Di tích lịch sử

Đắk Lắk

DI TÍCH LỊCH SỬ TƯỢNG ĐÀI MẬU THÂN 1968

Tượng đài Mậu Thân 1968 tọa lạc tại Ngã ba Hòa Bình (km số 5), phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột, được lấy nguyên mẫu từ hình tượng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Thị Hường (má Hai), một trong những hình mẫu tiêu biểu cho hơn 10.000 người mẹ, người chị tham gia đoàn biểu tình tiến vào cửa ngõ thị xã Buôn Ma Thuột Mậu Thân 1968. Trong cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ta đã đánh chiếm và làm chủ một số vị trí quan trọng của địch trong thị xã, phối hợp chặt chẽ giữa quân sự, chính trị với binh vận, kịp thời sử dụng lực lượng nội tuyến tiêu diệt địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, đưa hàng vạn quần chúng xuống đường với khí thế quyết liệt,... Ghi nhớ lòng quả cảm kiên cường đấu tranh chống lại kẻ thù, sự hy sinh mất mát to lớn của các mẹ, các chị cùng đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk trong cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, sau ngày giải phóng, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai cho xây dựng khu mộ tập thể tại km số 7, phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột, là nơi những chiến sỹ cách mạng kiên trung và đồng bào các dân tộc trong tỉnh tham gia đợt tấn công biểu tình đã anh dũng hy sinh. Đồng thời tiến hành xây dựng Tượng đài Mậu Thân 1968 tại km số 5 (Ngã ba Hòa Bình) thuộc phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột. Tượng Đài Mậu Thân 1968 vì vậy ẩn chứa bên trong những giá trị to lớn, không chỉ có ý nghĩa về lịch sử mà còn mang tính giáo dục thời đại sâu sắc, là biểu tượng ca ngợi sự hy sinh anh dũng, cao cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Tượng Đài Mậu Thân 1968 đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh, ngày 24 tháng 6 năm 2014. Nguồn: Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk

Đắk Lắk 634 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Di tích lịch sử điểm cao 519

Di tích lịch sử Điểm cao 519 cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 72 km về hướng Đông, thuộc địa phận xã Eapil, huyện M đ rắk, tỉnh Đắk Lắk. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Điểm cao 519 có vị trí chiến lược quan trọng, được coi là cửa ngõ phía Đông nối với Đèo Phượng Hoàng và là trận địa của Trung đoàn 25 nên thường xuyên có các đơn vị bộ binh, pháo binh đóng giữ. Vì vậy, nơi đây đã diễn ra những trận đánh rất ác liệt giữa ta và địch nhằm bảo vệ tuyến phòng thủ, ngăn chặn địch tấn công từ Nha Trang lên hoặc chặn đánh địch trên đường rút lui. Điểm cao 519 là nơi ghi dấu những chiến công vẻ vang của Trung đoàn 25 thuộc Bộ Tư lệnh B3, Quân khu 5 đã kiên cường bám trụ, không ngại hi sinh vượt qua mọi khó khăn gian khổ, bảo vệ trọng điểm, đánh thắng nhiều trận liên tiếp trên nhiều vị trí, đảm bảo tuyến phòng thủ, chặn đầu, khóa đuôi và đánh quyết chiến điểm, góp phần quan trọng giải phóng Buôn Ma Thuột, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trung đoàn 25 Bộ binh cơ động thuộc Bộ Tư lệnh B3 được thành lập ngày 15/9/1972, đóng quân tại vùng H5. Ngày 25/02/1975, đơn vị nhận nhiệm vụ quan trọng là cắt đường 21 (nay là Quốc lộ 26) tại cao điểm 519 thuộc huyện Khánh Dương, Khánh Hòa (nay là huyện M Đ rắk - Đắk Lắk). Trước nhiệm vụ khẩn trương này, trong vòng một tuần, Trung đoàn đã cùng quân và dân các dân tộc huyện M’Đ rắk củng cố công sự, đào hầm kiên cố cho các vị trí quan trọng. Ngày 02/3/1975, các đơn vị áp sát đường 21, bố trí trinh sát bám địch, bám đường. Đúng 04 giờ 30 ngày 05/3/1975, Tiểu đoàn 631 nổ súng tiêu diệt gọn Đại đội Bảo an địch ở đồn Cư Sê, Tiểu đoàn 2 phá các lô cốt đầu cầu số 2, đồng thời, lực lượng công binh đánh sập cầu số 5, đường 26 bị cắt, làm cho địch không đi lại, tiếp ứng được, Tiểu đoàn 3 nhanh chóng chiếm cao điểm 519 và khống chế khu vực chân núi Cư Pa và cùng với các vị trí khác tạo thành tuyến phòng thủ: chặn đầu, khóa đuôi và đánh quyết chiến điểm. Sáng ngày 06/3/1975, địch nã pháo và huy động máy bay ném bom đồn Cư Sê và cao điểm 519, huy động Tiểu đoàn 207 pháo binh bắn trước rồi ồ ạt xông thẳng vào vị trí cầu số 2, bộ đội ta tấn công bất ngờ từ 3 phía không cho chúng rút, tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắt sống tên tiểu đoàn trưởng và thu nhiều vũ khí. Ngày 06/3/1975, quân ngụy cho tiểu đoàn thám kích lên mở đường. Sau 3 giờ chiến đấu, Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 25 đã tiêu diệt tiểu đoàn thám kích ngụy. Suốt 3 ngày từ ngày 07/3 đến ngày 10/3/1975, quân ngụy cho các Tiểu đoàn Bảo an 245, 228 đi từ Ninh Hòa lên mở đường, ứng cứu cho Buôn Ma Thuột nhưng không lên được. Ngày 20/3/1975, Trung đoàn 40 ngụy và quân dù được tung lên Khánh Dương hòng cứu vãn tình thế và lập lá chắn ngăn chặn quân ta tại đây. Tuy nhiên, chúng đã bị Sư đoàn 10 bộ binh của ta tiêu diệt. Nhân dân Khánh Dương đã cùng với quân chủ lực bao vây uy hiếp, diệt 2 tiểu đoàn 383, 264b, truy quét, bắt sống, gọi hàng gần 500 tên ngụy, phối hợp với quân chủ lực bắn rơi tại chỗ 5 máy bay, thu 20 đại bác. Nhân dân đã phá ấp, chủ động treo cờ giải phóng trước cả thời gian quân chủ lực xuất kích, mặt khác lực lượng huyện đã phối hợp tổ chức bao vây tiêu diệt trung đoàn 40 sư đoàn 22 ngụy, tấn công giải phóng quận lỵ Khánh Dương, các khu đồn bốt xung quanh quận lỵ, quần chúng nổi dậy giải phóng 18 ấp và 45 buôn còn lại của huyện. Đây là đợt tấn công nổi dậy mạnh nhất làm cho địch hoang mang, lúng túng, đánh trả không kịp. Ngày 22/3/1975, huyện M’Đ rắk được hoàn toàn giải phóng, đây chính là thắng lợi to lớn của quân và dân các dân tộc huyện M’Đ rắk, đã dũng cảm kiên trì bám trụ, kìm chân địch ở nhiều nơi, phối hợp lực lượng chiến đấu với các lực lượng vũ trang tấn công địch trong những ngày Tháng 3 lịch sử, góp phần cùng quân và dân trong tỉnh làm nên chiến thắng huy hoàng, tạo thế và lực mới cho cách mạng Miền Nam giành thắng lợi. Ngày 06/12/2016, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã xếp hạng Điểm cao 519 là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Nguồn: Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk

Đắk Lắk 1090 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN

Đền thờ Đức Thánh Trần tọa lạc tại số 291, đường Trần Hưng Đạo, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Năm 1947, trên một mảnh đất nhỏ ở thị trấn Buôn Hồ, huyện Krông Buk (nay là thị xã Buôn Hồ), nhân dân đã dựng Đền thờ Đức Thánh Trần để tỏ lòng thành kính, biết ơn và tôn vinh vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo - người có công lớn trong ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông, đã đi vào lịch sử, đi vào thế giới huyền thoại, thế giới tâm linh, trở thành vị “Thánh” thiêng liêng được toàn thể nhân dân thờ phụng, được dân gian phong là một trong “Tứ bất tử” của dân tộc Việt Nam. Ban đầu Đền được dựng tạm từ những cây rừng và vách ván, mái lợp tôn, chính giữa Đền đặt một trang thờ và treo bức tranh Trần Hưng Đạo bằng giấy. Ngay từ lúc mới hình thành, nhân dân đã bầu Ban quản trị Đền để phục vụ công tác quản lý, tế lễ, hương khói hàng tháng, hàng năm. Đến năm 1964, Ban quản trị Đền đứng ra khởi xướng, kêu gọi nhân dân thị xã Buôn Hồ quyên góp thêm tiền mua đất đai, vật liệu và dỡ bỏ ngôi Đền cũ, xây dựng Đền thờ Đức Thánh Trần bằng tường gạch, mái lợp tôn. Để có được khuôn viên và Đền thờ khang trang như ngày nay, Đền đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, mở rộng diện tích như: Năm 1972 cải tạo, mở rộng chánh điện; năm 2004 mua thêm đất; năm 2006 lát nền; 2012 làm sàn. Tuy nhiên, do được xây dựng trong hoàn cảnh đất nước đang xảy ra chiến tranh và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn khó khăn nên Đền thờ chưa thể xây dựng theo kiểu kiến trúc cổ truyền của một số Đền thờ Đức Thánh Trần ở Hải Dương, Hà Nội, Thanh Hóa, thành phố Hồ Chí Minh,... Hiện nay, Đền thờ Đức Thánh Trần nằm trong một khuôn viên rộng với tổng diện tích là 525,8m2, với các hạng mục: Cổng Đền, sân trước, Đền thờ, sân sau. Nơi thờ chính của Đền là Nội điện (hậu cung), được xây dựng lồi ra phía sau so với Tiền đường, không được chia ra nhiều gian và cũng không có cửa khép kín như ở các ngôi Đền ở các tỉnh phía Bắc mà chỉ gồm một gian được thông thẳng với gian giữa Tiền đường. Nội điện không có cửa khép kín mà được trang trí bằng viền khung gỗ với hoa văn rồng mây ở lối đi vào, hai bên treo hai câu đối: “Bạch Đằng Vạn Kiếp dân Việt nhớ ơn. Hàm Tử Chương Dương quân Nguyên khiếp vía” Bức hoành phi cao 60 cm, rộng 3,6 m, sơn son với 4 chữ Hán: “Trần triều hiển thánh” được treo trang trọng ngay trên cửa vào Nội điện. Hương án ở Nội điện gồm có 3 tầng: Tầng trệt là nơi thờ Ngũ hổ (biểu tượng cho sức mạnh thiêng liêng có thể diệt trừ ma tà, trấn giữ các phương, là thần linh canh cửa ở các ngôi Đền) với hai bức tranh Ngũ hổ và một đỉnh đồng được đặt chính giữa trang thờ, hai bên đặt hai chân nến bằng đồng và một tượng Hổ bằng đồng để mong cầu no đủ, an lành; Tầng thứ hai của hương án Nội điện cao 50 cm, rộng 1,8 m, đây là nơi đặt bát nhang và một Ấn Đền Trần được lồng trong một khung kính với chiều ngang 30 cm, chiều cao 60 cm. Đây là Ấn Đền Trần được nhà báo Trần Quang Tuấn thỉnh từ Đền Trần của tỉnh Nam Định đem về tặng lại cho Ban Quản lý Đền thờ Đức Thánh Trần ở Đắk Lắk vào Tết năm 2016. Trên trang thờ cũng đặt hai chân nến và một đỉnh trầm bằng đồng được trang trí hình Lân tượng trưng cho sự thông minh, sức mạnh, kiểm soát tâm hồn người đến hành lễ; Tầng thứ ba – tầng cao nhất của hương án chính là nơi đặt tượng Trần Hưng Đạo bằng thạch cao, tượng cao khoảng 1,1 m, bề ngang khoảng 50 cm, được đặt trên một đế tượng dày 60 cm, cao 20 cm. Tượng được đúc ở thế ngồi trên ghế Rồng, tay cầm kiếm, với trang phục màu đỏ và nét mặt uy nghiêm để thể hiện sức mạnh, ý chí, tinh thần chống giặc ngoại xâm của một thiên tài quân sự Việt Nam. Bên trái của tượng Trần Hưng Đạo đặt một cây kiếm, một bộ quan phục cùng với một đôi hài vải thêu hoa văn trang trí và một tủ kính đựng lễ phục màu vàng. Hai bên của tượng Trần Hưng Đạo còn đặt tượng hai con Kỳ Lân bằng gỗ (trong văn hóa Việt Nam thì Kỳ Lân cũng là con vật báo hiệu điềm lành, là biểu tượng cho sự trường thọ, sự nguy nga đường bệ và niềm hạnh phúc lớn lao). Đặc biệt, hai bên hương án còn dựng hai thành đao bằng đồng có hoa văn trang trí hình rồng và cao khoảng 1,8 m để tăng thêm vẻ uy nghi, tôn nghiêm cho điện thờ trong Nội điện. Đền thờ Đức Thánh Trần là nơi thờ vọng để tưởng nhớ công ơn của người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Trong kháng chiến chống Mỹ, Đền thờ Đức Thánh Trần là một địa điểm cung cấp, tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho cách mạng, chủ yếu là cung cấp cho các đội công tác dọc tuyến H4 (mật danh của các huyện Buôn Hồ, Krông Năng, Krông Buk). Ngoài ra, Ban Quản trị Đền do các cụ Đặng Văn Đậu, Năm Phụng, Hà Hạnh,… đã vận động, kêu gọi chủ đồn điền cà phê Rossi đứng ra móc nối với lực lượng Bảo An tại khu vực H4 để che giấu cho việc tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược tại Đền thờ Trần Hưng Đạo trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Với ý nghĩa đó, ngày 29/9/2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã xếp hạng Đền thờ Đức Thánh Trần là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Nguồn: Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk

Đắk Lắk 1106 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Di tích lịch sử đồn điền CADA

Di tích lịch sử đồn điền ca da trải dài từ km 18 đến km 47 dọc hai bên quốc lộ 26 thuộc xã Ea Kênh và Ea Yông, huyện Krông Pắk. Ca da là chữ viết tắt của Công ty Nông nghiệp Á Châu, do người Pháp xây dựng vào năm 1922 để trồng cà phê, chè. Ca da là nơi thực dân Pháp mở đầu cho việc cướp đoạt đất đai để khai thác tài nguyên một cách quy mô trong quá trình khai thác thuộc địa ở Đắk Lắk, việc lập đồn điền và du nhập chủ nghĩa tư bản thực dân đã phá vỡ nền kinh tế truyền thống của các dân tộc thiểu số nơi đây. Quá trình khai thác mạnh nhất của thực dân Pháp tại Đồn điền ca da bắt đầu từ năm 1925 đến năm 1934, chúng bóc lột công nhân bằng đồng lương rẻ mạt và đối xử vô cùng tàn nhẫn. Chính trong thời điểm này, giai cấp công nhân đã ra đời và phát triển mạnh mẽ. Năm 1940, Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên được thành lập tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, chính nơi đây ngọn lửa, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam được nhen nhóm, làm nòng cốt lan rộng khắp nơi, đóng vai trò hết sức to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc ở Đắk Lắk. Cuối năm 1944, Chi bộ Nhà đày đã xây dựng được những cơ sở trong đồn lính khố xanh, thành lập một số tổ chức bán hợp pháp để hoạt động lan toả khắp các đồn điền mà mạnh nhất là đồn điền ca da. Năm 1945, ca da – nơi có phong trào và tổ chức vững mạnh được Ban Chấp hành lâm thời chọn giao nhiệm vụ nòng cốt trong cuộc khởi nghĩa. Ca da cũng là nơi huấn luyện, tập hợp lực lượng để cướp chính quyền đầu tiên và là hậu cứ tiếp tục chiến đấu nếu cuộc khởi nghĩa chưa thành công. Các tổ chức bí mật cũng được thành lập, với những đồng chí trung kiên như: Trần Thử, Trần Phòng, Mai Nguyên, Trần Cối, Nguyễn Tâm Thu và Trần Thị Thủy. Cũng chính nơi đây, bộ máy cai trị của thực dân Pháp sau hơn 40 mươi năm xây dựng đã bị sụp đổ đầu tiên ở Đắk Lắk. Quá trình ra đời và trưởng thành của công nhân đồn điền Ca da đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Đắk Lắk, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 ở tỉnh Đắk Lắk. Sau ngày đất nước thống nhất, Đồn điền Ca da được giao cho Công ty Nông nghiệp Đắk Lắk quản lý, trên cơ sở đó năm 1977 Nông trường cà phê Phước An được thành lập, tiếp đó tháng 5/1989 Nông trường cà phê Tháng 10 ra đời. Hai Nông trường này đã có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk nói chung và huyện Krông Pắk nói riêng. Với giá trị lịch sử và hiện trạng của Đồn điền ca da, ngày 26/01/1999, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ban hành Quyết định số 02/1999/QĐ-BVHTT xếp hạng Di tích lịch sử ca da, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk là Di tích quốc gia. Nguồn: Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk

Đắk Lắk 1242 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm các chiến sỹ Nam Tiến

Di tích Địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Nam tiến Toạ lạc tại số 5 Lê Duẩn, thành phố Buôn Ma Thuột, là nơi ghi dấu sự kiện 01/12/1945 ( ngày 27 tháng 10 năm Ất Dậu). Chi đội Nam tiến là đơn vị giải phóng quân được thành lập đầu tiên tại Thủ đô Hà Nội. Lực lượng chủ yếu là công nhân, thanh niên xung phong với tuổi đời chưa đến 30, làm việc ở các nhà máy, công xưởng, có nhiệm vụ vừa bảo vệ thành quả cách mạng Việt Nam sau ngày 02/9/1945, vừa huấn luyện cấp tốc để bổ sung lực lượng cán bộ cho Miền Nam. Nhận nhiệm vụ, Chi đội Nam Tiến lên đường tiến vào Nam, sau một thời gian hành quân vất vả, vào khoảng 10 giờ ngày 01/12/1945, đoàn quân Nam tiến có mặt tại thị xã Buôn Ma Thuột và nghỉ chân tại đồn Bảo An binh (nay là Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Nam tiến tại Buôn Ma Thuột). Khoảng 15 giờ ngày 01/12/1945 (nhằm ngày 27/10 năm Ất Dậu), thực dân Pháp đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột, bắt đầu cho cuộc tái chiếm Đắk Lắk. Cuộc chiến đấu không được chuẩn bị trước của quân và dân Đắk Lắk đã diễn ra trên khắp mọi ngả đường, tuyến phố. Bằng mọi phương tiện, vũ khí có trong tay, quân dân ta đã ngoan cường chiến đấu chặn bước tiến của địch. Lực lượng của ta lúc bấy giờ chỉ được trang bị mỗi chiến sỹ một khẩu súng trường, vài chục viên đạn, nhưng tất cả rất kiên cường chống trả. Tuy ở thế yếu, lực lượng mỏng, lại bị động đối phó nhưng các chiến sĩ vẫn rất kiên cường, dũng cảm chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Sau đó thực dân Pháp tiếp tục tiến quân vào trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột và các ngả đường làng Lạc Giao lúc bấy giờ, đi đến đâu chúng dùng súng nã đạn, pháo cối gây thương vong cho rất nhiều người dân chạy loạn, nhất là phụ nữ, người già và trẻ em của làng Lạc Giao. Sự kiện ngày 01/12/1945 (nhằm ngày 27/10 năm Ất Dậu) là sự mất mát rất lớn, niềm thương tiếc vô hạn đối với cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Khâm phục trước tinh thần chiến đấu dũng cảm, tấm gương anh dũng hy sinh của hơn 100 chiến sĩ Nam Tiến và thương tiếc đồng bào làng Lạc Giao tử nạn, Nhân dân làng Lạc Giao đã lấy ngày 27/10 Âm lịch hằng năm làm Ngày Tưởng niệm các chiến sĩ Nam Tiến hy sinh và đồng bào làng Lạc Giao tử nạn năm 1945. Di tích Địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Nam tiến tại Buôn Ma Thuột được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia, là một trong những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần quật khởi, kiên cường, anh dũng trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm của ông cha ta cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Nguồn: Bảo tàng Đắk Lắk

Đắk Lắk 1199 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Hang đá Dak Tuar

Di tích lịch sử Hang đá buôn Dăck Tuar (Đắk Tuôr) thuộc xã Cư Pui, huyện Krông Bông, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 80 km về hướng Đông Nam. Tổng diện tích khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích là 5,6 ha. Hang đá được cấu tạo từ những tảng đá hình khối lồi lõm, không đều nhau, nằm sâu trong lòng các ngọn núi của dãy Cư Yang Sin, vị trí hiểm trở, đi lại khó khăn nên đã trở thành một nơi làm việc, trú ẩn, hoạt động cách mạng kín đáo, an toàn và bí mật của cán bộ, chiến sĩ một số ban ngành tỉnh Đắk Lắk và đồng bào M’nông huyện Krông Bông trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hang đá Dak Tuar từng là căn cứ của lực lượng chủ lực Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam và đặt cơ quan tỉnh ủy Đăk Lăk của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt nhiều năm chiến tranh Việt Nam. Theo đó, nơi đây có nơi ở và làm việc của ông Huỳnh Văn Cần (bí thư Tỉnh ủy Đảng Cộng sản tại Đăk Lăk), Hội trường Tỉnh ủy và từ nơi đây, Tỉnh ủy Đảng CSVN tại Đăk Lăk đã lãnh đạo người dân tộc mà phần lớn là người M Nông thuộc khu căn cứ H9 (buôn Đăk Tuar) chiếm được một vùng đất rộng lớn về phía Đông của tỉnh năm 1965, nay thuộc huyện Krông Bông và "Quân đội Mỹ nhiều lần ném bom và hành quân càn quét nhưng đều thất bại". Di tích lịch sử Hang đá buôn Dăck Tuar (Đắk Tuôr) đã đi vào trang sử hào hùng của quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, gắn liền với sự chỉ đạo của Đảng, góp phần đập tan âm mưu, chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ, khẳng định thêm đường lối chiến tranh Nhân dân là hoàn toàn sáng suốt. Di tích trở thành địa chỉ đỏ, phản ánh truyền thống son sắt thủy chung của đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk nói chung, sự hi sinh cao cả của những chiến sĩ cách mạng đồng bào M’nông nói riêng, tiêu biểu là đồng chí Y Ơn – người đã anh dũng hi sinh trước mũi lê tàn bạo của kẻ thù. Ngày nay, Di tích đã trở thành địa chỉ lịch sử mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Vào các ngày lễ lớn trong năm, các tổ chức, đoàn thể, Nhân dân tỉnh Đắk Lắk thường xuyên tổ chức hoạt động "về nguồn", thăm lại chiến trường xưa và tổ chức các Lễ kết nạp đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tại Di tích . Hang đá buôn Dăck Tuar (Đắk Tuôr) được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia ngày 03/8/1991 . Nguồn: Tổng hợp báo du lịch tỉnh Đắk Lắk

Đắk Lắk 980 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Tòa Giám mục Ban Mê Thuột

Tòa giám mục Buôn Ma Thuột là một công trình tôn giáo cổ có địa chỉ tại số 104 Phan Chu Trinh, ngay gần trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Đây là địa chỉ sinh hoạt tôn giáo của giáo dân và cũng là một điểm tham quan du lịch nổi tiếng của thành phố. Cơ sở này ban đầu là tu viện do các nữ tu dòng Biển Đức xây dựng vào năm 1956. Về sau, tu viện này được Đức cha Paul Seitz Kim mua lại và thành lập giáo phận mới. Năm 1967, Giáo phận Buôn Ma Thuột được thiết lập và tu viện mang tên mới là Tòa giám mục Buôn Ma Thuột. Tòa giám mục Buôn Ma Thuột là một quần thể gồm nhiều công trình như nhà nguyện, nhà khách, nhà quản lý, nhà ở và sinh hoạt... nằm trong khuôn viên rộng rãi với nhiều cây xanh. Các công trình đều được thiết kế và xây dựng theo phong cách kiến trúc của các dân tộc Tây Nguyên, trong đó, nhà nguyện là công trình lớn và độc đáo nhất. Công trình được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, mái lợp ngói vẩy cá. Phần chính là thánh đường được lấy cảm hứng theo mặt bằng nhà dài, phần mái mang nét kiến trúc nhà rông. Mặt bằng công trình cao hơn nền đất tự nhiên, theo kiểu nhà sàn để tránh ẩm thấp và mối mọt. Theo đó, mặt bằng nhà nguyện được sắp xếp với cầu thang chính, sảnh chính hướng từ đầu hồi của công trình tiếp giáp với lối vào từ phía cổng. Bên trong nhà nguyện được chia làm 2 phần, phía trước là khu vực hành lễ của giáo dân, phía sau là khu vực hành lễ dành cho nữ tu. Ngăn cách giữa 2 khu vực là bàn thờ đặt chính giữa không gian. Thánh giá được treo lên cao để có thể nhìn được từ 2 hướng ngược nhau. Hệ thống khung kết cấu gỗ được thiết kế khoa học, giàu tính thẩm mỹ, tạo nên một khung mái chắc chắn đỡ bộ mái ngói lớn, và cũng đem lại sự tinh tế, uyển chuyển của không gian nội thất. Ánh sáng công trình được khai thác từ hai bên tường dài với những ô cửa gỗ kính cao từ sàn tới đuôi mái. Các kiến trúc trong Tòa giám mục được kết nối liên hoàn với nhau, hài hòa cùng hoa viên, cây xanh. Ở đây còn có một tháp chuông được thiết kế theo hình tượng mái nhà rông Tây Nguyên. Tòa giám mục Buôn Ma Thuột là ngôi nhà chung của Giáo phận Buôn Ma Thuột. Hằng ngày, nhà nguyện có một thánh lễ được cử hành. Vào các ngày đại lễ như Phục sinh, Giáng sinh, thánh lễ sẽ được cử hành nhiều hơn. Đây cũng là một điểm tham quan thu hút khách của thành phố Buôn Ma Thuột. Nguồn: Ban công giáo, giáo phận Buôn Ma Thuột

Đắk Lắk 1118 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Chùa Sắc tứ Khải Đoan

Chùa Sắc tứ Khải Đoan tọa lạc ở số 117 đường Phan Bội Châu, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Chùa thường được gọi là chùa Lớn hay chùa Tỉnh, hướng mặt Tây Nam, nhìn xuống suối Đốc Học. Khải Đoan là ngôi chùa Sắc tứ cuối cùng của nhà Nguyễn, là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật giáo thời kỳ Chấn hưng Phật giáo Việt Nam ở Tây Nguyên, vùng đất Hoàng triều cương thổ thời Bảo Đại. Chùa do Đoan Huy Hoàng thái hậu Hoàng Thị Cúc (chính phi của Vua Khải Định) mẹ vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý cùng một số Phật tử phát tâm xây dựng cho Giáo hội Tăng già Trung Việt. Hòa thượng Thích Trí Thủ cử trưởng tử là thầy Thích Đức Thiệu chỉ đạo việc xây cất chùa trên khu đất rộng gần 7 mẫu 8 sào 28m2 và làm trụ trì đầu tiên. Năm 1951, chùa xây phần hậu tổ và nhà giảng, đến năm 1953 xây chính điện. Tên Khải Đoan là ghép từ hai chữ Khải Định - Đoan Huy. Ngày 29-6-1953 (19-5 năm Quý Tỵ), ngài Narada Thera (Tích Lan) đã cung thỉnh ngọc Xá lợi Phật dâng đức Từ Cung tại Buôn Ma Thuột. Dự lễ có Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, cùng chư tăng, Phật tử và đông đảo nhân dân chiêm bái Xá lợi Phật và đỉnh lễ cầu nguyện cho đất nước hòa bình. Chùa được xây dựng bởi những bàn tay khéo léo của những người thợ cố đô Huế nên có kiến trúc nhà rường Huế xen lẫn với kiến trúc địa phương. Cổng chính theo hướng Tây Nam nhìn ra đường Quang Trung, hướng về thung lũng 'Suối Đốc Học'. Trước và sau cổng đều ghi 'Khải Đoan Tự'. Chánh điện là công trình chính của chùa với mặt bằng 320m2 được chia làm hai phần. Nửa phần trước mang dáng dấp nhà dài Tây Nguyên nhưng cấu trúc cột kèo theo kiểu nhà rường Huế. Nửa sau được xây theo lối hiện đại. Đáng chú ý nhất trong chánh điện là tượng Phật Thích Ca ở giữa và chiếc chuông đồng đặt ở gian bên phải. Tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao 1,1m, đài sen bằng gỗ cao 0,35m được trang trí công phu, chiếc chuông đồng cao 1,15m, chu vi đáy 2,7m, nặng 380kg được đúc tháng 1 năm 1954 (tức tháng Chạp năm Quý Tỵ). Năm 1953, nhân ngày lễ an vị lạc thành nhà Hậu Tổ, chùa được sắc phong là “Sắc tứ Khải Đoan” – đời vua Bảo Đại. Ở thời điểm năm 1953, mặc dù triều Nguyễn đã kết thúc, nhưng Bảo Đại vẫn là Quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam (miền Nam) và với định chế Hoàng triều Cương thổ ở Cao nguyên Trung Phần (Tây Nguyên) thì Bảo Đại vẫn là Hoàng đế của vùng đất này. Và đây là Sắc tứ cuối cùng của một vị vua Việt Nam ban cho một ngôi chùa Phật giáo. Trải qua hơn nửa thế kỷ, chùa kế tục bảy đời trụ trì. Trụ trì hiện nay là Thượng tọa Thích Châu Quang, đương nhiệm Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đắk Lắk. Năm 1986, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh được thành lập. Chùa được chọn đặt văn phòng Phật giáo của tỉnh cho đến nay. Chùa Khải Đoan là ngôi danh lam bậc nhất trên cao nguyên miền Trung. Nguồn: Tổng hợp báo du lịch tỉnh Đắk Lắk

Đắk Lắk 1094 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Biệt Điện Bảo Đại

Di tích lịch sử Biệt Điện Bảo Đại tọa lạc tại số 2 đường Y Ngông, phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột. Nơi đây trước năm 1905 là nhà hàng Maison Lefévre – một trạm kiểm soát trá hình nhằm khống chế sự giao lưu, quan hệ của đồng bào buôn Kram - Buôn Ma Thuột với các buôn khác và người Kinh từ đồng bằng lên. Đến năm 1914, Công sứ Sabatier đã chọn địa điểm này để xây dựng công sở được gọi là Toà Đại lý Quận trưởng. Năm 1926, sau khi về thay Công sứ Sabatier, Công sứ Giran đã cho cải tạo và xây dựng toà nhà như hiện nay và được gọi là Toà công sứ (Résidence), dân địa phương gọi là Sang Ae Prong (nhà ông lớn). Tháng 11/1947, sau khi được Chính phủ Pháp bảo lãnh đưa về nước với danh nghĩa là Quốc trưởng, Bảo Đại đã làm việc trong khu vực này gần 8 tháng (từ tháng 11/1947 đến khoảng tháng 5/1948). Đến những năm 1949 – 1954, hằng năm vào dịp đầu mùa mưa, ông thường đến đây để nghỉ ngơi và săn bắn, do đó ngôi nhà này còn có tên Biệt Điện Bảo Đại. Ngược về quá khứ, tại di tích này vào năm 1925, giới trí thức người dân tộc thiểu số do thầy giáo Y Jút lãnh đạo, đã bao vây tấn công toà Công sứ, với mục tiêu chính là diệt Sabatier. Cũng chính từ cuộc đấu tranh này là nguyên nhân trực tiếp để chính phủ Pháp phải nhượng bộ đồng bào các dân tộc ở Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk, đưa Giran đến thay. Tháng 3/1945 khi phát xít Nhật tràn lên Buôn Ma Thuột, Công sứ Levo đã giao lại ngôi nhà cũng như toàn bộ chính quyền Đắk Lắk cho phát xít Nhật. Cũng trong năm này di tích này đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của đất nước nói chung và Tây Nguyên – Đắk Lắk nói riêng. Từ sau sự kiện lịch sử ngày 24/8/1945, tòa nhà trở thành trụ sở Hội đồng cố vấn cách mạng, nơi tổ chức các cuộc họp bàn chỉ đạo mọi công việc bảo vệ, xây dựng chính quyền của tỉnh và Nhà nước về mọi phương diện. Một sự kiện quan trọng nữa cũng diễn ra tại di tích này là ngày 01/12/1945 trong lúc thực dân Pháp đã và đang dựa vào quân đồng minh, âm mưu thôn tính nước ta lần thứ hai, một cuộc họp quan trọng bàn về vấn đề bầu cử Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Bùi San chủ trì (Nguyên Ủy viên hội đồng cố vấn cách mạng năm 1945). Cuộc họp đã đề ra các phương án bầu cử Quốc hội trong toàn tỉnh, bằng mọi hình thức giành thắng lợi kể cả trong lúc thực dân Pháp có thể đã có mặt trên toàn tỉnh. Cuộc họp đang triển khai thì bất ngờ Pháp đã tấn công vào Buôn Ma Thuột. Lực lượng Việt Minh đã chống trả quyết liệt, nhiều gương chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, đã sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho lớp lớp các thế hệ sau. Sau năm 1975, Di tích là trụ sở đầu tiên của Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk – trung tâm chỉ đạo mọi hoạt động, chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh những ngày mới giải phóng. Một phần của di tích được sử dụng như nhà khách của Tỉnh ủy Đắk Lắk, đã từng vinh dự đón tiếp những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng – Nhà nước mỗi khi đến thăm và làm việc tại Đắk Lắk : Di tích được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích quốc gia, ngày 26/01/1999, đến ngày 28/02/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đổi tên thành Di tích lịch sử Biệt Điện Bảo Đại. Nguồn: Sở văn hoá thể thao du lịch tỉnh Đắk Lắk

Đắk Lắk 1074 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Lạc Giao

Đình Lạc Giao ở số 67 đường Phan Bội Châu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Đình Lạc Giao là một ngôi Đình, thờ Thành Hoàng theo tập quán người Việt và là một di tích lịch sử đã được xếp hạng về công cuộc khai khẩn đất đai của những người Kinh đầu tiên trên cao nguyên Buôn Ma Thuột. Đây được xem là nơi tụ hội quan trọng và là lời nguyền giao kết của những người Việt từ khắp các miền lưu lạc đến sinh sống ở Buôn Ma Thuột. Đình là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, tế lễ xuân, thu nhị kỳ, là nơi thờ cụ Đào Duy Từ, vị Thần Hoàng bản thổ, thờ cụ Phan Hộ vị tiền hiền, người có công khởi xướng thành lập làng Lạc Giao. Trong những năm 1928 – 1930, người Pháp tìm mọi cách ngăn cấm người Kinh lên Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên. Nhưng ông Phan Hộ, người làng Đại Cát, xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa và một số thương nhân, lúc đi ngựa, lúc đi voi vẫn tìm cách đi lại buôn bán, trao đổi hàng hóa với người Êđê được. Qua gặp gỡ giao lưu với các già làng Êđê và được sự giúp đỡ của ông Ama Thuột, ông Phan Hộ đã làm quen với nhiều người và gây được những thiện cảm tốt. Điểm đặc biệt, thấy Buôn Ma Thuột là vùng đất rộng, bằng phẳng, màu mỡ, rất thuận tiện cho việc chăn nuôi, trồng trọt, phát triển đời sống. Đến năm 1928 ông quay về Khánh Hòa rủ thêm gần chục người là anh em, họ hàng, con cháu đến Buôn Ma Thuột thành lập làng, xây dựng mái Đình lấy tên là Lạc Giao. Để ghi nhớ mối tình đoàn kết này, ông Phan Hộ, xã trưởng xã Lạc Giao bấy giờ được phép chia đất cho một số đồng bào khai hoang, lập vườn, cất nhà trong phạm vi làng Lạc Giao và ông cũng dành một phần đất để dân làng dựng Đình. Ngày nay, theo tài liệu dân gian và tài liệu của Đình Lạc Giao, tên gọi Lạc Giao chính là lời nguyền giao ước an cư lập nghiệp của đồng bào Kinh với đồng bào tại chỗ cùng chung lưng đấu cật để xây dựng vùng đất mới này. Mỗi năm xuân thu nhị kỳ, dân làng Lạc Giao đều tới đây để cầu mong sức khỏe và làm ăn phát đạt cho mình và cho dân làng. Đình Lạc Giao còn là nơi bảo lưu truyền thống cách mạng của đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk lắk trong thời kỳ chống thực dân Pháp, khi cách mạng tháng tám thành công, Đình Lạc Giao là nơi ra mắt chính quyền cách mạng thị xã Buôn Ma Thuột. Ngày 1/12/1945 (tức 27 tháng 10 Ất Dậu) tại địa điểm Trung tâm Văn hóa tỉnh hiện nay, thực dân Pháp bất ngờ tấn công vào một trung đội Nam tiến Lê Trung Đình giết chết hơn 100 chiến sĩ, cùng thời gian này tại trụ đèn ba ngọn (Ngã Sáu ngày nay) giặc Pháp giết hại một số đồng bào ta. Hàng năm cứ đến ngày 27/10 Âm lịch, nhân dân Buôn Ma Thuột lại tổ chức tưởng niệm về những chiến sĩ trận vong và đồng bào tử nạn tại Đình Lạc Giao một cách hết sức trang trọng. Đình Lạc Giao nằm trong địa phận phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk lắk. Đình được xây dựng lần đầu năm 1928 với chất liệu tranh, tre, nứa, lá. Diện tích ban đầu của khu Đình khoảng 700m2, phía Nam giáp đường Y Jut, phía Tây và phía Bắc giáp chợ Buôn Ma Thuột, phía Đông giáp đường Phan Bội Châu. Đình có 2 cửa mở ra đường Phan Bội Châu và Điện Biên Phủ. Năm 1932 Đình Lạc Giao được xây dựng lại bằng gạch lợp ngói theo hình chữ môn, kiểu kiến trúc long thuyền trí trụ, hồi văn, mái bồ câu, trên y môn khắc chạm tứ linh, tứ quý, bờ nóc đắp lưỡng long hàm thực, mái trung đắp cách điệu lưỡng án vân vọng nguyệt, gốc mái liên hồi đắp án vân cách điệu. Lối vào chính điện được trang hoàng hai câu đối. Hậu Đình thờ tự Thần Hoàng và những người có công với đất nước. Hai bên chính điện là hai dãy nhà: nhà tả thờ các linh nam, linh nữ và nhà hữu là nơi tiếp khách, trưng bày chứng tích, phía trước có cổng tam quan đi vào, sau cổng là bức bình phong có chạm khắc hổ phù, sau nữa là một lư hương lớn, Đình đã được trùng tu nhiều lần. Đình Lạc giao được bộ văn hoá, thể thao, du lịch công nhận di tích lịch sử ngày 2 tháng 3 năm 1990. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk

Đắk Lắk 1088 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Nhà Đày Buôn Ma Thuột

Nhà đày Buôn Ma Thuột tọa lạc tại số 17 đường Tán Thuật - phường Tự An - thành phố Buôn Ma Thuột. Được xây dựng trong những năm 1930 – 1931, Nhà đày là nơi giam giữ, đày ải tù chính trị chủ yếu ở các tỉnh Trung kỳ. Tên gọi Nhà đày Buôn Ma Thuột một mặt bắt nguồn từ tên gọi do thực dân Pháp đặt: Pénitencier de Ban Mê Thuột, mặt khác là do tính chất, loại hình các nhà giam của thực dân Pháp. Nhà đày được xây dựng với tổng diện tích gần 2ha, với 4 bức tường bao quanh cao 4m, dầy 40cm, 4 góc đều có vọng gác và có lính canh 24 trên 24 giờ. Phía trong có 6 dãy lao tập thể, các dãy xà lim… đây là nơi giam cầm, đày ải và thủ tiêu các chiến sĩ cách mạng với một chế độ hết sức khắc nghiệt và tàn bạo. Tại Trung Kỳ, Cao nguyên Đắk Lắk bấy giờ bị bao vây giữa bốn bề núi rừng trùng điệp, rậm rạp, nhiều thú dữ. Khí hậu khắc nghiệt, độc địa nóng lạnh thất thường, độ ẩm cao nhiều mầm bệnh nguy hiểm như sốt rét, kiết lỵ, thổ tả dễ phát sinh. Với địa hình cao nguyên rộng, xen kẽ nhiều rừng rậm bao bọc bởi nhiều núi cao, một phía là biên giới với nước ngoài, lại bị chia cắt bởi nhiều thung lũng, sông suối, ít có đường sá, cầu cống. Vào khoảng năm 1900, một nhà lao đã được người Pháp đã xây dựng lên dùng để giam tù chính trị. Tại đây, vùng đất hoang vu, khí hậu độc địa, ít người lui tới, sự khác biệt về ngôn ngữ văn hóa với người dân tộc Ê Đê, hình thành nhà lao giam giữ thì tù nhân khó bề trốn thoát. Cuối thập niên 1920 đầu 1930, phong trào chống thực dân tại Đông Dương tăng cao khi những người bản xứ tiếp thu các tư tưởng cách mạng phương Tây. Số lượng tù nhân chính trị ngày càng tăng cao. Chính quyền liên tục phải mở rộng và xây mới các nhà tù và nhà đày làm nơi lưu đày biệt xứ và giam giữ những nhà cách mạng dân tộc bản xứ bị xử án nặng trên lãnh thổ Đông Dương. Ban đầu Khâm sứ Trung Kỳ chọn xây dựng nhà đày tại huyện Lăk, cách thị xã Buôn Ma Thuột khoảng 50 km. Tuy nhiên, tỉnh trưởng Đắk Lắk bấy giờ đã đề nghị nên xây dựng nhà đày ngay tại thị xã Buôn Ma Thuột trên cơ sở mở rộng nhà lao cũ, với lý do việc xây dựng nhà đày mới đòi hỏi một chi phí lớn trong khi thời đó nước Pháp đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929; đồng thời, nếu xây dựng ở Lăk thì việc giải tù nhân đi rất xa, tốn kém nhiều thời gian. Từ những lý do đó, Khâm sứ Trung Kỳ quyết định chọn thị xã Buôn Ma Thuột là nơi xây dựng nhà đày. Nhà đày Buôn Ma Thuột do thực dân Pháp thiết lập trong thời kỳ 1930 - 1931 để đày biệt xứ và giam giữ những người yêu nước, những đảng viên cộng sản bị bắt, bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ, những người đi đầu trong các cuộc đấu tranh phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Một điểm đặc biệt khác với các nhà tù, nhà đày khác là tù nhân phải tự làm nhà tù để giam giữ chính họ đó là cách nổi bật nhất mà thực dân Pháp tiến hành ở nhà đày Buôn Ma Thuột. Nhà đày toạ lạc trên một khuôn viên rộng gần 2 ha vị trí này gần toà công sứ, trại lính khố xanh, nhà lao tỉnh. Đây là một đồi ít cây lớn, cho phép những xe tải dễ lui tới vận chuyển nguyên vật liệu. Bản thiết kế và kế hoạch do kỹ sư trưởng, giám đốc công chính Trung kỳ soạn thảo. Từ năm 1930 Nhà đày Buôn Ma Thuột đã giam giữ những người hoạt động như: Hồ Tùng Mậu, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hồng Chương, Bùi San, Trần Văn Quang, Ngô Đức Độ, Ngô Xuân Hàm... Di tích lịch sử nhà đày Buôn Ma Thuột còn được nhắc đến với tên gọi nhà phạt. Nơi đây cũng giống như bao nhà tù trên khắp nước Việt Nam, nó không những là minh chứng rõ ràng nhất cho tội ác tàn độc của Đế quốc – Thực dân, mà nơi đây còn được coi như một ngôi trường lớn đã tạo nên những người chiến sĩ cách mạng kiên trung cho đất nước. Nhà đày Buôn Ma Thuột là một di tích lịch sử tại Đắk Lắk, với kết cấu là một di tích hệ thống nhà tù (nhà đày) cũ từ thời Pháp thuộc. Ngày 10 tháng 7 năm 1980 Nhà đày được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk

Đắk Lắk 1304 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Điểm di tích nổi bật