Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Cà Mau

Di tích Hồng Anh Thư Quán

Cà Mau mảnh đất cực Nam tổ quốc có một di tích lịch sử cách mạng hết sức giá trị đó là Hồng Anh Thư quán, tọa lạc tại số 43, đường Phạm Văn Ký, phường 2, thành phố Cà Mau. Trải qua thời gian dài với chiến tranh ác liệt nhưng đến nay di tích vẫn giữ nguyên kiến trúc của ngôi nhà gốc, được trùng tu, tôn tạo, gìn giữ nguyên giá trị. Tháng 1/1929, Chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng thị trấn Cà Mau được thành lập, với nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, giáo dục ý thức cách mạng trong nông dân, công nhân, học sinh, trí thức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ. Trong phong trào đấu tranh đó, Chi hội mở hiệu sách “Hồng Anh Thư Quán” bán các loại sách báo tiến bộ đương thời được xuất bản tại Sài Gòn. Thực chất đây là bình phong cho phong trào dân chủ, là điểm hội họp của nhiều người yêu nước, nơi hoạt động của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội thị trấn Cà Mau – tổ chức chính trị có nhiệm vụ giác ngộ thanh niên yêu nước, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin… Ngôi nhà với diện tích xây dựng 74m² (ngang 3,7m, dài 20m) mặt quay về hướng Đông Bắc, giáp chợ Cà Mau, trên bờ kinh Xáng, là một căn phố trong dãy phố lầu 2 tầng được thực dân Pháp xây dựng khoảng năm 1900, được gọi là nhà ngủ Á Châu (còn gọi là phố ông Sơn). Sau một thời gian hoạt động tích cực, Hồng Anh Thư Quán đã gây ảnh hưởng tư tưởng sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, tạo tiền đề chính trị cho sự ra đời của các cơ sở Đảng Cộng sản sau này. Với ý nghĩa là ngọn cờ tiên phong trong phong trào cách mạng tại Cà Mau, Hồng Anh Thư Quán đã được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia vào ngày 4/8/1992. Trên cơ sở kế thừa những yêu tố truyền thống, tầng trệt di tích được phục dựng quán cà phê Tâm Đồng theo hình thức xã hội hóa, được bày trí nhiều cổ vật, hiện vật. Trở thành một địa điểm du lịch Cà Mau lý tưởng cho du khách đam mê tìm hiểu về văn hoá, lịch sử vùng đất Cà Mau và là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Nguồn: Du lịch Cà Mau

Cà Mau 1002 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Nhà Dây Thép Cà Mau

Di tích lịch sử Nhà Dây Thép nằm ở vị trí trung tâm thành phố, tọa lạc tại góc đường Lê Lợi – Lý Bôn, khóm 3, phường 2, thành phố Cà Mau. Với giới trẻ ngày nay, ba chữ “nhà dây thép” khá lạ lẫm, thực ra đó là nhà bưu điện được thực dân Pháp xây dựng vào khoảng năm 1910 để thực hiện chức năng thông tin liên lạc phục vụ cho bộ máy cai trị và khai thác thuộc địa của chúng. Tận dụng tình hình, cách mạng Việt Nam đã biến nơi đây trở thành đầu mối thông tin liên lạc giữa Xứ ủy Nam Kỳ với Chi bộ Đảng Cà Mau trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Từ năm 1930 đến 1939, Xứ ủy Nam Kỳ và Đặc ủy Hậu Giang đã chọn Nhà Dây Thép là địa điểm liên lạc, đồng chí Lê Tồn Khuyên (nhân viên Nhà Dây Thép) được giao nhiệm vụ phụ trách đầu mối liên lạc của Đảng tại khu vực Cà Mau. Từ điểm liên lạc này, Đảng bộ Cà Mau đã nhận được những tin tức quan trọng cũng như sự chỉ đạo kịp thời để củng cố lực lượng và phát động quần chúng nhân dân đấu tranh cách mạng và giành được nhiều thắng lợi. Di tích Nhà Dây Thép không những là di tích lịch sử cách mạng của tỉnh, mà còn là công trình ghi nhận dấu ấn lịch sử phát triển của ngành giao thông liên lạc ở Cà Mau. Qua thời gian, Nhà Dây Thép bị hư hại nặng nên đến năm 1999, tỉnh Cà Mau đã thống nhất phục dựng lại theo nguyên mẫu và đến năm 2004, ngôi nhà được khánh thành và đưa vào sử dụng. Do điều kiện hoạt động bí mật nên các di vật trong di tích không còn lưu giữ được, mà hiện nay Bảo tàng tỉnh Cà Mau đã phục chế các hiện vật, tài liệu, hình ảnh có liên quan đến di tích, đồng thời trưng bày hoàn chỉnh tại di tích, phục vụ tốt cho khách đến du lịch Cà Mau tham quan nghiên cứu. Đồng thời trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau hiểu sâu sắc hơn về cuộc đấu tranh của nhân dân Cà Mau trong những năm kháng chiến chống Pháp. Ngày 2/6/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Nhà Dây Thép tại Cà Mau là Di tích cấp Quốc gia. Nguồn: Du lịch Cà Mau

Cà Mau 1219 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Phật Tổ (Chùa Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự)

Chùa Phật Tổ tọa lạc tại phường 4, thành phố Cà Mau. Chùa được xây dựng vào năm 1840, mang đậm lối kiến trúc cổ của thế kỷ 19, đây là nơi truyền giáo Phật pháp sớm nhất ở vùng đất Cà Mau. Nguyên cách gọi tên chùa Phật Tổ là do sự tôn kính từ lâu đời của người dân vùng Cà Mau với vị hòa thượng lập dựng chùa: Hòa thượng Thích Trí Tâm. Truyền thuyết kể lại khoảng năm 1840 vùng Cà Mau là vùng lau sậy, theo dòng người đi khai hoang mở đất có chàng trai Tô Quang Xuân đi lấy củi trong rừng, khi rìu bổ vào thân cây bồ đề cổ thụ thì thấy lộ ra một quyển kinh Phật đặt ở gốc cây. Từ đó chàng trai dựng am thờ Đức Quan Thế Âm vừa tu vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân bên bờ kênh Quản Lộ. Tương truyền, Tô Quang Xuân tụng kinh Kim Cương cảm hóa được thú dữ. Thiên hạ biết tiếng kéo đến xin thuốc và học đạo rất đông. Trong số những đệ tử này có cả cọp dữ cũng đến để học đạo. Hiện nay tháp của con hổ ấy vẫn còn, đệ tử trong chùa gọi là tháp Sư Cậu. Về sau, nhờ người dân đóng góp tài vật, Tô Quang Xuân dựng được một ngôi chùa bằng lá đơn sơ. Thấy vậy, hương hào Đỗ Văn Viễn trong vùng ghen ghét đã vu cho ông là gian đạo sĩ. Ông bị quan trên bắt về Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) quản thúc. Nhưng đạo hạnh của Tô Quang Xuân đã làm các quan trên kính phục. Ông được đưa về Huế và thọ giới xuất gia ở chùa Kim Chưởng. Sau khi thọ giới được 7 ngày, ông viên tịch. Vua sắc phong cho ông làm “hòa thượng” đồng thời ban cho gấm vóc và cử người đưa di hài về đến tận Cà Mau. Tiếc thương ông, năm 1842, vua Thiệu Trị (triều Nguyễn) đã xuống chiếu sắc phong cho Tô Quang Xuân là Hòa thượng Thích Trí Tâm, sửa sang am tranh của ông bên cánh rừng già và sắc tứ cho chùa với tên hiệu là “Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự”. Hòa thượng Thích Trí Tâm được người dân trong vùng tôn kính xem như là “Phật Tổ”, nên chùa cũng gọi là “chùa Phật Tổ”. Chùa Phật Tổ đã qua nhiều lần tu sửa, lần đại trùng tu là vào năm 1937. Tuy nhiên về cơ bản vẫn giữ được hiện trạng của ngôi chùa cổ. Các hiện vật phụng thờ như tượng gỗ, khánh gỗ, độc bình, chuông đồng, câu đối, sắc phong của vua ban… vẫn còn lưu giữ, minh chứng cho sự phát triển Phật giáo của thời kỳ người Việt bắt đầu những bước tiến quan trọng trong công cuộc khẩn hoang và hình thành một xã hội cộng cư với ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer trên vùng đất phương Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, chùa Phật Tổ là nơi che giấu các chiến sĩ cách mạng. Ngày 24/11/2000, chùa Phật Tổ được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia. Ngoài kiến trúc chính của ngôi chùa cổ, bên phải từ cổng chùa vào còn có văn phòng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo, Trường Trung cấp Phật học Cà Mau, văn phòng Phân ban Đặc trách Ni giới. Bên trái kiến trúc chính còn có Tuệ Tĩnh đường miễn phí dành cho người nghèo, Hội quán Gia đình Phật tử, nhà Tăng… Hàng tuần nơi đây đều tổ chức tu học, thuyết giảng Phật pháp. Hàng năm, mỗi dịp đại lễ Phật giáo như lễ rằm tháng Giêng, Phật đản, Vu lan… chùa Phật Tổ trở thành nơi diễn ra lễ hội, đông đảo Tăng Ni, Phật tử tề tựu về tham dự. Nguồn: Du lịch Cà Mau

Cà Mau 1375 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Xứ ủy Nam Bộ – Trung ương Cục miền Nam

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có 29 điểm thuộc Xứ ủy Nam Bộ - Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1955) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Các địa điểm này nằm trên địa bàn 7 huyện và thành phố Cà Mau gồm: Huyện Thới Bình có 11 điểm gồm: Văn phòng trung ương cục miền Nam; Đài phát thanh Trung ương Cục miền Nam; Phòng họp Trung ương Cục miền Nam; Bộ Tư lệnh Nam Bộ; Đài Cơ yếu của Bộ Tư lệnh Nam Bộ; Nhà in Trần Phú; Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, Đài phát thanh Nam Bộ, Trường Nguyễn Văn Nguyễn; Các cơ quan đoàn Thể thuộc xứ ủy Nam Bộ - Trung ương Cục miền Nam; Trường Trần Quốc Toản; Nơi làm việc của đồng chí Lê Đức Thọ; Sở Giao thông Liên lạc - Vô tuyến điện - Đài Phát thanh Nam Bộ. Huyện Năm Căn có 1 điểm: Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ. Huyện Cái Nước 1 điểm: Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ. Huyện Đầm Dơi 6 điểm: Xứ Ủy Nam Bộ - Trung ương Cục miền Nam; Hội trường Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ; Sở Ngân khố Nam Bộ; Trường Đảng Xứ ủy Nam Bộ mang tên Trường Chinh; Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ; Ban mật mã của Xứ ủy Nam Bộ. Huyện Phú Tân 3 điểm: Trường Đảng Trung ương Cục miền Nam mang tên Trường Chinh; Nơi cố Tổng Bí thư Lê Duẩn chấm bút khởi thảo “Đường lối cách mạng miền Nam” tiền thân của Nghị quyết Trung ương 15 của Đảng; Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ. Huyện U Minh 2 điểm: Sở Y tế Nam Bộ; Địa điểm Sở Giáo dục Nam Bộ từ năm 1948 đến năm 1954. Huyện Trần Văn Thời 4 điểm: Ban Tổ chức Trung ương Cục sáp nhập với Ban Tổ chức Quân sự; Nhà in Trần Phú; Nơi cố Tổng Bí thư Lê Duẩn ở trong thời gian hoạt động cách mạng tại Cà Mau; Địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954 đầu năm 1955 tại Sông Đốc, tỉnh Cà Mau. Thành phố Cà Mau 1 điểm: Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cà Mau. Các địa điểm trên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngày 10/11/2010 (gồm 5 điểm di tích) và ngày 28/10/2016 (bổ sung 4 điểm di tích). Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Cà Mau

Cà Mau 1182 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích Hòn Khoai

Hòn Khoai là tên một cụm đảo nằm ở phía Đông Nam mũi Cà Mau thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Hòn Khoai cách đất liền hơn 6 hải lý (14,6km) có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh. Nơi đây được ví như một trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời, vùng biển và dải đất phía Tây Nam của Tổ quốc. Đảo Hòn Khoai gồm nhiều đảo nhỏ: Hòn Khoai, Hòn Tượng, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Đá Lẻ. Trong đó Hòn Khoai là đảo lớn nhất với diện tích khoảng 4km2 và cũng là hòn đảo cao nhất so mực nước biển là 318m. Xưa kia, địa danh này còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như: Hòn Giáng Hương, Hòn Độc Lập hay đảo Poulop vào thời Pháp. Tuy nhiên, bởi hình dạng giống như một củ khoai khổng lồ mà người địa phương vẫn quen gọi với cái tên là Hòn Khoai cho đến tận ngày nay. Hòn Khoai là hòn đảo đá, đồi và rừng nguyên sinh còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý cùng quần thể động thực vật phong phú, chính điều đó đã làm say lòng biết bao du khách. Theo nghiên cứu mới nhất hệ thực vật ở Hòn Khoai có hơn 1.400 loài gồm cây ăn trái, cây lấy gỗ, cây làm thuốc… Động vật cũng khá phong phú với các loài khỉ, gà rừng, trăn hoa, kỳ đà, sóc bụng trắng… và hơn 20 loài chim quý. Hòn Khoai được mệnh danh là đảo ngọc của đất mũi, rừng núi bao quanh, nước biển xanh trong hiền hòa và những di tích nhuốm màu thời gian. Nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua khi đến tỉnh Cà Mau. Tháng 9/2013, Cụm đảo Hòn Khoai được xác lập Kỷ lục cụm đảo gần xích đạo nhất. Lịch sử của di tích Hòn Khoai cũng kể về ngọn hải đăng cao 12,05m được xây dựng bởi thực dân Pháp trên đỉnh cao của hòn đảo. Ngọn hải đăng này có công suất quét sáng rộng 35km; là một phần của hệ thống đèn biển Cần Giờ – Côn Đảo – Hòn Khoai – Phú Quốc giúp chiếu sáng cho tàu biển lưu thông trên biển Đông. Vào ngày 13/12/1940, nơi đây đã ghi dấu một sự kiện lịch sử quan trọng khi ông Phan Ngọc Hiển đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tại Hòn Khoai chống lại thực dân Pháp và giành thắng lợi. Đây cũng là ngày được chọn làm Ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ và quân dân Cà Mau để kỷ niệm sự kiện quan trọng này. Hòn Khoai có bờ biển dài, kín gió, là nơi neo đậu, trú bão cho ngư dân và là nơi sinh sản, trú ẩn của nhiều loài sinh vật biển. Từ những loài sinh vật phù du nhỏ bé cho đến những loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như: mực, tôm hùm, tôm tít, cá mú, cá bớp,… Biển Hòn Khoai có những bãi cát rộng. Khi thủy triều xuống, biển lặng, du khách có thể đi bộ trên bãi cát để tìm hiểu sự sống của các loài sinh vật biển và hít thở không khí trong lành của rừng, của biển. Vào ngày 27/04/1990, Di tích Hòn Khoai đã được bộ văn hóa thể thao và du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Cà Mau

Cà Mau 1278 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử Chùa Cao Dân

Chùa Saraymel Chey (Chùa Cao Dân) tọa lạc tại ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Chùa Cao Dân nằm cạnh quốc lộ 63 (thuộc địa phận ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình), cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 16 km về phía Bắc. Chùa Cao Dân được xây dựng năm 1922 trên diện tích 4 ha, ở ngã 3 rạch Đường Cày, do bà Diệp Thị Lài hiến. Lúc bấy giờ nhân dân thường gọi là Chùa Châu Trắng (Bạch Ngươu). Qua nhiều lần bị địch đốt phá, đến năm 1998, Chùa Cao Dân được xây dựng mới. Bên trong chánh điện chùa có một bàn thờ lớn, thờ duy nhất Phật Thích Ca. Đối diện với chánh điện là tháp Hoà thượng Hữu Nhem, được xây dựng năm 2003, cao 17m, diện tích 12 m². Năm 1954, Hiệp định Giơ – ne – vơ được ký kết, ta phải đưa một bộ phận cán bộ và con em cốt cán tập kết ra Bắc, chọn Chùa Cao Dân làm điểm tập trung học tập cho số cán bộ và con em cốt cán trong tỉnh để đưa ra miền Bắc. Số cán bộ cốt cán còn lại sử dụng hết mức thế hợp pháp, số cán bộ chưa bị lộ cài vào hàng ngũ của địch. Số cán bộ bị lộ chuyển vùng hoạt động hoặc rút vào bí mật. Các đoàn thể cách mạng cũng được sắp xếp lại và biến tướng cho phù hợp với tình hình lúc bấy giờ. Mặt khác, Chùa Cao Dân được sự chỉ đạo của Đảng dời ra cạnh lộ cầu số 6 (Quốc lộ 63), để tránh sự dòm ngó của địch. Đồng thời, có nhà cửa nhân dân làm lá chắn về an ninh để hoạt động dễ dàng hơn. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Ban Quản trị cùng các chư tăng, phật tử Chùa Cao Dân gắn bó mật thiết với cách mạng. Chùa Cao Dân là cơ sở bí mật của cách mạng. Trong đó, Hòa thượng Hữu Nhem, nguyên trụ trì chùa đã viên tịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng Khu Tây Nam Bộ, tích cực vận động các nhà sư, Ban Quản trị các chùa và đông đảo đồng bào dân tộc kinh - hoa - khmer ở địa phương tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Địch đã nhiều lần dội bom tàn phá ngôi chùa; nhiều chư tăng, phật tử đã anh dũng hy sinh. Ngày nay, tại Chùa Cao Dân vẫn còn nhiều hố bom chưa san lấp, như chứng minh sự tàn phá của kẻ địch không thể làm lu mờ tinh thần quật khởi, yêu nước của phật tử, chư tăng. Trong quá trình hình thành và phát triển, Chùa Cao Dân vừa làm nhiệm vụ giữ đạo, vừa làm tốt nhiệm vụ của người công dân yêu nước, luôn gắn bó với dân tộc và sự lãnh đạo của Đảng, của cách mạnh đã tạo được những thành quả rất đáng trân trọng. Đồng thời, không tách rời khối đại đoàn kết toàn dân tộc để tham gia vào sự nghiệp đấu tranh chống Pháp và Mỹ xâm lược, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 29/12/2017, Chùa Cao Dân được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích quốc gia. Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Cà Mau

Cà Mau 1508 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích lịch sử Đầm Dơi – Cái Nước – Chà Là

Địa điểm chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, thuộc ấp Chà Là, xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Tháng 9/1963, Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu (T3), Tỉnh ủy và Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau chủ trương mở chiến dịch tấn công quân sự, nhằm tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy, mở rộng vùng giải phóng Nam Cà Mau, Cái Nước và Đầm Dơi là hai chi khu (quận lỵ) ở phía Nam Cà Mau, cách nhau 20km được chọn làm mục tiêu chính. Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định tiêu diệt Chi khu Đầm Dơi và Cái Nước trong một đêm, tiến công các đồn bót xung quanh, chặn đánh địch tăng viện. Cùng lúc đẩy mạnh tấn công các hậu cứ, sân bay, sở chỉ huy địch ở Cần Thơ, Sóc Trăng và các tỉnh. Tiến công địch bằng 3 mũi giáp công, nhổ đồn bót, phá ấp chiến lược. Thời gian nổ súng tiêu diệt hai chi khu được quy định thống nhất vào đêm ngày 9 rạng sáng ngày 10 tháng 9/1963 Chi Khu Đầm Dơi và Cái Nước, được xây dựng với kết cấu vững chắc từ năm 1955. Nơi đây trở thành nơi phòng thủ nghiêm ngặt của quân địch với hệ thống bảo vệ phức tạp; bao gồm rào chắn thép, bãi mìn, và tháp canh chiến lược,…. Tại Chi Khu Đầm Dơi, Tiểu đoàn U Minh 1 đã tiến hành chiến thuật tấn công đầy can đảm và thông minh. Trải qua hai giờ đồng hồ ác liệt, quân dân nơi đây đã phá hủy chiến khu Đầm Dơi, tiêu diệt 110 kẻ địch, bắt sống 48 tên và thu giữ nhiều vũ khí quân sự. Chiến thắng ở Cái Nước cũng không kém phần ấn tượng. Tiểu đoàn 306 đã tấn công mạnh mẽ vào đêm 10/9/1963. Kết quả là đã tiêu diệt được 92 kẻ địch, bắt sống 84 tên và thu giữ nhiều vũ khí quân sự quan trọng. Chà Là cũng là một địa điểm hứng chịu một cuộc tấn công toàn diện của quân đội ta. Sau hơn 3 giờ đấu tranh ác liệt, quân đội ta đã hủy hoại căn cứ Chà Là và đánh bại hoàn toàn quân địch. Kết quả là bắt sống 30 tên địch và thu giữ được nhiều loại vũ khí. Các trận đánh này không chỉ diệt quân địch mà còn góp phần phá tan chiến thuật “trực thăng và dù” của quân đội Mỹ. Những trận thắng ấy không chỉ mở rộng vùng giải phóng; mà còn là minh chứng rõ nét nhất cho sức mạnh và tình thần đấu tranh của quân dân miền Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Chiến thắng Đầm Dơi – Cái Nước - Chà Là là một thành công lớn của quân dân ta trong việc thực hiện phương trăm “hai chân, ba mũi” (vũ trang - chính trị - chính trị - binh vận), phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là là hai trong bảy trận thắng lớn của quân nhân miền Nam trong năm 1963, ta đã tiêu diệt nhiều địch, gỡ nhiều đồn bót và phá tan từng ấp chiến lược, vùng giải phóng được mở rộng, trận Chà Là không những loại địch ra khỏi vòng chiến đấu mà còn góp phần đánh bại chiến thuật “trực thăng vận và quân dù” của Mỹ - ngụy. Ngày 18/8/2016, di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Đầm Dơi – Cái Nước – Chà Là được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Cà Mau

Cà Mau 1380 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích Làng rừng Vồ Dơi

Địa điểm Làng rừng Vồ Dơi, thuộc ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Hiện nay, Địa điểm Làng rừng Vồ Dơi đã trở thành Vườn Quốc gia U Minh Hạ và nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Làng rừng Vồ Dơi được thành lập từ những năm đầu cuối của thập kỷ 50 của thế kỷ 20. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đế quốc Mỹ tăng cường xây dựng bộ máy cai trị tay sai nhằm biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Tại Cà Mau, chính quyền Ngô Đình Diệm cũng bắt đầu đưa quân đóng lại các đồn bót ở khắp nơi trong tỉnh và dựng lên bộ máy cao trị từ tỉnh đến xã, ấp vốn là vùng giải phóng trước đây để tiến hành bắt bớ, khủng bố những người tham gia kháng chiến, kềm kẹp và đàn áp nhân dân, tiêu diệt lực lượng cách mạng. Đồng thời, Mỹ - Diệm tăng cường dồn dân vào các “khu dinh điền”, “khu trù mật”, tổ chức kiểm soát dân bằng nhiều hình thức rất gắt gao với mục đích chia tách cán bộ cách mạng và nhân dân “tách cá ra khỏi nước”, làm cho quần chúng xa rời cách mạng, chặn nguồn tiếp tế và cô lập, thủ tiêu lực lượng cán bộ, chiến sĩ của ta. Các “khu trù mật”, “khu dinh điền” do địch dựng lên với hàng trăm điều cấm kỵ, bức ép kềm kẹp đời sống nhân dân, nên khi được chủ trương của Đảng chỉ đường, quần chúng nhân dân hết lòng ủng hộ, họ đã rời làng quê cũ đi vào rừng để lập làng mới hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, đứng lên làm cách mạng. Làng rừng Vồ Dơi hình thành với hàng trăm ngôi nhà sàn được xây dựng bằng gỗ tràm tập trung theo từng cụm dân cư ở các gò cao trong rừng. Từ chợ muốn vào làng rừng phải qua nhiều kênh rạch. Đến bìa rừng xem như trạm tiếp nhận. Từ đó phải luồn rừng đi bộ 7 – 8 km mới đến được căn cứ. Nhà ở trong làng rừng thường có diện tích 20 – 25m2, có nhà đông người thì diện tích 40 – 50m2, được dựng toàn bộ bằng cây tràm, ván tràm, mái lợp bằng vỏ tràm. Để bảo vệ căn cứ, người dân đến những cánh rừng xa, lựa cây tràm lớn và khi khoanh vỏ để lột, chừa lại lớp vỏ mỏng sát thân để cây không bị chết. Khoanh vỏ tràm chiều dài khoảng 0,6 – 0,8m. Khi trải ra, bề rộng khoảng 0,4 – 0,5m, lợp nhà ở được từ 2 - 3 năm. Có những nhà dùng lá cây mật cật (loại lá làm nón) chằm lại thành tấm để lợp và dừng vách. Những nhà làm gấp lợp bằng nilon phía trên phủ lá dớn, choại, ở tạm thời gian ngắn. Những nhà có điều kiện xả ván tràm, mốp… để lót sàn nhà. Từ nhà này sang nhà kia được bắc cầu bằng cây tràm. Bên cạnh mỗi nhà, có một giếng nước uống, giếng nước này không phải đào mà dùng dao chặt hết lớp rễ cây bề mặt khoảng 1m2, vét lá ủ là có nước. Những giếng hơi xa hơn cũng làm tương tự nhưng lớn hơn dùng để tắm giặt. Vào mùa khô đào sâu đến 0,4 – 0,5m để lấy nước. Hầu như không nhà nào có dụng cụ trữ nước như lu, khạp, thùng chứa… Về tổ chức của làng rừng, ngoài các yếu tố của làng còn hình thành ban quản lý có người chỉ huy, tổ chức lãnh đạo, tổ chức sinh hoạt, đời sống, bảo vệ, xây dựng thực lực… như chi bộ, các đoàn thể quần chúng, các tổ sản xuất, tổ canh gác, tổ công trường (làm vũ khí), tổ y tế, tổ giáo dục, văn nghệ… Tại làng rừng, tình quân dân là một khối đoàn kết thống nhất, mọi người chỉ nghĩ đến cái chung, vì cái chung, đặt lợi ích của cách mạng lên trên hết. Làng rừng tồn tại đến năm 1960, khi phong trào Đồng Khởi được phát động, lực lượng cách mạng của ta trong Làng rừng kết hợp với lực lượng cách mạng bên ngoài đồng loạt tiến công địch, giải phóng nhiều vùng nông thôn trong tỉnh. Sau Đồng khởi, lực lượng vũ trang toả ra và nhân dân trở về quê cũ làm ăn sinh sống, tiếp tục đóng góp cho cách mạng sức người sức của trong giai đoạn mới. Ngày 20/6/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Di tích quốc gia đối với Địa điểm Làng rừng Vồ Dơi. Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Cà Mau

Cà Mau 1277 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Bến tàu không số Vàm Lũng

Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là nơi ghi nhận những chiến công thầm lặng của các chiến sĩ trên “Đoàn tàu không số” đã vượt hàng ngàn kilomet đường biển, chuyên chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lập nên kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển. Do những yêu cầu bức thiết về vũ khí, đạn dược tiếp tế cho chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị cho các tỉnh Nam Bộ chuẩn bị bến bãi, tổ chức lực lượng tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc cho miền Nam. Cửa Vàm Lũng là tên gọi của nhân dân địa phương, trên bản đồ ghi là sông Năng, được bắt nguồn từ biển Đông, phía ngoài ven biển có bãi bùn, bên phải có rạch Xẻo Lở. Cửa Vàm Lũng rộng trên 100 m và có độ sâu từ 4-5 m nước, thuận tiện cho tàu chở trên 30 tấn ra vào dễ dàng. Ngày 11/10/1962, chuyến tàu đầu tiên của “đoàn tàu không số”, mang phiên hiệu “Phương Đông 1” chở 30 tấn vũ khí từ bến Đồ Sơn, Hải Phòng mở đường vào Nam. Ngày 16/10/1962, tàu Phương Đông 1 do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy vượt qua hàng nghìn hải lý trước sự theo dõi, bao vây của tàu địch nhưng vẫn cập bến Vàm Lũng an toàn. Đây là chuyến tàu của “Đoàn tàu không số” khai thông tuyến vận tải chiến lược trên biển Đông – đường Hồ Chí Minh trên biển. Sau khi sự kiện tàu “Phương Ðông 1” về bến thành công, những con tàu “Phương Ðông 2”, “Phương Ðông 3”, “Phương Ðông 4” tiếp tục cập Bến Vàm Lũng để đưa hàng trăm tấn vũ khí từ miền Bắc chuyển vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Tính đến cuối năm 1970, Bến Vàm Lũng đã tiếp đón trên 70 chuyến tàu với hơn 4.400 tấn vũ khí, đạn dược. Nhờ địa hình hiểm trở, cùng với mạng lưới kinh rạch chằng chịt, bên trên là những cánh rừng đước, rừng mắm che phủ tạo điều kiện lý tưởng cho các chiến sĩ cách mạng dễ dàng vận chuyển và cất giấu vũ khí. Bên cạnh đó, sự đùm bọc, che chở của Nhân dân Rạch Gốc như những “luỹ sắt, thành đồng” để bảo vệ cách mạng. Nhờ vậy mà trong hơn 10 năm hoạt động (1962-1972) các cơ sở hoạt động của ta đã được bảo vệ an toàn, mặc dù nơi đây nằm không xa chi khu quân sự của địch ở Năm Căn. Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng cũng gắn liền với sự kiện ra đời của đơn vị quân đội mang phiên hiệu “Ðoàn 962” (được thành lập vào ngày 19/9/1962) với nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các chuyến tàu vào – ra bến bãi, bí mật tiếp nhận, cất giấu vũ khí và vận chuyển vũ khí đến các đơn vị quân giải phóng phục vụ chiến đấu. Ðoàn 962, sau này là Trung đoàn 962 đã 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”. Do yêu cầu đặc biệt trong giai đoạn chiến tranh, phải giữ bí mật, an toàn tuyệt đối cho các hoạt động tổ chức vận chuyển vũ khí, quân trang, quân dụng từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam nên các hiện vật không được lưu giữ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một xác tàu 69 đã bị hư hỏng của đoàn 962, nằm tại ngọn Xẻo Già cách bến khoảng 8 km về hướng Tây. Để ghi nhớ, vinh danh những chiến công vang dội, bất tử của Đoàn tàu không số, Tượng đài chiến thắng Đường Hồ Chí Minh trên biển; Nhà trưng bài tư liệu truyền thống và một số công trình có liên quan được xây dựng tại Bến Vàm Lũng. Ngày 23-10, Khu Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nguồn: Du lịch Cà Mau

Cà Mau 1284 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Làng Tân Hưng

Đình Tân Hưng là nơi treo cờ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên tại Cà Mau (năm 1930) và còn là nơi đóng quân của Bộ chỉ huy Mặt trận Tân Hưng, mặt trận chống Pháp tại Cà Mau. Đình Tân Hưng tọa lạc tại ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau. Đình Tân Hưng là một ngôi đình cổ thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh, được người dân xây dựng vào năm 1907. Tuy nhiên, do thời gian và chiến tranh, đình bị phá hủy hoàn toàn. Trên nền đất cũ, người dân địa phương cho dựng một ngôi đình khác nhỏ hơn. Năm 2014, di tích đình Tân Hưng được nâng cấp, phục dựng gồm nhiều hạng mục, công trình. Đình chính gồm một gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, trên nóc đúc hai rồng chầu. Trước đình là bức bình phong bằng gạch đắp hình hổ, hai bên có hai trụ gạch vuông, đỉnh trụ đắp hai bông sen đá. Hai bên sân có hai miếu nhỏ thờ Thần Nông và Thổ Thần. Gian thờ chính của đình thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh, được bố trí uy nghi với những bệ trưng bày gươm giáo, trống đình, hình ảnh rồng, hạc. Đình Tân Hưng còn có gian thờ ảnh Bác Hồ, được đặt ở vị trí trang trọng. Đình Tân Hưng từng được vua Tự Đức sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng vào năm Tự Đức thứ 5 (1852). Những vị cao niên trong vùng kể rằng trên sắc thần của vua Tự Đức ghi 8 chữ “Chánh trực – Hựu hiền – Đôn ngưng – Chi thần”. Sắc thần nay đã thất lạc do chiến tranh loạn lạc, trong đình chỉ còn lưu giữ ống đựng sắc thần khắc hình rồng uốn lượn. Hàng năm, cứ đến mùng 10 và 11 tháng 5 âm lịch, người dân trong vùng và khách du lịch khắp nơi về đây tham dự lễ Kỳ yên tại đình Tân Hưng. Ngoài ý nghĩa tâm linh, tỏ lòng thành kính đối với các vị thần, thành hoàng phò hộ, lễ Kỳ yên còn nhằm tưởng nhớ đến những người có công với nước, đã ngã xuống trên mảnh đất này. Đình Tân Hưng có ý nghĩa giá trị văn hóa – lịch sử to lớn. Đồng thời, là hình ảnh của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của tỉnh Cà Mau, miền đất cực nam của Tổ quốc. Từ bao đời nay, với người dân địa phương ngôi đình là nơi họ gửi gắm những ước mơ, nguyện vọng về một cuộc sống yên bình, ấm no và hạnh phúc. Không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân trong vùng, đình Tân Hưng còn là ngôi đình nổi tiếng trong lịch sử đấu tranh của nhân dân Cà Mau. Đình Tân Hưng là nơi đầu tiên của tỉnh diễn ra sự kiện treo cờ Đảng Cộng sản Đông Dương (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) trên ngọn cây dương trước đình. Lá cờ đỏ búa liềm có dòng chữ: “Diệt trừ Pháp tặc”. Lần đầu tiên nhân dân Cà Mau được thấy cờ Đảng công khai xuất hiện. Và cũng tại đây, ngày 1/3/1946, Mặt trận Tân Hưng được thành lập. Với ý nghĩa ghi dấu nhiều sự kiện cách mạng lịch sử, ngày 4/8/1992, đình Tân Hưng được xếp hạng Di tích lịch sử – Văn hóa Quốc gia, trở thành “địa chỉ đỏ” để thế hệ trẻ đến tìm hiểu, học tập về những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống đấu tranh bảo vệ đất nước mà cha ông ta đi trước đã để lại. Nguồn: Du lịch Cà Mau

Cà Mau 1344 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích Hòn Đá Bạc

Hòn Đá Bạc cách đất liền khoảng 500 mét, có diện tích 6,34 ha, nằm ở phía tây Bán đảo Cà Mau, thuộc địa phận ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Hòn Đá Bạc bao gồm Hòn Ông Ngộ, Hòn Đá Bạc, Hòn Đá Bạc Lẻ. Đỉnh cao nhất của hòn khoảng 50 mét so với mặt nước biển. Tuy không phải là một hòn đảo lớn nhưng Hòn Đá Bạc rất thuận tiện cho các loại phương tiện khai thác biển vào neo đậu và tránh gió bão. Cùng với Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc là một trong những cụm đảo có vị trí chiến lược về kinh tế – quốc phòng – an ninh trên vùng biển - đảo Cà Mau. Nhìn trên bản đồ, Hòn Đá bạc như một trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời, vùng biển phía tây nam Mũi Cà Mau. Hòn Đá Bạc – như tên gọi của nó – xung quanh hòn, trên mặt nước, dưới đáy biển hàng ngàn viên đá granit đủ mọi kích cỡ nằm chồng lên nhau tạo thành nhiều hình dáng như có sự sắp đặt của con người. Đi trên Hòn Đá Bạc, du khách bắt gặp bàn tay Tiên, dấu chân Tiên, giếng Tiên, bàn chân cọp. Trên đỉnh phía đông của Hòn Đá Bạc có các tảng đá to và bề mặt khá rộng. Khoảng giữa hai mảng đá có khuyết một hố sâu giống như hình bàn chân. Tương truyền rằng, dấu bàn chân ấy là bàn chân Tiên, còn mảng đá này là sân Tiên. Trên hòn có một vài ngôi chùa nhỏ như chùa Hang, chùa Tịnh độ. Đặc biệt, trên đỉnh cao nhất của Hòn Đá Bạc là đền thờ Ông Nam Hải - nơi thờ bộ xương cá Ông dài 13m. Ngày 20/5/1995, cá Ông dạt vào khu vực cửa sông Ông Đốc. Khoảng 3 ngày sau, Ông lụy (chết), ngư dân Sông Đốc đem chôn và đến năm 1996 đưa bộ xương về Hòn Đá Bạc để thờ cúng. Ngư dân vùng này mỗi khi đi biển gặp sóng to, gió lớn đều được cá Ông cứu giúp. Vì thế, ngư dân nơi đây thầm cảm ơn Ông và đem thờ Ông như một vị thần cứu nhân độ thế. Tương truyền, đền thờ Ông Nam Hải rất thiêng. Ngày nay, không chỉ ngư dân trong khu vực mà cả du khách thập phương nghe tiếng Ông linh thiêng đều kéo về cúng viếng và cầu mong Ông phù hộ độ trì cho gia đạo bình an, không gặp sóng gió, trắc trở. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địch đã chọn Hòn Đá Bạc làm nơi đóng Trung đội pháo 105 ly để khống chế vùng căn cứ cách mạng Khánh Bình Tây và tuyến ven biển phía Tây Cà Mau. Đây còn là địa điểm diễn ra chuyên án CM12, đánh bại âm mưu nhập biên phá hoại, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta của tổ chức phản động “Việt Nam phục quốc” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Ngày 22/6/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích: Hòn Đá Bạc - Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12 (9/9/1981- 9/9/1984) là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Bộ Công an và tỉnh Cà Mau đã xây dựng Tượng đài chiến thắng CM12, Nhà truyền thống, đền thờ Bác Hồ tại khu di tích nổi tiếng này. Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Cà Mau

Cà Mau 1353 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật