Đá ngay dưới chân núi. Thích Ca Phật Đài được bao phủ bởi màu xanh của nhiều loài cây cao vút. Gió biển thổi rì rào. Đi hết đường vòng cung, du khách tới độ cao 25m, không gian trải rộng ra trước mặt. Đây là khu vực của những công trình điêu khắc được xây dựng dựa theo những sự tích cuộc đời Đức Phật Thích Ca, từ khi Người ra đời đến khi nhập cõi Niết bàn. Bảo tháp Thích Ca Mâu Ni ở đây có tôn trí 13 viên Xá lợi Đức Phật, được đựng trong một hộp bằng vàng. Đây là niềm đại hạnh cho các Phật tử Việt Nam nói chung và Phật tử Vũng Tàu nói riêng. Bảo tháp ngọc Xá Lợi ở Thích Ca Phật Đài cao 17m vươn lên giữa sân hành lễ rộng khoảng 300m2, trên có búp sen. Lối lên Bảo tháp có đắp hình rồng, hai bên có đôi sư tử chầu tượng trưng cho Đại hùng - Đại lực. Dưới chân tháp có một thích án để thờ, trên khắc chữ: Nam mô Bồn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, (Hết lòng tôn kính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni). Dưới bốn cạnh chân Bảo tháp bát giác đặt bốn cái đỉnh lớn trong đặt bốn nắm đất thiêng được thỉnh từ nơi Ngài Đản sanh), nơi Ngài thành đạo), (nơi Ngài truyền đạo) và (nơi Ngài nhập Niết bàn) về đây. Thích Ca Phật Đài là một quần thề kiến trúc, điêu khắc với ý đồ diễn tả lại sự kiện chính trong cuộc đời Đức Phật. Nguồn: Giáo hội phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Bà Rịa - Vũng Tàu 980 lượt xem
Linh Sơn cổ tự còn có tên gọi khác là chùa Phật Vàng (người Pháp gọi là Golden Buddha Statue) được khởi dựng trên sườn Núi Nhỏ từ những năm đầu của thế kỷ 20. Năm 1919, người Pháp xây dựng các công trình hoa tiêu và hải đăng phục vụ cho công cuộc chinh phục thuộc địa, buộc nhà chùa phải di dời xuống chân Núi Nhỏ. Viện chủ Thích Minh Thường, nguyên hòa thượng trụ trì lâu năm ở Linh Sơn cổ tự kể rằng, ban đầu chùa được xây dựng bằng tre nứa, vách cót, lợp ngói âm dương. Khoảng cuối những năm 40 của thế kỷ trước, hương chức Đình Thắng Tam cung thỉnh hòa thượng Thích Trí Tịnh về trụ trì và quản lý chùa. Sau này, hòa thượng Thích Trí Tịnh đảm đương chức vụ Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngài giao cho đệ tử là cố hòa thượng Thích Tịnh Viên (viên tịch năm 1995) trụ trì. Linh Sơn cổ tự được di chuyển về vị trí gần Đình Thắng Tam và xây dựng khang trang như hiện nay. Ngôi chùa tọa lạc tại địa chỉ 104, Hoàng Hoa Thám, phường 2, TP. Vũng Tàu, cách Bãi Sau khoảng 500m. Hai bên cổng chùa là bức tượng đôi rồng chầu theo phong cách lưỡng long tranh châu. Tiếp đến là những bậc tam cấp dẫn lên chính điện có 100 pho tượng Phật phết vàng. Trong đó, đặc sắc nhất là pho tượng Phật thờ trong chánh điện, cao 1,2m, được tạc bằng đá sa thạch, điêu khắc công phu, khéo léo với những chi tiết sống động, tạo nên khuôn mặt hiền từ, nhân ái của đức Phật, có thể coi là bảo vật. Hòa thượng Thích Tịnh Định, hiện đang tu tập tại chùa, cho biết pho tượng này đã được các nhà khảo cổ thẩm định là tượng Phật của người Chăm, có niên đại từ thế kỷ thứ VII sau công nguyên. Nguồn gốc của pho tượng cũng vô cùng kỳ bí. Người ta kể rằng cách đây khoảng 100 năm có đoàn thuyền ghe chài từ miền Trung vào đánh bắt cá ở vùng biển Bãi Trước. Trong một lần lên núi kiếm củi, lấy nước ngọt, họ phát hiện 2 pho tượng Phật bằng đá trên sườn Núi Lớn, gần Bãi Dâu. Dân địa phương biết tin vội kéo đến xem và cương quyết đòi giữ lại. Sau khi đàm phán với người dân địa phương, những người đánh cá miền Trung chấp nhận giao lại pho tượng lớn cho dân làng Thắng Tam rước về thờ ở Linh Sơn cổ tự, còn pho tượng nhỏ họ đem về miền Trung. Hiện nay pho tượng nhỏ được thờ tại một ngôi chùa ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Một pho tượng khác đáng chú ý cũng đang được thờ cúng ở Linh Sơn cổ tự là pho tượng Phật Di Lặc bằng đồng, được thỉnh về từ Nam Lào năm 1972. Linh Sơn cổ tự chia thành nhiều không gian khác nhau, với kiến trúc cổ xưa, có nhiều tranh, tượng điêu khắc, chạm trổ tinh tế, mô tả các câu chuyện trong kinh Phật. Xen giữa những bức tượng Bồ Tát, La Hán đặt trong khuôn viên chùa là hồ sen và những cây hoa sứ đại thụ tỏa hương thơm dịu nhẹ. Hàng năm, chùa thường tổ chức các lễ cầu an, cầu siêu vào dịp Tết Nguyên đán, lễ hội Quan Âm, Đản sinh, lễ Vu Lan, lễ cúng siêu cho các vong linh thai nhi - ấu nhi đến năm 13 tuổi, lễ truyền tam quy ngũ giới. Từ nhiều năm nay, Linh Sơn cổ tự đã trở thành nơi tham quan chiêm bái ưa thích của người dân Vũng Tàu và khách thập phương. Ngôi chùa cũng đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu điện tử.
Bà Rịa - Vũng Tàu 793 lượt xem
Đình thần Thắng Tam tọa lạc trên đường Hoàng Hoa Thám, Phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu, đây là một quần thể gồm Đình thần Thắng Tam, miếu Ngũ Hành và lăng Cá Ông. Đình thần Thắng Tam được xây dựng từ đời vua Minh Mạng, ban đầu đình chỉ được làm bằng tre lá, đến năm 1835 nhân dân đã đóng góp tu sửa, lợp mái ngói cho đình và đến năm 1965 đình được trùng tu, xây dựng kiên cố và giữ nguyên bố cục kiến trúc như ngày nay. Đình thờ chung cả ba người đã có công xây dựng nên ba làng ở Vũng Tàu, đó là Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc và Ngô Văn Huyền. Vào thời vua Gia Long, bọn hải tặc thường hay đột nhập cửa sông Bến Nghé đón đường cướp bóc tiền bạc, hàng hoá. Để bảo vệ thương thuyền của người Việt, vua Gia Long liền phái ba đội quân đi trên ba chiếc thuyền bảo vệ sự thanh bình của bờ biển cửa ngõ, và khai hoang lập ấp, làm ăn sinh sống. Khoảng năm Minh Mạng thứ 3 (1822), tình trạng hải tặc không còn nữa, nhà vua ban chiếu khen thưởng chức tước, phẩm hàm và phần đất mà ba đội quân có công khai phá cho họ. Từ ba vị trí của ba đội quân dần dần hình thành nên ba làng. Làng thứ nhất gọi là làng Thắng Nhất do ông Phạm Văn Dinh cai quản, làng Thắng Nhì do ông Lê Văn Lộc cai quản, làng Thắng Tam do ông Ngô Văn Huyền cai quản. Sau này, ba ông trở thành Tiền Hiền được thờ tại ba ngôi đình của ba làng nói trên. Đình có kiến trúc theo lối nối tiếp gồm bốn ngôi nhà nối liền nhau bằng một lối đi bên hông, đó là Tiền Hiền – Hội Trường – Đình Trung – Sân khấu võ ca. Trong đình bài trí nhiều đồ lễ chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Ngôi Tiền hiền được lợp bằng ngói âm dương, trên mái có “lưỡng long chầu nguyệt” đắp nổi. Đầu các đòn tay, xà gồ, cột đều chạm khắc hình rồng. Nội thất nhà Tiền Hiền bày 4 bàn thờ gồm bàn thờ Thổ Công, Tiền Hiền, Hậu Hiền và Tiền Vãng - Hậu Vãng. Hội trường là nơi sinh hoạt của các hội viên. Tiếp sau phần hội trường là ngôi Đình Trung có cấu trúc tương tự ngôi Tiền Hiền, bày 10 bàn thờ gồm bàn thờ Thần Nông, Thiên Y A Na, Ngũ Đức, Thánh Phi, Hậu Hiền, Hội Đồng, Phụ Án - Cao Các, Thiên Sư, Ngũ Thơ và Ngũ Tự - Tiền Hiền. Còn sân khấu võ ca là nơi diễn tuồng, hát bội khi đình có lễ. Miếu Bà Ngũ Hành Phía bên tay trái cổng khu di tích là Miếu Bà Ngũ Hành. Miếu được xây dựng vào cuối thế kỉ 19 thờ năm bà nữ thần: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Ngoài ra miếu còn thờ 2 vị hộ quốc được vua thăng Thượng Đẳng Thần là bà Thiên Y A Na và Thủy Long Thần Nữ. Miếu Bà Ngũ Hành được xây dựng theo lối kiến trúc một gian hai chái, trên mái có lưỡng long chầu nguyệt. Trong Miếu có 8 bàn thờ: giữa chính điện là bàn thờ 5 bà Ngũ Hành và hai vị Thượng Đẳng Thần; hai bên là bàn thờ 5 cô và 5 cậu; bên trái thờ Quan Công, Quan Bình và Châu Xương là những bậc trung nghĩa sẵn sàng cứu hộ những người đi biển khi họ gặp chuyện không may; Bên phải là bàn thờ Ông Địa – Thổ Công; phía sau là bàn thờ Tiền Hiền và những người giàu lòng nhân ái, độ lượng trong làng. Lăng Cá Ông nằm bên phải của khu di tích được xây dựng cùng thời kỳ với Miếu Bà ngũ Hành. Trong lăng hiện nay có một phần bộ xương của Cá Ông khổng lồ do ngư dân Vũng Tàu vớt được từ khoảng 100 năm trước. Lăng có kiến trúc theo lối cổ xưa, bên trong trưng bày tủ kính lớn chứa xương của Cá Ông và tương xứng với ba bàn thờ. Hai bên có thêm hai bàn thờ của Bà Sáu (Thần Rùa) và tổ nhạc. Hiện nay, khu di tích Đình thần Thắng Tam còn lưu giữ 12 sắc phong của vua Thiệu Trị và Tự Đức, trong đó có 6 sắc phong cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải (Cá Ông), 3 sắc phong cho Thiên Y A Na diễn Ngọc Phi và 3 sắc phong cho Thủy Long Thần Nữ. Hàng năm, đình thần Thắng Tam có 3 lễ hội lớn là cầu an (từ 17 đến 20 tháng 2 âm lịch), Nghinh Ông (từ 16 đến 18 tháng 8 âm lịch) và miếu Bà (từ 16 đến 18 tháng 10 âm lịch). Nguồn: Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Bà Rịa - Vũng Tàu 907 lượt xem
Di tích lịch sử cách mạng Đồn nhà máy nước Vũng Tàu tọa lạc trên đường 30 tháng 4, phường 9, TP Vũng Tàu, nằm giữa Trường THPT Trần Nguyên Hãn và Công ty Cổ Phần Cấp nước Bà Rịa – Vũng Tàu. Đồn nhà máy nước tuy chỉ là một di tích có quy mô khiêm tốn, nhưng để lại những giá trị lịch sử đấu tranh cách mạng với nhiều trận đánh ác liệt, nêu cao tinh thần vì độc lập của quân và dân ta. Di tích Đồn nhà máy nước Vũng Tàu nằm cách nút giao đường Nguyễn An Ninh – Phạm Hồng Thái – 30 tháng 4 (ngã tư Giếng nước) khoảng hơn 50m. Di tích này có chiều dài khoảng 5m, rộng 3,7m, cao gần 4m, được xây dựng bằng đá, gạch, vôi, xi măng, sắt thép và gỗ. Đây là một công trình quân sự nhỏ, chia làm hai tầng, ngăn cách bằng một bức sàn gỗ, có các lỗ châu mai hướng về bốn phía. Thời kỳ chiến tranh, địa thế Vũng Tàu (Ô Cấp) có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự, nên quân Pháp chiếm đóng đã bắt tay xây dựng bến cảng và sân bay ngay từ khi đặt chân đến Vũng Tàu. Khi đó, tại vùng đất được biển bao bọc này, nước ngọt là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nên người Pháp đã xây dựng hệ thống cấp nước (giếng khoan, nhà máy lọc nước…) ngay tại vị trí gần ngã tư Giếng nước TP Vũng Tàu ngày nay. Để bảo vệ sân bay, bến cảng và hệ thống đầu nguồn cấp nước cho cả Vũng Tàu, quân Pháp lập một đồn lính nằm ngay bên cạnh nhà máy nước, nên gọi là Đồn nhà máy nước. Đồn này do lực lượng bảo an chiếm giữ với quân số khoảng một đại đội, được trang bị hỏa lực mạnh, án ngữ cửa ngõ Vũng Tàu lúc bấy giờ. Thời ấy, địch kiểm soát gắt gao việc đi lại của người dân ở khu vực này, khiến cho hoạt động của quân dân ta gặp khó khăn. Vì vậy, Đồn nhà máy nước trở thành mục tiêu cần phải tiêu diệt của lực lượng vũ trang cách mạng. Năm 1948, Ban hành động Cấp, Công an xung phong, Đội trinh sát 51 và lực lượng của Thị đội Cấp đã 2 lần tấn công vào Đồn nhà máy nước, phá đồn, thu 150 súng các loại. Các trận đánh tiến công Đồn nhà máy nước đều rất ác liệt, góp phần tiêu hao sinh lực và hỏa lực địch, ghi dấu chiến công trong lịch sử đấu tranh cách mạng của quân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm xưa. Năm 1985, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, chính quyền đặc khu đã cho xây dựng bức phù điêu trước Đồn nhà máy nước kỷ niệm chiến thắng 2 trận đánh đồn năm 1948. Đồng thời, gắn biển khắc nội dung giới thiệu giá trị lịch sử tiến công địa điểm quân sự này. Ngày 4/8/1992, Bộ Văn Hoá-Thông Tin đã công nhận Đồn nhà máy nước Vũng Tàu là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia. Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu điện tử
Bà Rịa - Vũng Tàu 840 lượt xem
Di tích cấp Quốc gia nhà 86 Phan Chu Trinh (hiện nay là số 5 Phan Chu Trinh, phường 2, TP Vũng Tàu) từng là nhà của viên quan tư người Pháp Pierre Chappus nằm trên đường Phan Chu Trinh, dưới chân Núi Nhỏ. Ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc cũ đầu thế kỷ 20 của Pháp. Trong thời kỳ chiến tranh, ngôi nhà này từng là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Ông Pierre Chappus có cha là người Pháp, mẹ là người Việt Nam. Ông là quan tư của chính quyền Pháp, chủ Sở Hải Đăng Vũng Tàu. Ngôi nhà của ông Pierre Chappus lúc đó tường xây bằng đá xanh, mái lợp ngói tọa lạc trên mảnh đất chiếm khoảng 100m mặt tiền đường Phan Chu Trinh và sâu vào 80m. Chung quanh nhà có nhiều cây ăn trái như dừa, xoài, mãng cầu, vú sữa, ổi, chanh… Phía sau nhà có hồ sen rất lớn và một cây vải thiều cỡ hai người ôm. Ông Pierre Chappus tuy là quan chức của Pháp, nhưng ông lại có cảm tình với cách mạng Việt Nam, đặc biệt rất kính trọng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Trong lúc điều kiện vật chất, đời sống vô cùng khó khăn, ông ủng hộ cho Việt Minh tiền của, lúa gạo, cùng 50 con bò. Ông đã sử dụng ngôi nhà 86 Phan Chu Trinh của mình làm nơi nuôi giấu, bảo vệ cán bộ hoạt động bí mật, trong đó có đồng chí Nguyễn Hoài Đức, Thị đội trưởng Vũng Tàu. Thời bấy giờ, nhà ông Pierre Chappus luôn nuôi 5-7 con chó, mỗi con đặt một cái tên, mỗi khi nghe tiếng người lạ tới thì bầy chó sủa đánh động ở cửa trước, các đồng chí cán bộ liền len lỏi theo vườn cây ăn quả thoát ra bằng cửa sau. Những trường hợp là người quen (cán bộ) vào cổng, chó sủa, ông chỉ việc kêu tên từng con một là chúng nằm im không sủa. Thời kỳ chống Mỹ, ngôi nhà 86 Phan Chu Trinh được ông Pierre Chappus đồng ý cho cách mạng đặt làm Văn phòng Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh, thể hiện tấm lòng đầy thiện cảm đối với cách mạng Việt Nam. Ông cảm động nói với các cán bộ: “Các chú cứ lấy nhà tôi mà làm việc, rủi khi tôi có bị địch bắt mà chết thì đó cũng là một vinh dự cho tôi được chết cho cách mạng Việt Nam”. Năm 1957, Văn phòng Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh chính thức đặt tại nhà ông Pierre Chappus. Thường trực Văn phòng gồm đồng chí Trịnh Phong Đán và đồng chí Hồ Sĩ Hành. Lúc này, nhà ông Pierre Chappus nuôi 10 con chó, đây là “lực lượng” quan trọng trông giữ nhà rất hữu hiệu, bảo vệ an toàn cho cán bộ cách mạng hoạt động bí mật. Tới cuối năm 1958, Văn phòng Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh phải chuyển đi nơi khác để bảo đảm bí mật, nhưng ngôi nhà 86 Phan Chu Trinh vẫn là cơ sở để cán bộ lui tới nhờ sự giúp đỡ, vận động tiền và vật chất cho cách mạng. Ông Pierre Chappus mất vào năm 1959 ngay tại căn nhà 86 Phan Chu Trinh, thọ 81 tuổi. Ngày 4/8/1992, ngôi nhà 86 Phan Chu Trinh được Bộ Văn Hoá –Thông tin Thể thao –Du Lịch công nhận là di tích cấp Quốc gia. Theo đó, vào những dịp lễ, Tết, Trường Trung Học Đoàn Kết thường tổ chức cho các em học sinh đến dọn dẹp vệ sinh và tham quan nhà 86 Phan Chu Trinh, đồng thời giới thiệu cho các em về lịch sử đấu tranh giữ nước trường kỳ và hào hùng của dân tộc. Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu điện tử
Bà Rịa - Vũng Tàu 895 lượt xem
Di tích lịch sử “Nhà cao cẳng” tọa lạc ở số 18, đường Lê Lợi, TP Vũng Tàu là nơi diễn ra nhiều cuộc họp bí mật của Tỉnh ủy Bà Rịa-Long Khánh trong những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Nhà cao cẳng rộng 160m2, và sở dĩ có tên gọi như vậy vì phía dưới ngôi nhà là hàng 4 dãy cột đá, mỗi cột cao 2,2m, cạnh vuông 40cm như đôi chân chống đỡ ngôi nhà. Nhà được xây dựng theo kiến trúc kiểu nhà nghỉ biệt lập, có hàng rào, sân vườn bao quanh. Nhà được chia thành 2 khu: khu nhà chính và khu nhà phụ. Khu nhà chính gồm 2 tầng, tầng trệt là dãy cột trụ chống đỡ cả ngôi nhà. Tầng lầu là nơi ở chính của ngôi nhà, được thiết kế 2 mặt trước và sau có cầu thang lên xuống, xây thoai thoải từ phía ngoài trời dẫn lên lầu. Bên trong có một sảnh lớn dùng để tiếp khách và các phòng nhỏ dùng để nghỉ ngơi. Ở các phòng đều có cửa sổ hướng ra khu vườn, tạo nên một không gian tĩnh lặng. Mái nhà được lợp bằng ngói tây, tương tự mái nhà của dân tộc Thái, mái dốc xuống ở 4 phía, 2 phía đầu hồi đều có tam giác nhỏ để đón gió chống nóng. Khu nhà phụ là gian nhà rộng 2,25m, mái ngang 6m dùng làm nhà bếp và lối dẫn lên nhà chính. “Nhà cao cẳng” được ông Deloudet, Công chức, Sĩ quan người Pháp làm việc ở Sài Gòn cho xây dựng hoàn thành vào khoảng năm 1949. Ngôi nhà được xây để ông cùng vợ là bà Chau Chon làm nơi nghỉ mát ở Vũng Tàu. Xung quanh khu vực “Nhà cao cẳng” có nhiều biệt thự và khu nghỉ mát, hướng ra bãi biển, an ninh được kiểm tra rất nghiêm ngặt. Năm 1950, ông Deloudet về Pháp, ngôi nhà trở thành tài sản của bà Chau Chon. Đến năm 1951, bà bán ngôi nhà này cho kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Văn Chiến. Năm 1952, ông Ba Trà, công nhân một nhà máy nước ở Bà Rịa được giao trọng trách trông coi “Nhà cao cẳng”. Ông là một người nhiệt tình tham gia vào các phong trào cách mạng của Đảng bộ; ông nhiều lần bị giặc bắt, được thả và luôn nằm trong tầm ngắm của quân địch. Với tinh thần yêu nước, tại Vũng Tàu, ông nhanh chóng kết nối với Đảng và tiếp tục làm cơ sở bí mật cho các cán bộ hoạt động cách mạng. Lợi dụng sự lơ là, thiếu cảnh giác của địch, trong thời gian từ năm 1956-1959, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa-Long Khánh đã biến “Nhà cao cẳng” và các biệt thự xung quanh thành cơ sở cách mạng, làm nơi ăn, chốn ở, nơi đi lại sinh hoạt hội họp của các đồng chí lãnh đạo phong trào cách mạng. Tại đây, dưới sự chỉ dẫn dắt của đồng chí Năm An Chi, phong trào cách mạng trong quần chúng nhân dân phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Trong các năm 1956, 1957, nhiều cuộc họp bí mật diễn ra tại “Nhà cao cẳng”. Trong cuộc họp, nhiều chủ trương của Đảng được triển khai, kịp thời bám sát tình hình, thúc đẩy phong trào cách mạng địa phương phát triển. Trong tháng 3 và tháng 4 năm 1959, chính tại nơi đây, Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc họp với Huyện ủy Vũng Tàu nhằm kiểm tra công tác học tập Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng và triển khai những Chỉ thị của Đảng bộ liên tỉnh miền Đông; chương trình vận động phong trào quần chúng nhân dân chống luật của chính quyền Ngô Đình Diệm . Hiện tại di tích lịch sử cách mạng “Nhà cao cẳng” nằm trong khuôn viên của Cục Hải quan TP Vũng Tàu và do đơn vị này quản lý. Phần lớn kiến trúc ngôi nhà vẫn được giữ nguyên vẹn. Do chỉ tồn tại trong thời gian ngắn của thời kỳ đầu kháng chiến chống đế quốc Mỹ nên các hiện vật không được lưu lại. Năm 1991, “Nhà cao cẳng” được Bộ Văn Hoá Thông Tin công nhận là di tích lịch sử cách mạng. Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu
Bà Rịa - Vũng Tàu 914 lượt xem
Nhà truyền thống cách mạng TP Vũng Tàu (số 1, Ba Cu, TP Vũng Tàu) trước đây là trụ sở Ủy ban Việt Minh. Trải qua các thời kỳ chiến tranh, nơi đây vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn các hình ảnh về ký ức lịch sử đấu tranh hào hùng của quân dân Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhà truyền thống cách mạng TP Vũng Tàu được xây dựng từ năm 1908-1913 với diện tích đất rộng 6.580m2. Nhà được xây dựng theo kiến trúc công sở thời Pháp thuộc, vốn là văn phòng chỉ huy quân sự khu vực Vũng Tàu từ thập niên đầu của thế kỷ 18 đến khi Nhật đảo chính Pháp. Đó là một ngôi biệt thự xây cất đồ sộ có hai tầng thoáng mát, đủ tiện nghi, nằm sát biển ở Bãi Trước. Trong khu biệt thự còn có văn phòng tham mưu trực thuộc, nơi thường xuyên có sĩ quan Pháp làm việc. Các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Việt Minh đã nhanh chóng bắt liên lạc với xứ ủy Nam kỳ qua đồng chí Dương Bạch Mai, nhận Chỉ thị chuẩn bị cướp chính quyền. Qua đó trích “Chương trình Việt Minh”, viết truyền đơn rải khắp thị xã kêu gọi nhân dân Vũng Tàu nổi dậy và chuẩn bị lực lượng vũ trang làm bạo lực cách mạng cho cuộc khởi nghĩa. Trong những ngày khởi nghĩa, các đồng chí lãnh đạo cốt cán cùng lực lượng bảo vệ, cảm tử quân hơn 40 người ngày đêm túc trực, làm việc tại trụ sở. Ngày 28/8/1945, tại sân vận động Lam Sơn cách trụ sở Ủy ban Việt Minh 300m, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Việt Minh Thị Xã Vũng Tàu, cuộc mít tinh khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân địa phương giành thắng lợi. Trong những năm tháng đấu tranh gian khổ, ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Ủy ban Việt Minh đóng vai trò là lãnh đạo nòng cốt bám trụ Vũng Tàu, Bà Rịa và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Cuối năm 1945, Vũng Tàu-Bà Rịa sát nhập thành 1 tỉnh, các đồng chí lãnh đạo trong Ủy ban Việt Minh và chi bộ Đảng được điều về Bà Rịa, trụ sở cũng được di dời. Sau khi đất nước được giải phóng, di tích trụ sở Ủy ban Việt Minh đã có những đóng góp không nhỏ vào công tác du lịch của thành phố biển Vũng Tàu. Năm 1978, di tích đã được xây dựng thêm một số công trình phụ như nhà trệt ở phía sau, lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ ở bên trong, xây thêm phòng trên lầu, cải tạo mặt bằng ngoại thất… Tuy nhiên không làm ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan xung quanh và thiết kế chính của ngôi nhà. Năm 1991, trụ sở Ủy ban Việt Minh được Bộ Văn Hoá-Thông Tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và đổi tên thành Nhà truyền thống cách mạng TP Vũng Tàu. Hiện nay, để phục vụ nhu cầu tìm hiểu lịch sử, tham quan di tích của người dân địa phương, bên trong hai tầng nhà truyền thống được sử dụng làm thư viện, nơi trưng bày, triển lãm, tổ chức hội họp. Phía tầng lầu là phòng trưng bày hình ảnh, tư liệu lịch sử, hình ảnh lãnh đạo của thành phố qua các thời kỳ và nhiều những hiện vật khác... Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu điện tử
Bà Rịa - Vũng Tàu 1007 lượt xem
Di tích lịch sử cách mạng nhà má Tám Nhung (Hồ Thị Khuyên) số cũ 42 trên 11 đường Trần Phú, nay là số 1, Trần Xuân Độ phường Thắng Nhì, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nằm dưới chân núi Lớn, cách ngã tư Bến Đình phường Thắng Nhì, khoảng 100 mét về phía tây. Trước đây là một khu vườn rậm rạp, yên tĩnh gồm nhiều cây ăn trái do ông bà Tám Nhung khai phá, gây dựng. Tại ngôi nhà này vào những ngày cách mạng tháng Tám 1945 là nơi họp của Ủy ban mặt trận Việt Minh, trong 2 cuộc kháng chiến ngôi nhà là cơ sở nuôi dấu cán bộ hoạt động trong nội ô của Tỉnh ủy, Thị ủy Vũng Tàu…Với giá trị và ý nghĩa lịch sử tiêu biểu năm 1989 nhà má Tám Nhung (Hồ Thị Khuyên) được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích cấp quốc gia. Hiện nay ngôi nhà của má Tám Nhung đã được trùng tu, tôn tạo vào năm 2015, di tích trở thành điểm tham quan giáo dục truyền thống về một bà mẹ Việt Nam tiêu biểu, sáng người chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thành phố Vũng Tàu trong hai thời kỳ kháng chiến thật giản dị, nhân hậu mà trung kiên, bất khuất…đã hết lòng ủng hộ, bí mật nuôi dấu cán bộ cách mạng an toàn cho đến ngày miền Nam giải phóng, đất nước được thống nhất. Má Hồ Thị Khuyên sinh năm 1905, mọi người trong xóm thường gọi với tên thân mật là má Tám Nhung (vì chồng của má là ông Nguyễn Văn Nhung). Ông Nhung cũng là một người có tinh thần yêu nước, căm thù thực dân Pháp và bọn địa chủ cường hào, ác bá, sớm được giác ngộ cách mạng. Năm 1930 ông tham gia cướp chính quyền tại 18 thôn Vườn Trầu. Cuộc khởi nghĩa thất bại ông bị thực dân Pháp bắt. Chúng dùng mọi thủ đoạn mua chuộc tra tấn dã man nhưng ông không hề khai báo. Thân hình ông bị chúng đánh đập đến tàn phế, rồi lưu đày biệt xứ.. Khoảng năm 1941-1942 ông Nguyễn Văn Nhung từ Gò Công (Tiền Giang) đến khu vực Núi Lớn (Vũng Tàu) sinh sống sau đó ông xây dựng gia đình với bà Hồ Thị Khuyên. Hai ông bà chặt cây, khai hoang đất đai dưới chân Núi Lớn, phường Thắng Nhì để làm nhà, trồng cây ăn trái. Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại phong trào cách mạng ở nhiều tỉnh khu vực Nam Bộ tạm thời lắng xuống trước sự đàn áp dã man của thực dân Pháp. Tại Bà Rịa -Vũng Tàu các cơ sở cách mạng không bị vỡ, tiếp tục duy trì hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng tháng Tám 1945. Vợ chồng ông bà Tám Nhung đã kịp thời bí mật liên lạc với Ban Việt Minh và binh vận ở Vũng Tàu. Hình thành bộ phận cốt cán trong cuộc vận động giành chính quyền 1945. Ngôi nhà của ông bà Hồ Thị Khuyên là nơi thành lập Ủy ban khởi nghĩa, quyết định giành chính quyền tại Vũng Tàu. Trong suốt thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) ông bà Hồ Thị Khuyên tiếp tục bí mật tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1962 trước sự khủng bố khắt khe của kẻ thù má Hồ thị Khuyên chuyển về hoạt động tại xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, má tham gia trong Hội mẹ chiến sĩ, trực tiếp đi đặt chông, gài mìn tiêu diệt địch …Năm 1968 giặc bình định xã Tân Điền, huyện Gò Công, Tiền Giang má Tám bị địch bắt và giam giữ 2 tháng. Trong trại má Tám bị chúng dùng đủ mọi cực hình tra tấn, té nước, tra điện vào đầu ngón chân, ngón tay… nhưng má kiên quyết không khai báo. Cuối cùng không có chứng cớ má Tám được trả tự do và trở về Vũng Tàu. Vào thời gian này địch ráo riết lập thêm nhiều đồn bót, kiểm soát gắt gao. Nhiều cơ sở cách mạng tại Vũng Tàu phải chuyển sâu vào Rừng Sác, sang Núi Dinh, Thị Vải… Để lãnh đạo phong trào cách mạng Thị ủy Vũng Tàu quyết định bám trụ các cơ sở. Nhà má Tám được giao nhiệm vụ bí mật nuôi dấu các cán bộ cách mạng. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho anh em hoạt động má Tám nghĩ ra cách trú ẩn độc đáo bằng cách xây một căn hầm bí mật tại ngôi nhà của gia đình. Đến thăm ngôi nhà và căn hầm bí mật của gia đình má Hồ Thị Khuyên chúng ta càng thêm tự hào về tinh thần yêu nước, tấm lòng nhân hậu, cao cả của một người mẹ Việt Nam anh hùng trọn đời hy sinh vì sự nghiệp giải phóng của dân tộc. Nguồn: Bảo Tàng Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Bà Rịa - Vũng Tàu 876 lượt xem
Khu di tích Láng Le Bàu Cò tọa lạc tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, Tp HCM. Láng Le Bàu Cò gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược vào năm 1948 với những trận đánh lớn đi vào lịch sử. Di tích Láng Le Bàu Cò được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố vào năm 2003. Sở dĩ được gọi tên là khu di tích Láng Le Bàu Cò vì Tên gọi của khu di tích Láng Le Bàu Cò là do người dân địa phương đặt ra. Xóm làng được thành lập cạnh những con kênh rạch chằng chịt và dòng sông. Láng Le Bàu Cò có vị trí nằm ở bên trong cánh đồng có diện tích rộng lớn và có rất nhiều tôm, cua, cá. Cùng với nhiều loài chim như vịt trời, cò, con le le, cúm núm, cồng cộc, đa đa, diệc, đỏ nách tới kiếm ăn tại đây. Vì vậy, người dân Tân Nhựt gọi với cái tên thân thuộc và mộc mạc đó là Láng Le Bàu Cò. Di tích Láng Le Bàu Cò được xem là cửa ngõ để di chuyển tới trung tâm căn cứ Vườn Thơm và tấn công cơ quan đầu não của quân địch tại Sài Gòn. Trước đây khu di tích Láng Le Bàu Cò vốn là cánh đồng lau sậy mọc um tùm. Vào ngày 15/4/1948 thực dân Pháp đưa 3 nghìn quân lính cùng nhiều vũ khí hiện đại đồng loạt tấn công khu vực Láng Le Bàu Cò nhằm tiêu diệt căn cứ Vườn Thơm. Khi đó lực lượng vũ trang cách mạng ở Láng Le - Bàu vì lực lượng nhỏ và vũ khí thô sơ tuy nhiên được sự giúp đỡ của người dân địa phương cùng với lợi thế về địa hình. Chỉ sau hơn nửa ngày đấu tranh đã chuyển sang tấn công khiến quân Pháp bị thương vong với số lượng lớn. Chiến thắng Láng Le Bàu Cò đã tiêu diệt 300 tên địch và bắt sống 30 lính đánh thuê cùng phá hủy nhiều máy móc, xe nhà binh, súng các loại của quân giặc. Tuy nhiên, về phía ta có nhiều cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh với tuổi đời còn rất trẻ. Ngày 14/10/1966 tại Láng Le tiểu đoàn biệt động quân Việt Nam Cộng Hòa bị dân quân du khách tiêu diệt. Khu di tích Láng Le Bàu Cò có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với người dân Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung. Trước lòng căm thù thực dân Pháp, quân dân Láng Le Bàu Cò đã có cuộc chiến vang lừng lịch sử và có ý nghĩa to lớn mở đầu cho phía ta và phía địch. Đối với phía ta trận đánh mở đầu cho sự anh dũng trong tư thế kháng chiến vững mạnh. Còn với quân địch đã phải lùi vào thế bỏ chiến lược và bị tiêu diệt. Thực dân Pháp không còn định hình được chiến lược đánh bại Việt Minh. Hơn thế, tại căn cứ Vườn Thơm, Láng Le Bàu Cò còn diễn ra trận chiến quyết tâm bảo vệ căn cứ của ta và đập tan mọi kế hoạch phá hoại của quân giặc. Khu di tích Láng Le Bàu Cò sau phong trào Đồng Khởi vào năm 1960 còn là hậu cần, bàn đạp của lực lượng vũ trang để giải phóng Long An - Sài Gòn - Gia Định. Để tưởng nhớ sự hy sinh của đồng bào và các chiến sĩ của ta, vào năm 1988 huyện Bình Chánh đã xây dựng công trình lịch sử tại vùng đất Láng Le Bàu Cò với diện tích rộng 1000m2. Nguồn: Báo thông tin điện tử TP Hồ Chí Minh
TP Hồ Chí Minh 3491 lượt xem
Di tích tòa Đại sứ Mỹ còn được gọi "Nhà trắng phương Đông" là nơi xuất phát các âm mưu thâm độc về quân sự lẫn chính trị nhằm thôn tính lâu dài đất nước Việt Nam, địa điểm di tích là tòa nhà 5 tầng xây dựng theo kiến trúc hiện đại, tọa lạc tại góc đường Mạc Đĩnh Chi - Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, trên một mảnh đất rộng gần 5.000m2. Trước đó, tòa đại sứ Mỹ nằm tại số 39 đường Hàm Nghi. Khoảng 10 giờ sáng ngày 30/3/1963, tòa đại sứ Mỹ trên đường Hàm Nghi đã bị đội Biệt động F21 đánh chất nổ làm sập 3 tầng lầu: 1, 2, 3 do đó Mỹ đã quyết định xây lại. Tòa nhà được khởi công xây dựng vào năm 1965, hầu hết vật liệu cũng như máy móc xây dựng đều được chở từ Mỹ sang, dưới sự điều khiển của kỹ sư người Mỹ. Theo thiết kế, tòa nhà bao bọc bởi 7.800 viên đá Taredo có khả năng chống đỡ mìn, đạn pháo. Cửa chính trang bị bằng thép dầy, những cửa khác chắn bởi lớp kín dầy đặc biệt chống đạn. Tất cả cửa sử dụng hệ thống tự động kể cả cửa sắt chắn lối lên các tầng lầu. Bên trong tòa nhà gồm 140 phòng với 200 nhân viên phục vụ ngày đêm ngoài ra bên cạnh tòa nhà còn được xây thêm một dãy nhà phụ gọi là khu "Norodom" dành riêng cho nhân viên C.I.A. Khi khánh thành, tòa nhà chỉ có 3 tầng. Cuối năm 1966 xây thêm 2 tầng và 1 sân thượng dùng làm nơi hạ cánh cho máy bay lên thẳng. Bao quanh tòa nhà là bức tường cao 3m, hai đầu tường sát đường Lê Duẩn xây 2 lô - cốt cao, canh gác ngày đêm. Tòa Đại sứ hoàn thành tháng 9/1967 với một hệ thống phòng thủ như là một pháo đài có 60 lính gác, một hầm tránh bom, một hệ thống màn hình ra-đa nhằm kiểm soát mặt tiền. Ngay sau khi tòa nhà hoàn tất, ngày 24/9/1967, hàng ngàn sinh viên, học sinh kéo đến trước cổng Đại sứ quán Mỹ đấu tranh đòi "Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc", "Mỹ cút về nước" và ra thông báo tố cáo Mỹ "chà đạp và vi phạm nghiêm trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam". Nhưng sự kiện nổi bật xảy ra tại Tòa Đại sứ Mỹ là trận đánh của Biệt động thành trong Tổng Tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Mục tiêu đánh Đại sứ quán Mỹ được bổ sung ngày 24/ 1/1968 do Ngô Thành Vân phụ trách chung. Đội Biệt động 11 nhận lãnh nhiệm vụ quan trọng này gồm đội trưởng Út Nhỏ (đội trưởng trinh sát quân khu) và các chiến sĩ: Bảy Truyền, Tước, Thanh, Chức, Trần Thế Ninh, Chính, Tài, Văn, Đực, Cao Hoài Vinh, Mang, Sáu và 2 lái xe: Trần Sĩ Hùng và Ngô Văn Thuận. Một sự kiện khác cũng không kém phần tủi nhục cho Toà Đại sứ Mỹ là cảnh hỗn loạn tháo chạy xảy ra trong 2 ngày 29 và 30/04/1975 của Mỹ và đồng bọn. Trước sức tấn công thần tốc của quân và dân Việt Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trên 1.000 người Mỹ và hơn 5.000 người Việt thân Mỹ đã chen lấn, xô đẩy, đạp nhau để tranh giành một chỗ trên sân thượng của toà nhà hòng được trực thăng cứu thoát. Di tích này đã được cấp bằng công nhận của Bộ Văn hoá ngày 25/6/1976. Hiện nay, toà nhà Đại Sứ Mỹ đã bị phá bỏ, xây mới thành lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cạnh đó một bia tưởng niệm ghi nhớ mãi chiến công của các chiến sĩ biệt động đã hy sinh trong trận đánh. Nguồn: Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh
TP Hồ Chí Minh 3040 lượt xem
Nhà lao Tân Hiệp còn có tên là "Trung tâm cải huấn Tân Hiệp" tọa lạc ở khu phố 6, phường Tân Tiến, TP Biên Hòa. Di tích Nhà lao Tân Hiệp đã được Bộ Văn Hoá Thể Thao xếp hạng là di tích cấp quốc gia ngày 15-1-1994. Nhà lao Tân Hiệp là một trong sáu nhà tù lớn nhất miền Nam Việt Nam và là nhà tù lớn nhất vùng Đông Nam bộ, được xây dựng ở vị trí quân sự quan trọng, án ngữ phía đông bắc thị xã Biên Hòa. Phía trước là quốc lộ 1; phía sau là đường xe lửa Bắc - Nam. Đây là vị trí biệt lập, thuận tiện trong giao thông, dễ dàng cho việc bảo vệ, canh gác, nhận tù từ nơi khác đến và chuyển tù đi Côn Đảo, Phú Quốc... Nhà lao Tân Hiệp có diện tích 46.520m2 với 8 trại giam, trong đó có 5 trại giam những người tù cộng sản, người yêu nước. Xung quanh nhà tù được bao bọc bởi 4 lớp kẽm gai bùng nhùng với 9 lô cốt, 3 tháp canh cùng đội lính bảo vệ và hệ thống báo động tối tân. Mang tên "Trung tâm cải huấn" nhưng thực chất bên trong là kho súng, phòng xét hỏi, tra tấn với những dụng cụ hiện đại bậc nhất. Mỗi trại giam chỉ có diện tích gần 200m2 nhưng giam giữ từ 300-400 người, có lúc lên đến cả ngàn người. Đặc biệt ở đây có các phòng "cải hối", "chuồng cọp" rất nhỏ hẹp và điều kiện sinh hoạt cực kỳ khắc nghiệt, tù nhân sống chẳng khác gì trong lò thiêu xác. Chế độ ăn uống cực kỳ mất vệ sinh, bọn cai ngục mua gạo mục, cá thối dùng để bón ruộng, chiên bằng dầu luyn cho tù nhân ăn dẫn đến nhiều người bị ngộ độc. Với quyết tâm thoát khỏi nhà tù đế quốc, trở về với Đảng, với nhân dân để tiếp tục chiến đấu, giải phóng dân tộc, ngày 2-12-1956, được sự nhất trí của Liên Tỉnh ủy miền Đông, những chiến sĩ cộng sản bị "câu lưu" trong nhà lao Tân Hiệp dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Trọng Tâm (Bảy Tâm) - phụ trách Đảng ủy nhà tù và một số đồng chí khác đã bất thần làm một cuộc phá xiềng tập thể giải thoát gần 500 đồng chí, đồng bào yêu nước. Sự kiện này đã làm xôn xao cả Lầu Năm Góc. Mỹ - Diệm vội vã huy động cả quân chủ lực lẫn bảo an, dân vệ đang trấn thủ 3 tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một và hai biệt đoàn biệt động quân đến bủa lưới bao vây, truy bắt đoàn tù nhưng đều thất bại. Các đồng chí, đồng bào của ta thoát khỏi nhà lao Tân Hiệp đã được sự giúp đỡ, che chở của các cơ sở địa phương, trở về căn cứ an toàn. Trong số tù nhân vượt ngục có các đồng chí: Bảy Tâm, Hai Thông, Lý Văn Sâm... đã trở thành những hạt nhân nòng cốt cho phong trào Đồng Khởi sau này. Năm 2001, để tái hiện phần nào tội ác của Mỹ - Diệm đối với các đồng chí, đồng bào ta bị giam cầm tại nhà lao Tân Hiệp và diễn tả lại toàn bộ cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp ngày 2-12-1956, Bảo tàng Đồng Nai đã tiến hành sưu tầm hình ảnh, tài liệu, hiện vật trưng bày tại di tích và làm một sa bàn để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tham quan của mọi tầng lớp nhân dân. Hàng ngày, di tích luôn mở cửa đón khách tham quan. Nguồn: Báo Đồng Nai Điện Tử
Đồng Nai 2475 lượt xem
Di tích Lịch sử-Văn hóa Tháp Chót Mạt, tọa lạc ấp Xóm Tháp, xã Tân Phong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa ngày 23 tháng 7 năm 1993. Đồng thời là một trong ba công trình tháp cổ cuối cùng còn lại ở miền Nam nước ta. Trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1938, 2003 và gần đây nhất là vào năm 2013. Mặc dù trải qua các đợt trùng tu tôn tạo, nhưng khu di tích tháp cổ Chót Mạt đã mang cho mình một diện mạo mới nhưng vẫn giữ nguyên được tinh thần kiến trúc cổ. Toàn bộ tòa Tháp được xây dựng bằng gạch và đá phiến với phần đỉnh tháp nhọn dần lên, từ mặt đất lên nơi cao nhất của đỉnh tháp được ước tính là 10m. Ngoài ra, ngọn tháp cổ này nằm trên gò đất cao giữa cánh đồng nên nhìn từ xa nó tựa như ngọn bút đang vươn lên cao dần. Năm 2003 Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh quyết định phê duyệt dự án đầu tư trùng tu tôn tạo bảo tồn di tích tháp Chót Mạt và được tiến hành triển khai trùng tu tôn tạo phục hồi, trưng bày mở hố khai quật năm 2003 đưa vào sử dụng. Ngày 27/11/2019 UBND tỉnh ban hành Quyết định Quy định về phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Quyết định giao UBND huyện Tân Biên trực tiếp quản lý 4 di tích, trong đó có di tích cấp Quốc gia di tích Lịch sử- văn Hóa Tháp Chót Mạt. Đặc biệt Di tích Lịch sử-Văn hóa Tháp Chót Mạt trên địa bàn xã Tân Phong, huyện Tân Biên được chọn nằm trong chũi liên kết phát triển du lịch của Tỉnh Tây Ninh. Đây là một địa điểm tham quan rất đáng để khám phá, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn xã Tân Phong nói riêng và huyện Tân Biên nói chung. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
Tây Ninh 2439 lượt xem
Đền Bắc Cung (tên gọi nôm là đền Thính) thuộc xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc là một trong bốn cung đền lớn ở quanh vùng núi Ba Vì và châu thổ sông Hồng thờ đức thánh Tản Viên. Các đền: Tây cung, Nam cung, Đông cung ở bên kia sông Hồng thuộc địa phận Sơn Tây, đây là bốn cung đền được nhân dân xây dựng và bảo tồn tương đối cẩn thận. Đền tọa lạc giữa cánh đồng màu mỡ trên khu đất rộng 10.000m2 tựa mình bên những con kênh uốn lượn, bao quanh là làng mạc trù phú, dân cư đông đúc. Hai bên tả mạc, hữu mạc đứng uy nghi và trầm mặc bao lấy khu sân gạch rộng lớn, trông lên một công trình kiến trúc độc đáo. Đền Thính được khởi dựng cách đây 20 thế kỷ trên nền một ngôi miếu nhỏ thờ đức thánh Tản, nơi trước đó ông đã cho quân nghỉ lại trong một lần vi hành giúp dân khai điền trị thủy. Thần phả truyền lại rằng: Đức thánh Tản (tục vẫn gọi là Sơn Tinh) húy là Nguyễn Tuấn, sinh ngày 15 tháng Giêng năm Đinh Hợi tại động Lăng Xương, xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Người mồ côi cha từ nhỏ, ở với mẹ và hai anh em họ là Nhuyễn Hiển, Nguyễn Sùng. Hàng ngày, ba anh em vượt sông Đà, sang vùng núi Ba Vì phát rẫy làm nương, tìm kế sinh nhai. Nơi đây, Nguyễn Tuấn đã gặp bà chúa Thượng ngàn, được bà nhận làm con nuôi và ban cho chiếc gậy đầu tử đầu sinh cùng nhiều phép thuật để cứu nhân độ thế. Sau khi chiến thắng Thủy tinh và cưới được công chúa Ngọc Hoa, Người đã từ chối ngôi báu mà Vua Hùng muốn trao, cùng hai em du ngoạn khắp nơi, giúp dân khai điền, trị thủy và được nhân dân nơi nơi tôn kính. Khi đi ngang qua vùng Tam Hồng, Người đã cho quân nghỉ chân, dạy dân trồng lúa, đánh cá…Sau khi ông đi, dân làng kéo tới nơi Đức Thánh nghỉ chân và thấy ở đó còn sót lại một số gói thính nên sau này, đền có tên gọi là đền Thính. Cũng có sự tích lại kể rằng: khi cho quân nghỉ lại nơi đây, đức Thánh Tản đã dậy dân làm thịt Thính nên dân gian mới gọi tên đền như vậy. Từ một ngôi miếu nhỏ, đến đời vua Lý Thần Tông (1072-1128) miếu được xây lại thành đền lớn. Đây là nơi vua đến cầu thọ. Đời Vua Minh Mạng (1820-1840) đền lại được tu sửa nhiều lần. Đến đời vua Thành Thái, Tri huyện Yên Lạc cử bần tăng Thanh Ất trùng tu lại đền, công trình kéo dài đến đời Khải Định thứ 6 mới xong (1900-1921). Trải qua bao thăng trầm, đền tiếp tục được nhân dân địa phương gìn giữ và bảo tồn. Ngày 21/1/1992 đền được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá. Hàng năm, lễ hội đền Thính được mở từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến hết ngày 20 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội gồm phần lễ tế, rước kiệu của các làng trong và ngoài xã cùng rất nhiều trò chơi dân gian sẽ được tổ chức. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc
Vĩnh Phúc 2353 lượt xem
Thời kỳ nhà Mạc đóng đô ở Cao Bằng, để phòng bị quân nhà Lê tiến đánh, nhà Mạc đã tu bổ, sửa chữa thành Na Lữ (nay thuộc xã Hoàng Tung, Hòa An) và thành Bản Phủ (nay thuộc xã Hưng Đạo), thành Phục Hòa, ngoài ra còn xây dựng nhiều thành lũy khác ở Cao Bằng, làm cho Cao Bằng trở thành một trung tâm chính trị và quân sự ở vùng biên viễn Đông Bắc thời bấy giờ. Thành Na Lữ và thành Phục Hoà là hai thành được xây dựng từ trước. Theo ghi chép của Bế Hựu Cung trong Cao Bằng thực lục, thành Na Lữ và thành Phục Hòa mở đầu từ đời Đường Ý Tông năm Giáp Thân, niên hiệu Hàm Thông thứ 5 (874). Căn cứ vào sự hiện diện của nhiều ngôi mộ cổ có đá khắc ghi bia mộ tên, địa chỉ, quê quán những người phu dịch xây thành chết ở đây từ thời Hàm Thông có thể khẳng định hai thành này xây từ đời Đường. Thành Na Lữ được xây qua nhiều triều đại khác nhau. Khi nhà Mạc lên Cao Bằng đã cho xây lại bằng gạch. Thành Na Lữ có hình gần chữ nhật, có tổng diện tích khoảng 37,5 ha, chiều dài khoảng 800 m, chiều rộng khoảng 600 m, thành có 4 cửa. Thành Bản Phủ tại kinh đô Nam Bình, nước Nam Cương của Thục Phán khi xưa ở Cao Bình (Cao Bằng), nhà Mạc đã tu bổ thành Vương phủ tại vòng trong của kinh đô cũ Nam Bình và được gọi là thành Bản Phủ hay Vương phủ. Tại kinh đô Nam Bình xưa của nước Nam Cương và của nhà Mạc, thành Bản Phủ vẫn còn dấu tích khá rõ nét. Kinh đô Nam Bình gồm có hai vòng thành, để bảo vệ kinh thành, vòng ngoài có chu vi khoảng 5 km, gồm cả một vùng gò đồi thấp, quanh chân đồi được bạt dựng đứng như một bức tường thành, thuận lợi cho việc xây dựng phòng tuyến bảo vệ. Bờ thành phía Tây chạy song song với bờ sông Bằng đến đầu làng Bó Mạ, nối bờ thành Đông Nam chảy qua trước mặt Bản Phủ theo chân đồi ra gặp quốc lộ 4, phía Đông Bắc chạy theo chân đồi sát phía ngoài quốc lộ 4, lên đến Đầu gò là phía Tây Bắc tiếp tục chạy theo chân đồi, ra đến bờ sông gặp bờ thành phía Tây tạo thành một vòng thành khép kín. Khi nhà Mạc lên đóng đô đã tu sửa lại và xây dựng thêm một số công trình, trong đó thành Bản Phủ (thành nội - nơi của vua làm việc) được xây lên cao hơn trên các tường thành cũ từ thời kỳ Thục Phán, thành nằm trên một khu đất bằng phẳng. Cùng với việc xây dựng lại kinh thành, nhà Mạc còn xây dựng một hệ thống đồn bốt, thành lũy khá dày xung quanh kinh đô và một số điểm biên giới quan trọng, tạo thành một hệ thống bảo vệ kinh thành và bảo vệ biên giới. Thành Phục Hòa (huyện Phục Hoà) được xây theo kiểu hình vuông, mỗi chiều khoảng 400 m, gồm hai vòng thành, khoảng cách giữa hai vòng là 80 m. Hiện nay, tường thành phía Nam đã bị phá huỷ hoàn toàn. Thành Phục Hòa có 2 cổng chính: Cổng phía Bắc được mở thông ra quốc lộ đi Cửa khẩu Tà Lùng ngày nay, nhân dân thường gọi là Pác Cổng, cổng này được xây theo kiểu hình chữ nhật, rộng 8 m, cao 5 m, gồm hai cánh cổng làm bằng gỗ nghiến dày rất chắc chắn; cổng thứ hai ở phía Nam, mở thông ra bờ sông. Cả hai cổng đều bị san phẳng từ lâu, hiện nay không còn vết tích. Gần thành, tại phía Tây Bắc ngoại thành dọc bờ sông còn có nhiều vết tích lò nung gạch, nhân dân cho biết trong quá trình lao động, khai phá đã tìm thấy ở khu vực này nhiều lò gạch còn nguyên vẹn. Qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy, tại Cao Bằng, nhà Mạc đã tu bổ, tôn tạo và xây dựng thêm nhiều thành, đồn luỹ, trong đó tu bổ, tôn tạo xây lại thành Bản Phủ, thành Na Lữ, thành Phục Hoà. Các đồn luỹ này đã tạo thành một hệ thống liên hoàn bảo vệ kinh thành khá vững chắc. Đến nay, những thành cổ nhà Mạc xây dựng thời kỳ đóng đô ở Cao Bằng, một số thành xây dựng bằng đất chỉ còn vết tích, nhưng các thành được xây bằng đá vẫn còn rất rõ. Nguồn: Báo Cao Bằng điện tử
Cao Bằng 2241 lượt xem
Văn miếu Diên Khánh tọa lạc tại khóm Phú Lộc Tây, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Văn miếu là nơi thờ Đức Khổng Tử, người sáng lập Nho Giáo và những bậc hiền triết là học trò của Ngài; đồng thời cũng là nơi sinh hoạt của giới nho sĩ, khoa mục ở địa phương, tôn vinh những người đỗ đạt thành danh trong các kỳ khoa bảng. Năm 1803, vua Gia Long ra chỉ dụ lập Văn Miếu tại xã Phú Lộc, huyện Hoà Châu - thị trấn Bình Hoà, nay thuộc khóm Phú Lộc Tây - thị trấn Diên Khánh - tỉnh Khánh Hoà. Văn Miếu được xây dựng với quy mô lớn từ năm 1853 và đến năm sau thì cơ bản hoàn thành: phía trước có nhà bi đình, chính giữa có tòa tiền đường và chánh đường cao rộng, làm bằng gỗ xây tường gạch bao, các cột kèo được chạm trổ sơn son thếp vàng đẹp đẽ, uy nghiêm. Văn miếu Diên Khánh được xây trên một khu đất rộng, bằng phẳng, với tổng diện tích 1.500m2. Khi khởi dựng, Văn miếu có các công trình kiến trúc: miếu Chính và miếu Khải Thánh, được lợp bằng cỏ tranh. Năm 1849, Văn miếu được tu bổ hệ mái, thay mái tranh bằng mái ngói và dựng thêm Tả vu, Hữu vu, Khải miếu, Quan cư, Từ miếu… với quy mô rất bề thế, vững chắc. Năm 1959, Văn miếu được xây dựng lại trên nền cũ ở thôn Phú Lộc, nhưng quy mô nhỏ hơn, bao gồm: Nghi môn ngoại và tường thành; Nghi môn nội ; nhà bia (Thạch Bi đình); sân miếu; cột cờ; nhà Đông, nhà Tây (Tả Vu – Hữu Vu); Bái đường; Chánh tẩm. Về cơ bản kết cấu gian Chánh tẩm và Bái đường đưa từ Văn chỉ Phước Điền chuyển về, xây dựng thêm Tả vu, Hữu vu theo kiểu nhà cấp bốn ba gian. Tường vách xây bằng gạch thẻ, không có chái. Mái lợp ngói âm dương, sau này trùng tu thay bằng ngói Tây; hệ cửa gỗ đóng theo kiểu ván bưng, thay kiểu thượng song hạ bản cổ xưa; không phục dựng lại Khải miếu, Quan cư và Từ miếu. Hiện tại, Văn Miếu chỉ còn giữ được 2 tấm bia đá thời Tự Đức 11 (1858) giúp ta hiểu biết hơn về lịch sử, văn hoá, sinh hoạt của nhân dân Khánh Hoà và quá trình hoàn thiện khu Văn Miếu năm 1854. Ngoài ra còn có một Bài minh ở Bái Đường nói rõ hơn về sự đỗ đạt của các vị văn võ, khoa bảng, hào mục, chức sắc và các học sinh địa phương từ đầu triều Nguyễn đến thời Tự Đức. Với bề dày lịch sử, khu Văn Miếu mang giá trị to lớn về quá trình học tập, tiếp nhận tri thức và biểu hiện sự tôn sư trọng đạo, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hoá dân tộc. Di tích Văn miếu Diên Khánh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia ngày 15/10/1998. Nguồn: Sở văn hoá thể thao tỉnh Khánh Hoà
Khánh Hòa 2125 lượt xem
Mai Xuân Thưởng là người lãnh đạo phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX ở Bình Định. Mai Xuân Thưởng sinh năm Canh Thân 1860, mất năm Đinh Hợi 1887 người thôn Phú Lạc, tổng Phú phong, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định (nay là thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Cha là Mai Xuân Tín làm Bố chánh ở Cao Bằng, mẹ là Huỳnh Thị Nguyệt con của một nhà quyền quý trong làng. Mai Xuân Thưởng vốn là người thông minh, ham học. Năm 18 tuổi (1878) ông đỗ Tú tài tại Trường thi Bình Định. năm 25 tuổi (1885) thi đỗ cử nhân. Hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi, Mai Xuân Thưởng về quê Phú Lạc, chiêu mộ nghĩa binh, lập căn cứ ở hòn Sưng dựng cờ cần vương chống Pháp, sau đó Mai Xuân Thưởng đã đem lực lượng của mình gia nhập vào nghĩa quân do Đào Doãn Địch lãnh đạo và được Đào Doãn Địch phong giữ chức Tán lương quân vụ (phụ trách về lương thực của nghĩa quân). Kể từ đó cho đến năm 1887, phong trào cần vương ở Bình Định phát triển mạnh mẽ và lan ra đến Quảng Ngãi, Phú Yên...thu hút hàng chục ngàn người thuộc mọi tầng lớp tham gia. Ngày 20/9/1885 Đào Doãn Địch mất, giao toàn bộ lực lượng cho Mai Xuân Thưởng. Ông chọn vùng núi Lộc Đổng (nay thuộc xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) làm đại bản doanh và tổ chức lễ tế cờ , truyền hịch kêu gọi sỹ phu, văn thân, nhân dân tham gia phong trào cần Vương chống Pháp. Trong buổi lễ ấy, nghĩa quân nhiều vùng trong tỉnh Bình Định đã nhất trí suy tôn ông làm Nguyên soái lãnh đạo cuộc khởi nghĩa và nêu cao khẩu hiệu: “Tiền sát tả, hậu đả Tây”. Đầu năm 1887, quân Pháp dưới sự chỉ huy của Trung tá Cherrean và quân triều đình do Trần Bá Lộc chỉ huy cùng với Công sứ Trira đã mở cuộc tấn công lớn lên căn cứ đại bản doanh của phong trào Cần Vương Bình Định, trận giao chiến giữa lực lượng nghĩa quân với giặc Pháp diễn ra vô cùng ác liệt, cuộc chiến đấu không cân sức, cuối cùng lực lượng khởi nghĩa bị đẩy lùi. Tháng 3 năm 1887, sau trận ác chiến ở Bàu Sấu (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), Mai Xuân Thưởng bị thương nặng, nghĩa quân rút về Mật khu Linh Ðổng. Ngày 21 tháng 4 năm 1887, Trần Bá Lộc bao vây đánh chiếm căn cứ mật khu Linh Đổng và bắt được một số nghĩa quân, trong đó có thân mẫu Mai Nguyên Soái. Đêm 30 tháng 4 năm 1887, Mai Xuân Thưởng đã cử một đội quân cảm tử đột nhập doanh trại Trần Bá Lộc, giải vây cho những người bị bắt, ông cùng đoàn thuộc hạ gồm 50 người vượt núi vào Phú Yên, tiếp tục kháng chiến, nhưng khi đến đèo Phú Quý (ranh giới giữa Bình Định và Phú Yên) thị bị phục binh Trần Bá Lộc bắt và đưa ra xử trảm tại Gò Chàm (Phía đông Thành Bình Định). Di tích Lăng mộ nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng tọa lạc trên ngọn đồi cao của dãy núi Ngang (thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cách thành phố Quy Nhơn khoảng 50km về hướng Tây Bắc; Lăng mộ được xây dựng trên khu đất rộng 1988m2, khánh thành ngày 22 tháng 1 năm 1961.Về tổng thể, Lăng được thiết kế theo kiểu lăng mộ cổ, xung quanh có thành thấp bao bọc. Cổng Lăng (tam quan) là 4 trụ vuông, phía trên thắt lại theo kiểu bầu lọ mang dáng dấp kiến trúc cổng đình, miếu cuối thế kỷ XIX. Giữa nhà Lăng là mộ phần Mai Xuân Thưởng hình khối chữ nhật theo hướng Đông - Tây; Phía đầu mộ dựng tấm Bia đá khắc bài ký ghi tiểu sử và sự nghiệp của Mai Xuân Thưởng: Di tích được Bộ Văn hóa Thông tin quyết định xếp hạng cấp Quốc Gia ngày 20 tháng 4 năm 1995. Nguồn: UBND Huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định
Bình Định 2117 lượt xem
Dinh Quận Hóc Môn tọa lạc tại số 1, đường Lý Nam Đế, thị trấn Hóc Môn, (cạnh trụ sở UBND huyện) là nơi để lại nhiều sự kiện đấu tranh nổi bật suốt chặng đường dài lịch sử từ 1885 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng của Nhân dân 18 Thôn vườn trầu. Sau khi hạ được Đại đồn Chí Hòa, thực dân Pháp xây dựng tại nơi đây một ngôi nhà gỗ cao 3 tầng dùng làm Đồn binh. Khi tên Trần Tử Ca về nhậm chức Đốc Phủ, dùng Đồn làm Dinh huyện Bình Long. Vốn là một tay say quỷ quyệt của thực dân Pháp, Trần Tử Ca bị nhóm do các ông Phan Văn Hớn (Quản Hớn) và Nguyễn Văn Quá (Chánh Lãnh Binh) cầm đầu gần 1.000 nghĩa quân tiến về đốt Dinh Quận, bắt và cắt đầu bêu giữa chợ. Đó là ngày 8/2/1885 Tết Ất Dậu. Sau đó, Dinh Quận Hóc Môn được xây dựng lại với nền móng đá xanh, tường gạch, có hệ thống phòng thủ từ lầu cao đến tận vòng rào. Lối kiến trúc y như Đồn binh nên người địa phương gọi là Đồn Hóc Môn. Trấn nhậm thay Trần Tử Ca là Đốc phủ Ngôn, đến Quận Trà rồi Quận Thọ. Đây là khoảng thời gian dài người dân vùng Hóc Môn hứng chịu bao cảnh tham tàn, bỉ ổi của thực dân Pháp và bọn tay sai đầu sỏ kể trên. Với truyền thống kiên cường bất khuất của Nhân dân Hóc Môn. Ngày 4/6/1930, khoảng 6 giờ sáng trước Dinh Quận, hàng trăm bà con Hóc Môn kéo biểu tình đòi “bãi bỏ thuế thân, giảm các thuế môn bài và thuế chợ, cấp đất cho dân cày nghèo”. Quận Trà cho mời những người cầm đầu vào Dinh thương lượng, nhưng chúng xảo quyệt bắt giữ họ trong đó có ông Lê Văn Uôi (Bí thư xã Tân Thới Nhì), là người cầm đầu cuộc biểu tình. Mọi người không nao núng, quyết liệt đòi hỏi Quận Trà phải thả những người bị cầm giữ. Đoàn biểu tình càng lúc càng đông, khí thế đấu tranh có phần lan rộng, khiến Quận Trà nhượng bộ. Một mặt chúng thả những người bị giữ, mặc khác chúng gọi điện cho quan thầy ở Sài Gòn cứu viện. 2 giờ sau, cuộc đấu tranh bị 2 tên Blachôlê và Nobbot chỉ huy bắn xối xả vào đoàn biểu tình, gây thương vong nhiều người. Nhưng sự kiện lịch sử gây ấn tượng nhất tại Dinh Quận Hóc Môn là cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23/11/1940. Đồn Hóc Môn rất kiên cố, xây bằng đá xanh như là một pháo đài, cao khoảng 15 thước, có ụ súng và hệ thống phòng thủ lỗ châu mai do một trung đội lính khố xanh trấn giữ. Ngày 22/11/1940, Pháp tăng cường thêm 1 trung đội để đối phó với tình hình. Chiều 22/11/1940, cánh quân của ông Đỗ Văn Cội đột nhập vào thị trấn, giả dạng thường dân, phục kích sau lưng Đồn chờ lệnh cướp Đồn. Một cánh quân khác có nhiệm vụ phá cầu, đốn cây ngăn lộ, đánh chiếm các công sở, nhà việc... Cánh quân từ Phước Vĩnh An, Tân Thông, Tân An Hội, Tân Phú Trung do ông Phạm Văn Sáng và Đặng Công Bỉnh chỉ huy, xuất phát từ ấp Bến Đò, đánh chiếm nhà việc, diệt 1 tên, thu 4 súng, làm chủ tình hình tại đây (Tân Phú trung). Liền đó cánh quân này được lệnh kéo về Hóc Môn. Cánh quân Long Tuy Thượng do ông Bùi Văn Hoạt chỉ huy. Cánh quân thuộc Tổng Long Tuy Trung do ông Đỗ Văn Dậy và Lê Bình Đẳng chỉ huy. Khoảng 24 giờ đêm ngày 22/11/1940, vẫn chưa nghe thấy tiếng pháo lệnh ở Sài Gòn. Sau khi hội ý, các vị chỉ huy những cánh quân thống nhất tấn công Đồn giặc. Lập tức các cánh quân tiến thẳng về Đồn Hóc Môn, nơi trú ngụ của tên Quận trưởng Bùi Ngọc Thọ. 2 nghĩa quân tên Nghé và Kinh xung phong vào cổng trước, hy sinh. Nghĩa quân bốn phía xông vào Đồn như nước vỡ bờ. Trước sức mạnh của nghĩa quân và quần chúng, bọn lính trong Đồn không còn tinh thần kháng cự, bỏ chạy tán loạn. Nghĩa quân chiếm lĩnh hoàn toàn bên trong Đồn nhưng trên lầu, địch vẫn ngoan cố dùng súng bắn tẻ, cùng lúc gọi điện về Sài Gòn, Thủ Dầu Một cấp cứu. Vì nóng lòng bắt cho được tên Quận Thọ nên đồng chí Đỗ Văn Dậy bám ống máng nước để leo lên tầng trên Đồn. Đến lưng chừng bị trúng đạn, đồng chí bị rơi xuống và hy sinh sau đó. Cuộc chiến đấu đang thế giằng co thì viện binh địch đến. Không thể cầm cự, nghĩa quân rút khỏi thị trấn, phân tán về các làng, lực lượng vũ trang rút về ấp Bến Đò (Tân Phú Trung) rồi di chuyển sang ấp Mỹ Hạnh (Đức Hòa). Cuộc tiến công Đồn Hóc Môn (sau gọi là Dinh Quận Hóc Môn) tuy thất bại nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người dân sự khâm phục lòng dũng cảm của các chiến sĩ cách mạng trong cuộc chiến đấu chống thực dân cướp nước. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 7 giờ sáng ngày 30/4/1975, thị trấn Hóc Môn hoàn toàn được giải phóng, lá cờ Tổ quốc phất phới bay trên Dinh Quận, nơi tên Quận trưởng Nguyễn Như Sang và bọn tay sai đã chạy trốn từ tối đêm trước. Ngày nay Dinh Quận Hóc Môn được chọn làm Bảo tàng huyện, nơi đây tập trung nhiều tư liệu trưng bày, minh họa các giai đoạn lịch sử thăng trầm cũng như khí thế đấu tranh cách mạng của quân và dân trong huyện Hóc Môn qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Một Tượng đài đặt trước di tích Dinh Quận Hóc Môn thể hiện gương hy sinh bất khuất của quân và dân 18 Thôn Vườn trầu, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Nguồn: Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn
TP Hồ Chí Minh 2082 lượt xem
Đền Hang tại chân dãy núi Voi, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng từ xa xưa đã là nơi thờ Nữ tướng Lê Chân – người đã có công cùng bà con trong vùng khai phá lập nên làng An Biên trong thời kỳ Đông Hán. Sau khi từ bỏ quê hương Quảng Ninh để tránh sự truy bức nạp làm tì thiếp của thái thú Tô Định. Lê Chân đã đặt chân đến vùng đất Hải An, Hải Phòng, chiêu mộ binh sỹ cùng họ khai khẩn cấy trồng, dựng thành một ấp đặt tên là trang An Biên (nội thành ngày nay). Chí lớn không dừng ở đó, bất bình vì tội ác do quân thù gây ra khiến đời sống của nhân dân lầm than, khổ cực, Lê Chân đã âm thầm chuẩn bị lực lượng, chờ ngày nổi dậy. Bà đã đến khu vực Núi Voi ngày nay, chiêu tập binh sỹ, tích cực luyện tập, tích trữ lương thảo, lợi dụng địa thế hiểm trở của núi rừng để che mắt giặc. Sau đó, nhận được tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa, từ vùng núi rừng An Lão, Lê Chân đã liên lạc và chính thức đem đội quân của mình tham gia khởi nghĩa. Do có địa thế thành luỹ tốt, cùng với tài chỉ huy của vị nữ tướng tài ba, căn cứ Núi Voi đã nhanh chóng phát triển lực lượng, trong thời gian ngắn trở thành căn cứ quan trọng của khu vực Đông Bắc. Trong khoảng thời gian đó, vùng lân cận cũng có nhiều đội nghĩa binh, tiêu biểu như nghĩa quân của bà Trần Thị Trinh và con trai Ngũ Đạo ở Đại Điền, Tổng Thượng Câu huyện An Lão, (cách Núi Voi 6km), nghe tin danh thế của Lê Chân đã liên hệ với căn cứ Núi Voi và trở thành một bộ tướng dưới quyền bà. Mặc dù sau này cuộc khởi nghĩa thất bại, nữ tướng Lê Chân phải tự vẫn để bảo toàn danh tiết tại vùng rừng núi Lạt Sơn - Hà Nam song nhân dân An Lão vẫn ghi nhớ công trạng và ân đức của bà nên sau khi nghe tin nữ tướng hy sinh, người dân trong vùng đã đưa Bà vào phối thờ trong chùa Hang. Vì thế chùa Hang còn có tên gọi khác là Đền Hang - điều đó thể hiện một sự kết hợp tuyệt vời giữa tôn giáo đạo Phật với tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc. Trong đền còn lưu giữ sắc phong của vua Thành Thái phong nữ tướng là “Hoàng Bà long hội Đại vương trung đẳng thần”. Trên cơ sở đền Hang cũ, năm 2011 chính phủ đã cho phục dựng ngôi đền mới tưởng niệm Nữ tướng. Đền thờ Nữ tướng Lê Chân tọa lạc trong khu vực đền Hang, nơi xưa kia thờ Phật, Tam tòa Thánh Mẫu, Đức Ông và Thánh Chân công chúa thuộc địa bàn xã An Tiến, huyện An Lão, trên một khuôn viên khép kín rộng hơn 4000m2. Đền chính có cấu trúc hình chữ Đinh với diện tích 190m2 gồm năm gian tiền tế và một gian hậu cung. Mặt trước của đền quay về hướng Nam nhìn thẳng ra Quốc lộ số 10, xa hơn là đồi núi nhấp nhô, mặt sau dựa vách núi tạo thế bền vững. Ngôi đền được bao bọc bởi tường thành. Nghi môn là 4 cột trụ lớn, 2 cột trung tâm cao trên đỉnh là tử phụng đồng quy, 2 cột 2 bên thấp hơn một chút trên đỉnh là 2 con kì lân hướng vào trung tâm. Mặt ngoài tường nghi môn đắp nổi bạch mã bên trái, đại tượng bên phải. Công trình tu bổ, tôn tạo đền thờ Nữ tướng Lê Chân được hoàn thành và đưa vào sử dụng không chỉ đáp ứng nhu cầu thăm viếng của nhân dân và du khách đồng thời góp phần gìn giữ những giá trị của di tích cho các thế hệ sau. Nguồn: Thành đoàn Hải Phòng
Hải Phòng 2060 lượt xem