Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Bến Tre

Đền thờ và mộ Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Di tích Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu, thuộc địa bàn xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, là nơi thờ và an táng nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, cùng vợ là Lê Thị Điền và con gái là Nguyễn Thị Ngọc Khuê (Sương Nguyệt Anh). Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) là đại diện tiêu biểu cho lớp sĩ phu yêu nước dùng văn thơ làm phương tiện đấu tranh với thực dân Pháp xâm lược bằng tư tưởng. Hầu hết tác phẩm văn, thơ của ông đều viết bằng chữ Nôm, vừa thể hiện tính chiến đấu bền bỉ, vừa mang nặng nỗi lòng về vận mệnh dân tộc và tình yêu thương con người. Nguyễn Đình Chiểu đóng một vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng không thể làm như Trương Định đem quân đồn điền kháng chiến, như Trần Thiện Chánh chiêu mộ quân nghĩa dũng chống xâm lăng, như Nguyễn Thông tòng quân đánh giặc..., Ông chiến đấu bằng ngòi bút, hòa mình trong cuộc chiến đấu của nhân dân và trở thành người phát ngôn của phong trào yêu nước chống Pháp. Ông là nhà thơ Việt Nam đầu tiên nói đến chiến tranh nhân dân, đề cao vai trò người nông dân, trong các cuộc khởi nghĩa chống Pháp với ý thức về nhiệm vụ và quyền lợi của mình, họ cần chiến đấu để bảo vệ “tấc đất ngọn rau, bát cơm manh áo” của chính mình, bảo vệ chủ quyền đất nước thiêng liêng. Trong những tác phẩm nổi tiếng như “Lục Vân Tiên”,“Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, “Lục tích sĩ dân trận vong”.., ông ca ngợi tinh thần nghĩa khí và những tấm gương chiến đấu anh hùng của những nghĩa sĩ nông dân. Đối với các lãnh tụ nghĩa quân như Trương Định, Phan Ngọc Tòng,... Nguyễn Đình Chiểu đã dành những lời thơ biểu đạt nghệ thuật, tính trữ tình và anh hùng ca. Ông đã thấy được mối quan hệ giữa lãnh tụ nghĩa quân với quần chúng nhân dân, tình thương của nghĩa quân đối với lãnh tụ cũng như lòng ưu ái của lãnh tụ với nghĩa quân. Đó là quan niệm mới về anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu, rất khác với các quan niệm phong kiến về trung quân ái quốc trước đó. Di tích Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu có tổng diện tích là 14.187,9m2, bao gồm các hạng mục chính: nhà bia, đền thờ mới, đền thờ cũ, khu mộ. - Nhà bia: được xây dựng năm 2000 - 2002 bằng bê tông cốt thép, cao 12m có hai tầng mái dán ngói, nền lát gạch men. - Đền thờ mới: được xây dựng vào năm 2000 - 2002, cao 21m, dựng bằng bê tông cốt thép theo hình tròn, nền lát gạch ceramic, mái đổ bê tông dán ngói âm dương màu xanh. - Đền thờ cũ: được xây dựng năm 1972, diện tích 84m2, gồm hai tầng mái, lợp ngói âm dương màu nâu, tường gạch, nền lát gạch bông theo kiến trúc truyền thống. - Khu mộ: được tôn tạo năm 1958, gồm mộ cụ Đồ Chiểu, mộ cụ bà và mộ con gái Nguyễn Thị Ngọc Khuê (Sương Nguyệt Anh) - nữ sĩ, chủ bút báo Nữ giới chung - tờ báo phụ nữ đầu tiên của Việt Nam. Mộ Cụ Nguyễn Đình Chiểu trên bia có khắc chữ Nhật (日), mộ cụ bà trên bia có khắc chữ Nguyệt (月). Tại di tích hiện có một phòng trưng bày một số hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách trong nước và nước ngoài, nhân dân trong và ngoài tỉnh đến thăm viếng... Phòng trưng bày còn có một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Đình Chiểu như: Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc,... bằng chữ Hán Nôm và một số tài liệu của các nhà nghiên cứu, sưu tầm, nêu bật giá trị tư tưởng, nhân cách và nội dung các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu. Hằng năm, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre đều tổ chức Lễ hội truyền thống văn hóa vào ngày 1 và ngày 3 tháng Bảy (ngày sinh và ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu). Lễ hội với nhiều chương trình phong phú. Với giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, di tích Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt ngày 22 tháng 12 năm 2016. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Bến Tre 1141 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Bảo Tàng Tỉnh Bến Tre

Bảo tàng Bến Tre được thành lập năm 1981, tọa lạc tại số 146 đường Hùng Vương, phường An Hội, thành phố Bến Tre với diện tích khoảng 20.000m2. Mặt chính Bảo tàng hướng về phía sông Bến Tre với những cây cổ thụ tỏa bóng mát cùng nhiều hoa kiểng tươi tốt, quý giá - cảnh sắc nên thơ, nhẹ nhàng, sâu lắng mang đầy sự quyến rũ và thu hút; mặt sau hướng về đường Cách mạng tháng Tám, một trong những con đường nhộn nhịp nhất của thành phố Bến Tre. Đến với Bảo tàng Bến Tre quý khách có thể tham quan, học tập, nghiên cứu tìm hiểu các địa điểm trong quần thể này đó là: Di tích quốc gia “Nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo” (được công nhận Di tích lịch sử quốc gia năm 2015), Ngôi nhà là Dinh Tham biện (Pháp) - Dinh Tỉnh trưởng (Mỹ) được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp (1876) mang nét trang nghiêm và cổ kính, nơi đây trưng bày những hình ảnh và hiện vật về lịch sử, truyền thống cách mạng của nhân dân tỉnh nhà trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược; trưng bày hình ảnh, tư liệu về người chiến sĩ tình báo, Đại tá Phạm Ngọc Thảo; trưng bày Di chỉ khảo cổ học Giồng Nổi. Nhà trưng bày thành tựu Kinh tế - Xã hội của tỉnh (2003): trưng bày những hình ảnh, hiện vật trong xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương từ sau ngày 30.4.1975 đến nay - nơi đây còn là nơi trưng bày các chuyên đề đặc sắc và phong phú trên nhiều lĩnh vực với những thành tựu lớn của tỉnh nhà. Nhà dừa (2012): Ngôi nhà 3 gian được cất bằng gỗ dừa theo kiểu nhà nông thôn Nam bộ. Ngôi nhà được thiết kế một cách nhẹ nhàng, khoáng đạt mang tính chất dân tộc đậm đà, phản ánh được tính giản dị và tâm hồn con người Việt Nam. Bên trong ngôi nhà thờ Bác Hồ và AHLLVTND, Đại tá Phạm Ngọc Thảo, trên vách trưng bày các hình ảnh, hiện vật liên quan đến cây dừa Bến Tre trong kháng chiến cũng như trong sinh hoạt văn hóa. Nhà dừa còn tổ chức giao lưu “đờn ca tài tử”, “hát Sắc bùa”,… vào đêm 30 mỗi tháng. Đến đây du khách có thể cảm nhận được sự yên bình, ấm áp đồng thời thưởng thức những làn điệu diễn xướng dân gian Bến Tre được các nghệ nhân, tài tử trình diễn. Khu trưng bày ngoài trời: gồm những hiện vật thuộc thể khối có kích thước lớn như xác máy bay, pháo, vỏ bom…thu gom trong chiến tranh; Xung quanh khuôn viên là các tiểu cảnh đan xen: ruộng lúa, con trâu, hồ sen, cầu dừa,… tạo cảm xúc gần gũi, thân quen với du khách. Là một trong những địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng vô cùng ý nghĩa, là điểm du lịch thú vị, hấp dẫn. Mỗi năm, Bảo tàng Bến tre thu hút khoảng 40.000 du khách trong và ngoài tỉnh cũng như du khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu, học tập, giải trí, trải nghiệm, thưởng thức di sản văn hóa và nghệ thuật dân gian Bến Tre. Bảo tàng Bến Tre được công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia ngày 28.8.2015 bởi Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Nguồn: Du lịch Bến Tre

Bến Tre 1612 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Long Phụng

Đình Long Phụng ở Ấp Long Hòa 2, Xã Long Định, Huyện Bình Đại, Tỉnh Bến Tre. Đình Long Phụng là đình làng thứ 5 của tỉnh Bến Tre được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá, Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia, vào ngày 20/6/2018. Ngôi đình này có lịch sử lâu đời, khắc họa rõ nét văn hóa tín ngưỡng và kiến trúc của vùng đất Bình Đại xưa. Đình Long Phụng được khởi công xây dựng lần đầu tiên vào năm 1833, đến cuối năm 1834 thì hoàn thành. Ban đầu, đình chỉ được dựng lên bằng cây lá đơn sơ bên bờ sông Bình Đại. Lúc này, đình không được nhiều người biết đến, chỉ có một vài hộ dân trong vùng lui tới thắp nhang cúng Thành Hoàng để cầu nguyện những điều bình an, may mắn. Đến năm Thiệu Trị thứ 5, đình được sắc phong lần đầu tiên với 2 sắc Đại càn Quốc gia Nam Hải và Bổn cảnh Thành hoàng vào ngày 27/11/1845. Đến ngày 26/12/1845, đình được Vua Thiệu Trị sắc phong lần thứ hai cũng gồm 2 sắc như trên. Đợt thứ ba là vào ngày 8/11/1850, Đình Long Phụng nhận thêm 2 sắc phong dưới thời Vua Tự Đức năm thứ 3. Tổng cộng đình có tất cả 6 sắc phong. Theo quan niệm lúc bấy giờ, sắc phong chính là sự công nhận của Vua - Thiên Tử dành cho những đình làng đang thờ các vị thần linh thiêng. Đến cuối năm 1916 đình được xây mới chắc chắn với quy mô lớn hơn đình cũ, hầu hết kiến trúc vẫn còn nguyên vẹn cho đến tận ngày nay. Khuôn viên đình Long Phụng có tổng diện tích 2.580m2. Trong đó, diện tích xây dựng ngôi đình là khoảng 750m2. Đình được tạo nên từ những bức tường bằng gạch chắc chắn, mái lợp ngói âm dương, hệ thống cột, kèo, rui bằng gỗ giáng hương nên màu sắc trải qua hàng thế kỷ với rất đẹp, nền lát gạch tàu. Đình được xây dựng theo lối kiến trúc chùa chiền cổ truyền với các gian võ ca, võ quy nối liền với chính điện. Ngoài ra, ở phía bên trái nối liền gian chính điện còn có khu vực nhà khách và nhà ở của tiên sư. Cấu tạo toàn bộ kiến trúc theo dạng hình chữ Đinh. Bước qua cổng đình, là bức bình phong lớn, giữa sân là bàn thờ Thần nông và hai ngôi miếu nhỏ gọi là miếu Ông Hổ (Sơn quân) và miếu Ngũ Hành. Gian võ quy được xem là nơi quan trọng của đình. Tại đây trang trí bằng các đường nét hoa văn đặc trưng như: ba hương án, cặp quy – hạc, hoành phi, trong đó có 3 bức hoành phi dạng cuốn thư sơn son thếp vàng. Đặc biệt, những cây xà ngang tại gian võ ca đều được chạm khắc thành đầu rồng cực kỳ tinh xảo, phía trên đầu là các câu đối với hình tứ giác chạm lộng tứ linh uy nghi. Gian chính điện của Đình Long Phụng có diện tích rộng nhất. Điện thiết kế theo kiến trúc 3 gian kiểu tứ trụ với vách gạch, nền lát gạch hoa, mái lợp ngói âm dương. Phần mái đình được trang trí với nhiều đồ án sắc sảo, sống động như rồng vờn mây, lưỡng long tranh châu, cá chép hóa rồng, rùa cõng châu ngọc. Bên cạnh kiến trúc độc đáo thì đình Long Phụng còn trưng bày và lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như long đình, khánh thờ, hương án, liễn áp cột, lỗ bộ, hoành phi. Trong đó, hiện vật có tính lịch sử và văn hóa nhất phải kể đến là khánh thờ thần. Khánh thờ của đình Long Phụng được chạm trổ ba lớp, bên ngoài chạm khắc nhiều hoa văn trong bộ tứ linh, tứ quý. Bên cạnh đó, đình cũng còn lưu giữ hai sắc phong do Vua Tự Đức ban tặng vào năm 1852: sắc Bổn Cảnh Thành Hoàng và sắc Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần. Vì một số phần kiến trúc của đình đã bị sạt lở nên đã được trùng tu, xây dựng lại. Tuy nhiên, nhìn chung thì đình vẫn giữ được vẻ đẹp đậm chất văn hóa truyền thống, từng đường nét đều khắc họa niềm tin tín ngưỡng lâu đời của mảnh đất Bình Đại nói riêng và Bến Tre nói chung. Nguồn: Du lịch Bến Tre

Bến Tre 1413 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Tiên Thuỷ

Là một trong những ngôi đình được tạo lập sớm nhất ở Ấp Khánh Hội Đông, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, Đình Tiên Thủy không chỉ là nơi tôn thờ vị thần của làng mà còn là chứng tích văn hóa nghệ thuật và lịch sử. Dấu tích kiến trúc nghệ thuật có từ những năm đầu thế kỷ 19 của Đình Tiên Thủy đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận đủ chuẩn xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. Đình Tiên Thủy nằm bên bờ nhánh nhỏ của sông Hàm Luông. Với cấu trúc theo hình chữ Sơn (từ Hán), Đình Tiên Thủy được xây theo thể thống nhất, liên hoàn trong diện tích trên 1ha, gồm: nhà võ ca, võ quy, chính điện, chỉnh y, bếp và nhà tiệc. Phía trước có bức bình phong và 4 ngôi miếu: Ông Hổ, Ngũ Hành, Thổ Thần, Bà Chúa Xứ và bàn thờ Thần Nông. Đình Tiên Thủy được lập ngay sau khi Nguyễn Ánh chạy trốn quân Tây Sơn, dừng chân nơi này vào những năm 1778. Đến năm 1852, Đình được vua Tự Đức chuẩn y và ban 7 sắc phong. Tuy nhiên, do trước đây Tiên Thủy và Tiên Long cùng một làng, có hai đình gọi là Đình Ông và Đình Bà nên khoảng 10 năm trở lại đây, Đình Tiên Thủy (Đình Bà) đưa về Đình Tiên Long 3 sắc phong. Hiện tại, Đình còn 4 sắc phong thờ thần Cao Các Quảng Độ tôn thần, Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi, Bổn Cảnh Thành Hoàng và Đại Càn Quốc Gia Nam Hải. Đình Tiên Thủy có kiến trúc của nhà xuyên trính, 3 gian, hai chái, mái ngói âm dương. Vẫn mang đậm kiến trúc cổ, đặc trưng của công trình ở thế kỷ 19, Đình Tiên Thủy được xây dựng ban đầu bằng cây lá đơn sơ, sau đó là gỗ, ngói, sành, sứ. Đình có 42 cột bằng gỗ lim, căm xe với bề hoành từ 90cm đến 1m. Cột, kèo, đòn tay được kết dính với nhau bằng kỹ thuật mộng chốt và đầu kèo đều được chạm hoa văn. Nóc đình chính là ngọn tháp với phong cảnh 4 mặt và trên nóc trang trí hoa văn đắp nổi, cùng 2 đầu rồng ở 2 góc tháp. Cũng như bao đình cổ khác, điêu khắc chạm nổi, chạm lộng, chạm khắc, xà cừ, sơn son thếp vàng được thể hiện sắc sảo ở các hoành phi, câu đối, bao lam, thành vọng. Nhiều loại hoa trái, chim cảnh đậm nét dân gian Việt Nam được thể hiện ở đây như hoa mai, mẫu đơn, hoa lựu, hoa sen, cúc, trúc, bướm, dơi, chuột, cua, ếch, long-lân-quy-phụng... Kiến trúc đặc sắc và công phu nhất của Đình Tiên Thủy là chạm nổi hai lớp hoa văn ở các ô, hộc. Lớp bên trong sử dụng chạm lộng như một lớp lưới hay tổ ong để làm nền cho lớp hoa văn chạm nổi bên ngoài. Đình hiện còn lưu giữ 14 hoành phi, 6 bao lam, 4 khánh thờ, 4 sắc phong, 2 liễn áp cột, 2 hương án và nhiều liễn đối, bài vị... Cho đến nay, Đình Tiên Thủy vẫn là đình quy tụ đông đảo người dân về cúng bái. Đình có cả sân khấu dành cho hát Bội vào lễ Kỳ yên và Lễ Du thần trên sông chính - nét riêng của Đình Tiên Thủy. Ngoài ra, Đình còn có các lễ cúng lệ kỳ hàng năm như lễ Khai sơn, cúng Quan Thánh, Giỗ tổ Hùng Vương, lễ Hạ điền và Thượng điền. Với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng thuận lợi, hàng năm có hàng ngàn lượt người tham dự. Đặc biệt là lễ Kỳ yên, người dân xa xứ thường hội tụ về đây cúng bái, giao lưu gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm. Nguồn: Du lịch Bến Tre

Bến Tre 1618 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Phú Lễ

Tọa lạc tại ấp Phú Khương, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, Đình Phú Lễ được vua Minh Mạng cho phép lập đình vào năm 1826, trên cơ sở ngôi đình bằng gỗ lá được xây dựng trước đó. Ngày 29.01.1852, đình nhận được sắc phong của vua Tự Đức. Giữa không gian yên tĩnh, cổng đình Phú Lễ hiện ra uy nghi và nổi bật. Đình đã gần hai trăm tuổi, qua nhiều lần tu sửa nhưng vẫn giữ nguyên nét cổ kính. Ngôi đình ẩn mình giữa những tán cây cổ thụ, khi mặt trời ló rạng, những tia nắng len lỏi qua từng kẽ lá, chiếu vào tường gạch, thềm đá rêu phong càng tôn thêm nét uy nghiêm, trầm mặc vốn có của đình. Thềm và móng đình được cấu trúc bằng đá xanh, bên trên xây gạch. Đình gồm tất cả 10 gian: 6 gian chính dính liền với mái và 4 gian phụ bố trí theo lối “chữ Đinh” cũng là nhà phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long trước đây. Cột đình bằng gỗ lim, gỗ quí hiếm ở miền Tây Nam bộ, đường kính 40cm, mái lợp ngói vảy cá. Trong Đình gồm 6 bàn hương án đều sơn son thếp vàng với hình tượng long lân qui phụng rất tinh xảo theo mô típ của đình chùa cổ Việt Nam. Ðặc biệt là nghệ thuật chạm khắc nhiều tầng trên gỗ bao quanh các cột ở gian chánh đường cho thấy tay nghề lão luyện của người thợ ngày đó. Tương truyền, khi xây đình, các cụ cao niên trong vùng đã mời các thợ và nghệ nhân từ Huế vào chạm khắc nên những tác phẩm gỗ tuyệt đẹp này. Không chỉ là những hình ảnh các con vật tứ linh mang tính ước lệ của văn hóa cổ Việt Nam mà còn có cả hình ảnh con cá, con cua của vùng biển Ba Tri – những con vật bình dân cũng được đưa vào trong kiến trúc tạo hình. Sự hoành tráng, uy nghi của ngôi đình cho thấy cuộc sống trù phú và bề dày văn hóa của cư dân Phú Lễ nói riêng và vùng Ba Tri nói chung vào đầu thế kỷ trước. Do chiến tranh và thời gian, các công trình kiến trúc và các hiện vật bài trí bên trong (hương án, cuốn thư, hoành phi, bình phong, bao lam, đồ lễ bộ…) đã bị xuống cấp và hư hỏng nhiều. Tuy nhiên, những phần cơ bản về kiến trúc vẫn còn nguyên, không bị bom đạn tàn phá, đặc biệt những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ sơn son, thếp vàng còn lưu giữ được đến hôm nay. Đình Phú Lễ là trung tâm tín ngưỡng của cộng đồng cư dân, là nơi dân làng gửi gắm những mong ước của mình vào vị thần phò trợ cho làng, được nhà nước sắc phong là Thành hoàng Bổn cảnh. Ngoài thần Thành hoàng, các vị Tiền hiền, Hậu hiền có công khai phá, lập làng cũng được nhân dân đưa vào đình thờ phụng. Điểm khác biệt của đình Phú Lễ là vào ngày Tết hoặc Lễ hội cúng đình (Lễ Kỳ Yên) được tổ chức vào 18 và 19 tháng 3 âm lịch hàng năm, ngay trước đình sẽ tổ chức hát bội thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách thập phương. Ngày 9 – 10 tháng 11 Âm lịch đình tổ chức lễ cầu bông, cầu mong mùa màng bội thu. Ngày 7-1-1993, Đình Phú Lễ được Bộ Văn hoá – Thông tin ra quyết định công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Du lịch Bến Tre, đến Phú Lễ bạn còn khám phá làng nghề truyền thống Phú Lễ (gồm đan đát, nấu rượu), trong đó có nghề nấu rượu đế đã tồn tại rất lâu đời. Rượu đế Phú Lễ được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và biết đến bởi sản phẩm rất thơm ngon, tinh khiết, chất lượng ổn định, không gây độc hại và hợp khẩu vị của người tiêu dùng. Nguồn: Báo du lịch Bến Tre

Bến Tre 1757 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Bình Hoà

Đình Bình Hòa nằm sát tỉnh lộ 26, thuộc ấp Bình Ninh, xã Bình Hòa cũ nay là tỉnh lộ 88, ấp 5A, Thị Trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Đình Bình Hòa được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1812. Đình do bà con nhân dân dựng lên từ những vật liệu đơn sơ như cây, lá , tre, nứa để thờ thành hoàng làng. Đến năm 1852, Đình Bình Hòa Bến Tre được vua Tự Đức sắc phong. Đây là nghi lễ rất có ý nghĩa khi các thần linh thờ trong đình nhận được sự công nhận từ nhà vua. Từ đó, đình được bà con nhân dân biết đến nhiều hơn, họ về đây dâng lễ để cầu nguyện những điều bình an, may mắn. Đến năm 1903, ban khánh tiết đã đứng ra để tổ chức, vận động người dân đóng góp công sức, tiền của xây dựng lại Đình Bình Hòa Bến Tre với quy mô rộng lớn hơn. Quá trình thi công mất 10 năm, từ 1903 đến 1913 thì hoàn thành. Vật liệu chủ yếu được sử dụng là gỗ tứ thiết, kết cấu gắn bằng mộng và chốt khớp, hoàn toàn không dùng đinh. Đây là kiểu xây dựng đình chùa rất quen thuộc dưới thời nhà Nguyễn, dù thô sơ nhưng vẫn vô cùng chắc chắn. Ngày 25/12/1959 âm lịch, một trung đoàn công an Ngô Quyền do tên Lê Xuân Khánh chỉ huy từ Bến Tre xuống đây đóng quân. Chúng lấy đình Bình Hòa làm nơi giam cầm, tra tấn các chiến sĩ cách mạng và đồng bào ta. Quân Ngụy đã sử dụng rất nhiều hình thức tra tấn dã man, tàn ác. Theo một số ghi chép, tổng số đồng bào bị chúng bắt đến đây và tra tấn, thiệt mạng lên hơn 400 người. Ngôi đình trăm năm tuổi đã chứng kiến máu của biết bao đồng bào đổ xuống, đồng thời là chứng nhân lịch sử cho tội ác của kẻ thù. Đến năm 2012, đình Bình Hòa được trùng tu bởi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre kết hợp cùng Ủy ban nhân dân huyện Giồng Trôm. Quá trình tôn tạo di tích kéo dài trong 1 năm, vẫn giữ nguyên những nét đặc trưng của đình nhưng mở rộng quy mô và xây thêm những công trình phụ trợ để phục vụ khách đến tham quan và du lịch. Khi hoàn thiện, tổng diện tích đình Bình Hòa là 9.000m2 với các hạng mục chính bao gồm: nhà võ ca, thiêu hương, chính điện, tiền sảnh, hành lang, hậu đường, miếu Quan Thánh. Hiện nay, đình Bình Hòa vẫn đang lưu giữ hơn 100 tác phẩm điêu khắc gỗ tinh xảo bao gồm các bức hoành phi, liễn đối, bao lam, phù điêu, hương án. Đình Bình Hòa đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá, Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia ngày 7/1/1993. Nguồn: Tổng hợp báo du lịch Bến Tre

Bến Tre 1525 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Tân Thạch

Đình Tân Thạch ở Ấp 9, Xã Tân Thạch, Huyện Châu Thành, Tỉnh Bến Tre. Đình Tân Thạch được xây dựng vào năm 1841, lúc bấy giờ có tên gọi là đình Thạch Hồ. Đình được xây để thờ Thành Hoàng làng. Cấu trúc đình làng theo hình chữ Tam (三) với ba gian chính là Võ ca, Võ quy và Chánh điện liền kề nhau. Đình Tân Thạch có diện tích khuôn viên khoảng hơn 7.600m2. Trong đó, diện tích mặt bằng của đình là 1.250m2. Đình được xây dựng với lối kiến trúc đậm chất truyền thống, mái đình lợp ngói âm dương, trang trí bằng những hình ảnh quen thuộc như lưỡng long tranh châu, cá chép hóa rồng và bát tiên. Cổng tam quan của Đình Tân Thạch được xây dựng bằng gạch và xi măng, phần mái lợp ngói, trên mái là hình tượng hai con rồng bằng sứ trắng. Cổng thiết kế thành ba cửa với cửa chính ở giữa. Theo quan niệm dân gian thì cổng chính dành cho sư sãi và vua chúa, quan lại đến đình dâng hương. Còn cửa phụ dành cho khách thập phương, bên trái là nam, bên phải là nữ. Hai bên mái cổng đình trang trí bằng con lân làm từ gốm men màu xanh đang trong tư thế ngồi chầu. Bên cạnh là hai câu đối đắp nổi, thể hiện mong muốn quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Xung quanh tường rào bằng đá xanh, trang trí thêm chấn song hình con tiện. Trước sân Đình Tân Thạch còn có bức bình phong lớn hình Thần Nông từ vật liệu đá, cao khoảng 3m, chạm nổi hình rồng đang vươn mình bay lên. Bên dưới là con hổ ẩn hiện trong những dải hoa văn hình núi, mây, cây cối. Hai bên bình phong là hai câu đối bằng tiếng Hán ghi. “Hổ cư sơn lâm phù xã tắc”. “Long du nguyệt điện tráng sơn hà”. Bên trái bình phong là miếu thờ nhỏ của Sơn quân, thờ Thần Hổ linh thiêng. Bên phải là miếu thờ thần Thổ địa và thần Hà bá, theo quan niệm dân gian là thần cai quản đất đai và cai quản sông nước. Ngoài ra, trong miếu còn thờ 3 hòn đá theo tín ngưỡng thờ Neak Tà của người Khmer. Gian Võ ca: Đây là gian gồm ba căn hai chái, nơi tổ chức các hoạt động xây chầu đại bội vào những dịp lễ lớn như cúng Kỳ Yên. Gian Võ quy: Gian này gồm năm căn hai chái, xây theo lối kiến trúc nhà xuyên trính với các thanh xà ngang nối xuyên qua từng cột. Gian Võ quy đặt một bàn hương án thờ Phật, đồng thời cũng là nơi hành văn lễ tế thần. Gian Chính điện: Phía trước Chính điện đặt một bàn thờ, bên phải là hai bài vị ghi: “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thần” và “Thủy Đức nương nương”. Còn bên trái bàn thờ là hai bài vị “Chúa xứ Thánh Mẫu nương nương” và “Thái giám Bạch mã mộc trụ ngũ phương tôn thần”. Chính điện được xây theo kiểu nhà ba căn, hai chái thoáng mát, rộng rãi. Gian giữa thờ Quốc tổ Hùng Vương, kế đến là thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gian bên đặt khánh thờ thần Thành hoàng với bức tượng sơn son thếp vàng, tả ban và hữu ban đều đặt bàn thờ tiền hiền, hậu hiền. Nhà tiền vãng: Nối liền với chính điện của Đình Tân Thạch là ngôi nhà trù (hay còn gọi là nhà bếp). Ngay bên cạnh nhà trù là nhà tiền vãng - Nơi thờ các vị tiền hiền khai khẩn đất đai, hậu hiền có công với dân với nước. Đình Tân Thạch còn lưu giữ những hiện vật có giá trị lâu đời như: 6 đạo sắc phong thần được triều đình nhà Nguyễn ban cho Đình Tân Thạch. Trong đó có 4 đạo sắc phong dưới thời Vua Thiệu Trị (1845), 2 đạo sắc phong dưới thời Vua Tự Đức (1850). 4 bộ lư mắt tre tinh xảo. 7 lư trầm bằng đồng thau với màu sắc đẹp mắt. 13 bức hoành phi khổng lồ được chạm nổi, sơn son thếp vàng rực rỡ. 13 bao lam thành vọng bằng gỗ quý, đặt trên cột chính ở gian Võ ca, Võ quy và Chính điện. Các hiện vật có niên đại khác nhau, đôi chỗ hư hại trong quá trình trùng tu. Tuy nhiên nhìn chung, tất cả đều được chạm trổ công phu, thể hiện tài hoa và bàn tay khéo léo của các thế hệ nghệ nhân thời bấy giờ. Các bức hoành phi, câu đối với nội dung ca ngợi công đức của Thành hoàng làng, thể hiện sự biết ơn và tấm lòng ngưỡng vọng của người dân đối với những công ơn của các vị thần. Ngày 28/12/2001, Bộ Văn hóa-Thông tin đã công nhận Đình Tân Thạch là Di tích lịch sử văn hoá, Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia. Nguồn: Báo du lịch tỉnh Bến Tre

Bến Tre 1450 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Quân khu ủy Sài Gòn – Gia Định

Khu ủy Sài Gòn - Gia Định tọa lạc tại xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre còn có mật danh là T4, Y4, là cơ quan đầu não chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ ở khu vực đô thị Sài Gòn - Gia Định từ tháng 7/1969 đến tháng 10/1970. Cách đây 50 năm, vào tháng 7-1969, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư, hai đồng chí Trần Bạch Đằng và Mai Chí Thọ làm Phó bí thư đã lãnh đạo, chia thành nhiều bộ phận nhỏ, bằng nhiều hình thức bí mật di chuyển đến căn cứ xã Tân Phú Tây. Tuy thời gian đóng tại đây không dài nhưng Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã để lại những dấu mốc lịch sử đáng nhớ, đó là nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng. Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định qua những tư liệu lịch sử hiện vẫn còn được tỉnh bảo tồn, giới thiệu tại di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia cùng tên, tọa lạc tại xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Đây là một trong những địa điểm di tích thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham quan hàng năm. Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định được chuyển về đóng tại xã Tân Phú Tây và Thành An vào thời điểm như đã nêu. Đây là vùng mới giải phóng, nhân dân kiên cường, có trình độ giác ngộ chính trị cao, địa hình lại rất hiểm trở, nhiều kênh rạch chia cắt, có nhiều vườn dừa liên tiếp che chắn, địch không thể đổ quân bằng xe cơ giới, thiết giáp, kể cả việc dùng trực thăng đổ quân cũng bị nhiều hạn chế. Chỉ bằng những vật liệu thô sơ, chủ yếu là sử dụng những thứ có sẵn tại chỗ, các du kích địa phương đã xây dựng 16 hầm nổi và 14 hầm bí mật (phân bố ở hai xã liên hoàn: Tân Phú Tây và Thành An), tất cả được bố trí chặt chẽ để có thể chi viện cho nhau lúc cần thiết. Các hầm nổi là nơi ở, làm việc, hội họp của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, ban y tế, bộ phận điện đài cơ yếu; ngoài ra, còn có một hầm được đặt tên là “nhà hạnh phúc”, là nơi ở đêm tân hôn của các chiến sĩ Y4. Đến tháng 10-1970, địch đã phát hiện lãnh đạo Khu ủy hoạt động tại xã Tân Phú Tây, chúng đã nhiều lần đổ quân đánh phá nơi đây và các xã lân cận. Trước tình hình đó, đồng chí Võ Văn Kiệt đã họp lãnh đạo Khu ủy, quyết định rút khỏi vùng căn cứ. Thời gian đóng tại khu căn cứ, lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã nhận được sự cưu mang đầy nghĩa tình của quân và dân trong toàn huyện. Sau chiến tranh, vùng căn cứ gần như bị phá hủy hoàn toàn. Để nhắc nhớ sự kiện ấy, tháng 11-1997, Đảng bộ và nhân dân tỉnh đã phục chế lại hai hầm trú ẩn: hầm số 1 là nơi hội họp điện đài cơ yếu và hầm số 2 là nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt và sau đó mở rộng khoảng 2ha xây dựng thêm một số hạng mục. Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 23-12-1995. Nguồn: Tạp chí bộ lao động thương binh xã hội

Bến Tre 1514 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Tuyên Linh

Chùa Tuyên Linh tọa lạc tại ấp Tân Thới Đông B, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Chùa Tuyên Linh được xây năm Tân Dậu (1861), dưới triều Tự Đức năm thứ 14. Lúc đầu, chùa có tên là Tiên Linh do Hòa thượng Khánh Phong trụ trì và được làm bằng tre, lá để thờ bà Sầm - người bị cọp vồ nhưng rất linh thiêng. Chùa Tuyên Linh là nơi mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ, nhiều lần ghé lại tá túc. Thời gian cụ Phó bảng ở đây lâu nhất là từ năm 1927 đến 1929. Trong thời gian lưu trú tại chùa, cụ Phó bảng đã mở lớp dạy học, xem mạch bốc thuốc cho nhân dân trong vùng và cùng Hòa thượng trụ trì bàn việc dân, việc nước. Những năm trước Đồng khởi, Bến Tre trong thế kìm kẹp khắc nghiệt của Mỹ, Diệm, vùng Tân Hương - Minh Đức, nơi có chùa Tuyên Linh , vẫn là một trong những nơi có phong trào Cách mạng phát triển mạnh mẽ nhất của tỉnh. Các cơ quan Huyện ủy Mỏ Cày và Tỉnh ủy Bến Tre đã từng trú đóng tại chùa Tuyên Linh dưới sự giúp đỡ, che giấu của nhân dân và tín đồ đạo Phật giáo trong thời gian hoạt động Cách mạng. Trong 2 cuộc kháng chiến, chùa Tuyên Linh là nơi che giấu, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng nên đã hai lần bị giặc dùng máy bay ném bom, phá hủy và đốt chùa. Chùa được trùng tu nhiều lần và được xây mới vào năm 1999 trên nền cũ rất khang trang. Tuy nhiên, những hiện vật gắn với quá khứ của chùa không còn nhiều. Năm 1941 Chùa được tu sửa lần đầu, đến năm 1983 Chùa tiếp tục được tu sửa và mở rộng. Năm 1999 Chùa được đại trùng tu trên nền ngôi chùa cũ. Chùa có pho tượng hộ pháp cao 0,7m bằng đồng cổ. Vườn chùa có dựng bảo tháp ghi tên ba vị Tổ: Hòa thượng Khánh Phong (1823-1905), Thiền sư Minh Bảo (1846-1919) và Pháp sư Khánh Hòa (1877-1948). Năm 2003, chùa tiếp nhận đại hồng chung cao 1,7m, nặng trên 330kg. Ngày 20/7/1994, Bộ Văn hóa-Thông tin đã công nhận chùa Tuyên Linh là Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia. Nguồn: Tổng hợp báo tỉnh Bến Tre

Bến Tre 1315 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Rắn Bến Tre

Đình Rắn ở Mỏ Cày, Bến Tre từ xa xưa đã trở thành chốn linh thiêng, bởi nơi đây gắn liền với nhiều huyền tích về thần rắn hộ người. Không những thế, Đình Rắn còn là nơi Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Định – tức nữ tướng Ba Định khởi phát phong trào Đồng Khởi. Có giai thoại còn kể rằng, khi cô Ba Định bị Việt gian chỉ điểm, chính rắn thần trong Đình Rắn đã “hộ thể” cho cô Ba, giúp bà thoát khỏi nòng súng nanh ác của quân thù… Đình Rắn hay còn gọi là đình Định Nhơn tọa lạc ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, nay là Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Đình Rắn nằm trong một con đường nhỏ heo hút, hai bên đường trồng cây bạch đàn khẳng khiu. Theo lời người dân nơi đây, vào đầu thế kỷ 18, bốn tộc họ Nguyễn, Phan, Trịnh, Võ được coi là những người khai phá đất này. Nơi đây xưa kia còn hoang vắng, ít bóng người, nhiều thú dữ. Thế nên, khi đặt chân đến vùng đất này, các cụ đã lập một ngôi miếu nhỏ thờ ông Hổ. Miếu lập chẳng bao lâu, nhiều cư dân trong vùng đến chiêm ngưỡng, cúng bái ngày càng đông. Các bậc lão làng nơi đây mới xin lập làng và lấy tên là làng Định Phước. Miếu nhỏ được dựng lên thành Đình Rắn. Gọi là Đình Rắn vì ngày xưa ở đây nhiều mô đất cao, có rất nhiều rắn trú ngụ. Mỗi lần đến ngày cúng đình rắn đều xuất hiện và biến mất trong chốc lát, đồ cúng sau khi cúng xong để lại, rồi rắn đến mang đi. Cũng từ đó, đời sống của bà con trong vùng khấm khá hơn, mùa màng luôn được bội thu, dân làng đều khỏe mạnh. Khi xưa, trước cổng đình có cặp rắn to. Cặp rắn đó không làm hại dân trong vùng mà chỉ ăn thịt ác thú, hùm, beo. Dân trong vùng gọi là “Ông, Bà Rắn” hiển linh. Sau ngày thống nhất đất nước, đôi rắn ấy cũng không thấy đến nữa. Đầu năm 1960, bà Nguyễn Thị Định mà dân xứ dừa hay gọi là cô Ba Định bí mật cùng các cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy Bến Tre về đình Rắn họp bàn ngày Đồng Khởi. Tin tức bị lọt ra ngoài, đến tai chế độ Việt Nam cộng hòa. Họ Ngô liền sai một đạo quân dẫn đầu là viên Trung úy bảo an phục kích ngay đình Rắn để bắt các chiến sĩ cách mạng. Rất nhiều lính sợ “thần Rắn” không dám đi. Hơi hoang mang, viên Trung úy giắt theo bên mình rất nhiều lựu đạn để khi gặp “ông bà Rắn” to lớn là cho nổ banh thây luôn. “Thần hồn nát thần tính”, lúc đã gần bắt được cô Ba Định, thì bỗng nhiên một tên lính la hét tán loạn, cho rằng mình đã thấy “ông bà Rắn”. Tên lính rút chốt lựu đạn, tính ném cho “ông bà Rắn” tan thây thì không hiểu sao lại ném ngược vào đồng bọn. Tụi lính lại xôn xao anh lính kia chắc bị “Rắn thần” nhập. Viên Trung úy chỉ huy cũng bị thương nặng và mấy ngày sau bị một con rắn độc cắn chết. Lính nguỵ toan phá hoại đình Rắn. Nhưng vì sợ không dám bén mảng đến đình, chúng dùng bom, lựu đạn hòng đánh sập ngôi đình linh thiêng. Tuy có hoang tàn, đổ nát nhưng đình Rắn vẫn là vùng đất linh bao bọc lấy các chiến sĩ cách mạng trong suốt những năm kháng chiến máu lửa kinh hoàng. Đến năm 1993, Bộ văn hóa thông tin công nhận đình Rắn là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nguồn: Tổng hợp báo nhân dân điện tử

Bến Tre 1756 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích Quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre

Di tích Đồng Khởi Bến Tre thuộc xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Nơi diễn ra sự kiện lịch sử Đồng Khởi Bến Tre, mở đầu cho phong trào Đồng Khởi của cách mạng miền Nam Việt Nam. Tháng 5/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15 kiểm điểm tình hình trong nước và đề ra đường lối cách mạng của cả nước và của miền Nam, xác định nhiệm vụ cơ bản: Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Đầu tháng 12/1959, đồng chí Nguyễn Thị Định - Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức cuộc họp tại Cù lao Minh, Tỉnh ủy Bến Tre đã chọn 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày (nay là huyện Mỏ Cày Nam) làm căn cứ chỉ đạo và là nơi bắt đầu Đồng Khởi. Vào 11 giờ trưa ngày 12/01/1960, tại xã Định Thủy, toàn thể nhân dân nổi dậy và tiến công địch. Mở đầu phong trào đồng khởi, sáng ngày 17/01/1960, lực lượng cách mạng bắt và xử tử Đội Tý - chỉ huy Tổng đoàn dân vệ, khét tiếng ác ôn. Tiếp đó, lực lượng cách mạng cùng quần chúng nhân dân, bao vây đình Rắn - nơi đóng quân của Tổng đoàn dân vệ và bao vây đánh chiếm đồn Vàm Nước. Lực lượng của ta chiếm được đồn và làm chủ tình hình, quân ta thu được 15 súng, 10 lựu đạn và 1000 viên đạn các loại, giải phóng toàn bộ tề xã, tề ấp ở Định Thủy, bọn tề ngụy và binh lính trong đồn tan rã,. Vào 10 giờ đêm 17/01/1960, được lệnh nổi dậy, nhân dân Phước Hiệp nhất tề đổ ra đường biểu dương sức mạnh hỗ trợ cho các tổ hành động bao vây đồn dân vệ và tề xã. Phước Hiệp chìm trong tiếng reo hò, trống mõ và tiếng nổ liên hồi của ống lói, tiếng loa kêu gọi đầu hàng. Nhân dân xã Phước Hiệp đã đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ trong toàn xã. Ngày 18/01/1960, nhân dân xã Bình Khánh đã đồng loạt đứng lên đánh bọn tề ấp, tề xã, bọn do thám, chỉ điểm, giành được chính quyền. Do lực lượng tề ngụy ở đây rất mạnh nên phải đến 12 giờ đêm ngày 20/01/1960, xã Bình Khánh mới hoàn toàn được giải phóng. Theo sự chỉ đạo của tỉnh, nhân dân khắp huyện Mỏ Cày đồng loạt nổi dậy, ngày cũng như đêm; tiếng trống mõ liên hồi lan khắp Cù lao Minh, Cù lao Bảo. Các thanh niên nam nữ được tổ chức thành đội ngũ, trương cờ, vác súng lớn, súng nhỏ bằng bập dừa, kéo đi như nước vỡ bờ để biểu dương khí thế cách mạng, uy hiếp tinh thần địch, khiến chúng lo sợ nằm yên trong đồn bốt. Từ Bến Tre, phong trào Đồng Khởi nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đêm 24, rạng ngày 25/01/1960, nhiều vùng nông thôn đã nổi dậy diệt ác, phá kìm, giải tán tề xã, tề ấp, giành quyền làm chủ. Cho đến giữa năm 1960, ngọn lửa Đồng Khởi tiếp tục lan sang các tỉnh Tây Nguyên, làm thành cuộc khởi nghĩa dây chuyền sôi động khắp các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên. Nhà Truyền thống Đồng Khởi được xây dựng năm 2001, có tổng diện tích 5.029,3m2, gồm các hạng mục chính: nhà đón tiếp, bia chiến thắng và nhà truyền thống. Nhà đón tiếp xây dựng bằng bê tông cốt thép, nền lát gạch men màu hồng, mái lợp ngói màu đỏ. Ngôi nhà có ba cửa ra vào bằng khung sắt sơn màu xám, lộng kính, cửa chính quay về hướng Đông, hai cửa phụ quay về hướng Nam. Bia chiến thắng được xây dựng phía bên phải của khu di tích, gồm bảy bậc tròn đồng tâm ốp đá mài màu xanh lam. Mặt trước quay về hướng Nam được chạm khắc tám chữ vàng “Anh dũng đồng khởi, thắng Mỹ diệt Ngụy”. Mặt sau bia khắc nội dung “Ngọn lửa thần kỳ” do tỉnh Bến Tre phát động cuộc thi viết văn bia ca ngợi Đồng Khởi năm 1960, và được khắc trên bia nhân kỷ niệm 45 năm ngày Đồng Khởi Bến Tre. Nhà Truyền thống có tầng trệt và một tầng lầu, trên nóc là biểu tượng ngọn đuốc Đồng Khởi cao 12m. Bên trong của tầng trệt trưng bày hình ảnh, tư liệu và hiện vật của phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân Bến Tre từ tháng 7/1954 đến cuối năm 1959. Tầng lầu trưng bày hình ảnh, tư liệu và hiện vật trong phong trào Đồng Khởi. Nơi sảnh giữa có một bức tường cách điệu đắp nổi dòng chữ “Anh dũng đồng khởi, thắng Mỹ diệt Ngụy”, bên cạnh là sa bàn thể hiện phong trào Đồng Khởi Bến Tre. Di tích Đồng Khởi Bến Tre được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt ngày 22 tháng 12 năm 2016 Nguồn: Cục di sản văn hoá

Bến Tre 1712 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Điểm di tích nổi bật