Di tích lịch sử

Bình Dương

Đình Phú Cường (Đình Bà Lụa)

Đình Phú Cường tọa lạc ở phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một, là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh được xếp hạng ngày 02/06/2004. Đình Phú Cường còn gọi là Đình Bà Lụa được xây dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX, khá nổi tiếng về quy mô và kiến trúc độc đáo. Chánh điện được xây dựng trên một nền cao, kiến trúc theo kiểu truyền thống xưa với ba gian nhà liền mái theo kiểu chữ Tam; kèo, cột, xuyên, trính, đều được đúc bằng xi măng. Gian trong cùng của Chánh điện gọi là Chánh tẩm hay Hậu cung để thờ vị Chánh thần, tức thần Thành Hoàng. Hai bên là khám thờ tả bang, hữu bang. Đối diện với bàn thờ thần là hương án. Ở gian chính còn có những tấm hoành phi, câu đối tạo sự trang nghiêm cho nơi thờ phụng. Gian giữa là gian tiền tế, để lễ vật lên cúng thần và là nơi vị đọc chúc sẽ đọc văn tế trong dịp tế lễ… Gian tiền tế còn có cặp đài bằng gỗ chạm hình tứ linh do ông Phó Tổng Bình Điền cúng vào năm Giáp Thìn (1904). Gian ngoài cùng gọi là Hội đồng ngoại có am thờ Tiền hiền, Hậu hiền. Hai bên Chánh điện có Đông lang dành cho bá tánh nam nữ hội họp và khu nhà kho. Trước sân đình là bình phong long hổ, bàn thờ thần Nông. Hai bên thờ tả hộ vệ, hữu hộ vệ. Nơi đây còn lưu giữ rất nhiều binh khí cổ, đồ gỗ đẹp và quý hiếm. Hằng năm, đình có hai kỳ tế lễ: Lễ Kỳ Yên (Rằm tháng Giêng) và Lễ Thu Tế (mùng 1 tháng 10 Âm lịch) thu hút rất đông du khách đến tham gia lễ hội. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Dương

Bình Dương 509 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Nhà cổ Trần Văn Hổ

Nhà cổ Trần Văn Hổ tọa lạc số 18 đường Bạch Đằng, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ông Trần Văn Hổ (Tự Đẩu) – nguyên là Đốc Phủ Sứ thời thuộc Pháp. Công trình được thân sinh ông Đẩu là cụ Trần Văn Lân xây dựng năm Canh Dần (1890), được công nhận di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật Quốc gia ngày 29/4/1993, tổng diện tích còn lại là 1.296m2. Mặt chính diện ngôi nhà quay về hướng Tây Nam, hướng sông Sài Gòn. Ngôi nhà nguyên là một khu nhà lớn gồm: nhà chính, nhà phụ, khu chuồng ngựa… Nhưng từ sau ngày giải phóng, do không có chủ bảo quản được nhà nước tiếp quản thu giữ. Hiện chỉ còn lại một ngôi nhà chính, đây là ngôi nhà lớn của gia đình được dùng chủ yếu là để thờ cúng ở gian giữa. Trước sân nhà được che phủ bởi cảnh thiên nhiên thu nhỏ của vườn hoa, cây cảnh, hòn non bộ được trang trí đầy đủ cảnh sinh hoạt “Ngư - Tiều - Canh - Mục”. Ngôi nhà có dáng dấp nhìn từ ngoài vào hơi thấp, với mái ngói rêu phong, tạo cảnh sắc thiên nhiên của sự cổ kính, thanh tịnh, tách hẳn với ồn ào náo nhiệt của cảnh phố chợ bên ngoài. Bước vào bên trong là cảnh phô trương, thể hiện sự sung túc vật liệu toàn là gỗ quý như Cẩm Lai, Giáng Hương, Gõ, Sến, mật… được sử dụng bày trí lớp lớp, từ mái nhà xuống cửa võng và cả bậc ngạch. Từ những song gỗ, đường nét ô vuông đến các mảng phù điêu tấc cả đều được bố trí đối xứng đến từng chi tiết, tạo nên bề thế trang nghiêm, thể hiện sự tôn ti, nề nếp và phong cách vương quyền. Lối kiến trúc của ngôi nhà theo dạng chữ “Đinh”, tổng diện tích xây dựng là 200m2 . Ngôi nhà xây dựng theo kiểu 3 gian, 02 chái gồm 36 cột tròn, 6 hàng cột tròn từ trước ra sau, mỗi hàng là 6 cột được kê toàn bộ trên đá tảng, nền lát gạch tàu. Ngoài ra, phía bên trái ngôi nhà có 3 cửa dạng một cánh được thông ra ngoài, trừ mặt tiền của ngôi nhà, còn lại 3 mặt bên được xây tường gạch. Mái ngói âm dương dài thoai thoải … Từ hệ thống mái vững chắc, có phần hơi thấp, bên trong nội tự được ngăn đôi bức tường giả hình chữ U tạo chiều sâu. Mảng giữa tường và khánh thờ là các bức Hoàng phi được sơn son thép vàng, các bức liễng bằng những câu đối cẩn xà cừ đính trên cột. Gian giữa phía trên là khám thờ với tấm Thủ quyển chạm nổi hình Tứ linh hoàng tráng, giữa bức thủ quyển ấy là ba hàng chữ đề danh hiệu các vị thần được thờ. Phía trái là thờ thần Táo với danh hiệu “Đông Trù Tư Mạng”, giữa là thờ trời với danh hiệu “Hiệp Thiên Đại Đế”, bên phải thờ phúc thần với danh hiệu “Phúc Đức Chánh Thần”, phía dưới thờ gia tiên nhiều đời. Với lối kiến trúc qui mô khép kín của ngôi nhà truyền thống Việt Nam vào thế kỷ 19, ngôi nhà đã để lại cho Bình Dương một công trình kiến trúc cổ, góp một phần giá trị lịch sử - nghệ thuật truyền thống dân tộc thật quý, minh chứng cho sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của vùng đất và con người Bình Dương, cả trong quá khứ cũng như hiện tại. Thật đáng được trân trọng và gìn giữ. Ở hai bên gian thờ giữa là hai buồng (phòng) chủ nhà; buồng ông và buồng bà.Trên hai cửa buồng có hai bức hoành đề: Ngự dược, Diên phi (cá nhảy, diều bay: Có ý mong thi dậu hoặc thăng quan lên chức). Nơi đây còn có các bao lam đều trang trí đẹp, công phu. Đối xứng hai bên hông buồng ngủ là hai tủ đứng cẩn xà cừ đẹp… Nguồn: Sở Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch Tỉnh Bình Dương

Bình Dương 758 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích núi và chùa Châu Thới

Di tích danh thắng Núi Châu Thới là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Bình Dương được Bộ Văn hóa- Thông tin xếp hạng là di tích danh thắng cấp quốc gia ngày 21 tháng 4 năm 1989, với những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên. Núi Châu Thới nằm ở vị trí gần quốc lộ 1K thuộc địa phận phường Bình An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Núi Châu Thới cao 85m, trên đỉnh có ngôi cổ tự uy nghi, quang cảnh cây cỏ quanh năm tươi tốt. Theo các nguồn tư liệu khảo cứu, chùa Châu Thới được xây dựng vào khoảng năm 1612 do Thiền sư Khánh Long sáng lập từ một am tranh nhỏ, lúc bấy giờ chùa được mang tên là Hội Sơn Tự. Tuy nhiên, căn cứ vào lạc khoản còn lưu giữ ở chùa có ghi dòng chữ “Tân Dậu niên chánh nguyệt sơ kiến nhật”, có thể xác định chùa Châu Thới được xây dựng vào năm 1681 và là ngôi chùa được xây dựng sớm nhất tỉnh Bình Dương và thuộc nhóm lâu đời nhất Nam Bộ. Hơn 300 năm lịch sử, chùa Châu Thới đã trải qua 13 đời trụ trì; qua quá trình biến động lịch sử, chùa đã được tu tạo nhiều lần: Năm 1930, trùng tu lại nhà thờ Tổ và Giảng đường; năm 1971, đắp xi–măng 220 bậc thang lên núi; năm 1993, Chánh điện được trùng tu. Sau đó, các hạng mục khác như bảo tháp, đại hồng chung, tượng phật, rồng chầu…cũng được xây dựng, hoàn thiện. Bên cạnh những giá trị lịch sử tôn giáo, chùa Châu Thới còn mang những giá trị lịch sử cách mạng của vùng đất Dĩ An. Trong kháng chiến chống Pháp, dựa vào thế núi và ngôi chùa Châu Thới là nơi trú ẩn, hội họp của các nhà hoạt động cách mạng. Với địa thế hiểm yếu lại có các vị sư yêu nước, do đó rất thuận lợi làm điểm hội họp, dừng chân, ẩn náu; chùa Châu Thới đã từng là nơi luyện tập võ nghệ của các hội viên “Thiên địa hội”, nơi dừng chân của quân Đào Tây Sơn và là nơi lánh nạn của các chiến sĩ cách mạng. Các nhân vật nổi tiếng lúc bấy giờ như Huỳnh Văn Nghệ, Huỳnh Tấn Phát cũng từng đến chùa và hoạt động tại đây. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến, các chư tăng ở đây đã ủng hộ tiền, gạo, vải, thuốc cho bộ đội; lúc cần kíp chùa Châu Thới đã ủng hộ cả Đại Hồng Chung để công binh xưởng đúc đạn đánh giặc… Chùa Châu Thới được liệt vào một trong những Danh lam cổ tự của Việt Nam; chùa, núi, quang cảnh xung quanh tạo nên một danh thắng phong thủy hữu tình, cảnh trí thơ mộng, xanh mát…các yếu tố kiến trúc hòa quyện, tạo điểm nhấn cho khung cảnh thiên nhiên, làm toát lên những giá trị văn hóa kiến trúc, văn hóa cảnh quan nổi bật. Chùa Châu Thới hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị, trong đó có 3 pho tượng Phật được tạc cách đây hơn 300 năm; hệ thống tượng gỗ, tượng đất nung; đặc biệt chùa còn lưu giữ pho tượng Quan Thế Âm bằng gỗ mít trên 100 năm do chính Hòa thượng Thích Thiện Hóa chế tác. Tuy các hạng mục chính của chùa được xây bằng bê tông, cốt thép song được thể hiện bởi những bậc thợ tài hoa nên tổng thể chùa vẫn toát nên vẻ đẹp cổ kính, đậm màu sắc dân tộc. Quần thể chùa, điện trên núi Châu Thới gồm: Chánh điện, nhà Tổ, điện Thiên Thủ Thiên Nhãn, miếu Linh Sơn Thánh Mẫu, điện thờ Diêu Trì Kim Mẫu…một số hạng mục được trang trí bằng các mảnh gốm sứ rất đẹp mắt. Năm 1994, chùa đã vận động bà con đóng góp đúc 4 pho tượng đồng, mỗi tượng nặng trên 1 tấn, cao 2.5m do nhóm thợ kỳ cựu của xứ Huế, đây là những pho tượng đúc đồng đầu tiên tại tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, chùa còn có tượng Quan Thế Âm cao 22,5m, cặp rồng lớn bao quanh, cách hàng chục km vẫn có thể nhìn thấy. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan chùa Châu Thới trên đỉnh núi Châu Thới đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh cấp quốc gia năm 1989. Nguồn: Sở Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch Tỉnh Bình Dương

Bình Dương 909 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Thần Dĩ An

Đình Dĩ An tọa lạc tại khu phố Nhị Đồng 1, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Đình được xây dựng vào năm 1838. Năm 1853, được vua Tự Đức ban sắc phong thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, là một ngôi đình cổ - nơi bảo lưu những giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xuân lược, đình là nơi các chiến sĩ cách mạng địa phương rèn luyện, hun đúc ý chí, tổ chức lực lượng để tiêu diệt kẻ thù. Đình là nơi hoạt động của “bộ đội Đào Sơn Tây”. Đặc biệt, trong thời gian kháng chiến chống Mỹ xâm lược, đình còn là nơi dừng chân, trú quân của lực lượng vũ trang tỉnh Thủ Dầu Một. Trong khuôn viên đình, hiện vẫn còn một số hầm bí mật của lực lượng vũ trang. Đồng thời, đình cũng là nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong vùng. Nhìn tổng thể kiến trúc, đình Dĩ An được thiết kế dạng chữ “nhất”, gồm: võ ca, võ quy, chánh điện, nhà khách, nhà túc,... Võ ca là nơi làm lễ Xây chầu và hát bội vào mỗi dịp lễ Kỳ yên, được xây dựng bằng bê tông thép và lợp tôn. Sân khấu, được xây dựng cao 0,8m, có hai bức tranh thủy mặc ở hai bên. Võ quy là nơi các chức sắc chầu lễ, cầm chầu (mỗi khi hát bội), hội họp, cũng là nơi chuẩn bị cho buổi ca diễn và dành cho khách. Nơi đây có thiết trí những câu đối bằng chữ Hán. Chính điện là nơi thờ tự chính của đình, với cột, kèo, rui, mè... đều được làm bằng gỗ; mái lợp ngói vảy cá, trên nóc có gắn hình bầu dục và hai con rồng; tường xây gạch; nền lát gạch men màu vàng. Chính điện được chia thành 15 gian, gồm 3 gian thờ chính và 12 gian thờ phụ. Bên trong chính điện được sắp xếp theo bố cục: Gian đầu tiên là nơi đặt bàn thờ Hội đồng nội, có thiết trí bao lam gỗ được chạm trổ rất tinh xảo, sơn son thếp vàng. Tiếp đến là án thờ Giáng Son - nơi thờ sắc phong của thần. Song song với án thờ Giáng Son là án thờ Tả Ban và Hữu Ban. Bàn thờ chính thần được đặt ở vị trí trang trọng, hai bên đặt tượng hai con bạch mã, lỗ bộ, võng điều; ngoài ra, còn trang trí bao làm bằng gỗ sơn son thếp vàng cùng các câu đối bằng chữ Hán. Sau chính điện và phía tây nam của đình là hai dãy nhà khách với nhiều gian nhà được trang hoàng khá trang trọng. Nhà được xây dựng gồm 80 cột gỗ quý, mái lợp ngói móc, toàn bộ được sơn phủ màu đen tạo nên nét cổ kính. Đây là nơi dùng để sinh hoạt và đón tiếp khách trong những ngày lễ cúng đình. Hàng năm, đình có hai lễ cúng lớn là: Lễ Cầu bông (cúng Tiên sư, Tổ nghiệp) diễn ra vào ngày 16-6 âm lịch với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và lễ Kỳ yên được tổ chức vào ngày 15 và 16-11 âm lịch (3 năm đáo lệ một lần) nhằm cầu cho quốc thái dân an. Ngoài ra, đình Dĩ An còn là nơi dung hợp nhiều tín ngưỡng: Thờ Thành Hoàng, Nữ Thần (Ngũ hành nương nương, Diêu Trì Địa Mẫu, Kim Hoa nương nương..); đền thờ Vua Hùng, đền thờ các anh hùng liệt sĩ và các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng…thể hiện truyền thống tốt đẹp bao đời của người Việt Nam “uống nước nhớ nguồn”. Đình Dĩ An được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh ngày 18-3-2011. Ngày 28-3-2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng đình Dĩ An là di tích cấp quốc gia. Nguồn: Sở Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch Tỉnh Bình Dương

Bình Dương 889 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Tân An

Đình Tân An - Bến Thế nằm ở khu phố 1, phường Tân An, TP Thủ Dầu Một. Đây là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh được xếp hạng ngày 2/6/2004. Đến ngày 26/4/2014 Đình Tân An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Đình được xây dựng vào năm 1820 bởi lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất này sinh cơ lập nghiệp. Ban đầu đình chỉ là mấy gian nhà lá đơn sơ nên đặt tên chữ là “Tương An miếu”, do nhân dân của 4 xã: Tương Bình (nay là Tương Bình Hiệp), Tương An (nay là Tân An), Tương Hòa (nay là Định Hòa) và Cầu Định (nay là Tân Định) lập để thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, vị trí đình được đặt tại làng Tương An. Khoảng 30 năm sau đó, tổ tiên dòng họ Nguyễn (làm chức Ban biện) đứng ra chủ trì xây dựng lại ngôi đình với quy mô lớn, có hình dáng như ngày nay. Mặt khác, dòng họ Nguyễn là một trong những lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất Tân An khai hoang lập nghiệp và có công trùng tu ngôi đình làng nên được dân làng tôn làm “Tiền hiền - Hậu hiền” và được thờ trong ngôi chánh điện để tỏ lòng thành kính. Vào ngày 19-11 năm Tự Đức thứ 21 (1869), vua Tự Đức ban sắc phong cho đình Tân An nhằm công nhận ngôi đình và phong tước hiệu cho thần Thành Hoàng để nhân dân biết mà thờ tự. Sắc phong luôn được cất giữ tại Nhà thờ dòng họ Nguyễn (hiện là nhà ông Nguyễn Tri Quan). Theo sắc phong vua Tự Đức ban thì vị thần được thờ chính trong đình là Tiền quân cơ Nguyễn Văn Thành, một vị quan triều đình nhà Nguyễn, đại thần của vua Gia Long. Nguyễn Văn Thành là một bậc khai quốc công thần triều Nguyễn, nhưng đã vướng vào trọng án “văn chương” của con trai Nguyễn Văn Thuyên, bị Gia Long nghi ngờ phản nghịch bị bức tử và chỉ được giải oan hơn nửa thế kỷ sau đó (vào năm 1868). Về tổng quan kiến trúc, ngôi đình được làm toàn bằng gỗ Sao, có lối kiến trúc hình chữ Tam, còn gọi là lối sắp đọi, dân gian gọi là đình ba nóc, theo kiểu xuyên trính, hai mái, hai chái, gồm 40 cây cột vuông bằng gỗ, hành lang rộng gồm 30 cột gỗ (do thời gian mưa nắng đã làm cho một số cột ở hai bên hành lang bị hư hại nên được thay bằng cột xây bằng gạch, vôi). Mái đình được lợp toàn bộ bằng ngói vây cá qua nhiều năm mưa nắng mái ngói phủ rêu phong trông rất cổ kính. Trên đình được trang trí hình lưỡng long tranh châu, ở các góc mái trang trí hình cá hóa rồng. Nền lát gạch đỏ (gạch tàu) hình lục giác. Toàn bộ ngôi đình có chiều rộng 50m, dài 70m, được xây trên diện tích hơn 10.000m2. Đặc biệt, toàn nội thất trong đình như hiện vật bàn thờ, tủ thờ, tấm hoành, bao lam, cột gỗ, câu đối… đều bằng gỗ quý được các bàn tay nghệ nhân chạm khắc rất tinh xảo với nhiều chủ đề khác nhau làm tôn lên kiến trúc nghệ thuật độc đáo của đình. Ngoài ra, đình còn lưu trữ một công trình chữ Hán rất phong phú còn lại cho đến ngày nay qua các cặp liễn đối, hoành phi, sắc thần… Hàng năm theo đúng lệ xưa , lễ hội diễn ra trong 3 ngày 3 đêm từ 14 đến 16 tháng 11 (âm lịch) là dịp trăng sáng để bà con thuận tiện vui chơi và đi lại. Đây cũng là dịp thủy triều dâng cao và theo quan niệm của nhân dân đó là điềm của mùa màng bội thu, của vạn vật tốt tươi, tiền của dồi dào… Đình Tân An là một di tích lịch sử - văn hóa mang đậm nét kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, đình còn lưu giữ Sắc phong của vua Tự Đức. Trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đình Tân An là nơi hoạt động cách mạng của địa phương. Nguồn: Báo Bình Dương điện tử

Bình Dương 733 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Đình thần Phú Long

Đình Phú Long còn gọi là “Phú Long linh miếu” nằm ở khu phố Hòa Long, phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, được ban sắc phong vào năm Tự Đức thứ 5 và được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia năm 2001. Trải qua gần 200 năm, dù đã qua nhiều lần trùng tu nhưng kiến trúc và những hiện vật có giá trị còn lưu giữ tại đình. Đình do nhân dân địa phương lập để thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh. Lúc đầu đình được xây dựng bằng tre, gỗ, trên nền đất thô sơ. Sau đó, đình được trùng tu nhiều lần vào các năm 1865, 1935, 1997... Hiện nay, đình có tổng diện tích sử dụng là 5.828m2, diện tích xây dựng là 1.258m2. Đình được xây dựng kiểu chữ tam, theo lối “trùng thiềm điệp ốc”, lợp ngói âm dương, nền lót gạch hoa. Cổng đình, tường vách dọc ngang được chạm trổ hoa văn, họa tiết, phần lớn được cẩn li ti bằng những mảnh men sành sứ cổ, đủ sắc màu, phong phú với nhiều hình tượng, điển tích đa dạng, mang sắc thái đặc thù của vùng sông nước thiên nhiên hài hòa. Về kiến trúc, toàn bộ mặt tiền, phần bê tông của đình được cẩn các mảnh gốm sứ đầy màu sắc, tạo nên vẻ đẹp độc đáo của nghệ thuật gốm sứ truyền thống trong kiến trúc đình, chùa tại Thủ Dầu Một. Toàn bộ tiền điện có gắn bao lam bằng gỗ được chạm trổ với các đề tài hoa trái như mai, lan, cúc, lựu, nho, chuối, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Ở khoảng giữa trung điện và chính điện có một bao lam ghép gốm sứ men màu xanh, trang trí các hình long, lân, cảnh hội Bát tiên, Long Hải tướng quân, cá hóa rồng... Trên mái trung điện, ở giữa có hình nhật nguyệt, đầu hồi là hình long, lân, quy, phụng. Phần mái hậu điện cũng có các hoa văn cá hóa long, lưỡng long tranh châu. Bên trong mái ở trung điện và hậu điện là hai bộ vì kèo chịu lực bằng gỗ, kết cấu theo kiểu kẻ chuyền, hai hàng cột gồm sáu cây loại gỗ gõ, có đường kính 40cm. Chính giữa chính điện là án thờ sắc thần Thành Hoàng Bổn Cảnh được vua Tự Đức ban, hai bên thờ Tả Ban và Hữu Ban. Ở đây còn thờ các vị có công với làng, với đình theo thứ tự từng án thờ có lập bài vị. Riêng án thờ được đặt cao nhất là hình một chiếc ghế dựa bằng gỗ hình vuông, chạm thủng hình mai, lan, cúc, trúc, với long vị đắp nổi trông rất uy nghi (gọi là ngự). Chính điện có nhiều hương án được xếp trật tự dành cho du khách thập phương đến thắp nhang, lễ bái thể hiện lòng thành kính. Bên hương án có đôi quy, hạc đứng chầu, tượng trưng cho sự bền vững. Gian đầu hồi, bên trái đặt bàn thờ Ngũ Hành Nương Nương, bên cạnh đặt một cái mõ dài 1.8m, bên phải đặt bàn thờ ông Hổ, bên cạnh có một cái trống để sử dụng vào các dịp cúng tế, lễ hội. Các bàn thờ Tiền Hiền, Hậu Hiền cũng được bài trí tôn nghiêm. Từ ngoài nhìn thẳng vào chính điện, có hàng lễ bộ, gồm nhiều loại binh khí với bốn cặp hạc đứng trên lưng rùa. Đình còn lưu giữ rất nhiều câu đối khắc trên thân các cây cột, hương án..., tất cả đều được chạm trổ tinh vi, sơn son thếp vàng rực rỡ. Các hoa văn trang trí trong lẫn ngoài đình là hình cá hóa long, rồng cách điệu, cảnh hội Bát tiên... Ngoài các giá trị về kiến trúc nghệ thuật, Đình Phú Long đã từng là nơi ẩn náu, cất giấu vũ khí của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ cách mạng tại địa phương trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Nguồn: Trung Tâm Xúc Tiến Du Lịch Tỉnh Bình Dương

Bình Dương 694 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Hội Khánh

Chùa Hội Khánh tọa lạc tại số 35 đường Yersin, phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, là một công trình kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật lớn nhất tỉnh, được công nhận Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia ngày 7/1/1993. Chùa xây dựng từ thế kỷ 18 (1741), dưới chân đồi, cách trung tâm TP Thủ Dầu Một 500m về hướng Đông, năm 1861 chùa đã bị giặc Pháp thiêu hủy. Đến năm 1868, chùa được xây dựng lại ở vị trí hiện nay với diện tích xây dựng 1.211m2. Năm 2007, chùa xây dựng thêm ngôi tháp 7 tầng cao 27m và tái tạo lại Phật tích “Tứ động tâm”, gồm có: Vườn Lâm Tì Ni (nơi Phật ra đời), Bồ Đề Đại Tràng (nơi Phật hành đạo), Vườn Lộc Uyển (nơi Phật thuyết đầu tiên), Ta La Song Thọ (đức Phật nhập niết bàn) có ý nghĩa sâu sắc về đạo pháp. Năm 2008, Phật đài quy mô lớn, cao 22m được xây dựng ở khu đất phía trước chùa. Tầng trệt là dãy nhà dài 64m, rộng 23m dùng làm Trường Phật học, Thư viện… Tầng trên tôn trí đại tượng đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn cao 12m, dài 52m. Đây là một công trình mỹ thuật đáng tự hào của Phật giáo Bình Dương, được khánh thành trọng thể vào ngày 30/3/2010 (15/2/2010 Âm lịch) mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Về cấu trúc chùa gồm bốn phần chính: Tiền điện – chánh điện, giảng đường kiến trúc này có 92 cột gỗ quý, Đông lang và Tây lang chùa bố trí theo kiểu “sắp đôi” nối liền nhau với kiến trúc “trùng thềm, trùng lương” - đây là biến tấu đặc biệt trong kiến trúc theo truyền thống chùa cổ xứ Nam Kỳ; Chánh điện với kèo cột, vách gỗ và ba bộ cửa bức màn, còn có gần 100 tượng gỗ, các vị La Hán và thập điện Minh Vương dáng vẻ khác nhau được tạo bằng gỗ mít sơn son thếp vàng. Đặc biệt có hai bức phù điêu chạm hình 18 vị La Hán và các vị bồ tát, tạo nên một công trình điêu khắc tuyệt mỹ, có giá trị nghệ thuật cao mang đặc trưng của phong cách điêu khắc gỗ Bình Dương xưa. Về phần nghệ thuật trang trí nội thất, tranh tượng tự khí thờ phượng được điêu khắc, chạm trổ rất công phu, sắc sảo… đặc biệt phải kể đến bộ bao lam “Thập bát La Hán” (tạo tác năm 1921), bức phù điêu “tứ thời” ốp vào hai cột trước Chánh điện. Các bàn thờ chạm trổ tinh vi hoàn thành vào năm Ất Sửu (1925). Nhà chùa còn giữ được bộ mộc bản in kinh cách đây trên 120 năm. Đại hồng chung của chùa được đúc vào năm Quý Mùi (1883) do Bổn đạo Dương Văn Lúa hiến cúng. Trong những năm 1923 -1926, Chùa Hội Khánh còn là nơi ẩn náu quy tụ các nhân sĩ: Nhà nho, nhà sư yêu nước cùng lập ra “Hội danh dự” với sự tham gia của chính hòa thượng Từ Văn, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Thân phụ của bác Hồ), cụ Tú Cúc… mục đích của Hội là cổ vũ cho lối sống đề cao đạo đức, coi trọng danh dự và lòng yêu quý đồng bào đất nước. Dù Hội chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng đã gây dược ảnh hưởng đáng kể. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chùa Hội Khánh là trụ sở Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Thủ Dầu Một, đã góp nhiều công sức, tâm huyết kể cả xương máu của các nhà tu, Phật tử nhà chùa. Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân địa phương từ năm 1953, chùa là trụ sở Phật giáo yêu nước tỉnh Bình Dương và đến năm 1983 Chùa Hội Khánh là trụ sở của tỉnh Hội Phật giáo Bình Dương. Năm 1995, nơi đây, Tỉnh hội xây dựng Trường cơ bản Phật học tỉnh Sông Bé (Bình Dương). Hiện Thượng tọa Thích Huệ Thông trụ trì Chùa Hội Khánh (từ năm 1988) và là Phó ban Thường trực Tỉnh Hội Phật giáo Bình Dương. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Dương

Bình Dương 787 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh

Di tích Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh nằm ở địa điểm thuộc ấp 1 xã Minh Tân (trước là xã Minh Thạnh) huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương (vị trí cũng đã được Đại tướng Văn Tiến Dũng xác định năm 1987). Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia ngày 11/5/2010. Di tích Sở Chỉ huy Tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh là di tích tiêu biểu, phản ánh sự lãnh đạo, chỉ huy đúng đắn, trực tiếp và sáng tạo của Trung ương Cục, Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh chiến dịch. Di tích mặc dầu là một cơ quan tạm thời, nhưng đã thể hiện được vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt trong chiến lược chiến tranh của thời đại mới, mà trực tiếp là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sở dĩ gọi là di tích Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh là vì Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập ở căn cứ quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại ấp Tà Thiết Krom – Lộc Thành - Lộc Ninh, Sông Bé. Sau cuộc họp ngày 25/3/1975 của Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương, theo sự phân công của Bộ chính trị, cùng ngày, đồng chí Lê Đức Thọ vào Lộc Ninh để cùng các đồng chí Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng thay mặt Bộ chính trị trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Khi chiến dịch sắp mở màn, để trực tiếp chỉ huy chiến dịch ngay từ đầu sát với tình hình tác chiến cơ quan, Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh đã được Bộ Chính trị mà trực tiếp là đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Văn Tiến Dũng quyết định chuyển tới căn cứ tiền phương sát với chiến trường hơn và chọn Căm Xe làm Sở chỉ huy Căm Xe, hay còn gọi là sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chì Minh. Với vị trí đã được xác định chuyển dời này, di tích Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh là một trong những địa điểm quan trọng quyết định sự chỉ đạo đúng đắn và sáng suốt, trực tiếp, nhanh nhẹn nhằm tạo thuận lợi cho thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của Bộ chính trị giao cho giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giải phóng Miền Nam trước mùa mưa, kết thúc thắng lợi 30 năm đấu tranh cách mạng và khởi nghĩa vũ trang của nhân dân ta một cách trọn vẹn với thời gian nhanh nhất. Di tích nằm trong khu vực rừng cây, có rất nhiều suối nhỏ và ngắn đổ vào con suối lớn Căm Xe như suối Các Liễu, suối Ong Lô, suối Biên Lộc, suối Bà Già, suối Bà Thành….(Căm Xe theo lịch sử địa phương là một vùng đất lâu đời, có một khu rừng nguyên sinh với nhiều loại cây gỗ quý, bên cạnh có dòng suối. Chính dòng suối này, với những đặc điểm lợi hại mang tính chất “thượng võ” của nó đã tạo nhiều thuận lợi để quân và dân ta đánh đuổi kẻ thù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ). Đây là khu rừng tái sinh, rừng cây cũ đã bị chặt phá, rừng tái sinh cũng bị đốt nhiều lần. Vì di tích là một cơ quan tạm thời nên các lán trại, hầm hào tại đây chủ yếu được làm bằng vật liệu là gỗ có sẵn, sau thời gian dài mưa nắng phá hủy chỉ còn lại những vết tích khá mờ nhạt, chỉ có hố bom nơi đồng chí Văn Tiến Dũng lấy nước để sinh hoạt là còn khá nguyên vẹn. Theo người dân sinh sống nơi đây thì cứ đến tháng 3 thì đốt để trồng sắn. Hiện nay thì cảnh quan khu vực này đã thay đổi rất nhiều so với trước, rừng cao su bạt ngàn bao quanh khu vực di tích. Những dấu vết còn lại như: hố bom lấy nước sinh họat, dấu vết các hầm hào cũng đã mờ, cỏ cây mọc khá nhiều, phải rất khó khăn mới tìm được những dấu vết cũ do cỏ cây che khuất. Năm 1987 đại tướng Văn Tiến Dũng cùng một số đồng chí cán bộ miền về thăm và xác định vị trí trên cơ sở những dấu tích còn lại. Sau đó huyện đội Bình Long và nhân dân xã Minh Thạnh đã xây dựng bia làm mốc đánh dấu tại nơi đây. Bia được làm bằng chất liệu bê tông cốt thét, có độ cao 3m, rộng 2,5m, trên bia có gắn ngôi sao, dưới ngôi sao có ghi dòng chữ Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, 30 tháng 4 năm 1975, xã Minh Thạnh. Đến ngày 20/8/1990, Bảo Tàng Quân Khu 7 xây dựng bia khác cách tấm bia cũ khoảng 3m, có chiều cao 15m, chiều ngang 1,5m, bia cũng được làm bằng chất liệu bê tông cốt thép. Đến năm 2005 được trùng tu lại bằng đá hoa cương cho đến nay. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Dương

Bình Dương 824 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích lịch sử Chiến Khu D

Chiến khu Đ được hình thành vào tháng 2-1946 với địa bàn ban đầu bao gồm 5 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc Thị Xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Trong từng giai đoạn lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, phạm vi Chiến khu Đ lại có sự thay đổi. Chiến khu Đ là mật danh chỉ tổng hành dinh của Khu 7, nằm trong hệ thống các khu vực của khu tính theo thứ tự bảng chữ cái (A: Căn cứ giao thông liên lạc, B: Căn cứ hậu cần, C: Khu bộ đội thường trực). Về sau, mật danh Đ được dùng để chỉ luôn cả chiến khu rộng lớn. Ngoài ra, còn có một số cách lý giải khác: Đ mang ý nghĩa là “đỏ”, ý chỉ vùng chiến khu cách mạng kiên cường, một “địa chỉ đỏ” của cả nước; Đ là chữ cái đầu của địa danh Đất Cuốc - nơi bộ đội Huỳnh Văn Nghệ xây dựng cứ điểm đầu tiên; Đ là chữ viết tắt của chiến khu Đồng Nai, chiến khu miền Đông, chiến khu đầu tiên... Trên cơ sở phạm vi ban đầu gồm 5 xã thuộc huyện Tân Uyên, từ năm 1948 trở đi, Chiến khu Đ được mở rộng, lấy đường 16 từ phía tây và sông Đồng Nai từ phía nam làm ranh giới để mở rộng lên phía bắc tới Phước Hòa và phía đông tới sông Bé; sau đó tiếp tục vượt qua sông Bé phát triển mãi lên phía bắc và đông bắc. Dù vậy, phạm vi chủ yếu của chiến khu nằm trên vùng đất: Phía tây giáp đường 16, đoạn từ thị trấn Tân Uyên lên Cổng Xanh; phía bắc giáp sông Bé, đoạn từ cầu Phước Hòa lên Chánh Hưng; phía đông vẫn giáp sông Bé đoạn từ Chánh Hưng đến ngã ba Hiếu Liêm và phía nam giáp sông Đồng Nai, đoạn từ ngã ba Hiếu Liêm về thị trấn Tân Uyên. Sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, từ phạm vi chiến khu cũ (chủ yếu nằm trên địa bàn Tân Uyên), ta chuyển dần trung tâm căn cứ lên phía đông bắc. Đến đầu năm 1975, căn cứ được xây dựng hoàn chỉnh, phạm vi mở rộng tối đa. Lúc bấy giờ, Chiến khu Đ nằm trong phạm vi: Phía nam giáp sông Đồng Nai; phía tây giáp tỉnh Bình Dương và cắt qua địa phận hai tỉnh Phước Long, Bình Long (nay là Bình Phước); phía bắc vươn xa giáp biên giới Việt Nam - Campuchia (đoạn từ Bù Đốp đến Bù Đăng); phía đông giáp các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng. Chiến khu Đ được xem như một trung tâm kháng chiến, là nơi ra đời của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chiến khu Đ là một trong những căn cứ quan trọng của các cấp ủy Đảng, các tổ chức chính quyền và cơ quan chỉ huy quân sự thuộc nhiều huyện, tỉnh lân cận và cả Khu 7, Phân liên khu miền Đông và Nam bộ. Đây cũng là nơi ra đời các đơn vị vũ trang trong những ngày đầu kháng chiến, như: Chi đội 1, Chi đội 10, Trung đoàn 301, Trung đoàn 310, Liên trung đoàn 301 - 310, Tiểu đoàn chủ lực 303, Tiểu đoàn vận tải 320... Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Chiến khu Đ là nơi xây dựng, đứng chân các cơ quan lãnh đạo của Đảng, các lực lượng vũ trang từ huyện, tỉnh, liên tỉnh, quân khu đến Trung ương Cục. Chiến khu Đ là nơi ra đời lối đánh đặc công, khởi đầu là trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên ở Tân Uyên ngày 19-3-1948, để từ đó hình thành bộ đội đặc công, phát triển lối đánh đặc công ra cả nước. Chiến khu Đ còn là nơi gắn liền với những chiến công vang dội của quân và dân miền Đông Nam bộ. Đặc biệt, đây là nơi xuất phát chiến dịch 12 ngày đêm (từ ngày 9 đến 21-4-1975) giải phóng thị xã Long Khánh, đập tan cánh cửa thép Xuân Lộc - tuyến phòng ngự cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, mở đường cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tồn tại gần 30 năm (1946-1975), Chiến khu Đ là một dấu son trong trang sử oai hùng của “Miền Đông gian lao mà anh dũng”. Với ý nghĩa lịch sử, tầm vóc và sự đóng góp của Chiến khu Đ qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, ngày 11-5- 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Chiến khu Đ là di tích lịch sử cấp quốc gia. Nguồn: Báo Bình Dương điện tử

Bình Dương 1219 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích lịch sử Địa đạo Tam Giác Sắt

Địa đạo Tây Nam Bến Cát (Tam giác sắt) nằm trên vùng đất 3 xã: An Điền, An Tây, Phú An thuộc khu vực phía Tây Nam thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Với vị trí và tầm vóc trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, Địa đạo Tây Nam Bến Cát được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia ngày 18/3/1996, có tổng diện tích 230.000m2. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trước đây, vùng đất 3 xã Tây Nam Bến Cát sớm được nổi danh với Chiến khu An Thành. Thuở đó, An Thành đã từng là nơi dừng chân của các cơ quan đầu não kháng chiến Khu Bộ miền Đông, xứ Ủy Nam bộ, Đặc Khu ủy Sài Gòn - Gia Định,… nhờ đó mà người dân địa phương sớm được giác ngộ cách mạng và đã từng đương đầu với biết bao thử thách ác liệt nhất trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ và hy sinh của nhân dân ta. Năm 1948, hệ thống địa đạo đầu tiên xuất hiện từ vùng đất này. Sau đó năm 1960, du kích Củ Chi đến học tập kinh nghiệm và xây dựng hệ thống địa đạo ở địa phương mình. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, kẻ thù đã nhiều lần càn đi xát lại, nhưng chúng không khuất phục nổi lòng dân ở đây. Đến khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào trực tiếp chiến đấu ở Miền Nam, năm 1967 bằng đủ loại binh hùng tướng mạnh và những phương tiện giết người hiện đại nhất, chúng mở cuộc càn với quy mô lớn gồm 30.000 quân, 400 xe tăng, 80 tàu chiến, 100 đại bác và nhiều loại máy bay ném bom, kể cả máy bay B52 hòng hủy diệt mục tiêu quan trọng này. Nhưng dựa vào hệ thống địa đạo quanh co, chằng chịt, quân và dân ta lúc ẩn, lúc hiện bí mật bất ngờ mở đợt chống càn quyết liệt. Cuối cùng giặc Mỹ phải rút lui. Với sự thất bại thảm hại, 3.200 tên Mỹ ngụy bị diệt, 149 xe tăng và xe bọc thép bị phá hủy, 28 máy bay bị bắn rơi, 2 tàu chiến bị bắn chìm, bắn cháy… Trong trận này nổi lên anh hùng bắn tỉa - Nguyễn Văn Đực, chỉ 10 viên đạn tiêu diệt 9 tên xâm lược hoặc Võ Thị Huynh - anh hùng lực lượng vũ trang từng lăn mình dưới làn bom đạn để chăm sóc, bảo vệ thương binh. Sau những thất bại liên tiếp, kẻ thù đành bất lực, chúng phải gọi vùng này là vùng “Tam giác sắt”. Địa đạo Tây Nam Bến Cát không đơn thuần mang ý nghĩa địa danh mà nó là biểu tượng cho cách mạng, cho kháng chiến. Với phương tiện thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ky xúc đất bằng tre, quân và dân 3 xã đã tạo nên công trình đồ sộ với hàng trăm con đường hầm ngang dọc trong lòng đất, nối liền các xã với nhau như một ”Làng ngầm”. Các gia đình ở khu vực vành đai, nhà nào cũng đào hầm, hào nối liền vào địa đạo, tạo thế liên hoàn để vừa bám trụ sản xuất vừa đánh giặc giữ làng. Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi sau chiến đấu, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực thực phẩm, nước uống, có giếng nước, hầm nấu ăn, hầm làm việc, chỉ huy, hầm nuôi dưỡng thương binh. Địa đạo Tây Nam Bến Cát với các hoạt động của nó đã giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hai cuộc kháng chiến, nhất là trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Trong suốt 20 năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, Địa đạo Tây Nam Bến Cát đã phát huy tác dụng của một địa đạo chiến. Dựa vào hệ thống địa đạo, quân dân 3 xã Tây Nam đã chiến đấu chôn vùi hàng ngàn tên giặc, bắn cháy và phá hủy hàng trăm xe tăng và xe bọc thép… Đặc biệt trong chiến dịch Mậu Thân 1968 và mùa xuân năm 1975, Địa đạo Tây Nam là nơi nhiều cánh quân lớn tập kết từ đây tiến đánh vào Sài Gòn, góp phần vào sự nghiệp kháng chiến thắng lợi của quân dân cả nước năm 1975. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Dương

Bình Dương 811 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích Nhà tù Phú Lợi

Di tích nhà tù Phú Lợi Hiện tọa lạc trên đường Một Tháng Mười Hai, phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một. Tổng diện tích hiện nay là 77.082m2,đã được nhà nước công nhận và xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia ngày 10/07/1980. Tồn tại suốt tám năm (1957-1964). Nhưng với tinh thần kiên cường bất khuất, các tù nhân Phú Lợi đã đoàn kết anh dũng đấu tranh thắng lợi. Với mưu đồ xâm lược miền Nam, bằng thủ đoạn mị dân, khủng bố đến chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” chỉ trong vòng 2 - 3 năm sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Mỹ Diệm gây không biết bao nhiêu tội ác trên cả miền Nam. Bằng khẩu hiện “thà bắt nhầm hơn bỏ sót”, chúng đã xây dựng thêm nhiều nhà tù. Nhà tù Phú Lợi là một trong những nhà tù lớn của Mỹ - Diệm ở miền Nam được dựng lên giữa năm 1957 để giam cầm và tra tấn các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước lúc bấy giờ. Số tù nhân chúng đưa về Phú Lợi đầu tiên có 4 nữ và khoảng 100 nam, đến cuối 1957 tăng lên 3.000 tù nhân. Chúng chia trại giam thành nhiều khu vực: khu hành chánh, khu gia đình binh sĩ, khu An Trí Viện – gọi là khu “An Trí Viện” nhưng thực chất là trại giam. Khu trại giam gồm có 3 trại: Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa. Cả 3 trại có 9 phòng giam đánh dấu A,B,C,D,… mỗi trại ngăn cách nhau bằng bức tường kẽm gai dày đặc. Bao quanh 3 trại là 2 bức tường cao, có mấy lớp kẽm gai, hệ thống đèn điện chiếu sáng vào ban đêm, hoàn toàn cách biệt với bên ngoài. Ở giữa trại giam có nhà vòm cao để quan sát toàn khu trại. Xung quanh có 4 cổng ra vào và 4 lô cốt canh phòng nghiêm ngặt. Có hai cổng chính: cổng thứ nhất mang bảng “Trung tâm cải huấn Phú Lợi”, cổng thứ hai mang bảng “An trí viện”. Đến cuối năm 1958, số tù nhân lên đến gần 6.000 người, trong đó có 1.000 tù nhân là nữ. Anh chị em tù nhân quê quán ở khắp mọi miền đất nước chẳng may rơi vào tay giặc và bị chúng tập trung về đây. Chế độ khắc nghiệt của nhà tù Phú Lợi cũng không khác ở nhiều nhà tù khác lúc bấy giờ, ăn gạo mục cá ươn, muối hạt, nước mắm có dòi… Sống bẩn thỉu, thiếu nước, nằm xà lim, chuồng cọp, lao động khổ sai bệnh tật không thuốc chữa trị… và những đòn điều tra đánh đập dã man… và chúng đặt ra “24 điều cấm” rất khắc nghiệt để lấy cớ đánh đập tù nhân. Trước những thủ đoạn vừa khủng bố vừa mị dân, những cảnh tra tấn dã man đày ải cực hình, anh chị em trong tù vẫn giữ được lòng kiên định và ý chí kiên cường chiến đấu. Đó là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng và sự tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của những người yêu nước, những người cộng sản. Qua kinh nghiệm thực tế trong phong trào hoạt động bí mật, nên chỉ trong một thời gian ngắn các Đảng viên ở các trại đã tổ chức được đường dây liên lạc với nhau, các nhóm Đảng viên các chi bộ bí mật lần lượt được thành lập. Đầu năm 1958, Đảng ủy Trung tâm Phú Lợi được thành lập. Suốt những năm tháng ở đây, tù nhân có tổ chức bí mật của Đảng ta chỉ đạo. Ban Đại diện, Tổ Tâm giao, hoặc Đôi bạn đồng hương ở từng trại giam làm nòng cốt đấu tranh, từng bước đấu tranh với kẻ thù đòi cải thiện đời sống, chống đàn áp, chống tra tấn tù nhân. Tất cả là nhờ sự kiên trung của các đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Nhà tù Phú Lợi trở thành một bằng chứng về tội ác của Mỹ – Ngụy tại miền Nam Việt Nam; nơi đây là biểu tượng cho lòng dũng cảm của cán bộ đảng viên, các đồng chí cách mạng và đồng bào yêu nước đã ngã xuống trong nhà tù vì độc lập, tự do, hoà bình, hạnh phúc cho quê hương đất nước. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Dương

Bình Dương 985 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật